18/06/2018, 16:38

Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Cao Tự Thanh K ỷ hợi tuế nhị thủ Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ, Sinh dân hà kế lạc tiều tô. Bằng quân mạc thoại phong hầu sự, Nhất tướng công thành vạn cốt khô. (Tào Tùng ) 1 . Thật ra đến khoảng 1987 đọc Đường ...

3017278919645931421.jpg

Cao Tự Thanh

Kỷ hợi tuế nhị thủ
Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ,
Sinh dân hà kế lạc tiều tô.
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,
Nhất tướng công thành vạn cốt khô. 
(Tào Tùng )

1 . 

Thật ra đến khoảng 1987 đọc Đường thi kỷ sự mới biết hết bài thơ nói trên và biết đó là của Tào Tùng, chứ trước đó chỉ biết mỗi câu cuối đã được Nguyễn Du dịch ra tiếng Việt trong bài Văn tế thập loại chúng sinh.

Giãi thây trăm họ làm công một người!

Bao nhiêu lãnh tụ, chính khách, danh tướng đã lập công lưu danh bằng máu xương trăm họ rồi?

Năm 1975 về nam đọc Đạo đức kinh thấy câu Binh là việc dữ, chiến là việc nguy, về sau đọc một tác phẩm văn học dịch từ tiếng Pháp thấy câu Bậc danh tướng là kẻ dũng cảm trong chiến trận nhưng hèn nhát trước chiến tranh, vô cùng khâm phục những người nói ra những câu ấy.

Tự nhiên tiến hành chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc thì khác, nếu có điều kiện thì phải làm. Nhưng dùng chiến tranh hay nói rộng ra là dùng bạo lực để dựng đại nghiệp chính trị, thì bất kể động cơ thế nào cũng không khỏi có chỗ bất nhân.

Trong thế kỷ XX, Việt Nam đã có nhiều đại nghiệp chính trị như thế.

Không may mà như thế, đáng tiếc là như thế.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam trở thành quốc gia dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cái vinh dự “đầu tiên” ấy lại đi kèm một tai họa, vì đến 1975 Việt Nam mới ra khỏi 30 năm chiến tranh.

Còn phải suy nghĩ nhiều về cái đại nghiệp năm 1945 kia, vì từ khoảng 1960 – 1963 nhiều nước Đông Nam Á đã được trao trả độc lập. Họ độc lập muộn hơn khoảng 20 năm, nhưng được hòa bình để xây dựng đất nước trước Việt Nam 30 năm.

Sau 1975, ngoài trường hợp Campuchia, về cơ bản họ cũng không có thù hận nào để phải hòa giải và hòa hợp dân tộc, không có hậu quả chiến tranh nào để phải tái thiết hậu chiến. Họ cũng có sai lầm, cũng có khó khăn, nhưng không có tai họa như Việt Nam.

Binh là việc dữ, chiến là việc nguy, người xưa cũng nói sai nhiều điều, nhưng điều này thì chắc chắn không sai.

2 . 

Sau 30 năm chiến tranh trước 1975 và 10 năm sống trong chế độ bao cấp thời chiến trước 1986, con người Việt Nam đã rơi khá sâu vào lối tư duy bạo lực, điều này thể hiện qua ngôn ngữ.

Phong trào Mùa hè xanh của sinh viên về dạy học cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa thì gọi là Chiến dịch, nhiều người cùng ra làm vệ sinh trên đường phố thì gọi là Ra quân, bắt được nhiều chuột phá lúa thì gọi là Dũng sĩ, Chiến sĩ diệt chuột, nhiều lãnh vực hoạt động vốn rất hòa bình như giáo dục, kinh tế thì gọi là Mặt trận… Thậm chí cả bài Quốc ca cũng có câu Tiến mau ra sa trường với Lập chiến khu vân vân.

Trời đất ơi!

Một dân tộc quanh năm nghe thúc giục ra sa trường lập chiến khu, ra đồng gặp dũng sĩ, lên phố thấy ra quân, lâu lâu thì có chiến dịch, nhìn đâu cũng thấy mặt trận, thì làm gì mà không nảy sinh nhiều nhân vật muốn trở thành danh tướng.

Thời thế tạo anh hùng, thì anh hùng sẽ cố gắng tạo thời thế thôi.

Ngững người lưu vong chống cộng nước ngoài,  đối lập chính trị trong nước cũng hành xử theo lối tư duy ấy đấy. Chuyện Tổ quốc ăn năn trong entry trước là một ví dụ ít ra cũng khá điển hình.

Ở các quốc gia Nho giáo ngày xưa, nhà vua tự nhận là Thiên tử – con trời, kẻ nhận mệnh trời để thống ngự vạn dân. Các lực lượng phi chính thống thường bị quy định bởi các khuôn mẫu chính thống, nên không lạ gì mà thời phong kiến nhiều phong trào nông dân khởi nghĩa đã giương cờ Thế thiên hành đạo – Thay trời hành đạo, tức cũng tuyên truyền rẳng mình nhận mệnh trời để đánh đổ các Thiên tử, cũng xưng vương xưng đế vân vân.

Hình thành từ chiến tranh và phát triển trong chiến tranh, các hệ thống chính trị ở Việt Nam đến 1975 vẫn quen dùng bạo lực, kể cả lúc có lý lẫn lúc đuối lý. Việc các lực lượng chính trị đối lập ở Việt Nam sau 1975 bị quy định bởi khuôn mẫu chính thống cũng như tập quán truyền thống vì vậy chỉ là một chuyện cũ mèm.

Có điều làm chính trị đối lập mà thích dùng bạo lực, muốn làm danh tướng chính khách lãnh tụ, thì nguy cơ Giãi thây trăm họ làm công một người khó mà không trở thành hiện thực.

Dĩ nhiên nếu họ tự động quyên góp tiền bạc, mua sắm tàu chiến, huấn luyện binh sĩ, nhân danh những người yêu nước tự do kéo quân ra thu hồi Hoàng Sa, là ví dụ thế, thì cho dù ngu xuẩn cũng là chuyện khác.

Nhưng họ không ngu kiểu ấy, họ khôn….

3 .

Khoan hãy nói sự ấy là đúng hay sai, hay hay dở, cứ nghĩ xem tại sao nó lại như thế.
Trở lại các đại nghiệp chính trị đối lập và kế tục nhau ở Việt Nam thế kỷ XX, có thể thấy chúng ít nhất cũng có ba điểm chung.

Một là đều dùng bạo lực để giành và giữ chính quyền, điều này không cần nói nhiều. Để hất Bảo Đại, Ngô Đình Diệm đã dùng bạo lực, và sau khi rời ghế Thủ tướng qua làm Tổng thống, Ngô chí sĩ cũng liên tiếp dùng bạo lực. Bình Xuyên, Hòa Hảo, Việt Minh, ai hàng sau thì chết trước… Sau 1954, cải cách ruộng đất ở miền Bắc cũng sử dụng một thứ bạo lực chính trị bất chấp luật pháp. Nhiều người chống cộng, nhiều nhà dân chủ ở Việt Nam hiện nay vẫn hành xử đúng theo tập quán cực đoan được tạo ra bởi các tiền bối của họ, hết hô hào đứng lên chống đối tới đề ra kế hoạch lật đổ, thậm chí có người còn kêu gọi công nhân đừng tới xưởng, nông dân không ra đồng, định gây ra sự đảo lộn toàn bộ sinh hoạt xã hội để làm áp lực với chính quyền.

Hai là ở những mức độ khác nhau, các lực lượng chính trị ở Việt Nam trước 1975 đều ít nhiều phụ thuộc hay nhờ vả nuớc ngoài để xây dựng đại nghiệp. Ngoài chính phủ Trần Trọng Kim, sau tháng 8. 1945 thì chính quyền Bảo Đại rồi Việt Nam cộng hòa từ thời Ngô Đình Diệm đến thời Nguyễn Văn Thiệu, cả Việt Nam dân chủ cộng hòa sau Chiến dịch Biên giới 1950 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 cũng thế. Không lạ gì mà các nhân sĩ chống cộng sau 1975 đều ra sức vận động nước ngoài – thế giới dân chủ. Họ muốn đưa đất nước này về chỗ nào và với giá nào thì chỉ có họ và đối tác mới biết, nhưng chắc chắn họ đều toan mượn sức ngoại nhân làm phương tiện để lên ngôi!

Ba là tất cả các đại nghiệp chính trị ở Việt Nam trong thế kỷ XX đều chưa kịp làm gì để phát triển kinh tế xã hội, thậm chí trong nhiều trường hợp vô hình trung còn là phá hoại. Việt Nam cộng hòa chống cộng, đàn áp những người kháng chiến cũ, xây dựng ấp chiến lược, Việt Nam dân chủ cộng hòa cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nhiều thứ, tóm lại đều tổ chức những xã hội thời chiến làm phương tiện và kết quả là cùng tạo ra ở Việt Nam sau 1975 một xã hội phân loại công dân. Nhiều nhà dân chủ – chống cộng ở Việt Nam hiện nay cũng chẳng hơn gì những kẻ họ đang chống đối, thậm chí kinh tế càng khó khăn, xã hội càng suy thoái, ngoại nhân càng lấn lướt có khi họ lại càng vui mừng, vì đó chính là những tư liệu để họ chứng minh về sự yếu hèn của chế độ mà họ gọi là cộng sản. Tâm lý hỷ tai lạc họa chỉ sợ thiên hạ không đại loạn ấy chính xuất phát từ chỗ họ chỉ chăm chăm vào việc phát triển quyền lực và ảnh hưởng chính trị chứ không hề quan tâm tới tương lai đất nước và đời sống nhân dân.

Không nói tới những tác động bất lợi đối với sinh hoạt xã hội và phong khí văn hóa, ba nhược điểm truyền thống nói trên cũng tác động xấu tới tư duy và tập quán ứng xử chính trị của nhiều người Việt Nam kể cả chính thống lẫn đối lập.

Chẳng lạ gì mà những người đối lập kia chỉ giỏi các các trò khôn vặt!

4 . 

Truyền thống quy định chính thống, chính thống quy định phi chính thống, thế đấy. Và vì chính trị luôn là đặc quyền cũng như ưu thế xã hội của trí thức, nên cứ trở lại với truyền thống của trí thức Việt Nam thế kỷ XX.

Sự tiếp nhận Nho giáo một cách không toàn diện, không đồng bộ trong nhiều thế kỷ khiến nho sĩ Việt Nam trong lịch sử không có những nhà triết học mặc dù cũng nảy sinh không ít các nhà bách khoa. Ngoài cái học tu tề trị bình và các vấn đề có liên quan để làm chính trị, nho sĩ Việt Nam nói chung ít quan tâm tới những cái học khác, và càng không có nhiều người tổng kết những cái học khác. Âm nhạc, kịch nghệ, hội họa truyền thống chẳng hạn, đã mau chóng tàn lụi sau khi người Pháp áp đặt ách thống trị lên toàn Việt Nam. Văn Cao, Bùi Xuân Phái là những nghệ sĩ lớn, nhưng nói như Nguyễn Văn Trung, đó đều là những kẻ mồ côi truyền thống.

Giáo dục thời phong kiến buộc chặt người học vào chính trị, giáo dục thời Pháp thuộc cô lập người học với chính trị, giáo dục ở Việt Nam từ 1945 trở đi tuy có khác nhau ở từng lúc từng nơi nhưng cũng đều nhằm phục vụ mục tiêu chính trị, tóm lại đều được trực tiếp nhìn qua lăng kính chính trị mặc dù từ nhiều góc độ và với nhiều mức độ khác nhau. Nền giáo dục thiên về các chế định chính trị mà tách rời nhiều giá trị truyền thống như vậy đã làm méo mó mặt bằng dân trí. Cho nên Việt Nam hiện nay có những người đạt tới tầm quốc tế về mặt tri thức, nhưng cũng có những người không biết tới cả những khái niệm pháp luật cơ bản nhất…

Với một mặt bằng dân trí khấp khểnh lồi lõm, một mặt bằng kinh tế xã hội yếu kém lạc hậu như ở Việt Nam sau 1945, không một đại nghiệp chính trị nào có thể đứng vững chứ đừng nói là trường tồn. Đâu phải ngẫu nhiên mà sau khi mất đi động lực chiến tranh từ tháng 4. 1975, hệ thống chính trị ở Việt Nam lại mất hướng trong mười năm bao cấp rồi lạc hướng từ 1986 trong thời mở cửa. Cấu trúc chính trị – pháp lý quân chính thời chiến đã trở thành gánh nặng cho việc cải cách hành chính thời bình, và nếu nghĩ rằng việc cải cách hành chính – pháp lý hiện nay là một bộ phận của cuộc cách mạng hiện đại hóa, dân chủ hóa, thì tuyệt đối không được nghĩ tới việc sử dụng bạo lực. Chỉ có cải tạo mặt bẳng dân trí bẳng giáo dục và thông tin, nâng cao mặt bằng kinh tế xã hội bằng khoa học và công nghệ thì chế độ chính trị hiện nay mới có thể được phản biện để không sụp đổ, mà nếu không may nó bị sụp đổ, thì đại nghiệp chính trị của dân tộc Việt Nam vẫn có thể phục hồi.

5 . 

Thôi thế nhé.

Các vị dân chủ dốt nát, các nhà phản kháng ít học, xin câm miệng giùm cái. Dân tộc này không phải là công cụ cho các vị thể nghiệm để thỏa mãn tham vọng chính trị hay tham vọng cá nhân đâu. Các vị giống hệt những kẻ các vị đang chống đối chửi rủa thôi, có khi còn ngu hơn, hèn hơn mà lại muốn Giãi thây trăm họ làm công một người, thì không khỏi có chỗ quá phận đấy.

Còn công tội của những người cầm quyền hiện nay, thì hậu thế sẽ phán xét, lịch sử sẽ phán xét.

Tháng 6. 2009
_____

P/S: Đoạn sau đây là trong entry a33 Đường ranh ảo thực mong manh lắm viết lúc tháng 10. 2007, trích post lại như một Phụ lục để mọi người tham khảo thêm.

Có lần uống rượu với một nhà thơ từng bị quản thúc ở Tây Nguyên, lúc hơi say tôi nói với anh đại khái là “Cái lối quăng đơn thư kiện tụng và văn chương chống đối của các anh lên các website nước ngoài (lúc ấy Việt Nam chưa có blog) giống như rải truyền đơn, dĩ nhiên rất được những người chống cộng ở nước ngoài tán thưởng, nhưng chính vì thế mà chính quyền phải dùng biện pháp cứng rắn với các anh. Đi theo một con đường kích thích bạo lực, vô hình trung các anh đã đẩy quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay vào một mâu thuẫn đối kháng, trong khi xã hội Việt Nam hiện nay chỉ có thể chấp nhận một cuộc đấu tranh để thuyết phục chứ không phải để tiêu diệt đối phương, bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc phủ định quá khứ 1945 – 1975. Những người chống cộng kia thí mạng các anh đấy, và các anh được một đám nhiều lắm là vài mươi ngàn người ở nước ngoài ủng hộ bằng mồm mà tưởng mình đang làm cách mạng, trong khi tám mươi triệu dân trong nước thì các anh bỏ qua” (…). Sau đó khi được xem một trò hề có tên là Tuyên ngôn dân chủ gồm 118 người ký tên gì đó, tôi rất mừng vì không thấy anh có mặt trong cái đám ở không phá bĩnh ấy…

Nguồn bài đăng

0