18/06/2018, 16:38

Vài ghi chú về chữ Việt cổ (bài 2)

Đặng Thanh Bình Sơ lược Thượng thư đại truyện chép: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường dùng nhiều lớp thông ngôn đến hiến chim trĩ trắng”. Lịch sử cổ đại Việt Nam của Đào Duy Anh chép: “Sách Thượng thư đại truyện là của Phục Thắng (thường gọi là Phục ...

aa.jpg

Đặng Thanh Bình

  1. Sơ lược

Thượng thư đại truyện chép: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường dùng nhiều lớp thông ngôn đến hiến chim trĩ trắng”.

Lịch sử cổ đại Việt Nam của Đào Duy Anh chép: “Sách Thượng thư đại truyện là của Phục Thắng (thường gọi là Phục Sinh) ở đầu thời Hán, đọc cho học trò chép thành. Nếu chúng ta xét rằng, Phục Thắng vốn là một vị bác sĩ thời Tần sống sót lại, đã từng sống trước cuộc đốt sách của nhà Tần thì chúng ta có thể tin rằng chuyện Việt Thường hiến trĩ trắng chép đó không phải là Phục Thắng bịa đặt, mà tất đã từng được đọc ở trong sách xưa. Như vậy thì trước thời Tần Hán, hẳn rằng ở Trung Hoa đã có thuyết Việt Thường hiến trĩ trắng mà cái tên Việt Thường hẳn là tên một nước xưa ở thời nhà Chu”.

Thông chí do Trịnh Tiêu thời Lưu Tống (420 – 479) biên soạn, chép: “Đời Đào Đường, ở Man Di có Việt Thường Thị, qua nhiều lần thông dịch, đến hiến một con Rùa thần, Rùa được ngàn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ Khoa đẩu, chép việc từ lúc khai Thiên lập Địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch Rùa”.

Như vậy là sử sách ghi chép rằng có nước Việt Thường ở phía Nam Giao có chữ viết gọi tên Khoa Đẩu, tuy nhiên Việt Thường thị nằm ở đâu? Có phải là vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả ngày này không?

Truyện Mộng Ký trong tác phẩm Thánh Tông di thảo có chép lại vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) vào một đêm mưa gió đã nghỉ lại bên hồ Trúc Bạch mộng thấy người con gái dâng một bức thư có 71 chữ viết ngoằn ngèo, không thể đọc được. Ba năm sau trong một giấc mộng khác, Lê Thánh Tông gặp một người tiên thổi sao, vua hỏi về chữ viết lạ trong giấc mộng thấy năm xưa, người Tiên trả lời: Chữ viết ấy là chữ viết cổ của nước Nam, nay ở miền núi có người biết được, vua vời họ đến, tự khắc sẽ biết.

Trong tác phẩm Thanh Hoá quan phong của Vương Duy Trinh viết năm Thành Thái thứ 15 (1903). Tác giả đã sưu tầm được một hệ thống chữ cái và một bài ca viết bằng thứ chữ ấy và Duy Trinh cho rằng người miền núi còn có chữ thì người xuôi tất có chữ.

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu chữ viết cổ của người Việt trong đó 2 người gây được sự quan tâm đó là: tác giả Lê Trọng Khánh (với Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ) và tác giả Đỗ Văn Xuyền (với Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ). Tuy nhiên theo một nhận xét của tác giả Phan Anh Dũng (fanzung) trong bài Về chứ Thái Việt Nam trong tác phẩm Thanh Hoá Quan Phong thì: “Gần đây, lại có nhiều học giả lặp lại giả thuyết của GS Bửu Cầm như GS Lê Trọng Khánh và nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền trong công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ (…) hoặc của một tác giả chưa biết tên trên trang mạng (…). TS-nhà nghiên cứu Phật học Lê Mạnh Thát cũng đưa ra một số tư liệu chứng minh người Việt cổ đã có chữ viết từ lâu, nhưng ông đi theo một hướng khác mấy vị trên, và không viện dẫn tới cuốn Thanh Hóa quan phong, nên trong phạm vi bài này chúng tôi không đề cập”. Không chỉ có Anh Dũng cho rằng: hệ thống chữ viết của Văn Xuyền phát hiện ra là chữ Thái mà ngay cả Trọng Khánh cũng đồng ý với nhận định này.

1

Người tiền Việt Mường sinh sống ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Phía bắc họ giáp với tộc người Choang – Tày – Nùng, phía tây giáp với người Thái, phía nam giáp với người Chăm. Phía bắc, người Choang Tày Nùng giống như người Việt, dùng chữ Nôm được chế ra từ chữ Hán. Phía tây (người Thái), phía nam (người Chăm) và cả phía tây nam (người Khmer) đều dùng chữ viết có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Trong bài Chữ viết của người Thái ở Việt Nam của tác giả Tạ Văn Thông chép: “Chữ Thái cổ ở Việt Nam có nguồn gốc và có quan hệ với các hệ chữ khác có tự dạng Sanskrit ở Đông Nam Á, như chữ Khơ me, chữ Môn, các hệ chữ Thái như chữ Thái Lan (Xiêm), chữ Lào, chữ Lự, chữ Shan… Các hệ chữ Thái cổ ở Việt Nam đều bắt nguồn từ chữ  Pallawa ở Nam Ấn Độ, ra đời khoảng thế kỷ III – V sau Công nguyên. Thời kì đầu chữ Pallawa dùng chỉ để ghi tiếng Pali và Sanskrit. Sau đó, nó được người Khơ me, người Môn và muộn hơn được người Miến Điện và ngườiThái sử dụng và biến đổi đi ít nhiều để ghi ngôn ngữ của mình. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, các chữ viết cổ truyền Thái ở Việt Nam và Lào, Thái Lan đều có nguồn gốc trực tếp từ chữ Khơ me. Người Thái đã vay mượn và cải biến chữ Khơ me để tạo ra chữ Thái khoảng thế kỷ thứ IX sau Công nguyên. Từ dạng chữ Thái cổ này đã sinh ra chữ Phạc Khăm của Lào, chữ Su Kho Thai của Thái Lan và các dạng chữ của các nhóm Thái ở Việt Nam. Một số tác giả lại hình dung khác. Họ cho rằng các hệ thống chữ Thái ở Việt Nam có quan hệ chặt chẽ và bắt nguồn trực tiếp từ chữ Phạc Khăm, và chữ Phạc Khăm lại bắt nguồn từ chữ Su Kho Thai”.

Trong Lại bàn về chữ Việt cổ Phan Anh Dũng viết: “Theo tôi chữ Việt cổ không phải là không có khả năng tồn tại, nhưng không thể tìm kiếm theo hướng của ông Xuyền !  Tôi là người đầu tiên đưa lên diễn đàn Viethoc.org/phorum thông tin khảo cổ về chữ Lạc Việt có niên đại hơn 4000 năm trước trên các xẻng đá tìm được ở Cảm Tang, huyện Bình Quả, tỉnh Quảng Tây (T.Q), tiếc là diễn đàn đó giờ đã bị xóa (…)”

  1. Hiện vật khảo cổ

2.1 Những hình ảnh khảo cổ (dẫn lại của nhiều tác giả)

– Đồ gốm do Colani phát hiện tại Hoà Bình

2.jpg

– Rìu đá do Đỗ Quý Bào phát hiện ở Việt Trì (Phú Thọ)

3.jpg

– Rìu đồng Bắc Ninh

4.jpg

– Tấm che ngực đồng ở Viện bảo tàng lịch sử

5.jpg

– Đá ở Sa Pa (Lào Cai)

6.jpg

– Trên trống đồng Lũng Cú (Hà Giang)

7.jpg

2.2 Nhận xét:

– Những hình ảnh trên chủ yếu được lấy từ sách Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ của tác giả Đỗ Văn Xuyền, trong sách Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ của tác giả Lê Trọng Khánh cũng cung cấp những hiện vật khảo cổ như đã nói ở trên, tuy nhiên về chữ khắc trên hiện vật thì có tự hình gần giống nhau. Có lẽ tác giả Văn Xuyền đã cách tân chút xíu khi sao chép. Ngoài việc giải mã những chữ cổ ấy, tác giả Trọng Khánh còn có một nhận xét rất đáng chú ý, đó là: những chữ khắc trên trống đồng Lũng Cú ở Hà Giang không phải là chữ viết của người Lô Lô. Xin xem thêm sách của 2 tác giả này!

– Những ký hiệu được cho là chữ viết cổ này được tìm thấy ở trên rất nhiều hiện vật có các chất liệu khác nhau như: đá, gốm, đồng và những hiện vật này cũng rất đa dạng như: rìu, tấm che ngực, trống đồng, tảng đá, bình gốm và chúng được phát hiện ở trong phạm vi rất rộng, tuy nhiên lại không phân bố đều, phần nhiều tập trung ở Tây Bắc (hoặc rìa Tây Bắc).

– Trên trang GOCNHIN.NET tác giả Thu Tứ có bàn về chiếc qua đồng có khắc chữ được tìm thấy ở Thanh Hoá trong sách Chữ trên đá chữ trên đồng của tác giả Hà Văn Tấn (mà đã nói ở phần 1) như sau: “Vào đời Xuân Thu, một bộ phận người Sở còn nói tiếng bản ngữ và rất có thể đã phát minh ra một thứ chữ viết. Có phải họ đã khắc chữ của mình lên món vũ khí mượn của người Hoa, rồi khi bại trận chạy xuống phương nam đã mang theo chăng? Mang đây là mang sáng kiến thôi, chứ chiếc qua đồng ở Thanh Hoá có lẽ đã được đúc ở Thanh Hoá”.

– Nhận xét này của tác giả Thu Tứ được chúng ta mở rộng tối đa đối với hệ thống chữ viết mà các tác giả Lê Trọng Khánh, Đỗ Văn Xuyền phát hiện ra. Các hiện vật khảo cổ có khắc chữ mà các tác giả này sử dụng có phải là sản phẩm của nhóm người Thái, vì lưu lạc mà được tìm thấy ở lãnh thổ của người Việt? Như chúng ta đã thấy, trống đồng có mặt ở toàn vùng Đông Nam Á và Nam Trung Hoa nhưng nơi đầu tiên tạp ra trống đồng thì chỉ có một. Những nơi khác có được là thông qua sao chép, trao đổi. Do vậy mà không loại trừ những sản phẩm khác như: người Sở học cách làm qua của người Hoa hay người Thái học cách làm các sản phẩm của người Việt và ngược lại. Trong trường hợp này, một sản phẩm được cho là của tộc người này hoàn toàn có thể được khắc chữ của tộc người khác.

– Đã có những đóng góp quan trọng của khảo cổ học về những bằng chứng của sự tồn tại chữ viết, tuy nhiên từng ấy vẫn là chưa đủ, chưa đủ để thiết lập một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh, có nguồn gốc khác biệt rõ ràng với những hệ thống chữ viết lân cận.

** Tóm tắt:

– Trong phần 1, tôi có mô tả qua về không gian văn hoá của người Việt. Chúng ta cũng đã thấy tồn tại một họ chữ viết (tượng hình) rất lớn ở phía bắc, mà cụ thể là: Chữ trên xẻng đã lớn ở Quảng Tây (đời 1); chữ viết trên qua (của người Sở) ở Hồ Nam, chữ viết của người Việt ở Chiết Giang, chữ Giáp Cốt của người Hán ở Hà Nam (đời 2); chữ viết của người Thuỷ ở Hồ Nam, chữ viết của người Bố Việt ở Quảng Tây, chữ viết của người Trung Quốc ngày nay (đời 3); chữ Nôm của người Việt, Tày Nùng Choang, của người Nhật Hàn (đời 4). Đời ở đây hiểu là biến thể không đồng thời, là sự biến đổi nhưng cách nhau khoảng thời gian dài.

– Trong phần 2 này, chúng ta thấy tồn tại một họ chữ viết (tượng thanh) cũng rất lớn ở phía tây và phía nam, mà cụ thể là: Chữ của nhóm người Thái phía tây, của người Khmer ở tây nam và của người Chăm ở phía nam. Họ chữ viết này bắt nguồn từ Ấn Độ và xuất hiện cũng như phát triển xung quanh văn hoá tiền Việt Mường vào thời điểm sau công nguyên. Thời điểm công nguyên người tiền Việt Mường đã bị ảnh hưởng bởi văn hoá phương bắc, mà chủ yếu thông qua hình thức chạy loạn và buôn bán. Đó là lý do mà tuy giống người Chăm ở phương nam, nhưng người tiền Việt Mường lại không thể thu nhập và sáng tạo một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh có nguồn gốc từ Ấn Độ. Rõ ràng là nếu người Việt có chữ viết thì hệ thống chữ ấy không thể nào nằm trong cùng họ chữ với người Thái, Khmer và Chăm. Và lịch sử của người Việt đã cho thấy, chữ viết của họ được xếp vào họ chữ phương bắc (họ chữ của người Hán, Sở, Việt Mân, Bố Việt, Thuỷ) mà bằng chứng là chữ Nôm.

– Người Việt không thể có hệ thống chữ viết của họ phương tây (họ chữ của người Thái, Khmer, Chăm) lại là đời sau của họ chữ phương bắc. Vậy người Việt có chữ viết không? Chữ mà do họ tạo ra chữ không phải đi vay mượn. Có một thời điểm quan trọng trong tiến trình của họ chữ phương bắc, đó là thời điểm chữ trên xẻng đá lớn ở Quảng Tây xuất hiện, Quảng Tây thì rất gần với lãnh thổ của người tiền Việt Mường. Có khi nào ở thời điểm đó, người tiền Việt Mường mượn chữ (đời 1) để sáng tạo một hệ thống chữ (lúc này là đời 2 tương đương với chữ viết trên qua của người Sở và chữ Giáp Cốt của người Hán)? Hay người Việt còn một hệ thống chữ viết nào đó, mà khác biết hẳn với họ chữ phương bắc và họ chữ phương tây?

P/S: Nó thực sự là rất thú vị, tôi rất muốn trình bày với các bạn ngay, tôi mới chỉ có ý tưởng thôi, tôi cần bằng chứng thật thuyết phục, tôi đang tìm nó, tôi cần thời gian. Và tôi sẽ trình bày điều thú vị chắc chắn sẽ làm bạn ngạc nhiên trong phần 3.

0