18/06/2018, 16:38

Chuyện liên quan đến các quan lại ở Khánh Hòa cuối thế kỷ 19- đầu thế kỷ 20

Tuần phủ Đào Phan Duân trước dinh Tuần phủ Khánh Hòa (nay là khuôn viên Ủy ban Nhân dân huyện Diên Khánh) (ảnh do ông Phạm Phú Viết cung cấp) Nguyễn Văn Nghệ Tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) vua Minh Mạng bắt đầu chia tỉnh hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam. Đổi đơn vị hành ...

dsc06556

Tuần phủ Đào Phan Duân trước dinh Tuần phủ Khánh Hòa (nay là khuôn viên Ủy ban Nhân dân huyện Diên Khánh) (ảnh do ông Phạm Phú Viết cung cấp)

Nguyễn Văn Nghệ

      Tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) vua Minh Mạng bắt đầu chia tỉnh hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam. Đổi đơn vị hành chánh “ Trấn” thành “Tỉnh”, đặt các chức Tổng đốc , Tuần phủ, Bố chánh , Án sát và Lãnh binh (trước đây đứng đầu “trấn” là Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp).

    Trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh khánh Hòa thống trị 2 phủ Diên Khánh, Ninh Hòa và 4 huyện Phước Điền, Vĩnh Xương,Quảng Phước, Tân Định. Trước 2 huyện Hoa Châu và Phước Điền, nay gộp làm huyện Phước Điền(1)

    Hai huyện Vĩnh Xương và Tân Định  thuộc Khánh Hòa là những nơi giản khuyết( nơi huyện ít việc)(2)

    Hai phủ Diên Khánh và Ninh Hòa  là những phủ trung khuyết, nên  mỗi phủ đặt 1 Tri phủ và Tri phủ Ninh Hòa kiêm lí ‎(3) huyện Quảng Phước, thống hạt(4) huyện Tân Định. Tri phủ Diên Khánh kiêm lí huyện Phước Điền, thống hạt huyện Vĩnh Xương(5)

   Tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận có chung một Tuần phủ, gọi là Tuần phủ Thuận – Khánh, dinh Tuần phủ Thuận – Khánh đóng tại Bình Thuận. Như vậy tại tỉnh Khánh Hòa chỉ thiết lập 2 dinh Bố chánh và Án sát mà thôi.

    Tuần phủ Thuận – Khánh đầu tiên là Hoàng Quốc Điều. Bố chánh sứ, Án sát sứ, Lãnh binh quan đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Văn Điển, Hoàng Sĩ Quang, Trương Văn Thận(6)

   1 –    Dinh Tuần phủ được thiết lập tại tỉnh Khánh Hòa vào năm nào?

    Sau khi dẹp xong phong trào Cần vương ở Bình Thuận và Khánh Hòa, với nhiều lần thương thuyết, thực dân Pháp giao trả hai tỉnh ấy lại cho triều đình. Tháng 7 năm Đinh Hợi (1887) triều đình đặt quan lại ở hai tỉnh này. Tỉnh Khánh Hòa thì nguyên Thị lang lãnh Tuần phủ Bình Thuận (giáng 2 cấp phải ly chức) là Vũ Doãn Tuân, án bổ Hồng lô Tự khanh lãnh Bố chánh tỉnh Khánh Hòa; Kinh kỳ đạo,Chưởng ấn Ngự sử là Nguyễn Văn Chất, thăng thụ Án sát tỉnh Khánh Hòa; Quản cơ Lê Văn Bình, thăng thụ Phó Lãnh binh tỉnh Khánh Hòa (7)

   Tháng giêng năm Mậu Tý(1888) cho Tổng đốc Bình Thuận, Khánh Hòa dời đến đóng ở Khánh Hòa với lý do là tỉnh thành, kho tàng, nha thự hiện ở Bình Thuận đều đã bị tàn phá(8). Tháng 3 năm Mậu Tý (1888) cho Bố chánh  tỉnh Khánh Hòa là Vũ Doãn Tuân, thăng thụ Tuần phủ, quyền Tổng đốc Bình Thuận, Khánh Hòa(9). Sau Vũ Doãn Tuân thăng Tổng đốc và ông giữ chức Tổng đốc Thuận – Khánh hơn 10 năm rồi được đổi bổ đi nơi khác. Thay thế Vũ Doãn Tuân là Tổng đốc Hồ Đệ . Năm 1903 Tổng đốc Hồ Đệ vẫn còn giữ chức Tổng đốc Thuận- Khánh.  Sau khi Hồ Đệ đổi đi giữ chức Tổng đốc Quảng Nam thì chức Tổng đốc Thuận Khánh tạm ngưng(10). Trong năm 1906 Bố chánh Nghệ An là Tôn Thất Thiệm được thăng Thuận – Khánh tổng đốc, nhưng vừa được thăng thì vào tháng 9 năm Bính Ngọ (1906) “ Tổng đốc Thuận – Khánh mới là Tôn Thất Thiệm đổi làm Tổng đốc Thanh Hóa, chức Tổng đốc Thuận – Khánh chiểu lời chuẩn gần đây đình bãi”. Việc ông Tôn Thất Thiệm vừa được thăng Tổng đốc Thuận – Khánh lại đổi đi làm Tổng đốc Thanh Hóa được ông Nguyễn Văn Mại vào thời điểm đó đang giữ chức Án sát Khánh Hòa thuật lại: “ Lúc ấy Bố chánh Nghệ An là ông Tôn Thất Niệm thăng Thuận –Khánh tổng đốc( Đại Nam thực lục dịch là Tôn Thất Thiệm- TG). Ông với ta cùng là rễ họ Thân, lại cùng đi một sứ bộ, tri giao càng thân. Ta tiếp được giấy liền hồi thư chúc mừng, trong thơ có câu :

                   Thử hành nhược hữu thư thiên khoán

                   Mãn tải huề lai tác thụy ma

     Trong ‎‎ ý ta muốn nói tỉnh Khánh Hòa, đất hẹp dân ít, việc giảm tục thuần, nên mừng cho ông. Bất ý ông được thơ ta , cho rằng tình thế Khánh Hòa hiện tại không nên thiết Đốc Vũ, triều đình cũng thấy lời giảm được một cự phí, bèn đổi ông ra Tổng đốc Thanh Hóa, còn tỉnh Khánh Hòa chỉ thiết hai ty Bố chánh, Án sát phân trị. Từ đó chức Thuận – Khánh tổng đốc bãi bỏ” (11).

   Tháng giêng năm Ất Mão (1915) đổi Bố chánh Khánh Hòa làm Tuần phủ Thuận Khánh. Năm này tỉnh Khánh Hòa mới đặt lại chức Tuần phủ sau khoảng 10 năm tỉnh không có chức quan này và người lãnh chức Tuần phủ Thuận – Khánh lần này là Đào Phan Duân(12).

     Sau năm 1975 dinh Tuần phủ Khánh Hòa (dân trong vùng gọi là dinh ông Tuần) vẫn còn tồn tại trong khu vực Ủy ban Nhân dân huyện Diên Khánh và sau đó được phá bỏ để xây dựng các công trình khác.

         2-  Phạm Ngọc Quát chưa từng giữ chức Án sát và ông Nguyễn Văn Mại cũng chưa từng giữ chức Tuần phủ trong lúc làm quan ở Khánh Hòa

     Trong bài viết : “Ta được biết những gì về Án sát Phạm Ngọc Quát và những âm mưu cùng thực dân Pháp tử hình chí sĩ Trần Quí Cáp năm 1908?” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đăng trên www.gactholoc.net. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết: “Hội thảo khoa học về chí sĩ Trần Quí Cáp ở Hội An  14/07/2012. Sau hơn một thế kỷ qua(1908-2012), giới nghiên cứu sử học đã biết rõ người âm mưu cùng thực dân Pháp, tử hình chí sĩ Trần Quí Cáp vào năm 1908 là Án sát Khánh Hòa Phạm Ngọc Quát”.

  Trong bài viết này ở đề mục : “ Phạm Ngọc Quát trong sử sách triều Nguyễn”,ông Nguyễn Đắc Xuân dẫn chứng 6 cột mốc lịch sử về hoạn lộ của Phạm Ngọc Quát theo sử sách và ông ta kết luận: “Sáu sự kiện trên , cho ta biết trong 8 năm(từ năm 1907 đến năm 1915) Phạm Ngọc Quát đã trải qua các chức Bố chánh rồi Án sát ở Khánh Hòa (1907-1908)”.

   Cũng  trong bài viết này ở đề mục : “Bàn tay sạch và nhân cách”, ông Nguyễn Đắc Xuân viết: “ Thủ phạm giết chết chí sĩ Trần Quí Cáp là Phạm Ngọc Quát việc đó đã rõ ràng. Tuy nhiên nghiên cứu về hoàn cảnh đưa đến cái chết ấy ngoài Phạm Ngọc Quát các nhà nghiên cứu lâu nay rất băn khoăn về vai trò của Tuần vũ Khánh Hòa Nguyễn Văn Mại- Vị quan Nam triều cấp trên trực tiếp của Án sát Phạm Ngọc Quát lúc ấy ra sao?”.

     Trong bài viết ông Nguyễn Đắc Xuân còn khoe : “ Tôi may mắn đã có được tập Lô Giang tiểu sử từ hơn 30 năm qua” và ở phần chú thích ông ghi : “ Do ông Nguyễn Hy Sơn – cháu đích tôn của cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại cung cấp”.

   Rất tiếc là ông Nguyễn Đắc Xuân có tập Lô Giang tiểu sử từ hơn 30 năm qua nhưng ông không đọc kỹ cho nên mới lẫn lộn chức vụ của Phạm Ngọc Quát và Nguyễn Văn Mại một cách trầm trọng như thế!

   Theo Lô Giang tiểu sử vào năm 1905  Bố chánh Khánh Hòa là Mai Khắc Đôn, Án sát Khánh Hòa là Nguyễn Đình Văn. Tháng 11 năm Ất Tỵ (1905) ông Nguyễn Văn Mại được bổ làm Án sát Khánh Hòa thay ông Án sát Nguyễn Đình Văn can nghị bị triệt về. Ông Nguyễn Văn Mại cùng ông Bố chánh Mai Khắc Đôn quyền chưởng Thuận Khánh Tổng đốc quan phòng.

   Tháng 5 năm Bính Ngọ (1906) Phiên sứ (Bố chánh) Mai Khắc Đôn thăng Trị – Bình tuần vũ , ông Phạm Ngọc Quát, Án sát Phú Yên lãnh Bố chánh tỉnh Khánh Hòa, cùng ông Nguyễn Văn Mại quyền chưởng Thuận Khánh tổng đốc quan phòng. Vậy chức vụ khởi đầu của Phạm Ngọc Quát ở Khánh Hòa là chức Bố chánh.

   Sau khi xử tử Trần Quí Cáp vào ngày 17/05 năm Mậu Thân (1908) xong, vào tháng 6 năm Mậu Thân (1908) Phạm Ngọc Quát thăng thọ Tuần vũ Hà Tĩnh và một tháng sau thì Án sát Nguyễn Văn Mại thăng làm Bố chánh Khánh Hòa. Đến tháng 3 năm Tân Hợi (1911) Bố chánh Khánh Hòa Nguyễn Văn Mại thăng thọ Quang lộc tự khanh lãnh Thị lang bộ Học(13)

   Trong suốt thời gian làm quan ở Khánh Hòa, Phạm Ngọc Quát chỉ giữ một chức vụ duy nhất là Bố chánh, chứ không có “trải qua các chức Bố chánh rồi Án sát Khánh Hòa” như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã viết. Nếu nói như Nguyễn Đắc Xuân thì Phạm Ngọc Quát bị giáng chức từ Bố Chánh xuống Án sát! Và ông Nguyễn Văn Mại chưa bao giờ là “ cấp trên trực tiếp” của Phạm Ngọc Quát. Còn ông Nguyễn Văn Mại từ chức vụ Án sát Khánh Hòa thăng lên chức Bố chánh Khánh Hòa cho đến khi rời khỏi đất Khánh Hòa chứ chưa từng giữ chức Tuần phủ Khánh Hòa như ông Nguyễn Đắc Xuân đã viết.

    Ngoài ra trong tác phẩm “ Xứ Trầm hương” của Quách Tấn, nơi đề mục địa danh Sông Cạn (nơi xử tử Trần Quí Cáp năm 1908) có viết chức vụ của 2 vị quan Nam triều ở tỉnh Khánh Hòa có liên quan đến vụ án Trần Quí Cáp: “ Quan tỉnh lúc bấy giờ là Phạm Ngọc Quát làm Tuần vũ và Nguyễn Văn Mại làm Án sát” (14)

   Trong khoảng thời gian từ 1905 -1915 triều đình đã bãi chức Tuần phủ ở Khánh Hòa, vậy làm gì mà ông Phạm Ngọc Quát cùng ông Nguyễn Văn Mại từng giữ chức Tuần phủ Khánh Hòa!

3 – Nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu năm nào?

Đây cũng là nhan đề bài viết của Nguyễn Đắc Xuân đăng trên trang www.dongduongthoibao.net.                                                                                                    Năm ông Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu được ông Nguyễn Đắc Xuân  dẫn chứng từ hai nguồn thông tin của các tác giả khác .Nguồn thông tin thứ nhất là năm 1907; nguồn thông tin thứ hai là năm 1912              

         Nguồn thông tin năm 1907

   Nguồn thông tin Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu năm này được ông Nguyễn Đắc Xuân  dẫn chứng từ bài tham luận của Tống Phước Phổ (cháu Nguyễn Hiển Dĩnh) đọc tại Hội nghị khoa học về Nguyễn Hiển Dĩnh lần 1: “ Một năm sau cụ được bổ vào làm Án sát Bình Định, rồi thăng chức Bố chánh Khánh Hòa. Tỉnh này không có Tổng đốc, nên Bố chánh làm Thủ hiến xứ này” và Tống Phước Phổ kết luận : “Thế là khoảng năm 1907 cụ về hưu”

   Trong các tác phẩm Tự điển Văn học Việt Nam; Từ điển  nhân vật lịch sử Việt Nam và Từ điển tác gia Việt Nam, tác giả ghi về Nguyễn Hiển Dĩnh: “ Bố chánh Khánh Hòa rồi về hưu. Năm Đinh Mùi (1907) ông về hưu lúc 54 tuổi” (15)

          Nguồn thông tin năm 1912

      Do dựa trên nguồn thông tin từ tập thủ khảo “ Tiểu sử Trần Quí Cáp” của ông Trần Huỳnh Sách, một môn đệ của Trần Quí Cáp  đã viết : “ Tiên sinh mất 4 năm sau, tôi được thơ ông Nguyễn Hiển Dĩnh người làng An Quán tỉnh Quảng Nam, làm Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa gởi về thăm, trong đó có câu : Tiên sinh mộ cận giang bất tiện! Tôi hội ý bàn cùng thân nhơn vào xin phép đem hài cốt tiên sinh về an táng tại làng ở tỉnh nhà” (16). Chí sĩ Trần Quí Cáp bị xử tử ngày 17/05 năm Mậu Thân (1908) và theo Trần Huỳnh Sách  : “ Tiên sinh mất 4 năm sau..” thì ông Sách mới nhận được thư của ông Nguyễn Hiển Dĩnh đang làm quan ở Khánh Hòa gởi về  nên về sau một số nhà nghiên cứu lấy cột mốc thời gian là năm 1908 + 4 = 1912 và quy kết  năm ông Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu là năm 1912.

    Trong bài Hát bội ở Quảng Nam đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 49B tháng 3/1998 tác giả Hoàng Châu Ký viết: “ Năm 1912 cụ Nguyễn Hiển Dĩnh xin về hưu  non ở tuổi 53 sau gần 30 năm đi làm quan”. Tác phẩm Tuồng Quảng Nam do Hoàng Châu K‎ý chủ biên viết: “… Mấy năm sau ông nhận chức Án sát Bình Định một thời gian ngắn, lại được điều giữ chức Bố chánh Khánh Hòa rồi Tuần vũ Khánh Hòa. Ông xin về hưu ở chức vụ cuối cùng này”(17)

     Vấn nạn năm về hưu của Nguyễn Hiển Dĩnh được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc xuân nêu lên vẫn còn bỏ ngõ và chưa xác định được năm ông Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu.

  Cuối bài viết ông Nguyễn Đắc Xuân viết : “Năm Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu cũng là năm Nguyễn Hiển Dĩnh bắt đầu sự nghiệp hát bội. Một việc cụ thể như thế mà ông nói gà bà nói vịt thì những việc trọng đại khác trừu tượng hơn làm sao có thể thống nhất được? Rất mong các nhà nghiên cứu Nguyễn Hiển Dĩnh, đặc biệt là cháu chắt ông Nguyễn Hiển Dĩnh hiện đang sống và làm việc tại Quảng Nam Đà Nẵng làm rõ trong thời gian tới”.

     Nếu nói năm 1907 Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu thì không thể chấp nhận được , vì năm 1907 Bố chánh Khánh Hòa là Phạm Ngọc Quát, Án sát Khánh Hòa là Nguyễn Văn Mại. Như vậy năm 1907 ở Khánh Hòa không thể có cùng hai quan Bố chánh !

Đầu năm 1909 Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn còn đang giữ chức Bố chánh Thanh Hóa thì không thể nói ông về hưu năm 1907 được! Theo Đại Nam thực lục vào tháng 3 năm Kỷ Dậu (1909) Bố chánh Thanh Hóa Nguyễn Hiển Dĩnh vì bệnh xin cáo quan và được chuẩn cho về quê ở Quảng Nam dưỡng bệnh. Đại Nam thực lục ghi thêm : “ (lúc bấy giờ Hiển Dĩnh cùng Tổng đốc Tôn Thất Thiệm ý kiến không hợp, bèn lấy cớ không hợp thủy thổ không thể làm việc ở lỵ sở lâu, xin được đổi bổ. Phủ Phụ chính tâu lên, chuẩn cho về quê (Quảng Nam)dưỡng bệnh)” (18)

     Tại nhà ông Nguyễn Chuyên, cháu nội Nguyễn Hiển Dĩnh  còn lưu giữ gia phả chép về Nguyễn Hiển Dĩnh : “ năm Duy Tân thứ 5 (năm 1911- TG), bổ Bố chánh Khánh Hòa , hồi hưu lãnh bổng

   Tháng 3 năm Tân Hợi (1911) Bố chánh Khánh Hòa Nguyễn Văn Mại thăng thọ Quang lộc tự khanh lãnh Thị lang bộ Học nên bổ Nguyễn Hiển Dĩnh vào làm Bố chánh Khánh Hòa nhưng chỉ đến tháng 9 năm Tân Hợi (1911) chuẩn cho Bố chánh Khánh Hòa Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu , lấy Án sát Phú Yên Nguyễn Khải thay thế. Trong Đại Nam thực lục còn chua thêm ( “ Hiển Dĩnh người Quảng Nam, có văn tài đảm thức, điệu đãng không chịu trói buộc nên có nhiều việc ngỗ nghịch với đời”) (19)

    Vậy năm ông Nguyễn Hiển Dĩnh về hưu không phải năm 1907 và cũng chẳng phải năm 1912 mà là vào tháng 9 năm Tân Hợi(1911),sau khi giữ chức Bố chánh Khánh Hòa khoảng hơn nửa năm (năm Tân Hợi nhuận hai tháng 6). Còn việc Nguyễn Hiển Dĩnh giữ chức Tuần phủ Khánh Hòa như Trần Huỳnh Sách và Hoàng Châu Kí đã viết là hoàn toàn sai, vì vào thời điểm từ 1905-1915 Khánh Hòa không có chức Tuần phủ.

     Trong đời làm quan, Nguyễn Hiển Dĩnh có giữ chức Tuần phủ không?

    Lâu nay người ta gọi ông Nguyễn Hiển Dĩnh là ông Tuần phủ An Quán (gọi tắt là ông Tuần An Quán) nhưng trong Đại Nam thực lục và gia phả họ tộc chép về Nguyễn Hiển Dĩnh không thấy  ghi ông giữ chức vụ này. Đại Nam thực lục ghi về ông: Tháng 5 nhuận năm Ất Mùi (1895) ông giữ chức Bang biện; tháng 5 năm Bính Thân(1896) ông đang giữ chức Án sát Hà Tĩnh ; tháng 3 năm Kỷ Dậu (1909) ông đang giữ chức Bố chánh Thanh Hóa , vì bệnh xin cáo quan; tháng 9 năm Tân Hợi(1911) đang giữ chức Bố chánh Khánh Hòa chuẩn cho về hưu(20). Gia phả họ tộc của ông ghi chép về ông:  “ Khoa Quí Dậu (1873 – TG) đậu tú tài, năm Đồng Khánh bổ Tri huyện Quế Sơn, hai năm lãnh Tri huyện Điện Bàn, đến 8 năm thăng Án sát Hà Tĩnh, hoán bổ Phủ thừa, cải bổ Bố chánh Thanh Hóa. Năm Duy Tân thứ 3 thăng Lễ bộ Thị Lang, đến năm thứ 5, bổ Bố chánh Khánh Hòa ,hồi hưu lãnh bổng”.

       Vậy chức Tuần phủ là do dân chúng tự phong tặng cho ông chăng? Nếu ông đã từng giữ chức ấy thì sử sách và gia phả tộc họ của ông đã ghi chép rồi!

      4- Năm về hưu và lý do về hưu của Tuần phủ Đào Phan Duân

    Bài viết : “Đào Phan Duân – Cụ Phó bảng đánh Tây, bỏ quan được thưởng” của tác giả Vũ Ngọc Liễn đăng trên trang www.baobinhdinh.com.vn và trang www.thuvienbinhdinh.com  viết thời điểm ông Đào Phan Duân về hưu : “ Hình như lúc ấy là  năm 1925 thì phải, đang làm Tuần phủ Khánh Hòa, bổng nhiên cụ Phó bảng Đào Phan Duân bỏ quan về nhà”

   Lý do về hưu được tác giả Vũ Ngọc Liễn cũng như Đào Đức Chương cho là : “không chịu sự xúc phạm của viên Công sứ Khánh Hòa , ông cãi lại rồi xô ghế bỏ quan về nhà” (21)

      Đầu năm Ất Mão (1915) Đào Phan Duân thăng Tuần phủ Thuận-Khánh.Tháng 9 năm Đinh Tỵ (1917) triệt hồi Tuần phủ Thuận Khánh Đào Phan Duân về kinh chờ xét và ghi lý do cho về hưu : “ Lúc ấy viên Kiểm lâm tỉnh ấy tố cáo Phan Duân ủy nhiệm người nhà giả danh khai khẩn đất hoang, đốn hạ gỗ rừng đem bán để thu lợi riêng. Tòa Khâm sứ đem việc ấy bàn với Cơ mật viện, lại nói Phan Duân ngày thường làm việc công không tốt, nên cho về hưu (22)

     Như vậy Đào Phan Duân về hưu vào tháng 9 năm Đinh Tỵ(1917) chứ không phải vào năm 1925. Do vậy trong một bài thơ Đường luật của ông có câu:

                  “ Nha thành thừa lệnh nhị niên dư

                    Tự úy tuần tuyên trọng trách hư”

     Ông Vũ Ngọc Liễn đã dịch nghĩa: Vâng lệnh nhà vua đến thành Nha Trang đã hơn hai năm/ Thẹn cho mình gánh vác chức Tuần phủ quan đầu tỉnh mà làm không ra gì.

    Triều đình đã lấy Tham tri bộ Công là Nguyễn Tri Kiểm thay ông Đào Phan Duân giữ chức Tuần phủ Khánh Hòa (23)

     Để kết thúc bài viết tôi xin mượn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân  khi viết về nhân vật Nguyễn Hiển Dĩnh : “ Một việc cụ thể như thế mà ông nói gà ,bà nói vịt thì những việc trọng đại khác trừu tượng hơn làm sao có thể thống nhất được?”. Vậy khi nghiên cứu một vấn đề hay một nhân vật các nhà nghiên cứu nên cẩn trọng, không nên suy diễn rồi áp đặt một cách chủ quan.

                                               Nguyễn Văn Nghệ

                                          Diên Khánh – Khánh Hòa

 Chú thích:

 (1), (2), (5),(6) Đại Nam thực lục tập 3 , Nxb Giáo dục, trg 394; 397; 439; 402

  (3) Kiêm lí: là viên Tri phủ vừa làm việc phủ, vừa coi cả việc huyện, vì ở huyện không có viên Tri huyện.

  (4) Thống hạt: là viên Tri phủ được quyền điều khiển và kiểm soát công việc của viên Tri huyện.

  (7), (8), (9) Đại Nam thực lục tập 9 , Nxb Giáo dục , trg 352; 380; 402

  (10) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Nxb Văn hóa Văn nghệ Tp HCM, 2012 ,trg 441, 451

        – Nguyễn Văn Mại ,Lô Giang tiểu sử (Nguyễn Hy Xước dịch), Bản in ronéo , trang 122

   (11) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Sđd trang 505.

       – Lô Giang tiểu sử , Sđd , trg 122.

   (12) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên , Sđd, trg 681, 686

   (13) Lô Giang tiểu sử , Sđd trg 120, 122, 132, 137

       – Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên , Sđd, trang 605

   (14) Quách Tấn , Xứ Trầm hương, Nxb Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa , trang 114

   (15) Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, trg535

         – Nguyễn Q. Thắng , Từ điển tác gia Việt Nam, Nxb Văn hóa –Thông tin, trg 781

         – Tất Thắng, Từ điển văn học Việt Nam tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, 1984, trg66

   (16) Trần Quí Cáp chí sĩ duy tân Việt Nam đầu thế kỷ 20 , Nxb Đà Nẵng , Phòng Văn hóa Thông tin Điện Bàn , 1995, trg 120-121

     (17) Hoàng Châu Ký (Chủ biên), Tuồng Quảng Nam, Nxb SVHTT Quảng Nam- Tam Kỳ, 2001, trang 99,100

  (18), (19),(20) Đại Nam thực lục Chính biên  Đệ lục kỷ Phụ biên, Sđd, trg 569 ; 609 ; 243,247, 267

  (21) Đào Đức Chương, Trường thi Bình Định , đăng trên trang maxreading.com/

  (22),(23) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ thất kỷ, Nxb Văn hóa- Văn nghệ Tp HCM , trg 171-172

       – Annuaire Administratif de l’Indochine 1917, Province de Khanh Hoa (Niên giám hành chánh Đông Dương năm 1917, Tỉnh Khánh Hòa) , page 248 , Ha Noi Imprimerie d”Extrême- Orient 1917

       – Annuaire Administratif de l’Indochine 1918 , Province de Khanh Hoa(Niên giám hành chánh Đông Dương năm 1918, Tỉnh Khánh Hòa) , page 250 , Ha Noi Imprimerie d’Extrême – Orient 1918

0