Quyền làm người
Jill Lepore Trần Đan Hà Tạp chí Da màu : Từ bao lâu nay, những vấn đề liên hệ đến sức khỏe phụ nữ – trong đó bao gồm quyền lựa chọn sinh sản – vẫn là một đề tài nóng trong xã hội Mỹ. Đạo luật Bảo Hiểm Vừa Túi Tiền (Affordable Care) – một cải cách quan trọng của Tổng ...
Jill Lepore
Trần Đan Hà
Tạp chí Da màu : Từ bao lâu nay, những vấn đề liên hệ đến sức khỏe phụ nữ – trong đó bao gồm quyền lựa chọn sinh sản – vẫn là một đề tài nóng trong xã hội Mỹ. Đạo luật Bảo Hiểm Vừa Túi Tiền (Affordable Care) – một cải cách quan trọng của Tổng thống Obama đã được đề xướng nhằm duy trì giá phải chăng cho mọi bảo hiểm sức khỏe ở mọi tầng lớp xã hội bằng cách đề nghị hãng bảo hiểm y tế bao gồm những dịch vụ phòng ngừa mà không bắt buộc bệnh nhân phải chia sẻ chi phí với hãng bảo hiểm. Đạo luật này chỉ thị các kế hoạch phòng ngừa cho phụ nữ, như dịch vụ chụp quang tuyến vú, sàng lọc ung thư cổ tử cung, và các dịch vụ khác – phải được kế hoạch bảo hiểm sức khỏe đương nhiên bao gồm. Tuy Đạo Luật Bảo Hiểm Vừa Túi Tiền đã được Quốc hội thông qua và ký thành luật vào ngày 23 tháng 3 năm 2010, trong năm bầu cử hiện nay đang gây ra nhiều tranh cãi. Gần đây Tổng thống Obama đã thương lượng bằng cách cho phép các tổ chức tôn giáo thi hành quyền tự do tín ngưỡng bằng cách từ khước tham gia vào kế hoạch bảo hiểm có điều khoản bao gồm dịch vụ dính líu đến chuyện ngừa thai. Qua bài biên khảo rất công phu dưới đây của bà Jill Lepore, giáo sư đại học Harvard và chuyên gia về Hiến Pháp Hoa Kỳ, người đọc sẽ có dịp chứng kiến những tranh đấu cốt yếu trong lịch sử nữ quyền Mỹ từ hơn 100 năm qua—đó là “quyền làm người”—một quyền bao hàm sự tự do được quyết định mọi lựa chọn liên hệ đến bản thân (như giới tính, tình dục, sinh sản v.v..)
Trần Đan Hà chuyển ngữ từ nguyên bản bài “Birthright” trên tạp chí New Yorker, số ra ngày 14 tháng 11, năm 2011.
Trung tâm sức khỏe của tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình (KHHGĐ) ở Brooklyn, Nữu Ước chiếm trên 10 ngàn square feet trên tầng sáu của một tòa nhà. Sau khi bước ra khỏi thang máy, bạn sẽ phải đi qua một máy quét kim loại. Một nhân viên bảo vệ ngồi sau tấm kính chống đạn dày sẽ khám xét túi xách của bạn. Lúc tôi tới đó, vào một ngày tháng Sáu, thì trong phòng chờ đã đông người, với hơn 10 người đang đứng xếp hàng trước bàn đăng ký. Trên mặt quầy có một cái tô đựng bao cao su để cho không. Trên tường có một tấm bảng giải thích Kế hoạch B- viên “Thuốc Ngừa thai Sáng hôm sau”. Trong phòng chờ, khoảng vài chục phụ nữ đang ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu xanh dương, nhắn tin trên điện thoại. Một vài người thơ thẩn tới chỗ kệ đựng tờ rơi, chọn lấy “Tôi đã Sẵn sàng để Quan hệ Tình dục chưa?”, hay là “Sinh đẻ Kế hoạch và Chăm sóc Phụ khoa: Miễn phí.”
Ngoài việc tọa lạc rất gần với dưỡng đường ngừa thai đầu tiên của Mỹ thành lập ở Brooklyn năm 1916 thì đây là một dưỡng đường KHHGĐ (Planned Parenthood) điển hình. Năm ngoái có 17 ngàn bệnh nhân được chăm sóc tại đây. Hai phần ba trong số đó được trả bởi Medicaid, được giảm một phần chi phí, hoặc được miễn phí hoàn toàn. Họ được cho xét nghiệm các loại bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hay bệnh nhiễm trùng đường tiểu; được cho thuốc ngừa thai và thuốc kháng sinh; họ cũng được đặt vòng; và cả được học cách khám nhũ để tự phát hiện bướu nếu có. Họ được khám thai, làm xét nghiệm phết dịch âm đạo (Pap smear) và phá thai.
Đa số những phụ nữ ở đây đều thuộc độ tuổi đôi mươi, ai cũng mặc quần jean với áo thun, mang dép; ngoài kia trời đang nóng bức. Mấy cô sinh viên tóc cột cao, mang ba lô và nón bảo hiểm dành cho người đi xe đạp. Có một người đi với bạn trai của mình. Người khác thì đi với con, thằng bé đang mê mải chơi game Nintendo. Với hai ngón tay cái mải mê bấm nhoay nhoáy trên mấy con phím, thỉnh thoảng thằng bé lại thúc nhầm cùi chỏ vào mẹ nó, lúc ấy bà mẹ sẽ mỉm cười và bẹo má con.
Nellie Santiago-Rivera đã làm Giám đốc dưỡng đường này được mười một năm nay. Cô thiếu nữ lớn lên ở khu Bronx này đã được bạn cô đưa tới dưỡng đường KHHGĐ ở đường 149 lần đầu tiên để ngừa thai. “Kiểm soát sinh đẻ không hề được nói tới trong gia đình tôi,” cô nói. “Cha mẹ tôi sinh trưởng ở Puerto Rico. Chúng tôi tin rằng, ‘Cứ thắp nến lên rồi cầu nguyện thì mọi thứ sẽ ổn cả thôi.“ Có một báo cáo nói rằng, năm 1965, lúc đó Santiago-Rivera còn là một thiếu nữ, có tới 94% phụ nữ chết vì phá thai bất hợp pháp ở New York city là người da đen hoặc Puerto Rico.
Trung tâm Sức khỏe Brooklyn là một trong bốn dưỡng đường được điều hành bởi KKHGĐ ở thành phố New York, một tổ chức trực thuộc KHHGĐ quốc gia. Ba dưỡng đường kia ở quận Bronx, Manhattan và Staten Island. Có tất cả 82 chi nhánh KHHGĐ trên toàn quốc, vận hành gần 800 dưỡng đường; và tổ chức này nói, cứ 5 phụ nữ Mỹ thì có 1 người được điều trị ở một dưỡng đường của họ. Những người chỉ trích KHHGĐ thường xuyên tấn công tổ chức này nói rằng đa số những phụ nữ đến các dưỡng đường ấy để được miễn hoặc giảm chi phí phá thai đã vi phạm Tu chính Hyde về sử dụng tiền đóng thuế.
“Điều này đã được khởi sự vào hôm sau các kỳ họp giữa kỳ,” Cecile Richards nói khi tôi gặp cô vào tháng sáu vừa qua. Richards- vốn là ái nữ của cựu Thống đốc bang Texas Ann Richards- là chủ tịch KHHGĐ từ năm 2006. Cô gái xinh xắn tóc hoe này đang là đích nhắm của một cơn bão chính trị chính hiệu. “Những gì đã xảy ra ở các cuộc bầu cử chẳng có liên quan gì tới phá thai hay KHHGĐ,” cô nói. “Nó thường về kinh tế.” Nhưng cuộc tranh cử đã định hình lại cả 2 phe Cộng hòa và Dân chủ, và lý thuyết của cô là, “khi mấy người đó không biết phải làm gì để tạo ra công ăn việc làm, thì mục tiêu đầu tiên của họ sẽ là phụ nữ.”
Chiến dịch chống KHHGĐ không hề suy giảm. Michele Bachmann trong một lần diễn thuyết đã kết tội tổ chức này là “đang thực thi tội ác, và khích lệ trẻ gái vị thành niên che giấu những vấn đề mà tôi không muốn nêu ra ở đây vì nó quá nhục nhã” và, trong một diễn văn khác, đã mô tả các dưỡng đường ở những khu mua sắm thuộc các vùng ngoại ô sang trọng là nơi mà những quý bà giàu sang đang “ghé vô định mua Starbuck” lại có thể là “đến đó để phá thai.” Liệu điều đó có gì là nhơ nhớp và man trá, hay là sang cả và không có gì xấu hổ? “Mỗi ngày chúng ta thức dậy, và sẽ lại thấy họ nói về một điều gì khác nữa,” Richards nói, “Có khi là về phá thai, có bữa là về sắc tộc. Hôm thì là về tôi, hôm khác lại về trẻ em.”
Sự căm tức đối với KHHGĐ phát nguồn từ hai cuồng lưu chính trị–khuynh hướng chống phá thai và chống những chương trình của chính phủ giành cho người nghèo – được gom lại làm một chính sách hành động. Cho tới nay nó đã gần đóng sập guồng máy chính quyền liên bang, đòi hỏi các ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa thề trung thành với những nhóm vận động Vì-sự-sống (chống phá thai), làm trì trệ bộ máy lập pháp và tư pháp tại hơn sáu tiểu bang; nó đã phát động một cuộc điều tra quốc hội, và khiến tê liệt Đảng Dân chủ. Rồi đến gì nữa?
***
Những khó khăn gần đây nhất của KHHGĐ diễn ra cách đây khoảng một năm. Ngay khi tân Nghị viện với đa số là đảng viên Cộng Hòa vừa mới yên vị, một nhóm người có tên Hành Động Sống (Live Action) với nhiệm vụ “phơi bày những lạm quyền của công nghệ phá thai và cổ súy quyền con người cho các bào thai” đã gửi một người đàn ông giả dạng làm ma cô dẫn gái và một người phụ nữ giả làm gái mại dâm đến các dưỡng đường KHHGĐ trên cả nước với máy video giấu trong người. Hành Động Sống được thành lập từ năm 2003 bởi Lila Rose, một học sinh tại gia 15 tuổi xuất xứ từ California. Cô đã làm việc với James O’Keefe-người đã khởi xướng những thủ thuật exposé nhắm vào ACORN [1] và Đài Truyền Thanh Công Cộng Quốc Gia NPR [2]. Charmaine Yoest, cầm đầu tổ chức Liên Hiệp Những Người Hoa Kỳ Vì Sự Sống, gọi Rose là “Upton Sinclair [3] thế hệ mới.”
Santiago-Rivera tin rằng “tên ma cô” và “gái mại dâm” đã đến dưỡng đường của cô rồi bỏ đi, khó chịu vì những câu hỏi của nhân viên đăng ký. Ban KHHGĐ đã báo cáo về người đàn ông với FBI. Vào đầu tháng 2, Hành Động Sống đã đưa lên internet những đoạn video gây xôn xao dư luận được quay ở bảy dưỡng đường, kể cả đoạn phim thu ở New Jersey là nơi mà người quản lý ở đó đã đề nghị bệnh nhân nói dối để khỏi vi phạm luật chống phá thai (người quản lý này sau đó đã bị cho thôi việc). Trong đoạn quay ở Bronx-là dưỡng đường mà Santiago-Rivera đã tới đó hồi còn niên thiếu để được lãnh thuốc ngừa thai, đôi nam nữ này đã hỏi cách làm hẹn cho những cô gái không biết nói tiếng Anh mà cần phá thai. Đoạn trích của Hành Động Sống như sau:
Nhân viên Phòng khám: Chúng tôi nhận những bệnh nhân nhỏ cỡ 13 tuổi.
Cô gái mại dâm: Bao nhiêu tuổi?
Nhân viên Phòng khám: Chúng tôi nhận những bệnh nhân cỡ 13 và…
Tên ma cô: Nhỏ cỡ 13?
Nhân viên Phòng khám: Ở đây mọi thứ đều được giữ kín tuyệt đối.
Nhiều ngày sau, Mike Pence, một đại diện Đảng Cộng Hòa ở Indiana, giới thiệu trước Quốc hội một phép tính để giảm thiểu mọi nguồn quỹ của liên bang dành cho KHHGĐ. “Tôi cho đó là một sai lầm của Pence,” Richard nói, “Tôi tưởng họ sẽ tiến hành chuyện cấm phá thai từ từ, từng bước một chứ. Chống lại KHHGĐ nghiệt ngã như vậy … hừm, như vậy có khác nào chống lại việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.”
Gọi tu chính Pence là một hành động chống lại việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ dù sao đi nữa cũng là một giải pháp phản kháng. KHHGĐ làm sôi nổi các thảo luận về ngân sách ở Nhà Trắng. “Những dự định cắt giảm đối với KHHGĐ thể hiện một kiểu nã đạn công khai trong cuộc chiến đối với sức khỏe phụ nữ,” Louise Laughter, một đảng viên Dân Chủ ở quận 28 của New York nói, sau khi Pence trình bày tu chính của ông ta. Todd Rokita, đảng viên Cộng Hòa của Indiana, đã gọi lời bình luận của Laughter là “mị dân đến độ nực cười.” Paul Brown, của bang Georgia, vốn là một bác sĩ, thành viên của Tea Party Caucus và là nhà bảo trợ cho Luật về Tính Thần Thánh của Mạng Sống Con Người (Sanctity of Human Life Act) nói, “Nói về phá thai là phải nói như thế này: các thai nhi ấy xứng đáng được hưởng quyền làm người.” Chris Smith, Đảng viên Cộng Hòa ở New Jersey, gọi KHHGĐ là “Liên đoàn Xâm phạm nhân thân trẻ em.” Điều này đã khiến Jackie Speier, một đảng viên Dân Chủ của California nhấn mạnh là bài diễn văn của ông nghị New Jersey làm bà thấy chóng mặt. Sau đó bà kể câu chuyện phá thai của chính bà—bà đã phải bỏ một thai nhi mười bảy tuần tuổi mà bà vẫn hằng mong đợi vì lý do y khoa—rồi quay sang Smith, bà nói:
Việc ông đứng ở đây mà nói rằng chống phá thai là một hành động hoặc là nên khích lệ, hoặc là cứ việc mạnh tay mà làm, chẳng cần suy nghĩ gì thực là phi lý. Hãy nghĩ mà xem, trong khi chúng ta ở đây đêm nay để thảo luận việc này, thì người dân Mỹ, nếu họ đang lắng nghe chúng ta, chắc hẳn họ phải vò đầu tự hỏi, ba cái chuyện này có giúp mình có việc làm không?
Tu chính Pence được thông qua, 240 trên 185. Các ngài Thượng Nghị sĩ bỏ phiếu thuận cắt giảm ngân sách, 56 trên 44. Bốn mươi mốt Thượng nghị sĩ ký đơn phản đối việc bãi bỏ ngân sách giành cho KHHGĐ. Sau khi Jon Kyl, phó trưởng khối của Đảng Cộng Hòa, phát biểu ở Thượng viện là phá thai “chiếm hơn 90% công việc của KHHGĐ” thì KHHGĐ đã báo cáo là phá thai chiếm chưa đến 3% trong tổng số dịch vụ của họ; và một nhân viên của Kyl thì đề ghị là những lời phát biểu của Kyl “không có ý gì là một lời khẳng định thực tế.”
Khi Tổng thống Obama gặp gỡ John Boehner để thương lượng về thỏa ước giờ thứ mười một, vị Chủ tịch Hạ Nghị viện này đã hỏi dồn Tổng thống rằng liệu ông có thực hiện cắt giảm ngân sách dành cho KHHGĐ không. “Không đời nào,” Obama khẳng định, theo một nguồn tin chính thức, “John, đây là lời chót!” Boehner tở mở chớp mắt. Nhưng thực ra cuộc tranh luận này chưa hạ màn.
***
Hầu hết mọi ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa đều chống lại KHHGĐ. Michelle Bachmann, Newt Gringrich, Ron Paul, Rick Perry, và Rick Santorum… thảy đều ký vào bản Tuyên Thệ Tinh Thần Lãnh Đạo Vì Sự Sống của Tổng Thống là “Nếu đắc cử TT tôi sẽ…bãi bỏ quỹ KHHGĐ.” Mitt Romney cổ xúy Tu chính Pence, còn Herman Cain gọi KHHGĐ là “nỗi điếm nhục,” tạo tiền đề cho việc “giết trẻ sơ sinh” trong bản tuyên bố của mình hồi tuần trước trong chương trình “Face the Nation”
Bản Tuyên thệ Vì-Sự-Sống là sản phẩm của Danh Sách Susan B. Anthony, là lời đáp trả của các đảng viên Cộng Hòa đối với Danh Sách EMILY. Danh sách EMILY được thành lập năm 1985 bởi những phụ nữ cảm tình viên với các nữ đảng viên Đảng Dâb Chủ, họ muốn quyên tiền để bầu chọn phụ nữ vào các văn phòng chính phủ. (EMILY là viết tắt của Early Money Is Like Yeast—tạm dịch: Tiền Ngân như Men Ủ-đồng tiền đi trước sẽ sinh sôi). Danh Sách Susan B. Anthony được thành lập năm 1992 bởi một nhóm phụ nữ bao gồm Marjorie Dannenfelser, một giám đốc tiền nhiệm của Congressional Pro-Life Caucus, quyên góp tài lực để bầu chọn những phụ nữ vì-sự-sống(chống phá thai). Danh sách EMILY tuyên bố đã giúp chọn được chín thị trưởng, mười sáu thượng nghị sĩ, tám mươi sáu nữ đại biểu quốc hội (kể cả Speier) và hơn năm trăm người phụ trách văn phòng tiểu bang và địa phương. Danh Sách Susan B. Anthony nói họ đã lập quỹ cho các chiến dịch tranh cử thắng lợi cho chín mươi đại biểu quốc hội, hai mươi thượng nghị sĩ và mười ba người phụ trách văn phòng tiểu bang.
Ngay giữa cuộc tranh luận về ngân sách, Boehner dành gần cả tiếng đồng hồ cho ba thành viên của Danh Sách Susan B. Anthony—là Jean Schmidth của Ohio, và Virgina Foxx cùng với Renee Ellmers từ North Carolina—tôn dương Tháng Lịch sử của Phụ nữ. Cả ba bà dùng khoảng thời gian này để lập luận là Susan B. Anthony, Elizabeth Cady Stanton, và Alice Paul, “những phụ nữ vì-sự-sống trong quá khứ” ắt cũng sẽ ủng hộ việc bãi bỏ quỹ KHHGĐ.
Lịch sử rất hiếm khi đi thẳng một đường. Cũng vậy, ngay trên con đường giông gió này hiện đang có một khúc ngoặt, lúc các phụ nữ bảo thủ muốn vin vào Susan Anthony để chống lại KHHGĐ, trớ trêu. Margaret Sanger đã mở dưỡng đường đầu tiên ấy ở Brooklyn bốn năm trước khi Tu chính Susan B. Anthony thành một phần của Hiến Pháp Hoa kỳ xác nhận “Quyền của mọi công dân Hoa Kỳ được đi bầu mà không thể bị từ chối hay cấm cản bởi Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ hay bởi bất cứ tiểu bang nào dựa trên giới tính.” Phụ nữ vừa mới có quyền đi bầu thì Tu chính về Quyền Bình đẳng (Equal Rights Amendment, hoặc ERA), do Alice Paul viết, được trình trước Quốc hội: ”Đàn ông và phụ nữ đều có quyền như nhau trên toàn lãnh thổ Hiệp Chúng quốc.” Những sửa đổi cho Tu Chính này đã được đề cử trước Quốc hội suốt từ năm 1923 đến năm 1971. Vào năm 1972, Tu chính về Quyền Bình đẳng được thông qua ở mặt liên bang và được chuyển đến các tiểu bang để phê chuẩn. Phe bảo thủ đã thành công đánh bại Tu Chính này với sự cầm đầu của Phyllis Schlafly, người đã phản đối phong trào nữ quyền và ủng hộ tu chính nhân sinh. Vì vậy chính Schlafly, chứ không phải Anthony, mới là bà tổ của phong trào vì-sự-sống.
Sau đó các tu chính nhân sinh được thay thế bởi các tu chính tình người, một trong số đó đã xuất hiện trong cuộc bầu kín ở Mississippi vào tháng mười một năm nay. Tu chính Mississippi nói, “Thuật ngữ ‘con người’ nên bao gồm từng nhân mạng kể từ thời điểm thụ tinh.” Các tu chính tương tự về khái niệm con người có thể đươc diễn giải để khiến cho một số phuơng pháp ngừa thai trở nên bất hợp pháp, thách thức không chỉ án lệ Roe chống Wade mà cả án lệ Griswold chống (tiểu bang) Connecticut, vốn đã đặt quyền ngừa thai dưới sự bảo vệ những quyền riêng tư hợp pháp của con người. Năm ngoái, khi nói về quyền tự do ngôn luận, Tòa Án Tối Cao đã quy định là một tổ chức cũng được coi là một con người. Còn việc Tòa sẽ định đoạt như thế nào đối với một tu chính về khái niệm con người thì vẫn chưa rõ.
Nếu một trứng thụ tinh có quyền hợp hiến thì phụ nữ không thể có quyền bình đẳng với đàn ông. Tuy nhiên đây lại chính là điều mà không ai muốn nói tới, vì nó phức tạp, và vì nó chứng tỏ là người ta dễ dàng sử dụng vấn đề cho mục tiêu chính trị. Các Đảng viên Cộng Hòa và Dân Chủ cứ thúc giục rồi lảng tránh, lảng tránh rồi thúc giục, trong một cuộc chiến có lẽ chẳng đi tới đâu, mà cũng không có vẻ gì sẽ sớm kết thúc. Cái kết thúc ấy là một ảo tưởng. Về bản chất, cả phá thai lẫn kiểm soát sinh đẻ đều không phải là vấn đề về đảng phái, và, khi nhìn nó qua lăng kính lịch sử, sẽ thấy khó mà phân định được đâu là bảo thủ đâu là tự do, nhất là bởi vì cuộc tranh biện này -vốn đang bùng lên vào một thời điểm mà người ta chưa đạt được sự đồng ý với nhau về cái gì khiến một con người là một con người – đã bắt đầu trước khi một cử tri đoàn gồm toàn đàn ông da trắng có thể đồng ý với nhau rằng một trạng huống để một người phụ nữ là một công dân thì khác với trạng huống đó của một đứa bé.
***
Dưỡng đường kiểm soát sinh đẻ đầu tiên ở Mỹ mở cửa vào ngày 16 tháng 10 năm 1916, trên đường Amboy ở Brooklynn, với 2 phòng và 3 nhân viên: Ethel Byrne -y tá, Fania Mindell – thông thạo tiếng Yiddish[4], phụ trách tiếp tân, và chị của Byrne—Margaret Sanger, một y tá 37 tuổi, cũng là một người mẹ. Gia đình hai chị em bà Sanger có 11 anh chị em, trong số đó có một người em đã được bà giúp đỡ đẻ cho mẹ, lúc đó bà mới tám tuổi. Khi Sanger bắt đầu làm y tá cho các phụ nữ di dân nghèo khổ sống ở khu Hạ New York, bà nhận thấy họ hoàn toàn mù tịt về cách tránh thai. “Những phụ nữ xấu số này đã thúc giục tôi phải tiết lộ cái ‘bí mật’ của người giàu,” bà viết trong tiểu sử của mình. (Một cuộc nghiên cứu thực hiện ở New York lúc đó cho biết 41% phụ nữ đang thụ hưởng chăm sóc sức khỏe ở các dưỡng đường trực thuộc Sở Y tế thành phố chưa bao giờ sử dụng các biện pháp ngừa thai; và, trong số đó có hơn một nửa đã từng phá thai ít nhất một lần, trung bình là 2 lần).
Margaret Sanger (1879-1966)
Khoảng giữa 1912 và 1913, Sanger viết một loạt bài hai mươi phần cho tờ The Call, một nhật báo có xu hướng xã hội, nhan đề “Những Điều Mọi Thiếu Nữ Nên Biết”. Do bất cứ hình thức bàn luận nào mà có liên quan tới các vấn đề tình dục đều là vi phạm luật Comstock nên bài viết cuối cùng của Sanger, “Những Hệ Lụy của Dốt Nát và Câm Lặng” đã bị cấm vì bị cho là vi phạm thuần phong mỹ tục. Để phản đối, tờ The Call đã cho chạy một cái tít thế vào chỗ bài viết “‘Những Điều Mọi Thiếu Nữ Nên Biết’—Là Không Gì Cả!”
Chúng Tôi Kết Tội Xã Hội (We Accuse Society)
– tranh minh họa của Cornelia Barns –
Tạp chí Birth Control Review (1917)
Sanger không phải là người duy nhất truyền bá thông tin về ngừa thai—Emma Goldman đã có lần ngồi tù hết 15 ngày ở nhà tù quận hạt Queens vì một điều tương tự–nhưng bà là người đầu tiên khơi chúng lên thành một phong trào. Năm 1914, Sanger bắt đầu xuất bản tờ “Người Phụ Nữ Nổi Loạn”–một nguyệt san dày 8 trang về phụ nữ; trong đó bà đã lần đầu tiên dùng từ “kiểm soát sinh đẻ”. Hết sáu trong số bảy số báo ấy bị cho là vi phạm mỹ tục, và bị đình bản. Sanger bị bắt giam và bị trục xuất khỏi nước. Khi trở về, năm 1915, án phạt dành cho bà được ân giảm do một trong ba đứa con của bà –một bé gái 5 tuổi- đã chết vì viêm phổi; và bên khởi tố cho rằng đưa một người mẹ đau khổ ra trước tòa với những thông tin phiền toái về kiểm soát sinh đẻ có khi chỉ có lợi cho bà ta mà thôi. Nhất định tìm cơ hội để ra trước tòa, Sanger đã mướn một căn nhà mặt tiền từ một người chủ phố tên Rabinowitz-người này đã quyết định giảm tiền thuê nhà sau khi nghe Sanger nói về dự định dùng căn nhà ấy để làm gì. Bà viết cho văn phòng Luật sư Brooklyn về kế hoạch của mình. Sau đó bà bắt đầu phát đi những tờ truyền đơn bằng tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Yiddish:
Hỡi các bà mẹ!
Bà có nuôi nổi một gia đình đông con không?
Bà có muốn có thêm con không?
Nếu không, tại sao bà phải có chúng?
KHÔNG GIẾT HẠI, CŨNG CHẲNG PHẢI TƯỚC ĐI QUYỀN SỐNG; NHƯNG LÀ NGĂN NGỪA.
Các bà có thể nhận thông tin an toàn, vô hại từ các y tá được huấn luyện và có trình độ tại:
Số 46 đường Amboy
Ngày khai trương dưỡng đường, những phụ nữ người Do Thái và người Ý dắt theo những đứa bé lẫm chẫm biết đi đến xếp hàng dài xuống tận lòng đường, Sanger nhớ lại, “Một số có khăn quàng cổ, có người để đầu trần, những bàn tay đỏ rựng của họ nắm chặt những bàn tay nhỏ bé và lạnh giá của đứa nhỏ họ dẫn theo.” Mỗi người trả mười xu để làm lệ phí ghi danh. Sau đó Sanger hoặc Byrne sẽ cho gặp theo nhóm từ 7-8 người để chỉ cho họ cách đặt thuốc ngừa thai.
Chín ngày sau, một nữ cảnh sát chìm mò tới, giả làm một bà mẹ hai con nay không nuôi nổi thêm đứa con nào nữa. Mindell bán cho bà ta một bản “Những Điều Mọi Thiếu Nữ Nên Biết”. Byrne thì nói chuyện với bà ta về những cách thức ngừa thai. Sang hôm sau cảnh sát tới, bắt Sanger, tịch thu bàn khám và đóng cửa dưỡng đường.
Mindell và Byrne cũng bị bắt. Mindell bị tuyên phạt tội vi phạm mỹ tục, án phạt của bà đã dần bị vô hiệu lực. Byrne và Sanger bị phạt về tội vi phạm một điều luật của bang New York, theo đó việc “lưu hành bất cứ công thức, dược phẩm hay dược liệu nào nhằm ngăn cản việc thụ thai” đều bị cho là bất hợp pháp. (Điều này xuất phát từ nỗi sợ là việc ngừa thai sẽ cổ súy tình trạng quan hệ tình dục bừa bãi). Luật sư của Byrne lập luận là điều luật đó là vi hiến vì đã vi phạm quyền “được mưu cầu hạnh phúc” của phụ nữ. Nhưng bà vẫn bị tuyên có tội. Bị cầm tù 30 ngày, bà biểu tình bằng cách nhịn đói và gần như sắp chết. Một chủ bút của tờ New York Tribune đã nài xin ngài thống đốc một lệnh ân xá với lời cảnh báo về sự phán xét của lịch sử như sau: “Thật khó làm cho giới trẻ của những năm 1967 sắp tới tin là vào năm 1917 đã có một phụ nữ bị vào tù vì những gì giống như bà Byrne đã làm.”
Tại phiên tòa của Sanger mà trong đó vị thẩm phán cứ phe phẩy chiếc mũ chụp cố tử cung trong tay, Sanger đã hy vọng sẽ tranh luận là luật pháp mà cấm cản ngừa thai là vi hiến, vì đã chống lại ước nguyện của phụ nữ, khiến họ rơi vào tình trạng tồi tệ và nguy hiểm vì có thể chết trong khi đang vượt cạn, vi phạm quyền sống của phụ nữ. Thế nhưng thẩm phán tuyên bố là không một phụ nữ nào được “có quyền giao cấu với một cảm giác bảo đảm là sẽ không có thai.” Nói cách khác, nếu một người đàn bà không muốn chết khi đang sinh con thì bà ta đừng có quan hệ tình dục. Sanger bị gửi tới nhà tù hạt Queens với án 30 ngày.
***
Từ lúc bắt đầu, phong trào kiểm soát sinh đẻ đa phần là những cuộc chiến về luật pháp và chính trị khi nói về nhân viên làm việc ở các dưỡng đường; bởi vì ở một nước chưa có bảo hiểm sức khỏe toàn dân thì việc thực hiện ngừa thai cho phụ nữ nghèo đòi hỏi một số cải cách pháp lý. Khi Sanger khiếu kiện việc bà bị tuyên án, thẩm phán đã quy định là bác sĩ có thể kê toa thuốc ngừa thai, điều này sau đó đã giúp Sanger mở thêm được nhiều dưỡng đường hơn. Vào năm 1921, Sanger thành lập Liên Hiệp Kiểm Soát Sinh Đẻ Hoa Kỳ. Bà nhận được cả núi thư kiểu như, “Tui cưới Ben 4 năm rồi hồi 25 tháng 12 rồi tui có thằng Redy đẻ 3 đứa thảy điều là con trai bi giờ tui gần như suy sụp rồi mà mới có 24 tủi thôi”, một bà ở Kentucky đã viết như thế vào năm 1922. Một người khác viết, “Bà sanger ơi tui mún bà biên thư cho tui để chỉ cách làm sao chánh đừng đem mấy đứa nhỏ vô cái thế giới kinh khủng này.” Gửi thông tin cho những người này là phạm pháp. Năm 1926, Sanger và các đồng nghiệp của bà đi Washington để gặp 60 ông thượng nghị sĩ, 20 ông hạ nghị sĩ và 17 thành viên hội đồng pháp lý. (Mary Ware Dennett, thành viên Liên Hiệp Tình Nguyện viên KHHGĐ, kể lại là, năm 1924, khi vận động hành lang ở Viện Tư pháp bang New York, bà đã nhận ra rằng ngay chính những quý ông từ chối không chịu đổi luật ấy lại có quý phu nhân phạm luật: tỷ lệ sinh sản của các gia đình các ông nghị này chỉ là 2,7 con/gia đình). Họ đã không làm được điều đó một cách chính danh. Ông nghị James Reed bang Missouri đã nói với các nhóm vận động là, “Kiểm soát sinh đẻ đang làm suy yếu nền tảng văn minh của chúng ta”, rằng “phụ nữ nên có nhiều con; và nên coi việc có đông con và nghèo khổ không phải là một trở ngại mà là gia sản của mình.” Henry Ashurst một Thượng Nghị sĩ của bang Arizona, nói là ông “không hề được nuôi dạy để thảo luận vấn đề này với phụ nữ.”
Danh Sách Susan B. Anthony công bố trên trang web của họ một danh sách Mười Hai Lý Do Chính Đáng Nhất để Bãi Ngân Tức Khắc Quỹ KHHGĐ. Lý do thứ 11 là Margaret Sanger là một khoa học gia theo chính sách Ưu Sinh-Eugenecist). (Trong danh sách này còn có những lý do khác như: KHHGĐ đã ủng hộ Obama năm 2008; KHHGĐ rộng lớn quá; và các dưỡng đường KHHGĐ không thực hiện chụp nhũ ảnh). Quả thật, Sanger là con người nóng nảy và thiếu kiên nhẫn, và thường thiếu cẩn trọng. Bà đã đi theo nhóm Ưu sinh; và có lúc Liên Hiệp Kiểm soát Sinh đẻ Hoa Kỳ đã thảo luận về việc sát nhập với Hiệp Hội Ưu Sinh Hoa Kỳ. Nhưng Sanger cũng là một nhà xã hội học, điều này khiến bà thường xung đột với các nhà ưu sinh, và với cả chính tổ chức của bà. Một cuộc thăm hỏi thực hiện năm 1927 trên một nghìn thành viên của Liên Hiệp Kiểm Soát Sinh Đẻ Hoa Kỳ phát hiện thấy thành viên của hội còn nặng tính Cộng hòa hơn cả phần còn lại của cả nước. Năm sau đó Sanger bị buộc phải từ chức chủ tịch Liên Hiệp: các thành viên đã phản đối chính sách nữ quyền của bà.
Trong suốt giai đoạn Đại Suy thoái, khi ngày càng có nhiều người thích có ít con hơn, một cuộc khảo sát của Viện Gallup cho thấy cứ bốn người Mỹ là có ba người ủng hộ việc hợp pháp hóa ngừa thai. Năm 1931, một ủy ban Hội Đồng Liên Bang Các Nhà thờ Thiên chúa giáo do Reinhold Niebuhr làm chủ tịch đã phát hành một báo cáo cổ súy việc ngừa thai, trong đó lập luận rằng, bằng việc tách riêng tình dục với sinh sản, thì nó (việc ngừa thai) sẽ giúp nâng cao hạnh phúc gia đình. Năm 1936 một tòa án khiếu kiện cấp liên bang đã họp để nghe án lệ Chính QuyềnHoa Kỳ chống Một Gói thuốc ngừa thai Nhật bản—vốn là một vụ án thử nghiệm do Sanger điều khiển—và kết cục là đã loại trừ ngừa thai ra khỏi bảng liệt kê các tội danh vi phạm thuần phong mỹ tục. Không lâu sau đó Liên Minh Kiểm Soát Sinh Đẻ Hoa Kỳ sát nhập với Cục Nghiên Cứu Kiểm Soát Sinh Đẻ ở Dưỡng Đường của Sanger thành Liên Đoàn Kiểm Soát Sinh Đẻ Hoa Kỳ. Tuy vậy Sanger không có nhiều quyền hạn lắm ở tổ chức mới này khi những người cầm đầu ở đó đã cho rằng cái từ “kiểm soát sinh đẻ” mang nặng tính chính trị xã hội quá. Năm 1942, mặc cho Sanger phản đối quyết liệt, tổ chức này được chuyển thành LIên Đoàn KHHGĐ Hoa Kỳ.
Trong suốt Thế chiến thứ Hai, KHHGĐ đã hoàn toàn kiểm soát toàn bộ quy mô các hộ gia đình như một phần của nỗ lực vì chiến tranh. Kiểm soát sinh đẻ tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ tôn giáo. Năm 1946, hơn 3200 giáo sĩ Do thái giáo và Tin Lành đã ký vào giải pháp hỗ trợ KHHGĐ. Cho đến những năm 50, tổ chức này được vận hành chủ yếu bởi những người đàn ông quan tâm đến việc kiểm soát dân số. Barry Goldwater là một bảo trợ viên tích cực của KHHGĐ, và vợ ông phục vụ cho tổ chức này ở Phoenix. Năm 1956 Sanger, lúc này đã về hưu, viết thư cho một vị giám đốc tiền nhiệm như sau, “Nếu tôi đã có nói hay viết cho ông là cái tên KHHGĐ sẽ là dấu chấm hết cho phong trào thì điều đó đã xảy ra và đã được thực tế chứng minh. Phong trào lúc đó là một cuộc chiến về phía trước, chứ không phải là một phong trào điên rồ, cuộc chiến này là vì tự do của những người làm cha mẹ nghèo khổ và vì sự phát triển và tự do sinh học của phụ nữ. Liên đoàn KHHGĐ đã bỏ hết mọi điều này lại phía sau,” Sanger đã có phần cay đắng, nhưng bà nói đúng. Kiểm soát sinh đẻ, như David Kennedy đã có lần lập luận, chính là một cuộc cải cách tự do mà thường lại có kết thúc bảo thủ.
KHHGĐ bắt đầu đánh vật với chủ đề phá thai vào năm 1955, với sự đẩy mạnh hoạt động của Mary Steichen Calderone, một bác sĩ sức khỏe cộng đồng đang làm việc cho họ với chức danh Giám đốc Y khoa. (Chính trong thời kỳ đương nhiệm của Calderone mà KHHGĐ mới bắt đầu cho làm xét nghiệm Pap smears). Phá thai đã được cho là hợp pháp cho tới năm 1821, khi Connecticut trở thành tiểu bang đầu tiên quy định việc phá thai đối với thai nhi bốn tháng tuổi là tội ác. Vào giữa thế kỷ hai mươi, chỉ trừ một số ngoại lệ nào đó, phá thai trở nên bất hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang. Tuy vậy nó vẫn được tiến hành rộng khắp. “Nếu như có một bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến nhiều người trên nước này thì chúng ta sẽ làm một cái gì đó về điều ấy (phá thai)”, Calderone nói. Bà đã tổ chức một hội nghị và tiến hành nghiên cứu. Trong một bài báo xuất bản năm 1960, bà ghi nhận sự khác nhau giữa phá thai hợp pháp và bất hợp pháp: đó là 300 đô la và việc tìm được đúng bác sĩ có khả năng và kinh nghiệm làm công việc phá thai.
Calderone rời khỏi KHHGĐ năm 1964 để thành lập Hội Đồng Giáo Dục và Thông Tin về Tính Dục Hiệp Chúng quốc. Bà muốn dạy người ta cách nói về tính dục, bởi vì, như bà có lần nói, “Mọi người không có nhiều từ ngữ gì cho lắm (về chuyện ấy), mà chỉ có một khái niệm chung cho tất cả mọi thứ…” Alan F. Guttmacher-giám đốc khoa sản ở bệnh viện Mount Sinai và là giáo sư về sản khoa và bệnh học phụ nữ ở Columbia, trở thành chủ tịch KHHGĐ từ năm 1962. Gutmacher có ba ưu tiên: cải tiến quan hệ của KHHGĐ với cộng đồng người da đen, bảo đảm hỗ trợ của liên bang đối với các chương trình KHHGĐ cho người nghèo, và tự do hóa luật phá thai.
Liên Đoàn Kiểm Soát Sinh Đẻ Hoa Kỳ đã thành lập một Hội Đồng Cố Vấn Quốc gia Người Da đen và một Chi nhánh Phục vụ người Da đen: đó là các viên chức sức khỏe cộng đồng và các bác sĩ da đen muốn giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tỷ lệ tử vong thai phụ da đen. Guttmacher hy vọng làm vững mạnh những tổ chức liên kết này, xây dựng thêm những tổ chức mới, và chống lại sự cáo buộc cho rằng tổ chức (KHHGĐ) kỳ thị chủng tộc. Năm 1962 giám đốc dưỡng đường KHHGĐ ở Harlem (là nơi mà W. E. B. DuBois[5] đã quản lý lúc nó mới mở, hồi ba thập kỷ trước) đã gặp Malcom X. Malcom X.nói rằng ông nghĩ là nếu tổ chức này gọi tên các dịch vụ của họ là “KHHGĐ thì nghe hay hơn là kiểm soát sinh đẻ” (bản ghi chú cuộc họp được gửi tới cho Guttmacher nói là, “lý do khiến ông nói như vậy là vì con người ta, nhất là người da đen, muốn họ (là người) có kế hoạch hơn là bị kiểm soát.”). Năm 1966 Martin Luther King, lúc đó là một Mục sư trẻ, vừa tham gia vào một Ủy ban KHHGĐ, đã được trao giải Margaret Sanger. Trong bài diễn văn nhận giải ông đã so sánh phong trào kiểm soát sinh đẻ với phong trào dân quyền—“Phong trào nhân quyền của chúng ta và những nỗ lực trước đây của bà Margaret Sanger có sự tương đồng về tính đấu tranh”—và đã tưởng niệm Sanger vì đã “khởi xướng một phong trào tuân thủ một “định luật cao hơn [luật người] để bảo vệ cuộc sống con người dưới những điều kiện nhân đạo.” Năm 1967 sau khi một lãnh tụ NAACP chi nhánh ở Pittsburg nói rằng KHHGĐ đang giúp kéo tỷ lệ sinh sản người da đen xuống thì trợ lý tổng giám đốc điều hành của tổ chức quốc gia này tuyên bố NAACP ủng hộ KHHGĐ. Năm 1968 một dưỡng đường ở Cleveland bị phóng hỏa.
Vào trước khoảng giữa thập niên 60, kiểm soát sinh đẻ được lập quỹ riêng rộng khắp; các dưỡng đường liên kết với KHHGĐ được tiến hành quyên góp, thu phí dịch vụ. “Tôi không thể tưởng tượng ra được một nguyên cớ gì để chú trọng tới một chủ đề vốn dĩ không hẳn là chính trị hay thuộc về một hoạt động hay chức năng, bổn phận gì của chính phủ như vậy,” Dwight Eisenhower đã nói như thế năm 1959, “đó không phải là việc của chúng tôi.” Nhưng cho tới trước năm 1965, khi những lo ngại về bùng nổ dân số thế giới bắt đầu chiếm lĩnh các cuộc tranh luận thì Eisenhower đã đảo ngược vị thế của ông đối với KHHGĐ, và cùng với Harry Truman làm đồng chủ tịch ủy ban KHHGĐ.
Trong khi đó những rào cản cuối cùng đối với ngừa thai đã được dẹp bỏ. Sau khi Estelle Griswold- giám đốc KHHGĐ ở Connecticut- mở một dưỡng đường mới ở New Haven, bà đã bị bắt giam và bị phạt theo luật cấm sử dụng thuốc ngừa thai ở Connecticut; đến năm 1965 Tòa Án Tối cao tuyên bố luật cấm ấy vi hiến. Năm kế tiếp Guttmacher đối chất trước quốc hội, “Giờ đây quả thực chúng ta đã có cơ hội để mở rộng việc tự do lựa chọn KHHGĐ đến mọi công dân Mỹ, bất kể vị trí xã hội, và biểu diễn cho thế giới thấy điều đó đã có thể thực hiện được như thế nào. Đây là lúc chúng ta phải hành động”
Năm 1968, tác phẩm “Quả bom Dân số” của Paul Ehrlich được xuất bản, Đức giáo hoàng phát hành quyển “Nhân Sinh” nhắc lại sự cấm đoán của nhà thờ đối với cả hai việc phá thai và ngừa thai, và Lyndon Johnson chỉ định một Ủy ban Dân số và KKHGĐ. Năm sau đó Richard Nixon thúc Quốc hội nâng phần quỹ liên bang giành cho KHHGĐ lên. Tại Hạ viện, George H. W. Bush của bang Texas nói, “Chúng ta cần làm cho KHHGĐ trở thành một từ ngữ quen thuộc với các hộ gia đình. Chúng ta cần loại chủ nghĩa khích động ra khỏi chủ đề này để cho nó không còn được sử dụng bởi những người quá khích vốn không có kiến thức về bản chất tự nhiên của chương trình, mà lại đi sử dụng nó như một nấc thang chính trị.”[6] Năm 1969 Nixon nói với quốc hội, “Không có một phụ nữ Mỹ nào có thể bị từ chối không được nhận sự hỗ trợ về KHHGĐ dựa trên điều kiện kinh tế của họ.” Năm kế tiếp ông ký quyết định đưa Chứng thư số Mười[7] thành luật.
Chú thích:
[1] ACORN: Association of Community Organizations for Reform Now—Hiệp Hội các Tổ Chức Cộng Đồng để Cải Cách Tức Khắc—là tập hợp của các tổ chức phục vụ cộng đồng cho người có thu nhập thấp và trung bình bằng cách tạo việc làm, giúp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về nhà ở, đăng ký đầu phiếu, cùng nhiều hoạt động xã hội khác. Được thành lập năm 1970, tổ chức này có trên 500.000 thành viên và 1.200 chi nhánh tại trên 100 thành phố lớn của nước Mỹ và cả tại Argentina, Canada, Peru, Mexico; nhưng đến nay đã phải thu hẹp hoạt đông xuống mức gần như tan rã sau những đoạn phim man trá sử dụng nhiều thủ thuật do O’Keefe dựng lên tố cáo hoạt động của họ vào năm 2009. (nguồn: Wikipedia)
[2] Tháng ba năm nay, nhà hoạt động O’ Keefe lại gây chấn động dư luận với những đoạn video sử dụng thủ thuật cắt nối với những thông tin sai lạc để tố cáo một hoạt động gây quỹ tại NPR.
[3] Upton Sinclair (1878-1968): nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20 với tiểu thuyết The Jungle lột trần thực tại của nền công nghiệp đóng gói thịt của Mỹ thời bấy giờ, kéo theo sự quan ngại của dư luận và sự ra đời của Luật An Toàn Thực phẩm và Dược phẩm cùng Luật Kiểm nghiệm Thịt…
[4] Một ngôn ngữ của người Do thái, viết bằng mẫu tự Hebrew nhưng có nhiều liên hệ với tiếng Đức.
W.E. B. DuBois (1869-1963): nhà xã hội học người Mỹ, một trong những thủ lĩnh người da đen quan trọng nhất trong nửa đầu thế kỷ 20. Ông là đồng sáng lập viên của NAACP (National Association for the Advancement of the Colored People-Hiệp Hội Quốc Gia vì sự Tiến Bộ của Người Da màu) (1901)
[6] Sau khi đắc cử (1988), ông đã mau chóng quên đi những phát biểu hùng hồn này và ra sức đánh bóng tên tuổi mình qua những tuyên bố và hoạt động chống KHHGĐ của phe cực hữu, nhằm chống lại quan điểm vì-sự-lựa-chọn của đảng DC.
[7] Tittle X: trong bộ luật Dịch vụ Sức khỏe Công cộng, trong đó các biện pháp tránh thai trở nên khả dụng đối với mọi người bất kể thu nhập, và ngân sách được cấp cho các chương trình giáo dục và nghiên cứu về các biện pháp tránh thai.
Hôm tôi ngồi với Cecile Richard ở khách sạn Washington cũng là sinh nhật của cô. Richards sinh năm 1957. Cả cuộc đời cô là lịch sử của Đảng Dân chủ ở nửa sau thế kỷ hai mươi. “Tôi xuất thân từ một gia đình với những phụ nữ độc lập và mạnh mẽ,” cô nói. Bà nội của cô, Eleanor Richards, là Chủ tịch Liên Hiệp Các Nữ Cử tri Texas. Mẹ cô-bà Ann Richards-có một sự nghiệp chính trị lâu dài ở Texas. “Mẹ tôi cũng giống như những bà mẹ khác của những năm 50-60,” Richards nói, “Chỉ khác một điều là bàn ăn nhà tôi là ‘nơi sắp xếp danh sách các đơn vị bầu cử’”
Richards lớn lên ở Dallas, nơi cha cô-ông David-làm luật sư lao động. “Ba mẹ tôi kể như chống lại tất cả mọi sự,” cô nói. “Ba mẹ tôi tham gia tất cả các phong trào nào về đến thị trấn của chúng tôi.” Lúc chưa biết đi cô đã ngủ trong xe khi ba mẹ cô lái xe đi dự các cuộc họp của các Đảng viên DC trẻ. Khi mẹ cô đi làm thiện nguyện ở tổng hành dinh của NAACP ở Đông Dallas, ngồi vô phong bì cho vòng đua tranh cử thống đốc bang năm 1958 thì ba cô chăm sóc cô. Năm 1961, cả nhà dọn đến sống ở Washington hết một năm khi David làm việc cho Ủy ban Dân quyền. Mẹ cô thuê người giữ trẻ tới nhà mỗi tuần một lần để bà có thể đến hành lang thượng viện theo dõi tình hình. Lúc Cecile được mười một tuổi, cô đã lần đầu tiên được xem cha mình tranh biện vụ án đầu tiên của ông trước Tòa Tối cao. Bữa tiệc khiêu vũ đầu đời của cô là năm cô 12 tuổi, trong một buổi dạ vũ quyên góp cho Liên hiệp các Nhân công Nông trường tổ chức ở VFW[1]. Suốt trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cha cô bảo vệ những người không chịu đầu quân để phản đối chiến tranh. Khi Cecile học lớp bảy, cô đã bị gửi lên văn phòng Ban Giám hiệu vì đã đeo băng tay màu đen để phản đối chiến tranh. Cô nói, “Đó là lần đầu tiên tôi đã, như một người trẻ tuổi, đứng lên vì điều mình tin tưởng.”
Lúc bà Margaret Sanger qua đời, năm 1966, thì Richards mới chín tuổi. Năm sau, Alan Guttmatcher biên tập một quyển sách có tựa là “Để Phá Thai Được Hợp Pháp Hóa Ngay”. Là một thực tập sinh trong những năm hai mươi, Guttmatcher đã chứng kiến một phụ nữ chết vì phá thai không đúng cách. Ở Mount Sinai ông đã thực hiện phá thai cho tới khi bệnh viện yêu cầu phải ngưng. Những luật cho phá thai tự do vào những năm sáu mươi và nửa đầu những năm bảy mươi đã được thúc đẩy bởi các bác sĩ và luật sư, và được các giáo sĩ ủng hộ. Khoảng giữa 1967 và 1970, một số cấm đoán đối với phá thai đã được gỡ bỏ ở Alaska, Arkansas, California, Delaware, Georgia, Hawaii, Kansas, Maryland, New Mexico, New York, North Carolina, Virgian, và Washington. Thống đốc Ronald Reagan đã ký luật California[2]. Cho tới 1970, Dịch vụ Tư vấn Của các Giáo sĩ về Phá thai, vốn đã được thành lập để giúp phụ nữ tìm được những bác sĩ có thể thực hiện phá thai an toàn, đã cung cấp dịch vụ này tại hai mươi sáu tiểu bang.
Phụ nữ đã không tham gia nhiều lắm vào cuộc đấu tranh giành phần thắng này. Betty Friedan đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ luật tự do phá thai tại một cuộc họp của Tổ Chức Quốc Gia vì Phụ Nữ năm 1967; nhưng thực sự các nhà hoạt động nữ quyền đã chỉ bắt đầu nỗ lực tham gia từ năm 1969-năm thành lập nhóm đòi quyền phá thai NARAL, tại một hội thảo ở Chicago trong đó Friedan tuyên bố, “Không thể có tự do và bình đẳng, không thể có quyền làm người và sự tôn trọng trọn vẹn cho phụ nữ khi chúng ta chưa được khẳng định và yêu cầu quyền được kiểm soát cơ thể và quá trình sinh sản của chính chúng ta.”
Năm 1972 khi Cecile Richards đang học trung học, Sarah Weddington-một luật sư 27 tuổi, người đã nhận tư vấn cho một dịch vụ có liên quan tới ngừa thai và phá thai-tiến hành tranh cử vào hệ thống lập pháp của Texas. Luật sư này đã tuyển Ann Richards-một bà nội trợ bốn con-vào để phụ giúp chiến dịch tranh cử. Mấy chị em Cecile được giao việc dán nhãn lên mấy cái cản xe. Sau khi Weddington thắng cử, Ann Richards được tuyển làm trợ lý văn phòng. Sarah Weddington là một trong những luật sư đã cãi cho Jane Roe trong án lệ Roe chống lại Wade.
***
Đa số mọi người khi đọc đến giai đoạn lịch sử này của nước Mỹ cũng sẽ đều giơ cao hai tay. Bất luận bạn đang nghĩ gì về quyền lực, những điều sắp kể tới đây thật là khủng khiếp. Một dấu hiệu cảnh báo sớm: mười tháng sau vụ Roe, Guttmacher mô tả việc ông đến bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston để thuyết trình, và rốt cuộc chỉ gặp một người phản đối mặc chiếc áo choàng dùng trong phòng mổ loang đầy những bệt sơn đỏ, miệng kêu khóc “Đồ sát nhân!” Guttmacher viết trong tờ Reader’s Digest rằng, “những ai đang phản đối và những người ủng hộ tự do phá thai có chung một mục tiêu—đó là giảm thiểu toàn bộ số vụ phá thai,” thông qua những phương cách ngừa thai tốt hơn, an toàn hơn, rẻ hơn; bởi vì, ông thấy rằng, “mỗi một vụ phá thai đều nói lên một thất bại nào đó về y khoa hoặc về xã hội.” Điều này khiến ông nhận được cả núi thư chửi bới đầy căm ghét. Ông đã qua đời không lâu sau đó.
“Trừ khi vụ án Roe chống Wade được đảo ngược lại, còn thì chính trị không bao giờ khá lên nổi,” bình luận viên tờTimes David Brooks đã viết như thế; và khẳng định, “Quan tòa Harry Blackmun đã vô tình gây ra nhiều thiệt hại cho nền dân chủ của chúng ta hơn bất kỳ người Mỹ thế kỷ 20 nào. Khi ông và các đồng nghiệp của ông ở Tòa Án Tối cao ban hành quyết định cho vụ án Roe và Wade, họ đã thiết lập nên cái vòng xoay chính trị cứ luẩn quẩn xoay tới rồi lại xoay lui, làm nhiễm độc đời sống công chúng hơn bao giờ hết.” Nhưng Linda Greenhouse và Reva Siegel –cả hai đều dạy ở trường Luật Yale—đã tranh luận rằng đây là kiểu kể chuyện truyền thống muốn quay lui bánh xe lịch sử. Trong một bài báo đăng trên tờ Yale Law Journal tháng sáu vừa qua, họ đề nghị rằng những gì xảy ra sau vụ Roe không phải là hệ quả của quyết định của tòa, mà là do các nhà hoạch định chiến lược tranh cử tổng thống của ĐCH đã nỗ lực định nghĩa lại Đảng—trước khi có vụ Roe. Theo giả thiết của họ thì, nếu có một kẻ tội đồ thì người đó không phải là Harry Blackmun, mà là Richard Nixon.
Năm 1969, trong tác phẩm “Đa số Cộng hòa Đang Tăng”, nhà hoạch định chiến lược của Nixon-Kevin Phillips đã đề xuất một kế hoạch nghiền nát Liên minh Tân Điều đình của phe DC bằng cách tuyển dụng người miền Nam và có đạo (Catholics) vào ban vận động tranh cử cho ĐCH. Lúc đó đa số đảng viên DC, kể cả Edward Kennedy, đều đã lên tiếng phản đối phá thai. Cố vấn của Nixon đã khuyên ông nên coi lại vị thế của ông đối với phá thai và KHHGĐ. Năm 1970, năm Nixon ký Chứng thư số Mười[3], Bộ Quốc Phòng đã phê duyệt chính sách cho phép các bác sĩ ở các căn cứ quân đội trong một số trường hợp có thể được thực hiện phá thai. Năm 1971, Patrick Buchanan viết một bản ghi nhớ đề nghị Tổng thống đảo ngược chính sách ấy, như một phần của chiến lược nhằm bảo đảm là George McGovern (ứng viên mà Nixon muốn tranh cử với) sẽ thắng Edmund Muskie trong bảng đề cử của phe DC. Quan sát thấy là phá thai là “một vấn đề đang nóng, và là chuyện nhạy cảm đối với người công giáo,” Buchanan viết, “Nếu Tổng thống công khai chống phá thai, như thể điều đó là một việc xúc phạm đến những nguyên tắc đạo đức của chính ngài,…thì chúng ta có thể ép Muskie phải chọn giữa nhiều triệu ủng hộ viên theo đạo công giáo với đám bạn tự do của ông ta ở mấy tờ New York Times và tờ Washington Post.” Một tuần lễ sau đó, trong một tuyên bố gửi tới Bộ Quốc Phòng, Nixon đã mượn ngôn ngữ của nhà thờ Thiên Chúa giáo để nói về “niềm tin cá nhân (của ông-Nixon) đối với việc vinh danh đời sống con người-kể cả đời sống của những bào thai chưa chào đời.”
“Sự thiên vị giành cho những tôn chỉ của đạo Công Giáo là chính sách tốt” một nhà hoạch định chiến lược của Nixon viết trong “Phân Hóa Phe Dân chủ”-một bản ghi nhớ gửi cho H.R. Haldeman năm 1971: “Đó là sự cân nhắc chọn một trong hai, nhưng nó để lại cho chúng ta phần bánh lớn hơn.” Khi một ủng hộ viên Nixon phản đối đường lối chính trị này, Buchanan vẫn giữ vững. Khi được hỏi liệu Nixon có trở lại vị thế ủng hộ phá thai ban đầu của ông hay không, Buchanan đã chế diễu một cách mỉa mai: “Ông ta lại muốn mất sự ủng hộ của người Công giáo để có được cái gì nào, Betty Friedan chắc?”
Phá thai không hề là chuyện tranh cãi của các đảng phái cho tới khi phe Cộng Hòa làm cho nó trở nên như vậy. Vào tháng sáu năm 1972, một thăm dò của Gallup cho biết 68% đảng viên Cộng Hòa và 59% người của đảng Dân Chủ đồng ý rằng “quyết định có phá thai hay không chỉ nên thực hành bởi chính người phụ nữ và bác sĩ của bà ta.” Năm mươi sáu phần trăm người Công giáo cũng nghĩ như thế. Blackmun đã kẹp bài báo của Washington Post viết về kết quả thăm dò này vào hồ sơ vụ án Roe của ông.
Tháng mười một năm 1972, Nixon tái đắc cử. Tám ngày sau khi Tòa Án Tối Cao ban hành quyết định về án lệ Roe, vào tháng giêng năm 1973, một tu chính quyền-được-sống được gửi tới Quốc hội. “Điều này gây ra những vấn đề có tính chiến lược thực sự,” một chủ tịch tiền nhiệm của KHHGĐ nói trong một cuộc phỏng vấn, “bởi vì tới mức độ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng chiến đấu để giữ nó bên ngoài hiến pháp, thì KHHGĐ sẽ bị dán nhãn là vị-phá-thai. Phu nhân của Gerald Ford và vị Phó của ông ta, Nelson Rockerfeller, đã ủng hộ quyền phá thai. Năm 1976, năm mà Quốc hội thông qua Tu chính Hyde, Ann Richards lần đầu tiên chạy đua vào Văn phòng Chính phủ và Cecile lúc đó còn đang học ở Brown. Cô đi làm kiểm soát sinh đẻ cho mình ở một dưỡng đường KHHGĐ tại Providence.
Vào cuối những năm bảy mươi, các nhà hoạch định chiến lược của đảng CH Richards Viguerie và Paul Weyrich, đã tuyển dụng Jerry Falwell vào một liên minh được dựng lên để đưa những người bảo thủ về kinh tế và xã hội ngồi lại với nhau trong một chương trình nghị sự “vì-gia-đình”; họ định tập trung vào các quyền đồng tính luyến ái nam, quyền tự do tính dục, tự do cho phụ nữ, tu chính về các quyền bình đẳng, chăm sóc trẻ em và giáo dục giới tính. Weyrich nói rằng phá thai “nên là điều mấu chốt trong chiến lược tổ chức của họ, bởi vì đó là vấn đề có thể làm phân hóa đảng DC.” Falwell đã thành lập tổ chức Đa Số Mô Phạm năm 1979; đến năm 1982 Paul Brown-sáng lập viên của Liên Hiệp Sự Sống Hoa Kỳ-đã nói mỉa là, “Năm năm trước đây Jerry Falwell thậm chí c