18/06/2018, 15:51

Tiên tri Daniel và bốn đế quốc

Daniel và Nebuchadnezzars Nguyễn Tiến Cảnh TIÊN TRI DANIEL VÀ 4 ĐẾ QUỐC Trong số những người DoThái bị bắt ở Judah và bị lưu đày đi Babylon, có một chàng trai trẻ tuổi tên DoThái là Daniel, tên Babylon là Balteshazzar (Daniel 1:1-7). Daniel sống vào một thời điểm đặc biệt khi ...

Daniel và Nebuchadnezzars

Daniel và Nebuchadnezzars

Nguyễn Tiến Cảnh

TIÊN TRI DANIEL VÀ 4 ĐẾ QUỐC

Trong số những người DoThái bị bắt ở Judah và bị lưu đày đi Babylon, có một chàng trai trẻ tuổi tên DoThái là Daniel, tên Babylon là Balteshazzar (Daniel 1:1-7). Daniel sống vào một thời điểm đặc biệt khi mà hai vương quốc Judah và Babylon đang trên đà suy thoái. Daniel sau này trở thành một trong những tiên tri nổi danh nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. Ông là một quan chức cao cấp phục vụ cả hai triều chính Babylon và triều chính kế tiếp là đế quốc Medo-Persia.

Daniel tiên đoán những biến cố đã ứng nghiệm từ nhiều thế kỷ trước và những biến cố sẽ xẩy ra sau này. Sách Daniel còn nói trước về lịch sử của cả một vùng từ thời ông cho đến ngày Chúa Kitô trở lại.

Tuy nhiên ở cuối sách –ông viết- Chúa đã biểu ông “thôi không nói nữa và niêm phong sách lại cho đến ngày tận cùng. Nhiều người sẽ chạy đôn chạy đáo và rồi họ sẽ hiểu biết hơn” (Daniel 12: 4). Điều đó chứng tỏ là có nhiều lời tiên tri, thoạt nghe chẳng thấy có ý nghĩa gì cả, nhưng khi ngày tận thế đến gần thì mọi sự sẽ thành rõ ràng và dễ hiểu..

Daniel đã tiên tri rất chính xác những điều được ghi trong kinh thánh. Nhiều lời ông nói rất đặc biệt và chi tiết đến nỗi đã làm cho nhiều nhà phê bình kinh thánh phải ngỡ ngàng.

Nhiều người đa nghi không thèm đếm xỉa đến sự chính xác của những lời ông nói, không coi lời ông nói là do Chúa mặc khải mà cho là giả mạo. Họ nghĩ rằng sách không phải do Daniel viết vào thế kỷ VI B.C. –thời kỳ mà những biến cố xẩy ra hiển nhiên y như trong sách viết- nhưng là do một tác giả vô danh nào đó viết vào khoảng năm 160 B.C., sau khi những biến cố viết trong sách Daniel đã ứng nghiệm. Vì vậy mà theo họ những lời tiên tri đó mới được chính xác như vậy! 

Nhưng những lời tiên tri Daniel đã chứng minh ngược lại những chỉ trích đó. Hãy xét về tích chất của những lời phê bình đó. Họ nghi ngờ về tác giả của sách bởi vì trong những chương đầu của sách, Daniel đã dùng ngôi thứ ba để nói về chính ông cứ như là viết về một nhân vật nào khác. Nhưng sách Expositor’s Bible Commentary đã cho biết “Đó là cách viết bút ký lịch sử của những tác giả thời cổ…”(1985, Vol.7, p.4). Còn khi nói về những kinh nghiệm bản thân của chính mình thì Daniel đã dùng ngôi thứ nhất để viết. (Daniel 7:15; 8:15; 9:2; 10:2).

Những chỉ trích về căn tính của Daniel cũng tương tự như vậy. Người đầu tiên đặt vấn đề sách có thực sự do Daniel viết hay không là Porphyry, một học giả và sử gia Hy Lạp sống vào khoảng 233-304 A.D. Ông là sử gia theo hệ phái Platon hơn là theo kinh thánh. “Porphyry được nhiều ngừơi biết tới như là nhân vật bạo động chống Kito giáo và đứng về phe ngoại”(Encyclopedia Britannica, 11th edition, Vol.22,p.104, “Porphyry”)

Vì Porphyry là kẻ thù của Kito giáo nên chủ đích của ông là gây thắc mắc. Lý luận của ông không dựa trên những dữ kiện thực tế mà còn đi ngược lại cả chứng từ của Chúa Jesu Kito đã xác nhận Daniel là tác giả của sách (Mt.24: 15).

Học giả kinh thánh Jerome (340-420 A.D.) đã bác bỏ luận điệu của Porphyry. Từ đó về sau không còn ai để ý đến những vấn nại của ông một cách nghiêm chỉnh cho đến nhiều thế kỷ sau này. “…..Ông đã ít nhiều bị các học giả kinh thánh Kito giáo bác bỏ vì ông đơn thuần là một dân ngoại chuyên phỉ báng đã dùng những sai lầm của chủ thuyết tự nhiên để lý luận. Nhưng đến thời kỳ Ánh Sáng của thế kỷ XVIII thì những yếu tố siêu nhiên trong Kinh Thánh bắt đầu bị hồ nghi….” (Expositor’s p.13)

Một số học giả ngày nay có khuynh hướng tự do lại lặp lại những lập luận cũ ở những thế kỷ trước. Nhưng Eugene Merrill, một sử gia cựu ước đã phản bác lại cho rằng niềm tin của họ đã dựa trên một nền tảng chẳng có gì là chắc chắn.“ Cách viết và ngôn từ của (Daniel) rất đặc biệt ở thế kỷ VI B.C…..Không thể chỉ dựa vào những điều có tính chủ quan và nói lòng vòng mà chối bỏ tính lịch sử của con người Daniel và các văn từ của ông” (Kingdom of Priests, 1996, p.484).

HIỆN TƯỢNG TIÊN TRI VÀ SỰ ỨNG NGHIỆM

Daniel đã tiên đoán những sự việc trong tương lai rất là ngoạn mục. Chẳng hạn lời tiên tri “70 tuần” ghi trong Daniel 9:24-27. “Daniel đã báo trước chính xác năm Chúa Kito xuất hiện và bắt đầu sứ vụ rao giảng là năm 27 A.D.” (Expositor’s, p.9).

Một tiên đoán khác của Daniel đã gây ngỡ ngàng là ông cắt nghĩa chiêm bao của vua Nebuchadnezzar nói ở chương 2. Vào năm trị vì thứ 2, vua Babylon đã có một ác mộng mà không một quân sư nào có thể giải nghĩa được. Dân Babylon thì tin vào mộng mị chiêm bao, cho nên giấc chiêm bao này, đối với vua Nebuchadnezzar, nó rất quan trọng.(Daniel 2:1-3).

Giấc mộng của vua đã mở ra cho chúng ta thấy “chương trình của Chúa qua nhiều thời đại cho đến ngày Chúa Kitô khải hoàn” và cũng cho ta thấy “diễn biến các cường quốc trên thế giới tuần tự chiếm đóng vùng Cận Đông cho đến lúc đấng Thiên Sai toàn thắng trong những ngày cuối cùng”(Expositor’s pp.39,46).

Không biết trước nội dung của giấc chiêm bao mà ông cũng đã cắt nghĩa được cho vua Nebuchadnezzar rõ ràng từng chi tiết. “ Thưa hoàng thựong, như ngài đang nhìn thấy. Đó là một pho tượng, pho tượng lớn, vĩ đại, sáng chói lạ thường đang đứng trước mặt hoàng thượng; hình dáng trông ghê sợ. Đó là một pho tượng, mà đầu thì bằng vàng ròng, ngực và cánh tay thì bằng bạc, bụng và đùi thì bằng đồng, cẳng bằng sắt, chân thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét” (Daniel 2: 31-33).

Nebu-Statue-05-Babylon

Daniel cắt nghĩa tiếp cho vua Nebuchadnezzar: Cái đầu bằng vàng là tượng trưng cho đế quốc Babylon (câu 37-38). Những phần bằng bạc, đồng và sắt của bức tượng là tượng trưng cho ba đế quốc đầy quyền uy sẽ tuần tự nối tiếp đế quốc Babylon (câu 39-40).

Daniel diễn giải về một viễn tượng lịch sử đã làm cho mọi người phải kinh ngạc. Giấc mộng của vua Nebuchadnezzar xẩy ra và đựoc cắt nghĩa vào khoảng năm 600 B.C. Pho tượng là một hình thức tượng trưng sự nối tiếp của các đế quốc sẽ ảnh hưởng tình hình chích trị trong vùng trong nhiều thế kỷ.

“ Đế quốc Bạc tức đế quốc Medo-Persia, khởi đầu là vua Cyrus Đại Đế đã chinh phục Babylon vào năm 539…Đế quốc Bạc này lúc đó là một siêu cường đã hoành hành ở miền Cận Đông và Trung Đông trong vòng khoảng 2 thế kỷ” (Expositor’s p.47).

“ Đế quốc Đồng là đế quốc Greco-Macedonian mà người sáng lập là Alexander Đại Đế…Đế quốc này đã thống trị khoảng 260 hay 300 năm trước khi bị đế quốc thứ tư đè bẹp” (ibid)

“ Sắt có nghĩa là hùng mạnh và tàn ác, tức đế quốc La Mã đã bành trướng rất rộng dưới triều đại Trajan” (ibid). Trajan trị vì với tư cách một Hoàng Đế từ 98-117 A.D. và Đế quốc La Mã đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.

Bàn chân và ngón chân là biểu hiệu của đế quốc thứ tư này, và được làm một phần bằng sắt, một phần bằng đất sét như đã diễn tả trong câu 41. “ Câu 41 nói về giai đoạn sau cùng tức sự xuất hiện của đế quốc thứ tư, tượng trưng là 2 bàn chân và 10 ngón chân được làm bắng sắt và đất, một cái nền mỏng manh so với cả một lâu đài vĩ đại / bức tượng khổng lồ. Bản văn ám chỉ một cách rõ ràng là giai đoạn sau cùng tức đế quốc thứ tư này sẽ là một liên bang bao gồm nhiều tiểu quốc chứ không phải là một vương quốc thống nhất hùng mạnh” (ibid).

MỘT CHIÊM BAO KHÁC

Bốn đế quốc nối tiếp nhau thống trị trong vùng được biểu lộ cho Daniel qua một giấc chiêm bao khác. Lần này bốn đế quốc biểu hiện bằng 4 con thú: Con sư tử là đế quốc Babylon, con gấu là đế quốc Medo-Persian, con báo là đế quốc Greco-Macedonian và con thú thứ tư là con vật rất “ghệ rợn”, không giống một con nào trong ba con trước (Daniel 7:1-7).

Câu 7 nói về con thú thứ tư như sau: “ Sau đó, tôi đang nhìn trong đêm tối, thì này một thú vật thứ tư, trông rất kinh sợ và mãnh dũng phi thường. Răng nó bằng sắt và rất lớn ( tương đương với cái cẳng bằng sắt trong giấc mộng trước). Nó ăn ngốn ngáo, nó nghiền nát ra từng mảnh, ăn còn sót lại thì nó chà đạp dưới chân. Nó khác tất cả những con vật khác. Nó lại có 10 xừng”.(Daniel 7:7).

Cách diễn tả như vậy thì có ý nghĩa gì? Con thú thứ 4 này ám chỉ đế quốc La Mã hùng mạnh. Nó sẽ đè bẹp tất cả những ai chống đối nó. “Vậy thì cái đế quốc siêu cường khổng lồ La Mã……được biểu hiện qua tượng hình một con thú thứ tư hung dữ ghê rợn” (Expositor’s, p.87).

Câu 8 trong Daniel 7 diễn tả 10 cái sừng như sau: “Tôi đang ngắm nghía các sừng thì thấy có một sừng khác, nhỏ hơn, nhú lên giữa đám sừng đó; và ba cái trong những sừng đó bị nhổ đi”. Ở cuối chương này, chúng ta còn thấy cái sừng nhỏ này tự mình vươn tới vị thế của một lãnh tụ tôn giáo có uy quyền trên thế giới (câu 24-25) , mặc dù chỉ cầm đầu một tôn giáo sai lầm đi bách hại các tông đố và tín hữu của Chúa.

Daniel 7:9-14 diễn tả Chúa Kitô thiết lập nước Chúa ở trần thế: “…..Và rồi Ngài được ban tặng quyền bính, vinh dự và vương quốc mà tất cả các dân tộc, các quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền bính của Người sẽ kéo dài muôn đời, không bao giờ hết. Vương quốc của Người là vương quốc độc nhất không bao giờ bị thiêu hủy”. Vậy thì, đế quốc La Mã này, qua những đổi thay trong suốt chiều dài lịch sử, vẫn cứ tiếp tục cho đến thời điểm cuối cùng lúc Chúa Kitô trở lại thống trị trái đất.

Sách khải huyền đoạn 17 cũng giúp chúng ta hiểu được uy quyền lực ở thời điểm cuối cùng này. Ở đây ta lại thấy nói về một con thú, nhưng biểu lộ cuối cùng là 10 “ông vua”, tức là các vị lãnh tụ quốc gia hay liên hiệp các quốc gia, sẽ tiếp nhận vương quyền trong vòng một giờ với nhân vật nắm giữ mọi quyền lực ở thời điểm cuối cùng này mà Kinh Thánh nói đến như là một “con thú” (Khải Huyền 17: 12-13). Sự phục hồi sau cùng của Đế quốc La Mã sẽ dẫn đến sự trở lại của Chúa Kitô khi chúng “giao chiến với con Chiên” tức Chúa Giêsu Kitô và Người sẽ toàn thắng…(Câu 14).

Tất cả những chuyện này đều phù hợp với Daniel 2:44, cho chúng ta thấy rằng Chúa Kitô trở lại lần thứ hai vào lúc mà những vết tích của con thú thứ tư tức đế quốc La Mã vẫn còn tồn tại: “ Và trong những ngày các vua này vẫn còn trị vì, Thiên Chúa trên trời sẽ thiết lập một vương quốc vĩnh viễn, không ai có thể phá hủy được; vương quốc này sẽ không bao giờ để lại cho bất cứ một ai khác; nó sẽ nghiền nát, đánh tan những vương quốc kia ra từng mảnh, và nó sẽ đứng vững muôn đời”(Daniel 2:44).

Phần lớn những biến cố này đã được tiên đoán từng chi tiết qua 2 giấc chiêm bao và đã ứng nghiệm. Sự hoàn thành rõ nét từng chi tiết nhỏ chứng minh lời Daniel nói là do Thiên Chúa mặc khải. Bất cứ người trần nào nói là tự mình biết trước được những việc như vậy đều không đáng tin cậy. “….Chỉ có một mình Thiên Chúa trên trời mới có thể để lộ ra những bí mật và báo cho vua Nebuchadnezzar biết trước những điều sẽ xẩy ra trong những ngày cuối cùng” (Daniel 2:28).

NHỮNG LỜI TIÊN TRI RÕ NÉT NHẤT TRONG SÁCH DANIEL

Daniel 11 cũng ghi lại nhiều lời tiên tri khác nữa. Những biến cố xẩy ra có lớp lang thứ tự đã được chép trong Daniel 10:1 vào “năm trị vì thứ 3 của vua Cyrus đế quốc Ba Tư / Persia”. Một “Người” (câu 5), chắc chắn là thiên thần (giống như trong Daniel 9:21) đã đến với Daniel và nói với ông về những chuyện sẽ xẩy ra “trong những ngày cuối cùng” (Daniel 10:14).

Những lời tiên tri ghi kế tiếp đó thì rất rõ nét từng chi tiết trong suốt sách Daniel. Năm thứ 3 triều đại vua Cyrus lúc đó là khoảng hơn 500 năm trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Tuy nhiên ông đã nói trước / tiên tri những biến cố đã xẩy ra hầu như ngay tức thì và sẽ tiếp tục cho đến khi Chúa Kitô trở lại lần thứ hai. Lời tiên tri Daniel nói rất xác thực vì nó đã ứng nghiệm, đồng thời nó lại phù hợp với lịch sử của 2 đế quốc Ba Tư (Persia) và Hy Lạp. Không một người thường nào lại có thể nhìn thấy trước những sự kiện lịch sử một cách chi tiết và rõ nét như vậy.

Một vài yếu tố dưới đây có vẻ khó hiểu, đòi hỏi phải để ý và suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, nếu đem so sánh, đối chiếu với lịch sử thì sẽ thấy rõ ràng ngay.

NHỮNG ÂM MƯU CHÍNH TRỊ

35 câu đầu tiên của đoạn 11 sách Daniel (Daniel 11:1-35) được viết từ nhiều năm trước, nói về những mưu đồ giữa 2 thế lực chính trị của vua phương Bắc và phương Nam. Trong lịch sử, vua phương Nam thường được gọi là Ptolemy, thống trị từ Alexandria thuộc Ai Cập trở xuống. Vua phương Bắc thống trị từ Antioch thuộc Syria trở lên với danh hiệu Seleucus hoặc Antiochus.

Với ý niệm như vậy trong đầu, chúng ta thử tìm hiểu xem lời tiên tri Daniel đã được ứng nghiệm thế nào. Đây là điều rất quan trọng, bởi vì nó cho ta biết tình hình chính trị và bầu khí căng thẳng ở Trung Đông thời gian trước khi Chúa Giêsu Kitô giáng trần lần I và II. Trong cả hai trường hợp, Jerusalem vẫn là trung tâm điểm của những tranh chấp xung đột chính trị thời đại..

Cũng có thể tìm hiểu thêm về lịch sử của vùng đã xẩy ra và ứng nghiệm với những lời tiên tri, được nói trong The Expositor’s Bible Commentary và một số sách đáng tin cậy mà chúng tôi trích dẫn dưới đây. Vì khuôn khổ của bài viết, chúng tôi cũng không trích ra nguyên cả những đoạn dài kinh thánh, nên quí độc giả có thể tự tìm để đọc. Nhưng nên nhớ là những lời ghi trong kinh thánh là những lời đã được viết ra / tiên đoán trước khi sự việc xẩy ra.

DANIEL 11

Daniel 11:2: “Ba vua nữa” là vua Cambyses, hoàng tử cả của vua Cyrus; vua Giả-Smerdis, mạo nhận là hoàng tử thứ của vua Cyrus đã bị ám sát chết một cách bí mật; và vua Darius xứ Ba Tư. “ Vua Ba Tư đã xâm lăng Hy Lạp lúc đó là….Xerxes đã trị vì từ năm 485-464 B.C.” (Expositor’s, p.128).

Câu 3-4: “Câu 3 cho chúng ta biết sự xuất hiện của Alexander Đại Đế” (ibid). Ngôn từ trong câu 4 “rõ ràng cho chúng ta thấy vị vua xâm lăng dũng mãnh này trị vị không được lâu….Trong vòng 7-8 năm mà ông đã chiến thắng quân sự một cách lẫy lừng chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Nhưng ông chỉ sống thêm được 4 năm nữa và rồi….chết vào năm 323 vì bệnh sốt rét..….” (ibid).

Vương quốc của Alexander bị phân chia thành “4 đế quốc nhỏ và yếu hơn” (Expositor’s p.129). Hoàng tử bị giết năm 310 khi còn nhỏ, và người em không chính thống cũng bị ám sát chết năm 317. “Như vậy là Alexander đại đế không còn ai thuộc giòng máu chính thức để nối ngôi” (ibid). Vì thế vương triều của ông không được truyền tiếp cho hậu duệ, con cháu chính thức của ông (câu 4) mà bị phân chia cho những người ngoài hoàng tộc.

Các tướng của Alexander đã đánh nhau để dành quyền thống trị cả đế quốc, chém giết trừ khử nhau cuối cùng chỉ còn lại 4 ông, sau này trở thành lãnh tụ của 4 vùng. Bốn tướng này là Cassander, thống trị Hy Lạp và phía Tây, Lysimachus thống trị Thrace và Tiểu Á, Ptolemy thống trị Ai Cập và Seleucus thống trị Syria. Biểu tượng của các tướng này nói trong kinh thánh là: Cánh Chim, Cái Đầu, Cái Sừng và Gió (Daniel 7:6; 8:8-12; 11:4). Trong bốn tướng này, chỉ có 2 tướng là Ptolemy và Seleucus là bành trướng quyền lực và mở mang bờ cõi. Hai tướng này về sau trở thành vua Ai Cập và Syria.

Bàn về những mưu mô dưới đây là của hai vua này: Vua phương Nam (Ptolemy) và vua phương Bắc (Seleucus). Nói phương Bắc và phương Nam là vì vị trí của nó đối với thị trấn Jerusalem.

Câu 5: “ Vua phương Nam lúc bấy giờ gọi là Ptolemy I” (Expositor’s p.130)

Trong kinh thánh thì nói là “một trong các hoàng tử” tức ám chỉ Seleucus. Ông này lúc đầu phục vụ dưới triều đại Ptolemy. Sau khi hoàng đế Alexander băng hà, Seleucus dùng mưu mô đã nắm được quyền kiểm soát Syria và trở thành vua phương Bắc. Seleucus cuối cùng đã nắm giữ được nhiều quyền hành hơn Ptolemy và triều đại của dòng họ Seleucus tiếp tục kéo dài cho đến năm 64 B.C.

CHIẾN TRANH LAODICE

Câu 6: Tình trạng căng thẳng và thù nghịch giữa hai vua phương Bắc và

phương Nam. Ptolemy I băng hà năm 285 B.C. thì đến năm 252 B.C. hai bên ký hòa ước kết thân với nhau. Ptolemy II đem gả công chúa Berenice cho vua phương Bắc Antiochus II. Hoàng hậu, vợ cả của Antiochus II, nổi sùng vì bà bị Antiochus II bỏ và ly dị. Để trả thù, bà lập kế âm mưu loại bỏ Berenice ra khỏi triều đình, cho người ám sát giết chết cả 2 mẹ con Berenice. “Không lâu sau đó chính vua Antiochus II cũng bị đầu độc chết….” (ibid).

Sau đó Laodice tự mình lên ngôi nữ hoàng bởi vì hoàng tử Seleucus II, con bà lúc đó còn quá trẻ. Sách tiên tri nói “Nàng (Berenice) sẽ phải bỏ cuộc chịu thua” ám chỉ hoàng hậu Laodice đã thành công trong âm mưu đảo chính hành quyết Berenice. Những quan chức trong triều ủng hộ Berenice làm hoàng hậu cũng bị cách chức hết.

Câu 7-9: Cuộc trả thù . Nhiều đợt tấn công bằng quân sự đã xẩy ra dưới danh hiệu Chiến Tranh Laodice. Ít lâu sau khi Laodice ám sát Berenice thì Ptolemy II cũng qua đời. Ptolemy III lên ngôi kiếm cách trả thù cho chị mình. Ông cho tấn công vua phương Bắc và chiếm thủ đô của Syria là Antioch. Câu 8 nói Ptolemy lấy lại “những ngẫu tượng và kho tàng thánh đã mất từ lâu” (Expositor’s, p.131) do các vua Cambyses đánh cắp từ Ai Cập vào năm 524 B.C.

Hiệp ước hòa bình đã được ký kết giữa Ptolemy III và Seleucus II vào năm 240 và thù hận giữa hai phía tạm ngưng cho đến khi Ptolemy III băng hà.

Câu 10-12: Cuộc tấn công Phương Nam của các hoàng tử sau khi vua cha Seleucus II băng hà. Một trong các hoàng tử là Seleucus III chỉ trị vì được có 3 năm. Hoạt động quân sự thời ông tương đối yếu. Ông chết vì bị đầu độc. Một hoàng tử khác, Antiochus III (Đại đế) lên ngôi “đã chiến thắng thành công”. Ông đã chinh phục được xứ Judea.

Ptolemy IV, vua phương Nam trả thù lại (câu 11) và đánh bại đạo quân lớn của Seleucus III trong trận chiến Raphia. Sau khi chiến thắng, cuộc sống của Ptolemy trở thành trác táng trụy lạc. Trong thời gian này ông đã giết hại hàng chục ngàn dân Do Thái ở Ai Cập (câu 12). Do đó vương quốc của ông đã bị suy yếu.

Câu 13-16: Câu “Sau khoảng vài năm” ám chỉ một biến cố, 14 năm sau khi bại trận, Antiochus III trở nên chống đối Ptolemy V lúc bấy giờ vẫn còn là trẻ con vị thành niên. (Ptolemy IV chết năm 203). Lãnh thổ Ai Cập lúc bấy giờ bị rối loạn vì luật lệ của Ptolemy IV chẳng ra làm sao cả. Dân chúng, gồm cả những người Do Thái có cảm tình với vua phương Bắc hợp với Antiochus chống lại vua phưong Nam. Cuộc nổi loạn này cuối cùng đã bị tướng Ai Cập Scopus đè bẹp (câu 14).

Scopus cũng từ chối binh lực của Antiochus trong mùa đông năm 201-200. Vua phương Bắc đáp ứng lại bằng một cuộc tấn công khác. Ông đã chiếm được thành Sidon (“một thành có lũy hào kiên cố”).Scopus không cầm cự nổi đã phải đầu hàng (câu 15). Antiochus hoàn toàn làm chủ tình hình Đất Thánh, “Miền Đất huy hoàng rực rỡ” (câu 16).

Câu 17: “Ông (Vua phương Bắc) sẽ quyết định đi trước với hết tất cả sức mạnh quyền lực của mình; và ông thương lượng đồng ý với vua phương Nam đem gả công chúa cho với viễn kiến sẽ phá đổ vương quốc phương Nam. Nhưng hiệp ước cũng chẳng kéo dài được bao lâu và nếu có thì mục đích cũng chẳng đạt được theo ý ông”.

Đánh bại được Scopus, Antiochus muốn chiếm luôn cả Ai Cập. Ông bèn gả công chúa Cleopatra cho Ptolemy V với hy vọng con gái mình sẽ phản bội chồng làm theo ý mình. Nhưng công chúa đã đứng về phía Ptolemy làm hỏng kế hoạch của ông.

Câu 18-19: Biết kế hoạch của mình bị hỏng, Antiochus quay ra tấn công các quần đảo và thị trấn trong vùng Aegea. Ông lại cho kẻ thù của La Mã là Hannibal thành Carthage, người đã giúp ông đổ bộ Hy Lạp, tỵ nạn chính trị. La Mã đáp lễ bằng cách tấn công Antiochus và gây nhiều tổn thất cho binh lực của Antiochus. Quân La Mã đã chiếm đoạt hầu hết lãnh thổ và bắt nhiều con tin đem về La Mã, trong đó có cả con trai của Antiochus. La Mã đã trừng phạt bằng cách bắt ông phải nộp thuế rất nặng (câu 18).

Antiochus trở về thành Antioch trong nhục nhã. Bất lực không thể trả được sưu cao thuế nặng do La Mã đòi hỏi, ông bèn đi cướp giật đền thờ kẻ ngoại. Hành động này đã khiến dân địa phương nổi giận mà giết ông, đưa ông đến một kết thúc chẳng vinh dự gì (câu 19).

Câu 20: Không phải trong kinh thánh, nhưng sách ngụy thư của 2Maccabees3: 7-40 viết rằng một hoàng tử khác của Antiochus là Seleucus IV cũng không thể trả được thuế cho La Mã bèn sai một người Do Thái tên là Heliodorus đi cướp đền thờ ở Jerusalem. Heliodorus đã đi đến đất thánh trở về với hai bàn tay trắng. Sau này Seleucus đã bị Heliodorus đầu độc chết. Chết như vậy “không phải chết vì tức giận hay hy sinh nơi chiến trận”.

NTIOCHUS EPIPHANES

Daniel 11: 21-35: Những câu này nói về ông vua ô nhục Antiochus IV (còn gọi là Epiphanes), em của Seleucus IV trước đây bị quân La Mã bắt đem về Rome làm con tin.. Ông này là “một bạo vương tàn ác đã cố gắng tiêu giệt Do Thái giáo đến cùng tận” (Expositor’s, p.136).

Ông đã ban hành luật cấm không được hành đạo Do Thái giáo nếu không thì phải chết. Ông là một ông vua tàn ác kinh khủng. Ông đã ra lệnh “đánh cho đến chết một kinh sư già vì ông này từ chối ăn thịt heo. Một bà mẹ và 7 đứa con đã lần lượt bị tùng xẻo trước mặt viên toàn quyền vì đã từ chối không tỏ lòng tôn kính một hình ảnh. Hai bà mẹ đã cắt bì cho con trai khi vừa mới sinh đã bị kéo lê trong thành phố rồi đập đầu vào tường cho chết” (Charles Pfeiffer, Between the Testaments, 1974, pp.81-82).

Câu 31: Câu này ám chỉ những biến cố đặc biệt đáng ghi nhớ vào ngày 16 tháng 12 năm 168 B.C., khi một Antiochus điên loạn vào Jerusalem và giết 80,000 người gồm đàn ông đàn bà và trẻ nít (2Maccabees 5: 11-14) . Đoạn ông phạm thánh, dâng của lễ hy sinh cho thần cả Hy Lạp Zeus ngay trong đền thờ. Sự súc phạm này là dấu hiệu báo trước một biến cố tương tự mà Chúa Giêsu nói là sẽ xẩy ra trong những ngày cuối cùng. (Mat.24:15).

Câu 32-35: Những câu này diễn tả, ở một khía cạnh nào đó, sự can đảm và chí khí phấn đấu bất khuất của anh em Maccabees, một gia đình tư tế đã chống cự lại Antiochus và những người kế vị ông. “Khi thày cả thượng tế Mattathias trong thị trấn Modein……sau khi đã giết một viên chức của Antiochus đi kiểm soát việc thi hành luật buộc mọi người phải thờ ngẫu tượng đã là phát súng lệnh kích động một cuộc nổi loạn chống lại vua Syria.…., dẫn một toán du kích trốn lên núi…” (Expositor’s, p.141).

Mattathias đã được năm người con trai giúp đỡ trong việc này, đặc biệt là Judah / Judas, có biệt danh là Maqqaba (tiếng Aramaic có nghĩa là cái búa, hammer từ đó mới ra tiếng Maccabees). Có nhiều người quốc gia yêu nước đã hy sinh vì việc này, nhưng cuối cùng họ đã đuổi được quân đội Syria ra khỏi nước.

Ở một khía cạnh khác, những câu này có thể ám chỉ Giáo Hội Kito giáo mới với Tân ước khi những câu đó nói đến những việc động trời như sự bách hại đạo và chối bỏ đạo.

Thực vậy, ở điểm này, những lời tiên tri của Daniel rõ ràng là có một giọng khác biệt, minh thị ám chỉ “thời diểm sau cùng” ở cuối câu 35.

Xin trích dẫn một đoạn trong Expositor’s: Với kết luận của đoạn trích dẫn câu 35 ở trên, thì tài liệu tiên đoán rõ ràng là áp dụng vào trường hợp các đế quốc Hellenistic (thuộc Hy Lạp) và sự tranh chấp giữa phe Seleucids và những người Do Thái yêu nước đang ở giai đoạn kết thúc. Phần câu 36-39 chứa đựng một số sự kiện khó có thể áp dụng cho trường hợp Antiochus IV, mặc dù phần lớn những chi tiết có thể áp dụng cho ông cũng như những người khác ông sau này, như một loại “thú vật”.

“ Cả những học giả tự do lẫn bảo thủ đều đồng ý rằng tất cả chương 11 từ đầu cho đến điểm này đều có những lời tiên đoán về tất cả mọi biến cố với từng chi tiết nhỏ bắt đầu từ triều đại Cyrus……cho đến những cố gắng không thành công của Antiochus Epiphanes trong việc quét bỏ sạch niềm tin Do Thái giáo đều rất là chính xác. (Expositor’s, p.143)

Từ điểm này trở đi phải hơn một thế kỷ qua đi trước khi tướng Pompey của La Mã chinh phục Jerusalem. Đa phần Trung Đông đã được chuyển giao về tay đế quốc La Mã, rồi sau này lại được truyền lại cho tay chân ở phương Đông là đế quốc Byzantine, ở những thế kỷ sau này.

Tác giả: Nguyễn Tiến Cảnh, MD.

Pace Island, Florida – Oct. 21, 2006

Nguồn : lichsutrungdong 

0