Nhìn lại năm 2013
Bích Vân Cuộc đề cử Đức Giáo hoàng đầu tiên người Mỹ-La-tinh (Á-căn-đình) sau khi cựu Giáo hoàng Benedict XVI từ chức và cuộc nội chiến tại Syria cũng như cái chết của Nelson Mandela đã thống trị hầu hết các tin tức báo chí trong năm 2013 . THÁNG MỘT – Ngày 11, Mali: ...
Bích Vân
Cuộc đề cử Đức Giáo hoàng đầu tiên người Mỹ-La-tinh (Á-căn-đình) sau khi cựu Giáo hoàng Benedict XVI từ chức và cuộc nội chiến tại Syria cũng như cái chết của Nelson Mandela đã thống trị hầu hết các tin tức báo chí trong năm 2013.
THÁNG MỘT
– Ngày 11, Mali: nước Pháp tiến hành chiến dịch Serval gửi quân đội đến tăng viện cho chính phủ Mali, để đẩy lùi các lực lượng Hồi giáo vũ trang cực đoan.
– Ngày 16 đến 19, Algeria: Một nhóm Hồi giáo (có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda) tấn công một cơ sở khai thác dầu khí tại In Amenas và bắt giữ hơn 800 người thuộc nhiều quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Na-uy, Romania, Colombia, và Algeria). Ít nhất có 39 con tin người ngoại quốc đã bị thiệt mạng khi quân đội Algeria mở cuộc tấn công giải cứu.
THÁNG HAI
– Ngày 11, Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức vì lý do sức khoẻ: lần đầu tiên trong lịch sử, Hội thánh phải thực hiện cuộc tuyển chọn một vị Giáo hoàng mới trong khi vị tiền nhiệm vẫn còn tại thế.
– Ngày 13, Lasagne trộn thịt ngựa được phát giác tại hầu hết các quốc gia Âu châu: thay vì nhân thịt bò thì món Lasagne có nhân trộn với thịt ngựa có thể gây nguy hiểm sức khoẻ cho các người tiêu dùng, vì thịt ngựa nhiễm đầy thuốc trụ sinh.
– Ngày 15, một thiên thạch (có đường kính 17m, nặng xấp xỉ 7.700 đến 10.000 tấn, và mạnh gấp 20 đến 30 lần so với hai quả bom Hiroshima /Nagasaki) đã phát nổ ở độ cao 15-20 cây số rồi rơi xuống tỉnh Chelyabinsk của Nga. Sức ép mạnh làm 1500 người bị thương vì các mảnh kính bị bể, và làm hư hại 7000 toà nhà.
THÁNG BA
– Ngày 5, Venezuela: Tổng thống Hugo Chavez (đồng minh quan trọng của Cuba) qua đời vì bệnh ung thư sau 14 năm cầm quyền. Phó tổng thống Nicolas Maduro lên kế nhiệm.
– Ngày 13, Vatican: ngay ngày thứ nhì của cuộc tuyển chọn, Giáo hội đã chọn Hồng Y Jorge Mario Bergoglio 77 tuổi, thuộc Dòng Tên, để trở thành tân Giáo hoàng thứ 266 với danh hiệu Francis. Đức Giáo Hoàng Francis được xem là một người rất khiêm tốn và giản dị, thường quan tâm đến người nghèo. Mặc dù chỉ mới lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo được vài tháng nhưng tạp chí Forbes đã xếp hạng Giáo hoàng Francis ở vị trí thứ 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới của năm 2013. Tạp chí Time cũng vừa bình chọn Ngài là nhân vật của năm 2013.
– Ngày 28, Âu châu chìm trong tuyết: hàng tảng băng tuyết dầy đặc khắp nơi, hàn thử biểu xuống thấp kỷ lục. Âu châu trải qua một mùa đông đen tối và lạnh lẽo nhất trong thập kỷ vừa qua.
THÁNG TƯ
– Ngày 15, Hoa kỳ: vụ thảm sát tại cuộc đua Marathon ở Boston. Quả bom đã giết chết 3 người và làm 264 người bị thương. Lễ hội thể thao hoà bình biến thành một bãi chiến trường. Sau một cuộc săn đuổi ráo riết, cảnh sát đã xác định được thủ phạm là hai anh em người Chechnya. Người anh (Tamerlan Tsarnaev 27 tuổi) bị bắn chết, còn người em (Dzhokhar 20 tuổi) bị bắt giữ. Cả hai anh em đều là những người theo Hồi giáo cuồng tín.
– Ngày 24, Bangladesh: vụ sập toà cao ốc Rana Plaza (gồm 8 tầng, có một xưởng may mặc, một ngân hàng và một số cửa tiệm) ở ngoại ô thủ đô Dhaka. Tổng cộng có 1.135 người chết và 2.500 người khác bị thương. Vụ sập nhà cho thấy các công nhân Bangladesh phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ, không an toàn, để phục vụ cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới [chủ tòa cao ốc đã phớt lờ các cảnh báo tránh xử dụng tòa nhà sau khi các vết nứt xuất hiện ngày hôm trước. Mặc dù vậy chủ tòa nhà vẫn bảo đảm với chủ các công ty thuê tòa nhà rằng tòa nhà vẫn an toàn, khiến các công ty đưa 3.000 nhân viên trở lại làm việc. Vào ngày 28 tháng Tư, chủ nhân của tòa Rana Plaza đã bị cảnh sát bắt giữ]. Những số tiền bồi thường ít ỏi cho các nạn nhân không làm thay đổi được thực trạng đáng lên án này. Và không ai có thể quên các bi kịch, xảy ra chỉ vì những điều kiện làm việc tồi tệ nhất thế giới được phơi bày ra ánh sáng sau khi các toà nhà bị sập, bị cháy.-
Ngày 30, Hoà-lan: Nữ hoàng Beatrix thoái vị sau 33 năm, nhường ngôi cho con trai. Nước Hoà-lan có tân Quốc vương là Willem Alexander.
THÁNG NĂM
– Ngày 14, nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng Angelina Jolie được giải phẫu cắt bỏ cả hai vú, vì sợ bị ung thư [tại Đức nổ ra những cuộc tranh luận về sự hữu ích của phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú khi chỉ mới chớm nghi ngờ bị ung thư].
– Ngày 20, Edward Snowden làm lộ bí mật các chương trình nghe lén điện thoại và bí mật theo dõi của NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa kỳ), và trở thành người được săn đuổi nhất thế giới vì đã gây ra những xáo trộn về an ninh nghiêm trọng nhất giữa các quốc gia. Mỗi tháng lại có một vài bí mật được Snowden đưa ra ánh sáng. Những tiết lộ của Snowden đã đẩy Hoa kỳ vào chỗ bối rối, làm các vị nguyên thủ quốc gia tức giận, đưa đến những quan hệ ngoại giao rạn nứt với Hoa kỳ (ngay cả Canada cũng cảm thấy bị xúc phạm khi biết bị Hoa kỳ bí mật theo dõi).
THÁNG SÁU
– Những ngày đầu tháng Sáu, Thổ-nhĩ-kỳ: cuộc biểu tình bắt đầu ôn hoà chỉ nhằm phản đối dự án phá bỏ công viên Taksim Gezi ở Istanbul và xây dựng lại Doanh trại quân đội lịch sử Taksim (bị phá hủy vào năm 1940). Nhưng cuộc biểu tình đã nhanh chóng trở thành một cuộc bạo loạn phản đối đường lối cai trị của chính phủ Thổ với sự đàn áp dữ dội của lực lượng cảnh sát đông đảo. Từ đây khởi đầu cho những cuộc biểu tình đông đảo và liên miên, trên toàn nước Thổ, để phản đối Thủ tướng Erdogan. Nhiều hãng thông tấn ngoại quốc Tây phương đã gọi đây là cuộc Cách mạng Mùa Xuân Thổ-nhĩ-kỳ.
– Ngày 3, Đức quốc: những trận mưa lớn kéo dài đã làm nhiều sông tràn bờ, gây nên trận lụt của thế kỷ. Bị thiệt hại nhiều nhất là các khu vực ở Bayern và Sachsen (Đông Đức). Mực nước lên đến gần 3 thước ở nhiều nơi.
– Ngày 15, Iran: Hassan Rouhani đắc cử Tổng thống ngay vòng bầu cử đầu tiên. Rouhani cam kết sẽ đàm phán để thuyết phục phương Tây giỡ bỏ các biện pháp cấm vận đang phá hủy nền kinh tế Iran.
THÁNG BẢY
– Ngày 3, Ai-cập chìm đắm trong bạo loạn: sau cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi (chỉ nhậm chức đúng một năm), quân đội lên nắm quyền và mạnh tay đàn áp những người ủng hộ cựu Tt Morsi. Kể từ Tt Morsi bị hạ bệ đến nay, đã có hơn 1000 bị giết chết và hơn 2000 người bị quân đội Ai-cập bắt giam trong những cuộc biểu tình đẫm máu, đa số các nạn nhân là thành viên của nhóm Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) mà Tt Morsi là chủ tịch. Ai-cập là quốc gia có dân số (gần 85 triệu) theo Hồi giáo đông nhất trên thế giới, và được xem là phong vũ biểu về chính trị của các quốc gia trong khối Ả-rập. Chắc chắn tình hình chính trị tại Ai-cập trong năm 2014 cũng vẫn sẽ được thế giới chú ý theo dõi như năm 2013.
– Ngày 21, Bỉ: sau 20 năm trị vì, Quốc vương Albert II nhường ngôi cho Hoàng tử Philippe.
– Ngày 22, Anh quốc: Nữ Công tước Kate Middleton (phu nhân của ông Hoàng William) hạ sinh hoàng nam. Hoàng tử George Alexander Louis đứng hàng thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng của Vương quốc Anh.
– Ngày 24, Tây-ban-nha: một con tàu bị trật đường rầy trong khi đang di chuyển ở vận tốc 179 cây số/giờ ở một tuyến đường (gần Santiago de Compostela) chỉ cho phép tối đa 80 cây số/giờ. Tổng kết có 79 người bị chết và gần 180 người bị thương.
THÁNG TÁM
– Ngày 1: Hoa kỳ ban trát truy nã Edward Snowden, buộc tội hoạt động gián điệp. Cho đến nay Snowden vẫn ẩn thân tại Nga, và chắc chắn sẽ vẫn là người được mọi người chú ý đến nhiều nhất trong năm 2014.
– Ngày 21, Syria: cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn ác liệt từ năm 2011. Hơn hai năm đã trôi qua mà tình hình Syria vẫn không khả quan hơn, trái lại, ngày càng có nhiều người bị chết vì các cuộc tấn công của cả đôi bên. Hơn 126.000 người đã thiệt mạng tính cho đến nay; hàng triệu người phải di tản tìm nơi lánh nạn tại các quốc gia láng giềng. Cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học gần thủ đô Damas ngày 21/08 (làm hàng trăm người bị thiệt mạng, đa số là dân lành vô tội) là giọt nước làm tràn đầy ly, càng làm cộng đồng quốc tế lên án nhà cầm quyền Syria gắt gao hơn, đòi đánh. Tuy nhiên Syria đã tránh được một cuộc tấn công của cộng đồng thế giới sau khi một thoả hiệp về vấn đề tiêu huỷ các vũ khí hoá học của Syria được ký kết hồi tháng Chín giữa Hoa kỳ và Nga. Tổng thống Bashard al-Assad tuy đồng ý giao các vũ khí hoá học nhưng, qua nhận xét của các phê bình gia quốc tế, vẫn là một nhà độc tài cần phải truy tố trước pháp luật, và chưa chắc tình hình tại Syria sẽ lắng dịu trong năm 2014.
THÁNG CHÍN
– Ngày 19, Ý: Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (từng 3 lần giữ chức Thủ tướng và là Chủ tịch của câu lạc bộ đá banh AC Milan) bị loại khỏi chính trường, bị kết án 4 năm tù (kể cả một năm quản thúc tại gia) và cấm không được xuất hiện trước công chúng trong hai năm. Ông cựu Thủ tướng Berlusconi là một người rất hào hoa phong nhã, nổi tiếng “chịu chơi” vì các xi-căng-đan liên miên bất tận với phụ nữ, và thường xuyên bị vạ miệng vì tuyên bố những câu như “Cộng sản Trung Quốc thường ăn thịt trẻ con!”
– Ngày 21, Kenya/Somalia: một nhóm Hồi giáo vũ trang tên là Al-Shebab của Somalia (có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda) đã tấn công và chiếm cứ khu thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi (Kenya) trong bốn ngày. Tổng kết có 7 người chết và hơn 20 người mất tích.
– Ngày 22, Đức quốc: bà Thủ tướng Angela Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, tiếp tục lèo lái Đức quốc.
THÁNG MƯỜI
– Ngày 3, ít nhất 366 người (trong số 545 thuyền nhân) bị chết đuối vì đắm tàu ngoài khơi quần đảo Lamperdusa (ở miền nam Sicile của Ý). Buộc Liên minh Âu châu đưa ra quyết định kiểm soát biên giới gắt gao hơn, thay vì phải thay đổi một cách hợp lý các quy định về vấn đề nhập cư. Nhưng các thuyền nhân từ châu Phi vẫn không sờn lòng, vẫn tiếp tục vượt biển trên những con thuyền mong manh để tìm cách tỵ nạn tại các quốc gia châu Âu.
– Ngày 16, Hoa kỳ chấm dứt giai đoạn đóng cửa các công sở (shutdown trong thời gian 16 ngày) vì ngân sách thiếu hụt. Kể từ năm 1976 tới nay, chính phủ Hoa kỳ từng “đóng cửa” 17 lần; lần lâu nhất là 21 ngày (16/12 năm 1995 đến 06/01 năm 1996).
– Ngày 23, xì-căng-đan nghe lén của NSA bùng nổ tại Âu châu: và không chỉ nghe lén điện-thoại-di-động mà tất cả những điện thư cá nhân của bà Thủ tướng Angela Merkel cũng như của các vị nguyên thủ quốc gia, cả các chính trị gia tại Âu châu, cũng bị NSA kiểm soát. Gây ra làn sóng căm phẫn và phản đối Hoa kỳ khắp Âu châu.
THÁNG MƯỜI MỘT
– Ngày 8, Phi-luật-tân tan hoang vì bão Haiyan, một trong những cơn bão có sức tàn phá mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Với sức gió hơn 300 cây số/giờ, sức tàn phá của cơn bão Haiyan được ví giống như một trận sóng thần (Tsunami) san bằng hàng chục thành phố của Phi-luật-tân và giết chết hơn 5200 người và 1600 người mất tích. Số người rơi vào cảnh không gia cư ước tính khoảng 620.000 người và 9,5 triệu người bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu có thể lên đến 14 tỷ mỹ kim. Bão Haiyan cũng gây nhiều thiệt hại vật chất cho Việt Nam, với 9 người chết.
– Ngày 21, Ukraina: Tổng thống Viktor Yanukovych đột nhiên đình chỉ cuộc đàm phán về một thoả hiệp thương mại với Liên minh Âu châu, để nghiêng mối quan hệ kinh tế về phía Nga. Khởi đầu cho những cuộc biểu tình liên miên, chưa từng xảy ra kể từ cuộc Cách mạng Cam thân phương Tây năm 2004. Khoảng 300.000 người biểu tình ủng hộ kinh tế châu Âu, ngày 08/12, đòi Tổng thống Yanukovych phải từ chức.
– Ngày 24, Iran và 6 cường quốc (Hoa kỳ, Nga, Trung quốc, Pháp, Anh và Đức), sau nhiều năm đàm phán, đã ký kết tại Geneve một thoả hiệp, theo đó Iran chịu từ bỏ một phần các chương trình nguyên tử để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Do Thái (kẻ thù thề không đội trời chung với Iran) phê phán: “đây đúng là một sai lầm lịch sử!”
THÁNG MƯỜI HAI
– Ngày 5, Nam Phi: cả thế giới thương tiếc Nelson Mandela. Người anh hùng từng nhận hơn 250 giải thưởng trong đó có giải Nobel Hoà bình (năm 1993) và từng là vị Tổng thống Nam Phi đầu tiên (từ 1994 đến 1999) được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu, đã qua đời sau một cơn bệnh dài, hưởng thọ 95 tuổi. Là người nhiệt thành khởi xướng cuộc tranh đấu chống sự phân biệt chủng tộc (chủ nghĩa Apartheid thể hiện sự bất bình đẳng về chính trị, kinh tế và xã hội giữa những người da trắng và người da đen ở Nam Phi), rồi bị bắt tù đầy trong suốt 27 năm, cái chết của Nelson Mandela đã gây xúc động trên toàn thế giới, là một tổn thất lớn không chỉ riêng cho người dân của các quốc gia tại châu Phi. Để tưởng nhớ đến vị anh hùng của họ, người dân Nam Phi đã tạc một bức tượng Nelson Mandela cao 9 thước, dang hai tay (hơi giống bức tượng Chúa Giêsu ở Rio de Janeiro) với vẻ mặt tươi cười, đặt ở thủ đô Pretoria.
– Ngày 9, Thái Lan: bà Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng Yingluck Shinawatra, dưới áp lực của phe đối lập, đã tuyên bố giải thể quốc hội và thông báo sẽ sớm tiến hành cuộc tổng tuyển cử (rất có thể vào ngày 2/2/2014).
– Ngày 12, thanh trừng đẫm máu tại Bắc Triều Tiên: ông Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jung-un ra lệnh xử tử hình Jang Sung-taek (chồng của người cô ruột) vì các tội tham nhũng, đồi trụy, xử dụng ma túy, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và tham gia đánh bạc tại nước ngoài. Ông Jang từng là Ủy viên bộ chính trị, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia, một vị trí được coi là chỉ đứng thứ hai trong nhóm Lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên.
Nguồn : khoahocnet.com