Đi tìm nguồn gốc vở tuồng Sơn Hậu
Vũ Ngọc Liễn San Hậu hay Sơn Hậu là tên một vở tuồng (hát bội) cổ khuyết danh của Việt Nam, ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỉ 18, sau được Đào Tấn chỉnh lý. Đây được coi là vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam. Tại Nam Bộ, vở này thường được các đoàn hát bội trình diễn ...
Vũ Ngọc Liễn
San Hậu hay Sơn Hậu là tên một vở tuồng (hát bội) cổ khuyết danh của Việt Nam, ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỉ 18, sau được Đào Tấn chỉnh lý. Đây được coi là vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam. Tại Nam Bộ, vở này thường được các đoàn hát bội trình diễn trong Lễ Kỳ yên của các đình làng.
Như chúng ta đều biết, pho tuồng Sơn Hậu từ lâu được xếp hạng “tuồng thầy”, có nghĩa là loại vở mẫu mực về nhiều mặt trong kho tàng kịch mục tuồng xưa, loại di sản văn hóa quý của đất nước. Hình như không một thế hệ diễn viên hát Bội nào không trải qua học nghề bằng loại tác phẩm này mà lại có tài.
Ở pho tuồng Sơn hậu chỉ mượn nước ngoài mỗi cái tên thời đại “Tề triều” (nhà Tề), còn nội dung tuồng, hệ thống hình tượng nhân vật thì đố ai tìm ra trong sử sách Trung Quốc hoặc nước nào khác.
Cho đến nay, có hai giả thuyết nhận định về tác giả gốc của tuồng Sơn hậu.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng Lê Văn Duyệt là tác giả gốc của tuồng Sơn hậu và do Lê Văn Khôi chấp bút. Giả thuyết này căn cứ vào “lăng ông” Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn xưa kia có thờ một kịch bản tuồng Sơn hậu và hàng năm đến ngày giỗ Lê Văn Duyệt có tục lệ phải diễn tuồng Sơn hậu. Chúng tôi cho rằng dẫn chứng của thuyết thứ nhất chưa có căn cứ khoa học. Xét về tiểu sử, Lê Văn Duyệt không có khả năng sáng tác huống chi sáng tác một vở tuồng như Sơn hậu. Lê Văn Khôi lại càng khó có khả năng chấp bút (1). Rất có thể lúc còn sống Lê Văn Duyệt thích xem tuồng Sơn hậu, rồi khi qua đời thành tục lệ ấy mà thôi.
Giả thuyết thứ hai cho rằng Đào Duy Từ là tác giả gốc của tuồng Sơn hậu. Giả thuyết này căn cứ vào các sự kiện lịch sử như Đào Duy Từ là người Thanh Hóa, con ông Đào Tá Hán “làm nghề hát”, vì bất bình với chế độ vua Lê chúa Trịnh mà vào phương Nam phò chúa Nguyễn chống lại chúa Trịnh. Tên tuồng Sơn hậu liên quan tới câu sấm “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nếu xét về sự kiện lịch sử của thời ấy đối chiếu với nội dung tác phẩm Sơn hậu thì xem chừng cũng có khi có lý! Nhưng khổ nỗi, chúng ta chỉ biết Đào Duy Từ là con nhà “làm nghề hát”, sử cũ còn nói lúc chưa xuất sĩ trong nhà họ Đào ở Bình Định có dạy hát nhưng chưa biết đó là hát ả đào hay hát Bội. Vã lại dù là con nhà hát cũng chưa chắc đã biết hát. Và chẳng lẽ cuộc đời của Đào Duy Từ chỉ viết mỗi vở Sơn hậu ư? Đọc văn thơ của Đào Duy Từ như “Tư Dung Vãn” thấy có những đoạn mang hơi hám văn hát Bội, dù vậy luận cứ của giả thuyết thứ hai cũng chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận vấn đề. Vì rằng, sử sách đã chép “Tư Dung Vãn” là của Đào Duy Từ thì còn hà tiện nỗi gì mà không chép Sơn hậu cũng là của Đào Duy Từ nếu nó quả là tác phẩm của ông? Theo chúng tôi, đây là đề tài nghiên cứu khá hấp dẫn còn bỏ ngỏ nhiều năm.
Hiện nay kịch bản tuồng Sơn hậu lưu hành trên cả nước với rất nhiều dị bản. Sự khác biệt về ngôn ngữ văn học giữa các dị bản khoảng cách khá xa, có bản văn rất ngô nghê, sù sì, có bản chen đôi đoạn văn sắc sảo. Nhưng về cốt truyện, về tuyến kịch, về tên nhân vật và tính cách nhân vật thì hình như không cách biệt mấy: Đổng Kim Lân vẫn là trí tướng, Khương Linh Tá vẫn là dũng tướng, Tạ Thiên Lăng vẫn là gian hùng. Tạ Ôn Đình vẫn là gian ác…
Về ảnh hưởng thì hệ thống hình tượng nhân vật của Sơn hậu thấm đậm vào đời sống nhân dân nhiều thế hệ rất sâu sắc: hễ thấy người nào có khí chất cương trực thì người ta ví ngay, hoặc mệnh danh là Triệu Khắc Thường. Thấy một đôi bạn trẻ kết giao chí thân là người ta ví “hai đứa này như Lân với Tá”. Thấy một kẻ nịnh bợ cỡ bự thì người ta ví “giống như nịnh Thiên Lăng”… Và Sơn hậu cùng với Phụng Nghi đình là hai vở tuồng hát Bội đã góp công khai sáng sân khấu cải lương.
Sơn hậu gồm ba hồi, diễn nhiều đêm. Mãi đến giờ đây vẫn chưa xác định được tác giả gốc là ai? Nhưng nhiều tài liệu cho biết Đào Tấn từng gia công nhuận sắc tác phẩm này một số câu, một số đoạn. Theo cụ Đặng Thai Mai thì chi tiết Mao Ất chui lỗ chó vào nhà họ Đổng rình rập tìm Thứ phi là do Đào Tấn bổ sung lúc dàn dựng vở Sơn hậu tại Học bộ đình Nghệ An.
Có thể nói gọn nội dung ba hồi của pho tuồng Sơn hậu như sau: nhân cơ hội vua Tề chết, anh em họ Tạ đứng đầu là Tạ Thiên Lăng (Thái sư đương quyền), mưu tiếm ngôi bằng cách lập “Tiểu giang sơn” (cung điện riêng) họp mặt đình thần nói trắng việc mưu đồ tiếm ngôi của mình để dò xét thái độ của đình thần, thu phục những kẻ xu nịnh về phe cánh, tiêu diệt lực lượng chống đối. Biết tin này, Đỗng Kim Lân và Khương Linh Tá (hai quan chức cấp thấp trung thành với nhà Tề) lập tức cử binh đến đánh phá “Tiểu giang sơn”. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng, kế hoạch tác chiến không ăn khớp, Khương Linh Tá đến chậm giờ hẹn nên Đổng Kim Lân đến trước bị cô thế phải trá hàng. Và thế là cuộc chính biến của anh em họ Tạ thành công. Chúng hạ ngục Thứ phi đang mang thai, chờ ngày sinh đẻ xong sẽ hành quyết, Thái giám Lê Tử Trình cũng trá hàng xin được chân giữ tù Thứ phi để tìm phương cứu giải. Theo cụ Phạm Phú Tiết thì cái “Tiểu giang sơn” của họ Tạ trong tuồng Sơn hậu có dáng dấp cái phủ chúa thời Lê-Trịnh.
Sau vụ đánh phá “Tiểu giang sơn” thất bại, Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá hợp sức dò xét rồi liên kết với Lê Tử Trình cứu thoát được mẹ con Thứ phi đưa đến “Sơn hậu thành” lấy nơi đây làm căn cứ địa tập hợp lực lượng để phục thù.
Ở biên ải, Phàn Định Công (cha của Thứ phi) nghe tin chính biến bèn cử binh về triều hỏi tội bon tiếm ngôi. Rủi thay, giữa đường bị gió to gãy cờ soái, ông tức giận đến thổ huyết mà chết. Việc binh nước trao lại cho con là Phàn Diệm. Cuối cùng Phàn Diệm thay cha giữ thành Sơn hậu hợp sức với Kim Lân phản công, thu phục lại cơ nghiệp nhà Tề.
Rất rõ ràng, ở Sơn hậu tác giả thông qua sự kiện tiếm ngôi và cuộc chiến đấu không cân sức giữa chính nghĩa với gian tà (hiện thực phổ biến trong các vương triều phong kiến) nhằm biểu hiện chủ nghĩa anh hùng bất tử. Khương Linh Tá ba lần bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu vẫn tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu ngăn quân Tạ để cho Đổng Kim Lân thoát nạn. Mãi đến khi sức cùng lực kiệt thì hóa thành ngọn đèn soi đường cho Đổng Kim Lân vượt khỏi rừng núi hiểm nghèo. Bằng bút pháp nghệ thuật lãng mạn sáng ngời, tác giả sáng tạo tình tiết kịch dường như không thực nhưng lại rất thực, thực hơn cả sự thật. Tác giả còn điều khiển thời gian phục tùng chủ nghĩa yêu nước: “Xưa có kẻ lo vì việc nước, bỗng nửa đêm mọc lại mặt trời” (Đổng Kim Lân – lớp qua đèo). Còn khái niệm ái quốc gắn liền với trung quân ở đây thuộc phạm trù lịch sử, bối cảnh lịch sử, không thể nào khác được. Vấn đề ở chỗ nên lập vua nào, phế vua nào mà thôi. Hình tượng hoàng tử quả có màu sắc huyết thống của ý thức hệ phong kiến chi phối. Song chúng ta cũng cần thấy rằng hoàng tử ở đây chỉ là một đứa trẻ vô tội trong tình thế nguy hiểm như vậy có lẽ nào lại chẳng phải là một hành động nhân đạo cao cả (?).
Chúng tôi cho rằng: Sơn hậu, một vở “tuồng thầy” không chỉ mẫu mực về nghệ thuật biểu diễn mà ở bình diện nội dung cũng đạt tiêu chuẩn mẫu mực về chủ nghĩa nhân văn Việt Nam rất cần cho đời sống tinh thần của nhân dân ngàn xưa và ngàn sau. Ở bình diện xây dựng hình tượng nhân vật kịch thì đạt tiêu chuẩn mẫu mực về sáng tạo tính cách: bốn anh em họ Tạ đều là cánh họ nịnh, hoặc cái nòi nịnh vậy mà tính cách mỗi người một khác, Thiên Lăng gian hùng, Ôn Đình gian ác, Lôi Phong gian manh, Lôi Nhược vừa gian trá vừa ngây ngô. Về phía phe trung cũng vậy, Triệu Khắc Thường cương trực, Khương Linh Tá vũ dũng, Đỗng Kim Lân cơ trí, Lê Tử Trình nhu nhược. Ngay ở trong dòng họ nịnh cũng xuất hiện một Nguyệt Hạo (tức Nguyệt Cảo) rất trung hậu, và tuy là nịnh nhưng bọn em Nguyệt Hạo vẫn có chút tình với chị, biết thương chị. Có thể nói, tác giả cố ý điểm một chấm đỏ trên mảng màu đen, viền một đường vàng chung quanh sắc đỏ, chứ không miêu tả tính cách một cách đơn điệu, khô khan. Còn về kết cấu kịch thì tác giả bố trí chặt chẽ đến độ bền vững, nếu tháo dở ráp lại không khéo tay dễ bị xộc xệch.
Như vậy, pho tuồng Sơn hậu tồn tại đến ngày nay đã trải qua nhiều lớp nghệ sĩ hát Bội cả ba miền đất nước dồn sức sáng tạo bồi đắp cho tác phẩm này, diện mạo ban đầu giờ đây không còn nhìn thấy được nữa. Cho nên nếu căn cứ vào hai truyền thuyết chưa đủ căn cứ mà tôi đã trình bày trên đây rồi qui công cho Lê Văn Duyệt hay Đào Duy Từ là điều không nên.
Vâng, truyền thuyết là dã sử cần được tôn trọng, song hiện tượng dã sử này lại rất khó tin, chấp nhận một hiện tượng lich sử khó tin đồng nghĩa với làm sử giả.
VNL
………………………………………………………………………..
(1) Lê Văn Duyệt là tướng tâm phúc của vua Gia Long, về sau bị Minh Mệnh giết. Tuy làm quan to nhưng khả năng chữ nghĩa của Lê Văn Duyệt rất hiếm hoi. Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt, gốc dân tộc ít người, không thạo văn chương.
(2) Chưa rõ điển tích, nhưng dù căn cứ điển tích nào chăng nữa thì bút pháp lãng mạn của tác giả Sơn hậu cũng tuyệt vời. Hàm ý câu tuồng muốn nói rằng: chỉ cần bạn có tấm lòng yêu nước thì bạn có thể đảo ngược lại vũ trụ. Chất lãng mạn của câu tuồng cùng một dòng tư duy nghệ thuật với tình tiết: Khương Linh Tá ba lần bị chém rơi đầu, ba lần tháp lại đầu để tiếp tục chiến đấu.
Nguồn bài đăng