Thanh sử cảo -Liệt truyện
Một võ quan nhà Thanh Thanh sử cảo [Trung Hoa Dân quốc – Hà Thiệu Mân chủ biên] Người dịch : Tích Dã Liệt truyện -Thuộc quốc -Việt Nam Năm thứ 51, họ Nguyễn của An Nam biến loạn. Trước đây, giữa năm Gia Tĩnh thời Minh, An Nam Vương là Lê Duy Đàm lập nước trở lại, thực ...
Thanh sử cảo [Trung Hoa Dân quốc – Hà Thiệu Mân chủ biên]
Người dịch : Tích Dã
Liệt truyện -Thuộc quốc -Việt Nam
Năm thứ 51, họ Nguyễn của An Nam biến loạn. Trước đây, giữa năm Gia Tĩnh thời Minh, An Nam Vương là Lê Duy Đàm lập nước trở lại, thực là do sức của quần thần là họ Trịnh, họ Nguyễn, từ đó nối nhau làm Tả, Hữu phụ chính. Sau đó Hữu phụ chính thừa cơ họ Nguyễn chết, con nối nghiệp còn nhỏ, thế cô, kiêm luôn Tả phụ chính để nắm giữ việc nước, rồi đuổi họ Nguyễn đến Thuận Hóa, gọi là Quảng Nam Vương. Họ Nguyễn, họ Trịnh nối đời gây hận dấy binh. Đến thời Lê Duy Diêu, quyền thế thêm ít, gần như là chỉ giữ phủ. Phụ chính là Trịnh Đống bèn giết Thế tử, chiếm lấy ấn vàng, mưu tính chiếm lấy nước, nhưng sợ sự cường thịnh của đất Quảng Nam, bèn chiêu dụ thủ lĩnh địa phương của đất ấy là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, cùng đánh Quảng Nam Vương, diệt họ Nguyễn ở Phú Xuân. Nguyễn Huệ tự lập làm Thái Đức Vương, Trịnh Đống tự làm Trịnh Tĩnh Vương, hai bên không đánh thắng nhau, Duy Diêu không biết làm thế nào.
Đô thành của An Nam gọi là Đông Kinh, tức là Giao Châu xưa, là sở trị của An Nam Đô hộ; lại lấy hai đạo Quảng Nam, Thuận Hóa làm Tây Kinh, tức là đất Nhật Nam, Cửu Chân xưa. Chỗ Lê Duy Đàm dấy binh cùng ngăn cách cửa biển của Đông Kinh, đời đời bị họ Nguyễn của đạo Thuận Hóa chiếm lấy, binh cường thịnh ở An Nam. Đến đây, Trịnh Đống chết, Nguyễn Huệ thấy rằng họ Trịnh chuyên quyền, lòng người không theo, bèn mượn tiếng là diệt trừ họ Trịnh, đánh phá thành nhà Lê, đánh diệt con của Trịnh Đống là Trịnh Tông, họ Nguyễn lại có nước, Duy Diêu khao thưởng cho hai quận, lại gả con gái. Năm thứ 52, Duy Diêu chết, con nối nghiệp là Lê Duy Kì lập, Nguyễn Huệ lấy hết đồ vật qúy dùng voi chở về Quảng Nam. Nguyễn Huệ về, sửa thành ao ở Phú Xuân, sai tướng là Nguyễn Nhậm đem vài vạn binh đánh Cống Chỉnh ở đô thành. Chỉnh chết trận, Duy Kì trốn chạy, Nguyễn Nhậm bèn chiếm lấy Đông Kinh, giữ bốn phía hiểm yếu, có chí tự làm Vương. Mùa hạ năm thứ 53, Nguyễn Huệ lại đem binh đánh giết Nguyễn Nhậm ở Đông Kinh, lại xin Duy Kì trở về nhận ngôi vị, Duy Kì biết Huệ không thể đoán trước, không dám đến. Huệ biết lòng dân không theo, hủy hết cung thất của Vương, đem con gái của Vương là Ngọc Bạch lên thuyền trở về Phú Xuân, lưu lại 3,000 quân giữ Đông Kinh.
Có quan Cao Bình phủ Đốc là Nguyễn Huy Túc, bảo vệ 200 người là mẹ, vợ, anh em của Duy Kì theo đường Cao Bình lên thuyền trốn xa đến sông Bác Niệm, tức là biên giới của huyện Long Châu, phủ Thái Bình thuộc tỉnh Quảng Tây vậy, liều chết vượt sông lên bờ bắc, người không kịp vượt sông, hết thảy bị quân đuổi theo giết hết. Lưỡng Quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, Quảng Tây Tuần kiểm Tôn Vĩnh Thanh đem việc trước sau báo lên, lại nói: “Để cho ta định đoạt, phải có lệnh của Nhà vua”. Hoàng đế thấy họ Lê giữ việc cống nạp của nước phiên hơn 100 năm, nên đem binh đến hỏi tội, để lập lại người nối nghiệp bị đuổi, dựng lại nước đã cắt đứt. Trước tiên đặt người nhà của Duy Kì ở Nam Ninh, sai bồi thần của ông ta là Lê Điểu, Nguyễn Đình Mai về nước, ngầm báo cho con cháu nối nghiệp. Bấy giờ bờ cõi của An Nam, phía đông đến biển, phía tây tiếp Lão Qua, phía năm cách Chiêm Thành chỉ một cửa biển, phía bắc liền với Quảng Tây, Vân Nam. Có 22 phủ, 2 phủ trong đó bị Thổ ti chiếm, thực tế chỉ có 22 phủ, cùng chia ra 30 đạo. Thời ấy lúc chưa bị đánh chiếm, đạo Thanh Hoa có 4 phủ, 15 huyện, đạo Tuyên Quang có 3 châu, 1 huyện, đạo Hưng Hoá có 10 châu, 2 huyện; lại có các lộ ở trên chưa bị đánh hãm, các lộ ở dưới đã bị đánh chiếm, đạo An Bang có 4 phủ, 20 huyện, đạo Sơn Tây có 5 phủ 24 huyện, đạo Kinh Bắc có 4 phủ, 20 huyện, đạo Thái Nguyên có 3 châu, 8 huyện; các lộ ở trên đã bị chiếm, các lộ ở dưới chưa bị chiếm, đạo Sơn Nam có 9 phủ, 36 huyện, đạo Hải Dương có 4 phủ, 19 huyện. Chỉ có hai đạo Quảng Nam, Thuận Hóa, vốn là sào huyệt của tù trưởng họ Nguyễn, lại chiếm 4 châu, 1 phủ của đạo Cao Bình, 7 huyện 1 phủ của đạo Lượng Sơn để che chở cho trong cõi.
Hoàng đế lệnh cho Tôn Sĩ Nghị truyền hịch cho các lộ của An Nam, bảo rõ cho cả kẻ thuận, kẻ nghịch biết, sớm quay về với chính nghĩa. Bấy giờ em của Duy Kì là Duy Trù, Duy Chỉ đều ra ngoài tránh nạn, Duy Trù chết ở thành Tuyên Quang, Duy Chỉ theo đường đạo Kinh Bắc vượt Bồng Xưởng đến nương nhờ. Tôn Sĩ Nghị thấy Duy Chỉ có tài năng, muốn lệnh cho nắm giữ việc nước. Hoàng đế lo anh em bọn họ sau này hiềm nghi, không cho phép, lại lệnh cho Thổ ti ở Điền Châu là Sầm Nghi Đống bảo vệ Duy Chỉ ra khỏi cửa khẩu, kêu gọi nghĩa quân. Gặp lúc bọn Nguyễn Đình Mai đem thư của người nối nghiệp đến, xin truyền tấu lên Nhà vua. Do đó Thổ ti của An Nam cùng các quan binh của các châu chưa bị chiếm tranh nhau bắt giữ đồ đảng của quân ngụy [chỉ quân Tây Sơn], dâng bản đồ đất đai, lại có các dũng sĩ mộ nghĩa ở ngoài cửa quan đều xin theo về tụ tập, xin làm người dẫn đường. Bấy giờ anh em Nguyễn Huệ cũng đến cửa quan xin nạp cống, đem biểu thư của quần thần, dân chúng của nước ấy đến, nói là Lê Duy Kì không biết lẽ được mất, xin lập con của Vương ngày trước Duy Diêu là Ông Hoàng Tư Duy Cận làm chủ việc nước, nghênh đón mẹ, vợ của ông ta về nước. Hoàng đế biết Nguyễn Huệ lừa Duy Cận dốt nát, hèn yếu, ngầm mưu tính hoãn binh, lệnh cho Tôn Sĩ Nghị trách phạt nghiêm khắc ông ta.
Có 3 đường tiến binh vào An Nam: 1, ra khỏi cửa quan Trấn Nam của tỉnh Quảng Tây là đường chính; 2, theo đường Khâm Châu của tỉnh Quảng Đông vượt biển, qua núi Ô Lôi đến phủ Hải Đông của An Nam, làm lối đi để quân thuyền đi lên; 1, theo đường bến Liên Hoa, huyện Mông Tự của tỉnh Vân Nam đếbn sông Thao của An Nam, lại theo đường tiến binh của Mộc Thịnh thời Minh. Tôn Sĩ Nghị cùng Đề đốc Hứa Thế Hanh đem 10,000 binh của Lưỡng Quảng ra khỏi cửa quan, lấy 8,000 quân đến thẳng thành kinh đô của Vương [Đông Kinh], lấy 2,000 quân trú ở Lượng Sơn làm thanh viện. Vân Nam Đề đốc Ô Đại Kinh đem 8,000 quân chiếm cửa quan Bạch Mã của phủ Khai Hóa, qua sông Đổ Chú, vào cõi Giao Chỉ được 1,100 dặm thì đến trấn Tuyên Hóa, bắt chước đôi chút đường tiến binh cũ của Mộc Thịnh. Vân Qúy Tổng đốc Phú Cương xin đi, Hoàng đế cho rằng một quân không thể có hai tướng, ra lệnh trú ở Đô Lông là vùng ngoài cửa quan để đốc thúc việc vận lương.
Cuối tháng 10, quân Việt [tỉnh Quảng Đông] ra khỏi cửa quan Trấn Nam. Chiếu lệnh cho rằng sau khi An Nam có loạn, khổ nhọc không đoán được, vận lương theo đường trong cõi hai lộ Điền [Vân Nam], Việt [Quảng Đông], đặt ra hơn 27 đài trạm, chỗ đi qua không được cướp bóc. Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh theo đường Lượng Sơn chia đường đi vào, Tổng binh Thượng Duy Thăng, Phó tướng Khánh Thành đem binh Quảng Tây, Tổng binh Trương Triều Long, Lí Hóa Long đem binh Quảng Đông. Bấy giờ quân nghĩa dũng, quân bản địa đi theo, nói phao đại quân lên vài chục vạn, quân giặc giữa các cửa ải nghe tin đều trốn chạy, chỉ giữ chỗ hiểm trở của ba con sông để chống cự. Ngày 13 tháng 11, Thượng Duy Thăng, Khánh Thành đem hơn 1,000 quân, 5 cái trống đến sông Thọ Xương, giặc lui về giữ bờ nam, quân ta [quân Thanh] xông lên, cầu nổi đứt, đều nhảy lên bè lên thẳng. Bấy giờ trời có sương mù lớn, giặc tự đánh giết nhau, quân ta bèn vượt qua hết, đại phá giặc. Trương Triều Long cũng phá giặc ở bên phải. Ngày 15, đem binh đến sông Thị Cầu. Sông rộng, lại có bờ nam dựa vào núi, cao ở bờ bắc, giặc dựa vào chỗ hiểm bày pháo, quân ta không thể buộc bè. Các quân thấy thế sông quanh co, giặc nhìn không được xa, bèn về phía bắc sông chuyển gỗ, tre làm cầu nổi, liền đều vượt sông, lại giấu 2,000 binh ở cuối dòng 20 dặm ở chỗ nước chậm rãi dùng thuyền nhỏ buổi đêm vượt sông. Ngày 17, cưỡi bè lên bờ chống nhau, vừa lúc quân ở đầu nguồn đã đi vòng từ lúc đêm, ở chỗ cao hô lớn xuống đánh, vang dội cả hang núi. Giặc không biết quân ta từ chỗ nào xuống, đều kinh hoàng tan vỡ.
Ngày 19, vượt sông Phú Lương [sông Cầu], sông tại ngoài cửa thành của nước này, giặc [quân Tây Sơn] chặt hết gỗ, tre ở ven sông, gom thuyền bè đối trận ở bờ sông, nhìn từ xa thấy trận thế quân giặc không chỉnh tề, biết quân giặc không có chí đánh nhau, bèn thuyền nhỏ ở xa bờ, chở hơn 100 quân, nhân buổi đêm đến sông, chiếm được hơn 30 chiếc thuyền nhỏ, thay phiên đem 3,000 quân vượt sông, chia quân đến doanh trại của giặc. Giặc vì đêm tối không biết rõ nhiều ít, tan vỡ lớn, đốt hơn 10 chiếc thuyền, bắt được quan Tổng binh, Hầu, Bá của giặc đến vài chục người. Trời sáng, đại quân vượt sông xong. Anh em họ Lê, trăm họ ra nghênh đón nép mình ở bên trái đường, bọn Tôn Sĩ Nghị, Hứu Thế Hanh vào thành vỗ về rồi đi ra. Đất lũy ở ngoài thành cao không quá vài thước, trên trồng bụi tre, trong có hai thành xây bằng gạch, tức là chỗ Vương của nước này ở, cung thất đã bị tan hoang hết rồi. Mà Lê Duy Kì ẩn náu trong dân chúng, đêm đó vào vài hồi trống canh hai mới đến doanh trại gặp Tôn Sĩ Nghị, chín lần cúi đầu tạ ơn, xin với Càn Long [Thanh Cao Tông] là đến năm thứ 55 sẽ đến Bát Điện chúc vạn thọ. Hoàng đế ra lệnh đợi cho An Nam định xong, thì Duy Kì mới được tự lập, chp phép đến chầu. Chiến dịch này, theo dân chúng cũ của nhà Lê và các quân nghĩa dũng đi trước dẫn đường, lại có bọn Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long mới từ Đài Loan lập công trở về, đều là tướng đánh trận giỏi, cho nên mới dẫn hơn 10,000 quân rong ruổi nhanh chóng vào sâu, không đầy tháng thì thu phục được đô thành của nước ấy, bấy giờ quân của Ô Đại Kinh ở Vân Nam còn chưa đến vậy. Chiếu lệnh phong Tôn Sĩ Nghị làm Nhất Đẳng Mưu Dũng Công, Hứa Thế Hanh làm Nhất Đẳng Tử, các tướng sĩ đều được khen thưởng theo phẩm trật.
Bấy giờ Nguyễn Huệ đã trốn về Phú Xuân, Tôn Sĩ Nghị mưu tính tạo thuyền đuổi theo. Tôn Vĩnh Thanh dâng tấu nói: “Đất Quảng Nam cách kinh đô nhà Lê 2,000 dặm, dùng binh 10,000 người, đặt trạm vận lương có 100,000 phu, liên tiếp từ cửa quan Trấn Nam đến thành nhà Lê”. Hoàng đế cho là An Nam bị tàn phá trống không, vả lại họ Lê đời đời hèn yếu, mà sự hưng phế của họ chưa hẳn là không phải do vận số. Rồi thì đường xa, vận lương khó khăn, không có lí gì để quân sĩ đánh đuổi, tìm bắt lâu ngày ở đấy, chiếu lệnh liền bãi binh vào cửa quan. Nhưng Tôn Sĩ Nghị tham công đánh bắt họ Nguyễn, quân không được bãi, lại khinh thường quân địch, không có phòng bị, thả quân nghĩa dũng, quân địa phương ra, đóng quân bên thành nhà Lê hơn một tháng. Họ Nguyễn dò biết được thật giả, cuối năm đó xua quân ra tranh giành kinh thành của nước ấy, giả làm người đến hàng, bọn Sĩ Nghị tin lời gian trá đó, yên lặng mà không biết vậy. Đầu tháng giêng năm thứ 54, trong quân bày tiệc rượu, múa hát, vào buổi đêm bỗng nhiên quân Nguyễn đến đông, mới vội vàng chống địch. Giặc dùng voi chở pháo lớn xông vào quân ta, giặc đông không chống nổi, giữa lúc đêm tối tự giẫm xéo lẫn nhau. Lê Duy Kì đem người nhà trốn trước, quân Điền [quân Vân Nam] nghe tiếng pháo cũng rút chạy, Tôn Sĩ Nghị tranh vượt sông Phú Lương, liền chặt đứt cầu nổi, do đó quân ở bờ sông, bọn Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triều Long, quan quân, phu dịch chìm hơn 10,000 người, đều chen nhau chết đuối. Lúc ấy Sĩ Nghị chạy về cửa quan Trấn Nam, đốt bỏ hết đồ khí giới, lương thực mấy chục vạn ở ngoài cửa quan, người ngựa chạy về không đến một nửa. Quân Vân Nam theo quần thần nhà Lê là Hoàng Văn Thông dẫn đường mới được trở về hết. Vợ con của Lê Duy Kì lại đến nương dựa. Tấu lên, Hoàng đế thấy Tôn Sĩ Nghị không rút quân sớm, mà lại khinh thường không chuẩn bị, dẫn đến làm hỏng uy của nước, quân sĩ tổn hại, bèn tước bỏ chức tước dẫn đến kinh sư đợi phạt tội, lấy Phúc Khang An nối chức ông ta.
Nguyễn Huệ tự biết chuốc lấy tai họa, sợ quân lớn lại đến đánh, lại mới dấy binh đánh nhau với Xiêm La, sợ người Xiêm La thừa cơ đánh úp mặt sau, do đó đến cửa quan tạ tội xin hàng, đổi tên là Nguyễn Quang Bình, sai con của anh mình là Quang Hiển cầm biểu thư vào cống nạp, xin phong hiệu. Đại khái nói là giữ đất Quảng Nam đã 9 đời, làm nước đối địch với An Nam, không phải là quan hệ vua, tôi. Vả lại người Man tự tranh nhaum không dám làm phiền đến Trung Quốc, xin hẹn năm sau tự mình đến chầu ở kinh sư, tất cả tướng sĩ chết trận ở trong nước đều lập đài dựng miếu thờ, xin trao cho quan tước, thụy hiệu, lập chủ cúng tế. Lại nói là sứ giả nạp cống của Xiêm La sắp vào kinh, sợ nhận kết hôn với yêu nghiệt của họ, xin thiên triều chớ nghe lời cua họ. Phúc Khang An trước sau đem lời này tấu lên.
Hoàng đế thấy Lê Duy Kì lại bỏ nước ấy, tất cả ấn tín, chiếu phong không giữ được, cho là trời chán ghét họ Lê, không thể tự tồn tại được nữa; mà Nguyễn Quang Bình đã xin tự mình đến chầu, trước chẳng có người nào, nay chẳng có ai, họ Lê trước nay chỉ cống người vàng mà thôi. Vả lại An Nam từ thời Ngũ qúy [thời Ngũ đại Thập quốc] đến nay, họ Khúc, họ Kiểu, họ Đinh, họ Lí, họ Trần, họ Lê, họ Mạc thôn tính lẫn nhau, thời trước từng đặt quận huyện ở đất ấy, phản trắc vô thường, hàng năm phải lo lắng về phương nam. Bèn nghe theo lời xin, liền phong Nguyễn Quang Bình làm An Nam Quốc Vương, sách chiếu nói: “Trẫm dù trao phong hóa đến phương xa, phạt kẻ có tội nhưng tha kẻ thần phục, phong Hầu giữ kính cẩn, là vì việc lớn sợ oai trời. Lòng thành khoản đến nơi hoang phục, tha cho lỗi đã qua, ban ân đức đến nước phiên thuộc, khen việc đổi mới, phát ân sủng to lớn, gắng sức để giáo huấn. Chỉ có đất An Nam ở chỗ biên giới nóng nực, mở đất đai 13 đạo, mà thần dân họ Lê thờ thiên triều, giữ việc cống nạp hơn 100 năm nay, thường được thịnh vượng, làm chủ một phương. Từ lúc mắc nạn dẫn đến li tán, rồi chạy đến mà sợ hãi báo tin. Vừa rồi dấy binh dựng lại nước, tưởng rằng có thể cùng mưu đồ tồn tại, nào ngờ vứt ấn bỏ thành, thêm yếu lại còn không giữ nổi, chắc rằng lòng trời chán ghét đức mỏng của họ, suy đến cùng vận khí đã đến hồi kết. Nguyễn Quang Bình ngươi nổi lên ở Tây Sơn, cách xa ở cõi nam, vốn không phải là phận vua, tôi, thực ra chỉ là bạn hôn nhân. Gây hận tranh nhau, thù ghét thêm sâu, chống nhau dẫn đến thương tật, dù không có lòng nhưng lại gây ra khó khăn hoạn nạn, hối lỗi để gạt bỏ, mong hãy thay vẻ mặt mà tự sửa đổi lại tươi đẹp. Mang biểu thư đến gặp, trước tiên sai cháu họ đến bày tỏ thành thật, đem đồ qúy đến dâng, tự mình năm sau đến chúc thọ. Không nên mong mỏi phong tước, mượn vào ánh sáng của Nhà vua, sao chẳng vì dân chúng rời rạc mà tụ tập lại lại yên ổn. Huống chi bậc Đế Vương không phân biệt dân chúng, há lại tại đất này mong đất nọ, mà người sống có kẻ chăn dắt, vậy nên sửa lại nhà nước của ngươi. Rồi ban bố ân sủng, phải ra sức vỗ về, nay phong ngươi làm An Nam Quốc Vương, ban cho ngươi ấn mới. Ô hô! Có hưng thì có phế, Thiên tử chỉ theo trời mà làm, không làm trái, không lừa gạt, Đế Vương có uy thì cả nước sẽ nghe theo. Vương phải đem hết lòng thành thật, cẩn thận, chính trực, cố sức giữ bờ cõi để truyền cho con cháu! Chớ gây sự với người khác, hết lòng chăm chỉ sớm tối, không được gây lỗi lầm ở đất nước, thêm kính cẩn vâng mệnh của Nhà vua, để dân chúng nhận ân điển lâu dài. Kính phục thay, chớ bỏ lệnh của trẫm!”. Thưởng cho Lê Duy Kì hàm tam phẩm, lệnh cho người nhà, các thuộc hạ đến kinh sư, đi vào làm tộc quân người Hán, liền lấy Duy Kì làm Tá lĩnh. Lại lệnh cho Nguyễn Quang Bình thăm hỏi người anh em thân thuộc của Duy Kì, hộ tống đến cửa quan. Người Tây Nam Di [người vùng Vân Nam] ngày trước xen lẫn vào trong nước, đều bắt phải về đất cũ, lại lệnh cho Nguyễn Quang Bình giao hảo vỗ về, để tỏ rõ lòng kính trọng.
Năm thứ 55, Nguyễn Quang Bình đến chầu chúc mừng, trên đường về phong con trưởng của ông ta là Nguyễn Quang Toản làm Thế tử. Tháng 7, vào chúc mừng ở trại núi Nhiệt Hà, bày thứ tự Thân vương thì ngồi dưới, Quận Vương thì ngồi trên, ban cho văn thơ do Hoàng đế tự mình viết ra, nhận dải mũ mang về. Thực tế Quang Bình sai em của mình giả tên đến. Quang Bình không dám tự mình đến vậy. Ông ta gian trá như vậy đấy. Năm thứ 56, đánh bại Lê Duy Chỉ cùng quân của nước Vạn Tượng, đến dâng báo thắng trận, Hoàng đế thưởng thêm cho ông ta. Năm thứ 57, bàn định kì hẹn An Nam đến cống, theo lệ ngày trước thì ba năm đến cống một lần, nay định là hai năm, ngày trước sáu năm thì sai sứ giả đến chầu một lần, nay định là bốn năm.
Tháng 9, Nguyễn Quang Bình ở Nghĩa An mắc bệnh chết, Thế tử Nguyễn Quang Toản nắm giữ việc nước, đem việc tang báo lên. Tháng giêng năm thứ 58, sai Quảng Nam Án sát sứ Thành Lâm đến cúng tế, phong thụy là Trung Thuần, ban cho thơ do Nhà vua tự viết ra, ở mộ khắc lên bia để tỏ rõ lòng kính trọng. Phong Quang Toản làm An Nam Quốc Vương. Hoàng đế thấy nước của họ Nguyễn vừa lập, lòng người chưa yên, Nguyễn Quang Toàn còn nhỏ, vả lại Nguyễn Nhạc còn ở đất Quảng Nam, Ngô Văn Sở lâu ngày chiếm lấy quyền điều binh, vua nhỏ nước còn nghi ngờ, sợ có biến loạn, chỉ ra lệnh cho Phúc Khang An làm Tổng đốc Vân, Qúy chuẩn bị ở biên giới, lại lệnh cho Thành Lâm bí mật dò xét nước này. Thành Lâm trở về đem việc nước yên ổn tâu lên, bèn thôi.
Liệt truyện
Tôn Sĩ Nghị
Tôn Sĩ Nghị tự Trí Trị, một tên tự khác là Bổ Sơn, người huyện Nhân Hòa, tỉnh Chiết Giang. Thuở nhỏ đĩnh ngộ, ham học. Năm Càn Long thứ 26 thi đỗ Tiến sĩ, chọn làm Tri huyện, sai trở về đợi được tuyển chọn. Năm thứ 27, Cao Tông tuần thú phương nam, gọi đến thử, trao chức Nội các Trung thư, sung vào làm Quân cơ chương kinh. Chuyển làm Thị độc. Đại học sĩ Phó Hằng đem quân đánh Miến Điện, lấy Sĩ Nghị đem điển chương tấu lên. Xét công lao, chuyển làm Hộ bộ Lang trung. Đề bạt làm Đại Lí Tự thiếu khanh. Ra làm Quảng Tây Bố chính sứ. Đề cử làm Vân Nam Tuần phủ. Tổng đốc Lí Thị Nghiêu làm việc trái phép bị bại lộ, Sĩ Nghị xét xử kể ra tội trạng, giữ chức phận, sai đi làm lính thú đến Y Lê, lục soát nhà ông ta, không chiếm riêng một đồng tiền nào. Nhà vua khen sự liêm chính của Nghị, ra lệnh biên tập “Tứ khố toàn thư”, nhận chức Hàn Lâm viện Biên tu. Sách biên soạn xong, đề bạt làm Thái thường thị Thiếu khanh. Lại ra làm Sơn Đông Bố chính sứ. Đề bạt làm Quảng Tây Tuần phủ, chuyển đến Quảng Đông. Vừa mới đến sở quan, dâng sớ nói: “Quảng Đông biển rộng việc giao thương ngừng nghỉ, bọn trộm cướp gian xảo ẩn nấp, chỉ có lấy sự trong sạch để giữ mình, nghiêm túc để xem xét quan lại, không dám khinh thường che đậy”. Nhà vua ra chỉ dụ khuyên dùng Lí Hồ, Hồ làm Quảng Đông Tuần phủ, vì làm việc nghiêm túc có tiếng tăm, được Nhà vua ban thưởng hậu hĩ vậy.
Rồi nhận chức Lưỡng Quảng Tổng đốc. Thiểm Cam Tổng đốc Phúc Khang An bàn bạc luyện tập quân sĩ, ban chiếu lệnh cho các Hành tỉnh của Vân, Quý, Tứ Xuyên, Lưỡng Quảng, Phúc Kiến bắt chước theo. Sĩ Nghị dâng sớ xin luyện tập cho 28,530 quân lục, thủy của tỉnh Quảng Đông, 11,290 quân của tỉnh Quảng Tây, chọn người tài năng, khỏe mạnh, luyện tập kĩ nghệ thành thạo, đòi các quan Đốc, Phủ, Đề, Trấn phải hết lòng tập luyện; xin lập ra các khoa vụ để răn bảo việc luyện tập. Nhà vua dụ nói: “Việc này phải làm thong thả thì mới thực hiện được”. Rồi lại làm việc Tuần phủ. Dân Quảng Đông bướng bỉnh, phần nhiều nạp thuế thiếu, quan lại của các châu huyện kể lên Nhà vua, hoặc lấy của riêng để cung ứng cho đủ thuế, mong được trưng thu lớn nhất, dân thêm chống đối. Sĩ Nghị xét rõ người thiếu thuế, sai sửa lại thuế nhiều nhất ở các quận huyện, từ sau năm Càn Long thứ 40, bày sách lược coi xét. Quan lại của châu huyện đem tiền của cung ứng kể ra, xét không làm điều xấu khác, đem thuế trưng thu được trả lại cho dân. Nhà vua khen tài năng của ông ta, bảo nói: “Quan lại của châu huyện thúc dục, lại cho là không thể phấn chấn, dân nhiều người trốn thuế. Lấy tiền của cung ứng, không bắt tội sự lừa dối của họ đã là độ lượng rồi. Nếu lại đem bồi thường họ, sao có thể răn bảo được dân? Ra lệnh tiếp tục thu thuế thiếu đem hết vào sở quan”. Giao Đường là chỗ bọn trộm cướp tụ tập, chống cự làm thương tổn quan lại. Sĩ Nghị bắt được thủ lĩnh của chúng, giết để báo cho trăm họ biết. Nhà vua lại khen tài năng của ông ta, ban cho hoa linh [lông dính trên mũ quan thời Thanh]. Lưỡng Quảng Tổng đốc Phú Lặc Hồn buông thả nô bộc của mình ra nhận của hối lộ, việc phát lộ, hạ lệnh cho Sĩ Nghị xem xét rõ, Phú Lặc Hồn nhận tội. Nhà vua thấy Sĩ Nghị liêm chính, liền chuyển làm Lưỡng Quảng Tổng đốc. Phú Lặc Hồn dâng sớ bàn về công việc thu muối của tỉnh Quảng Đông, xin thêm thuyền chở, đến mùa trưng thu tiền, lại 39 bến thuyền chở tăng thuế. Sĩ Nghị nhận việc, dâng sớ nói: “Thêm thuyền chở, phải bỏ sự phiền nhiễu kí tên đóng dấu, đặt ra khuôn phép lâu dài, khiến cho các hộ thuyền cũ mới đều vui vẻ nghe theo; đến mùa trưng thu tiền, phải bổ lề thói cũ, cuối năm bỏ đi, 39 bến thuyền thương nghị để trốn thuế, bốn bến Trung Diên Sơn, Nam Khang, Thượng Do, Anh Đức phải miễn trước, tăng thuế phải từ 39 bến”. Đều hạ lệnh các bộ thi hành.
Năm thứ 52 [năm thứ 1787 Công nguyên], Lâm Sảng Văn của tỉnh Đài Loan làm loạn, Sĩ Nghị đến Triều Châu phòng bị. Quân đi, sai binh giúp đánh diệt, như cắt cỏ khô, khí giới đều sắc bén, phong thêm làm Thái tử Thái bảo, ban cho lông song nhãn, Nhất Đẳng Khinh Quân Đô Úy Thế Chức. Năm thứ 53, Đài Loan bình, vẽ hình gác tía sáng. Gặp lúc An Nam Quốc Vương Lê Duy Kì bị quần thần của ông là Nguyễn Huệ đuổi, mẹ, vợ của ông ta đến cửa quan báo việc biến loạn. Sĩ Nghị đem việc này tấu lên, đem binh đến Long Châu giữ cửa quan Trấn Nam, Hoàng đế khen ông ta hiểu biết nặng nhẹ, biết đại thể, ra lệnh từ Quảng Tây vào An Nam, riêng lại sai Vân Nam Đề đốc Ô Đại Kinh từ Mông Tự kéo đến. Nguyễn Huệ sai tướng chống cự ở sông Thọ Xương, lại chia binh đồn trú ở Gia Quan. Quân của Sĩ Nghị đến, đánh phá tướng của Nguyễn Huệ sai đến, vượt sông Thọ Xương, lại đi đến sông Thị Cầu, quân của Huệ giữ gìn rất lớn. Sĩ Nghị ra lệnh đi về phía nam đến cuối nguồn làm cầu nổi, sắp vượt sông, ngầm sai Tổng binh Trương Triều Long từ đầu nguồn vượt sông, ra sau chỗ giặc, giặc rối loạn. Sĩ Nghị xua binh cưỡi bè vượt sông, giặc bỏ trại chạy, xông đến đánh, giặc tự rơi xuống sông chết, thây che lấp cả sông. Bọn Du kích Trương Thuần cũng phá quân đồn đóng ở Gia Quan, bọn Phó tướng Khánh Thành đặt mai phục bắt được tướng của Huệ. Quân lại đi đến sông Phú Lương, phía nam sông là thành nhà Lê, Huệ ra lệnh đem hết thuyền chiến đậu ở bờ nam chống giữ. Sĩ Nghị buộc bè chở quân, ra lệnh Đề đốc Hứa Thế Hanh đem 200 người buổi đên qua sông, cướp mấy chục thuyền nhỏ, lại thay phiên đem binh vượt sông. Đến sáng, quân vượt qua đến hơn 2,000 người. Quân của Huệ đem thuyền trốn. Trương Thuần đuổi kịp, chia ra đốt thuyền giặc, giết hết chúng, rồi vào thành nhà Lê, Nguyễn Huệ chạy về Phú Xuân. Duy Kì đến trong quân, Sĩ Nghị theo chỉ lệnh phong làm An Nam Quốc Vương. Nghe tin thắng trận, phong làm Nhất Đẳng Mưu Dũng Công, ban cho chóp đá ngọc đỏ. Sĩ Nghị từ chối, không cho. Ra lệnh rút quân, Sĩ Nghị vẫn do dự chưa đi ngay.
Tháng giêng mùa xuân năm thứ 54, Nguyễn Huệ đem quân đánh thành nhà Lê, Duy Kì lại đem nô thuộc lẻn trốn. Sĩ Nghị dẫn binh rút lui, vượt sông Thị Cầu, trú ở phía bắc sông. Quân của Huệ đuổi đến, Tổng binh Lí Hóa Long chặn ở sau, vượt cầu nổi, rơi xuống nước chết; cầu nổi đứt, bọn Đề đốc Hứa Thế Hanh đều chết trận. Sĩ Nghị trở về vào cửa quan Trấn Nam, Duy Kì cùng vợ con đến, để họ ở Nam Ninh. Nhà vua thấy Sĩ Nghị không theo chiếu lệnh rút quân, do đó thua thiệt, bãi tước phong, thu lại hết chóp đá ngọc đỏ, lông song nhãn, cởi bỏ chức Tổng đốc, lấy Phúc Khang An kế chức ông ta. Đang lúc Huệ đuổi quân ta đến sông Phú Lương, Sĩ Nghị muốn quay lại sông cùng ra sức đánh, Thế Hanh cố sức can gián, nói là nếu tổn hại đến đại thần thì làm nhục đến thể diện của nhà nước, ra lệnh cho Thiên tổng Tiết Trung kéo lấy cương ngựa của ông ta mà rút lui. Đến đây, bày sớ biểu để tự vạch tội, ra lệnh trú ở cửa quan Trấn Nam coi việc. Huệ liền sai sứ giả đến xin nội phụ, Phúc Khang An đến, cùng Sĩ Nghị nghiêm khắc trách mắng Huệ. Lại thấy họ Lê rối loạn, không thể dựng lại nước, bèn cùng tấu lên nói là An Nam không nên dùng binh nữa. Hoàng đế theo lời bàn. Liền gọi Sĩ Nghị trở về kinh sư, nhận chức Binh bộ Thượng thư, sung vào làm Quân cơ Đại thần, hầu ở Nam thư phòng. Mùa đông năm đó, ra lệnh nhận chức Tứ Xuyên Tổng đốc, qua năm nhậm chức thật sự. Chưa bao lâu, Lưỡng Giang Tổng đốc Thư Lân cùng với Cao Bưu Thư lại giả làm ấn tín bị phạt tội, lấy Sĩ Nghị kế chức ông ta. Dụ bảo vì quan lại vùng Giang Nam bỏ bê việc cai trị lâu ngày, phải gắng sức chỉnh đốn, chớ được giấu giếm. Sông Vương Bình Trang của Từ Châu tràn vỡ, lại đắp thành sửa đê đập, cấp phát cho các châu bị nạn nước ngập, đều được khen ngợi.
Năm thứ 56, gọi vào làm Lại bộ Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ.
Khuếch Nhĩ Khuếch Khách dùng binh, ra lệnh nhận chức Tứ Xuyên Tổng đốc, đốc thúc việc vận lương. Sĩ Nghị tự đem lò lửa ra trú ở Sát Mộc Đa, quân đã vào Hậu Tạng, lại đến trú ở Tiền Tạng, lương vận không thiếu. Xét công lao, lại ban cho hoa linh song nhãn. Năm thứ 57, Khuếch Nhĩ Khách bình, lại vẽ gác tía sáng. Liền nhận chức Văn uyên Đại học sĩ, kiêm Lễ bộ Thượng thư. Cùng Phúc Khang An, Hòa Lâm đến trú ở Tiền Tạng mưu tính việc sau này. Phúc Khang An đem Thổ ti của vùng Kim Xuyên vào chầu, ra lệnh Tôn Sĩ Nghị lại nắm chức Tứ Xuyên Tổng đốc. Phúc Khang An chuyển làm Vân Qúy Tổng đốc, lấy Hòa Lâm nối chức. Nhà vua lệnh cho Sĩ Nghị ở lại Tứ Xuyên coi sóc việc vận đồ quân nhu đánh Khuếch Nhĩ Khách, Sĩ Nghị xin lưu Phúc Khang An, Hòa Lâm ở lại cùng bàn bạc, Nhà vua không cho.
Mùa xuân năm thứ 60, người Miêu ở Hồ Nam làm loạn, vào đất Tú Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Sĩ Nghị đem binh đến giữ, đánh giặc. Năm Gia Khánh đầu tiên, quân phỉ ở Hồ Bắc làm loạn, đánh cướp đất Tửu Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Sĩ Nghị đem quân đến đánh, đánh thường thắng, phong làm Tam Đẳng Nam, giặc đồn trú ở suối Trà Viên, mưa lớn cả ngày, dò xét thấy giặc không phòng bị. Buổi đêm đánh giặc, quân theo từng đoàn binh nhỏ tụ tập xông vào, Thiên tổng Trương Siêu cầm mâu dài lên trước, chém thủ lĩnh của giặc, đuổi theo hơn 40 dặm. Giặc lui về giữ trại Kì Cổ, Sĩ Nghị đem binh đuổi theo. Tháng 6, chết ở trong quân, tặng tước Công, thụy là Văn Tĩnh. Lấy cháu của ông ta là Quân nối nghiệp làm tước Bá.
Sĩ Nghị ngày trước thân thiết với Hòa Thân, lúc bệnh nặng, gửi thư xin vào tộc Kì, Cao Tông chp phép, ra lệnh cho Quân vào quân Hán chủ Bạch Kì, ban làm Tán trật Đại thần. Chốc lát vì nông cạn mà bỏ. Năm thứ 11, tự bày tỏ là bệnh tật, xin lấy người em cùng họ là Ngọc Trì nối nghiệp tước phong. Nhân Tông dụ nói: “Sĩ Nghị chiếm được thành nhà Lê, Hoàng đế xem xét lệnh phải rút quân. Sĩ Nghị có ý tham công, trì trễ dẫn đến thua thiệt, binh tan vỡ trở về cửa quan. Lời ông ta tấu lên phần nhiều giả hão, trẫm xét ý của Hoàng đế [Cao Tông] truyền lại, chưa theo lời yêu cầu này. Nay Quân bị bệnh tật, Sĩ Nghị lúc đầu nhận tước Bá, đáng phải bỏ đi, nay lệnh cho Quân ra khỏi tộc Kì, trở về hộ tịch lúc đầu”.
Bàn nói: … Sĩ Nghị vào An Nam, trải qua chỗ hiểm yếu, quan quân vào cung đình nước ấy. Bấy giờ các tướng phần nhiều kiêu ngạo, Sĩ Nghị trong sạch, đại khái cũng có chỗ kém…
Liệt truyện -Tôn Vĩnh Thanh
Tôn Vĩnh Thanh tự Hoành Độ, người huyện Kim Qũy, tỉnh Giang Nam. Năm Càn Long thứ 33 đỗ Cử nhân, trao chức Nội các Trung thư. Vĩnh Thanh chưa vào sở quan, thường hầu ở trướng phủ của Quảng Đông Bố chính sứ Hồ Văn Bá. Thổ ti vì tranh lập mà bới móc lẫn nhau, xét văn điệp đều rõ ấn dấu, quan lại muốn riêng mình làm ra tín phù để bắt tội họ. Vĩnh Thanh viết bản thảo xin Văn Bá cố sức bày rõ, người bị miễn hơn 200 người. Rồi sung vào làm Quân cơ xứ chương kinh, suy tính cân nhắc rõ ràng, việc đến liền phối hợp bàn bạc. Chuyển làm Thị độc. Năm thứ 42, Vân Nam Tổng đốc Đồ Tư Đức dâng tấu nói là Miến Điện sắp sai sứ giả vào cống, Nhà vua sai Đại học sĩ A Quế đến coi xét, lấy Vĩnh Thanh đi theo. Sứ giả Miến Điện không đến, A Quế lệnh cho Vĩnh Thanh soạn hịch chiêu dụ Miến Điện, hộ tống người ở lại phòng giữ là Lao Nhĩ Tương trở về. Năm thứ 44, trao chức Hình bộ Thượng thư, xét tuyển làm Giang Tây đạo Giám sát Ngự sử. Năm thứ 45, lên làm Tả phó Đô Ngự sử. Nhận chức Qúy Châu Bố chính sứ. Dâng tấu nói là xưởng Tạc Tử sản xuất ra chì đen, trưng thu hơn 300,000 cân, xin lấy 100,000 cân chuyển đi. Năm thứ 49, nhận chức Tuần phủ. Lại dâng tấu nói: “Chì đen của xưởng Tạc Tử bày ra ở huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, đặt ra tiệm cục để trưng thu, thu được hơn 3,000,000 cân, xin hằng năm lấy 500,000 cân chuyển đến Vĩnh Ninh”.
Năm thứ 50, nhận chức Quảng Tây Tuần phủ. Vạch tội bọn Tân Ninh Tri châu Kim Tự trốn thuế, bọn Án sát sứ Đỗ Tông, Giám đạo Chu Diên Tuấn đều mắc tội tước bỏ chức quan. Năm thứ 52, dân Đài Loan là Lâm Sảng Văn làm loạn, điều binh Quang Tây, Vĩnh Thanh nói: “Binh đi đánh, có lệ là thưởng cho binh mã, thiếc bạc 10 lạng, thưởng cho bộ binh, thiếc bạc 6 lạng, xin lưu 3 lạng lại để làm áo”. Ra lệnh bàn bạc. Năm thứ 53, kẻ tù tội ở huyện Đằng liên kết với bọn trộm cướp là Lương Mĩ Hoán mưu tính đào hang đục tường trốn chạy, đuổi bắt được, Vĩnh Thanh ra lệnh giết chúng, tấu lên, Nhà vua dụ nói: “Bọn tù ngục trộm cướp đáng phải giết, nếu đào hang trốn chạy, chỉ nên trách rồi tha cho, không được cho rằng chúng cùng một tội. Nay Đốc phủ đều ưa giết chóc theo ý mình, Vĩnh Thanh ngươi thực là quá đáng”.
Nguyễn Huệ của An Nam làm loạn, Quốc Vương Lê Duy Kì chạy trốn. Quần thần là Nguyễn Huy Túc bảo vệ mẹ, vợ, họ hàng của Duy Kì đến Long Châu, Vĩnh Thanh cùng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị dâng sớ báo tin. Sĩ Nghị liền phát binh đánh Huệ, Vĩnh Thanh ra trú ở Nam Ninh, tấu lên lấy phủ Thái Bình đặt ra cục quân nhu, lấy Phúc Kiến Diên Kiến Thiệu đạo Lục Hữu Nhân, Quế Lâm Tri phủ Tra Thuần coi sóc việc này. Năm thứ 54, Duy Kì về nước, sai đón mẹ, vợ, họ hàng của ông ta, Vĩnh Thanh chuẩn bị hành lí, đều truyền chiếu chỉ của Nhà vua ban cho lụa gấm, vải vóc, cùng vàng bạc trắng 400 cái. Dụ bảo Vĩnh Thanh tự mình đến trú ở Nam Ninh, đến gần cửa quan ở biên giới, coi xét việc vận lương gạo, xếp đặt việc nên làm, ban cho lông chim trĩ.
Quân của Sĩ Nghị thua về, Phúc Khang An nối chức làm Tổng đốc, Vĩnh Thanh cùng Phúc Khang An tấu nói: “Dùng binh An Nam, trong ngoài cửa quan phải chi ra 1,000,000 lạng bạc, hơn 80,000 thạch gạo, các khoản chi xét rõ, kể ra được dùng và chưa dùng, hoặc dùng không hết, để số lượng dùng thực sự chuẩn bị báo lên. Nếu quân đi gấp rút, hơi có thuận lợi. Đối với trường hợp không lợi, vẫn như lệ giảm bớt”. Nhà vua lệnh lấy thực sự làm. Mùa thu, Quảng Tây Thu Thẩm Sách tự trì trệ đổi sự thật 3 vụ án, dụ trách Vĩnh Thanh buông thả. Người Đài Loan ở huyện An Trí, châu Đông Lan là Trịnh Quản, Trần Đình cưỡi thuyền chạy, đuổi bắt, bị chìm nước. Nhà vua lệnh tước bỏ chức Tri châu của bọn Hoàng Đồ dẫn đến tra hỏi, Vĩnh Thanh xử tội, ra lệnh ở lại nhậm chức.
Hứa Thế Hanh
Hứa Thế Hanh, người huyện Tân Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tổ tiên ông ta là người Hồi Bộ. Lúc đầu làm kị binh. Theo đi đánh Kim Xuyên, Tây Tạng, đều có công lao. Liền cử võ nhận chức Bả tổng. Rồi chuyền làm Thủ bị. Lại theo đi đánh Kim Xuyên, theo Tứ Xuyên Tổng đốc A Nhĩ Thái đánh Ước Gia Đông, Tây Sơn Lương, đến đánh các đất Trát Khẩu, A Ngưỡng, Cách Tạng, Đạt Ô, liên tiếp đánh chiếm các trại, lô cốt. Lại đánh Giáp Nhĩ Mộc Sơn Lưong cùng các đất Nhạc Lỗ, Đăng Đạt, đánh chiếm Mộc Thành, Thạch Tạp, lại chiếm núi Đa Công cùng thành trại Nhật Mộc. Đến đánh lô cốt Cổ Lỗ, giặc buổi đêm đến cướp doanh, Thế Hanh đem hơn 100 binh đánh chống, trời vừa sáng, thấy giặc sắp bỏ đi, liền mở cửa trại dũng mãnh hò reo đuổi đánh, giết giặc không kể xiết, rồi chiếm được trại lô cốt Cổ Lỗ, ban cho lông chim trĩ, vải gấm, căn trát cát mộc, phong thêm Kính Dũng Ba Đồ Lỗ. Rồi phong thêm làm Tham tướng. Theo Tham tán Đại thần, Phó Đô thống Minh Lượng đánh trại núi Đương Cát Nhĩ Lạp, chiếm được 5 lô cốt. Lại theo Tham tán Đại thần Phú Đức từ Mặc Lũng Câu tiến binh, chiếm lấy các trại Giáp Nhĩ Mộc, Nhật Xích Nhĩ Đan Tư, Tăng Cách Tông. Lại theo Định biên Tướng quân Minh Lượng từ Để Vượng đến Mã Nại, chiếm lấy các trại lô cốt Lạp Khoa, Nhung Bố, Căn Trát Cát Mộc, Ca Ca Giác, Tư Để, Khách Gia Phổ. Lại theo Minh Lượng từ Nghi Hỉ đánh trại núi Đạt Nhĩ Đồ, bắt giữ người thủ lĩnh là Đan Ba A Thái, chiếm lấy các lô cốt Nga Pha, Mộc Khắc Thập, Cách Mộc Chước. Lại theo Lĩnh đội Đại thần Khuê Lâm đánh trại núi ở phía tây nam Mộc Khắc Thập. Lại theo Phó Đô thống Tam Bảo đánh Tây Quách Lạc, đến trú ở trại núi Đắc Nhĩ Ba Khắc. Lại theo Minh Lượng đánh trại núi Đắc Lăng, chiếm được vài lô cốt, đến đánh Cơ Mộc Tư Đan Đương cùng các trại núi Tát Cốc, phá hủy lô cốt, bắt sống giặc không kể xiết. Chiếm lô cốt Ngạch Nhĩ Thế thứ nhất, giết hơn 40 quân giặc, lại chiếm được lô cốt thứ hai; lại chiếm các trại lô cốt Thạch Chân Cát, Sa Nhĩ Ni, Lang Cốc, Ô Nhạc, Tư Đương An. Cả thảy đánh 7 trận, đều thắng. Đến đánh Trát Ô Cổ, lúc ấy giặc dựa vào hang núi, các lô cốt, ụ liền tiếp. Thế Hanh đội cả tên đá đem binh xông lên, chiếm lấy vài lô cốt; lại chiếm núi Niễn Chiêm, núi A Nhĩ Cổ cùng các trại Bình Bá. Lại chiếm trại núi Đạt Tát Cốc, phá hủy lô cốt ở đó. Lại đánh chiếm các trại trên dưới Độc Cổ, đến chiếm giữ hai đường trại núi Bố Cát Lỗ Đạt Na. Lại chiếm cửa ải Giáp Tạp Quan Trại Độc Tùng. Chiếm được mấy chục trại lớn nhỏ, lại bắt được cừ súy của giặc là Ung Trung Vượng Nhĩ Kết. Rồi đi về phía tây đến Cát Lạp Y, cùng với quân Mã Nhĩ Bang ở đường phía nam hội họp. Năm Càn Long thứ 41, vùng Kim Xuyên bình, đề bạt làm Vân Nam Đằng Việt trấn Tổng binh.
Năm thứ 49, người Hồi ở Cam Túc làm loạn, Thế Hanh nhận lệnh đến dẹp yên vỗ về, bắt được hơn 200 người. Việc xong, bổ làm Cam Túc Uy Ninh trấn Tổng binh.
Năm thứ 52, người Đài Loan là Lâm Sảng Văn làm phản, Thế Hanh đem quân đất Kiềm [quân Qúy Châu] hơn 2,000 người đến tiễu trừ, đánh chiếm lũy Tập Tập, bắt chém rất nhiều, bắt được ấn, khí giới, cờ xí của quân ngụy. Đến đánh Tiểu Bán Thiên, giặc tan vỡ, đuổi theo đến bãi Lão Cù, bắt được Sảng Văn, bắt được đầu lĩnh là Hà Hữu Chí. Lại theo Tham tán Thành Đô Tướng quân Ngạc Huy từ Đại Vũ Lũng đến đánh người Để Bộc ở sông Nam Lộ, bắt giết một người đầu lĩnh. Bấy giờ bọn Trang Đại Điền thua ở cầu Thoán Lang, quân chúng còn vài nghìn người, Thế Hanh đem quân Kiềm cùng các quân chia ra các đội thủy, lục cùng tiến, bắt được Đại Điền các đầu mục của giặc. Đài Loan bình, ban cho hiệu là Kiên Dũng Ba Đồ Lỗ, vẽ hình gác tía, liệt vào hàng 20 công thần.
Tháng 2 năm thứ 53, cử làm Giang Chiết Tổng đốc, chưa đến nhậm chức, điều làm Quảng Tây Đề đốc. An Nam có tù trưởng lớn là Nguyễn Huệ, đánh đô của nước ấy, đuổi vua nước ấy là Lê Duy Kì. Lưỡng Quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị làm chủ việc dùng binh, Thế Hanh can ngăn nhưng không nghe. Quân đi, đem 8,000 quân Lục Kì của Lưỡng Quảng, cùng bọn Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long đi theo ra khỏi cửa quan vào đất An Nam, đến đô của nước ấy. Có 3 con sông lớn: phía bắc là sông Thọ Xương, phía nam là sông Thị Cầu, lại về phía nam là sông Phú Lương. Ngày tâm mùi tháng 11, quân vuợt sông Thọ Xương. Ngày giáp tuất, quân đến sông Thị Cầu. Quân của Huệ dựa vào núi bờ nam, giữ rất chắc. Quân của Triều Long từ đầu nguồn vượt sông, Thế Hanh cũng ra sức đánh, giết vài nghìn quân giặc, ban cho đồ ngọc mà Nhà vua dùng, đồ hà bao lớn nhỏ. Qua ba ngày đinh sửu, trời sáng, quân đến sông Phú Lương, bờ nam là thành nhà Lê, thành nhà Lê là đô của nước An Nam, lấy họ của Vương mà đặt tên cho thành vậy. Quân của Huệ chặt hết gỗ tre bên bờ sông, điều thuyền đối trận ở bên bờ. Men theo bờ sông bắt được thuyền nhỏ, chở hơn 100 quân, buổi đêm chia ra đến giữa sông chiếm lấy thuyền quân của Huệ, bọn Thế Hanh tự mình đem hơn 200 người vượt sông trước, chiếm được hơn 30 thuyền nhỏ, lại thay phiên nhau đem binh vượt sông, chia ra đến đánh quân của Huệ, quân Huệ tan vỡ, đốt hơn 10 chiếc thuyền, bắt sống mấy chục tướng của ông ta. Sáng ngày mậu dần, quân vượt sông xong, anh em họ Lê cùng dân chúng An Nam ra đón, Thế Hanh theo Sĩ Nghị vào thành vỗ về. Tìm Duy Kì, thừa lệnh lập làm Vương. Nghe tin thắng trận, phong làm Nhất Đẳng Tử, dâng sớ từ chối, không cho phép.
Nguyễn Huệ có đất được phân phong gọi là Quảng Nam, cách thành nhà Lê hơn 2,000 dặm. Đang bàn bạc đến đánh, xin thêm quân chở lương. Nhà vua muốn bãi binh, Thế Hanh cũng bảo Sĩ Nghị nói: “Quân ta vào sâu đất hiểm trở, Huệ chưa đánh mà rút vội, việc này không lường được. Đến lúc rút quân vào cửa quan, đó là kế hoạch của Nhà vua vậy”. Sĩ Nghị không nghe. Đầu ngày mậu ngọ tháng giêng năm thứ 54, Sĩ Nghị gọi các tướng đến bày rượu đặt hội. Ngày kỉ mùi, Duy Kì nói là quân Huệ đến. Sĩ Nghị vội vàng phá vây đi ra, vượt sông Phú Lương, cầu nổi đứt, Thế Hanh cùng Duy Thăng, Triều Long đem 100 người đánh ở phía nam cầu, chết trận. Sĩ Nghị lúc đầu dâng tấu nói: “Quân Huệ đến, thần cùng Thế Hanh đem binh ra sức đánh, quân giặc hợp lại đông, thần cùng Thế Hanh không thấy nhau, bèn phá vây đi ra”. Nhà vua vẫn mong toàn quân của Thế Hanh trở về; rồi nghe tin chết trận, ra lệnh cấp phát. Phó tướng Quảng Thành từ trong quân về, gặp Nhà vua, nói: “Lúc quân Huệ đánh thành nhà Lê, Sĩ Nghị cùng Thế Hanh lui về giữ sông Phú Lương chống Huệ. Sĩ Nghị muốn vượt sông đánh với Huệ, không được lợi, đem thân muốn chết. Thế Hanh ra sức can ngăn, cho là đại thần quan hệ nặng nhẹ với thể diện nhà nước, không nên khinh thường đi vào. Ra lệnh cho Khánh Thành bảo vệ Sĩ Nghị đem quân về. Lại lệnh cho Thiên tổng Tiết Trung kéo lấy ngựa của Sĩ Nghị để rút lui. Thế Hanh đốc các tướng vượt sông Phú Lương hãm trong trận, ra sức đánh mà chết”. Nhà vua cảm khái Thế Hanh biết cục diện, tiến phong làm Tam Đẳng Tráng Liệt Bá, tế ở miếu Chiêu Trung, thụy là Chiêu Nghị. Quân Phúc Khang An đến, Huệ lại đổi tên là Quang Bình, xin hàng. Lạp miếu ở thành nhà Lê để tế các tướng chết trận, Thế Hanh ở hàng đầu.
Con là Văn Mô, tự cử võ mà được nối chức tước, ra lệnh tại hàng đầu làm Thị vệ bảo bệ Nhà vua. Hết kì hạn, dùng làm Hồ Quảng Tham tướng, ban cho lông chim trĩ. Năm Gia Khánh đầu tiên, người tù huyện Chi Giang là Niếp Nhân Kiệt làm loạn, Hồ Bắc Tuần phủ Huệ Linh lệnh cho Văn Mô tìm bắt trị tội, có công, ban cho nối hiệu là Dũng Ba Đồ Lỗ, nhận chức Phó tướng. Quân giặc là Đặng Chi Học giả hàng, dò biết được, đợi chúng vào lũy thì bắt lấy, Văn Mô chợt xông ta bắt chém. Theo Tổng binh Khánh Phổ chống giặc ở núi Hoàng Bá, lại theo Phó Đô thống Đức Lăng Thái đánh bọn Tái Văn Trù ở núi Đại Thần, chuyển làm Tứ Xuyên Kiến Xương trấn Tổng binh. Lại cùng Tổng binh Đức Linh, Phó tướng Trữ Đại Vinh đánh giặc là Trần Gia Trường, Đức Linh thua trận, Văn Mô đến cứu, giết hơn 200 quân giặc; lại đánh giặc ở Đại Trúc, Lương Sơn, Trung Châu, thường đánh bại giặc, bắt cừ súy của giặc là bọn Trần Lũng Quang hơn 40 người, phòng
giữ sông Gia Lăng, ngăn giặc không vượt sông; phong thêm hàm Đề đốc. Lại đem binh tìm bắt người tù ở phía bắc Trị Xuyên, đổi làm Quảng Đông Đề đốc. Rồi điều làm Phúc Kiến Thủy sư Đề đốc. Giặc biển là Thái Khiên làm loạn, Văn Mô vượt biển đánh chúng, đốt hủy các sào huyệt của giặc là Trúc Viên Vĩ, Thái Sử Cung Trang, lại điều làm Giang Chiết Đề đốc. Lúc chết, được ban thụy là Tráng Dũng.
Thượng Duy Thăng
Thượng Duy Thăng, ngời Tương Lam Kì thuộc quân Hán, là cháu đời thứ tư của Bình Nam Vương Khả Hỉ. Từ lúc ở sở quan học tập, nhận chức Loan Nghi vệ Chỉnh nghi úy, chuyển làm Quảng Tây Hữu Giang trấn Tổng binh. Năm thứ 53, theo Lưỡng Quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị đem quân đi, ngày tân mùi tháng 11, Duy Thăng cùng Phó tướng Khánh Thành đem binh hơn 5,000 người đến sông Thọ Xương, quân Nguyễn Huệ giữ ở bờ nam, quân ta xông lên, cầu nổi đứt, đều nhảy lên bè đi lên, quân của Huệ vì trời sương mù mà tự đánh giết nhau, quân ta bèn vượt sông hết, đại phá giặc, vượt sông Thị Cầu, cưỡi bè chiếm cầu, dũng mãnh tiến lên, ban cho lông chim trĩ. Vượt sông Phú Lương, bắt chém rất nhiều, theo Sĩ Nghị vào thành Lê. Sĩ Nghị thua chạy, Duy Thăng chết trận, ban thụy là Trực Liệt.
Trương Triều Long, Lí Hóa Long, Na Đôn Hành
Trương Triều Long, người huyện Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, đến nhập hộ tịch ở Qúy Châu. Đem binh mã theo đi đánh Miến Điện, đánh ở đồn Lão Quan, bị thương ở trán. Lại theo đi đánh Kim Xuyên, đánh đến A Khách Nhĩ Bố Lí, Bố Lãng Quách Tông. Lại theo Tham tán Đại thần Hải Lan Thái từ Đại Bản Chiêu đến đánh, chiếm Lạt Mục Lạt Mục, Sắc Phanh Phổ, Triều Long trèo lên trước. Đánh đất Tốn Khắc Nhĩ Tông, lại trèo lên trước, bị thương. Đánh đến núi Khang Tát, đánh Lặc Cát Nhĩ Bác, đánh Đạt Giai Bố Úm Cát, đều có công. Lại theo đi đánh Lặc Ô Vi, chiếm đất này, ban cho lông xanh. Đánh Tây Lí, A Nhưỡng Khúc, chiếm hơn 10 thành gỗ. Lại đánh các trại lô cốt của các đất Nhã Mã Bằng, Cách Long Cổ, Tác Long Cổ, chiếm được. Kim Xuyên bình, xét công, ban cho lông chim trĩ. Nhận thêm chức Quảng Đông Phủ tiêu Trung quân Tham tướng. Năm thứ 52, người Đài Loan là Lâm Sảng Văn làm loạn, Triều Long đem quân Quảng Đông đến đánh, phàn nhiều bắt chém giặc, ban cho hiệu là Thành Dũng Ba Đồ Lỗ. Đến đánh Đại Lí Dặc, bị thương ở vai phải, Sảng Văn liền bị bắt. Triều Long lại cùng các quân đánh Trang Đại Điền ở Lang Kiệu, bắt được Trang Đại Điền. Đài Loan bình, vẽ hình ở gác tía sáng, liệt vào hàng sau 30 công thần. Bổ chức Phúc Kiến Nam Áo trấn Tổng binh. Năm thứ 53, theo đi đánh An Nam, quân vượt sông Thọ Xương. Triều Long đem biệt quân phá quân Nguyễn Huệ ở bên phải, tiến vào sông Thị Cầu. Sôg rộng, bờ nam có các núi liên tiếp, quân Huệ dựa vào chỗ hiểm bày pháo bắn, quân ta không thể buộc bè. Các tướng đốc binh về phía bắc chuyển tre gỗ tạo cầu nổi nói là sắp vượt sông, nhưng Triều Long đem binh 2,000 người trú ở đầu nguồn 20 dặm, tìm chỗ nước chạy chậm đóng binh, dùng thuyền nhỏ vào buổi đêm vượt sông. Các tướng cưỡi bè đến bờ nam, vừa lúc chống nhau với quân Huệ, Triều Long từ đầu nguồn đi ra sau quân Huệ, ở trên cao xuống đánh, quân Huệ tan vỡ. Lại đến vượt sông Phú Lương, cướp thuyền vượt sông, vào thành Lê. Sĩ Nghị thua chạy, Triều Long chết trận, ban thụy là Tráng Quả.
Lí Hóa Long, người huyện Tề Đông, tỉnh Sơn Đông. Thi Tiến sĩ võ nhận chức Lam linh Thị vệ, bổ chức Qúy Châu Đồng Nhân Hiệp đô ti. Theo Đại học sĩ Phó Hằng đánh Miến Điện, quân đến đồn Lão Quan, Hóa Long dùng pháo lớn giết giặc. Năm Càn Long thứ 27, lại theo Tướng quân Ôn Phúc đánh Kim Xuyên, chiếm các ổ lô cốt Cố Bốc Tế, Mã Nhĩ Địch Khắc. Tiếp theo đánh các vùng Lộ Đính Tông, Minh Quách Tông, Hóa Long đều ra sức đánh có công. Tháng 3 năm sau, quân đến Tích Lĩnh, Hóa Long bắn chết cừ súy của giặc. Đánh Tiểu Kim Xuyên, chiếm lấy các đất A Cát Nhĩ Bố Lí, Biệt Tư Mãn. Theo Đô thống Hải Lan Thái chiếm trại núi Đâu Ô, lại liên tiếp chiếm các đất Lộ Đính Tông, Minh Quách Tông, rồi chiếm đất Mĩ Nặc. Đánh Đại Kim Xuyên, theo Hải Lan Thái đánh chiếm các đất Lạt Mục Lạt Mục, bị thương, ban cho áo giáp bông. Trước sau đánh chiếm các trại núi của các đất Tốn Khắc Nhĩ Tông, Cách Lỗ Cổ, Quần Ni, Mộc Tư Công Cát Khắc, bị thương, ban cho lông chim trĩ. Kim Xuyên bình, chuyển làm Quảng Đông Tả Dực Tổng binh. Lâm Sảng Văn làm loạn, đem quân Quảng Đông đến đánh, đến cảng Lộc Tể, Tổng binh Tăng Cát Bảo lệnh cho Hóa Long ở lại giữ. Sảng Văn đánh Chư La Cấp, Hóa Long ngầm lệnh cho Du kích Mục Đằng Ngạch đem binh từ rãnh nước Phiên Tể đến khe nước Đại Thắng làm nghi binh, rồi tự mình đem bọn Du kích Bùi Khởi Ngao từ núi Bát Quái đến Sài Khanh, giặc tụ lại chống cự, Hóa Long đốc binh ra sức đánh, giặc tan. Năm thứ 53, theo đi đánh An Nam, quân vượt sông Thị Cầu, quân Nguyễn Huệ đến đánh chống, Hóa Long đốc binh phát pháo đánh giặc, tạo cầu nổi, cùng bọn Trương Triều Long đem ninh theo đường tắt vượt sông, vào thành nhà Lê. Sĩ Nghị thua chạy, đến sông Thị Cầu, ra lệnh Hóa Long vượt sông trước, vượt cầu nổi, rơi xuống nước chết.
Na Đôn Hành, người An Châu, tỉnh Trực Lệ. Năm Càn Long thứ 43, thi Tiến sĩ võ. Đứng hàng đầu Thị vệ, chuyển làm Quảng Đông Tam Giang khẩu Hiệp Phó tướng. Nguyễn Huệ đánh thành Lê, chết trận. Đôn Hành thờ mẹ rất hiếu, sắp đi đánh, xé áo trao cho nô bộc của mình, sai về báo cho mẹ.
Ban phát bọn Duy Thăng, Triều Long làm Tam Đẳng Khinh Quân Đô úy, Hóa Long, Đôn Hành làm Kị Đô úy. Các bộ tướng cùng chết trận 21 người. Quân về, qua sông Phú Lương, quân Huệ đuổi đến, người chết trận đến 9 người. Lại có Tham tướng Đặng Vĩnh Lượng, Đô ti Lô Văn Khôi, lúc đem quân đi chết trận.
Nguồn : viethoc.org