Quyển II: Nói về núi sông, cửa bể, thành ấp, đạo lộ
Người đời trước có nói rằng : từ khi có giời đất, liền có núi sông. Thành quách dẫu thay đổi mà sông núi vẫn y nguyên. Nay xem về thời ngụy Mạc, Đô-cấp-sự-trung Dương-văn-An soạn quyển Ô-châu cận lục, có chép núi sông, cửa bể ở xứ Thuận-hóa, đến nay vẫn còn y như trước, thế mà thành trì, đường ...
Người đời trước có nói rằng : từ khi có giời đất, liền có núi sông. Thành quách dẫu thay đổi mà sông núi vẫn y nguyên. Nay xem về thời ngụy Mạc, Đô-cấp-sự-trung Dương-văn-An soạn quyển Ô-châu cận lục, có chép núi sông, cửa bể ở xứ Thuận-hóa, đến nay vẫn còn y như trước, thế mà thành trì, đường xá và chùa tháp so sánh với thời truớc nay đã khác rồi. Vậy nay tóm tắt lục ra sau này :
Hoành-sơn ở về châu Bố-chính, gần làng Sơn-tiêu, tiếp giáp Nghệ-an, dẫy núi ấy trùng trùng điệp điệp từ xa mà kéo đến, ngang thẳng ra bể, trông như một bức trường thành.
Núi Đầu-mâu ở huyện Khang-lộc, gần xã Viễn-tuy, có một ngọn rất nhọn và cao là núi Đầu-mâu, dưới chân núi ấy là sông cái, sinh sản ra loài trạch dài.
Núi Thần-đinh ở huyện Khang-lộc, xứ Thạch-giang, các ngon núi khác đều hướng về phương tây nam, chỉ có núi này là trái lại, cho nên có tên là núi Bất-nghĩa.
Núi Lỗi-lôi ở châu Bố-chính, gần cửa bể Di-luân một giải núi Hoành-son như hổ ngồi, như phượng múa, chạy một dãi vừa dài vừa rộng, mạch núi đến núi này là cùng. Ô-tôn gối ở phía tây, Sơn-động đứng sửng ở phía bắc. Núi này cùng với Tự-loan bên tả bên hữu đối diện, có khe nuớc yên lặng, thuyền bè phần nhiều đậu ở nơi đây.
Động Chân-linh ở châu Bố-chính, nguồn Chân-linh quay lưng vào núi, hướng mặt ra sông, cửa động hẹp, chí có thể dùng một cái thuyền nhỏ, vào trong dần dần rộng, người vào xem đốt đuốc lội nuớc mà vào, đi chừng một trăm dặm, có một cửa hang, vào trong ấy thấy đủ cả giời, đất, mặt giời, mặt giăng, mây, ráng, hoa, cỏ như riêng một thế giới, đá bằng phẳng như bàn cờ, có quân cờ, bốn bên nhà đá như ngọc dũa nên, cảnh vật lạ lùng tươi đẹp, có nhiều thơ đề vịnh viết ở vách đá.
Núi Mã-yên ở đầu nguồn huyện Lệ-thủy cao lớn mà uyển chuyển đứng sửng, trông như là cái yên ngựa vậy (có một tên là núi Thiên-mã).
Núi Liệp-sơn ở châu Minh-linh, gần xã Sa-lung, bốn mặt đất bằng phẳng, một ngọn núi tròn trĩnh và đẹp.
Núi Thượng-sơn ở đầu nguồn huyện Hương-trà, đầu núi rất cao, đỉnh núi có cái giếng nước trong vắt và thơm.
Núi Uyển-sơn ở huyện Kim-trà, xã Hải-cát, các ngọn núi ấy ở phía tây bắc trùng điệp như hình con rồng đi, con hổ phục, kéo thẳng ra tận sông cái rồi vọt lên một ngọn tròn như cái chén.
Núi Hải-vân ở huyện Tư-vinh cửa Hải-vân, chân núi ăn ra bể, ngon núi cao tít từng mây, làm giới hạn hai xứ Thuận-hóa và Quảng-nam, có cửa ải, có đặt đồn binh coi giữ, từ nơi ấy cứ theo đường núi đi hơn một ngày, tức là địa phận Quảng-nam.
Núi Quy-son ở huyện Tu-vinh, gần xã Hoài-vinh, bể lớn bao bọc ở phía đông, bể cạn bọc ở phía tây, phía nam tức là cửa bể Tu-khách-dung. Trên núi có tháp cổ.
Vụng Nhật-lệ ở huyện Khang-lộc, cửa bể Nhật-lệ rộng mông mênh, bể ở phía tây nam, về phía bắc vụng ấy rất sâu, có loài thuồng luồng ẩn lặn ở đấy.
Thiền-hải ở huyện Lệ-thủy, do các nguồn An-sinh, Cẩm-lý chảy vào, trăm con sông tụ họp lại, gọi là Hạt-hải (bể cạn) phía đông bắc bãi cát chồng chập, phía tây nam núi non xiên ngang, ở ngoài là bể lớn, chỗ sâu chỗ rộng, ở giữa có một dòng rất sâu, tàu thuyền đi lại phải giồng cây gỗ là tiêu chỉ. Xét sách An-nam chí có nói: "Sông Bồ-đai phát nguyên từ Lão-qua, chảy qua phía đông huyện Bồ-đai chia ròng chảy vào Bể-cạn, lại chảy vào sông Tam-kỳ ở Hóa-châu, chiều sâu có thể cho thuyền đi lại". Đó là Bể-cạn này vậy.
Vực An-sinh ở huyện Lệ-thủy phát nguyên ở xứ Tam-kỳ Thổ-lý-nguyên, trong suốt đến đáy, sâu không biết ngần nào.
Liên-cảng ở huyện Lệ-thủy, tiếp giáp châu Minh-linh, niên hiệu Đại-trung, nhà Hồ khơi cảng ấy, đất cát phun lên, phải bỏ không khơi được. trong cảng ấy có khe nhỏ, nuớc rất trong và lạnh.
Liên-trì ở huyện Lệ-thủy, phía tây núi Mã-yên, trong trì ấy có núi, núi có ngọn cao nhưng nhỏ, phía đằng trước có hai lần núi bọc.
Sông Bình-giang ở huyện Lệ-thủy, mùi nước thuờng nhạt. Các thôn, chợ của nhân dân hai huyện Lệ-thủy, Khang-lộc chia nhau ở về phía tây và phía đông sông ấy. Sống ấy do đầu nguồn Thổ-ly rót vào, ở khúc giữa thì rộng, về mạn hạ luu thì hẹp lại, chỉ có thể một cái thuyền đi thông qua đuợc, sau cùng vùng ra thành cái vụng lớn rồi chảy ra cửa bể.
Vụng Hải-lăng ở huyện Hải-lăng, gần xã Duyên-sinh, bên đông có một nhánh sông dài, bên tây có một giải núi.
Sông Linh-giang do hai cái nguồn ở Kim-trà, Đan-điền rót vào, rất sâu và rộng, phía tây nam có ngôi đền bốn vị, phía bắc có chùa Sùng-hóa, Hiến-ty và phủ đường vệ sở ở bên tả bên hữu sông ấy.
Đan-điền đại giang nguồn từ nơi rất xa chảy đến, phía nam phía bắc sông ấy đều là chỗ dân ở. Thành Thuận-hóa ở về mạn hạ lưu sông ấy.
Cô-sa-nguyên ở châu Bố-chính, sản ngà voi, màn dệt hoa, gối dệt hoa, to sống, mật ong, nhựa trám, gỗ lim, gỗ vàng tâm, tre thanh bì.
An-đại-nguyên ở huyện Khang-lộc, sản trầm hương, tốc hương, hoàng đan, sinh hương, mật ong, sáp ong, mây vàng, lông con tri và diêm tiêu.
Kim-trà-nguyên ở Tam-kỳ giang huyện Kim-trà, sản sen trà, chiếu mây, trà luỡi sẻ, xa nhân.
Viên-kiều-nguyên ở Tam-kỳ ở đầu nguồn huyện Hải-lăng, tức là các trang, sách châu Thuận-bình, sản ngà voi, màn dệt hoa, vỏ cây gai, bông hoa trắng và bông gạo (kapok).
Kiều-kiều-nguyên ở đầu nguồn huyện Vũ-xương tức là các trang, sách châu Sa-bôi, sản ngà voi, màn dệt hoa, trầm hương, tốc hương, sinh hương, bạch ngọc hương, vỏ cây gai, gấm hoa và bông gạo.
Châu Bố-chính có cửa bể Bố-chính, do các nguồn từ Cơ-sa, Minh-linh mà chảy xuống, thế nước chảy sang bên đông, ở gần có Lễ-sơn, ở xa có Lỗi-sơn, có cửa bể Di-luân, Hoành-sơn trấn ở phía tây; Lỗi-sơn đứng sững ở phía bắc, muối ở đây rất ngon.
Huyện Khang-lộc có cửa bể Nhật-lệ, sông ở đây từ các nguồn Thổ-ly, An-đại mà chảy xuống, thế nước chảy sang phía bắc, cửa bể ấy có ba ngọn núi nổi ở trong sông.
Châu Minh-linh có cửa bể Minh-linh, bên đông có núi Thảo-phù, bên tây có núi Cổ-trai, có cửa ải canh phòng, là một nơi xung yếu, từ cửa bể Nhật-lệ đi hai ngày thì đến, đường thủy đường lục dài ngang nhau, gọi là đại trường giang sa (bãi cát lớn và dài).
Huyện Vũ-xương có cửa bể Việt-hải, sông ở đây do hai nguồn Kiều-kiều-nguyên, Viên-kiều chảy ra.
Huyện Tư-vinh có cửa bể Tư-dung, gần xã Hoài-vinh, phía nam tiếp giáp Cái-sơn, phía đông liền Quy-sơn, phía tây bắc có chằm có vụng rộng mông mênh, do các ngọn nguồn ở Kim-tra, Cổ-nông, Hưng-bình và Cao-đôi chảy rót vào.
Huyện Kim-trà có cửa Eo-nhuyễn, sông ở đây do các nguồn Kim-trà, Đan-điền chảy rót vào, từ cửa Việt-hải đến cửa Tư-dung gọi là đại trường sa, cửa bể này (cửa Eo) gọi là tiểu trường sa (bãi cát nhỏ mà dài).
Thành Hóa-châu ở xã Đan-điền huyện Đan-điền, sông cái ở phía tây, có con sông nhỏ chảy thẳng vào trong thành, bên hữu ngạn có nhà Học chánh và Đô ty, Thừa ty thuộc phủ Triệu-phong. Sông Kim-tra chảy rót vào phía nam, bên mặt có sông vòng quanh, trông vào phía trong nhiều thành quách cao ngất.
Thành Ninh-viễn ở xã Mẫn-áo huyện Lệ-thủy, mặt trước Bình-giang, mặt sau Ngô-giang, hai con sông chảy sang phía tây bắc lại họp thành một dòng. Thành ấy ba mặt là sông, một mặt có núi, Vệ Trấn-bình ở đó. Về phía nam thành ấy có đá khắc chữ "Ninh-viễn thành".
Thành Thuận-châu ở huyện Hải-lăng, phía tây có con sông dài, ngoài là huyện nha, trong có kho chứa tiền và thóc.
Cửa Hải-vân ở huyện Tu-vinh, trên thì cao tít mây xanh, duới thì chạy suốt ra ngoài bể, đây là chỗ cổ họng Thuận và Quảng, có ty Thủ-tuần, suốt từ Yêu-duyên cho đến Ô-rô đều có đóng đồn xét hỏi sự đi lại.
Trạm Nhật-lệ ở huyện Khang-lộc, gần cửa bể Nhật-lệ tựa vào núi, hướng mặt ra sông, phong cảnh thật là đẹp mắt.
Trạm Bình-giang ở huyện Lệ-thủy xã An-trạch, từ Minh-linh đến thì đi đường bộ, từ Nhật-lệ đến thì đi đường thủy.
Trạm Linh-giang ở huyện Đan-điền, gần xã U-cân, truớc mặt có một con sông, bên cạnh có ngã ba sông, từ Trà-kê và từ Diêm-trường đến, đều do đường thủy, đi lại đông đúc, tân khách hấp tấp, nổi tiếng là nơi dịch trạm phồn thịnh vào bậc nhất ở Ô-châu.
Bến Dã-độ huyện Hải-lăng, xã Phù-ba, do các nguồn ở Viện-kiều, Khiêu-kiều chảy rót vào rất sâu và rộng, ở sông ấy có loài cá đại-sa-ngư (requin).
Chùa Hóa-tự ở huyện Khang-lộc, gần xã Hữu-bổ, bốn mặt ngoài đều là chằm, vụng, ở giữa nổi lên một miếng đất cao vọt.
Chùa Kính-thiên, ở huyện Lệ-thủy, gần trạm Bình-giang.
Chùa Đại-phúc ở vào khoảng giữa hai xã Đại-phúc, Tuy-lộc thuộc huyện Lệ-thủy người ta cầu phúc và cầu mua nắng đều thấy hiệu nghiệm.
Chùa Sùng-hóa ở xạ Lại-ân, huyện Tu-vinh.
Chùa Thiên-mụ ở huyện Kim-trà, trên ngọn núi Nam-son thuộc xã Hà-khê.
Tháp Trung-đan ở xã Trung-đan, huyện Vũ-xương cao gần một trăm thước.
Tháp Dương-lệ ở xã Dương-lệ, huyện Hải-lăng.
Ở Nghệ-an, từ huyện Thanh-chương xuống vùng Hương-sơn, theo dọc một dãy núi dài rồi về Thạch-hà, lại đi qua Hoành-son, vào Kỳ-hoa để đến làng Hà-trung. Kể các trấn sở ở Nghệ-an thì trấn sở này là ở về phía cực nam. Cứ đi về phía nam qua dãy Hoành-sơn là đến xã Phú-lưu và xã Thuần-thần về châu Bố-chánh. Lại đi sang phía đông thì đến xã Lữ-đăng ven sông Đại-Linh-giang. Khúc thuợng luu sông này là từ dãy núi ở Hương-sơn mà phát nguyên ra vậy. Những binh lính ở đội Phúc nhất và nhân dân ở sách Thanh-lãng và nhân dân ở làng Kim-lu thuờng đi thuyền xuống chợ ấy để mua muối mắm. Thế mới biết rằng hình thế núi sông ở vùng ấy rất khuất khúc.
Thuợng lưu gọi là nguyên cũng như hạ huyện gọi là tổng. Về châu bắc Bố-chánh, nguyên Cơ-sa có 7 thôn phường là : trang Ma-nai, phường Mít, thôn Bộc-thọ, phường Kim-băng, phường Lỗ-hang, phường Đồng-xà, phường Làng-hen.
Nguyên Kim-linh có 8 thôn phường là : phường Cổ-liêm, phường Quy-viễn, phường Làng-nai, phường Phúc-lục, phường Phúc-chú, thôn Cầu-dòng, phường Câu-câu, thôn Bà-nàng.
Ruộng đất ở vùng đồi rất là tốt và rộng, số dân ở núi cũng nhiều, cứ 12 tuổi đã chịu việc tạp dịch, 20 tuổi được liệt vào lão hạng, đinh và điền không phải đóng thuế, không phải vào sổ hộ tịch. Quan Trấn thủ Nghệ-an sai nguời nha đến thu các hạng thuế. Mỗi năm dân ở vùng núi ấy phải nộp cho quan Trấn thủ các thứ là :
Mật ong 10 bình, Sáp ong 10 chum, Gỗ nâu hoa 10 phiến, Gỗ mun hoa 10 phiến, Gỗ chầy sanh, kiền kiền 10 cây, Ngà voi nộp thay số tiền 30 quan.
Quan Trấn thủ lại còn gửi mua trâu, bò, tê, tượng cùng thổ sản tạp hóa khác không kể vào các khoản phải nộp ở trên, khi quan có gửi tiền mua, thổ dân cũng không dám lấy tiền, thường thường cung biếu, cũng có một đôi khi đút tiền cho bọn sai nha để khỏi phải nộp.
Châu Bắc Bố-chính, dân phần nhiều ở dưới nước làm nghề chài lưới, lại quen nghề lên mạn thượng lưu nhặt ván thuyền. Ở nơi ấy có phường Đế-võng, Phường Giáp-ba, phường Cương-gián và giáp Trung-hòa-hạ.
Châu Bắc Bố-chính ruộng đất tốt, hoa lợi một mẫu bằng bốn mẫu ở các nơi khác vì các nơi khác lấy tiền Khai-nguyên làm mức; ở đấy thì lấy đồng tiền Khang-hy hạng lớn làm mức. Một mẫu gặt được 120 gánh lúa, hạng tốt vừa cũng được 100 gánh hay 90 gánh. Từ trước vẫn được miễn thuế tô, lâu ngày để nhân tuần, không có khám đo bao giờ, thổ quan và hào cường chiếm lạm mua gian, kiện tụng tranh nhau trải nhiều năm không có lúc nào là không có mối kiện.
Trong vùng châu Bắc Bố-chính có một nơi tên là "Quán-ba-lò", nơi núi ấy sản vàng sống vì trước kia có khai lò lấy vàng, cho nên đặt tên là "quán ba lò". nhưng thứ vàng ấy sống và xấu, nấu mãi cũng không thành ra vàng.
Từ bến các xã Phúc-lộc, Lu-đăng, đi thuyền theo dọc sông Đại-linh-giang tức là bến hữu sông Gianh, đi qua nơi sông Gianh, sông Son họp một. Qua sông sang bên bờ bên nam đến bến sông Cao-lao châu nam-Bố-chính, qua xã Cao-lao, vượt giải núi Lệ-đệ đến trang Điền-phúc gọi là vùng chăn nuôi. Trang ấy khi trước nộp thuế sắt sống. sắt ấy họ tìm kiếm ở núi Lệ-đệ, một trang 50 lò. Một năm mỗi lò là hai thoi, cộng là 100 thoi, nộp ở Nọa-doanh, mỗi nguời phải tiêu sáu quan tiền, rất là khổ sở. Đi sang phía đông nam qua An-phúc, Thiên-lộc đến thôn An-lão, tổng Lương-xá tục gọi là chợ Đón (có ý nói là đón khách hàng), nơi ấy là khúc đường ở khoảng giữa. Khúc đường trên từ Cao-lạo đến khúc đường dưới từ Ly-hòa đến đều hội họp ở chốn náy.
Từ Lu-đăng theo bờ sông đi qua các xã Phan-long, Thổ-ngõa, An-bài và Trung-hòa, qua sông Gianh đến xã Thanh-hà thuộc về Nam-Bố-chánh, theo bờ bể đi vượt chân núi Lệ-đệ, rồi theo bãi cát trắng đi đến xã Lý-hòa. Qua cái cầu sông Lý-hòa 138 gian, đến thôn Thuận-cô. Lại theo bờ bể đi qua trang Đồng-cao và thôn An-lạc, đến đường cái Chợ-Đón thì gặp một con đường khác đi từ An-bài sang sông rồi qua chỗ chăn nuôi ở Cao-lao.
Núi Lệ-đệ bắt đầu từ đầu nguồn xuống đến bãi bể, liền lạc đến hơn một trăm ngọn, chắn ngang cái lối vào Thuận-hóa. Vì từ Kỳ-hòa, Hà-trung đi sang bên hữu lên núi Hoa-hiệu vượt vài ba mươi lần trái núi dến Tuần-đeo bột quan Cây-gạo là thôn Quần-mục, xã Thuận-thuần thuộc về châu Bố-chánh, lại vượt mấy chục ngọn núi nữa, đường đi mất một ngày rưỡi mới đến giải núi Hoàng-sơn ở Nghệ-an. Khi đi đến quán Khe-mây, xứ Đất-đỏ thì đường mở rộng , trông thấy bờ phía nam , cách một giải sông, núi xanh chắn ngang chân trời, có lẽ chính là Nguyễn-bỉnh-Khiêm đã chỉ đấy là dãy núi Hoành-sơn ở Thuận-hóa. Khi đến Quán-lam trở xuống Phù-lưu thì hướng sang phía đông , qua sang sông Gianh, vượt núi Lệ-đệ qua các xã đến xã Phúc-tự, trước cửa chùa Phúc-tự trông thấy một cái đèo xuyên ngang, tức là đèo Ba-chanh, chuyển sang bên hữu mà đi lên, xanh biếc um tùm, từ đó lại trèo lên là dãy núi Thuận-hóa cùng Ai-lao chia giới hạn. Nếu qua sông Động-hải đi vào các huyện, Lệ-thủy, Minh-linh và Vũ-xương, có một con đường hướng về bên tả mà lái qua sang phía tả, ruộng nương khe ngòi dài rộng đều là chân núi này ăn rộng ra vậy. Nếu không sang qua sông Động-hải, cứ theo dọc bờ sông mà đi, đi lên phía hữu Ông-hồi, Thượng-dục theo dọc dãy núi để đến Trạm-doanh cũng đều là chân dãy núi này cả. Trình-toàn-hầu (Trạng-Trình Nguyễn-bỉnh-Khiêm) chỉ núi Hoành-sơn của Đoan-quốc-công (Chúa Nguyễn-Hoàng) có lẽ không phải là chỉ núi Ba-chanh mà chỉ vào núi Lệ-đệ vậy.
Đoan-quốc-công là công thần nhà Vua (Lê-hiển-Tôn) và là nhạc phụ Vương-thượng (Chúa Trinh), được ra giữ Thuận-hóa, Quảng-nam đã hơn bốn mươi năm, nhiều công khó nhọc, làm phên dậu cho triều đình, khi mới được tin bình được ngụy Mạc, liền đem cả quần chúng vào chầu, trong bảy mươi hai năm, nghiễm nhiên là một vị nguyên lão, được thăng làm Hữu-tướng Thái-phó, đánh đông dẹp tây, lập được công lớn, nhà Vua rất ưu đãi, cho cai quản một phủ Hà-trung và bảy huyện về thượng lộ ở Sơn-nam, lại được vẫn giữ chức Trấn-phủ Thuận, Quảng. Lúc bắt đầu, Đoan-quốc-công thực không có lòng nào phản bội, chỉ vì công to quá, tự lấy làm nguy nghi, bèn toan tính mưu kế để giữ mình, năm bảy mươi sáu tuổi trốn về, để ba con ở lại trong triều làm tin, khi về đến trấn, bèn dâng thư tạ lỗi, năm nào cũng nộp lệ cống và tiền thuế lại tiến con gái làm chính-phi cho Thế-tử (con cả chúa Trịnh). Xét tình cung kính , trung thuận như thế, khi ấy triều đinh không lấy cớ gì mà đem quân đi đánh được. Đến đời con Đoan-quốc-công là Thụy-quốc-công (Nguyễn-phúc-Nguyên) nối giữ trấn ấy, uy tín càng ngày càng to, khí thế càng ngày càng mạnh, ngồi ngắm cảnh giang sơn, mới nảy ra cái chí giành để đất đai truyền cho con cháu, lúc ấy không triều cống nữa. Nhưng nhà Vua mấy lần đem quân nam chinh, quân ở Thuận-hóa ra chống cự, quan quân đánh một cách cầm chừng, rồi lại kéo binh về, sau lại ban chiếu thư hiểu dụ, là cốt ý chiêu an, chứ không muốn đánh cho tiêu diệt, cho nên Nguyễn-duy-Thời có dâng thư xin Thái-thượng-Vương đã mấy lần đi kinh lý địa phương xem xét tình hình, nhưng Thụy-quận-công không phải là hạng người có thể lấy giấy tờ mà làm cho khuất phục được. Vả lại họ Nguyễn có công to về việc trung hưng, hai đời kết hôn (Truớc Nguyễn-Kim gả con gái là nàng Ngọc-Bảo cho Trịnh-Kiểm sau Nguyễn-Hoàng lại gả con gái cho Thế-tử chúa Trịnh), nên Triều đình không nỡ đoạn tuyệt tình nghĩa ấy. Đến đời Nhân-quận-công (Nguyễn-phúc-Loan) thì họ Nguyễn đã truyền nối đến ba đời, cơ đồ đã củng cố, khó lòng mà lay chuyển được, không những là thực lực đã mạnh mà cũng là thời vận xui nên vậy.
Thụy-quận-công đã công nhiên chống lại với triều đình, đắp lũy dài, từ núi Động-hồi xuống đến cửa bể Nhật-lệ, cao một trượng năm thước, chân rộng năm thước, ngoài lũy giồng cột gỗ lim, trong lũy đắp đất làm lâu thang năm bậc, mỗi tầng cao một thước năm tấc, voi, ngựa đi trên mặt lũy, lũy đất ấy liền lạc dài rộng, uớc hơn 3000 trượng cứ 3 trượng hay là 5 trượng lập một pháo đài, trên đài có một khẩu đại bác cự môn, cách một trượng lại đặt một khẩu súng thường, gọi là trụ súng. Các thứ đạn dược chứa đầy như gò núi. Cửa bể Nhật-lệ và cửa bể Minh-linh đều chăng luới sắt, khóa sắt, tự cho là hiểm trở không ai phá nổi, con cháu có thể yên đến muôn đời vậy. Biết đâu rằng một phen quan nhà Vua nam chinh, binh họ Nguyễn tan rã không chống đánh, thành luy mở toang không giữ nổi, đại binh thừa thế kéo thẳng đến Phú-xuân. Dẫu rằng chia rồi có lúc phải hợp lại, thịnh lắm có lúc phải quỵ, đều có lẽ liên quan với thiên mạnh. Nhưng "Địa lợi bất như nhân hòa" (lợi của đất không bằng lòng đoàn kết của nguời), lời nói của Mạnh-tử thực là đáng tin vậy.
Châu Bắc-Bố-chính có núi Thời-mại làm trấn sơn, có một đạo trường giang phát nguyên từ Hương-sơn qua Kim-lu, Thanh-lãng và Tuần-bôi xuống đến Lu-đăng rồi chảy ra cửa bể Đại-linh. Lại có con sông Son phát nguyên từ Thời-mại xuống Kim-linh chảy đến Cửa-hác thì hợp với sông Lu-đăng rồi cùng chảy ra cửa bể Đại-linh, nguồn sông ấy xa mà rộng.
Châu Nam-Bố-chính có núi Ba-chanh làm trấn sơn, có một trường giang từ Phú-lâm, bến Liệt, chảy qua xứ Sao-xạ và Bà-chùng, qua Ngọa-doanh (Đinh-ngói) rồi chảy xuống cửa bể An-niễu. Lại có một sông nhỏ từ trang Điền-phúc qua xã Hải-hạt, thôn An-phúc, thôn Lý-hòa rồi chảy xuống cửa bể Thuận-cô, nguồn sông này gần mà hẹp. Bắc-Bố-chính tiếp giới với Kỳ-hòa, Nam-Bố-chính tiếp giới với Khang-lộc, hai châu ấy nguyên trước là một mà gần đây chia làm đôi. Nay theo hình thế núi sông, tôi thiết tuởng cứ để chia đôi là tiện, châu Bắc-Bố-chính thuộc xứ Nghệ-an, phủ Hà-hoa, châu Nam-Bố-chính thuộc xứ Thuận-hóa, phủ Quảng-bình.
Trên sông Son chỗ chia giới cũ, có chỗ đất để trống là Cồn-bồi, Cồn-chợ. Cồn-cấm, nhân dân hai bên đều không dám giồng cấy, cây cỏ mọc như rừng. Nay hợp làm một, các nhân dân châu Bắc-Bồ-chính ở theo dọc con sông ấy tranh nhau xin giấy phê phó của Thượng-tướng để được nhận cày cấy, nguời xin truớc đã được thì nguời xin sau lại ra tranh, sinh mối kiện cáo luôn.
Đất Lý-hòa ở châu Nam-Bố-chính, đất ấy theo dọc chân núi Lệ-đệ kéo dài ra một bãi cát bằng phẳng có chỗ cao nhô lên và mở rộng. Nhà của nhân dân ở theo chiều ngang hướng về phương nam, đuôi bãi cát từ bên tả ôm lấy, sông Thuận-cô từ bên hữu lại, làm tiền đường một giải núi cát ở thôn Thuận-cô làm cái ánh trước mặt cho nên số nguời thịnh vượng sinh sản đến hơn nghìn người, quen sự buôn bán, thời thường vào Gia-định làm thuyền thúng to hàng trăm chiếc, mỗi chiếc giá đến hơn nghìn quan đem về bán lại.
Đi về phía đông nam Thanh, Nghệ dọc theo bờ bể , chưa trông thấy núi cát trắng. Đến Thuận-hóa về hạ đạo châu Bắc-Bố-chính từ xã Trung-hòa, đã bắt đầu thấy nổi lên cát trắng, về miền sông Gianh ở khoảng giữa Đông-cao, An-lão lại vọt ra bãi cát trắng dài. Về phía tả đằng sau đồn Động-hải, một dải cát trắng nổi lên nhu bức lũy dài, thẳng đến cửa bể Nhật-lệ. Qua sông sang bên đông là huyện Lệ-thủy. Từ thôn Phong-đông ờ Động-hải thẳng đến cửa bể Minh-linh, đường đi một ngày rưởi, núi cát liền lạc, lấp lánh sáng nhoáng, trùng điệp mấy lần, trông như thành quách, ở ngoài đều là rừng rậm. Cách bờ bể đi chừng một trống canh, không có đường lối, ở trong thì thôn xã liên tiếp rất nhiều, nguời nhiều của nhiều, vạn vật phồn thịnh có tiếng từ trước tới giờ, đều ở đất bãi cát ấy. Bãi ấy quay lưng vào núi cát mà hướng mặt ra sông. Trong những mạch bãi cát rót ra nước suối ngọt, nhân dân lấy nước uống, lúa mạ được nước ngọt tưới vào, mùa màng rất tốt. Cứ trong vài ba xã lại có một con ngòi nhỏ, mùa thu nuớc dâng lên mạnh, mà mùa xuân khô cạn, ở đường đi thì cát bay suốt ngày, thế mà gần bên dọc đường nhân dân thường thường cày cuốc để ương cấy lúa mạ, lúa mọc rất tốt, cây cối mọc trong bãi cát trắng, cao lớn tốt um tùm, thật là một sự lạ lùng vậy.
Xã Vu-xá huyện Lệ-thủy, nguyên trước là Lưu-đồn của họ Nguyễn, tục gọi là Dinh-mười, đất rộng, quân phòng la liệt như bàn cờ, nóc nhà liền chít như vây cá, bên hữu tựa vào núi cát, bên tả có sông Bình-giang. Ở vào khoảng các xã An-xá, Thạch-xá, Đặng-lộc, ruộng lúa bát ngát rộng mông mênh, thứ nhất là xã Phù-tôn, dân ở rất đông, ruộng lúa rất tốt. Từ xã Phù-tôn đi lên đường cái, qua cầu đến Quán-cát và Quán-liên ở xã Thủy-liên-trung, lại qua cầu đến Quán-bụt ở xã Thủy-liên-thượng, lội khe qua quán Hà-kỳ, Quán-trà ở xã Hà-kỳ rồi đến xã Hồ-xá, đó là con đường chính vào Phú-xuân. Về bên tả đường cái Quán-bụt, Quán-trà là xã Thủy-mỗi và Tứ-chính du-phương. Tục ở nơi ấy có nghề buôn bán dầu thắp đèn. Nếu đi từ Đặng-lộc đến đường ngã ba Phù-tôn lại chuyển sang phía tây đi qua Cầu-ngói ở xã Thổ-ngõa, cầu Ngô ở xã Liên-ái, từ đó đi sang phía tây bắc thời đến xã An-trạch là dinh Trạm, nơi trấn cũ của Quảng-bình. Nếu từ cầu Ngô đi sang phía đông nam qua 5, 6 lần núi thấp, qua cầu đến đồn Bến-dầu xã Thổ-ngõa lại vượt chừng 15, 16 lần núi ngang, rừng rậm, đến Quán-mít, rồi lại vuợt 6, 7 lần núi thấp đến đồn Lai-cách (ở đây trước có kho tàng). Từ xã Lai-cách đi ra vượt 3, 4 cái núi thấp, qua động Cối-trà ra đường cái quan cũng đến đuợc Hồ-xá. Truớc kia họ Nguyễn đặt dinh Bố-chính, dinh Quảng-bình, mỗi dinh đều có quan Ký-lục trông nom xá-sai để xét hỏi việc kiện cáo, vì rằng ở đây cách xa Phú-xuân, nhân dân đi đến chính doanh không tiện.
Đường vào Thuận-hóa chỉ có con đường từ Phù-tôn, huyện Lệ-thủy đến Lệ-xá huyện Minh-linh, dọc đường đến Quán-cát, Quán-liên, Quán-bụt và Quán Hà-kỳ, có dân cư ở hai bên, khách đi đường và ăn cơm và nằm trọ ở đây, còn từ các quán trọ ấy cho đến cửa Ải-vân thì không có cái quán trọ nào nữa. Ô-châu cận lục có nói : "đuờng đi dài nghìn dặm tuyệt không có một cái quán nào." thực là đúng sự thực.
Dinh-Trạm bằng phẳng và rộng, tựa vào núi và hướng ra sông, hình thế cũng đẹp, đi đường thủy xuống Động-hải thì gần, đường bộ cùng với đường cái quan hơi xa, nhưng từ Dinh-Trạm ra Lai-cách, từ Lai-cách ra Hồ-xá, sang sông nhỏ đi qua xã Thủy-ba, qua sông Điện-bà đi qua các xã Dục-điền, Mai-xá và Trúc-lâm cho đến xã Kim-đầu, thời trước kia có đường cái quan rộng hon hai trượng, bằng phẳng nhu đá mài, con đường này nhiều người không đi, họ vẫn muốn sang qua sông Minh-lương để lên Chợ-cầu rồi đến xã Kim-dâu.
Từ An-trạch theo dọc sông xuống xả Tâm-duyệt đến cầu sông Quy-bậu, bên tả có cái thành cổ, tức "Ô-châu cận lục" gọi là thành Ninh-viễn ở vào địa phận xã Mẫn-áo có sông Bình-giang chảy ở mặt trước, sông Ngô-giang ở phia sau, Ngô-giang tức là con sông Quy-bậu là đường thủy vận từ Động-hải đến Đò-dâu. Xã Tâm-duyệt có chùa Kính-thiên, xả An-bình có Văn-miếu. Người ta truyền lại rằng khi Thánh-tôn đánh Chiêm-thành, lúc về làm chùa và Văn miếu ấy, trong có trạm các ngôi tượng.
Từ sông cái Lệ-thủy, thuyền vận tải vào Ngô-giang thẳng đến Bến-dâu xã Thổ-ngõa, truớc có kho thóc, nay làm đồn sở chứa lương thực. Từ Bến-dâu đến Lai-cách đều trùng điệp núi dài, rừng cây rậm rạp, trước có đường đi xe, lốt bánh xe lên xuống dốc núi còn rõ. Họ Nguyễn đặt đội xa nhất, xa nhị, mỗi đội 50 người, lấy số dân tình nguyện của các xã xung điền vào, có 4 người đội trưởng, cấp cho xe cộ, trâu 75 con, dùng vào việc vận chuyển, rất là mau lẹ. Thường thường bắt dân đi từ Bến-dâu, lấy đội xa nhị cho trâu kéo. Mỗi một xe thì hai con trâu kéo, mỗi một người thì đốc xuất 7 cái xe, mỗi cái xe chở gạo 1200 bát. Xe đi ngang mười lăm cái đồi ngang, đến quán Mít nghỉ một lúc, lại đi qua 6, 7 lần đồi phẳng, giờ thân đến đồn Lại-cách. Chiều hôm ấy xe trâu cũng đến nơi.
Từ ngã ba sông Minh-lương, sang sông qua các xã Bình-xá, Cao-xá và Lễ-môn, rồi vượt qua đồi núi đất, qua các xã Hương-đinh, phuờng Lịch-tân, tục gọi là Chợ-cầu, bên hữu núi ấy có con đường đi đến tổng Bái-giới, chừng một trống canh rưỡi. Tổng ấy có 25 phường, núi, rừng, vườn, ruộng chất đất tốt, lúa má tốt hơn cả vùng ấy. Lại sản ra hồ tiêu, cây có dầu, giầu không, cau tươi. Từ tổng Bái-giới xuống đến Lễ-môn và mấy xã dưới, có đất gò dài như bức thành. Nhân dân ở dài la liệt. Đất gò ấy sắc đỏ, giồng cây rất tốt. Từ cầu xã Hà-thượng trở ra, đồng điền thuần là cát trắng. Có chỗ tên là Bãi-Cao-cao. Đi ước chừng một trống canh rưỡi, rộng vài trăm mẫu, cây cỏ không mọc được. Từ nơi ấy đi vào Kim-đâu, Phố-lai cho đến Dinh-cát, nhưng từ Dinh-cát đi ra, không đi theo đường ấy. Từ Kim-đâu đi sang bên tả qua phường Trúc-kính,Trúc-lâm, Quán-trò, chợ Mai-xá, chợ An-định, đi vòng ra đang sau tổng Bái-giới, qua xã Kinh-môn, xã Hoàng-xá-thượng, sang đò Diện-hà, qua xã Thủy-ba để đến Hồ-xá thì lối ấy thẳng mà gần, đó là con đường chính ra Dinh-trạm. Nhưng xã Thủy-ba về mùa thu lụt lội bùn lầy khó đi. Lại có một lối đường từ Kinh-môn, đi theo dọc bờ sông đến xã Bình-xá qua sông Minh-lương. Chính nơi ấy là nối ba nguồn sông Diện-hà họp lại. Hai chi từ Nguồn-hai, Nguồn-một chảy xuống phía bắc sông Diện-hà , một chi từ Nguồn-sâm chảy xuống. Ba chi ấy chảy xuống đến sông Minh-lương mới hợp lại một, rồi lại chia thành hai chi, một chi bên hữu chảy vào Kênh-ba-lòng, xã Thời-hòa, rồi chảy qua Tam-giang đến Phú-xuân, một chi chính chảy xuống cửa bể Tùng-luật.
Từ sách Làng-Ô thuộc thượng lưu nguồn Ô đến sở tuần Ô-giang phải đi một ngày đường, từ sở tuần Ô-giang đến xã Từ-hòa đi một ngày đường, từ Từ-hòa đến dinh Trạm đi một ngày đường.
Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh. Năm Bính Thân, tháng ba, tôi mới đến trấn này, nghe tin Đốc-linh Dinh-vũ-hầu tiễu giặc là ngụy Miên-đức-hầu Chu-mỹ ở mạn núi, huyện Hải-lăng. Vì Cam-lộ là đường núi vào Ai-lao, tôi lo rằng giặc chạy trốn, muốn đem quan binh cơ thứ hai làm thanh thế ứng tiếp để chặn lối bên tả, liền từ phía tây nam Chợ-sòng đi qua các xã An-xuân, An-bình, Phú-ngạn, Cam-đường, Lâm-lang, Đinh-tô-hạ, Khang-mỹ, qua sông đến Cam-lộ nghỉ ngơi một chút, đường bằng phẳng, dân ở đông. Lại từ Cam-lộ theo dọc sông mà đi xuống, qua các xã Thượng-đô, Nham-giang, Thuận-đức, Thiết-trượng, đường đi hiểm nghèo, bên hữu đường đều là núi to, rừng rậm, vượt núi, lội khe, đi nửa ngày đến xã Hà-đông, lúc ấy mới thấy đồng điền bằng phẳng, dân ở đông đúc. Trong khi ở dọc đuờng, xem hình thế núi sông, vỗ về nhân dân sở tại, rồi lại qua xã Điếu-ngao đến dinh Cau.
Chu-Mỹ nghe tin quan quân hai đạo chặn đánh cả hai mặt, giặc không dám chạy vào núi liền trốn xuống quán Nhà-na, bị quan đầu là Bích-vu-hầu bắt được.
Xã Cam-lộ huyện Đăng-xương ở về thuợng lưu sông Điếu-ngao, mạn dưới thông với cửa bể Việt-hải, ở mạn trên thì tiếp giáp các sách Sài-nguyên nước Ai-lao. Dân Mán đều đi ra lối ấy, ra đến Lạc-hòn, Vạn-tượng, đến phủ Trấn-ninh và châu Quy-hợp đều có đường đi thông ra Cam-lộ. Nơi ấy rất là xung yếu. Từ Cam-lộ đi vào, đi một ngày đến phường An-khang, có sở tuần gọi là Ba-giăng, cũng gọi là đồn Hiếu-giang. Theo lệ, các người đi buôn phải đến đồn lĩnh giấy để lên miền núi mua trâu bò, thóc gạo và các hàng hóa khác. Mỗi năm nộp 110 quan tiền thuế. Từ đồn ấy đi hai ngày rưỡi đường đến bờ sông cái là nơi phân địa giới với Ai-lao. Họ Nguyễn có đặt đồn đóng sáu cái binh thuyền ở nơi ấy, binh lính đều là lính mộ, gọi là dinh Ai-lao. Bên hữu sông Cam-lộ có điếm tuần. Cây lúa cũng theo như thể lệ ở đồn Hiếu-giang, mỗi năm thuế rất ít. Từ nơi ấy thông sang Mành-vang nước Vạn-tượng. Về bên tả đồn Hiếu-giang có tuần Ngưu-cước, cũng theo như thể lệ đồn Hiếu-giang, mỗi năm nộp thuế 120 quan tiền, các động các sách bên tả bên hữu ở Hiếu-giang trở lên, man dân ở đó cày cấy và chăn nuôi rất nhiều. Từ xã Cam-lộ lên sở tuần Hiếu-giang đi một ngày, từ Hiếu-giang lên đầu nguồn Thác-ma đi một ngày, từ Cam lộ xuống Ngã-ba-bến một ngày, từ bến xuống cửa Việt-hải nửa ngày, đường thủy đường bộ đến Cam-lộ, hai đường cùng ngang nhau.
Trong miền đầu nguồn, sông Thạch-hãn ở huyện Hải-lăng, đi qua phường Tân-an, đến ngã ba quán đi một ngày. Ngưu-cước đến phường Khê-thấu một ngày, từ Khê-thấu đến tuần Viên-kiều nửa ngày, Viên-kiều đến Ngã-ba-bến một ngày. Từ phường Mai-hoa theo dọc đầu nguồn con sông nhỏ đi sang bên tả để lên các sách Tôi-ôi là nơi số dân không vào sổ đinh, lại đi sang bên hữu đến miền mọi Ba-hy, lại sang bên tả mà đi lên lại đến các thôn lạc người mọi. Ở nơi ấy có đường vào Gia-định, Đồng-nai một lát là đến ngay chỉ trong 6 này, núi sông hiểm trở, đi lại rất khó khăn.
Dinh-cát ở đầu núi xã Phúc-toàn, do Thiều-quận-công khi trước mới lập ra. Trấn doanh cũ của họ Nguyễn ở phía tây sông Ái-tử, từ Tân-doanh ra đường cái qua cầu Ái-kiều đi sang bên tả một lát là đến ngay, quân phòng hãy còn, đó tức là nơi trấn doanh khi Đoan-quốc-công Nguyễn-Hoàng mới vào trấn ấy vậy. Phía đông sông là hai xã Đâu-kinh, Hoa-lư. Xét Minh sử Trương-Phụ đánh đuổi vua Trùng-quang nhà Trần ở sông Ái-tử, tức là sông này vậy.
Năm Ất Mùi, Quốc-lão Việp-công vào Quảng-nam, giao cho Kiêm-đốc-xuất Đoàn-quận-công đốc việc vận lương ở Thuận-hóa, Đoàn-quận-công ủy thác cho nguời Thuận-hóa tin là Cai Lưu, Cai Mỹ giữ việc đào ngòi hai xứ Quan-tháp và Ông-đốc để thông với đuờng vận tải sông Minh-linh, hai tên ấy bắt các xã, thôn ở hai huyện Đặng-xương và Hải-lăng, trên từ nguyên đầu xuống đến cửa bể, mỗi xã phải nộp tiền khoán 25 quan, rồi tự cho nguời nhà đào, bùn cát ứ lên, vẫn úng tắc, nước không lưu thông được, luôn luôn bắt dân khơi lại, dân rất khổ sở. Năm Bính thân, tháng ba, quan đồn Cát-lũy là Trần-kính-hầu mới sai tên Phó họp dân hai huyện đó lại, dân xin khai riêng một cái kênh mới dài 79 trượng ví với kênh cũ bớt được hơn 200 trượng. Đoàn-quận-công cho phép giao cho quan đồn trông nom việc khai kênh ấy, sức cho các người trưởng hai tổng bắt dân phu khởi công, các nguời trưởng hai tổng chia cho các phường ở nguyên đầu phải nộp tiền khoán mỗi phường là 30 quan, thấy có một phường đến thưa kiện, liền cho phiếu đòi người trưởng tổng đến đánh đòn và bắt phải hoàn tiền lại cho dân.
Năm Giáp Ngọ, đời Cảnh-hưng, quân nhà vua bình được xứ Thuận-hóa và lược định xứ Quảng-nam, khi quân đến Châu-Ô, huyện Bình-sơn, Phác-trung-hầu Đinh-văn-Phục đốc vận đường hải đạo, có lược khai hành trình nhu sau :
Hải đạo từ xứ Sơn-nam cửa bể Đại-an, (cửa bể ấy nhớn mà nông, có nhiều bải cát nổi) đến cửa Thần-phù mất một trống canh rưỡi (cửa bể này nông và hẹp, trong có bãi cát phẳng, chứa được nghìn người, tục gọi là "đao viên") đến Bạch câu hai trống canh, (cửa này có nhiều bãi cát ở dưới nước) đến Linh-trường một trống canh (cửa này xâu mà hẹp, có 4 vị đền thánh-nương) cộng một ngày đường, tạm đóng quân nghỉ lại. Từ cửa Linh-trường đến cửa Thu-vi nửa trống canh, tục gọi là Cửa-chào (cửa này vừa xâu vừa hẹp lại vòng quanh, ra thì khó, vào thì dễ tục gọi là "Cửa dễ vào khó ra") đến cửa Hiếu-hiền hai trống canh, (cửa này nhiều cát ra vào khó) đến Du-xuyên hai trống canh, tục gọi là cửa Bạng (cửa này nông và hẹp, tả ngạn có đá, hữu ngạn có bãi cát) đến tuần Biện-sơn nửa trống canh (nơi này có một ngọn núi, trên có đặt đồn, thuyền đi lại ghé đậu vào đó) cộng một ngày đường tạm nghỉ lại. Từ nơi ấy đến cửa Kiền-môn (bờ bên hữu có núi, bờ bên tả có bãi cát phẳng, trên có 4 vị thánh-nàng),đến Hoan-hậu nửa trống canh, tục gọi là Cửa-quyền, (cửa này xâu mà hẹp) qua Thanh-viên nửa trống canh, tục gọi là Cửa Thai, qua cửa Vận-phần một trống canh, qua cửa Hiền-môn nửa trống canh, (cửa này rất hẹp rất nông, hai bên đều là núi, thuyền to không vào được) đến Châu-la nửa trống canh tục gọi là Cửa-lò, lại gọi là Cửa-thôi, đến cửa Hội-môn một trống canh (ngoài cửa có núi song-ngư, nơi này có nhiều sông to) cộng một ngày đường tạm nghỉ lại.Từ cửa Hội-môn đến cửa Bình-tân mất năm trống canh rưỡi, tục gọi là Cửa-xuất (cửa này nước xâu, bên tả ngạn có nhiều núi, trên có đền thờ Trưng-vương, (dưới nước có đá ngầm, hình như con hươu, thuyền đi nên lánh nơi ấy) cộng một ngày đường, tạm nghỉ lại.Từ đấy đến cửa Nhượng-bạn đi ba trống canh, đến cửa Hải-khẩu hai trống canh (trên có đền thờ thần nữ vua Lê-thánh-Tông) cộng một ngày đường tạm nghỉ lại. Từ đấy đến cửa Canh-đường đi ba trống canh, tục gọi là cửa Chồn, đến Cửa Chành phải một trống canh rưởi, cộng một ngày đường tạm nghỉ lại. Từ cửa Gianh đến cửa Lý-hòa một trống canh, đến cửa Nhật-lệ ba trống canh, tục gọi là cửa Thày, cộng một ngày đường nghỉ lại. Từ cửa ấy đến cửa Minh-linh suốt một ngày đêm, cộng hai ngày đường nghỉ lại. Từ cửa ấy đến cửa Việt, lại từ cửa Việt đến cửa Bạt-thác bốn trống canh, tục gọi là cửa Eo, lại gọi là cửa Thái-dương, cộng một ngày đường nghỉ lại. Từ cửa ấy đến cửa Tu-dung ba trống canh, tục gọi là cửa Bồ-u, lại hai trống canh nữa đến cửa Đà-nẵng tục gọi là cửa Hàn, cộng một ngày đường nghỉ lại. Từ cửa ấy đến cửa Đại-Chiêm ba trống canh (cửa này nhiều sóng gió to) cộng một ngày đường nghỉ lại. Từ cửa ấy đến cửa Bàn-than năm trống canh (cửa này nhiều núi, sóng dữ) cộng một ngày đường nghỉ lại. Từ cửa ấy đến cửa Châu-ô năm trống canh (cửa này nhiều đá phục ở dưới nước) cộng một ngày đường nghỉ lại. Còn nhiều gió ngược xuôi, hành trình sớm muộn tùy nơi tìm chỗ nghỉ, không có nhất định, đây chỉ chép đại lược như thế.
Làng Phố-quận huyện Hương-trà nguyên trước là xã Thủy-lôi, Nguyễn-phúc-Thái (Hoàng-quốc-công) mới lập dinh thự ở đấy. Khoảng đất bằng phẳng như bàn tay, diện tích hon 10 dặm. Chính doanh ở trong miếng đất cao, bốn bên đều thấp, ngồi ở phương kiền, hướng mặt về phương tốn, như là tựa vào xương sống một con rồng và trông ra sông cái.Từ năm Đinh Mão niên hiệu Chánh-hóa thứ 8, mới khoảng 90 năm, thế mà phía trên đã có điện Kim-long, ở phía giữa có Phú-trạch và ở phía duới có các hành lang Phú-ao. Đến đời Nguyễn-phúc-Chu tự xưng vương hiệu, đổi tên để ở các cung điện ấy. Hiện có Kim-hoa, Quảng-hoa 2 điện và cung Tựu-lạc, Chính-quan Trung-học, Di-nhiên, đai Suớng-xuân các Giao-trì, các Triền-dương, các Quang-thiền, đỉnh Thụy-vân, hiên Đồng-lạc, am Nội-viên, đinh Giáng-hương cùng công đường, trường học, trường đúc súng. Về mạn thượng lưu bờ bên nam có phủ Dương-xuân và Phủ-cam, về phía trên có phủ Tập-tượng, lại có điện Trường-lạc và nhà Duyệt-vũ. Tất cả các lâu đài cao nguy nga và rực rỡ, chạm khắc rất khéo, tường và nền nhà đều lát đá, cột và liệt bàn làm bằng gỗ kiền kiền. Ống máng đều tráng thiếc để hấng giọt nước. Các dinh thự đều giồng cây to như cây sung cây mít to vừa hai nguời ôm. Vườn sau làm núi giả, đào hồ vuông, ao cánh cung, cầu treo, nhà thủy tạ. Tường xây hai lần trên xây hình long, lân, quy, phượng.
Về phía thượng lưu và hạ lưu nơi chính doanh đều có đặt quân phòng. Trại thủy quân thì ở bờ sông đối diện xưởng thuyền, kho thóc ở về các xã Hà-khê, Thọ-khang. Còn các nhà cửa của quý tộc thì ở la liệt hai bên bờ sông về thượng lưu sông Phú-xuân và hai bên con sông nhỏ ở Phủ-cam. Ở mặt truớc chính doanh về mạn thượng lưu và hạ lưu, phố phường liền lạc, đường cái đi ở giữa, hai bên nhà ngói san sát, cây cối um tùm, thuyền buôn thuyền chở khách đi lại như thoi đưa mắc cửi. Dựu-Tính đời Chu (nam, bắc triều) đề bài minh ở núi có câu : "Lá xanh ruờm rà trước cửa Xuân, ánh xuống sông ngòi sáng loáng, hòe biếc che rợp bóng chợ thu, nhìn ra thuyền buồm chật sông." Câu ấy thực là đúng với cảnh sắc ở Phú-xuân vậy. Ẩn si Ngô-hoàn-Phúc đi qua chùa Tây-thiên vào năm Ất-vị có bài thơ tứ tuyệt đại ý nói rằng : "Lầu son gác tía này đã nửa phần hoang tàn, ngôi chùa vẫn còn y nguyên đuợc bóng nắng buổi chiều chiếu rọi. Đáng buồn thay cơ nghiệp hơn hai trăm năm không dài bằng một giấc chiêm bao của người sư tăng ở trong núi."
Trấn Thuận-hóa có chùa Thuận-an, chùa Kim-long, chùa Thiên-mụ, chùa Quang-xuân, các chùa ấy đều là chùa công và có tiếng là danh lam, đều có đặt tăng lục, lại có ty Tăng-lục, ty Nội-pháp, ty Huyền-pháp, ty Đạo-lục, Ty Tứ-quý, ty Lương-y và ty Trung-tượng-y-ty.
Thành Phú-xuân ở Thuận-hóa có bốn cái đầm nước to và có bốn cửa bể, mặt trước là cái đầm Hà-trung chảy ra cửa Tu-dung (tục gọi là cửa Mù-u), đầm Phượng chảy ra cửa Ái-hải, đằng sau về phía tả thì có đầm Tam-giang chảy ra cửa Yêu-hải (tục gọi là Cửa Eo). Dinh Phú-xuân có 5 lần "hồ thủy" bao bọc mặt truớc : một là Tả-trạch-nguyên chảy xuống sông Phú-xuân, hai là sông An-nông, ba là Hưng-bình-nguyên chảy vào đầm Hà-trung, năm là nước nguồn ở đèo Mệt-mỏi chảy xuống bến Canh-dương. Có ba lần bãi "long sa" chặn bên tả : một là phố Thanh-hà ở về bên tả cầu Lạc-nô, hai là các xã Hồng-phúc, Thuận-hóa ở về bên tả thượng lưu sông Ngã-ba-Sênh, ba là các xã Bình-Thanh, Thái-dương thẳng đến Cửa Eo ở bên tả về hạ lưu đầm Tam-giang.
Huyện Phú-vinh trên là núi, ở giữa là hồ, ở dưới là bể. Cái hồ to Hà-trung rộng mông mênh, không thể biết rõ là bao nhiêu mẫu. Nhân dân các xã ở vòng quanh bốn bên hồ ấy. Xã Diêm-trường ở giữa hồ. Một bến có cái cầu thông ra bờ sông Nghi dài 110 gian. Bên bờ hồ những nơi lóm vào có những cái đầm lầy như là đầm Minh-lương, đầm Ô-tra và cửa Đá-đả. Số tiền thuế hàng năm phải nộp đến hàng nghìn quan tiền.
Ngày trước Lương-lục-Vân viết thư trả lời Xa-mậu-An (Bắc sử Chu-vũ-đế) nói về thổ nghi ở Mậu-huyện rằng : "Huyện cách bể lớn mông mênh không bờ bến, chèo thuyền mà đi, đi một chuyến hàng nghìn dặm, phía bắc tiếp giáp châu Thanh, châu Từ,phía đông ăn thông với châu Giao, châu Quảng. Hải vật rất nhiều không thể biết hết tên, nhân dân sung suớng có sông để lấy nước, đốt cỏ để làm ruộng cày đã có gio bón, bừa đã có nước ngấm không phải dùng nhiều đến sức người, khơi thông theo ý muốn, cao thấp tùy lòng mình, nâng cái cuốc lên như hình đám mây đọng lại, hạ cái cuốc xuống như hình có mưa tuôn đến, hòn đất ngấm nhuần mùa màng thuận lợi. Kho công thương chứa đầy thóc, dân gian không lo thiếu ăn, ăn mặc phong lưu, cót vựa đầy ních. Ngoài cái lợi canh nông còn kiếm được cái lợi ở sông bể theo nước thủy triều lên xuống bắt tôm kiếm cá : cá chiên, cá vi, cá đỏ đuôi, cá răng cưa, cá mắt liền không sao kể siết, cá lưu, cá phụ dùng làm gỏi, cá hầu, cá chế (sardine) nướng ăn ngon, ,cá thạch thủ chưng thơm, cá thu nhu hầm rừ thật là hải vị quý báu ở bể là thứ món ăn rất ngon vậy". Nay đem địa lợi ở Mậu huyện mà so sánh với địa lợi huyện Phú-vinh thì cũng chẳng kém gì vậy.