18/06/2018, 11:38

Quyển I: Sự tích 2 xứ Thuận, Quảng khi bắt đầu khai thiết và khi khôi phục

Về thời nội thuộc nhà Hán, Hán Vũ-đế chia đất Nam-Việt làm 9 quận, 6 quận thuộc vào Quảng-đông, Quảng-tây, nước ta chỉ được 3 quận, chia ra như thế dường như không đều. Nhưng lấy số gia đinh (hộ) và số người (khẩu) đã ghi ở Hán chí mà so sánh, về phần nuớc ta có 3 quận Giao-chỉ, Cửu-chân, ...

  Về thời nội thuộc nhà Hán, Hán Vũ-đế chia đất Nam-Việt làm 9 quận, 6 quận thuộc vào Quảng-đông, Quảng-tây, nước ta chỉ được 3 quận, chia ra như thế dường như không đều. Nhưng lấy số gia đinh (hộ) và số người (khẩu) đã ghi ở Hán chí mà so sánh, về phần nuớc ta có 3 quận Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam gồm hơn 20 huyện khi ấy có 143.743 gia đình và 981.828 người. Thế mà tỉnh Quảng-đông về thời Hán là 3 quận Nam-hải, Thương-ngô, Hợp-phố. Trừ 2 quận Châu-nhai, Đạm-nhĩ ở ngoài bể nay là các châu Quỳnh-nhai ngay thời Hán đã không kể đến. Ban-chí chỉ nói đến 3 quận ở trong chỉ có 59.380 gia đinh và 318.511 nguời. Còn tỉnh Quảng-tây về thời Hán là một quận Quất-lâm chỉ có 12.315 gia đinh và 71.161 nguời. Thông tính hai tỉnh Quảng-đông và Quảng-tây về thời Hán chỉ có 71.805 gia đinh và 389.673 nguời, như thế là chỉ bằng nửa số gia đinh và 2/3 dân số của nuớc ta vào thời buổi ấy. Huống chi truớc khi Ngô-tôn-Quyền chưa chia Giao và Quảng làm 2 châu, ở thời luỡng Hán (tây Hán và đông Hán) thì chức Thứ-sử Giao-chỉ gồm coi cả hai tỉnh Quảng-đông và Quảng-tây mà lỵ sở thì đóng ở huyện Long-biên, có lẽ lấy cớ vì đô thành nuớc ta là nơi chính giữa, bốn phương đều tụ họp vào đấy.

   Huyện nhà Hán rất to, như 2 xứ Thuận-hóa, Quảng-nam của nước ta tức là Chiêm-thành về thời Tống, nước Lâm-ấp về thời Tấn, thời Đường, mà ở thời Hán là đất một huyện ở Tượng châu mà thôi.

   Xét địa-lý-chí nhà Đường, chức Tỉnh-hải quận Tiết-độ-sứ ở đạo An-nam coi 12 châu là: Giao, Lục, Phong, Ái, Hoan, Trường, Phúc, Lộc, Chi, Vu, Diễn và An. Khi ấy Chiêm-thành gọi là Lâm-ấp, sau đổi là Hoàn-vương-quốc, không biết nơi chia địa giới ở đâu, nhưng trong Địa-lý-chí ấy lại thấy chép Giáp-châu có quận Hoành-sơn huyện, có lẽ là đất Thuận-hóa ngày nay chăng ?

   Lý-thánh-Tôn niên hiệu Thiên-huống-bảo-tuợng năm thứ hai, vua thân đi đánh Chiêm-thành, bắt được chúa Chiêm-thành là Chế-củ đem về, Chế-củ xin nộp 3 châu Địa-lý, Ma-lệnh và Bố-chính để chuộc tội. Vua Thánh-tôn chuẩn y, liền tha cho Chế-củ về nước. Nhân-tôn niên hiệu Thái-ninh năm thứ tư sai Lý-thuờng-Kiệt đi tuần hành ngoài biên, Kiệt vẽ địa đồ hình thể núi sông 3 châu ấy tiến lên và xin đổi Địa-lý làm châu Lâm-bình, Ma-lệnh làm châu Minh-linh, rời dân đến ở các nơi ấy. Từ khi ấy Hà-hoa trở sang phía nam một giải Hoành-sơn mới thuộc về bản đồ nuớc Việt ta. Niên hiệu  Long-phù năm thứ ba, vua Chiêm-thành Chế-ma-na đem binh vào cuớp lại ba châu, năm thứ tư sai Lý-thường-Kiệt nộp lại 3 châu ấy và theo lệ triều cống như cũ.  

   Thần-tôn niên hiệu Thiên-thuận năm thứ 5, người nước Chiêm-thành dùng thuyền trốn về, đến trại Nhật-lệ bị người ở trại ấy bắt đem giải nộp vào Kinh-đô. Chiêm-thành liền cùng với Chân-lạp hùa nhau đem binh vào đánh cướp Nghệ-an (Chân-lạp tức là nuớc Cao-miên ngày nay).

   Đến đời nhà Trần, Anh-tôn niên hiệu Hưng-long năm thứ 14, vua Chiêm-thành Chế-mân khiến sứ mang tờ biểu xin cầu hôn. Anh-tôn ban chiếu thư đem Huyền-trân công-chúa gả cho Chế-mân. Chế-mân dâng hai châu Ô, Lý làm lễ xin cưới. Năm thứ 15, vì thôn La-thủy, thôn Tác-hồng, thôn Đa-bồng, mọi người trong các thôn ấy đều không phục tình. Bèn sai quan Hành-khiển là Đoàn-nhữ-Hài sang Chiêm-thành tuyên dương đức ý, đổi Ô, Lý làm Thuận, Hóa hai châu, kén chọn nguời Chiêm-thành cho làm quan, lại cấp ruộng đất và tha 3 năm tô thuế. Năm thứ 20, vua thân đi đánh Chiêm-thành, đến Lâm-bình chia quân làm 3 đạo: một đạo đi đường núi, một đạo đi đường bể, một đạo đi đường bộ, đều đến trại Chiêm-thành, dụ dỗ chúa Chiêm-thành là Chế-chí ra hàng, phong em Chế-chí làm tước hầu. Năm thứ 21, Chiêm-thành bị nguời Xiêm-la lấn cướp, khiến Đỗ-thiên-Thứ làm Kinh-lược-sứ ở Nghệ-an và Lâm-bình.

   Dụ-tôn niên hiệu Đại-trị thứ 13, cất quân đánh Chiêm-thành, quân bộ đến Cổ-lũy, quân thủy không tiến được, bèn kéo về. Chiêm-thành liền cướp Hóa-châu, khiến Trương-hán-Siêu đem thần-sách-quân để trấn ngiữ.

   Đại-trị năm thứ 4, cho Phạm-a-song làm tri-phủ Lâm-bình (Châu Lâm-bình đặt làm phủ không biết bắt đầu từ bao giờ). Lại giao cho Đỗ-tử-Bình cai quản quận Lâm-bình, Thuận-hóa và làm cho xong thành Hóa-châu. Năm thứ 9, nguời Chiêm-thành đánh đất Lâm-bình, A-song đánh tan được, được thăng làm Đại-tri-phủ Hành-quân-Thủ-ngự-sứ. Năm thứ 10, sai Trần-thể-Hảng đánh Chiêm-thành, đến Chiêm-động bị thua chết ở mặt trận.

   Nghệ-tôn Thiệu-khánh năm thứ 2, nguời Chiêm-thành vào ăn cướp, thuyền giặc vào cửa bể Đại-an, kéo thẳng tới Kinh-kỳ, đốt phá, cướp bóc rồi kéo về. Vì thường cho người Chiêm-thành theo đường bể vào triều cống, chúng đã biết rõ đường lối xa, gần.

   Duệ-tôn Long-khánh năm thứ 3, đổi Lâm-bình làm phủ Tân-bình, bắt nguời Thanh-hóa, Nghệ-an, Tân-bình chữa sửa đường từ Cửu-chân đến Hà-hoa, vì sắp đánh Chiêm-thành. Lại sai Lê-quý-Ly đốc thúc việc vận lương thực ở Nghệ-an, Tân-bình và Thuận-hóa. Khi ấy, 2 lộ Tân-bình, Thuận-hóa cùng 3 lộ Thanh-hóa, Nghệ-an, Diễn-châu đều là trấn quan trọng. Năm thứ 4, Chiêm-thành đến ăn cuớp Hóa-châu.

   Phế-đế Xương-phù năm thứ 2, nguời Chiêm-thành đến cướp Nghệ-an, kéo đến sông Đại-hoàng, phạm vào Kinh-sư, cướp bóc rồi kéo về. Năm thứ 4 Chiêm-thành lại đến cướp Nghệ-an cùng Thanh-hóa, quân của Lê-quý-Ly bị thua. Năm thứ 6, Chiêm-thành lại đến ăn cướp Thanh-hóa, thuộc tướng của Lê-quý-Ly là Nguyễn-đa-Phương đánh đuổi quân Chiêm-thành đến Nghệ-an, nguời Chiêm-thành lại do đường bể kéo vào Kinh-sư, Chúa Chiêm-thành Chế-bồng-Nga, đem quân theo đường núi, do trấn Quảng-oai đến sách Khổng-mục huyện Mỹ-lương, thủy quân do cửa bể vào sông Đại-hoàng, thanh thế rất hăng, nhân dân ở Tân-bình, Thuận-hóa phần nhiều làm phản, Kinh-sư náo động, sai Đại-tuớng Lê-mật-Ôn chống đánh, bị giặc bắt sống.

   Thuận-tôn Quang-thái năm thứ 2, Chiêm-thành lại vào ăn cuớp, sai Lê-quý-Ly chống cự, Tướng-quân Nguyễn-Chi bị giặc bắt, Quý-Ly trốn về. Tháng 11, khiến Thượng-tướng Trần-khát-Chân đem quân Long-tiệp đi đánh. Năm thứ 3, tháng giêng, đánh tan quân Chiêm-thành ở sông Hải-chào, Chế -bồng-Nga thua bị chết tại trận, quân giặc tan vỡ, những quân sống sót tranh nhau chạy về nước, thổ hào 2 lộ Phan-mãnh, Phan-căng đều đem quân về hàng. Phan-mãnh đón đánh quân Chiêm-thành có công được cử trông coi Thánh-dực-quân ở 2 lộ.

   Thuận-tôn Quang-thái năm thứ 4, Lê-quý-Ly được lệnh đem quân đi tuần hành Hóa-châu, duyệt quân đội sửa thành trì. Khi ấy bắt được tướng Chiêm-thành là Bống-đông người có tài trí được dùng làm tướng. Đến thời nhà Hồ, quân Minh kéo sang đánh, nhà Hồ sai Bố-đông đắp thành Đa-bang để cố giữ giới hạn phía tây sông Nhị-hà. Bố-đông xin chọn quân tinh nhuệ đem lên biên giới đón chặn quân giặc không nên cho quân giặc tràn vào đồng bằng, nhưng chước ấy không nghe theo. Kịp đến lúc tướng nhà Minh là Trương-phụ kéo quân thẳng đến Bạch-hạc cùng với Môc-thạnh hợp binh lại  đánh về thành Đa-bang, thuận giòng mà tràn xuống, họ Hồ không thể chống lại đuợc nữa, mới hối không dùng nhời khuyên của Bố-đông.

   Lê-quý-Ly cướp ngôi nhà Trần đặt quốc hiệu là Hồ, đổi Tân-bình làm trấn Tây-bình. Hán-thương Thiệu-thành năm thứ 2 sửa chữa đạo lộ từ thành Tây-đô đến Hóa-châu, dọc đường đặt nhà trạm truyền đệ thư tín, gọi là đường thiên lý. Kéo đại quân sang đánh Chiêm-thành, vua Chiêm-thành phải dâng đất Chiêm-động, đất Cổ-lũy. Quý-ly liền chia hai đất ấy làm Thăng, Hoa, Tu, Nghĩa 4 châu, đặt chức An-phủ-sứ để cai trị, lại lấy những nơi ở đầu nguồn đặt làm trấn Tân-minh. Đem những dân không có ruộng mà có của cho di cư vào Thăng-hoa, liệt vào quân đội trừ bị, chiêu mộ dân nộp trâu thì được ban cho phẩm tước, để lấy trâu cấp cho dân di cư. Hai-đại năm đầu lại đánh Chiêm-thành, dự định chia Tu-nghĩa trở sang phía nam đến giáp giới Xiêm-la các đất Bần-đạt-lang, Hắc-bạch và Sa-ly-nha làm châu, huyện. Vây thành Đồ-bàn không đánh được, kéo quân về. Từ khi ấy phủ Thăng-hoa thuộc về bản đồ nước ta cùng với Tân-bình, Thuận-hóa là 3 phủ, đều đóng quân để giữ nguời Chiêm-thành. Năm thứ 2 Hán-thương hạ lệnh đào Liên-cảng, từ Tân-bình đến Thuận-hóa, bùn cát phun lên, không đào xong rồi bỏ. Cửa-Eo ở Hóa-châu vỡ nước, đem quân Kinh-sứ lấp lại.  Năm thứ 4, sắp có quân nhà Minh sang đánh, Hán-thương đem An-phủ-sứ ở Nghĩa-châu là Lê-quang-Tổ giữ chức An-phủ-sứ ở Thăng-hoa, vời Tuyên-phủ-sứ Nguyễn-tường-Quang về, dùng Hoàng-hối-Khanh nguyên là Hành-khiển lĩnh chức Thái-thú Thăng-hoa và làm Tiết-chế trấn Tân-minh. Năm ấy quân Minh đánh vỡ Đông-đô, năm sau hai họ Hồ bị bắt. Khi  Hoàng-hối-Khanh đến quận Thăng-hoa, hết lòng tin cậy ở thổ-quan Đai-tri-châu Đặng-Tất và Phạm-thế-Căng.

  Sau khi họ Hồ đã thua, người Chiêm-thành đem binh muốn thu lại đất cũ, giết Cổ-lũy Thượng-hầu Chế-ma-nô, Hối-Khanh chạy về Hóa-châu, thổ-quan Nguyễn-Lễ cùng với Đặng-Tất cùng về, Lễ đem dân di cư đi hơi chậm, Tất đi đường thủy đến trước, Trấn-phủ-sứ ở lộ Thuận-hóa là Nguyễn-Phong chống lại, Tất hết sức đánh giết Phong, bèn vào thành chống lại với Lễ, Lễ thua chạy sang Chiêm-thành, Chiêm-thành lại lấy lại Thăng-hoa, liền ăn cướp Hóa-châu, Đặng-Tất phải hàng tướng nhà Minh là Trương-Phụ, Phụ cho quân đánh giúp, người Chiêm-thành kéo quân về. Phạm-thế-Căng cũng đem quân hàng với Phụ, Phụ cho làm tri-phủ Tân-bình. Mùa đông năm ấy, vua Giản-định khởi binh, đặt niên hiệu là Hưng-khánh, đóng quân ở Nghệ-an. Tất liền đem quân về giúp vua Giản-định cùng mưu toan sự khôi phục. Năm thứ 2, tháng 6, Tất đánh tan quân Phạm-thế-Căng ở cửa bể Nhật-lệ, đuổi đến núi An-đại bắt được. Tháng 10, Tất đem quân 5 lộ Thuận-hóa, Tân-bình, Nghệ-an, Diễn-châu và Thanh-hóa tiến đánh Đông-đô, cùng với tướng nhà Minh là Mộc-Thạnh đánh nhau ở Bô-cô, Mộc-Thạnh bị thua to, quân thế của Tất lẫy lừng lẫy. Năm sau vua Giản-định tin lời dèm giết Tất và Tham-mưu Nguyễn-cảnh-Chân, con Tất là Dung, con Chân là Dị đều đem quân Thuận-hóa về Thanh-hóa lập Trần-quý-Khoáng làm vua, đổi niên hiệu là Trùng-quang. Vua Giản-định bị Trương-phụ bắt được, vua Trùng-quang lùi về giữ Nghệ-an, chống nhau được vài năm là nhờ binh lực ở 2 lộ Tân-bình, Thuận-hóa. Năm thứ 4, Trương-phụ lấn Nghệ-an, lấy Diễn-châu, năm thứ 5, vua Trùng-quang bị quân Minh đuổi kíp, phải chạy ra Hóa-châu. Tháng 6 năm ấy, Trương-phụ và Mộc-thạnh họp nhau bàn mưu tiến đánh, Thạnh nói : “Hóa-châu núi cao sông rộng, đánh lấy nơi ấy không phải là dễ dàng đâu. Phụ nói : “Ta sống ở Hóa-châu, ta chết cũng ở Hóa-châu. Nếu Hóa-châu không bình định đuợc còn mặt mũi nào về yết kiến hoàng-thượng”. Nói xong liền hạ lệnh tiến quân, trong 21 ngày đã đánh đến thành Hóa-châu, đánh vỡ tan quân của Nguyễn-cảnh-Rị ở cảng Thại-già, bắt được Rị và Dụng, vua Trùng-quang chạy sang Lão-qua cũng bị bắt, Thuận-hóa đều hàng về quân Minh, thế là nhà Trần mất nước vậy.

   Phụ và Thạnh vỗ yên người Tân-bình, Thuận-hóa, đặt quan cai trị cùng với thổ quan làm việc, tra xét nhân số, làm sổ hộ tịch, đặt các ngạch thuế khóa, đinh, điền, tơ, lụa. Đặt Đề-cử-ty lấy thuế chợ, thuế thuyền ở Tân-bình và Thuận-hóa lại đặt thêm một chi điếm để thu thuế. Còn phủ Thăng-Hoa vẫn còn thuộc về Chiêm-thành nên chưa nói đến.

   Theo như địa dư chí nhà Minh (Minh chí) về đời Vĩnh-lạc, đặt tỉnh Giao-chỉ, phủ Tân-bình có 37 xã, phủ Thuận-hóa có 79 xã, phủ Tân-bình có 2132 gia đinh và có 4738 dân số. Phủ Thuận-hóa có 1470 gia đinh và 5663 dân số. Phủ Tân-bình có 2 huyện Nha-ninh và Phúc-khang thuộc thẳng vào Bổ-chánh-ty và quận hạt 2 châu 1 huyện là châu Chánh-bình, châu Nam-linh, huyện Tả-bình. Đất và ruộng của dân có 27 khoảnh 56 mẫu 7 sào, nộp thuế về mùa hạ và mùa thu, số gạo là 133 thạch 9 hộc, tơ sống 9 cân 13 lạng 4 tiền; khoản thuế quan phòng là 1000 quan bằng tiền giấy bảo sao. Phủ Thuận-hóa quản hạt 2 châu 1 huyện, Thuận-châu 4 huyện là Lại-điền, Phi-giản, Ba-lan, An-nhân. Hóa-châu 7 huyện là Trà-khê, Lại-bồng, Sa-hợp, Tu-dung, Bồ-đai, Bồ-lãng, Si-vinh, đất và ruộng của dân có 71 khoảnh, nộp thuế về mùa thu số gạo là 273 thạch 2 hộc 9 thăng 9 hợp. Còn phủ Thăng-hoa không thấy chép số xã, số gia đinh và số nhân khẩu, chỉ thấy chép rằng phủ Thăng-hoa quản hạt 4 châu, 11 huyện. Thăng-phủ 3 huyện là Lê-giang, Đô-tri, An-bị. Hoa-phủ 3 huyện là Vạn-ninh, Cu-hy, Lễ-đễ.Tu-châu 2 huyện là Tri-bình, Bạch-ô. Nghĩa-châu 3 huyện là Nghĩa-thuần, Ngã-bồn, Khê-miên. Vì phủ Thăng-hoa đã bị nguời Chiêm-thành cướp lại, cho nên châu huyện chỉ còn là tên không mà thôi.

   Vua Thái-tổ Cao hoàng đế nhà Lê ta, năm Mậu-tuất (1418) khởi nghĩa ở Lam-sơn, năm Giáp-thìn (1424) tiến đến Nghệ-an đánh lấy châu Trà-lân, năm Ất-tỵ (1425) vây thành Nghệ-an, hạ lệnh cho Trần-hãn đem hơn một nghìn quân và một con voi đánh các thành Tân-bình, Thuận-hóa, thu phục lòng dân. Khi quân ta kéo đến sông Bố-chính, gặp quân Minh đánh nhau, giả tảng thua chạy, quân Minh liền rõi theo, quân phục xông ra đánh giáp hai mặt, quân Minh thua to. Thái-tổ liền sai Lê-ngân đem bảy mươi chiếc chiến thuyền do đường bể thẳng đến đánh, đến đâu nhân dân đều quy thuận. Bèn thu lấy quân tinh nhuệ, chia đặt đội ngũ, tiến ra vây thành Đông-đô, đánh liền mấy trận đều đắc thắng. Năm Đinh-mùi (1427) cho những người ra hàng đem 357 con ngựa đến Hóa-châu chăn nuôi, lai chia số tù binh cho đến ở châu Tân-bình. Nhân dân theo chế độ cũ đời Trần, đặt lộ Tân-bình, lộ Thuận-hóa. Ban bố tờ hiểu do các tướng hiệu quân nhân rằng : “Trước kia Chiêm-thành trai mạnh, lấn bờ cõi của ta, ông cha các ngươi tỏ lòng thành quy thuận, báo ơn nhà nước, đánh tan quân giặc, lấy lại cõi bờ, tiếng thơm, công lớn ghi ở sử sách. Đến nay người nhà Minh vô, dùng vũ lực để mở đất đai, nhân dân lầm than đã hơn hai mươi năm. Những người ở Kinh, lộ chưa thấy có ai tỏ lòng trung cố gắng sức để lập công danh, thế mà lũ ngươi là bầy tôi ở bờ cõi lại biết nghĩ đến công đức ông cha ngày trước, mà hết lòng với nhà vua, hăng hái đầu tiên lập được chiến công, lòng trung thành ấy thật đáng khen thưởng. Nay thăng chức tước cho các ngươi là Á-mai-liên-ban, ngươi nên cố gắng”. Khi ấy có người ở Bố-chính tên là Nguyễn-tử-Hoan dâng kế sách, được khen, liền được dùng làm Quân-sư. Năm đầu niên hiệu Thuận-thiên (1428) quân Minh lui về nước. Nước ta hoàn toàn bình định. Vua cho Hóa-châu là một trấn quan trọng, thường khiến vị đại thần coi giữ. Đặt Lộ Tổng-quản và Lộ tri-phủ.

   Thái-tôn niên hiệu Thiện-bình năm đầu, Chiêm-thành đến cướp Hóa-châu, sai Tư-mã Lê-Liệt tổng đốc các đạo quân ở Nghệ-an, Tân-bình, Thuận-hóa để dò xét tình hình Tân-bình, Thuận-hóa. Lại sai Thiếu-úy Lê-Khôi, Tổng-quản Lê-Chuyết cùng đốc xuất quân ở Tân-bình, Thuận-hóa đi tiếp theo. Khi đại quân đến, người Chiêm-thành đã rút lui. Hóa-châu man Đạo-thành bị Đạo-luận đánh, xin cứu viện, lũ Lê-Liệt dẫn quân đến giúp đánh, thu được hơn một nghìn người và mười con voi đem về.

   Nhân-tôn Thái-hòa năm thứ 2, Chiêm-thành đến cướp Hóa-châu, năm thứ 3, lại đến cướp thành An-dung ở Hóa-châu, bị đại bại lui về. Năm thứ 4, triều đình đem đại quân sang đánh Chiêm-thành, đạo quân của Bình-chương Lê-Thụ và Thiếu-phó Lê-khắc-Phục, cả hai đạo quân ấy đến Ly-giang, Đa-lang và Cổ-Lũy, mở đường thủy, đắp thành lũy, đánh vỡ tan quân Chiêm-thành, thừa thắng kéo quân đến cửa bể Thị-nại, đánh vỡ thành Đồ-bàn, bắt vua Chiêm-thành là Bí-cái đem về Kinh-sứ, lập Bí-lai làm vua Chiêm-thành.

   Xét bài văn bia thần đạo (bia ở mộ) Lê-Chuyết do Nguyễn-mộng-Tuân soạn ra nói : “Chuyết sinh ra đời Thiện-bình, sau được trấn giữ Tân-bình, Thuận-hóa. Đất ấy tiếp liền với Chiêm-thành, mà thành lũy tồi tàn, phòng bị trễ nãi. Khi Chuyết mới đến, liền chỉnh đốn các thứ khí giới, đào ngòi đắp thành, luyện tập binh sĩ, chứa để lương thực, tung người đi thám thính, xếp đặt mọi việc đâu ra đấy. Thái-hòa năm thứ nhất, được lệnh trông coi việc quân, việc dân ở hai phủ ấy. Năm sau, vua Chiêm-thành tự đốc xuất thủy binh do đường bể đến vây châu thành. Chuyết ngày đêm cố giữ, đào ngầm lối ở dưới mặt thành đem quân ra đánh, tự xung phong để quân lính theo, giặc tan vỡ, liền đem quân đuổi theo, và cho thủy quân phục kích bắt được tướng của giặc. Sau giặc lại đem thủy quân đến đánh úp, Chuyết đã biết trước, ngầm sai thủy quân chận đánh, tướng giặc bị bắt, và lấy hết được cả chiến thuyền của giặc. Triều đình ban chiếu thư khen ngợi, coi Chuyết như một bức thành dài muôn dặm. Đến năm Ất-sửu (1445) mùa hạ, Chiêm-thành lại vào ăn cướp, đêm hôm ấy mưa gió to, nước sông dâng lên, Chuyết đem thủy quân đánh một trận, giết được tướng giặc và bắt được hơn hai trăm chiến thuyền, Bí-cái nhân lúc đêm chạy trốn, Chuyết chia số quân giao cho Tuyên-phủ-sứ Nguyễn-liêu giữ thành, tự mình đem quân đi đuổi giặc, bắt được chiến thuyền to không biết bao nhiêu mà kể, quân Chiêm-thành chạy tan nát, quân ta đuổi đến Đồi-duy, Bí-cái leo núi vịn cây chỉ thoát được một thân. Chuyết lại chia quân ra bể đánh thốc đến, bắt sống và chém giết rất nhiều. Năm Bính-thìn, mùa xuân, triều đình mang đại binh hỏi tội Chiêm-thành, Chuyết đốc quân tiên phong đánh giặc ở xứ Thăng-hoa và Tu-nghĩa, cùng với bộ tướng bàn kế hoạch, dụ dỗ được cháu nhà vua Chiêm-thành là Tả-bí-lai, liền kéo quân vào thẳng thành Đồ-bàn, bắt sống được Bí-cái”.

   Lại xét bài văn bia ở miếu thờ Lê-Khôi do Nguyễn-như-Đỗ soạn ra nói : “Thuận-thiên năm thứ ba, vua để ý về Hóa-châu giáp với Chiêm-thành, cần phải có vị trọng thần giữ cửa biên thùy nên cử ông tư mã Nguyên chức Hành-quân Tổng-quản ra trấn giữ nơi ấy. Khi ông đến, chiêu mộ lưu dân, khuyến khích làm ruộng, giồng dâu, luyện binh lính, bờ cõi. Việc hành chánh tuy nghiêm nhặt mà vẫn khoan hòa, nhân dân đều kính sợ và yêu mến. Người Chiêm-thành sợ uy mến đức đem trả lại số người mà họ đã bắt được. Năm thứ tư, vời ông về triều. Đời Nhân-tôn Thái-hòa năm đầu, bổ ông làm tri phủ Nghệ-an, năm thứ ba, nguời Chiêm-thành đến ăn cướp Hóa-châu, ông đem quân  đến cứu viện, đánh một trận phá tan quân Chiêm-thành. Sang năm sau (1444) triều đình kén tướng cầm quân đi đánh, ông thống xuất binh ở Nghệ-an mở đường đi trước, khi đã ra bể tới đến bờ cõi giặc, tướng giặc nhận thấy quân ta kỷ luật nghiêm minh, bộ ngũ chỉnh tề, biết là quân của ông, hô to lên rằng : “Ông tướng đem đạo quân đó, phải chăng là Tư-mã-công đấy ư ?” ông liền hạ mũ trụ xuống cho giặc trông thấy, giặc đều cúi đầu lạy và đem biếu sản vật, không dám chống cự. Từ đó về sau, ông kéo quân đến đâu, giặc trông thấy bóng vía đã sợ chạy. Kết cục đã dùng giải mũ dài buộc cổ vua Chiêm-thành phải đầu hàng. Ông đường hoàng thu quân về nước.”

   Biệt lục chép : “Thái-hòa năm thứ hai (1444) xuống tờ chiếu  dụ tướng, sĩ, quân và dân ở Hóa-châu rằng : “Châu của các ngươi tiếp giáp Chiêm-thành, luôn luôn bị cướp bóc, ông cha các ngươi hết sức đánh và giữ để bền vững biên phòng. Đến khi đức Thái-tổ ta mới mở nước, lũ ngươi đời đời giữ lòng trung nghĩa, truớc sau như một, hết sức phòng bị, chống giặc, đã được ban cho ân tước một cách rất hậu. Vừa rồi, vua Chiêm-thành đem binh đến vây đánh, khi ấy viện binh chưa đến nơi, sự thế rất là nguy cấp, thế mà lũ các ngươi hăng hái tuân theo mệnh lệnh, hy sinh tánh mạng, một người địch nổi muôn người, sau cùng giết được giặc mạnh, giữ được thành trơ trọi, đó đều là công lao của các ngươi vậy. Nay Chính-sự-viện Tham-nghị Nghiêu-tử-Kiệu, Hàn-lâm-viện Thị-chế Hoàng-sán-Thu mang tờ sắc dụ đến ủy lạo các ngươi. Còn như quân và dân, mọi sắc mục có chiến công và những nhà có người đi đánh trận bị chết, giao cho tướng trấn-thủ tâu bày để khen thưởng, nơi nào bị quân giặc đốt phá cướp bóc thì cho miễn tô thuế ba năm. Nay ban tờ chiếu dụ cho mọi người được nghe biết.”

   Thánh-tôn niên hiệu Quang-thuận năm thứ 7 (1466) đặt Tuyên-chính-sứ-ty ở các đạo, dùng Nguyễn-đặc-Đạt (Đai Việt Sử Ký Toàn Thư viết là Nguyễn-thì-Đật) làm Tuyên-chánh-sứ ở Thuận-hóa. Lại đặt 13 đạo Thừa-tuyên : Thanh-hóa, Nghệ-an, Thuận-hóa, Thiên-truờng, Nam-sách, Quốc-oai, Bắc-giang, An-bang, Hưng-hóa, Tuyên-quang, Thái-nguyên, Lạng-son và Trung-đô Ninh-sóc. Đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu. Năm thứ 8 (1467) hạ lệnh cho 12 Thừa-tuyên phải điều tra các núi sông nơi hiểm trở, nơi bằng phẳng và sự tích trong hạt, vẽ đồ bản chua rõ lên Hộ-bộ.

  Tham-nghị Hóa-châu Đặng-Chiêm dâng tờ sớ xin mở mang 5 điều tiện lợi : 1- lập thành lũy giữ cửa bể Tự-khách (Cửa Tự-khách ở xã An-vinh, viết là Tu-dung mới đúng); 2- lấp cửa Eo; 3- khơi đào Liên-tử; 4- bãi bỏ thuế đầu nguồn; 5- chiêu tập dân lưu ly, khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố-chánh. Nhời thỉnh cầu ấy đều được nghe theo.

   Năm thứ 10 (1469) định lại bản đồ trong nước. Xứ Thuận-châu 2 phủ, 7 huyện, 4 châu, xứ Thanh-hoa 4 phủ, 16 huyện, 5 châu, xứ Nghệ-an 9 phủ, 27 huyện, 2 châu, xứ Hải-dương 4 phủ, 18 huyện, xứ Sơn-nam 11 phủ, 4 huyện, xứ Sơn-tây 6 phủ, 24 huyện, xứ Kinh-bắc 4 phủ, 19 huyện, xứ An-bang 1 phủ,  3 huyện, 3 châu, xứ Tuyên-quang 1 phủ, 2 huyện, 5 châu, xứ Hưng-hóa 3 phủ, 4 huyện, 17 châu, xứ Lạng-sơn 1 huyện, 7 châu, xứ Ninh-sóc 1 phủ, 7 huyện, cộng là 12 Thừa-tuyên.

  Hồng-đức năm đầu (1470) vua Chiêm-thành Trà-toàn đến cướp Hóa-châu                 tướng trấn thủ Phạm-văn-Hiền đánh không nổi, xua quân vào trong thành cố giữ, tức tốc báo tin vào kinh-đô. Vua xuống tờ chiếu thân đi đánh Chiêm-thành, đóng đại quân ở thành Thuận-hóa. Đến năm thứ 2 (1471) tháng giêng, hạ lệnh cho trấn binh đem chiến thuyền ra  bể tập luyện thủy quân, lại sai thổ-tù là Nguyễn-Vu vẽ hình thể núi, sông ở Chiêm-thành. Khi ấy thổ-tù ở Xa-bôi là Cầm-tục, thổ-tù ở Bình-thuận là Đạo-nhị đều đến triều-cống ở nơi hành tại. Hạ lệnh phát thóc, gạo ở kho vận tải đến nơi quân thứ. Tháng hai, đánh vỡ thành Đồ-bàn. Đại quân ở Thuận-hóa kéo đến, bắt sống Trà-toàn.

  Tướng Chiêm-thành là Bố-trì chạy ra Phiên-lung, giữ đất ấy tự xung là vua, chiếm được một phần năm đất Chiêm-thành, sai người vào tiến cống, liền được phong làm vua Chiêm-thành, lại phong Anh-hoa Vương, Nam-phạm Vương gồm là ba nước. Lấy lại đất Đại-chiêm, đất Cổ-lũy, cho người về hàng là Ba-thái làm Đổng-tri-châu ở Đại-chiêm; Đa-thủy làm Thiệm-tri-châu. Ban tờ dụ rằng : “Đất Đại-chiêm, Cổ-lũy nguyên trước là cõi đất của ta, vừa rồi bị mất vào Chiêm-thành. Ngày nay ta lấy lại, khiến tướng trấn giữ, nếu kẻ nào không theo mệnh, cho được phép giết rồi sẽ tâu sau”. Lại sai Đỗ-tứ-Quý làm Động-tri-châu trông coi việc quân, việc dân ở Đai-chiêm, Lê-ý-Đa làm Thừa-tuyên-sứ ty ở Cổ-lũy và Thăng-hoa-vệ, đặt thêm Tổng binh, Án-sát cộng là ba ty. Hai xứ Thuận-hóa, Quảng-nam đều đặt ba ty bắt đầu từ đó.

  Hồng -đức năm thứ 16 (1485)  vì Quảng-nam không có thuyền, quân, dân hàng năm đi tải thuế thường bị mất mát, nay ra lệnh từ nay, hễ đến kỳ nộp thuế thì Thừa-tuyên-ty ở Quảng-nam đài chuyển đến ba ty ở Thuận-hóa giao phó các thứ thuế, rồi do ba ty ấy chuyển đệ lên nộp. Năm thứ 19 (1488) hạ lệnh cho Tham-chính Quảng-nam là Phạm-ba-Tôn kén chọn con giai, con gái quân và dân từ 15 tuổi trở lên kẻ nào tuấn tú ham học, đuợc dự hương thí, hội đồng chọn lấy để xung vào Sinh-đồ ở bản phủ.

  Năm thứ 21 (1490), định lại bản đồ trong thiên hạ: 13 xứ thừa-tuyên; 52 phủ; 178 huyện; 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 30 nguyên, 30 trường. Từ đó về sau, xã, thôn, trang, sách có thời chia ra, có thời hợp lại. Còn trấn, phủ, huyện và châu đến nay vẫn không thay đổi. Duy có hai xứ Thuận, Quảng do họ Nguyễn nối đời trấn giữ, có khi mở mang thêm ra sẽ chép về sau.

   Xét tập Thiện-nam du-hạ của bản triều chép : đời Hồng -đức định lại bản đồ. Thừa-tuyên sứ-ty Thuận-hóa coi 2 phủ, 8 huyện, 4 châu. Phủ Tân-bình 2 huyện, 2 châu: huyện Khang-lộc 4 tổng, 80 xã,  7 thôn, 4 trang; huyện Lệ-thủy 6 tổng, 28 xã, 2 trang; châu Bố-chánh 12 tổng, 64 xã, 24 phường, 20 trang; huyện Minh-linh 8 tổng, 63 xã.

   Phủ Triệu-phong 6 huyện, 2 châu : huyện Kim-trà 8 tổng 72 xã; huyện Đan-điền 8 tổng, 52 xã; huyện Điện-bàn 12 tổng, 96 xã; huyện Vũ-xương 8 tổng, 53 xã; châu Xa-bôi 10 tổng, 68 xã; châu Thuận-bình 6 tổng, 26 xã.

  Thừa-tuyên sứ-ty Quảng-nam coi 3 phủ 9 huyện : phủ Thăng-hoa 3 huyện; huyện Lệ-giang 9 tổng 73 xã; huyện Hy-giang 8 tổng 58 xã; huyện Hà-đông 8 tổng 46 xã. Phủ Tư-nghĩa 3 huyện : huyện Nghĩa-giang 12 tổng 94 xã; huyện Bình-sơn 6 tổng 70 xã; huyện Mộ-hoa 6 tổng 53 xã. Phủ Hoài-nhân 3 huyện : huyện Bồng-sơn 7 tổng 32 xã; huyện Phù-ly 6 tổng 60 xã; huyện Tuy-viễn 6 tổng … xã (Khi trung hưng niên hiệu Hoằng-định Lê Trang Tôn, đổi Tân-bình làm phủ Tiên-bình, họ Nguyễn đổi làm phủ Quảng-bình, lấy huyện Điện-bàn ở phủ Triệu-phong đặt làm phủ coi 5 huyện thuộc vào xứ Quảng-nam. Đổi huyện Lệ-giang làm huyện Lễ-dương, huyện Hy-giang làm huyện Duy-xuyên. Đổi Tư-nghĩa làm phủ Quảng-nghĩa, phủ Hoài-nhân làm phủ Quy-nhân.

  Lại đánh lấy đất của nước Chiêm-thành và Cao-miên đặt ra Phú-an, Bình-khang, Bình-thuận, Duyên-khánh và Gia-Định 5 phủ, cùng trấn Hà-tiên. Sau lại lập các doanh : Phiên-trấn, Trấn-biên và Long-hồ. Việc khai thác đất đai rất là rộng.

   Đời Hiến-tôn, đặt sở thóc ở Thuận-hóa. Đời Chiêu-tôn, định lệ :  Thuận-hóa tải vận thóc cho quân ăn, nếu hai lần đều được chu đáo thì được thăng một cấp và thưởng ba ty tiền, võ sĩ đã xuất thân đuợc cất làm Trung-úy, mới tuyển ra thì được cất làm Võ-úy. Chia đặt vào các vệ, về văn thuộc, người nào có xuất thân thì được bổ Tri-huyện Huyện-thừa; người nào không có xuất thân và quân đội, nhân dân được bổ Phó-võ-úy. Khi ấy kỷ cương rối loạn, trộm cướp tung hoành, triều đình không trị nổi. Đến năm thứ 5, con em đồ đảng Hồ-bá-Quang nguyên là thổ-tù ở Thuận-hóa phẫn uất về việc Tổng-binh là Phạm-văn-Huấn giết Bá-Quang, xướng xuất hơn 4.000 người ở bản xứ ập vào thành đánh đuổi Văn-Huấn, Văn-Huấn bỏ vợ con chạy ra Tân-bình. Thừa-tuyên-sứ Phạm-khiêm-Bính, Hiến-sát Ngô-Quang-Tổ đều lên thuyền trốn chạy. Dân Thuận-hóa ăn cướp đồ vật của vợ con Văn-Huấn và cố mời hai vị Thừa, Hiến lại trở về trị nhậm. Triều đinh cũng lờ đi không nói gì đến. Khi ngụy Mạc đã cướp ngôi nhà Lê, sai em là Mạc-Quyết giữ đạo Thuân-hóa. Lúc ấy các địa phương rối loạn, thổ hào đều giữ binh chúng đánh lẫn nhau, nghe được Mạc-đăng-Dung tiếm ngôi vua sai quan đi yên úy các nơi thì họ dần dần liễm chấp lại. Phó tướng Hoàng-công-Châu cùng với thuộc hạ ra hàng nhà Mạc, nhà Mạc phong tước là Triều-đông-bá. Khi Mạc-Quyết đem binh đi kinh lý, Công-châu chống lại, làm chiến thuyền rất to, có cánh buồm lớn, mui lợp bằng cỏ bồng cuốn lại, trên mui thuyền làm lối đi thông từ đầu thuyền đến cuối, lập đội chiến thuyền đầy chặt cửa bể Nhật-lệ, đánh nhau thua bị bắt sống, Công-châu bị giải về kinh đô và bị chết chém. Niên hiệu Đại-chính (Mạc-đăng-Doanh) nhà Mạc năm thứ 5 (1534) lũ Dương-liên làm phản  cùng với thổ-mục đánh lẫn nhau, rồi sau cũng bị thua chết. Từ đó Thuận-hóa được tạm yên. Năm thứ 20, Mạc-trung-Chính làm loạn cùng với con Mạc-phúc-Hải là Phúc-Nguyên tranh ngôi vua. Lũ Mạc-kính-Điền, Nguyễn-Kính với mọi tướng ở Thuận-hóa đến kinh đô để theo đi tiến đánh, đánh vỡ tan Mạc-trung-Chính ở Sơn-nam. Bàn việc thuởng công: nguời ở Điện-bàn Nguyễn-Lễ được phong Đồng-xuân-hầu, người ở Kim-trà Hoàng-đình-Hiến được phong Quế-lâm-bá, người Hải-lăng Hoàng-Bôi được phong Viên-trạch-bá, Hồ-Biến được phong Duyện-trường-bá, người Bố-chính Phạm-khắc-Hoan được phong Kỳ-giang-bá, người Minh-linh Hồ-công-Nau được phong Liễu-chủ-bá. Còn các trung trường cộng sĩ biết giữ lòng trung nghĩa cũng được lục dung, để cho lòng nguời được thuê thỏa. Khi ấy bản triều (chỉ nhà Lê) đã đuợc trung hưng, Chiêu-huân tinh-công là Nguyễn-Kim cùng với Thế-Tổ Thái-Vượng (Trịnh-Kiểm) tôn phù vua Trang-tôn Dụ hoàng-đế ở Tây-đô, gồm có cõi đất Hoan, Ái. Cuối năm Nguyên-hòa (1548) sai Tây-quận-công Lê-phi-Thừa đem binh đánh Thuận, Quảng mấy huyện, thổ hào và ngụy quân đều nối nhau hàng phục.

   Trung-tôn niên hiệu Thuận-bình năm thứ 4 (Mạc Cảnh-lịch năm thứ 5), quân nhà vua đánh bình định được Thuận-hóa, thừa thắng lấy được Quảng-nam, đặt quan chức và chia binh trấn giữ hai xứ. Năm thứ 6, ngụy Mạc sai Phạm-khắc-Khoan làm Tham-tướng doanh Thuận-hóa, từ kinh đô đến tụ tập binh chúng, liền bị Liễu-lâm-hầu giết chết, Hoàng-Chất cũng bị Phi-thừa giết. Chỉ có Hoàng-Bôi chống giữ ở đầu nguồn Hải-lăng, 5 năm không chịu hàng, tướng của Hoàng-Bôi là Phạm-đức-Trung bí mật thông với ta, dùng mưu bắt Bôi giết đi, hai xứ Thuận-hóa, Quảng-nam đều bình định như cũ. Các tuớng và các cống sĩ có nhiều nguời vượt bể đi theo nhà Mạc, triều đinh càng để ý phủ dụ, đặt ra ba ty phủ, huyện để cai trị hai xứ ấy, nhưng lòng nguời vẫn còn hoang mang.

   Anh-tôn niên hiệu Chính-trị năm đầu (1558) khiến Đoan-quận-công Nguyễn-Hoàng đem quân của bản doanh vào trấn giữ đất Thuận-hóa để phòng bị giặc phương đông, cùng với Trấn-thủ Quảng-nam là Trấn-quận-công cùng nhau cứu viện khi có giặc đến. Đuợc giữ hoàn toàn trách nhiệm hết thảy các việc quân, dân, tô thuế. Họ Nguyễn có đất Thuận-hóa bắt đầu từ đấy.

   Họ Nguyễn ở trấn Thuận-hóa, ông thủy tổ là Nguyễn-công-Duẩn là nguời làng Gia-miêu ngoại trang (Tống-sơn). Khi vua Thái-tổ khởi nghĩa đi theo đánh dẹp có công, làm quan Tả-đổng Thần-vệ tướng quân Gia-đinh-hầu. Lúc mất được tặng Thái-bảo Hoành-quốc-công. Con là Đức-trung về thời Nhân-tôn làm Điện-tiền-chỉ-huy-sứ, cùng với lũ Nguyễn-sĩ giết đảng nghịch, rước vua Thánh-tôn, có công lớn, trải làm quan đến chức Đô-đốc Trinh-trung-công, đi kinh lý An-bang đánh dẹp Chiêm-thành, luôn luôn có chiến công. Con gái đuợc kén vào cung làm Tiệp-thu, sinh ra Thái-tử, một nhà đều được hiển vinh. Lúc mất được tặng Thái-úy Trinh-quốc-công. Khi vua Hiến-tôn lên ngôi, tôn bà mẹ làm Trường-lạc Hoàng-thái-hậu, đối với ngoại tộc rất hậu, làm quan ở trong triều đến hơn một trăm người. Đến thời vua Uy-mục, đuổi hết về làng.

  Con Trinh-quốc-công là Văn-Lãng có tài thao lược, biết xem thiên văn, sức khỏe bắt được hổ. Khi ấy làm Thủy- quân-vệ Chỉ-huy-sứ, giữ thành Tây-đô, họp binh tam phủ ở Thanh-hóa, lập Tương-dực-đế, đánh vỡ quân của Lê-Vu, liền kéo vào kinh thành giết vua Uy-mục. Niên hiệu Hồng-thuận, vì có công to được phong Thái-úy Nghĩa-quốc-công Binh-chưởng Quân-quốc- trọng-sự. Khi mất được truy tặng Nghĩa-huân-vương, lễ táng lễ tế đều dùng lễ đấng vương giả, đúc vàng làm tượng.

  Con là Hoằng-Dụ, quan đến chức Đô-đốc An-hòa-hầu, tài gồm văn, vũ. Chống nhau với nghịch tặc Trần Cảo, đóng binh ở bắc ngạn sông Bồ-đề. Nghe tin Nguyên-quận-công Trịnh-duy-Sản giết vua, liền kéo binh qua sông trở về đốt kinh thành. Duy-sản sợ hãi, đem vua Chiêu-tôn chạy vào Tây-đô. An-hòa-hầu cũng về Tống-sơn, liền đem vua ra Thiên-quan, đánh phá tan Trần-Cảo, khôi phục lại kinh thành, bình định được kinh-bắc, đem quân về đóng đồn ở phường Đông-hà. Vì có sự tranh khí với Vinh-hưng-bá Trịnh-Tuy, nên hai nguời đều kéo quân vào Thanh-hoa. Thiết-sơn-bá Trần-Chân dèm pha với vua. Vua cho triệu về, nhưng chỉ có Trịnh-Tuy về kinh, còn An-hòa-hầu cáo bệnh không đến. Trần-Chân sai em đem bộ binh đuổi theo, bị An-hòa-hầu đánh lui. Chân lại tâu xin cho Vu-xuyên-hầu Mạc-đăng-Dung đem thủy quân đi đánh, An-hòa-hầu đưa thư cho Đăng-dung, Đăng-dung có ý cầm chừng không đánh, vì thế mà An-hòa-hầu được thoát về Tống-sơn, nói là có bệnh không vào triều nữa. Vua ngờ Trần Chân. Trần-chân và Nguyễn Kính cất quân đánh vào cửa cung khuyết, cùng với Trịnh-Tuy tự tiện lập ngụy Vương. Vu-xuyên-hầu từ Hải-dương đem binh cứu nạn và dẫn vua lánh ra Bồ-đề, cho vời An-hòa-hầu đến giúp sức. An-hòa-hầu liền thống xuất binh tam phủ đến cùng với Nguyễn Kính đánh nhau, bị thua chạy về, để Mạc-đăng-Dung ở lại chống nhau với Kính. An-hòa-hầu bị bệnh mất, Đăng-dung một tay chuyên giữ binh quyền, đánh Nguyễn-Kính, Kính phải hàng, ăn hiếp vua Chiêu-tôn rồi cướp ngôi xung đế.

  Con An-hòa-hầu là Nguyễn-Kim chức Hữu-vệ tướng quân An-thanh-hầu, về đời Cung-tuyên-đế niên nhiệu Thống-nguyên, trốn vào Ai-lao ở Sầm-thuợng, Sầm-hạ, Sa châu, đuợc vài nghìn nguời trung nghĩa, hơn ba mươi con voi, hơn ba mươi con ngựa, cùng với bọn cựu thần là Lý-quốc-công Trinh-duy-Thuận, Phúc-hung-hầu Trịnh-duy-Duyệt và Đô-đốc Trịnh-duy-Liêu lập vua Trang-tôn, đổi niên hiệu là Nguyên-hòa. Vua phong An-thanh-hầu làm Đại-tuớng-quân Thuợng-phủ Thái-sư Hưng-quốc-công, coi giữ việc trong và việc ở ngoài. Công nghiệp trung hung thực là bắt đầu từ đó.

  Khi ấy Thế-tổ (Trịnh-Kiểm) lại yết kiến, Hưng-quốc-công mới tiếp kiến một lần đã cho là một nguời phi thường, liền gã con gái cho và dâng biểu xin cho làm Tướng quân Dực-nghĩa-hầu. Khi ấy có tướng ngụy Mạc là Tây-an-hầu Lê-phi-thừa về hàng, xin đem binh đánh Mạc, Hưng quốc-công cho rằng thiên thời đã thuận, nhân sự đã hòa, liền đem quân đánh Mạc, tiến quân đến Lôi-dương, đánh vỡ được phục binh nhà Mạc, chia quân đánh Nghệ-an, khi xa giá đến Tây-đô, ngụy tuớng Trung-hậu-hầu ra hàng, vua phong Hưng-quốc-công làm Thái-tái, Đô-đốc thống xuất các xứ quân thủy bộ, cùng với ngụy tuớng Tây-quốc-công Nguyễn-Kính đánh nhau ở Gia-mô, đánh tan quân Nguyễn-Kính, chia binh giữ các nơi hiểm yếu. Quân Ngụy Mạc đến đánh Đông-sơn, Hưng-quốc-công đánh chém được hơn nghìn thủ cấp, tiến binh ra Gia-viễn sông Điềm-giang, đánh vỡ quân Mạc, ngụy tướng Phụng-quốc-công Lê-bá-Ly thua chạy. Hưng-quốc-công đương muốn tiến lấy Đông-đô, gặp kỳ nuớc sông dâng lên to, phải rút quân về Thanh-Hoa, bị kẻ hàng tướng là Trung-hậu-hầu đánh thuốc độc chết, khi ấy là ngày 20 tháng 5 năm Bính-ngọ, niên nhiệu Nguyên-hòa thứ 14. Vua rất thương tiếc, truy tặng Chiêu-huân tinh-công, đặt tên hèm là Trung-hiến, sai quan đem về Tống-sơn mai táng, phong con cả Uông làm Lãng-quận-công, con thứ Hoàng làm Hạ-khê-hầu, đều đuợc cầm quân đánh giặc. Lãng-quận-công ngờ Vua có ý định hại mình, nên muốn làm phản.

  Khi ấy Thế-tổ (Trịnh-Kiểm) làm Đại tướng quân Dực-quận-công, rước vua đến tạm trú ở bản doanh, xin hết sức phò giúp và bảo Lãng-quận-công bỏ hết hiềm nghi trước. Vua phong cho Thế-tổ thống xuất quân ngự doanh giữ chức đô tướng điều khiển hết thảy các đạo quân thủy bộ và coi hết mọi việc trong ngoài.

  Niên hiệu Thuận-bình (Trung-tôn) Hạ-khê-hầu vì có công được phong Đoan-quận-công. Đời Anh-tôn đuợc trấn thủ đất Thuận-hóa, năm thứ 11 (1568), Trấn-quận-công mất, đem Nguyên-quận-công là Nguyễn-bá-Quýnh thay chân, năm thứ 13, vời Bá-Quýnh về triều, khiến Đoan-quận-công kiêm cả Quảng-nam, Thuận-hóa hai xứ và phong làm Tổng trấn tướng quân coi binh, tướng và chiến thuyền để vỗ yên nhân dân phương ấy. Họ Nguyễn gồm có đất hai xứ Thuận-hóa, Quảng-nam là bắt đầu từ khi ấy. Khi Thế-tổ đã mất, anh em trong nhà nội loạn, hai xứ Thanh, Nghệ đều lung lay, riêng ở Thuận-hóa vẫn thái bình. Năm thứ 14 (1571) Viêm-quận-công mưu hại Đoan-quận-công, sang hàng ngụy Mạc, Đoan-quận-công biết, liền tìm cách chém đi, trong cõi được tạm yên. Thổ tướng ở Quảng-nam đánh giết lẫn nhau, Đoan-quận-công bắt giết hết, giao cho thiên-tướng là Dung-quận-công lưu giữ ở đấy để thu phục lòng nguời. Ngụy Mạc Lập-quận-công từ Hải-dương đem thủy quân 60 chiến thuyền vào đánh Thuận, Quảng, thổ dân ở đấy có nhiều người hàng ngụy Mạc. Đoan-quận-công liền chia binh chống giữ, lập mẹo đánh lừa ngụy tướng đến, chém phăng ngay ở đất Qua-qua (huyện Hải Lăng), quân giặc thua chạy chết đuối vô số, từ đấy ngụy Mạc không dám ròm nom đến Thuận-hóa, Quảng-nam.

   Đoan-quận-công có uy nghiêm lại có mưu luợc, vừa sáng suốt, vừa kín đáo, không ai dám nói dối, cai trị ở hai xứ ấy hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, có ơn huệ, dùng phép công bằng, nghiêm giữ quân sĩ có kỹ luật, cấm trấp kẻ hung bạo, quân và dân hai xứ ấy đều thân yêu tin phục, đổi hết phong tục xấu, ai ai cũng cảm ơn mến đức, ở chợ có giá nhất định, trong dân không có trộm  cướp, đêm không phải đóng cổng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, việc giao dịch phân minh, toàn cõi dân yên vui làm ăn. Mỗi năm đệ nộp tô thuế đủ dùng về việc quân, triều đinh lấy làm tin cậy. Thế-tôn niên hiệu Gia-thái năm đầu (1573), sai sét mang tờ sắc đến Thuận-hóa gia phong cho Đoan-quận-công chức Thái-phó, cho phép chứa tích thóc lại, để nơi biên thùy được đầy đủ, mỗi năm trừ chi phí còn thừa chỉ phải nộp bạc 400 cân, lụa 500 tấm. Triều đình liền mấy năm phải đánh dẹp, Đoan-quận-công hằng năm nộp thuế không lúc nào khiếm thiếu. Quang-hưng năm thứ 5 (1852) Thành-tổ Triết-vương (Trịnh-Tùng) phụng mạng đem đại quân sang đánh phương đông, bắt được Mạc-mậu-Hợp, thu phục được kinh thành. Năm thứ 16, xa giá về Kinh đô, Đoan quận công vào chầu, đem vàng, bạc, châu báu, binh lương đô tịch ở hai Xứ viễn nộp. Vua khen thưởng. Khi ấy Đoan quận công đã 69 tuổi, lưu ở lại triều làm Thái úy, Tả tướng, tấn phong Quốc công vẫn kinh đạo Thuận, Quảng, đánh đám giặc ở Sơn-nam, Hải-dương, tiến lên phía bắc đánh Thái- nguyên, lại sang phía tây đánh Tuyên-quang, đi theo xa giá đến Lạng-sơn cùng Nam-quan giảng hòa hiếu với tam ty nhà Minh, đều tỏ ra có công trạng

  Kính-tôn Thận-đức năm đầu (1600), Đoan-quận-công thanh danh càng ngày càng lừng lẫy mà không được thưởng thêm, lại bị kẻ gian thần dèm pha, trong lòng có ý lo ngại, bèn mưu khiển bọn thuộc tướng là Phan-ngạn, Ngô-đình-Nga và Bùi-văn-Khuê làm phước làm phản ở cửa bể Đại-an, tự xin đi đánh, khi đến giả tảng thua, liền do đường bể thẳng về Thuận-hóa, Thành-tổ nghĩ tình chí thân, đưa thơ yên úy và khuyên nên giữ lòng trung nghĩa. Đoan-quận-công xin ở lại trấn thủ. Triều đinh chuẩn y nhời xin ấy. Đoan quận công trấn thủ hai xứ ấy đã 43 năm. Từ đấy bắt đầu thuộc về đất riêng của họ Nguyễn. Khi mới vào, đặt dinh cơ ở xã Ái-tử, huyện Vu-xương, đến khi ấy lại trở về trấn cũ, có 10 nguời con, đem con thứ sáu là Thụy-quận-công Nguyễn-Phúc-Nguyên đi theo, lại khiến ba nguời con đến quân nhà vua ở bên đuờng tạ tội, rồi cho ba nguời con ở lại trong triều làm con tin, lại tiến con gái làm chính phu nhân Vương thế tử. Đoan quốc công thuờng đi chơi núi Ải-vân, nhận thấy hình thế hiểm trở, liền để ý đến nơi ấy, bèn vượt núi vào Quảng-nam. Phủ Thăng-hoa, khiến nguời sửa sang hành cung và kho tàng để chứa tiền, lương. Hoằng-định năm thứ 3 (1603); khiến Thụy-quận-công trấn giữ Quảng-nam. Hoằng-định năm thứ 14 (Kính-tôn)(1613) ngày mồng 3 tháng 6, Đoan quốc công mất, truớc sau cai trị ở hai xứ ấy là 56 năm, thọ 89 tuổi. Triều đình truy tặng là Nghiã-công.

  Con là Thụy-quận-công thay giữ binh quyền, được nối nghiệp cha làm trấn thú ở Thuận, Quảng và được thăng chức Thái-bảo, khi ấy đã 51 tuổi. Thụỵ-quận-công tự xưng thống ĩinh thủy, bộ chu doanh kiêm tổng nội ngoại binh chưởng quân quốc trọng sự, vỗ về tướng tá, rèn tập binh lính, voi, ngựa, thiên nơi đóng quân đến các xứ Phúc-an, Bác-vọng về huyện Quảng-điền, đắp thành lũy, giữ bờ cõi. Sai con cả là Hữu phủ Khánh-nghĩa-hầu trấn giữ đất Quảng-nam. Thần-tôn Vĩnh-tộ năm thứ 2 (1620) em Thụy-quận-công là Văn-quận, Thạch-quận mật thư tố cáo Thụy quận công có ý làm phản. Xin phái quân ra đánh và xin làm nội ứng, khi công việc xong xin chia giữ hai xứ ấy. Vua khiến Đăng quận công Nguyễn-Khải đem binh ra đón. Thụy quận công dò biết mưu ấy, liền bắt Văn và Thạch gồm giết cả bè lũ ấy. Khi Nguyễn-Khải đến Nhật-lệ, nghe biết tin ấy liền kéo quân về, Thụy quận công từ đó gây thù oán với triều đình.

  Năm thứ 3 (1621), sai bộ tướng Hòa quận công đánh phá đất Lạc-hoàn nuớc Ai-lao.

  Năm thứ 5 (1623), Thành-tổ mất, Văn-tổ Nghị-vương dẹp yên được nội nạn, nối ngôi  Vương giữ quyền chính, lập em là Trịnh-Kiều làm Thái-bảo Sùng-quận-công, tức là cháu gọi Thụy-quận-công bằng cậu. Thụy-quận-công dâng khải tiến lễ phúng và tiến lễ mừng, sứ giả đi lại, tình lễ thân mật. Không bao lâu Đào-duy-Từ ở ngoài trốn vào, khuyên Thụy-quận-công không nên nộp cống thuế, chỉ cần chứa lương, luyện quân để giữ bền bờ cõi, mưu ấy đuợc nghe theo và quyết định. Đào-duy-Từ là nguời Ngọc-sơn, Hoa-trại, đời Thần-tôn đi thi, Hữu ty lấy cớ là con nhà xướng hát bác bỏ không cho thi cử, nên Từ phát phẫn vào đất Thuận, Quảng nhờ Cống-quận-công tiến cử, thuờng tự ví với Chu-Cát. Thụy-quận-công mới tiếp kiến một lần đã hợp ý và tin dùng ngay, phong làm Nội-tán Đại-lý-tự-Khanh Lộc-khê-hầu, trông coi quân cơ các việc trong và ngoài và tham dự việc chính trị. Khi ấy Từ ngày đêm lo toan việc giữ đất để chống lại với triều đình. Đem nguời con rể là Thuận-nghĩa-hầu Nguyễn-hữu-Tiến làm tướng; sau lại có nguời Gia-miêu ngoại-trang là Chiêu-vu-hầu Nguyễn-hữu-Rật làm Đốc-chiến. Long-đức năm thứ 2, đắp lũy từ núi Trường-dục xuống đến cánh đồng, giáp với bãi cát Hải-hạt. Đánh lấy châu nam Bố-chính, giết quan tri châu, lấy tiền kho và đem dân đăng vào số lính.

  Năm thứ 3, trấn thủ Quảng-nam Khánh-hầu mất, đem con thứ ba là Dương-nghĩa hầu Nguyễn-phúc-Anh thay chân. Đắp lũy Động-điền, tựa theo hình thế núi, khe, bắt đầu từ núi Đâu-mâu xuống đến cửa bể Nhật-lệ. Năm thứ 4, lũy đắp xong, từ đó không nộp thuế và không cần mạnh lệnh triều đình, tự lập ra tuyển trường 2 xứ, xét duyệt định ra tráng hạng, quân hạng, dân hạng để tăng thêm số binh và ngạch thuế đinh, binh chính và tài chính đều được đầy đủ.

  Năm ấy vua phong Sùng quận công (Trịnh-Kiều) làm Tiết chế thủy, bộ chu doanh, kiêm chuởng nội, ngoại bình chương quân quốc trọng sự, phó chuởng quốc chính, Thái-úy Sùng-quốc-công. Thăng chức cho Đoan-quận-công là Thái-bảo Phụ-quận-công Nguyễn-Khê làm Thái-phó và được dự bàn quốc chính. Lại khiến Thống-lĩnh Quỳnh- nhân-công Trịnh-Lệ đi kinh lý châu Bố-chính để yên lòng dân. Năm thứ 5, con Thụy quận-công hiện làm trấn thủ Quảng-nam là Dương-nghĩa-hầu Phúc-Anh mật tâu : "Cha già yếu, e rằng sau này mang tiếng là nghịch tặc, xin triều đình đem quân vào đánh thì y sẽ đem quân về hàng". Văn-tổ (Trịnh-Tráng) nghe nhời rước xa giá đi nam tuần, đóng quân ở cửa bể Nhật-lệ. Thụy-quận-công khiến Nghĩa-thắng-hầu làm Đại tướng, Chiêu-vu-tử làm Đốc thị cùng với Quảng-lâm-hầu đem binh chống giữ. Cách sông đắp lũy bằng cát, giồng cây gỗ chắn cửa bể. Quân nhà vua đóng lâu không thấy Phúc-Anh đến hàng, liền rút quân về. Khiến Hiền-tuân-hầu Nguyễn-khắc-Liệt giữ bắc Bố-chính để phòng bị họ Nguyễn. Năm thứ 6, Nội tán Lộc-khê-hầu Đào-Duy-Từ mất, Thụy-quận công rất thương tiếc, cho tên hiệu là Quận-thần, truy tặng là Quận-công.

  Dương-hóa năm đầu (1635) Thụy-quận-công mất, giữ quyền chính 23 năm, thọ 73 tuổi, tôn thụy hiệu là Thụy-dương-Vương. Có 12 nguời con, con thứ hai là Nhân-lộc-hầu Phúc-Lan nối nghiệp, tự xung là Tiết chế thủy, bộ chu doanh, kiêm chuởng nội, ngoại bình chương quân quốc trọng sự, Thái-bảo Nhân-quận-công, khi ấy 35 tuổi.

  Em ruột là Phúc-Anh làm loạn, đắp lũy Câu-đe, đóng thủy quân ở cửa bể Đà-nẳng, không chịu tuân theo mạnh lệnh. Nhân-quận-công khiến tướng đi đánh, bộ quân đến Câu-đe, thuỷ quân đến vịnh Sơn-trà giao chiến, trong khi ấy Tuyên-lộc-hầu đã đem một đạo quân qua cửa ải, thẳng đến dinh đồn Quảng-nam đánh hỏa công, bắt được Phúc-Anh giết đi, phái chưởng cơ là Hưng-lương-hầu thay trấn giữ, liền dời dinh đến xã Kim-long, huyện Hương-trà. Năm thứ 2, sai người vào triều báo tin buồn, triều đình liền sai quan vào thăm viếng. Năm thứ 6, triều đình giết trấn thủ bắc Bố-chính là Nguyễn-khắc-Liệt, Nhân-quận-công rất mừng là bỏ được người đối địch với mình, khi ấy Nhân quận công cùng với chị dâu góa là họ Tống tư thông, nói gì cung nghe theo, thần họ can không nghe, tính hay chém giết, mọi nguời đều run sợ. Trong cõi đại hạn, mất mùa, người chết đói rất nhiều. Năm thứ 8, sai binh và dân 3 huyện Hương-trà, Quang-hiền, Phú-vinh đắp trường tập thủy binh ở xã Hồng-phúc, đắp nền đất cao hon 30 thuớc, rộng 120 thuớc; luyện thủy quân, tập chèo thuyền thật nhanh, bắn đại bác trúng đích được thưởng tiền và lụa, ai bắn lạc đích thì phải rõi theo dấu tích mà tìm. Vì thế cho nên thủy quân tài nghệ đều tinh luyện. Năm ấy Sùng quốc công (Trịnh-Kiều) mất, cháu đích tôn là Tôn quận công Trịnh Hoành còn bé, Văn-tổ (Trịnh Tráng) tuổi đã cao, có lòng yêu Hoằng-tổ (Trịnh-Tạc) chưa định ngôi thế-tử, sứ giả của Nhân-quận công khi đi lại thường có câu nói oán trách.

  Thận-tôn Phúc-thái năm

0