18/06/2018, 11:38

Quyển V: Nói về nhân tài và thi văn

Nhân tài ở nơi nào cũng có. Xứ Thuận-hóa, về đời Nhuận Hồ (chữ nhuận nghĩa là thừa), có cha con Đặng-Tất, tài gồm văn võ. Đến quốc triều có Nguyễn-tử-Hoan làm quân sư và Bùi-đức-Tài đỗ tiến sĩ. Đời ngụy Mạc (chữ ngụy trái với chính) có Dương-văn-An đỗ đại khoa, là tác giả Ô-Châu Cận Lục. ...

    Nhân tài ở nơi nào cũng có. Xứ Thuận-hóa, về đời Nhuận Hồ (chữ nhuận nghĩa là thừa), có cha con Đặng-Tất, tài gồm văn võ. Đến quốc triều có Nguyễn-tử-Hoan làm quân sư và Bùi-đức-Tài đỗ tiến sĩ. Đời ngụy Mạc (chữ ngụy trái với chính) có Dương-văn-An đỗ đại khoa, là tác giả Ô-Châu Cận Lục. Lúc năm đầu, quốc triều trung hưng Đoàn-quốc-Công được triều đinh cho vào trấn thủ nơi ấy. Đến sau con cháu họ Nguyễn nối tiếp giữ quân quyền và tự truyền nối cho con cháu, tự đặt quan lại. Khi ấy các nhân sĩ ở châu Ô châu Lý cũng theo thời thế để lập công danh.  Họ Nguyễn đem theo tướng tá phần nhiều là nguời Thanh, Nghệ đến. Con cháu những người ấy tỏ ra có tài nghệ, kiến thức được dùng làm quan, hoặc do tập ấm, hoặc do thi đỗ. Dù hơn trăm năm nay tên tuổi của họ không được đạt lên đến triều đình, nhưng cũng không thể cho là xứ ấy không có nhân tài vậy. Vận trời đến lúc thái bình, chia đã lâu nay lại họp lại. Nhà vua để lòng vỗ yên dân chúng, dùng quan cũ, mở khoa thi. Chắc là những nhân sĩ đã sẵn lòng mong đợi ơn mưa móc, ganh đua tìm ra giúp nước để góp phần vào công cuộc xây dựng của triều đình.

    Trước kia họ Nguyễn giữ đất này, chỉ mở kỳ Thu thí (thi mở về mùa thu), cốt để dùng làm nha lại, không chuẩn về đường văn học. Mỗi khi có mở kỳ thi, lấy số học sinh hoa văn gấp năm lần chính đồ. Các chức quan trọng đều do thân thích trông coi, dùng hạng hoa văn làm chức phụ thuộc. Những hạng người được đỗ vào kỳ thu thí, khi làm Tri phủ, Tri huyện thì chỉ biết việc xử kiện. Khi làm Ký lục chỉ biết việc thu thuế. Còn các công việc to lớn đều không được dự bàn. Đến hạng học sinh trẻ tuổi cũng không có nền giáo dục rèn luyện gì cả. Ấy thế mà văn học nơi ấy vẫn còn. Thật là đáng khen vậy.

    Nguyễn-cư-Trinh, hiệu là Đạm-Trai, người làng An-hòa, huyện Hương-Trà. Ông tổ đời thứ sáu, nguyên là họ Trịnh, tên là Cam, nguời ở truờng Phù-lưu, huyện Thiện-lộc, làm Thuợng-thư bộ Binh của bản triều về thời trước. Gặp khi ngụy Mạc cuớp ngôi, ông lánh vào Thanh-hóa. Đến đời cha ông Trịnh tên là Đặng-Đệ mới đổi là họ Nguyễn, làm quan đời Tô-quốc-công, trải làm chức Tri-huyện và Ký-lục. Cư-Trinh lúc còn nhỏ đã biết làm văn, đỗ Sinh-đồ, được bổ Tri-phủ Quãng-nghĩa và Ký-lục dinh Bố-chính. Ông trình bày đều là lời nói thẳng hợp thời thế, nhưng đều bị bỏ không nghe theo. Năm Quý Dậu, đánh Cao-miên, ông làm Tham-mưu điều khiển đạo quân ngũ dinh, có mưu lược quyết đoán, tính công việc quân cơ đâu ra đấy, thu được ba vạn quân Côn-man nước Thuận-thành về hàng, bỏ vua Cao-miên Ông-Nguyên và lập Ông-Tôn làm vua.

    Ông ở ngoài biên thùy 11 năm, danh vọng lừng lẫy ở khắp vùng Hà-tiên và Gia-định. Đến năm Ất Dậu, Nguyễn-phúc-Thuần nối giữ quyền chính, vời ông về làm Thuợng-thư bộ Lại, được vài năm thì ông mất..

    Cư-Trinh học rộng, có tài văn thơ. Khi ông đóng quân ở dinh đồn Bình-thuận và Gia-định, thường thường cùng với Tổng binh Hà-tiên Tống-đức-Hầu Trịnh-thiên-Tứ (có bản viết là Tích) cùng xướng họa văn thơ. Ông có họa lại 10 bài thơ vịnh cảnh Hà-tiên của Trịnh-thiên-Tứ :

  1- Kim du lan đao  (Núi Kim du ngăn sông)

2- Bình sơn diệp thúy ( Màu xanh biếc ở Bình sơn)

3- Tiêu tự thần chung  (Tiếng chuông buổi sáng ở chùa Tiêu)

4- Giang thành dạ cổ  (Tiếng trống ban đêm ở Giang thành)

5- Thạch động thôn vân (Hang đá Thạch-động nuốt mây)

6- Châu nham lạc lộ  (Chim cò sa xuống núi Châu-nham)

7- Đông hồ ấn nguyệt (Bóng trăng ấn xuống Đông-hồ)

8- Nam-phố trùng ba (Sóng yên lặng ở Nam-phố)

9- Lộc tri thôn cư (Nơi ở hiu quạnh ở chân núi Lộc-tri)

10- Lư-khê ngư bạc (Thuyền chài đánh cá đậu ở khe Lưu khê)

    (Muời bài thơ chữ Hán chỉ kê đầu đề, không dịch, mong đợi bậc có tài dịch thơ theo Đuờng luật dịch sau)

    Ngoài các bài thơ họa của Trịnh-thiên-Tứ, Cư-Trinh còn đề vịnh nhiều. Nay lục vài ba bài như sau : (lục đầu bài)

    Đề Tùng Lung (Sóng lan cây thông, khi có gió, cành lá rặng thông rung động trông nhu làn sóng)

  Vịnh lương nữ tẩy túc ( Vịnh nguời con gái rửa chén)

    Bốn bài thơ tả  bốn cảnh thú vị :

  a- Ngư chài đánh cá

b- Tiều kiếm củi

c- Canh cày ruộng

d- Mục đi chăn loài vật.

 

  Trong bốn bài vịnh bốn cảnh kể trên, mỗi một câu trong một bài đều dùng một chữ trong bát âm ở đầu câu. (Bát âm: ty, trúc, bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim) không dịch.

    - Họa bài thơ Trường-khanh đời Đường khi đi qua nhà Gia-nghị ở Trường-sa.

  - Dạ ẩm thi (thơ đêm uống rượu)

  - Mộ vu lưu khách thi (Thơ lưu khách ở lại khi trời mưa buổi chiều và có bài tự)

  - Đáp Hà-tiên Trịnh Tổng-binh thư  (Thu tráo lời Tổng-binh Hà-tiên Trịnh-thiên-Tứ) (Tóm tắt đại ý trong bức thư này, Cư-Trinh nói nhún về văn học và sự nghiệp của mình, lại khen ngợi văn tài và đức khiêm nhượng cùa Trịnh Tổng-binh)

    Nguyễn-quang-Tiến, nguời làng Phù-định, huyện Quảng-điền. Về đời Hiền-quốc-công, ông làm quan ở viện Hàn-lâm, được phong Thạc-đức-hầu. Ông có thơ đề vịnh ở cung điện (a- Tho vịnh nhà Giảng-hương. b- Khúc ca xuân khúc ở Cần-đường), những văn thư gửi và trả lời cho các xứ mán đều phần nhiều do ông thảo. Hai xứ Thuận, Quảng, thường có thuyền Trung-quốc đi lại. Truớc kia các công văn về việc tra bắt cướp ngoài bể và trả lại người trôi dạt,  họ Nguyễn thuờng xưng là "Tiết-chế Thái-phó Quận-công ở hai xứ Thuận Quảng nước An-nam" , kính trình mỗ mỗ quan thiên triều. Đến đời Hiếu-quốc-công xưng vương, chợt có công văn cần phải trả lời sang Trung-quốc, Hiếu-quốc-công giao cho ông thảo công văn và bảo đề là "An-nam quốc-vương".  Ông nhất định không chịu viết và nói : "Hoàng đế hiện ở kinh đô, thiên triều phong vương tước. Xứ Thuận, Quảng vẫn là bày tôi theo niên hiệu nhà vua. Nay tự xưng là Quốc-vương, Trung-quốc trách hỏi thì trả lời làm sao ?" Hiếu-quốc-công nổi giận, đuổi ông về làng 15 năm. Dù vậy, những công văn chỉ dùng chữ "Cai-bạ Trấn-thủ quan" để trả lời. Đến đời Nguyễn-phúc-Thuần lại cho ông được phục chức cũ. Năm Kỷ Sửu, có sao chổi mọc. Ông nói truyện riêng với mọi người rằng : "Chỉ trong 5, 6 năm, xứ Quảng-nam tất có loạn. Trong kinh đô ở vào phía đông bắc, nắm chuôi sao chổi để quét phía tây nam, cơ nghiệp họ Nguyễn tan mất".

    Năm Ất Hợi, năm thứ 16 niên hiệu Cảnh-hưng, nước Xiêm-la gửi một lá thư đến Phú-xuân. Họ Nguyễn giao cho Nguyễn-quang-Tiến viết thư trả lời. Nay lục ra đây để biết qua văn tự nước ngoài.

    Tờ thư của Xiêm-la nói :

    "Tả thừa tướng nội-các nước Xiêm-la coi giữ vệ loan nghi, Tổng đốc chính vụ Đại-tướng-quân, Chiêu-phi-Nhã Thị-đam-mã, Thao-phu-sa-đề-một, Lễ đai quan, vì mục đích giữ hạnh phúc hòa bình trong nước và ngoài nước, vâng lời bề trên gửi thư thân mật tỏ tình hòa hiếu đã lâu đời với nước láng giềng.

    "Duyên vì An-nam và Xiêm-la cùng ở một phía bể, cùng chung một góc trời. Hai nước dầu xa cách, nhưng cũng coi như là một cõi, hai bên đều giữ được mối tình nghĩa bè bạn. Nay vâng mạnh nhà vua nước tôi, tư giấy gửi sang dâng lên quốc chủ nuớc An-nam bệ hạ và gửi lời chúc sống lâu muôn tuổi. Nhờ lượng khoan hồng được nhà vua nước tôi ban ngự chỉ ở trước điện Kim-loan trung cung la liệt đoàn mô long ma-ha-một-sa-đề-thao-khoáng-phách-lực-xích-uông-ma-văn-thực-đạn-phương-khôn đã tâu lên đức vua Kim-loan-sam-liệt-đoàn-mô-long-mã-ma-thất-y-địa-chiếu-nhu-hoa-phủ-tung-ba-hàm-an-mã-hổ-bá-thuật-khoáng-sắc-đoàn-mã-hổ-lục-khốn-ty-vưu-đặc-dã-phổ-ai-chủ, ban tờ chiếu rằng : Theo lời thánh dạy, chính sách khiến cho người các phương xa mến phục, cần phải thân với nước láng giềng và kết chặt mối tình hòa hiếu. Ngày trước nước tôi cần ngựa tốt về loại  "sơn môn nắc" gửi thư xin loài ngựa ấy thì nước An-nam đã làm ơn gửi cho. Từ khi ấy, hai nước giấy tờ giao thiệp theo đúng thể lệ, mối tình thân ái thật là bền chặt. Nhưng gần đây, nước tôi thường có thuyền đi lại các miền bể Hạ-môn, Ninh-ba, Quảng-đông để buôn bán và để mua các thứ hàng hóa cho công khố. Khi trở về thường phải qua vào cửa bể nước An-nam để lánh gió bão. Nay gửi công văn thỉnh cầu quốc chủ An-nam ra lệnh ngăn cấm kẻ thuộc hạ không được sách nhiễu thuyền của nước tôi, cho đến cả các thuyền buôn bán của dân nước tôi đến do kho công xuất tiền ra làm, khi nào có lánh gió bão phải đến tạm ẩn ở địa phương nước An-nam thì cũng xin miễn cho các khoản trưng cầu này khác. Vậy xin nước An-nam là nước cường thịnh chuẩn y lời yêu cầu của nước tôi. Năm Quý Sửu, đại thần của nước tôi là Phi-nhã-Hồng cho thuyền đi Ninh-ba bán và mua hàng-hóa để xung vào công quỹ. Khi thuyền ấy cất buồm trở về nước, phải dừng lại ở Huệ-an. Theo như giấy tâu của Phi-nhã-Hồng thì tên chủ thuyền là Hồng-đoàn-Quan vi phạm quốc cấm nước An-Nam, chiếu theo luật trị tội là phải. Còn các đồ vật trong thuyền và hàng hóa  đều bị tịch thu. Đến năm Mậu Thìn nước tôi lại phái hai tên là Chấn-đinh và Chấn-nghiêm mang công văn đến xin Quốc-chủ An-nam rộng lượng giao trả lại các vật đã tịch thu ở thuyền nước tôi. Sau này mỗi lần có thuyền nước tôi bị gó bão dạt vào cửa bể An-nam, thì nước tôi gửi công văn sang xin cho thuyền bị dạt ấy về nước. Vậy cứ căn cứ vào một việc xử trí như thế, cũng đủ tỏ ra tính giao hiếu với nước láng giềng có nhân đạo, theo như lời nói của Mạnh-tử. Quốc-chủ An-nam nếu bỏ lòng tư lợi, lấy lòng nhân nghĩa giao tiếp với nước bạn thì không có lý gì mà không giàu mạnh. Ấy cho nên tự trách vào mình nhiều mà trách người ít, thì tránh xa được mối oán thù. Từ nay về sau, nếu nước An-nam gửi thư sang mua các hóa vật, hoặc đồ thường dùng hay là các vật quý báu, chúng tôi sẽ ban bố trong nước biết và cấp giao cho sứ giả hết thảy các vật yêu cầu. "Khâm tai" "Respect à ceci". Đó là chứng cớ rõ ràng tình hậu đãi của chúng tôi đối với Quốc-chủ An-nam vậy.

    Năm Quý Dậu, nước An-nam phái sứ giả đại thần ông Điều-khiển ở Đồng-nai và hai người nữa là ông Cai Hợp và ông Cai Đăng đến tỏ tình giao hiếu và đem biếu kỳ-nam-hương, cùng lụa và quạt, lại giao giả các tên Thương-rông, Thương-nương, Thương-xuy về bản quốc, và xin tha Tổng binh quan Cai cùng 39 người.

    Nay tiếp Lục-không-vương tên là Chiêu-phi-Nhã tâu rằng có tàu chiến An-nam 46 người lẩn lút ở hải đảo đánh cướp nhân dân và các thuyền buôn đi lại luôn luôn bị cướp. Cho nên quan địa phương ở hải phận ấy phái thuyền đến nơi tra xét. Lũ ông Cai Ý 46 người bằn súng vào thuyền tuần tiểu, có 7 người bị chết xuống bể và 39 người bị bắt giải về kinh để đợi xét. Hiện thần quý quốc là Ông Điều-khiển nói ông Cai Ý là Tổng -binh-quan nước An-nam vâng mệnh đi sang nước Cao-miên để vỗ yên các xứ Ốc-dã Liên-suật và Ba-xắc bị gió bão thuyền trôi dạt đến Lục-không. Xin gia ơn cho về bản xứ.

    Nghĩ đến tình hòa hiếu với quốc-chủ An-nam, vua nước tôi đã tha lũ ông Cai Ý 39 nguời giao cho sứ giả là ông Cai Hợp đem về bản xứ. Lại có 15 người do thuyền ở Huệ-an đến, thuyền ấy đi Đồng-nai đong gạo, bị bão trôi đến Côn-luân lênh đênh trong 4 ngày, may gặp chủ thuyền Hạ-môn là Tô-ngạn-Quan cứu sống được giai và gái là 15 người và dẫn đến Xiêm-la. Các quan nước tôi xét hỏi biết rõ tính thực liền giao bọn người bị nạn ấy cho sứ giả ông Cai Hợp dẫn về bản xứ. Tổng cộng 54 người. Trong số ấy có có 15 người mới bị nạn, không có thư đến xin. Duy nghĩ tình đối với lân bang nên cũng giao trả lại. Như thế là nước tôi đối đải với nước An-nam thật là hậu vậy. Nếu không có bậy ý, thì bọn nguời đã vào nước tôi, thì họ cũng không có tốt gì với dân tôi. Nay xem chỉ có người nhân đức mới có thể mình là người nước lớn mà chịu phụng sự kẻ nhỏ mọn hơn mình như vua Thanh nhún mình với Cát-ba, Văn-vương nhún mình với Côn-di. Chỉ có người nhiều trí khôn mới chịu nhẫn nại mình là người nuớc nhỏ phụng sự nước lớn hơn mình như Thái-vương phụng sự Huân-dục, như Câu-tiễn phụng sự nước Ngô.

    Nuớc Xiêm-la tôi dẫu rằng chuộng Thích-giáo nhưng vẫn nhớ đến đức Nghiêu, Thuấn, Văn, Vũ của thiên triều.

    Nước tôi  mong rằng vua nước An-nam là một nước lễ nghĩa, giữ lòng tương thân tương ái, bỏ dục vọng tham muốn đất đai để cho hai nước hòa hiếu với nhau, cùng hưởng cảnh thanh bình, cõi bờ không xẩy ra các sự tai vạ, chúng ta sẽ được phúc trời đất che chở.

    Năm Bính Dần, vua nước tôi ngự ở Kim-loan-tiền-điện-trung-cung, khâm mạnh cho Nãi-tập và Quách-Ngoc-Thành làm chủ  thuyền đi sang Quảng-đông. Khi trở về Xiêm-la, trong khi đi bể bị An-nam thu 83 người và 6 khẩu súng. Các hạng của cải hóa vật ở trong thuyền trị giá 31 cân 2 thù 3 tiền bạc Xiêm-la. Đồ bằng bạc là :

 

  “hoa lộc bất lao phan”               1 cái

  “thát đạp lại”                           1 cái

  “bát sa khôn viên hoa”              1 cái

  “tiêm giác niệm”                       1 cái

  “lệnh thạch”                           12 cái  (các hạng kể trên đều là đồ bằng bạc)

  và 7 tấm gấm đoạn.

    Tất cả các hóa vật ấy bị Ông-An bắt để trả lệ nộp thuế. Đó là lần thứ nhất thuyền nước tôi bị nước An-nam nuốt trôi.

    Lại một lần về năm Mậu Thìn, Trần Mạo được phái làm thuyền chủ đi Quảng-đông mua hàng hóa, khi về Xiêm-la thuyền bị nước An-nam tịch thu, thuyền chủ bị chết, phó thuyền chủ về nước cũng tâu rằng tất cả các hóa vật ở trong thuyền đã mua giá bạc Xiêm là 66 cân 15 lạng 2 thù, và 2 cái “đe mạt” bằng bạc, 1 cái “bất bao phan” bằng bạc, 2 cái “ma lam” bằng bạc và gấm đoạn 10 tấm, lại bị quan địa phương nước An-nam  tin là Ông An nuốt trôi. Cộng hai lần bạc là 97 cân 16 lạng, gấm đoạn 17 tấm, đồ dùng bằng bạc 21 cái.

    Lại lần nữa về năm Quý Dậu, Dương-thành-Chương được phái làm thuyền chủ đi Quảng-đông mua hàng hóa, khi trở về Xiêm, thuyền bị nước An-nam tịch thu, các đồ vật bằng bạc và gấm đoạn mọi thứ lại bị quan địa phương nuớc An-nam nuốt trôi hết, chỉ có cái thuyền không rỗng tuếch trở vế. Tổng cộng 3 lần bị tịch thu, tính ra vàng bạc và thập vật cộng 374 cân 15 lạng 3 thù 3 tiền.

    Những kẻ có trách nhậm vào các thuyền ấy đều phải chịu hình phạt. Đại thần nuớc tôi Lãng-cái-khu-sa đã tâu lên về việc quan địa phương An-nam tịch thu hóa vật của lân bang. Tờ tâu ấy nói các thuyền do Kim-loan-tiền-điện-trung-cung Phương-khôn-Vương sai phi đi mua đồ cần dùng để dùng trong cung phủ. Tất cả các đồ vật ấy bị nước An-nam thu hết. Việc ấy là do quan sai phái của An-nam đã nạt nộ và lừa dối để thu lấy hóa vật. Theo công lý thì nước An-nam phải đền bồi về số tiền đa bị tổn thất ấy. Không có lẽ nào mà lại tảng lờ đi không biết rằng những người buôn bán vượt thuyền ra bể không những là nguy hiểm về sóng gió mà có khi thiệt cả đến của cải và tính mạng. Vả lại thuyền buồm có dấu hiệu đó là thuyền quốc-chủ nuớc Xiêm-la tôi là Kim-loan-tiền-điện-trung-cung Phương-khôn-Vương sai đi mua đồ ngự dụng.  Thuyền ấy không có thể lẫn với thuyền buôn của thường dân. Có lẽ nào hai nước hòa hiếu, lấy lễ nghĩa giao thiệp với nhau, mà lại tham lam các vật nhỏ mọn làm mất thể thống một nước lớn. Quốc- chủ trung-cung nước tôi nghĩ đến tình bạn thân với An-nam, đã tâu lên Kim-loan chính-điện. Vua nước tôi có bụng muốn cho phương xa yêu mến, vì An-nam với Xiêm-la là nước láng giềng rất thân, không thể nhân việc nhỏ mà bỏ nghĩa lớn. Chính thật là mấy năm trước, ba lần thuyền của nuớc tôi mua hàng hóa đều bị An-nam tịch thu nuốt trôi của công khố nước tôi. Chắc là các quan địa phương nước An-nam không tâu lên Quốc-chủ An-nam nói rõ về việc tịch thu thuyền nước tôi đồ ngự dụng của nước Xiêm-la, chỉ là do các quan địa phương tự ý làm bậy mà Quốc-chủ An-nam không được biết đến. Có lẽ đâu nước láng giềng với nhau, hai bên đi lại giao thông vui vẻ mà lại không nghĩ đến tình nhân nghĩa đâm ra làm bậy, bắt thuyền lấy của làm những việc nhỏ nhen. Thật là bọn ấy không có tài giúp nước, thành thử Vua có đức nước An-nam muốn sẵn lòng nhân trị trong thiên hạ, mà bị bọn hữu tu (hữu tu = các quan chức) ấy chuyên quyền và có ý dấu diếm, không biết thể tất lòng nhân của Quốc-chủ An-nam, không biết mối tình thân của nước láng giềng, chỉ có lòng tham lam càn dở, khinh miệt nước Xiêm tôi, ngăn cản thuyền bè đi lại ở cửa bể, để thành ra mối thù địch. Những bọn hửu tu kia không thể không có tội lỗi vậy. Nhưng nuớc Xiêm tôi hàng năm phải cần dùng cho công khố các vật cần thiết, cho nên phải cho thuyền đi bán hàng và mua hàng ở các xứ Quảng-đông, Hạ-môn, Ninh-ba ở thiên triều. Trong khi thuyền đi lại ở đường bể, sóng gió không thể biết chừng, không thể nào mà thuyền lại không có khi bị dạt vào hải đảo nước An-nam. Nếu cứ tịch thu như cách ấy thì mỗi năm thuyền nước tôi có dạt đến hải phận An-nam, lại bị tịch thu hết thảy các hóa vật. Tình trạng ấy không thể nào chịu được. Các quan đại thần nuớc tôi đề nghị về việc ấy nhờ được vua nuớc tôi có đức hiếu sinh và có tình thân ái nước láng giềng, hai nước vẫn hòa hiếu với nhau đã lâu đời, không muốn nhân việc nhỏ mọn mà dùng đến binh lực để gây mối oán thù. Chỉ có ý mong muốn cho nhân dân được yên hưởng phúc hòa bình mà thôi. May mắn nhân dịp sứ giả An-nam đến nước tôi, trước hết giao thiệp với Thông chính sứ ty, cho được biết rõ hảo ý của nước bạn. Quan Nội-các-đại-học-sĩ ở Viện-hàn-lâm đã tuyên chiếu chỉ như sau :  Nay đặc biệt sai hai viên Lãng-phi-văn-khôn và Khu-sa-lu-thao cùng đi với sứ giả An-nam sang để thỉnh cầu quốc-chủ An-nam đối đãi thân thiện với Xiêm-la, ra lệnh cho hữu tu phải trả lại các thuyền và hóa bảo mọi thứ cả ba lần mà họ đã tịch thu, xin giao các vật ấy cho sứ thần nước tôi là Lãng-phi-văn-khôn và Khu-sa-lu-thao kiểm điểm lại chu tất. Xong rồi xin cho người hộ tống đến bờ cõi để về nước. Mong rằng giữ được mối tình thân mật với lân bang, lòng nhân hậu ấy càng ngày càng nồng nàn không bao giờ phai nhạt. Sau nữa xin cấp cho 10 cái thẻ long bài để lần sau thuyền nhà vua (Xiêm) dùng làm giấy thông hành khi thuyền vào và ra các cửa bể An-nam, được miễn sự trung thu sách nhiễu của những kẻ hữu tu. Khi được chiều gió thuận, thuyền trở về nước được hoàn toàn. Được như thế, thì thuyền nước Xiêm-la đi lại luôn luôn không bao giờ gián đoạn vậy.

    Xin kính gửi các thứ thổ sản : vải màn trắng 5 tấm, vải màn hoa 5 tấm, vải màn đỏ 3 tấm, đại hoa mãn thiên 2 tấm, giao sứ mang dâng Quốc chủ An-nam, xin thu nhận cho, đường Nội các phụng sao để thông tư. Tư sang Quốc chủ An-nam soi xét và xin kính chúc phúc lành nghìn thu.

    Tháng 4, đầu mùa hạ, năm Ất Hợi lịch nhà Vua.

    Thư trả lời của xứ Thuận-hóa như sau :

    Tả Thừa-tướng nước An-nam kiêm lý công việc bộ hình, bộ hộ Đạt-quận-công kính trả lời Đại-thượng-quân vả Loan-nghi giữ chức Tả-thừa-tướng trong Nội-các nước Xiêm-la Chiêu-phi-nhã-thị-đam-mã-thao-sa-đề-một, Lễ-đai quan xét rõ : Nước tôi với quý quốc, tình bè bạn, kết hòa hiếu, đời đời là nước láng giềng, mối tình thân mật không có chút tơ tóc hở kẽ. Giao tình thật là bền chặt như vàng đá vậy.

    Vừa rồi quân và dân nước tôi bị sóng gió trôi dạt vào hải phận Quý-quốc, nhờ  được  nhân đại của Quý-quốc cho đem các người bị nạn ấy về bản xứ. Tấm lòng thân thiện ấy thật là hậu vậy. Nhưng lần sau lính thủy và dân nước tôi lại bị trôi dạt vào hải phận Quý-quốc thì số nguời ấy vẫn còn bị giữ. Nước tôi đã có lời xin, chưa thấy tha cho chúng về, nước tôi còn đang ngóng đợi. Nay tiếp đuợc thư của Qúy-quốc chỉ chu chuẩn chăm chú về việc đòi tiền bạc, chả hề đá động gì đến số người nước tôi bị trôi dạt. Hay là chỉ vì cớ tiền bạc ấy mà câu lưu người bị nạn ấy chăng ? Nay xin nói rõ để Quý-quốc biết : về thời kỳ đã lâu khoảng năm Bính Dần, Mậu Thìn, thuyền có dấu hiệu màu đỏ của Quý-quốc vào hải cảng nước tôi. Nếu có quan chức địa phương trưng thu quá mức, sao ngày ấy Quý-quốc không tư giấy sang nói cho biết. Lệ nước tôi, cứ 3 năm một lần xét công việc của quan chức, 5 năm một lần có sự thăng chức và giáng chức. Đó là điều lệ thông thường, không bao giờ dung túng những kẻ tham ô làm bậy. Vả đến mãi ngày nay mới tiếp thư của Quý-quốc đem truy cứu lại đầu đuôi, thì người già đã chết, người có tội đã bị trừng phạt, việc đã lâu năm, không có bằng cớ gì, vậy xin bỏ đi không xét đến nữa. Lại như năm Quý Dậu Dương-thành-Chương khai rằng thuyền của y từ Quảng-đông đến. Thuyền ấy rỗng tuếch không có một thứ hóa vật gì. Thuyền ấy không có hàng hóa thì không được phép ghé vào hải cảng, đó là thể lệ của bản quốc. Nhưng người chủ thuyền tự ý xin ghé vào bến và theo lệ nộp thuế. Các chức hữu tu chiếu theo lệ thu thuế, có thế mà thôi, không có xẩy ra chuyện làm biến mất hết các hóa vật mà chúng đã chở ở thuyền, chẳng qua là chúng say đắm vào sòng cờ bạc hay là rượu chè hát sướng. Khi chúng trở về, phải tìm đường nói dối, thật là gian trá, không thể nào tin lời nói bịa đặt ấy. Thế mà Quý-quốc lại nghe chúng nói vu vơ, đòi tiền bạc bồi thường ! Tục ngữ có câu; “ông Trương uống ruợu ông Lý say”. Đó là một điều tôi không sao hiểu được. Lấy cái tài thông minh của nhà Vua quý quốc, chúng tôi không cần phải phân tách xanh trắng đen vàng cho lắm. Huống chi bản quốc học đạo Khổng Mạnh sao lại không biết đạo giao lân căn cứ vào nghĩa lý cam lợi chỉ ở trong nhẽ phải mà thôi. Trong lá thư của Quý-quốc có câu nói : “Quan chức của nuớc tôi không có tài phò vua giúp nước, chỉ biết hà lạm về sự trưng thu.” Thế thì không biết Quý quốc cho quan chức nước tôi vào hạng nguời như thế nào ? Trong thư lại nói : “coi rẻ rúng nuớc Xiêm, khiến cho hai nước thành ra thù oán”. Làm sao mà Quý quốc lại phát ra lời  nói ấy ? Vả lại hai nước lấy điều tín nghĩa giao thiệp với nhau, lấy sự lâu dài hẹn hò với nhau. Nếu có xẩy ra việc kẻ thừa hành có lòng tham lợi, cũng chỉ là việc nhỏ mọn mà thôi. Không nên vịn lấy cớ vụn vặt về tiền bạc mà làm mất tình thân của hai nước. Còn như Quý quốc có xin thẻ long bài 10 cái thì cũng không dám tiếc gì. Nhưng chỉ e rằng có nhiều thẻ long bài rồi thuyền chủ lại bắt chước lối cũ của Dương-thành-Chương lấy tư lợi làm hại việc công ích. Nay xin tặng một thẻ long bài đễ tiện sự đi lại, năm nay dùng được, đến năm sau vẫn dùng được, dùng mãi cho đến bao nhiêu năm cũng không có kỳ hạn gì, chỉ một thẻ long bài là đủ, cần gì phải nhiều. Quý quốc gửi quà hậu tặng, hiện đã phụng nhận. Duy còn số người của nước tôi bị phiêu lưu, còn phải giữ ở bên Quý quốc, nếu Quý quốc nghĩ tình thân thiện, xin giao hoàn tất cả bọn ấy. Đó là tấm lòng hậu đãi đối với lân bang, tình nghĩa ấy hai nước càng ngày càng thắt chặt một cách rất thân mật.

    Nay vâng mạnh Vua nước tôi, xin giao các vật thổ sản nhờ sứ giả đệ lên tiến biếu Quý quốc Vương, để tỏ lòng kính yêu của hai nước. Xin thu nhận cho.

    Nay không lục thấy thư trả lời của Xiêm về việc này. Nhưng xem một bức thư khác của Thuận-hóa trả lời cho Xiêm-la thì cũng có thể biết là Thuận-hóa vẫn giữ giọng đàn anh.

    Bức thư ấy lục như sau :

    Quốc Vương An-nam kính trả lời Quốc Vương Xiêm-la :

    Mùa thu năm nay, lũ Cai Trí Thủ tượng về nước, mang theo thư trả lời của Quý quốc lại tặng quà quý và giao trả Cai Ý, Tiệp nhất cùng 54 tên bị trôi dạt được về nguyên quán. Tôi rất lấy làm khen ngợi tấm lòng tốt của Quý quốc. Trong khi đọc là thư trả lời có nói : “Thứ kỳ-nam-hương năm truớc đưa tặng, đó là trầm-hương chứ không phải là kỳ-nam-hương”. Xin nói rõ để Quý quốc biết : kỳ-nam-hương dẫu là vật thổ sản, nhưng hạng tốt và thơm rất hiếm, thứ kỳ-nam mà người nước tôi đem biếu, dù không được tốt lắm, nhưng không phải là trầm hương, chỉ vì thổ sản có thứ tốt, có thứ vừa mà thôi, chứ khi nào lân bang với nhau mà lại chỉ đá Vu phu cho là Ngoc quỳnh cửu để tặng nhau ? Người bảo là thật, kẻ bảo là giả, cốt ở ý mình nhận xét cho đúng mà thôi. Còn đến việc trả lại dân phiêu lưu của nước tôi về xứ sở, đó là lòng tốt của lân bang và cũng là thể lệ thông thường của nước lớn vậy. Quý quốc đã có lòng trọng nước tôi mà yên đến dân tôi, trả lại Cai Ý và  bọn quân cùng dân, thật là có hậu ý, dẫu đến đạo giao lân đời trước cách xử trí cũng không hơn được. Nhưng vẫn còn một số lính thủy và một số dân bị giữ chưa được giao trả lại. Về vấn đề ấy có lẽ Quý quốc chưa kịp phát hiện chăng, hay là bọn ấy có duyên cớ gì khác mà bị giữ lại chăng ? Đó là một điều mà tôi không thể hiểu được. Vả lại  Quý quốc giao trả 54 người là quân và dân của bản quốc, số nguời hiện còn bị giữ cũng là quân và dân của bản quốc. Đã đều là nhân dân của nước tôi, cố nhiên Quý quốc phải coi như một. Nay Quý quốc một đằng thì tha về, một đằng thì giữ lại. Đó lại là một điều mà tôi lấy làm thắc mắc vậy. Lại xét thư trả lời có nói: “Trước kia nước An-nam chưa từng có làm những điều phản trắc đánh cướp theo dọc bờ bể. Vài năm gần đây luôn luôn xâm nhập bờ cõi cướp bóc nhân dân”. Tôi đọc đến đoạn này không thể không buồn bực mà rằng : “Tai tôi chưa từng bao giờ nghe thấy lời nói như thế“. Nuớc An-nam tôi luật pháp rất nghiêm minh, không bao giờ lại dung túng kẻ làm bậy khinh nhờn quốc pháp. Nếu có xẩy ra việc làm trái phép, chẳng qua là lỗi quan địa phương sơ ý không trông nom đến mà thôi. Trời bể rộng mông mênh, tôi tài nào xem xét hết được. Tình thân mật của hai nước chúng ta, không khi nào lại ngồi mà nhìn nhân dân nước láng giềng bị tai vạ cướp bóc mà giả lờ đi được. Tôi tin rằng Quý quốc cũng hiểu rõ tấm lòng tôi chỉ muốn cấm trấp kẻ cường bạo để hòa mục với lân bang vậy. Từ nay tôi sẽ hạ lệnh cho các tướng coi giữ ở dọc cửa bể phải cấm trấp dân ở bờ bể không được cướp bóc thuyền buôn  của các nước khi đi qua lại hải phận nước tôi. Nếu có tên nào còn quen thói cũ thì trị tội ngay, không khi nào dung thứ. Vả lại Quý quốc còn biết thương đến bọn dân phiêu lưu tha cho về nguyên quán, tôi bao giờ lại tha những dân vô lại đi bóc lột nhân dân nước bạn. Nhưng xét trong thư trả lời có mấy câu cần phải giải rõ cho Quý quốc hiểu biết, như câu nói : “Nước An-nam mến phục giáo hóa nước Xiêm, thật là đáng khen”. Lại có câu nói : “Nước An-nam dâng lễ cống thật là thành tâm mến giáo hóa”. Tôi không thể hiểu được Xiêm-la coi An-nam là một quốc gia vào bậc nào mà lại có lời nói lố lăng như thế ? Xin giải nghĩa rõ ràng để Quý quốc xét người trên, lấy thuế của người dưới thì gọi là “phú”, dưới dâng lễ vật lên nguời trên thì gọi là “cống”. Nghĩa chứ “Cống” chỉ là kẻ dưới cung phụng bậc trên vậy. Còn hai chữ “huớng hòa” là các nước ngoài mến phục phong hóa của trung trều đó vậy. Nay Xiêm-la và An-nam cũng như các nước Tề, Sở, Yên, Triệu ngày trước là nước ngang hàng với nhau mà thôi. Có đâu hai nước ngang hàng đưa quà tặng nhau, mà lại gọi là “tiến cống”, nuớc láng giềng giao thiệp giảng hòa với nhau mà lại gọi là “huớng hòa”. Nói như thế thì danh với thực thật là không phù hợp một chút nào. Tôi chắc rằng người bày tôi Quý quốc cầm bút viết thư này, chỉ thích tự ý khoe khoang, mà không biết rằng viết như thế là nhầm to vậy. Nhà Vua của Quý quốc là bậc thông minh sáng suốt, đâu lại không rõ nước An-nam đã nổi tiếng từ đời trước là nước văn minh hay sao? Chính nhà Vua của Quý quốc là không nói những câu như thế.

  Hiện chúng tôi đã tiếp nhận được lễ vật của Quý quốc gửi tặng, xin có lời trân trọng cảm tạ.

    Tháng 8 năm Canh Ngọ, niên hiệu Cảnh-hưng thứ 11, Thuận-hóa sắp đánh Cao-miên, khiến Thuợng-thư bộ Lễ Nguyễn-đăng-Thịnh viết một bức thư gửi sang Quốc vương nước Xiêm-la. Thư rằng :

   “Tình thân mật giao lân hai nước chúng ta thực đã lâu ngày, sự giao tế của hai nước luôn luôn tiếp tục không phải như là trâu chạy theo chiều gió xuôi, ngựa chạy theo chiều gió ngược, không gặp nhau.

    Nay nuớc tôi cần phải dẹp yên bờ cõi phía tây , nên phải nói để lân bang biết rõ. Này xem các bậc vua hiền, dùng đến binh lực, cốt là để vớt người chết đuối, cứu người bị cháy, dẹp việc rối loạn, giết kẻ tàn bạo. Cho nên vua Văn-vương đánh nuớc Sùng, nước Hốt. Tuyên-hậu đánh rợ Hiểm-doan, không phải là ưa sự chiến tranh đâu, nghĩa là bắt buộc phải đánh mà thôi. Xứ Cao-miên nhỏ mọn kia, ở hẻo lánh vảo nơi rừng rú không khác gì nước Đằng ở chen vào giữa nước lớn là Tề và Sở. Cao-miên đã nương tựa vào Quý quốc lại thần phục với bản triều, xét tính ý của nó, chỉ là muốn được cả hai nước lớn che chở mà thôi.

    Vừa rồi Ông-thâm bị đuổi ra ngoài, nhờ có Quý quốc giúp đỡ được về giữ ngôi cũ, nhưng nó có ý e sợ quân của bản quốc đóng gần liền ở đó nên không dám ngồi yên, cho sứ đến cửa khuyết nài xin sự che chở. Bản triều có lòng thương, cá mắc cạn có nuớc, chim mọc lông phải đến rừng, nên đã gia ân cho Cao-miên được về thần phục là một nước phiên giậu, đời đời sung chức công. Thế thì Ông-thâm trước đã mang ơn Quý quốc, sau lại đội ân đức của bản triều. Chính ra trước sau phải một lòng kính thờ nước lớn để giữ đạo kẻ phiên thần. Không ngờ Ông-thâm lại sinh lòng dã tâm, hop bè đảng cướp ngoài biên. Bản quốc cần phải trừng phạt kẻ vô đạo ấy, sai tướng đem quân đến hỏi tội. Vả lại theo như phép đời Xuân-thu, những kẻ tôi con làm loạn thì mọi người có quyền giết nó đi. Huống chi là một nước thì còn dung thứ thế nào được. Cao-miên đã vô lễ với bản triều thì cũng chẳng biết ơn Quý quốc. Điều đó rất rõ ràng còn cần gì phải biện bạch nữa. Thế thì cái tội ác của Cao-miên, chắc là Quý quốc cũng đồng ý với bản quốc phải trừ bỏ đi vậy. Khi đại quân nước tôi tiến qua đánh, tất nhiên nó phải trốn chạy. Nếu có bọn du đảng của Ông-thâm đi tìm nơi trú ẩn cũ, mong rằng Quý quốc sẵn lòng ghét kẻ ác mà đồng thời tỏ nghĩa giao lân, xin Quý quốc bắt Ông-thâm và các con cái nó giao cho tướng đóng ở biên thùy nước tôi, để cho kẻ có tội không trốn tránh đi đâu được. Tình nghĩa cao quý của hai nước chúng ta sáng tỏ như mặt trời và ngôi sao. Xin tỏ lời thân mật thành thực, mong rằng lượng xét.”

   Về phía tây nam xứ Quảng-nam, ở bên ngoài phủ Gia-định, có trấn Hà-tiên, giáp với Xiêm-la. Có Trịnh-thiên-Tứ (có bản viết là Thiên-Tích, tên tự là Si-lan (Tông-đức-hâm). Cha là nguời Trung-quốc, đến đất này khai khẩn, có bộ hạ và quân lính, xin thần phục với Thuận-hóa. Tộ-quốc-công Nguyễn-phúc-Chu phong cho chức Tổng binh. Năm Bính Thìn, niên hiệu Vịnh-hựu, Thiên-Tứ được nối chức của cha. Tính ông ham thích thơ văn, yêu chuộng văn sĩ, nổi tiếng tăm về tài học, khắp vùng ai cũng kính trọng. Tôi tìm được bản in về 10 bài thơ vịnh cảnh Hà-tiên của ông (Hà-tiên thập vịnh) (Đầu bài thơ vịnh cảnh Hà-tiên đã viết ở trang 4 và trạng 5).

    Các văn nhân Trung-quốc và Thuận-Quảng họa vần lại 10 bài thơ ấy rất nhiều. Xem thế đủ biết rằng dù ở nơi hải ngoại cũng có văn chương hay vậy. Trong 10 bài vịnh cảnh Hà-tiên thì có bài thứ 9 và bài thứ 10 là hay hơn. Mùa xuân năm Ất Vị, triều đình đánh lấy Thuận-hóa, ngụy Nhạc chiếm Quảng-nam, Nguyễn-phúc-Thuần chạy vào Gia-định, khi ấy Thiên-Tứ đã hơn 70 tuổi, vẫn hết sức giúp họ Nguyễn chống lại với ngụy Nhạc. Hiện nay không rõ tung tích của Thiên-Tứ ở đâu.

   Thơ vịnh cảnh Hà-tiên 10 bài do Trịnh-thiên-Tứ xướng lên. Những người họa vần lại là: Trung-quốc có : Chu-Phác, Ngô-chi-Hán, Lý-nhân-Trường, Đan-bình-Ngu, Vương-xương-An, Lộ-phụng-Cát, Từ-hiệp-Phi, Lâm-duy-Tác, Tứ-Hoành, Lâm-kỳ-Nhiên, Trần-duy-Đức, Từ-đăng-Cơ, Phùng-Ngọc-Sủng, Trần-hóa-Phát, Hoàng-kỳ-Trân, Chu-cảnh-Dương, Trần-thụy-Phụng, Trần-tu-Lan, Trần-dược-Uyên, Trần-minh-Hạ, Trần-tấn-Tứ, Tôn-văn-Trân, Tôn-thiên-Thụy, Tôn-quý-Mậu, cộng 25 nguời. Nam quốc có : Trịnh-liên-Sơn, Phan-thiên-Quảng, Nguyễn-Nghị, Trần-Trinh, Đặng-minh-Bản, Mạc-triều-Căng, cộng 6 nguời. Trong tập ấy cộng có 320 bài. Thiện-Tứ có làm bài tựa ở tập thơ ấy rằng: “Trấn Hà-tiên ở đất An-nam xưa kia là nơi cỏ rậm. Từ khi cha tôi đến đây khai khẩn hon 30 năm nay, Nhân dân ở nơi ấy mới được yên hàn và dần dần biết giồng cây. Mùa hạ năm Ất Mão, cha tôi mất, tôi đuợc nối nghiệp. Những khi công việc hành chánh được rỗi rãi, hằng ngày cùng với văn nhân luận bàn về kinh sử, thơ văn. Mùa xuân năm Bính Thân, người Việt-đông là Trần-tử-Tính do đuờng bể đến chơi. Tôi kính trọng ông ấy coi là bậc khách quý. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm cùng nhau ngâm vịnh. Tôi đem 10 bài thơ vịnh cảnh Hà-tiên để ông xem. Ông bắt đầu họa lại. Đến khi ông trở về Châu-giang, đem công bố với làng thơ. Các vị đều cao hứng họa vần, đóng thành một tập, gởi sang cho tôi. Tôi giao cho thợ khắc in thành tập. Thế mới biết núi sông xứ này nhờ có phong hóa cùa cha tôi tô thêm vẻ đẹp, nay lại được các danh sĩ, họa thơ phẩm đề lại càng thêm vẻ thiêng liêng. Tập thơ này không những là trang điểm cho vẻ đẹp ở xứ này mà cũng có thể coi là một địa dư chí ở xứ Hà-tiên vậy.

    Bài tư này do Thiên-Tứ thảo vào thượng tuần táng 6 năm Đinh Tỵ ở hiên Mậu-đức.” (có lục mấy bài thơ họa, không dịch).

 
    Nguyễn-đăng-Thịnh người làng An-hòa, huyện Hưng-Trà là chú Nguyễn-cư-Trinh. Học rộng văn hay, đỗ Hương cống dạy Hiếu-quốc-công học kinh sử. Trải làm các chức : tri huyện, Cai-bạ, Nha-úy, được phong là Hương-danh-hầu. Đến khi Hiếu-quốc-công xưng vương, được thăng bộ Lễ, khi mất đã 70 tuổi. Ông có mấy bài thơ vịnh sử (không dịch)

    Tôi thường nghe nguời ta kể lại rằng về thời Tộ-quốc-công có cho người đem sang biếu quan Tổng đốc Lưỡng-Quảng 50.000 lạng bạc để yêu cầu được triều cống vào thiên triều. Vua Khang-hy và vua Ung-chánh biết Tộ-quốc-công là phiên thần của An-nam, cho nên không chuẩn y. Không biết việc ấy có hay không. Nay lục thấy các thư từ cũ ở nhà Nguyễn-quang-Tiền mới biết đích rằng việc ấy thật có. Thuận-hóa và Đốc-viện ở Quảng-đông thường có thư tín đi lại. 

    Tháng 5 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Khang-Hy năm thứ 41, có bản tâu sang Đại-thanh như sau :

    “Nuớc Việt ở ngoài bể bày tôi là Nguyễn-phúc-Chu cúi đầu tâu sang Đại-thanh xin quy phục.

    Kẻ tôi hèn này nối nghiệp tiên tổ, mở mang bờ cõi ở ngoài bể, đã trải lâu đời, cùng với các nước ở phương nam không có phụ thuộc với nước nào. Chỉ vì đường sá xa xôi, cõi đất nhỏ hẹp, cho nên không dám đạt đến thiên triều. Ông cha kẻ hạ thần tin đạo Phật, dựng chùa chiền, sư phụ kẻ hạ thần là sư tăng am Truờng-thọ là người Quảng-đông dậy kẻ hạ thần về kinh điển. Khi thư nhàn có thuật lại cho hạ thần được biết đức thánh thần văn vũ của Hoàng thuợng. Hạ thần lại được nghe lời sưng tụng ân đức Hoàng thượng do Giám-sinh Quảng-đông là Hoàng-Thời, tăng đồ là Hung-Triệt kể lại, càng được biết ơn đức Hoàng-thượng rộng như trời bể. Cho nên lại càng mong mỏi được làm tôi tớ, nương nhờ ánh sáng mặt trời mặt trăng, coi như là một nước phụ dung. Ngõ hầu trên được vinh hiển việc tế tự của ông cha, dưới để vui lòng nhân dân trông ngóng. Tấm lòng rau quỳ rau hoặc huớng vào mặt trời, bày tỏ gan óc, mong nhờ ân huệ.

    Nhân này mồng 2 tháng 9 năm ngoái, có thuyền Xiêm-la mang lễ cống bị gió bão đánh dạt vào hải phận kẻ hạ thần. Khi hạ thần được biết thuyền ấy mang dâng lễ vật tiến cống thiên triều. Hạ thần kính cẩn giúp đỡ việc chữa thuyền và giúp lương thực để thuyền đi Quảng-đông. Hạ thần Nguyễn-phúc-Chu xin phép dãi bày lòng thành, kính dâng tờ biểu nhờ Giám-sinh Hoàng-Thời, sư tăng Hung-Triệt mang dâng sản vật  như sau : 1 khối kỳ nam hương nặng 1 cân 10 lạng, lại một khối khác nặng 3 cân 10 lạng, 1 khối vàng sống nặng 1 cân 13 lạng 5 tiền, 1 đôi lôi công đồng quyên, 3 đôi cách sơn minh, 2 ngà voi nặng 350 cân, 50 ngọn song hoa đằng, 50 cây trúc loài tông trúc. 

    Các lễ vật kể trên do nhờ thuyền Xiêm-la đai đệ, Giám-sinh Hoàng-Thời và sư tăng Hung-Triệt trình Đốc-viện Quãng-đông thay kẻ hạ thần dâng lên. Đó là một đặc ân làm vinh hiển đến cả tổ phụ kẻ hạ thần. Nay cúi đầu nài xin Hoàng-thượng rộng lượng trời bể, xét đến lòng thành, gia ân cho hạ thần được làm phiên thuộc. Nếu được hoàng ân phê chuẩn, hạ thần mới dám khiến bồi thần dâng biểu tạ ân.

   Kẻ hạ thần xiết bao sợ hãi, kính cẩn dãi bày tấm lòng thành thực tâu lên.”

    Thánh tổ Nhân-hoàng-đế nhà Thanh không chuẩn y nhời xin ấy.

    Tháng 5 năm Giáp Thìn, niên hiệu Ung-chánh năm thứ 2, Tộ-quốc-công lại có bức thư sang Phủ viện Quảng-đông và kèm theo lễ vật (thư ấy viết lối tứ lục (hai vế đối nhau) đại ý nói : hâm mộ chính giáo của Trung-quốc tán tụng tài đức của quan Tuần phủ. Muốn được cái hân hạnh nương tựa vào thiên triều để cho nơi ngoài bể xa sôi cũng được ngấm ơn mưa móc v.v….)

    Tộ-quốc-công lại có bài văn viếng quan Tổng-đốc lưỡng Quảng :

    Nguyễn-phúc-Chu, Tộ-quốc-công, Thái-phó, Tiết-chế các xứ Thuận-hóa nước An-nam kính gửi 100 lạng bạc gọi là lễ phúng nhỏ mọn kính tế linh hồn Đai-tư-mã Dương đại nhân, Tổng đốc lưỡng Quảng (Bài văn tế này viết lối 4 chữ (tứ ngôn) đại ý nói : danh vọng tài đức của ông Tổng đốc lúc sinh thời đã lừng lẫy ở Trung-quốc lại có ảnh hưởng ra đến cả ngoài bể. Dẫu ở nơi xa xôi cũng hâm mộ tài chính trị và lòng trung thành của ông. Nay dâng lễ phúng nhỏ mọn này để tỏ tấm lòng của người ở ngoài muôn dặm nhớ tiếc).

    - Về thời Hiếu-quốc-công, có người ở Phúc-kiến, lũ Lý-văn-Quang làm loạn ở Gia-định. Quan địa phương bắt được bọn ấy, đem giao trả về Trung quốc. Hiếu-quốc-công có gửi công văn sang ông Tổng đốc Mân-Triết như sau :

    “Núi sông bờ cõi, nam bắc khác nhau, lễ nhạc chính hình, xa gần một lối. Kẻ bất tài này coi giữ đất Việt, cũng được biết qua văn hóa của Trung quốc. Ngày nay, thánh triều thiên tử bốn bể một nhà. Tương phụ trong triều, sánh với Cao Quỳ, chư hầu bên ngoài lớn như Tề, Lỗ. Kính thưa Tổng đốc, các hạ đức sang như ngọc khuê, ngọc chương, trách nhậm như cái chìa cái khóa, đức chính không những ngấm nhuần ở trong nước, thanh danh lại còn nổi tiếng ở Phương ngoài. Nay có lũ tên Lý-văn-Quang, Hà-huy và Tạ-hồiưnguời ở quý quốc sang kiều ngụ ở đất nước tôi, về năm Đinh Mão, chúng ngấm ngầm vào Gia-định, tụ tập hơn 100 đồ đảng làm loạn, tự xung Đề đốc, quân sư, mưu toan đánh úp giết hại tướng tá ngoài biên. Nhưng trời không dung kẻ gian, chúng đã bị bắt sống. Theo luật pháp thì chúng đáng lý phải xử tử ngay. Nhưng còn để lại chưa giết, là có ý muốn đem chúng nộp trả về để chúng chịu tội ở thiên triều. Vả còn e rằng thuyền buôn nay đây mai đó đi về không nhất định, nên còn ngần ngại không dám giao phó. Năm ngoái có viên Thiêm sự ở ty Án sát về đạo Quỳnh-lôi binh bị phân tuần ở Quảng-đông sai tên thuyền trưởng Hải-nam sang bắt bọn can phạm về nước trị tội. Kẻ bất tài này vốn đã biết tên ấy là người lái buôn vẫn kiều cư ở nước tôi, nên không dám nhẹ dạ giao cho người lái buôn ấy. Nay có 2 viên quan binh là Thẫm-thần-Lãng và Hồ-đinh-Phụng vì gặp gió bão ghé vào hải phận nước tôi. Tôi đệ hồ sơ án từ của bọn can phạm ấy kê khai rõ ràng, có tên chết tại trận, có tên chết ở ngục, có tên còn trốn tránh. Hiện còn 16 tên, xin giao ủy giải về, thay lời tôi bẩm rõ. Tôi mong mỏi và tin tưởng rằng các hạ sáng suốt như gương tê giác ma quỷ đều soi thấy., ngòi bút theo kinh Xuân thu, đạo tặc phải phục tội. Kẻ bất tài này dẫu ở ngoài bể khơi cũng được nghe biết chính trị hay của các hạ. Còn như Thiên tông Lê-huy-Đức, Bà tông Lê-huy-Đức, Bà tông Thẩm thần Lãng và Hổ-đinh-Phụng, năm Ất Hợi gặp sóng gió phiêu luu đến nước tôi, đều được cứu giúp đưa về xứ sở. Không ngờ lũ ấy không biết thương yêu nhau, lại sinh sự đánh nhau, mỗi người đều khiếu tố tội lỗi của nhau. Lũ ấy đều là người Trung quốc không liên can gì đến chính diện của nước tôi. Cho nên tôi xin gửi lại tờ cung khai của hai bên bẩm lên Thượng hiến xét định. Tôi được nghe có câu rằng : “ngoài bể có người tri kỷ, chân trời coi như láng giềng”. Nay tôi xin kính biếu thổ sản : 5 cân trầm hương, 5 chiếc quạt hoa, 5 tấm lụa vàng, 1 đôi ngà voi, 10 cân yến sào, 30 cân vây cá, 30 cân hải sâm, 20 cân hồ tiêu, 20 cây tông trúc, 20 cây hoa đằng. Các vật nhỏ mọn ấy để tỏ tình thân mật. Dù ở sa sôi lòng vẫn gần gủi, lúc nào cũng trông nhìn vào mặt trời mặt trăng bên thượng quốc. Nay xin kính gửi bức thư nhỏ này để tỏ chút lòng hâm mộ. Mong soi xét cho.

    Ngày tháng 7 năm 21 niên hiệu Kiền long.

    - Người ẩn si ở Thuận-hóa tên là Ngô-thế-Lân tên tự là Hoàn-Phác, lúc còn nhỏ đã có chí thú, học rộng văn hay, ẩn cư ở xã Phú-lai huyện Quảng-điền, tự hiệu là Ái-trúc-trai (yêu cây trúc). Năm nay chừng độ hơn 50 tuổi, ngụ ở phố Thanh-hà. Tôi khiến người mời không chịu đến. Chỉ gửi lời cảm tạ và tỏ ý rằng xu phụ thời thế, cầu cạnh lợi lộc là một điều ông lấy làm xấu hổ. Ông có tập văn thơ đặt tên là Phong-trúc tập. Có bài tựa rằng ; “Này xem, gió (phong) không có thực

0