Phú Thọ xưa
Khổng Đức Thiêm Theo những truyền tích và văn bản còn lưu giữ được, dân cư của làng Phú Thọ thời kỳ hoang sơ còn thưa thớt, cư trú tập trung ở các khu vực nhỏ gọi là động gồm: động Tiên – trung tâm của làng (khu vực ga ngày nay), động Cờ (khu trường Cao đẳng Sư phạm ngày nay) và ...
Khổng Đức Thiêm
Theo những truyền tích và văn bản còn lưu giữ được, dân cư của làng Phú Thọ thời kỳ hoang sơ còn thưa thớt, cư trú tập trung ở các khu vực nhỏ gọi là động gồm: động Tiên – trung tâm của làng (khu vực ga ngày nay), động Cờ (khu trường Cao đẳng Sư phạm ngày nay) và động Cao (khu Cao Bang ngày nay). Phía nam làng là sông Thao, phía trên và phía dưới làng đều chưa có đê ngăn nước, mỗi mùa nước lớn, làng như một hòn đảo nhỏ nổi giữa biển cả.
Vào thời Hùng Vương thứ 18, người con trưởng của Bảo Quốc công Đại tướng Ma Khê đã đưa một bộ phận họ Ma từ núi Đọi (Cẩm Khê) sang cư trú và lập thành động riêng, người họ Ma làm Động trưởng, về sau hợp nhất với động Tiên, liên kết với động Cao, động Cờ gọi chung là động Phú An. Động trưởng họ Ma xây thành đắp lũy để đề phòng thú dữ (còn gọi là Ma thành). Cứ như vậy, hàng chục thế kỷ sau, con cháu họ Ma vẫn làm động trưởng.
Từ giữa thế kỷ thứ X, hậu duệ đời thứ 43 của Bảo Quốc công Đại tướng Ma Khê là Động trưởng Ma Xuân Trường nắm quyền cai quản vùng này. Đầu năm 945, Kiều Công Thuận, nguyên là Trưởng quản Ngân khố triều Ngô, vốn là thủ lĩnh đất Hoa Khê (Chương Xá – Sông Thao ngày nay) đã mở rộng địa bàn, liên kết với Động trưởng động Phú An Ma Xuân Trường.
Suốt trong thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, cái tên Phú An được giữ nguyên, khi thì gọi là Phú An bộ, Phú An xã, khi thì gọi là làng Phú An.
Cuối thời Lê Chiêu Tông (1516 – 1522), anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật (người Gia Phúc – Hải Dương) lên lánh nạn ở Đại Đồng – châu Thu Vật (Tuyên Quang) rồi trở thành lãnh chúa trong vùng. Sau khi nhà vua mất, việc quản lý các vùng biên viễn không còn chặt chẽ như trước nữa, triều đình phải ban tước vị và cho Vũ Văn Mật tuyển mộ binh lính để trấn giữ Tuyên Quang, mở rộng phạm vi kiểm soát sang nhiều phủ, huyện của Sơn Tây và Hưng Hóa. Lúc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), Vũ Văn Mật dựng cờ chống Mạc, xây đắp hàng loạt tòa thành Nhà Bầu. Công việc xây thành ở Phú An – Sơn Vi còn đang dở dang thì Vũ Văn Mật rút toàn bộ quân về Tuyên Quang.
Năm 1548, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đi qua vùng này, thấy phế thành mọc đầy dâu gai nên đổi gọi là Tang Ma thành. Sách Đại Nam nhất thống chí (tập 4) ghi rằng: “Thành cổ Tang Ma, tục gọi là thành Nhà Bầu, ở địa phận xã Phú An, huyện Sơn Vi, nền cũ vẫn còn… Tương truyền đầu đời Lê Trung Hưng, Trấn thủ Tuyên Quang là Vũ Văn Mật đắp thành này”.
Vào năm 1890, vua Thành Thái chuẩn y cho đổi tên làng Phú An thành làng Phú Thọ. Làng Phú Thọ nằm trong tổng Phú Thọ, huyện Sơn Vi, Phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây.
Ngày 8-9-1891, Toàn quyền Đông Dương Delanessan ra Nghị định điều chỉnh lại địa giới một số tỉnh ở Bắc Kỳ, thành lập tỉnh Hưng Hóa mới. Theo đó, phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây được chuyển về tỉnh Hưng Hóa. Làng Phú Thọ trở thành đơn vị hành chính cơ sở thuộc địa bàn tỉnh Hưng Hóa. Việc điều chỉnh địa giới còn diễn ra nhiều lần sau này, nhờ đó, làng Phú Thọ dần dần ở vào vị trí trung tâm của tỉnh Hưng Hóa.
Từ năm 1897, sau khi dẹp tắt phong trào Cần Vương, Paul Doumer được cử làm Toàn quyền, thực dân Pháp bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914).
Tháng 12-1897, Hội đồng Tối cao Đông Dương (Conseil Superieur de l’Indochine) quyết định xây dựng các tuyến đường sắt quy mô toàn Đông Dương, trong đó có tuyến đường từ Hải Phòng nối liền với Hà Nội, ngược sông Hồng lên Lào Cai để sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ngày 5-6-1901, Toàn quyền Đông Dương và tập đoàn tư bản tài chính Pháp ký kết bản quy ước về việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam.
Với sự hình thành của tuyến đường sắt, làng Phú Thọ có thêm thế mạnh về giao thông, một điều kiện quan trọng cho sự ra đời của một trung tâm hành chính, kinh tế.
Nhận rõ mặt địa lợi của làng Phú Thọ, từ năm 1902 người Pháp đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các địa điểm, di dời một số hộ dân và đình làng Phú Thọ (đình Lập) để xây dựng các công sở.
Ngày 5-5-1903, chiểu theo tờ trình của Thống sứ Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định chuyển lỵ sở của tỉnh Hưng Hóa từ làng Trúc Phê, tổng Thượng Nông, huyện Tam Nông về làng Phú Thọ, tổng Phú Thọ.
Thực hiện Nghị định nói trên, sau khi tòa Công sứ được xây dựng hoàn tất, người Pháp tổ chức trọng thể lễ khánh thành lỵ sở mới của tỉnh Hưng Hóa đúng vào ngày kỷ niệm cách mạng tư sản Pháp 14-7-1903. Cũng vào thời điểm này, tỉnh Hưng Hóa đổi gọi là tỉnh Phú Thọ.
Ngày 22-10-1907, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định nâng cấp các trung tâm Phú Thọ và Việt Trì thành các thị xã (Centre urbain). Giới hạn thị xã Phú Thọ như sau:
- Phía đông nam giáp sông Thao.
- Phía đông giới hạn bởi kênh tiêu nước, từ cửa kênh đến cầu đường sắt phía dưới ga.
- Phía bắc và đông bắc giới hạn từ cầu đường sắt nối với cầu trên đường bộ đi Phủ Đoan.
- Phía tây bắc giới hạn từ cầu trên đường đi Phủ Đoan đến cây số 8.
- Phía tây giới hạn bởi đoạn đường từ cây số 8 đến cây số 6.
- Phía nam giáp với huyện Thanh Ba.
Các cơ quan cai trị của người Pháp gồm có: Tòa sứ, Sở Giám binh, Tòa án, Nhà pha (trại giam), dinh Tuần phủ, Ty phiên, Kho bạc (có một Chánh kho bạc phụ trách), Sở Dây thép (tức bưu điện, có điện tín và điện thoại), Sở Công chính (còn gọi là Sở Lục lộ, do một kỹ thuật viên, trưởng phân khu đảm nhiệm), Sở Đạc điền (do một kỹ sư đạc điền phụ trách có bốn đạc viên người Việt phụ trợ), sở Thương chính (thường gọi là Nhà Đoan), Sở Canh nông, Sở Lâm nghiệp, Sở Y tế, Sở Thú y (do một viên thú y Đông Dương quản lý)… Đứng đầu bộ máy cai trị là viên Công sứ (Résident)[1], có một Phó sứ (Administrateur ajoint) làm trợ lý. Công sứ nắm cả quyền hành pháp và tư pháp ở địa phương, là Chánh án tòa hòa giải rộng quyền (Tribunal de Paix à compétence esteendue), Phó sứ có thể thay thế trong việc xử án và là Chủ tịch Tòa án Đệ nhị cấp (Tribunal du Deuxième) của tỉnh.
Bên cạnh các cơ quan cai trị của người Pháp, còn có bộ máy cai trị phong kiến, đứng đầu là Tuần phủ[2], dưới là các quan chức bản xứ gồm Bố chánh, Thương tá, Kiểm học… Giúp việc cho quan lại người Việt có một thông phán, 32 Thừa phái, 66 lệ binh. Viên Bố chánh là Chủ tịch dự khuyết (Président suppleant) và là Bồi thẩm (Juge d’instruetion) của Tòa án Đệ nhị cấp ở Phú Thọ.
Cũng như các thị xã khác ở Đông Dương, thực dân Pháp không tổ chức bộ máy chính quyền cấp thị. Mọi vấn đề chính trị, hành chính, trị an đều nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Tòa sứ.
Về mặt quản lý, thị xã Phú Thọ chia thành sáu phố và hai khu (quartier). Các phố không có tên mà gọi theo số thứ tự, sau nhân dân tự đặt những cái tên như phố Tân Hưng, phố Chợ… Mỗi phố có một Trưởng phố, làm nhiệm vụ tham gia tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh, trực tiếp thu thuế thân nộp lên Tòa sứ. Các Trưởng phố chủ yếu do người sở tại đảm nhiệm. Ngoài các Trưởng phố, còn có Lý trưởng, Phó lý làm nhiệm vụ với các hộ nông nghiệp sống xen kẽ trong các phố 1, 2, 3, 4, 5, 6 và hai thôn Phú Lợi, Phú Liêm. Viên Phó sứ trực tiếp nắm và giải quyết các sự vụ về mặt hành chính. Việc trị an trong thị xã được giao cho viên Giám binh khố xanh (Inspectuer de la Garde Indignène) làm nhiệm vụ Cảnh sát trưởng (Commissaire de police).
Trong Nghị định ngày 22-10-1907, cùng với việc nâng cấp tỉnh lỵ Phú Thọ thành thị xã, Toàn quyền Đông Dương quy định các loại phí ở đô thị, trong đó có những thứ rất phi lý như lệ phí cải táng, lệ phí đánh chiêng. Bên cạnh các lệ phí, còn có các thứ thuế như thuế môn bài, thuế thổ trạch, thuế đinh, thuế gián thu… Nghị định ngày 22-10-1907 của Toàn quyền Đông Dương quy định mọi cư dân bản xứ sống tại thị xã Phú Thọ (cũng như ở Việt Trì và Hưng Hóa) phải tuân theo những quy định chung về thuế thân được ban hành theo Nghị định ngày 2-6-1897. Cũng theo Nghị định này, thuế thổ trạch, thuế nhà ở tại thị xã Phú Thọ được thu theo chế độ thuế đã được quy định tại Nghị định ngày 27-12-1899. Ngoài ra còn có thuế đất đô thị ở những nơi có thuế đất và thuế đèn chiếu sáng. Nghị định ngày 22-10-1907 quy định những người châu Á sống ở Phú Thọ và Việt Trì phải đóng tăng một số tiền ấn định đến 10% số tiền thuế đã được đăng ký trong trường hợp chậm trả thuế, dựa theo loại hàng mà người đó sở hữu.
Từ một làng nông nghiệp thuần túy với gò đồi rậm rạp cây cối, đường đi lối lại chật hẹp, quanh co, lầy lội, diện mạo của một đô thị mới dần dần hình thành ở Phú Thọ.
Ngay sau khi tổ chức khánh thành tỷ lỵ mới, chính quyền thuộc địa đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn kinh phí lấy từ ngân sách của tỉnh (ngân sách này được thành lập theo Nghị định ngày 30-10-1895 của Toàn quyền Đông Dương) và được hỗ trợ của ngân sách Bắc Kỳ. Công sở và hệ thống đường sá ở thị được xây dựng, kiến thiết nhiều hơn cả.
Hầu hết các Công sở và khu dinh thự, nhà ở của các viên cai trị người Pháp và người Việt như dinh Công sứ, dinh Phó sứ, dinh Thương tá… được xây dựng trên một quả đồi cách sông Hồng 800 mét, hình thành một khu từ Cầu Trắng trở lên phía thôn Liêm, cách biệt với khu dân cư bởi đường sắt (tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai). Riêng Nhà Đoan được đặt ở vị trí gằn bến Đá, kiêm nhiệm phần việc đo mức nước sông thông qua cột chí đặt ở cửa ngòi Lò Lợn.
Từ năm 1903, đường sá vào các thôn xóm được mở mang. Nhà ga Phú Thọ được đưa vào sử dụng năm 1904. Năm 1905, nhà thương Phú Thọ (nằm ở khu vực Cao Bang và chợ Phú Thọ (nằm ở khu vực trường tiểu học Lê Đồng ngày nay) được khánh thành. Bao quanh chợ là hệ thống tường rào, có hai cổng; trong chợ có hai quán ngói cao to và rộng; phía sau có tháp nước. Năm 1910, kênh tiêu nước từ đồng trũng xóm Chặng ra đến cống Lò Lợn và một con ngòi nhỏ từ gần cầu cây số 2 nối với ngòi lớn đoạn trước đền Trù Mật được đào đắp. Đường từ khu phố vào đền Trù Mật được sửa sang. Năm 1926 lại đắp một con đường và làm cầu Trắng vượt trên đường sắt. Năm 1930, cho trồng hai hàng cây long não ven đường lên cầu. Tại thị xã, hàng ngày, có ba chuyến tàu ngược xuôi qua ga. Ga Phú Thọ cũng là một trong những đầu mối giao nhận các hàng hóa xuất, nhập như sơn ta, lá cọ, ngô, sắn, tre, nhựa trám, nấm, mật ong, củ nâu, cà phê, các loại hạt lấy dầu, vỏ cây, gỗ để làm giấy, vải vóc, muối, cá ướp muối…
Về đường thủy, hãng tầu Sauvage chở hàng cho hãng Fontaine cập bến Cây Đề (chỗ xưởng xẻ ngày nay) trong mùa nước để giao nhận hàng. Ngoài ra còn có nhiều thuyền bè xuôi ngược, chủ yếu là chở lâm, thổ sản đưa về xuôi.
Về đường bộ, Phú Thọ nằm trên đường liên tỉnh số 11 từ Hà Nội đi Yên Bái. Trong đó, đoạn từ Trung Hà đến Phú Thọ dài khoảng 27km, được rải đá, tuy không được rộng và dễ bị ngập về mùa nước lớn song ô tô có thể đi lại bất cứ mùa nào, đoạn Phú Thọ đến Phú Hộ dài 9.217km, được rải đá và ô tô có thể đi trong tất cả các mùa. Từ Phú Thọ thông qua hệ thống tỉnh lộ có thể tới các châu, huyện (bằng tỉnh lộ số 15, có thể đến Minh Nông, theo quốc lộ số 2 đến Tịnh Cương, Bình Lục – Yên Bái). Đường này dài 90km chạy trên đê sông Hồng. Đoạn từ Phú Thọ đến Tịnh Cương, ô tô có thể đi được bất cứ vào mùa nào nhưng các đoạn còn lại chỉ đi được vào mùa khô.
Trên đường liên tỉnh số 11 có tới 6 trên 10 hãng ô tô hoạt động chạy qua thị xã. Đã xuất hiện một cây xăng bơm tay, loại 5 lít của cửa hàng Đỗ Văn Điều đặt gần chợ Phú Thọ.
Thị xã Phú Thọ ngày càng có sức hấp dẫn đối với các thương nhân người Việt và ngoại kiều. Kéo theo đó, nhiều ngành kinh tế mới xuất hiện, tạo nên một cơ cấu kinh tế mang đặc trưng của một đô thị nhỏ miền trung du nhưng vẫn còn trên 90% cư dân làng Phú Thọ cũ sống bằng nghề làm ruộng, trồng rau xanh, một số chuyển sang làm vàng mã, làm bún, làm bánh phở, bánh gai, bánh khoai, bánh rợm, đóng giầy dép, đúc lưỡi cày gang, ép dầu dọc, dầu sở…
Thời gian đầu, các công sở và các gia đình quan chức người Pháp hoặc người Việt đều dùng nước giếng bơm vì qua kiểm nghiệm chất lượng nước đảm bảo. Khoảng cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước mới có hệ thống nước máy, lấy từ bến Đá đưa về hai tháp nước (một tháp nước chỗ trường Lê Đồng và một ở phía sau trường Cao đẳng Sư phạm ngày nay).
Cũng như vậy, hệ thống chiếu sáng công cộng lúc đầu chỉ gồm những cây ền lồng kính đặt ở nhà ga xe lửa (một ngọn), ở trại lính khố xanh (bốn chòi gác có bốn ngọn), ở bưu điện (một ngọn), cổng nhà quan lại đầu tỉnh (2 ngọn), thắp bằng dầu hỏa. Ở các trục đường chính dưới phố, cứ cách 40 mét mới có một đèn lồng kính; đường thuộc địa phận phố nào do Trưởng phố đó chịu trách nhiệm. Các gia đình trong thị xã thắp sáng bằng dầu dọc, nhựa trám cuốn thành cây to hơn cây nến và bằng dầu hỏa dùng với đèn “Hoa Kỳ”. Những nhà khá giả thì dùng đèn tọa đăng hay đèn măng sông.
Trái ngược với sự ít ỏi về trường học và các công trình phúc lợi là sự ra đời của các rạp cô đầu, tiệm hút. Thị xã có khu vui chơi tổ tôm, mạt chược, xóc đĩa, tiệm hút thuốc phiện (ở khu vực trước cửa Phòng Văn hóa thị xã ngày nay). Nhà hát cô đầu gồm chín gian có đăng ký kinh doanh, trương biển “Cô đào, ả đào, ca trù + trống phách” hoạt động (ở chỗ giáp đường sắt, gần bến ô tô ngày nay). Trong thị xã có 5 – 6 đại lý bán rượu của hãng Fontaine, rượu Văn Điển, có cả đại lý thuốc phiện “Roregic Opium”, các nhà chứa Phong Doanh, Hai Ghẻ…
Tuy có sự xáo trộn, biến đổi, song nhìn chung dân số của thị xã không đông và cũng không tăng lên bao nhiêu. Theo những số liệu của chính quyền thực dân lúc đó, thì vào trước năm 1932, cả sáu phố và hai khu ở thị xã chỉ có 1.500 người trong đó có 850 suất đinh. Năm 1939, số đinh cũng chỉ lên 1.005 người.
* * *
Hưởng nền độc lập chưa được bao lâu, đầu năm 1947 thị xã Phú Thọ bước vào chiến dịch tiêu thổ để cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Đã có 1.350/1.550 ngôi nhà gạch ngói 1-2 tầng cùng với hệ thống ống dẫn nước, cầu cống, đường xe lửa được phá hủy hoàn toàn. Hàng trăm km đường giao thông hào, hàng ngàn rào lũy, hầm bí mật, ụ cản được đào đắp. Ngày 13-5-1947, hơn 300 lính Pháp nhảy dù chỉ chiếm được một khu vực ngổn ngang, không một bóng người, vì vậy chỉ mấy ngày sau phải lặng lẽ rút lui.
Đầu năm 1948, xã Phú Thọ ra đời, quản lý lãnh thổ các khu Phú Liêm, Phú Lợi, Cao Bang và đất đai 6 phố nội thị. Xã Phú Thọ kể từ đây đặt trong huyện Thanh Ba.
Tháng 9-1949, địch huy động 2.000 lính mở cuộc càn quét Con Nhộng thực hiện chính sách tam quang, lướt qua địa bàn xã.
Cuối năm 1952, địch lại hướng lên Phú Thọ, chiếm đóng địa phương nhưng đến 25-11-1952 lại phải kết thúc cuộc hành quân mang tên Lorel.
Hòa bình lập lại, ngày 5-3-1955 thị xã Phú Thọ được tái lập. Từ đó cho tới năm 1960 xoay quanh địa điểm dựng đặt tỉnh lỵ đã được nêu ra:
– Chuyển tới Phú Xuân, cách thị xã Phú Thọ 8km, bám Quốc lộ 2.
– Đặt tại Việt Trì vốn là căn cứ quân sự, cơ sở công nghiệp giấy có từ thời Pháp thuộc.
– Khi Trung ương dự kiến phục hồi và mở rộng sân bay Phú Thọ, có ý kiến đề xuất chuyển tỉnh lỵ về Lâm Thao vì khi đó địa phương đang xây dựng khu công nghiệp supe phosphate.
Sau một thời gian dài cân nhắc, bàn bạc thảo luận kỹ, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ quyết định địa điểm thị xã tỉnh lỵ nên giữ ở vị trí cũ, vì:
- Thị xã Phú Thọ ở vào vị trí tương đối trung tâm của tỉnh, giao thông thuận lợi, có đường bộ, đường thủy, đường sắt, không những đối với 10 huyện trong tỉnh được thuận tiện mà đối với các tỉnh bạn ở lân cận và thủ đô Hà Nội cũng sử dụng tốt cả ba phương tiện giao thông (thủy, bộ, đường sắt).
- Tận dụng được cơ sở hạ tầng thị xã cũ như đường phố, bến sông, mặt nền, sân bãi.
- Nhân dân thị xã đã hồi cư làm thành phố, thành chợ khá sầm uất. Điều đó chứng tỏ nơi đây là một đầu mối giao thông khá thuận tiện.
- Độ cao của thị xã, của nước sông hoặc úng thủy của nước đồng, bờ sông ở vào thế sườn không bị xói lở. Trải qua hàng trăm năm, khúc sông này không bị uốn dòng. Thị xã nằm kề ngay ở bờ sông không những tiện bến mà còn đẹp về phong cảnh.
So với thị xã Phú Thọ thì về giao thông đối ngoại của Việt Trì có thuận tiện hơn đôi chút, đang được xây dựng thành thành phố công nghiệp nhưng lại nằm ở cuối tỉnh, sẽ khó khăn cho việc liên lạc với các huyện cũng như sự chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh. Đối với Phú Xuân, tuy cũng ở vào vị trí tương đối trung tâm điểm nhưng ở vào đất giữa xa sông, xa đường sắt. Còn việc chuyển xuống thị trấn Lâm Thao thì hội tụ được nhiều yếu tố như: có cơ sở công nghiệp trung ương, có di tích lịch sử đền Hùng, gần sông, gần đường sắt nhưng lại mắc bãi bồi, mắc đê, đồi cao xen lẫn ruộng trũng.
Từ đặc điểm tình hình, nhiệm vụ nói chung của tỉnh trong kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế – văn hóa, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã thống nhất nhận định đặt vị trí của thị xã tỉnh lỵ vào địa điểm cũ là đúng. Với tư cách là trung tâm văn hóa – chính trị của tỉnh, ngoài việc đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp địa phương, xuất khẩu, giao lưu k giữa đồng bằng và miền núi, thị xã Phú Thọ còn có chức năng trung chuyển giữa Hà Nội với Tuyên Quang, Hà Giang; Hà Nội – Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội – Sơn Tây, Tây Bắc.
Đầu năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú. Sự kiện trên đây đã khiến cho Việt Trì giữ vị trí trung tâm của tỉnh mới và do đó cũng đảm nhận luôn vai trò thị xã tỉnh lỵ. Đầu năm 1997, tỉnh Phú Thọ tái lập nhưng tỉnh lỵ vẫn đặt tại Việt Trì.
Hơn 110 năm đã qua đi, thị xã Phú Thọ dù trải bao thăng trầm và biến cải nhưng hình ảnh một đô thị xinh xắn, nên thơ của rừng cọ, đồi chè vẫn luôn sống động trong tình cảm của bao người.
K.Đ.T
Chú thích:
[1] Từ năm 1903 đến năm 1932, các công sứ sau đây đã đứng đầu tỉnh Phú Thọ: Bonnetain, Lapouyade, Richard, Gaillard, Servóie, Leveque, Herbinet, Louis, Huckel, Colas, Pasano.
[2] Từ năm 1903 đến năm 1932, các tuần phủ sau đã ở thị xã Phú Thọ: Hoàng Mạnh Trí, Chế Quang Ân, Lê Trung Ngọc, Trần Văn Thông, Đặng Trần Vỹ, Lê Văn Đình, Vũ Huy Trúc, Hoàng Huấn Trung.