18/06/2018, 16:32

Về nguồn gốc con người và vũ trụ

Phúc Lâm I. Vài huyền thoại cổ xưa về nguồn gốc con người và vũ trụ Trước hết, chúng ta hãy đi ngược trở lại thời tiền sử. Khi đó con người cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước thiên nhiên, từ những cơn bão tố sấm sét, những cuộc động đất, lụt lội, những kỳ núi lửa phun ra ...

7006637

Phúc Lâm

I. Vài huyền thoại cổ xưa về nguồn gốc con người và vũ trụ

Trước hết, chúng ta hãy đi ngược trở lại thời tiền sử. Khi đó con người cảm thấy yếu đuối và sợ hãi trước thiên nhiên, từ những cơn bão tố sấm sét, những cuộc động đất, lụt lội, những kỳ núi lửa phun ra nham thạch v.v… những hiện tượng con người khi đó không thể giải thích vì chưa đủ trí tuệ để hiểu. Ngoài ra con người còn phải đối diện với trăm thứ bệnh tật, bất an trong cuộc đời. Cho nên, thật là dễ hiểu khi chúng ta thấy con người thời đó nghĩ rằng, chắc những thiên tai, bệnh tật kể trên phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó nằm ngoài sự hiểu biết của họ, và họ đã qui mọi hiện tượng thiên nhiên về hoạt động của những bậc siêu nhiên mà họ gọi là Thần (Gods).  

Khi xưa, khi mà đầu óc con người còn ở trong tình trạng phôi thai, trong một số tôn giáo, sét được coi như là những lưỡi gươm của Thần của họ giáng xuống nhân loại, sấm được coi như là tiếng nói trong cơn thịnh nộ của Thần, những bệnh dịch tả, dịch hạch, vì có tính truyền nhiễm nên làm chết hại nhiều ngàn người vì chưa có thuốc phòng ngừa hay chữa chạy, cũng được coi như là họa của Thần giáng xuống đầu con người để trừng phạt con người vì tội đã làm phật ý Thần hay không tuân theo những luật của Thần, những luật mà theo tiêu chuẩn đạo đức xã hội ngày nay, khó ai mà có thể chấp nhận. Con người thời đó tin rằng Thần của họ có thể ban phúc giáng họa trên họ. Bởi vậy, tục lệ Tế Thần hầu như nơi đâu cũng có. Nhưng con người lại không chịu dậm chân tại chỗ, cho nên ngày nay, chúng ta đã hiểu, và hiểu rất rõ, bệnh tật từ đâu mà ra, tại sao có sấm, sét, và tiên đoán được khi nào có sấm, sét và có ở đâu v.v… Do đó, những quan niệm thuộc loại mê tín như Thần có thể ban phúc, giáng họa cho nhân loại là những quan niệm đã lỗi thời, không phù hợp với những thực tế ở ngoài đời. Nhưng buồn thay, niềm tin vô căn cứ này vẫn còn đè nặng trên đầu óc của một số người, ngay cả những nước Âu Mỹ được coi là văn minh tiến bộ nhất thế giới.

Có thể nói, cách đây mấy ngàn năm, mỗi nền văn hóa đều có một cách giải thích khác nhau về nguồn gốc con người và vũ trụ. Điểm chung của các quan niệm thuộc đa số các nền văn hóa khác nhau này là: có một vị Thần, hoặc dưới dạng người, hoặc dưới dạng sinh vật, đã tạo nên vũ trụ và con người. Sau đây tôi sẽ lược duyệt một số thần thoại, hay huyền thoại, hay truyền kỳ (myth) cũng như một số thuyết khoa học về nguồn gốc con người và vũ trụ. Chúng ta cần phân biệt huyền thoại và thuyết khoa học. Huyền thoại là những chuyện được lưu truyền trong dân gian, do sự tưởng tượng của con người, đưa ra những giải thích về thiên nhiên, lịch sử vũ trụ, thế gian, con người, và thường đặt trọng tâm vào vai trò của những bậc siêu nhiên được tạo thành theo trí óc, tưởng tượng của con người. Huyền thoại không dựa trên căn bản luận lý, thực nghiệm cho nên đối với các huyền thoại. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận là, tuy huyền thoại là những chuyện giả tưởng, nhưng là giả tưởng có ý nghĩa, và do đó có thể đáp ứng được khát vọng của con người về một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống, của những người đầu óc mộc mạc, không quan tâm đến suy luận hay tìm tòi, dễ dàng thỏa mãn với những giải đáp dễ dãi, những hứa hẹn hấp dẫn về một cuộc sống đời đời, với một giá rất rẻ: chỉ cần tin vào một vị Thần và cho rằng vị Thần này có khả năng cứu rỗi con người.

 Trái lại, một thuyết khoa học dựa trên sự quan sát sự việc, trên thực nghiệm và kiểm chứng. Sự khác biệt đặc biệt nhất giữa một huyền thoại và một thuyết khoa học là: một thuyết khoa học, tuy đã được kiểm chứng là phù hợp với những dữ kiện, kết quả của những nghiên cứu khoa học, những quan sát, những kết quả thực nghiệm v.v… nhưng luôn luôn dành chỗ cho những chống đối hay phản bác hợp lý và phù hợp với những dữ kiện mới, khám phá mới. Cho nên một thuyết khoa học không bao giờ được coi là chung cùng, mà chỉ có tính cách giai đoạn, chỉ đúng cho đến khi có một thuyết mới chứng tỏ ngược lại hoặc chứng tỏ thuyết cũ chỉ có một áp dụng giới hạn chứ không áp dụng được một cách phổ quát. Trái lại, những người dẫn dắt con người tin vào một huyền thoại, những chức sắc tôn giáo độc Thần Tây phương, lại khẳng định rằng những điều mình tin, không cần biết, không cần hiểu, là những chân lý Thiên khải, và nhiều khi sử dụng đến cả những phương cách bạo tàn như tra tấn, giết chóc, thiêu sống, chiến tranh v.v… để ép buộc quần chúng cũng phải tin như vậy, tuy rằng lịch sử đã chứng minh rằng những chân lý này là sai lầm và đã phải giải thích lại nhiều lần, với tất cả những co dãn trong tiểu xảo vận dụng ngôn ngữ. 

Năm 1930, trong một bữa tiệc, khi nâng ly chúc tụng Albert Einstein, cha đẻ của thuyết Tương Đối, đại văn hào George Bernard Shaw đã phát biểu một câu rất ý nhị như sau:

“Niềm tin vào Thần Ki Tô giải thích được mọi sự trong vũ trụ vật chất, do đó chẳng giải thích gì cả… Tôn giáo (độc Thần) bao giờ cũng đúng. Tôn giáo giải đáp mọi vấn đề và như vậy hủy bỏ mọi vấn đề trong vũ trụ… Khoa học đối ngược hẳn lại. Khoa học bao giờ cũng sai. Khoa học không bao giờ giải đáp một vấn đề mà không tạo ra thêm mười vấn đề.”1

Sau đây là vài huyền thoại về nguồn gốc con người và vũ trụ. Sự chọn lựa những huyền thoại này trong số hàng trăm huyền thoại trên thế gian là có chủ ý, để cho quý độc giả thấy rằng quan niệm về một vị Thần sáng tạo ra vũ trụ và muôn vật muôn loài không phải là một quan niệm đặc thù của một tôn giáo nào đó mà chúng ta vẫn thường tưởng lầm hay tin lầm như vậy. Những huyền thoại sáng tạo sau đây được viết dựa theo tài liệu trong cuốn “Origins: A Skeptic Guide To The Creation of Life on Earth”, Bantam Books, New York, 1987, của Robert Shapiro.

1.1. Huyền thoại sáng tạo (Creation Myth) của dân Eskimo:

Sinh vật đầu tiên ở trên thế gian mà chúng ta biết có tên là Cha Quạ (Father Raven). Cha Quạ tạo ra mọi đời sống trên trái đất, và là nguồn gốc của mọi thứ. Khởi thủy Quạ vốn có hình người và là một bậc toàn năng, nhưng sau trở thành con quạ.

Cha Quạ đột nhiên thức tỉnh tâm thức và thấy mình đang nằm trong sự tối tăm. Cha không biết mình sinh ra tự đâu và đang ở đâu. Mọi vật xung quanh đều tối đen nên cha không nhìn thấy gì. Cha mò mẫm trong tăm tối nhưng chỉ cảm thấy toàn là đất sét. Cha sờ lên mình lên mặt và thấy mình là một con người, một người đàn ông. Ngoài ra, trên trán cha có một cái u cứng, cái u này về sau biến thành cái mỏ quạ, nhưng lúc bấy giờ cha không biết được như vậy.

Cha Quạ bò trên đất sét để thám hiểm xung quanh mình. Trong khi mò mẫm cha đụng phải một vật cứng, cha vội chôn vật này xuống đất sét. Tiếp tục công cuộc thám hiểm đột nhiên cha tới một bờ mé, nên cha quay trở lại. Bỗng nhiên cha nghe thấy tiếng vù vù trên đỉnh đầu rồi một vật nhỏ bé đậu ngay lên tay cha. Dùng tay sờ sinh vật nhỏ bé này cha biết nó là một con chim sẻ. Con chim sẻ này đã hiện hữu nơi đây trước cha và tình cờ đậu vào tay cha trong tối tăm. Cha không hề biết là có con chim sẻ ở đây cho đến khi nó đậu vào tay cha.

Cha Quạ tiếp tục công cuộc thám hiểm của mình và trở lại nơi cha đã chôn một vật cứng trước đây. Vật cứng đó đã trổ rễ và mọc thành một bụi cây. Trên khoảng đất sét xung quanh đó nhiều cây cỏ khác đã mọc lên. Cha cảm thấy mình cô độc nên lấy đất sét nặn thành hình một người giống mình và chờ đợi. Cái tượng đất sét này biến thành sống động và bắt đầu đào bới mãi không thôi. Cái người mới này rất dễ nổi nóng và có nhiều thái độ thô bạo. Cha Quạ không ưa người này nên kéo hắn ra chỗ bờ mé và ném hắn xuống vực thẳm. Về sau con người bị ném xuống vực này trở thành nguồn gốc của mọi sự xấu ác ở trên đời. Cha Quạ trở lại chỗ bụi cây và thấy chúng đã trở thành một rừng câỵ Cha tiếp tục thám hiểm mọi phía xung quanh mình nhưng phía nào cũng chỉ thấy toàn là nước, trừ phía đã dẫn cha đến cái bờ mé kia. Trong khi đó thì con chim sẻ luôn luôn bay trên đầu Cha Quạ, nên cha nhờ con chim sẻ bay xuống vực quan sát tình hình dưới đó. Sau khi tham quan, con chim sẻ trở lại cho cha biết là có một vùng đất mới ở dưới đó.

Cha Quạ và con chim sẻ ở trên một vùng đất gọi là trời hay thiên đường (heaven). Vùng đất ở phía dưới, cha gọi nó là trái đất (earth). Cha sờ nắn con chim sẻ và thấy nó có cánh. Cha bèn lấy nhánh cây làm cho mình một đôi cánh giống như cánh của con chim sẻ. Những nhánh cây biến thành cánh thật, và mình mẩy cha mọc lông đen, cái u trên trán biến thành cái mỏ. Cha đã trở thành một con chim lớn đen thui, và cha tự gọi mình là con quạ.

Con Quạ cùng con chim sẻ bay từ trên thiên đường xuống trái đất, cả hai đều mệt lả sau chuyến bay. Sau khi nghỉ ngơi cho khỏe khoắn, con Quạ trồng cây trên trái đất như là đã trồng trên thiên đường, và rồi tạo ra giống người. Có người cho rằng Quạ lấy đất sét tạo ra người cũng như đã từng làm ở trên Thiên đường trước đó. Thế rồi Quạ tạo ra mọi sinh vật khác.

Sau khi tạo ra mọi sinh vật và chúng tăng gia sinh sản trên trái đất, con Quạ mới triệu tập loài người và bảo họ: Ta là Cha của các người. Nhờ có ta mà có các người và có đất đai để mà sống. Các người không được quên ta, phải thờ phụng ta. Rồi Quạ bay trở về Thiên đường.

Suốt thời gian sáng tạo trên, vũ trụ hoàn toàn tối tăm. Bấy giờ con Quạ mới lấy những viên đá lửa để tạo thành những ngôi sao, và một ngọn lửa lớn để soi sáng trái đất. Đó là tại sao trái đất, loài người và mọi sinh vật khác hiện hữu, nhưng trước khi tất cả những thứ trên hiện hữu thì đã có cha Quạ rồi, và con chim sẻ lại hiện hữu trước cả Cha Quạ.

1. 2. Huyền thoại sáng tạo của dân Ấn Độ:

Ấn độ có nhiều huyền thoại về nguồn gốc con người và vũ trụ. Theo Áo Nghĩa Thư (Upanishad) thì huyền thoại sau đây được ghi vào khoảng 700 năm trước thời đại này:

Thoạt kỳ thủy, vũ trụ này chỉ là cái Ngã (Self) dưới dạng người. Hắn (cái Ngã) nhìn xung quanh và không thấy bất cứ gì khác nên kêu to lên: Chỉ có Ta; từ đó quan niệm về cái Ta khởi giậy.

Rồi hắn cảm thấy sợ hãi. (Đây là lý do con người sống cô độc thường hay sợ hãi). Nhưng rồi hắn suy nghĩ: “Chỉ có một mình ta ở đây, vậy có gì mà phải sợ hãi?” Và hắn hết sợ. (Con người sợ là sợ một cái gì đó).

Tuy nhiên, hắn không lấy gì làm vui (sống cô độc thường không vui) nên muốn có bạn đời. Cái Ngã này bèn tự phân ra làm hai phần, và từ đó cặp tình quân và tình nương đầu tiên được sinh ra, và nhân loại sinh ra bắt đầu từ đó.

Nhưng sau đó nàng suy nghĩ: “làm sao mà chàng ngẫu hợp với ta được vì ta chính là một phần của chàng? Vậy thôi ta hãy trốn đi cho rồi.” Để trốn chàng, nàng biến thành con bò cái. Chàng bèn biến theo thành con bò đực, và từ đó các loài trâu bò xuất hiện. Rồi nàng biến thành con ngựa cái, con lừa cái, con dê cái v.v… và chàng biến theo thành những con đực để cặp đôi với nàng. Từ đó tất cả các sinh vật trên thế gian, từ những sinh vật lớn cho đến những con sâu con kiến, xuất hiện. Thế rồi chàng ý thức được rằng chàng chính là đấng sáng tạo vì khởi thủy của mọi vật chính là chàng. Từ đó sinh ra quan niệm về sáng tạo.

1.3. Huyền Thoại Sáng Tạo Ba-Tư (Huyền thoại Zoroaster):

Zoroaster là tên Hi Lạp của nhà tiên tri Ba Tư Zarathustra, sống ở Ba Tư vào khoảng 1500 năm Trước Tây Lịch (TTL) hay trước thời đại chung hay công nguyên (common era: C.E.). Ngày nay, đa số học giả dùng chữ trước công nguyên (B.C.E.) và công nguyên (C.E.) thay cho những danh từ tôn giáo B.C (Before Christ) và A. D (Anno Domino), những danh từ đã trở thành lỗi thời trong một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Trước Công Nguyên viết tắt là TCN, nhưng thay vì Công Nguyên tôi thường dùng từ Tây Lịch [TL].

Huyền thoại Zoroaster không tin vào một vị Thần toàn năng, sáng tạo ra muôn loài, muôn vật, vì cho rằng quan niệm toàn năng đưa đến một nghịch lý: Nếu Thần toàn Thiện thì Thần không thể toàn năng, vì Thần bất lực trước sự hiện hữu của những sự xấu ác trên thế gian; và nếu Thần toàn năng thì Thần không thể toàn Thiện, vì Thần dung dưỡng những sự xấu ác ở trên đời. Cho nên, huyền thoại Zoroaster quan niệm có hai vị Thần riêng biệt, ông Thiện làm chủ những việc thiện, tốt, và ông Ác làm chủ những việc xấu, ác.

Theo huyền thoại Zoroaster thì đấng sáng tạo là Ahura Mazda, về sau được biết dưới tên Ohrmazd. Thần Ohrmazd đã hiện hữu từ muôn thuở, trên Thiên Đường, trong ánh sáng và tính thiện. Còn vị Hung Thần, Angra Mainyu, sau được biết dưới tên Ahriman, ngự trị ở dưới trần, trong tối tăm và vô minh. Thoạt kỳ thủy, Ohrmazd tạo ra những Thiên Thần trên Thiên đường rồi sau đó tạo ra vũ trụ như là một cái bẫy để nhốt những sự xấu ác. Trong vũ trụ, Thần Ohrmazd tạo ra thế giới tâm linh trước rồi thế giới vật chất sau. Vũ trụ của Thần có hình dạng của một quả trứng, trái đất bập bềnh ở giữa. Trái đất có dạng của một cái đĩa dẹt. Thần Ohrmazd cũng tạo ra con người hoàn hảo, Guyomard, và con bò rừng nguyên thủy, con bò này là nguồn gốc của mọi súc vật và cây cỏ. Trong khi đó thì Ác Thần Ahriman bận bịu tạo ra những con vật đáng ghê như rắn rết và kiến.

Bản tính của Ahriman là phá hoại cho nên hắn tấn công những tạo vật của Ohrmazd. Hắn len lỏi vào vũ trụ theo đường chân trời. Hắn thả những tạo vật của hắn ra tấn công con người và con bò rừng, tạo nên sự đau khổ và chết chóc. Nhưng khi hắn và những tạo vật của hắn rời khỏi vũ trụ thì hắn thấy lối ra đã bị bít kín và không có cách nào thoát ra được. Con bò rừng sinh ra những mầm giống từ đó nảy nở ra những súc vật và cây cỏ. Từ hạt giống người mọc lên một cái cây, lá của cây này trở thành cặp nam nữ đầu tiên. Cái ác nay đã bị mắc bẫy trong vũ trụ, do đó Thiện và Ác tiếp tục chống nhau trong suốt dòng lịch sử kể từ khi mọi vật được sáng tạo.

1.4. Huyền Thoại Sáng Tạo Do Thái – Ki Tô (Judeo-Christian Creation Myth):

Huyền thoại sáng tạo Do Thái – Ki Tô là kết quả cóp nhặt, pha trộn của nhiều huyền thoại sáng tạo dân gian. Do đó, huyền thoại sáng tạo Do Thái – Ki Tô không có gì đặc biệt và đáng tin hơn các huyền thoại sáng tạo khác. Tuy nhiên, vì Ki Tô Giáo đã bành trướng mạnh trên thế giới bằng gươm giáo, súng đạn với chính sách xóa bỏ những nền văn hóa khác, tín ngưỡng khác, cưỡng bách cải đạo v.v… do đó đã tiến tới địa vị bá chủ ở Âu Châu trong hơn 1500 năm, cho nên hiện nay có nhiều người tin vào huyền thoại này, vào khoảng từ 25 đến 30% dân số trên thế giới, hơn 70% số người này thuộc các quốc gia kém mở mang nhất trên thế giới như ở Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh, Nam Mỹ, Phi Luật Tân và ở vài cộng đồng nhỏ ở Á Châu. Huyền thoại này là niềm tin của khoảng 7% dân Việt Nam theo Công Giáo La Mã 

Huyền thoại sáng tạo Do Thái – Ki Tô được viết trong Thánh Kinh Ki Tô, Cựu Ước, chương 1 và 2 của quyển đầu: Sáng Thế Ký, trong hai chương này chúng ta nên để ý là có hai huyền thoại sáng tạo hoàn toàn khác nhau. Vì chương Sáng Thế trong Cựu Ước được coi như là những lời mặc khài của Thần Ki-Tô đọc cho Moses viết nên không thể sai lầm, cho nên khi đọc Thánh Kinh chúng ta không biết phải tin huyền thoại sáng tạo nào, huyền thoại trong chương 1 hay huyền thoại trong chương 2? Đối với những tín đồ Ki Tô Giáo thì đây lại là một vấn đề khó giải quyết vì họ không có cách nào trả lời cho suôi một số câu hỏi: tại sao cả hai huyền thoại đều là những lời mặc khải của Thần Ki Tô mà lại hoàn toàn khác nhau? Vậy có thật đó là những lời mặc khải của Thần Ki-Tô không? Nếu không phải, thì những huyền thoại đó có đáng tin hay không? Tại sao lại đáng tin và phải tin huyền thoại nào? Ngày nay, các học giả đã đồng thuận ở một điểm: Cựu Ước không phải là những lời của Thần Ki Tô “mặc khải” cho Moses, và Ngũ Kinh, năm quyển đầu trong Cựu Ước, không phải là Moses viết mà là do bốn môn phái khác nhau trong xã hội Do Thái viết trong vòng mấy trăm năm sau khi Moses chết.

Để cho vấn đề thêm sáng tỏ, tôi xin tóm tắt hai huyền thoại sáng tạo trong Cựu Ước:

Theo Sáng Thế 1 thì con người và vũ trụ gồm mọi vật trong đó được Thần Ki-Tô tạo ra trong 6 ngày như sau:

– Ngày thứ nhất: Tạo ra ánh sáng, chia ánh sáng ra làm hai phần: sáng và tối, gọi phần sáng là ban ngày, phần tối là ban đêm. Đó là ngày thứ nhất, gồm có buổi sáng (morning) và buổi tối (evening).

Theo Thánh Kinh thì Thần Ki-Tô tạo ra ánh sáng bằng một lời phán: “Có ánh sáng nè”, ánh sáng liền hiện ra. Có một thắc mắc cần nêu lên: Khi đó chỉ có một mình Thần Ki Tô, chưa có con người, vậy ai là người ở đó để mà nghe thấy Thần nói: “Có ánh sáng nè” và viết lại trong Cựu Ước như vậy? Thắc mắc này cũng áp dụng cho mọi lời “Rồi Thần nói” (Then God said..) trong Cựu Ước “trước khi” Thần tạo ra con người. Do đó huyền thoại trong Sáng Thế Ký hoàn toàn vô nghĩa vì không ai có thể biết được Thần Ki Tô làm gì lúc “ban đầu”. Giáo hội dạy rằng Ngũ Kinh (5 quyển đầu trong Cựu Ước) là những lời mạc khải của Thần cho Moses viết. Nhưng ngày nay tất cả các học giả nghiên cứu Thánh Kinh đều khẳng định rằng Ngũ Kinh tuyệt đối không phải là những lời “mạc khải” của Thần cho Moses, vì Moses không phải là tác giả của Ngũ Kinh trong Cựu Ước. Cho nên, ngay từ đầu, chuyện Sáng Thế trong Cựu Ước chỉ là chuyện tưởng tượng của dân Tộc Do Thái, nghĩ ra để giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người, phù hợp với lịch sử và niềm tin của họ khi đó

Rồi “Thánh Kinh” viết tiếp, Thiên Chúa chia ánh sáng đó ra làm hai phần, sáng và tối, gọi phần sáng là ngày và tối là đêm. Thiên Chúa gọi ngày và đêm bằng tiếng nước nào, tiếng Hi Lạp, Do Thái hay tiếng Lèo, và tại sao lại gọi bằng tiếng nước đó.

Mặt khác, ngày và đêm chỉ có nghĩa đối với con người trên trái đất, và tùy thuộc vị trí của mặt trời đối với trái đất. Thí dụ, ở bên Mỹ (tùy nơi) là 12 giờ đêm thì ở Việt Nam đã là trưa ngày hôm sau. Cho nên, chúng ta không thể có một ý niệm nào về ngày và đêm nếu không có mặt trời và chuyển động biểu kiến (có nghĩa là trông thấy vậy mà không phải vậy) của mặt trời đối với trái đất. Thời gian mặt trời soi sáng phần nào của trái đất thì ở đó ta gọi là ngày. Khoảng thời gian không có ánh sáng mặt trời chiếu vào thì gọi là đêm.

– Ngày thứ nhì: Dựng nên một vòm (firmament) và gọi là Trời (Heaven).

– Ngày thứ ba: Phân tách riêng nước và đất khô dưới vòm trời, gọi vùng đất khô là Trái Đất (Earth) và vùng nước là Biển (Sea). Rồi tạo dựng nên cây cỏ trên trái đất.

– Ngày thứ tư: Tạo nên mặt trời, mặt trăng, và sao.

– Ngày thứ năm: Tạo nên những sinh vật dưới nước và trên không.

– Ngày thứ sáu: Tạo nên thú dữ, gia súc, sâu bọ v.v… và người nam, người nữ, theo đúng hình ảnh của Thần.

– Ngày thứ bảy: Nghỉ.

Trên đây là huyền thoại sáng tạo trong chương Sáng Thế 1. Sang đến chương Sáng Thế 2, huyền thoại sáng tạo hoàn toàn khác biệt. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ tóm tắt huyền thoại sáng tạo trong chương Sáng Thế 2 như sau, Ibid., trg. 17:

“Thoạt kỳ thủy khi Chúa dựng nên trời đất, thì trái đất còn hoang vu. Chúa bèn lấy bụi đất mà dựng nên ông A Đam rồi thổi sinh khí vào hai lỗ mũi ông cho ông thành người sống động. Sau đó dựng nên một cái vườn cho ông ở, và lúc ấy mới dựng nên cây cối. Sau đó, muốn cho ông có một bạn (đời) xứng đáng nên đã dựng nên các loài vật, và các chim trời, và đem chúng lại cho ông đặt tên. A Đam chê chẳng tìm được bạn (đời) nào thích hợp. Chúa bèn cho ông ngủ đi và lấy một khúc xương sườn của ông để tạo dựng nên bà E Và.

Ta nhận thấy trong chương hai này không có nói dựng nên mặt trời mặt trăng gì cả, mà lấy con người làm trọng tâm. Trong chương này, Chúa dựng nên con người trước rồi mới dựng nên cây cối và vạn vật sau. Sánh hai chương trên, ta đã thấy một sự mâu thuẫn quá lớn lao. Không có lý nào mà Ngũ Kinh do Chúa đọc cho một tác giả duy nhất là Moses chép, khi mô tả cùng một công chuyện tạo dựng, lại có thể khác nhau đến như vậy.”

Trên đây tôi đã tóm lược vài huyền thoại trên thế gian. Chúng ta thấy rằng, bản chất những huyền thoại trên đều như nhau, không có huyền thoại nào đáng tin hơn huyền thoại nào. Do đó, ai muốn tin vào huyền thoại nào thì tin. Con người căn trí bất đồng nên lòng tin của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào trí tuệ và mức độ hiểu biết của mỗi cá nhân. Trong ánh sáng của khoa học với những sự kiện không ai có thể phủ bác thì những huyền thoại kể trên không có bất cứ một căn bản thuyết phục nào.

Từ những huyền thoại sáng tạo và những khám phá mới nhất của khoa học, ngày nay chúng ta có thể xếp những quan niệm về thế giới và vũ trụ của chúng ta trong ba loại.

1). Quan niệm về một thế giới thường hằng vĩnh cửu: Thế giới hiện hữu từ muôn đời và luôn luôn như vậy, không bao giờ thay đổi. Đây là quan niệm điển hình của Arsitotle, một triết gia Hi Lạp trong thế kỷ 4 (384-322) trước thời đại thông thường ngày nay. Quan niệm này loại bỏ sự sáng tạo cũng như sự tận thế. Đây cũng là quan niệm của nhiều triết gia và khoa học gia cho tới đầu thế kỷ 20.

2). Quan niệm về một thế giới không thay đổi và ngắn hạn: Đây là quan niệm của Ki-Tô Giáo như được viết trong Thánh Kinh. Đây cũng là quan niệm chiếm địa vị độc tôn trong thế giới Tây phương từ thời Trung Cổ cho tới giữa thế kỷ 19. Quan niệm này dựa trên niềm tin là thế giới này hình thành do sự “sáng tạo” của một vị Thần toàn năng như được viết trong 2 chuyện “sáng thế” khác nhau trong Cựu Ước (Sáng Thế Ký 1 & 2), và ngày tận thế sẽ xảy ra ngay trong thời của Giê-su, như Giê-su đã nhiều lần đoan quyết, bảo đảm trong Tân Ước.

3). Quan niệm về một thế giới lâu dài và luôn luôn thay đổi. Đây là quan niệm khoa học, dính liền với thuyết tiến hóa. Tuy tư tưởng tiến hóa đã có từ lâu nhưng vì Ki-Tô Giáo giữ địa vị độc tôn ở Tây phương từ thế kỷ 4 nên những tư tưởng này không phát triển được và không được chấp nhận. Cho đến 1859, khi Charles Darwin xuất bản tác phẩm Về Nguồn Gốc Các Chủng Loại (On the Origin of Species), thuyết Tiến Hóa mới bắt đầu phát triển

Ngày nay, quan niệm về một thế giới thường hằng, vĩnh cửu, và quan niệm tôn giáo về “sáng tạo” thế giới bị dẹp bỏ, chỉ còn lại quan niệm khoa học về thế giới. Và vì vũ trụ có trước con người cả nhiều tỷ năm nên sau đây tôi sẽ trình bày thuyết Big Bang (Sự Nổ Bùng Lớn) về nguồn gốc của vũ trụ trước, rồi từ đó chúng ta sẽ tiến đến những quan niệm về nguồn gốc con người trên trái đất.

II. Nguồn gốc vũ trụ: Thuyết “Big Bang”

Nếu trong dân gian có rất nhiều huyền thoại dân gian và tôn giáo về sự sáng tạo ra vũ trụ (creation myth), kể cả huyền thoại sáng tạo của Do Thái – Ki Tô, mà ngày nay đã trở thành lỗi thời, thì trong khoa học chỉ có một thuyết giải thích nguồn gốc của vũ trụ (the origin of the universe) hay sự sinh ra của vũ trụ (the birth of the universe). Đó là thuyết “Big Bang”. Thực ra, đằng sau thuyết Big Bang là cả một rừng toán học phức tạp, những thành quả khoa học qua nhiều thời đại, kỹ thuật đo lường với những dụng cụ tối tân nhất của khoa học kỹ thuật ngày nay v.v.., sản phẩm của những đầu óc có thể nói là sáng nhất trong giới khoa học. Tuy nhiên, muốn hiểu Big Bang không phải là khó, chúng ta chỉ cần dùng cặp mắt trần nhìn lên những khoảng tối giữa các vị sao trên trời là có thể “thấy rõ” vũ trụ đã sinh ra từ một Big Bang. Mặt khác, chúng ta cũng có thể “thấy” Big Bang ngay trong chiếc TV mà chúng ta thường coi hàng ngày. Tôi sẽ trở lại về những cái “thấy” này trong một đoạn sau. Trong phần trình bày sau đây, tôi sẽ cố gắng viết về thuyết này một cách giản dị để cống hiến quý độc giả “câu chuyện Big Bang”. Tuy nhiên, vì đây là một đề tài khoa học và khả năng của tôi chỉ có hạn, cho nên, nếu có độc giả nào đọc bài này mà phát dị ứng với khoa học thì đó là tại vì tôi chưa đủ khả năng để diễn giải rõ ràng một vấn đề, chứ không phải vì độc giả đó chưa đủ trí tuệ để hiểu. Một mặt khác, khoa học cần nhiều đến suy nghĩ và tưởng tượng. Cho nên, trong bài viết này tôi đòi hỏi độc giả đôi chút óc tưởng tượng và suy tư của con người. 

Thật là kỳ lạ, cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã đưa ra thuyết Vô Thường: Vạn Pháp, nghĩa là vũ trụ và mọi sự vật trong đó, thay đổi từng sát na, không có gì có thể gọi là Hằng Hữu, Hằng Sống, Hằng Tồn trong vũ trụ. Mọi sự vật, nếu đã do duyên sinh thì cũng do duyên mà diệt, đủ duyên thì sinh thành, hết duyên thì diệt, và thường đều phải trải qua bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại, diệt. Ngày nay, trước những khám phá mới nhất của khoa học, từ thuyết tiến hóa của Darwin cho tới thuyết Big Bang về sự thành hình của vũ trụ, tất cả đều chứng tỏ thuyết duyên khởi là đúng. 

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng nói rõ: “Ngoài thế giới nhỏ nhoi của chúng ta còn có hằng hà sa số thế giới khác”, và đã mô tả hình dạng của các thế giới này rất chính xác, thí dụ như có hình xoáy nước, hình bánh xe, hình nở như hoa v.v.. Ngày nay, khoa Vũ Trụ Học đã chụp được hình nhiều Thiên Hà trong vũ trụ có hình dạng giống như đã được mô tả trong Kinh Hoa Nghiêm, như sẽ được trình bày với ít nhiều chi tiết trong Phần II của cuốn sách này.

22 thế kỷ sau, vào thế kỷ 17, khoa học gia Giordano Bruno cũng đưa ra quan niệm là ngoài thế giới của chúng ta còn có nhiều thế giới khác. Ông bị giam 6 năm tù rồi đưa ra tòa án xử dị giáo. Tội của ông? Nhận định của ông trái với những lời “mặc khải” không thể nào sai lầm của Thần Ki-Tô trong Thánh Kinh của Ki-Tô Giáo: thế giới của chúng ta gồm có trái đất, mặt trời, mặt trăng và các vị sao mà mắt trần của chúng ta nhìn thấy hàng ngày là thế giới duy nhất mà Thần Ki-Tô tạo ra và trái đất là trung tâm của thế giới này. Vì là một Linh Mục dòng Đa Minh, tòa sẽ trả tự do cho ông nếu ông rút lại nhận định trái ngược với Thánh Kinh của Ki-Tô Giáo và tuyên bố là mình sai lầm. Nhưng có vẻ như ông là đệ tử của cụ Khổng nên có tư cách của người quân tử: “uy vũ bất năng khuất” nên ông không chịu “sửa sai”. Kết quả là ông bị tòa án xử dị giáo xử có tội, tuyệt thông ông (nghĩa là khai trừ ông ra khỏi giáo hội, không cho ông hưởng các “bí tích” và lên Thiên đường hiệp thông cùng Chúa) và mang ông đi thiêu sống. (Xin đọc các bài “Phật Giáo và Vũ Trụ Học” và “Phật Giáo và Cuộc Cách Mạng Khoa Học” trong Phần II.) Từnhững sự kiện trên, chúng ta thấy rằng, trí tuệ của Đức Phật đã vượt xa trí tuệ của Thiên Chúa của Ki-Tô Giáo, ít ra là về nguồn gốc và cấu trúc của vũ trụ. Bởi vậy, một trong 10 danh hiệu người đời gọi Đức Phật là “Thiên, Nhân Sư”, nghĩa là bậc Thầy của những bậc sống trên Trời như Thần Ki-Tô và của con người sống trên trái đất.

Ngày nay, các khoa học gia đều công nhận chúng ta đang sống trong một vũ trụ sống động, thay đổi liên tục. Vũ trụ, cũng như mọi vật trong đó, từ nhỏ như một vi khuẩn cho tới lớn như một ngôi sao v.v… đều có một đời sống, nghĩa là, được sinh ra và sẽ chết đi. Vấn đề sinh tử không còn xa lạ gì với con người, nhưng vấn đề các ngôi sao, và rất có thể cả vũ trụ, cũng sinh tử thì thực ra các khoa học gia mới chỉ biết tới cách đây khoảng chưa đầy 80 năm. Khoa học ngày nay đã thấy lại, sau cái thấy của Đức Phật gần 25 thế kỷ, về sự cấu tạo và tính cách vô thường của vũ trụ.

Cho tới đầu thập niên 1920, các nhà vũ trụ học (vũ trụ học là môn học khảo sát về nguồn gốc, sự tiến hóa và sự cấu tạo của vũ trụ) đều cho rằng vũ trụ chỉ là giải Ngân Hà mà Thái Dương Hệ (hệ thống mặt trời và các hành tinh trong đó có trái đất) của chúng ta nằm trong đó, và vũ trụ này có vẻ như vô cùng tận, thường hằng, nghĩa là không thay đổi và có tính cách vĩnh cửu (eternal). Vào đầu thập niên 1920, các chuyên gia khảo cứu vũ trụ, qua những kính thiên văn tân kỳ, khám phá ra rằng giải Ngân Hà (Milky Way), trong đó có thể có tới cả trăm tỷ ngôi sao, mỗi ngôi tương tự như mặt trời trong Thái Dương Hệ, thật ra chỉ là một ốc đảo, một Thiên Hà (galaxy), trong vũ trụ. 

Ngoài giải Ngân Hà ra còn cả triệu, cả tỷ Thiên Hà khác rải rác trong vũ trụ. Mỗi Thiên Hà đều chứa ít ra là cả tỷ ngôi sao, tương tự như giải Ngân Hà. Trong vũ trụ, giải Ngân Hà có dạng của một cái đĩa, rộng khoảng 100000 (một trăm ngàn) năm ánh sáng, và Thái Dương Hệ của chúng ta ở cách tâm của giải Ngân Hà khoảng 30000 (ba mươi ngàn) năm ánh sáng. Trong vũ trụ học, vì phải kể đến những khoảng cách vô cùng lớn nên người ta thường dùng đơn vị đo chiều dài là 1 năm ánh sáng, hoặc đơn vị parsec bằng hơn ba năm ánh sáng một chút (3.2616). Chúng ta đều biết, ánh sáng truyền trong không gian với vận tốc khoảng 300000 cây số trong một giây đồng hồ. Chúng ta cũng biết một phút có 60 giây, một giờ có 60 phút, một ngày có 24 giờ, và một năm có khoảng 365 ngày. Do đó, chúng ta có thể tính ra khoảng cách của một năm ánh sáng. Khoảng cách này vào khoảng 9460800000000 (9 ngàn 4 trăm 60 tỷ 8 trăm triệu) cây số, hoặc gần 6000000000000 (6 ngàn tỷ) Miles.

Làm sao mà các khoa học gia có thể đo được những khoảng cách vô cùng lớn như vậy? Lẽ dĩ nhiên không phải đo bằng thước mà bằng một phương pháp gián tiếp qua những dụng cụ khoa học, và đây chính là sự kỳ diệu của những phát minh khoa học song hành với sự phát triển trí tuệ của con người.

Năm 1923, khi quan sát khối tinh vân (nebula) Andromeda, một khối trông như một đám bụi sáng mờ mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt trần, qua một kính thiên văn vĩ đại tân kỳ có đường kính khoảng hai thước rưỡi, Edwin Hubble nhận ra rằng đó không phải là một khối tinh vân mà chính là một thiên hà tương tự như giải ngân hà. Quan sát kỹ, Hubble nhận thấy trong thiên hà này có những ngôi sao mà độ sáng của nó thay đổi một cách đều đặn, nghĩa là hiện tượng ngôi sao mới đầu sáng, rồi mờ đi, rồi lại sáng trở lại, và cứ tiếp tục thay đổi đều đặn như vậy. Các ngôi sao thay đổi độ sáng này có tên khoa học là Cepheid (Cepheid variables). Thời gian của một chu trình thay đổi này tùy thuộc ở độ sáng trung bình của ngôi sao. Chu trình thay đổi này có thể kéo dài trong khoảng từ 1 tới 50 ngày, tùy theo ngôi sao, nhưng rất đều đặn, thí dụ 15 ngày chẳng hạn, đối với một ngôi sao nào đó. Thời gian của chu trình này cho chúng ta biết chính xác độ sáng của ngôi sao đó. Và độ sáng biểu kiến (apparent brightness), nghĩa là thấy vậy mà không phải thực là vậy, của các ngôi sao ghi giữ lại trên các kính thiên văn sẽ cho chúng ta biết khoảng cách từ ngôi sao đến trái đất, vì theo một định luật đã được kiểm chứng trong khoa học, độ sáng biểu kiến chẳng qua chỉ là độ sáng thật chia cho bình phương của khoảng cách. Thí dụ, nếu chúng ta đo thấy độ sáng biểu kiến của ngôi sao A chỉ sáng bằng một phần tư độ sáng biểu kiến của ngôi sao B thì chúng ta có thể kết luận là ngôi sao A ở xa chúng ta gấp đôi ngôi sao B, vì bình phương của một nửa là một phần tư.

Qua kỹ thuật đo khoảng cách này, các khoa học gia biết rằng thiên hà Andromeda cách xa chúng ta khoảng hai triệu năm ánh sáng (700 ngàn parsec) và là thiên hà hàng xóm gần chúng ta nhất. Với những kính thiên văn ngày càng tân kỳ có khả năng ghi lại những ánh sáng rất yếu, từ rất xa, các khoa học gia đã biết được có những thiên hà cách xa chúng ta cả chục triệu năm ánh sáng, cả trăm triệu năm ánh sáng, rồi đến cả chục tỷ năm ánh sáng.

Các khoa học gia thường có thói xấu là “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày chủ nhật” và cứ lập đi lập lại một thí nghiệm để chắc rằng những dữ kiện khoa học phù hợp nhau, từ đó mới đưa ra những xác định khoa học. Tới năm 1929, Edwin Hubble nhận ra một hiện tượng kỳ lạ: có vẻ như các thiên hà càng ngày càng di chuyển ra xa chúng ta. Hiện tượng trên chính là căn bản thuyết lý của Big Bang. Để hiểu rõ vấn đề, có lẽ chúng ta cần đi thêm vào chút ít chi tiết.

Sở dĩ Edwin Hubble khám phá ra hiện tượng trên là vì, khi quan sát những quang phổ (spectrum) ánh sáng từ các thiên hà, ông thấy vị trí của toàn bộ quang phổ này thay đổi với thời gian. Chúng ta biết rằng, dùng một lăng kính (prism) chúng ta có thể phân ánh sáng trắng của mặt trời ra làm bảy màu khác nhau, tương tự như những màu ta nhìn thấy trên một cầu vồng sau một cơn mưa, đó là quang phổ của ánh sáng mặt trời. Tương tự, ánh sáng từ các thiên hà, khi đi qua một quang phổ kế (spectroscope), nghĩa là một tổ hợp của kính hiển vi (microscope) và lăng kính (prism), cũng cho chúng ta những quang phổ tương ứng. Quan sát kỹ những quang phổ này, chúng ta thấy ngoài những màu chính còn có những vạch sáng và tối xen kẽ. Không đi vào chi tiết, chúng ta có thể nói rằng, vị trí của những vạch này cho chúng ta biết những nguyên tố đã phát ra ánh sáng tạo thành quang phổ đó, vì với mỗi nguyên tố, vị trí của những vạch này cố định. Nhưng khi quan sát những quang phổ này, Hubble thấy chúng chuyển sang phía đỏ (redshift), điều này chứng tỏ các thiên hà tương ứng với những quang phổ chuyển sang phía đỏ trên đang di chuyển càng ngày càng xa chúng ta. Đây là kết quả của một hiện tượng trong khoa học gọi là Hiệu Ứng Doppler (Doppler Effect). Trước khi đi vào chi tiết của hiệu ứng này, chúng ta cần biết qua về cấu trúc của ánh sáng.

Về phương diện sinh lý, cặp mắt của con người quả thật vô cùng hạn hẹp. Chúng ta nhận biết được vật chất là vì có ánh sáng. Nhưng ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được chỉ là một phần rất nhỏ của các loại “ánh sáng” gọi chung là sóng điện từ (electromagnetic waves). Những sóng này vừa dao động (rung) vừa truyền trong không gian với một tốc độ rất nhanh, như chúng ta đã biết, khoảng 300000 cây số trong một giây đồng hồ. Số rung trong một giây đồng hồ được gọi là tần số rung của sóng. Các sóng này có thể rung tương đối chậm, có tần số khoảng một triệu lần (chu kỳ) trong một giây, đó là các sóng phát thanh ngắn (radio short waves), hoặc rung rất nhanh, khoảng một triệu tỷ tỷ chu kỳ trong một giây, đó là những tia quang tuyến X, tia Gamma. Khoảng cách sóng truyền đi trong không gian sau mỗi chu kỳ (một lần rung) gọi là độ dài sóng (wavelength). Độ dài sóng của các tia X, tia Gamma chỉ vào khoảng một-phần-triệu-tỷ mét, nghĩa là vô cùng nhỏ, ta có thể tạm coi là 0. Các sóng phát thanh ngắn có độ dài sóng vào khoảng 100 mét. Vậy nếu ta biểu diễn độ dài sóng của các loại ánh sáng trên một trục ngang, từ 0 tới 100 mét, nghĩa là trên một đoạn dài 100 mét, thì phạm vi ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy được bằng đôi mắt trần chỉ chưa tới một phần ngàn của một ly mét, hay là một phần triệu của một mét, trong khoảng từ 0,4 phần triệu của một mét (tương ứng với ánh sáng tím) tới 0,6 phần triệu của một mét (tương ứng với ánh sáng màu đỏ), một chấm nhỏ mà mắt con người không thể nào nhìn thấy được. Vâng, chỉ như vậy thôi, và các con số trên không lạ gì với các học sinh trung học.

Trở lại hiệu ứng Doppler, chúng ta chắc ai cũng có kinh nghiệm nghe tiếng còi của xe cứu thương hay xe cảnh sát thay đổi khi xe tiến lại gần, qua ta và rồi di chuyển ra xa. Tiếng còi nghe cao dần khi xe tiến lại gần ta và rồi trở thành trầm dần khi rời xa ta. Hiện tượng này chính là hiệu ứng Doppler, sóng âm thanh co lại hoặc dãn ra tùy theo âm thanh đó tiến lại gần ta hay rời xa ta. Vì sóng âm thanh di chuyển trong không gian với một vận tốc cố định nên âm thanh cao rung nhanh hơn và tương ứng với độ dài sóng ngắn hơn, và âm thanh trầm rung chậm hơn và tương ứng với độ dài sóng dài hơn. Sóng ánh sáng cũng vậy, truyền trong không gian với một vận tốc cố định. Cho nên khi quang phổ của ánh sáng, phát ra từ các thiên hà, chuyển sang phía đỏ, nghĩa là phía những sóng ánh sáng có độ dài sóng dài hơn, thì chúng ta có thể kết luận là các thiên hà đang di chuyển càng ngày càng xa chúng ta. Điều này có nghĩa là vũ trụ không phải là thường hằng, luôn luôn như vậy, không thay đổi, mà là đang nở rộng ra. Ngoài ra, Hubble cũng còn khám phá ra một định luật mang tên ông (Hubble’s law): rằng vận tốc di chuyển ra xa của các thiên hà thì tỷ lệ với khoảng cách giữa thiên hà và trái đất. Thí dụ, một thiên hà A ở xa trái đất gấp đôi thiên hà B thì vận tốc di chuyển của thiên hà A sẽ nhanh gấp đôi vận tốc di chuyển của thiên hà B.

Vậy, nếu ngày nay chúng ta có bằng chứng khoa học rằng vũ trụ đang nở rộng thì đi ngược thời gian chúng ta có thể tưởng tượng rằng vũ trụ trước đây nhỏ hơn bây giờ, trong đó các thiên hà gần nhau hơn. Tiếp tục đi ngược thời gian, chúng ta có thể thấy rằng, một thời nào đó, các thiên hà phải rất gần nhau, chồng chất lên nhau, không còn khoảng không gian nào giữa các thiên hà hay vật chất trong vũ trụ. Luận cứ này đưa tới quan niệm về Big Bang: vũ trụ thành hình do một sự nổ bùng lớn của một dị điểm vô cùng đặc, vô cùng nóng (vì tất cả vật chất trong vũ trụ được ép lại thành một điểm). Nóng bao nhiêu độ và đặc như thế nào, các khoa học gia đã tính ra được nhiệt độ và tỉ trọng của dị điểm này, tôi sẽ đưa ra vài con số trong một đoạn sau.

Quan niệm về một Big Bang không hẳn là khó hiểu, vì chúng ta có những hình ảnh tương tự, thí dụ như một chiếc pháo bông nổ trên trời, một quả bom nổ văng ra những mảnh bom có thể rất xa và khắp mọi hướng v.v… Chỉ có một điều khác biệt, pháo bông hay bom nổ xảy ra trong một khoảng không gian đã có sẵn, còn Big Bang là sự nổ bùng của một dị điểm cùng lúc tạo ra không gian và thời gian. Những khái niệm thông thường về thời gian và không gian mà chúng ta thường hiểu không áp dụng được trước khi Big Bang bùng nổ. Cho nên, câu hỏi: “vào thời điểm nào và dị điểm nằm ở đâu để mà bùng nổ?” hoàn toàn không có nghĩa, ít ra là đối với những khoa học gia.

Thật ra, sự nở rộng của vũ trụ đã được tiên đoán trong thuyết Tương Đối của nhà Vật Lý Học Albert Einstein. Những phương trình toán học trong thuyết Tương Đối suy rộng (General Theory of Relativity) của Einstein đã tiên đoán hiện tượng này. Nhưng vào thời điểm cuối thập niên 1910, quan niệm của các khoa học gia Tây Phương về một vũ trụ thường hằng, luôn luôn như vậy không thay đổi từ vô thỉ đến vô chung, một quan niệm mà thực chất là bác bỏ thuyết sáng tạo của Ki Tô Giáo, đã ăn sâu vào đầu óc của mọi người, kể cả Einstein. Cho nên, trong những phương trình toán học của thuyết Tương Đối, thay vì trình bày sự tiên đoán trên, Einstein đã cho vào các phương trình toán học của ông một hằng số vũ trụ (cosmic constant) để triệt tiêu sự nở rộng của vũ trụ. Về sau, Einstein công nhận đó là một sai lầm lớn nhất (biggest blunder) trong suốt cuộc đời phục vụ cho khoa học của ông. Tuy vậy, Einstein vẫn được cả thế giới tôn vinh là một khoa học gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Muốn hiểu tại sao thế giới lại tôn vinh Einstein như trên, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua thuyết Tương Đối của Einstein và chỗ đứng của thuyết này trong thuyết Big Bang. Năm 1905, Einstein đưa ra thuyết tương đối hẹp (Special theory of Relativity) để giải thích bản chất của không gian và thời gian. Thuyết này, ngoài sự chứng minh tính chất tương đối của không gian và thới gian, còn cho chúng ta biết vận tốc của ánh sáng, thường được viết bằng ký hiệu c, là một vận tốc giới hạn, nghĩa là không có gì có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, do đó vận tốc của ánh sáng là một hằng số tuyệt đối (absolute constant). Einstein cũng cho chúng ta biết sự tương quan giữa năng lượng (energy) và vật chất (matter) qua phương trình E = mc2, E là năng lượng tương ứng với khối lượng m của vật chất, và c là vận tốc của ánh sáng. Một điểm đặc biệt khác của thuyết tương đối hẹp của Einstein là thuyết này đã tổ hợp không gian và thời gian thành một miền chung có tên khoa học là miền liên tục khônggian – thờigian (spacetime continuum), được mô tả bởi một tập hợp các phương trình. Miền liên tục không gian – thờigian này thành ra có 4 chiều, 3 chiều cho không gian và một chiều cho thời gian. Đầu óc của chúng ta đã quen với một không gian 3 chiều trong đó 3 trục ngang, dọc, và thẳng đứng thẳng góc với nhau, nên chúng ta khó có thể quan niệm một trục thứ tư, trục thời gian, thẳng góc với cả 3 trục trên. Nhưng những phương trình toán học trong thuyết tương đối hẹp của Einstein lại cho chúng ta “thấy” rõ rằng miền liên tục khônggian – thờigian đúng là như vậy, vì trong những phương trình này, chiều thứ tư, chiều thời gian, bằng cách nào đó lại dính đến những khoảng cách âm (negative distances), biểu thị bằng một dấu trừ trước thông số thời gian, ký hiệu là t, trong các phương trình. Không đi vào chi thiết phức tạp của các phương trình toán học, chúng ta có thể dùng một hình ảnh giản dị hơn để có một khái niệm về miền liên tục 4 chiều.

Chúng ta hãy tưởng tượng miền liên tục khônggian – thờigian này giống như một tờ cao su rộng, được căng thẳng như mặt trống chẳng hạn. Trên mặt tấm cao su này chúng ta hãy vẽ một trục biểu thị sự chuyển động trong không gian, và một trục thẳng góc với trục trên biểu thị sự chuyển động trong thời gian. Nói một cách toán học thì 3 chiều trong không gian đều tương đương như nhau, nên chúng ta có thể tưởng tượng một trục có thể tượng trưng cho cả 3. Bây giờ chúng ta hãy lăn một viên bi trên tấm cao su đó, chúng ta có hình ảnh của một vật chuyển động trong miền liên tục khônggian – thờigian.

Nhưng đây là sự chuyển động của một vật trong một mẫu khônggian – thờigian phẳng lì (flat spacetime), nghĩa là trong không gian và thời gian thuần túy. Thực tế là, trong vũ trụ không phải chỉ có không gian không, mà còn có hằng hà sa số các thiên hà như chúng ta đã biết. Do đó, Einstein đã để ra 10 năm để nghiên cứu, tìm cách đưa tác dụng của trọng trường, nghĩa là ảnh hưởng của vật chất, vào trong thuyết tương đối của ông. Ông đã thành công năm 1915 với kết quả là thuyết tương đối rộng (General theory of relativity), một thuyết có thể giải thích, mô tả sự tương quan giữa không gian, thời gian, và vật chất, nghĩa là vũ trụ.

Muốn hiểu ảnh hưởng của vật chất trong việc giải thích vũ trụ, chúng ta hãy lấy lại mẫu khônggian – thờigian phẳng lì trên, và trên tấm cao su căng thẳng chúng ta hãy đặt một khối nặng trên đó. Hiển nhiên là tấm cao su sẽ bị trũng xuống nơi chúng ta đặt khối nặng trên. Lăn một viên bi trên tấm cao su theo một đường thẳng qua gần khối nặng trên, viên bi không di chuyển theo đường thẳng mà lại quẹo vào gần chỗ trũng trên tấm cao su rồi tiếp tục di chuyển trên quỹ đạo đã bị uốn cong này. Điều này chứng tỏ khônggian – thờigian bị uốn cong và biến dạng bởi những vật nặng, thí dụ như mặt trời, trong đó, và quỹ đạo của bất cứ cái gì, kể cả ánh sáng, di chuyển qua và gần vật nặng đó cũng bị uốn cong trong cái vùng biến dạng của khônggian – thờigian. Hiện tượng này đã được kiểm chứng và đo được một cách khá chính xác. Ngay từ năm 1919, các nhà vũ trụ học đã có thể đo được mức độ uốn cong của ánh sáng khi đi qua gần mặt trời. Thuyết tương đối của Einstein đã tiên đoán rất đúng mức độ uốn cong này.

Sau sự khám phá của Hubble là vũ trụ đang nở rộng, các khoa học gia đã dùng lại những phương trình toán học của Einstein, bỏ đi cái hằng số vũ trụ mà Einstein cho vào để triệt tiêu sự nở rộng của vũ trụ. Kết quả là các phương trình này mô tả rất chính xác vũ trụ của chúng ta.

Thật ra thì người đầu tiên dùng những phương trình toán học trong thuyết tương đối của Einstein để đưa ra một thuyết về nguồn gốc của vũ trụ mà ngày nay chúng ta gọi là Big Bang là một linh mục người Bỉ tên là George Lemaitre. Nhưng Lemaitre chỉ dùng những phương trình này để tính ngược tới một thời điểm mà vũ trụ được thu gọn trong một trái cầu lớn hơn mặt trời khoảng 30 lần mà ông ta gọi là “nguyên tử đầu tiên” (primeval atom), còn được biết dưới danh từ “trứng vũ trụ” (cosmic egg). Theo Lemaitre thì, vì những lý do không rõ, trái trứng vũ trụ này nổ bùng tạo thành vũ trụ của chúng ta ngày nay. Nhưng các phương trình của Einstein lại cho phép chúng ta đi ngược thời gian xa hơn nữa, tới một thời điểm mà tất cả vũ trụ được thu gọn trong một điểm mà danh từ khoa học gọi là “dị điểm” (singularity), một thời điểm vào khoảng 0.0001 (một phần mười ngàn) của một giây đồng hồ (10-4 sec.) sau khi dị điểm bùng nổ, khi đó nhiệt độ của dị điểm là khoảng 1000000000000 (một ngàn tỷ) độ tuyệt đối (1012 oK), nhiệt độ tuyệt đối K cao hơn nhiệt độ bách phân C là 273.16 độ, do đó 0 độ K tương đương với -273.16 độ bách phân C, và tỷ trọng của dị điểm là 100000000000000 (một trăm ngàn tỷ) gram (1014 g) cho một phân khối. Để có môt ý niệm về các con số trên, nhiệt độ ngoài biên của mặt trời chỉ vào khoảng 6000 độ, và tỷ trọng của nước chỉ là 1 gram cho một phân khối. Một điểm quan trọng trong thuyết Big Bang mà chúng ta cần hiểu là: không phải dị điểm nổ bùng và nở rộng trong một không gian hay vũ trụ có sẵn, thí dụ như pháo bông nổ trên trời, mà là thời gian và không gian được gói ghém trong dị điểm, nghĩa là thời gian và không gian của vũ trụ ngày nay được sinh ra cùng với sự nổ bùng của dị điểm.

Sự kiện vũ trụ đang nở rộng đã là một sự kiện khoa học, không ai có thể phủ nhận. Nhưng sự kiện này có phải là “tiếng nói cuối cùng” của các khoa học gia về thuyết Big Bang hay không? Không hẳn, vì thuyết Big Bang lại đưa đến nhiều vấn đề khác cần phải kiểm chứng để cho thuyết này được công nhận.

Cũng vì vậy mà trong thập niên 1940, George Gamow đã từ thuyết Big Bang tiến thêm một bước và tiên đoán sự hiện hữu của một bức xạ nền (background radiation) trong vũ trụ. Gamow áp dụng môn vật lý nguyên lượng (quantum physics) vào việc khảo sát những sự tương tác hạt nhân (nuclear interactions) phải xảy ra trong quả cầu lửa khi Big Bang vừa mới nổ chưa được một giây đồng hồ. Khi đó, quả cầu lửa, do dị điểm nổ tung ra, gồm các hạt nhân của nguyên tử hydrogen, còn gọi là dương tử (proton), trung hòa tử (neutron), điện tử (electron), và các hạt khác. Gamow tính ra rằng vào khoảng 25% các hạt proton được biến cải thành hạt alpha, nhân của nguyên tử Helium, gồm 2 proton và 2 neutron, phù hợp với sự cấu tạo của các ngôi sao được thành lập khi vũ trụ mới thành hình, được ghi nhận trên các quang phổ ánh sáng của các ngôi sao này. Kết quả là quả cầu lửa vô cùng nóng này chứa đầy ánh sáng (bức xạ) có độ dài sóng ngắn dưới dạng tia X và tia Gamma. Gamow và nhóm nghiên cứu của ông kết luận là những bức xạ ban khai này của Big Bang, dù đã nguội đi rất nhiều qua mười mấy tỷ năm, nhưng vì không thể thất thoát đi đâu được, nên vẫn còn tồn tại đầy trong vũ trụ hiện nay, tạo thành một bức xạ nền, nghĩa là bức xạ có khắp mọi nơi trong vũ trụ. Đây chính là dấu tích của Big Bang để lại, nếu thực sự vũ trụ này sinh ra từ một Big Bang.

Muốn dễ hiểu chúng ta hãy tưởng tượng một quả bong bóng chứa đầy không khí. Khi quả bong bóng nở phồng ra thì không khí trong đó cũng loãng ra vì phải chiếm một thể tích lớn hơn. Tương tự, khi vũ trụ càng ngày càng nở rộng ra thì mật độ (density) của các bức xạ trên cũng phải càng ngày càng giảm đi. Nói cách khác, các bức xạ có độ dài sóng ngắn như tia X, tia Gamma cùng dãn ra với vũ trụ, do đó chuyển dần thành những bức xạ có độ dài sóng dài hơn. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa những bức xạ có độ dài sóng ngắn và độ dài sóng dài là năng lượng kết hợp với bức xạ có độ dài sóng ngắn thì cao hơn là năng lượng kết hợp với bức xạ có độ dài sóng dài. Chúng ta đã biết, tia X có sức xuyên thấu cao, có thể làm nguy hại đến các tế bào trong cơ thể, trong khi ánh sáng thường trong bóng mát không có ảnh hưởng gì tới cơ thể. Khi vũ trụ nở rộng thì vì sự chuyển sang phía độ dài sóng dài của các bức xạ nền trong vũ trụ, và nếu chúng ta biết nhiệt độ ban khai của Big Bang và tuổi của vũ tr

0