18/06/2018, 16:33

Thiệu Hóa xưa

huyện Thiệu Hóa (trước năm 2012) trên bản đồ tỉnh Thanh Hóa Khổng Đức Thiêm Thiệu Hóa vốn được cấu tạo từ hai vùng đất thuộc huyện Quân Ninh và huyện Tư Phố trong quận Cửu Chân (1) . Dấu tích thành Tư Phố – trị sở của quận và lỵ sở của huyện vẫn còn tại làng Giàng (Dương Xá – Thiệu ...

630px-Hanh_Chinh_Thanh_Hoa.svg

huyện Thiệu Hóa (trước năm 2012) trên bản đồ tỉnh Thanh Hóa

Khổng Đức Thiêm

Thiệu Hóa vốn được cấu tạo từ hai vùng đất thuộc huyện Quân Ninh và huyện Tư Phố trong quận Cửu Chân(1). Dấu tích thành Tư Phố – trị sở của quận và lỵ sở của huyện vẫn còn tại làng Giàng (Dương Xá – Thiệu Dương) – điểm hội tụ đầu mối giao thông thủy bộ của cả khu vực.

Sang thời Lý – Trần, các huyện trên đổi tên là Lương Giang và Cửu Chân. Đến thời Lê, các tên gọi Thụy Nguyên và Đông Sơn được lần lượt thay thế.

Sở dĩ Quân Ninh được gọi là Lương Giang vì có sông Lương – tên gọi cũ của sông Chu. Đến thế kỷ XV, vào đầu đời Lê Thuận Thiên (1428), do là nơi phát tích của nhà Lê nên triều đình đem đất này đặt làm Tây Kinh và đổi tên huyện là Thụy Ứng. Khi Lê Hồng Đức định lại bản đồ, cho huyện lệ vào phủ Thiệu Thiên, lấy lại tên cũ là Lương Giang. Đời Đoan Khánh (1505 – 1509) đổi gọi là huyện Thụy Nguyên, lỵ sở đặt tại Yên Lãng, tổng Phú Hà (nay là xã Phú Yên – Thọ Xuân). Thời Nguyễn, dưới triều Gia Long, huyện lỵ dời về Mật Vật (nay thuộc xã Thiệu Phúc) rồi Bằng Trình tổng Phùng Cầu (sau đổi là Phùng Thịnh, nay Bằng Trình thuộc xã Thiệu Hợp). Dưới triều Minh Mệnh huyện lỵ đóng hẳn ở Kiến Trung (Vãn Hà, tổng Mật Vật, nay thuộc xã Thiệu Hưng). Cũng dưới thời Nguyễn, vào năm 1815 phủ Thiệu Thiên đổi gọi là phủ Thiệu Hóa, kiêm nhiếp 8 huyện (Quảng Bằng, Thạch Thành, Thụy Nguyên, Yên Định, Lôi Dương, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Cẩm Thủy). Từ 44 xã, 13 thôn, 17 trang, 1 sở, 6 trại, 13 phường thời Lê(2), đến đây huyện Thụy Nguyên có 8 tổng (Phùng Cầu, Mật Vật, Phù Chẩn, Thử Cốc, Phú Hà, Yên Trường, Quảng Thi, Ngọc Lặc) với 117 xã, trang.

Năm Thành Thái thứ 12 (1900), huyện Thụy Nguyên cắt tổng Ngọc Lặc, Yên Trường, Quảng Thi để lập châu mới thuộc vùng núi mang tên là Ngọc Lặc; chuyển tổng Phú Hà sang Lôi Dương để lập huyện Thọ Xuân; đồng thời nhận về 3 tổng Lôi Dương (Thọ Xuân đặt làm tổng Xuân Lai), tổng Vận Quy, Đại Bối và một phần của tổng Thạch Khê (Đông Sơn). Tên huyện Thụy Nguyên được chuyển gọi là phủ Thiệu Hóa bao gồm 8 tổng – trong đó 4 tổng thuộc hữu ngạn sông Chu là Xuân Lai, Xuân Phong, Vận Quy, Đại Bối và 4 tổng tả ngạn là Thử Cốc, Phù Chẩn, Mật Vật, Phùng Cầu.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, toàn bộ tổng Thử Cốc được chuyển về huyện Thọ Xuân. Ngoài việc bỏ đơn vị hành chính cấp trung gian là tổng, nhà nước còn đổi phủ Thiệu Hóa thành huyện Thiệu Hóa với 12 xã (Huy Toán, Đại Đồng, Minh Quang, Thái Bình, Đại Bái, Ngọc Vũ, Thành Công, Tân Dương, Vạn Hà, Chùy Giang, Duy Tân, Quang Thịnh).

Tháng 3-1953, 12 xã trên được chia thành 31 xã như sau: Thiệu Duy, Thiệu Nguyên, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh (tổng Phùng Thịnh cũ), Thiệu Phúc, Thiệu Phú, Thiệu Hưng, Thiệu Long, Thiệu Quang, Thiệu Công (tổng Mật Vật cũ), Thiệu Thành, Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Tiến (tổng Xuân Lạc cũ), Thiệu Giang (hợp nên từ một phần tổng Đa Lộc và Hải Quật của huyện Yên Định), Thiệu Tân, Thiệu Giao, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, Thiệu Dương (tổng Đại Bối cũ), Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Vận, Thiệu Trung, Thiệu Đô, Thiệu Châu (tổng Vân Quy cũ), Thiệu Chính, Thiệu Hòa, Thiệu Minh, Thiệu Tâm, Thiệu Toán (tổng Xuân Lai và Xuân Phong cũ).

Do những nhu cầu mới và đứng trước một hoạch định lớn về vai trò pháo đài của cấp huyện, ngày 5-7-1977, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 177/CP về việc giải thể huyện Thiệu Hóa: 15 xã nằm trong vùng tả ngạn sông Chu sáp nhập vào Yên Định, lập ra huyện mới mang tên Thiệu Yên, 16 xã còn lại ở hữu ngạn sông Chu sáp nhập vào Đông Sơn, lập ra huyện Đông Thiệu (năm 1982 đổi theo tên cũ là Đông Sơn).

Sau 20 năm chung vai sát cánh trong đại gia đình Thiệu Yên và Đông Sơn, ngày 18-11-1996, huyện Thiệu Hóa được tái lập bởi Nghị định số 72/CP của Chính phủ.

Với đô thành Tư Phố xây dựng trên sườn núi Vồm thuộc Dương Xa từ năm 111 trước Công nguyên, cư dân Thiệu Hóa đã sớm bước vào một hình thái kinh tế mới – kinh tế phong kiến. Kéo dài từ thời thuộc Hán cho đến đầu Tống, khoảng thời gian 520 năm này của một quận trị đã để lại những Tây trấn thành, Trung Đô trạm và một mật độ mộ táng thời Hán dầy đặc ở Thiệu Dương. Nhiều vũ khí bằng đồng, gốm Hán,  tiền Ngũ Thù còn được tìm thấy trong vùng. Sự sầm uất của phố phường, sông nước đã tạo nên mười cảnh đẹp quanh núi Bàn A (Bàn A thập cảnh) : 1) Núi Bằng Trình dăng hàng (Khánh Bằng liệt trướng), 2) Đôi buồm trên Mã, Chu (Lương, Mã song phàm), 3) Voi đá tắm sông (Thạch tượng dục hà), 4) Rùa núi vờn nước (Lĩnh quy hý thủy), 5) Nhà treo cờ Cổ Độ (Cổ Độ kỳ đinh), 6) Cây mờ non xa (Viễn sầm yên thụ), 7) Nhà tranh thôn vắng (Cô thôn mao xá), 8) Rừng thiền cách sông (Cách ngạn thiền lâm), 9) Ghềnh chài dưới núi (Sơn hạ ngư ky), 10) Trâu đùa sông nước (Giang trung mục phố). Chùa Đại Hùng làm trong động trên sườn Bàn A, từng được Lê Hiển Tông gọi là chỗ ở yên ổn của khách lâm tuyền (Lâm tuyền ổn thê).

Đầu đời tiền Tống (420 – 479) quận trị Cửu Chân dời từ Tư Phố về Đông Phố (Đông Hòa – Đông Sơn), tiếp tục trấn ngự ở đây cho đến tận đầu thế kỷ X. Mặc dù vậy, cùng với sự mở mang của đồng bằng lưu vực sông Mã, sông Chu, một số tụ điểm dân cư và trung tâm kinh tế ở Dương Xá (Thiệu Dương) và giáp Bối Lý (Thiệu Trung) vẫn trở thành những trọng điểm của Châu Ái. Các hào trưởng người Việt ngày càng lớn mạnh, nhất là họ Lê ở Bối Lý, họ Dương ở Tư Phố và vùng Tam Lỗ.

Giáp Bối Lý nằm ở hữu ngạn sông Chu – cách Tư Phố chừng 10km, nổi lên không phải chỉ là một vùng đất đai phì nhiêu, dân cư trù mật mà còn do có nghề đúc đồng, bện thừng danh tiếng. Với Kẻ Rỵ – Kẻ Chè và Tướng quốc Bộc xạ Lê Lương “nhà cự tộc Châu Ái gia thế giầu thịnh, thóc chứa hơn trăm kho, trong nhà nuôi tới 3.000 môn khách”(3), Bối Lý trở thành một biểu tượng no đủ của cả vùng.

Ở Dương Xá – Kẻ Ràng, Dương Đình Nghệ cũng nuôi tới 3000 con nuôi để mưu việc phục quốc sau này. Vùng Tam Lỗ với 3 làng Đông Lỗ, Lỗ Mao và Lỗ Tử (Thiệu Long, Thiệu Quang) – nằm cạnh sông Cầu Chầy, cách Dương Xá 10km về phía tây bắc, là đất lập nghiệp của Dương Tam Kha – nơi sinh trưởng của Thái hậu Dương Vân Nga.

Đến cuối thế kỷ thứ X, sách Khả Lập (còn gọi là Kẻ Sập hoặc làng Trung Lập, từ thế kỷ XIX trở về trước thuộc tổng Thử Cốc – Thụy Nguyên, nay thuộc xã Xuân Lập – Thọ Xuân) – nơi tụ cư của 3 dòng họ lớn Lê, Đỗ, Chu(4) và nhân vật lỗi lạc Lê Hoàn – người khai sáng ra nhà Tiền Lê. Đây là một làng cổ, được dựng đặt trên một khu vực địa linh nhân kiệt “Thạch Thành che phía bắc; núi Vàng võng phía đông, núi Nưa đối phương Nam, sông Chu từ phía tây. Đây là quận cũ Ái Châu – Thanh Hóa thắng trạng. Huyện Thụy Nguyên khí vượng. Làng Trung lập tú chung, nơi đã sinh Lê Đế”(5).

Ngoài ra còn làng Mía còn gọi là Thuần Mỹ, Phong Mỹ xã Lai Duệ tổng Thử Cốc, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Xuân Tân – Thọ Xuân) quê hương của Lê Đột (Quan sát họ Lê) – bố nuôi của Lê Hoàn.

Sau khi lên ngôi, trở thành Lê Đại Hành hoàng đế, Lê Hoàn giao cho Đào Lang chỉ huy công việc đào sông từ giáp Đan Nãi đến sông Bà Hòa.

Giáp Đan Nãi (Yên Thọ – Yên Định) nằm ở tả ngạn sông Mã được chọn làm điểm khởi đầu để mở ra nhiều kênh dẫn nước chạy khắp vùng ở Yên Định, lại có kênh nối sông Cầu Chầy với sông Chu mang tên Ngọc Quang, điểm gặp ở xã Thiệu Ngọc trên đất Thiệu Hóa và Xuân Minh trên đất Thọ Xuân, tiêu nước cho cả vùng trũng Thiệu Hóa xưa và kênh nối sông Chu với sông Hoàng ở khu vực Cầu Kè (Thiệu Toán), chạy qua chợ Đu (Thiệu Chính). Toàn bộ hệ thống kênh nhà Lê kể trên còn tạo ra một mạng lưới đường thủy hoàn chỉnh, thuận lợi, được hoàn thành vào năm 983. 

Dưới thời Lý – Trần – Hồ, nhiều dòng cư dân ở phía Bắc vào sinh cơ lập nghiệp ở địa phương. Thái sư Lê Văn Thịnh – người Đông Cứu, Gia Bình (Bắc Ninh) được đưa vào “an trí” ở Phủ Lý (Thiệu Trung) đã hình thành dòng họ Lê ở đây với các tên tuổi Lê Văn Hưu, Lê Quát, Lê Giốc.

Khi nhà Minh thống trị Đại Việt, những tên đất và tên người của huyện Lương Giang đã trở thành những biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước: Như Áng quê của Lê Hối – ông tổ của Lê Lợi; Lam Sơn  – đất dấy nghiệp của nhà Lê; Dựng Tú nơi sinh của Lê Lai cứu chúa rồi Dao Xá (Nguyễn Lý, Lê Khảo), Đoàn Lương (Lê Sao, Lê Bị), Nguyễn Xá (Phạm Vấn, Phạm Lung), Thúy Cối (Đinh Lễ, Đinh Liệt), Thụ Mệnh (Trương Lôi, Vũ Uy), Bỉ Ngụ (Lê Sát, Lê Tại), Đa Mỹ (Lê Khuyển, Nguyễn Nhữ Lãm), Mục Sơn (Lê Văn An, Lê Thiệt), Đàm Thi (Trần Lựu, Trần Lãm)… Đất nước thanh bình, lại xuất hiện những Lam Kinh nhà Lê “ở phía đông núi Lam Sơn xã Quảng Thi huyện Thụy Nguyên; phía nam trông ra sông Lương, phía bắc gối vào núi, là đất dựng nghiệp của Lê Thái Tổ. Đầu đời Thuận Thiên lấy đất này đặt làm Tây Kinh cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông ra sông, đằng sau cung điện có hồ lớn giống hồ Kim Ngưu, cá khe núi đổ vào hồ này. Lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lợp ngói ở trên khe, đi qua cầu mới tới cung điện”(6). Trấn thành Thanh Hóa được dựng từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi, bao gồm Thừa ty ở Dương Xá (Thiệu Dương), Hiến ty ở Doanh Xá (Kẻ Chành – Thiệu Khánh). Trấn thành được xây dựng theo kiểu trong thành ngoài rào. Sông Mã được coi là con hào thiên nhiên chạy ở 3 mặt đông nam, đông và đông bắc còn là khe Hồng Ngục được bắc cầu để vào các cửa Tiền, Tả Hữu với các chòi canh giữ(7). Lỵ sở huyện Đông Sơn thời Lê đóng ở Cổ Đô (làng Vạc – Thiệu Đô). Phủ Yên Trường nhà Lê ở xã Yên Trường, huyện Thụy Nguyên, là hành tại của nhà Lê hồi đầu thời kỳ Trung hưng, đất rộng chừng bẩy, tám mẫu, trước kia có cung phủ thành trì, nay đều thành ruộng, chỉ còn lại dấu vết cũ và một cái hồ ở trong thành(8). Các thành trì, cung điện kể trên đã tạo cho một vùng sông Mã, sông Chu nhộn nhịp một thời:

          – Nhất vui là bến đò Giàng

Kẻ ngược phố Ráng, người sang phố Đầm

          – Thanh Giang trên chợ, dưới bè  

Ai đi qua cũng muốn về Thanh Giang.

          – Làng Giàng trên chợ dưới sông

Vui người, vui cảnh đến không muốn về

Chỉ tính từ cuối thế kỷ XIX tới nay, vị trí Thiệu Hóa đã có một sự dịch chuyển rất lớn. Nếu trước đây, như cuốn Thanh Hóa tỉnh chí mô tả: “Đất Thụy Nguyên là rừng, dân đều là thổ dân, đất ấy đều là lam sơn chướng khí, phủ nhà thường phải đi ở nhờ huyện khác” thì sang thế kỷ XX Thiệu Hóa đã chuyển phần thượng du ấy sang hai huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc, chỉ giữ lại vùng đồng bằng và tràn sang cả hữu ngạn sông Chu, nhận về nhiều vùng đất mới.

Nằm ở khu vực đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa có diện tích là 160,68km2, phía bắc tiếp giáp với huyện Yên Định, phía nam giáp với huyện Đông Sơn, phía tây giáp với hai huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân, phía đông giáp huyện Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa.

Đồng bằng Thiệu Hóa được cấu tạo bởi phù sa hiện đại trải trên một bề rộng nghiêng dần về phía đông nam, có các rìa phía bắc là các dải đất cao từ 8m-15m được cấu tạo bằng phù sa cổ. Trong cái bằng phẳng như rất nhiều khu vực xung quanh, ta vẫn bắt gặp những khoảnh đồi núi mờ xa hoặc rải rác quanh quất. Những đồi núi sót như núi Bằng Trình (còn gọi là núi Trịnh, Thái Bình – Thiệu Hợp), núi Bàn A (còn gọi là núi Vồm – Thiệu Khánh), núi Đọ (còn gọi là núi Tràn – Thiệu Tân), núi Nuông (còn gọi là Khuyển Ngọa sơn – núi chó nằm, Thiệu Long), núi Là (Thiệu Tiến) và núi Mấu (2 ngọn núi đá gần nhau thuộc Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Thành, Thiệu Tiến) hầu hết đều có độ cao trung bình từ 150-200m, được cấu tạo bằng đá phún trào, đá vôi, cát kết và đá phiến. Đồi núi cùng với địa hình dốc nghiêng đã tạo ra sự thuận lợi trong việc xây dựng các công trình thủy nông tự chảy hoặc làm cho nước dễ tiêu rút. Nhiều khu vực do quá trình hình thành phải trải qua thời gian dài nâng lên hoặc lún xuống, phù sa sông Mã và sông Chu không bồi đắp kịp nên đã tạo ra nhiều vùng thấp trũng. Trải qua hàng ngàn năm, nhân dân Thiệu Hóa bỏ ra biết bao công sức để tạo nên hàng trăm kilômét đê đại hà, đê quai, đê con trạch dọc theo các triền sông nhưng ngoài phần hạn chế tác hại do lũ lụt gây ra con người đã góp phần ngăn cản quá trình bồi trúc phù sa cho các vùng thấp trúng, để đến nay vẫn còn tới 3000ha dễ bị mất trắng trước mưa bão thuộc các xã Thiệu Duy, Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp, Thiệu Quang, Thiệu Long, Thiệu Giang, Thiệu Nguyên và một số vùng cục bộ rải rác ở các xã hữu ngạn sông Chu, xấp xỉ 100ha.

Trừ một vài khu vực ở Thiệu Hợp và Thiệu Khánh, khi con sông Chu chỉ còn 3km nữa thì gặp sông Mã, đã phải chảy xuyên qua một khối đá vôi biến tính còn ở nhiều khu vực khác các sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chầy đổi dòng liên tục, để lại nhiều đoạn sông chết ngoằn ngoèo lâu dần thành các hồ bán nguyệt hoặc vành khăn. Ở phía ngoài đê, nhiều dài phù sa màu mỡ được bồi đắp, có khi còn nhô cao hơn cả đất ở phía nội đồng, chỉ bị ngập nước khi có lũ lớn. Nhưng nhìn chung các bãi bồi ven sông thường thấp, chỉ trồng được hoa màu vào mùa khô. Như vậy trên địa bàn Thiệu Hóa, việc tiêu úng và chống rửa trôi vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Đồng bằng Thiệu Hóa có đủ các loại đất như phù sa cổ, phù sa mới bồi đắp, cát, sét.

Do nằm vào khu vực dân cư đông đúc nên mức độ tàn phá cảnh quan ở đây diễn ra mạnh mẽ khiến cho cấu trúc và đặc trưng của vùng bị biến đổi khá sâu sắc. Các kiến trúc nhân tạo như kênh, mương, đê điều và các công trình xây dựng khác đã làm cho địa hình không còn nguyên trạng như ban đầu. Vả lại, đây là khu vực sẽ tập trung các đầu mối kinh tế, các điểm quần cư lớn nên quỹ đất giành cho canh tác sẽ còn giảm đi rất mạnh, do đó cần đầu tư nhiều vào thâm canh, cải tạo đất và xây dựng các tập đoàn cây hợp lý.

Đặc trưng của khí hậu Thiệu Hóa biểu hiện khá rõ yếu tố khí hậu nhiệt đới: có một mùa đông lạnh và khô; các ngày đầu xuân ẩm ướt, âm u do thiếu nắng cộng với mưa phùn và sương mù kéo dài; mùa mưa đến muộn hơn các nơi với nhiều ngày khô nóng do gió tây nam tạo nên. Mỗi năm có tới 1500 giờ nắng cho nên lượng bức xạ mặt trời ở Thiệu Hóa là khá lớn, các chỉ số bức xạ hàng tháng đều dương, cơ bản có lợi cho vật nuôi và cây trồng nhưng thiên tai, nhất là bão lụt và khô cạn, luôn là mối đe dọa tiềm ẩn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống con người. Chỉ cần có lượng mưa từ 200-250mm là đủ gây úng lụt cho 1/3 diện tích gieo trồng của toàn huyện.

Nhận xét về khí hậu của khu vực, sách Đại Nam nhất thống chí đã viết: “Tháng giêng và tháng hai gió đông bắc, khí trời lạnh. Tháng ba và tháng thư có gió đông nam, khí nóng bắt đầu sinh. Tháng năm và tháng sáu gió nồm thổi mạnh phần nhiều nóng nực. Tháng bảy và tháng tám, thường có gió tây nam, thỉnh thoảng mưa rào hoặc mưa lũ của có bão. Khoảng thu sang đông, sau khi sấm rạp, thường có gió lạnh hoặc mưa dầm, lại hay có bão nhỏ (tục ngữ nói: tháng chín bão rươi, tháng mười bão cá). Tháng một và tháng chạp gió bấc trời rét. Cuối tiết đại hàn khí trời sang xuân, sấm bắt đầu dậy”.

Chế độ thủy văn trên địa bàn Thiệu Hóa khá phong phú với 5 sông lớn nhỏ chảy qua (sông Mã – còn gọi là sông Tất Mã, sông Lễ; sông Chu – vốn tên là Lương Giang, người Pháp phiên âm sông Sư ở thượng nguồn mà thành; sông Cầu Chầy – còn gọi là Ngọc Chùy Giang; sông Dừa và sông Mậu Khê).

Nguồn tài nguyên chính của Thiệu Hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng (đá vôi, đá xây dựng, cát) phân bố ở Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Tiến, Thiệu Hợp, Thiệu Khánh, Thiệu Hưng, Thiệu Đô. Trữ lượng lớn về đất sét đủ cung cấp cho sản xuất gạch ngói cũng là một tiềm năng có nhiều hứa hẹn.

Lưu vực sông Mã, sông Chu và các dải núi sót phân bố ở đôi bờ hai con sông từ thời Cánh tân đã có con người sinh sống. Dấu vết của người vượn cũng như những công cụ của họ đã tìm thấy ở núi Đọ (Thiệu Tân), núi Nuông (Tiên Nông – Thiệu Long).

Núi Đọ tọa lạc ở hữu nganh sông Chu, nơi hợp lưu của sông Chu – sông Mã có độ cao 158m, sườn dốc thoải 20-250. Loại đá tạo nên núi Đọ là đá kết thực hạt mịn, màu xanh xám và khá cứng nên khi ghè đẽo tuy khó nhưng dễ tạo ra cạnh rất sắc, phù hợp với việc chế tạo công cụ thời nguyên thủy. Trên sườn núi Đọ, ở độ cao 30-40m còn có nhiều đá bazan gốc.

Người nguyên thủy ở núi Đọ, núi Nuông đã dùng đá đẽo đá. Cuộc sống của họ cứ thế trải qua hàng vạn năm, sinh sôi nảy nở và sáng tạo. Mở đầu thời đại đồng thau ven đôi bờ sông Mã, sông Chu lớp cư dân Cồn Chân Tiên nằm sát chân phía đông nam núi Đọ đã trở thành cốt lõi đầu tiên trong việc hình thành bộ Cửu Chân trong nhà nước Văn Lang. Người Cồn Chân Tiên đã từng đạt tới trình độ cao trong kỹ thuật chế tác đá, sử dụng phổ biến và thành thạo kỹ thuật mài, tạo ra các loại rìu mài vát một bên; làm được nhiều đồ gốm nung (nồi, vò, bát, đĩa), chế tạo bàn xoay, có trang trí hoa văn và nhiều chì lưới.

Từ văn hóa Cồn Chân Tiên, người dân Thiệu Hóa đã bước vào nền văn hóa Đông Sơn với các chứng tích tìm thấy ở Thiệu Dương.

Chính hạt nhân Cồn Chân Tiên và sau đó là Thiệu Dương đã tạo nên sự hình thành đô thị Tư Phó với những hoạt động buôn bán sôi nổi, đầu mối giao thông thủy bộ của cả vùng từ năm 111 trước CN. Tư Phố ngự trị giữa ngã ba sông Mã – sông Chu đã trở thành đầu mối gắn kết các tụ điểm dân cư Thiệu Dương, Đông Sơn, núi Nấp, núi Sỏi, Hoằng Lý, Hoằng Quỳ, Nó cũng thúc đẩy nghề nông, nghề gốm, nghề dệt và nghề rèn sắt phát triển.

Cũng chính từ trung tâm này đã nuôi dưỡng những cừ súy, thủ lĩnh người Việt hùng cứ ở hương thôn để phát triển thành những hào trưởng cự tộc có ảnh hưởng lớn trong vùng như Dương Đình Nghệ ở Dương Xá (Giàng Thiệu Dương), Lê Lương ở Bối Lý (Thiệu Trung) hoặc tỏa rạng đến tận Kẻ Sập, Kẻ Mía – vùng quê của Lê Hoàn sau này. Kinh tế và văn minh sớm phát triển đã đào luyện nên một Tiết độ sứ họ Dương, một Hoàng đế họ Lê trong buổi bình minh của nền độc lập dân tộc.

Trải qua ngàn năm lịch sử và nhiều lần xê dịch vị trí, địa giới, thay đổi tên gọi, đến giữa năm 1999, toàn huyện Thiệu Hóa có 193.000 nhân khẩu, với 44.909 hộ, mật độ dân số trung bình 1.143 người, thuộc loại cao nhất Thanh Hóa. Có tới 85% số hộ sống bằng nghề nông, còn lại hoạt động trong các lĩnh vực khác như thủy sản, dịch vụ, công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, và các ngành nghề khác. Bên cạnh một số xã dưới 1.000 hộ như Thiệu Tân (687), Thiệu Minh (872), Thiệu Thịnh (922), cũng có nhiều xã trên 2.000 hộ như Thiệu Dương (2.057), Thiệu Giao (2.153)(9). Đây cũng là những xã đông dân nhất (Thiệu Dương 9.135 người, Thiệu Giao 9.776 người)(10)

Do việc các xã Thiệu Dương, Thiệu Khanh, Thiệu Vân với diện tích 14,94km2 và dân số 26.098 người sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa nên dân số của huyện vào năm 2012 chỉ còn 152.782 người.

Trong quá khứ, nghề đúc đồng ở Thiệu Hóa phát triển khá sớm và liên tục. Theo truyền thuyết, từ thời Lý, dòng họ Vũ ở giáp Bối Lý(11) đã đưa nghề đúc đồng vào làng Trà Đông – còn gọi là Chè Đúc. Sản phẩm chính của nghề đúc đồng ở đây là tượng, chuông và đồ dùng gia đình. Lúc đầu, chỉ có một vài gia đình theo đuổi nghề này, dần dần lan rộng ra cả làng, do đó có khả năng cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của các tỉnh. Chợ Chè ở Trà Đông trở thành chợ bán đồ đồng, thu gom nguyên liệu. Làng Rỵ bên cạnh được thu hút vào guồng máy của làng Chè Đúc (bán sản phẩm, cung cấp nguyên liệu). Làng Dà, làng Bồ thì bán than lim. Làng Nưa thì đưa tre, gỗ, nứa đến làng nghề.

Ở một góc độ nào đó, nghề chế biến thực phẩm ngày nay ở Thiệu Hóa cũng có nguồn gốc từ xa xưa. Kẻ Go là làng đã từng nổi tiếng về chế biến gạo và nấu bánh đúc (Bánh đúc chự Go, tày to Kẻ Lào; Bánh đúc chợ Go, trâu bò chợ Bản). Hồng Đô thì nổi tiếng về dệt lụa tơ (Đẹp nhất là nhiễu Hồng Đô, mênh mông bể sở, bãi ngô Kẻ Phùng). Lai Duệ chuyên sản xuất lụa đũi bằng loại tơ tinh bạch và tốt. Kẻ Ràng – Dương Xá đan cót nứa; Kẻ Vồm – Đại Khánh chuyên đồ gốm (Đít Kẻ Vồm, mồm Kẻ Trịnh). Ngoài ra, trong huyện còn làm được loại giấy chế từ cây trường lục, trắng và dai bền hơn giấy làm từ vỏ cây dó.

Nhưng rõ ràng hơn cả, Thiệu Hóa vẫn là một huyện thuần nông. Các nghề thủ công dù ra đời sớm hay muộn thì sản phẩm vẫn hướng vào cây lúa. Trong cuộc sống và quá trình vật lộn với thiên nhiên, nhân dân đôi bờ sông Chu đã luôn gặp phải những trắc trở chẳng riêng gì vùng Thiệu Tiến, Thiệu Thành:

– Khúc sông bên lở, bên bồi

Bên lở thì đói, bên bồi thì no

– Lộng Giang, Biểu Đức, Phác Đồng

Trong ba làng ấy còn mong nỗi gì

Tuy nhiên, trên mảnh đất Thiệu Hóa không ít những vựa lúa như Dương Xá (Vua hết vàng, làng hết lúa), những khu dân cư đông đúc và những đồng lúa mênh mông (Đinh Phù Nguyên, điền Yên Xá), những phiên chợ tấp nập bán mua, trên bến dưới thuyền ở Đu (Thiệu Chính), Trổ (Hậu Hiền), Vạc (Thiệu Đô), Go (Thiệu Châu), Vồm (Thiệu Khánh), Ràng (Thiệu Dương), Rỵ, Chế (Thiệu Trung), Vạn (Thiệu Hưng). Đến nay có tới 21/31 xã có chợ.

Cũng do là một huyện thuần nông nên hệ thống giao thông vận tải ở Thiệu Hóa chưa thật phát triển. Có lẽ ngày xưa, việc đi lại bằng đường thủy được sử dụng nhiều hơn. Trên sông Mã sâu rộng, thuyền bè trọng tải lớn có thể đi lại dễ dàng. Tuyến sông Chu từ ngã ba Giang đến Chẩn Xuyên (Thiệu Ngọc), bến Quản Xá (Thiệu Hợp), Xử Nhân (Thiệu Duy), Vãn Hà (Thiệu Hưng). Từ Chẩn Xuyên trở xuống, lòng sông bằng phẳng và rộng rãi, thuyền bè ra vào dễ dàng, đặc biệt là bến Vãn Hà. Khách đi trên sông đông nhất là người Nam Định. Ngay trên sông Cầu Chầy, thuyền bè có thể đi lại thuận tiện từ Ngã ba Châu Trướng ngược lên Ngã ba Bông ra Lèn, lên Cẩm Thủy, xuống Hàm Rồng hoặc ngược Hải Quật, Bái Ân, Cầu Si tới Cầu Lim lên Hoạt.

Về văn hóa – xã hội và truyền thống yêu nước thương dân, ta thấy Lương Giang – Thụy Nguyên vốn là địa bàn cư trú của người Việt cổ. Từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ X, lớp cư dân bao quanh vùng Tư Phố đã tiếp xúc và thu nhận được từ nền văn hóa Hán nhiều tinh hoa để tạo ra một ngôn ngữ Việt đồng bằng có nhiều dị biệt so với tiếng Việt do lớp cư dân ở vùng thượng du đang tồn giữ. Từ môi trường sinh thái, điều kiện xã hội đã dẫn đến sự phân chia tiếng Việt cổ thành hai nhánh Kinh – Mường. Lương Giang – Thụy Nguyên là một địa bàn đã chứng kiến quá trình biến đổi ấy. Cùng với sự chia tách ngôn ngữ là sự du nhập của Phật giáo vào địa phương.

Chùa Hương Nghiêm là một chứng tích sinh động cho nhận định này. Theo Kiền Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh dựng tháng giêng năm 1125 thì có nhiều khả năng chùa được xây dựng từ trước thế kỷ X vì khi Lê Đại Hành đi tuần du đến Ngũ Huyện Giang thấy chùa chiền đã đổ nát, liền cho xây đắp tu bổ lại. Rồi tiếp đến Lý Thái Tong ghé thăm cảnh chùa, thấy cột kèo đã gãy hẳn cũng bỏ tiền của trùng tu. Năm 1087, Thiền sư Đạo Dung – cháu của Trấn quốc Bộc xạ Lê Lương lại xin cho sửa sang cao rộng. Năm 1091, có hai chàng Phó Ký lang họ Thiều và họ Tô tâu xin lại khoản ruộng của tiên tổ là quan Bộc xạ. Vua xét lời tâu bèn trả lại giáp Bối Lý cho họ Lê. Đến mùa thu năm ấy, Lý Thường Kiệt cho chuộc lại đất, lập bia đá để chia ruộng cho hai giáp, chia đôi đầm A Lôi cho giáp Bối Lý, giáp Viên Đàm. Năm 1122, Thiền sư Đạo Dung về thăm cảnh cũ thấy nhân vật tuy đã đổi dời nhưng nước non vẫn như xưa, đền đài vẫn còn đó. Sư lập tức sai thợ giỏi đo đạc, trùng tu lại chùa. Trên đá chênh vênh tượng Phật uy nghiêm; mái hiên cong như cánh trĩ; ngói lợp lớp lớp như vảy rồng; lan can thoáng mát; cửa ngõ thênh thang. Bên trái có một tòa lầu nguy nga, trong treo chuông lớn. Bên phải dựng tấm bia đá ghi chép công lao, ngõ hầu mong ngàn năm không mai một. Tường vách bao quanh, cách xa trần giới. Cỏ hoa tươi tốt ngạt ngào khói hương.

Nay nền cũ của chùa Hương Nghiêm vẫn còn ở Phủ Lý – Thiệu Trung, tục gọi là chùa Rỵ. Tương truyền khi đó lại có chùa Trịnh Nghiêm – tục gọi là chùa Go cấu trúc quy mô lớn rộng hơn, nên dân chúng có câu chùa Go là chị, chùa Rỵ là em.

Chùa Đại Khánh còn có tên là chùa Đại Hùng, theo Đại Nam nhất thống chí, nhân lấy đá núi Bàn A(12) làm tường chùa, ở giữa khắc tượng lớn, không rõ có từ thời nào, phía trước chùa có bia đá, dựng từ thời Lê Quang Thuận, văn bị rêu phủ mờ. Phía sau chùa có bình phong khắc 3 chữ lớn SA LUNG BIỂN. Đặc biệt ở 4 cánh cửa chùa được chạm thủng đồ án trang trí hình phượng ngoạm cuốn thư, long mã, song hỷ trong đồ án trang trí hình tròn, xung quanh có rồng cuốn, phượng bay và long mã. Diềm cửa chạm nổi hoa văn hình học, Trần Bá Tân có bài thơ:

“Đại Khánh đồn, Đại Khánh sơn

Cửa Thiền rộng mở, sườn non vách ngàn.

Kim thân nở hiện hồi quan

Lối xưa mỏi gót, thế gian sự đời.

Thạch Bàn sư chống gậy ngồi

Tiều phu bó củi, vội rời về thôn.

Dạo chơi chợt nhớ chuyện buồn

Năm xưa một bóng tựa lan cuối rừng”.

Chùa Thái Bình dựng trên núi Bằng Trình – một ngọn núi đứng sững, đối diện với núi Bàn A, trước mặt trông ra sông Mã. Núi nhỏ mà đẹp. Phía sau chùa có động đá, chạy thông suốt chênh chếch từ tây sang đông. Thiền sư Như Ngọ đã dựng tháp đá, am đá trong chùa.

Chùa Doanh Xá dựng trên núi đá, tương truyền phía dưới có nam châm.

Từ thời Trần, ở Thiệu Hóa không còn cảnh từ thị thành thôn ấp, đến sông núi khe ngòi, chùa nổi lên san sát, mái ngói xanh tiếp trời nữa vì Nho giáo đã có một vị trí khá vững chắc ở địa phương. Chính ngay mảnh đất Bối Lý nơi có chùa Hương Nghiêm đã sản sinh ra Lê Văn Hưu, người giành học vị Bảng nhãn khoa thi năm 1247. Năm “Nhâm Thân Thiệu Long thứ 15 (1272) Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng lệnh soạn Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng gồm 30 quyển, dâng lên, vua xuống chiếu khen ngợi”. Nhà sử học Lê Văn Hưu xứng đáng là đại thủ bút đời Trần và ông tổ của nền sử học Việt Nam.

Thời Trần, giáp Bối Lý còn sản sinh ra Đào Tiêu, đỗ Trạng nguyên khoa Thái học sinh năm Ất Hợi (1275) và Lê Quát, đỗ Thái học sinh đời vua Trần Minh Tông.

Sang thời Lê, giáp Bối Lý (đổi gọi là Phủ Lý) vẫn giữ được truyền thống khoa bảng cử nghiệp của mình với 5 vị đại khoa. Một số làng khác như Đại Bối, Vãn Hà, Lam Sơn cũng trở thành những làng có truyền thống hiếu học, danh sách cụ thể như sau:

– Trần Văn Thiện, người Phủ Lý (Thiệu Trung), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463), làm đến Hình bộ thượng thư.

Đỗ Thuần Nhân, người Cổ Phạm (Thiệu Khánh), đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1472).

– Lê Quảng Dụ, người Lỗ Hiền (Thiệu Tâm), đỗ Hoàng giáp khoa Ất Mùi (1475), làm đến Án sát Ngự sử, đi sứ nhà Minh.

Vũ Trật, người Lỗ Hiền (Thiệu Tâm), đỗ Hoàng giáp khoa Ất Mùi (1487), làm đến Giám sát Ngự sử.

Lê Đình Quát, người Kim Hoạch (Thiệu Phúc), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490), làm đến Đô ngự sử.

Trần Hữu Nho, người Cổ Đô (Thiệu Đô), đỗ Hoàng giáp khoa Canh Tuất (1490).

Nguyễn Dục, người Phùng Cầu (Thiệu Thịnh), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490).

Lê Văn Hiến, người Đại Bối (Thiệu Giao), đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1508), làm đến Hữu Thị Lang.

Hoàng Doãn Vũ, người Đại Bối (Thiệu Giao), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508), làm đến Hữu Thị Lang.

Lê Bá Khang, người Phủ Lý (Thiệu Trung), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511), làm đến Tham Chính.

Nguyễn Quang Minh, người Vãn Hà (Thiệu Hưng), đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628), làm đến Lại tả thị lang tước Mỹ Lộc hầu, đã từng sang sứ nhà Minh.

Lê Biện, người Phủ Lý (Thiệu Trung), đỗ Hoàng giáp khoa Tân Mùi (1631), làm đến Lại khoa đô cấp sự trung tước cẩm nham tử.

Trương Quang Tiến, sau đổi là Luận Đạo, người Kim Hoạch (Thiệu Phúc), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), làm đến Đông các Hiệu thư tước Mai lâm tử.

Trịnh Văn Tuấn, người Tuấn Kiệt (Thiệu Phú), đồng Tiến sĩ lúc 56 tuổi, khoa Canh Thìn (1640), làm đến Hàn lâm hiệu thảo.

Phạm Kiêm Toàn, người Địa Linh (Thiệu Tâm), đồng Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643), làm đến Thượng thư bộ binh tước Thụy Quận Công.

– Vũ Kiêm, người Phủ Lý (Thiệu Trung), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1646), làm đến Tham chính Sơn Tây.

– Trịnh Cao Đệ, người Vãn Hà (Thiệu Hưng), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Dần (1650), làm đến Tự khanh tư Lễ phái hầu.

Nguyễn Quán Nho, người Vãn Hà (Thiệu Hưng), đồng Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1667), làm đến Lại Thượng thư, đi sứ nhà Thanh. Ông nổi tiếng là người khoan hậu, có nhiều đóng góp với quê hương trong việc làm đường, xây cầu, tạo ra nếp thuần phong mỹ tục.

Nguyễn Đồng Lâm, người Ngọc Hoạch (Thiệu Phúc), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Canh Dần (1710), làm đến Giám sát Ngự sử.

Lê Như Kỳ, người Yên Xá (Thiệu Duy), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1718), làm đến Hình bộ tả thị lang.

Nguyễn Đức Hoành, người Nguyễn Xá (Thiệu Tâm), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724), làm đến Đô ngự sử.

– Trịnh Đồng Giai, người Ngọc Hoạch (Thiệu Phúc), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721), làm đến Hàn lâm viên Đãi chế.

Nguyễn Lệnh Tân, người Phù Lê (Thiệu Thịnh), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1763), làm đến Đông các đại học sĩ.

– Dưới triều Nguyễn, Thiệu Hóa chỉ có 4 bậc đại khoa:

Trần Lê Hiệu, người Phủ Lý (Thiệu Trung), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Ngọ (1822), làm đến Lang trung.

Đỗ Khải, người Bằng Trình (Thiệu Hợp), đỗ Phó bảng khoa Kỷ Dậu (1849).

Lê Thế Quân, người Bái Giao (Thiệu Giao), đỗ Phó bảng khoa Nhâm Dần (1892), làm đến đồng Tri phủ.

Đỗ Xuân Phong, người Đoán Quyết (Thiệu Phúc), đỗ Phó bảng khoa Quý Sửu (1913), làm đến Tri huyện Đức Phổ.

Thiên chúa giáo truyền vào Thiệu Hóa từ thế kỷ XIX, chủ yếu ở các làng dọc đôi bờ sông Chu, nay thuộc các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Vũ và một họ lẻ ở Thiệu Thành với 2 nhà thờ và 1726 giáo dân.

Thiệu Hóa có nhiều dòng họ sống xen kẽ trong các làng xóm. Đông hơn cả họ Lê, họ Nguyễn, họ Trịnh, họ Hoàng cùng với các họ khác (Bùi, Phan, Phạm, Dương, Đào, Minh, Đỗ, Tạ, Mai, Trương, Trần…). Nhiều đền miếu ở địa phương đã trở thành quốc miếu như đền thờ Dương Đình Nghệ ở Thiệu Dương, miếu Lê Đại Hành ở Trung Lập, đền Lê Văn Hưu ở Thiệu Trung, đến Nguyễn Quán Nho ở Thiệu Hưng.

Hội hè, đình đám ở Thiệu Hóa mang nhiều nét độc đáo, hầu hết đều có trò diễn. Trò Ngô với 3 phường Ngô ở Bằng Trình (Thiệu Hợp), Chí Cường (Thiệu Quang) và làng Chuộc (Thiệu Tiến) – nằm trong hệ trò Văn Vương đến nay địa phương còn câu thứ nhất pháo Ngò, thứ nhì trò Chuộc. Lại có hát chèo chãi, múa đèn, chạy chữ ở Thiệu Quang. Làng Chuộc còn có nghề múa rối cổ diễn lại tích Lê Lợi đánh giặc, Lê Lợi chém Liễu Thăng, Đào viên kết nghĩa, Phụng Nghi đình. Nhiều làng xóm khác ở Thiệu Hóa đều lập ra các phường hát tuồng, hát chèo hoạt động thường xuyên.

Kho tàng ca dao – tục ngữ của Thiệu Hóa thực sự là một tài sản vô giá. Vùng đất đầy những khắc nghiệt nhưng cũng chứa đựng rất nhiều tình cảm thân thương. Núi cao, sông rộng, nhà tranh, cầu gỗ… tất cả đi vào ca dao như những cung bậc trữ tình:

                    – Núi Vồm trước mặt cao cao

          Nhác trông chốn ấy khác nào động tiên

                    – Núi Hoa Phong gió trong như quạt

          Nước Lương Giang bóng ngọt như gương

                    Đất doanh trông thể như giường

          Quý thiêng đông đúc, trời sương dịu dàng.

                    – Ra về én bắc, nhạn đông

          Hai hàng châu lệ đẫm sông Cầu Chầy

                    – Ra về em những nhớ mong

          Hai hàng châu lệ đẫm sông Cầu Chầy

                    – Vọng đài bến cũ cờ giong

          Um tùm cây đứng xa trông mịt mờ

                    Nhà tranh thôn nhỏ lặng lờ

          Chuông chùa văng vẳng đâu bờ bên kia.

                    Chông chênh bãi nổi trâu quỳ

          Tựa ghềnh ngư phủ chiều về ngóng mây

                    – Đại Khánh có đất địa đồ

          Có sông tắm mát có hồ hoa sen

                    – Đông Kinh có bức địa đồ

          Có sông tắm mát, có hồ Ngọc Châu

                    Trước làng thì có bãi dâu

          Đằng sau voi ngựa đứng chầu về nam

Những xóm làng ấy còn mãi lưu truyền về những con người, những vật phẩm của quê hương:

                      – Đồng Mỹ văn Tiến sĩ, võ Quận công:

                      – Ai về Vãn Hà mà coi

              Coi ông quan Thượng mang voi làm đường.

                      – Họ Lê đắp đàng, họ Hoàng làm quan

                      – Chiêng Chàm, trống Họ, mõ Phù Nguyên.

                      – Củi Phùng Cầu, cỏ lau Mật Vật

                      – Bạc Phú Lai, khoai Vãn Hà.

                      – Nhất tơ làng Hồng, nhất bông làng Vạc.

                      – Lúa làng Giàng ai đong cho hết

                      Gái làng Trịnh ai biết cho thông.

Có thể coi truyện Phương Hoa do cử nhân Nguyễn Văn Duyên, người Đoán Quyết (Thiệu Phúc) sáng tác vào khoảng giữa thế kỷ XIX cũng lấy nhân cốt từ trong dân gian. Phương Hoa – con gái viên quan Ngự sử Trần Điện, quê ở Lôi Dương và Cảnh Yên – con trai quan Thượng thư Trương Đài, quê ở Thuần Lộc trải bao tang tóc và oan trái, gia đình mới được minh oan, xum họp, Phương Hoa là một áng truyện nôm khá phổ cập và được nhân dân địa phương rất trân trọng.

Bằng tình yêu tha thiết quê hương đất nước, từ bao đời nay nhân dân Thiệu Hóa đã xây dựng cho mình một truyền thống yêu nước và tinh thần chiến đấu quật cường, viết nên những trang sử hết sức tự hào.

Trong những năm đầu thế kỷ I, khi cuộc khởi nghĩa ở quận Giao Chỉ do hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị lãnh đạo bùng nổ, thủ lĩnh Đô Dương (Thiệu Dương) đã phối hợp với Chu Bá lãnh đạo nhân dân Cửu Chân vùng dậy hưởng ứng, chiếm được thành Tư Phố.

Mùa hè năm 43, Mã Viện được nhà Đông Hán sai đem quân sang đánh đổ triều đình Trưng Vương. Trước thế giặc mạnh, Đô Dương và Chu Bá đem lực lượng còn lại lui về Cửu Chân. Sách Hậu Hán thư chép: “Viện đem lâu thuyền lớn nhỏ hơn 200 chiếc, chiến sĩ hơn 2 vạn người, theo đánh dư đảng của Trưng Trắc là bọn Đô Dương ở Cửu Chân, từ huyện Võ Công đến huyện Cư Phong, chém giết bắt bớ hơn năm ngàn người”. Sách Thủy kinh chú lại chép: “Tháng Mười, năm Kiến Vũ thứ 19(43) Mã Viện vào quân Cửu Chân ở phía nam đến huyện Vô Công tướng giặc đầu hàng. Lại đến huyện Dư Phát, cừ súy là Chu Bá bỏ quân vào rừng sâu là nơi tê tượng tụ họp, bò rừng từng bầy hàng mấy nghìn con. Thỉnh thoảng thấy hàng mấy chục đến trăm con voi. Mã Viện lại chia binh đến huyện Vô Biên là Cửu Chân đình ở đời Vương Mãng. Lại đến huyện Cư Phong. Tướng giặc không hàng đều bị chém tới trăm người, Cửu Chân bèn yên”.

Sau khi cha con họ Khúc khôi phục được quyền tự chủ cho đất nước vào đầu thế kỷ X, Nam Hán đưa quân tướng sang hòng xóa bỏ những thành quả mà nhân dân ta đã giành được. Tại Dương Xá (Giàng – Thiệu Dương), Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc đã công khai nuôi 3.000 nghĩa sĩ, tích trữ lương thực và khí giới để chuẩn bị tấn công chiếm lại thành Đại La. Tháng 3 năm 931, từ Dương Xá ông dã quyết định chiếm lấy thủ phủ Giao Châu. Giành được thắng lợi, Dương Đình Nghệ vẫn xưng là Tiết độ sứ, cử Ngô Quyền coi Châu Ái và Đinh Công Trứ làm thứ sử Châu Hoan. Sự nghiệp của Dương Đình Nghệ được khái quát trong đôi câu đối ở đền thờ ông:

“Dưỡng tam thiên nghĩa tử dĩ phục thù, hằng hằng sinh khí

Chướng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến, lẫm lẫm uy danh”

(Nuôi ba ngàn con nuôi  khí mạnh khôn cùng

Cầm tám vạn quân mạnh tra trận oai thanh lừng lẫy)

Tháng 4 năm 937, Kiều Công Tiễn giết hại Dương Đình Nghệ, cầu cứu nhà Nam Hán để hòng giữ được địa vị của mình. Mùa đông năm 938, từ Châu Ái, Ngô Quyền cùng Dương Tam Kha – con trai Dương Đình Nghệ và nhiều tướng khác, tiến ra Đại La diệt Kiều Công Tiễn rồi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, bỏ chức Tiết độ sứ, xưng là Ngô Vương Quyền.

Cuối triều Ngô, đất nước rơi vào cảnh thập nhị sứ quân. Trong bối cảnh ấy, Đinh Bộ Lĩnh đã dần dần đánh dẹp để thu giang sơn về một mối. Ông đã đến làng Đông Lỗ (Thiệu Long) yết kiến Dương Tam Kha và được họ Dương gả em gái là Dương Vân Nga làm vợ. Ở trang Phùng Cầu (Thiệu Thịnh) có hơn 70 trai tráng thuộc 4 họ Lê, Trịnh, Đào, Nguyễn đã tham gia vào đội quân dẹp loạn của ông. Một số tướng lĩnh tài ba như Lê Hoàn cũng sớm sát cánh với Đinh Bộ Lĩnh.

Lê Hoàn quê ở làng Trung Lập, huyện Thụy Nguyên (còn gọi là Kẻ Sập hoặc sách Khả Lập, nay thuộc xã Xuân Lập – Thọ Xuân), sinh tháng 8 năm 941, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải làm con nuôi. Trong hàng ngũ tướng lĩnh của Đinh Bộ Lĩnh, ông “tỏ ra phóng khoáng, có chí lớn. Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản hai nghìn quân sĩ”(13), sau được chọn làm Thập đạo tướng quân. Khi biến loạn năm 979 xảy ra, cha con Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại, Lê Hoàn được cử làm Nhiếp chính bên cạnh Đinh Toàn, dẹp loạn Đinh Điền – Nguyễn Bặc. Cảm phục trước tài năng, đức độ của ông, tháng 8 năm 980, Thái hậu Dương Vân Nga “sai người lấy áo Long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế”(14) và trở thành Hoàng hậu của ông.

Hiện nay tại làng Trung Lập vẫn còn di tích ghi lại các sự kiện trên như nền sinh thánh, lăng Hoàng khảo (thờ phụ thân Lê Hoàn). Ở xã Phú Yên, Thọ Xuân còn có lăng Mẫu hậu của Lê Hoàn. Đó là chưa kể các tấm bia dựng vào các năm 1484 và 1626 có liên quan.

Mùa xuân năm 981 “vua tự làm tướng đi chặn giặc”, đánh tan quân Tống ở Tây Kết, Bình Lỗ, Bạch Đằng; buộc chúng phải từ bỏ âm mưu xâm lược. Sự nghiệp của ông đã được nhà sử học Lê Văn Hưu tóm tắt: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện – Phùng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”(15).

Hậu duệ của Lê Hoàn dưới thời nhà Trần còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lê Khâm đã từng giữ chức vụ Khuông quốc Thượng tướng quan tước Thượng vị hầu. Lê Tần – còn gọi là Lê Phụ Trần, con trai của Lê Khâm, là người có tài thao lược, đã giúp vua Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1257). Trần Bình Trọng – con trai Lê Tần, lập công lớn ở trận Đà Mục, là con người “thật là trung, thà làm Nam quỷ không làm Bắc vương”.

Thời Trần, trên đất Thiệu Hóa còn các tấm gương yêu nước thương dân tiêu biểu nữa là:

– Lê Quát tự là Bá Đạt, hiệu là Mai Phong, học trò của Chu Văn An. Khi nhỏ ông rời quê hương Phủ Lý (Thiệu Trung) lên du học ở Thăng Long, thi đậu Thái học sinh, được làm đến Bộc xạ. Năm 1366, vua Trần Dụ Tông sai ông duyệt sổ hộ tịch ở Thanh Hóa. Ông vốn chuộng chính học, ghét dị đoan, có bài văn bia ở chùa Thiên Phúc (Bắc Giang) để bày tỏ quan điểm của mình:

Ông do văn học mà thăng tiến, nổi tiếng ngang với Phạm Sư Mạnh. Thời bấy giờ người ta khen “Lê, Phạm”.

Lê Giốc (còn gọi là Giác) – con trai Lê Quát, làm Tuyên phủ sứ Nghệ An đời Trần Duệ Tông. Khi ấy nhà vua thân chinh cầm quân đi đánh Chiêm Thành, bị chết trận (1377), Ngự câu vương là Húc đầu hàng giặc và được chúng đưa về Nghệ An tiếm xưng ngôi hiệu, Lê Giốc bị giặc ép quỳ lạy. Ông mắng nhiếc giặc không tiếc lời, cuối cùng bị chúng giết hại. Về sau ông được triều đình ban tước Mạ tặc trung vũ hầu.

Khi nhà Minh đô hộ trên mảnh đất Lương Giang – Thụy Nguyên, ngoài người anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy nghĩa trên đất Lam Sơn, tấm gương Lê Lai cứu chúa cùng hàng chục vị khai quốc công thần khác trong đó tiêu biểu là:

– Đinh Lễ vốn quê ở sách Thúy Luân (nay thuộc Thiệu Hưng – Thiệu Hóa), cháu ngoại của Bình Định vương Lê Lợi, được ban quốc tính nên còn gọi là Lê Lễ. Ông là một danh tướng chống Minh, đã từng cùng Lê Sát, Phạm Vấn lập công lớn ở ải Khả Lưu bắt được đô tư Châu Kiệt, chém tướng tiên phong Hoàng Thành, được thăng chức Tư không rồi đem quân đánh úp Tây Đô. Năm 1425, ông phục binh đoạt thuyền lương của giặc do Trương Hoàng điều khiển lập công lớn. Năm 1426, đem quân đánh Tốt động phá được giặc Minh, chém thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lương, thu nhiều chiến lợi phẩm. Ông bị giặc bắt được ở Mai Động (Thanh Trì – Hà Nội), không chịu khuất mà chết, được liệt vào bậc khai quốc công thần.

Em trai ông là Đinh Liệt cũng là một danh tướng.

– Trần Lựu vốn quê ở Lỗ Tự (nay thuộc Thiệu Quang – Thiệu Hóa), có cha từng giúp nhà hậu Trần chống Minh và hy sinh anh dũng. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi hội thề Lũng Nhai, được giao trọng trách chỉ huy đội quân Thiết Đột, hoạt động ở Nghệ An, nổi tiếng với nhiều trận đánh lớn. Cuối năm 1426, ông cùng lê Bôi, Trịnh Khả giải phóng Hồng Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng Sơn; sau đó lập chiến công hạng nhất trong trận Mã Yên chặn đánh viện binh Liễu Thăng.

Sau Trần Lựu được phong Trấn viễn đại tướng quân. Ông và con trai là Trần Lan được liệt vào bậc khai quốc Công thần. Hiện còn đền thờ ở Lỗ Tự.

Dưới thời Lê, địa phương còn tự hào bởi tấm gương của nhà trí thức Nguyễn Quán Nho – vị quan thanh liêm mà nhất mực thương yêu dân chúng.

– Nguyễn Quán Nho đỗ đồng Tiến sĩ khi 30 tuổi. Năm 1684, đời Lê Chính Hòa ông được cử làm Phó đô ngự sử. Mùa xuân 1691 được thăng Lại bộ Tả thị lang. Mùa đông năm 1692 được gia Đô ngự sử, năm sau thăng Binh bộ Thượng thư – rồi cùng Hình bộ Thượng thư là Lê Hy vào làm Tham tụng. Bấy giờ ông 56 tuổi, làm tể tướng được 5 năm nổi tiếng về tính giản dị và việc gì cũng không giấu giếm.

Mùa thu năm 1696, triều đình tổ chức thi các quan trong ngoài. Trịnh Căn đã triệu ông vào phủ chúa để ra đề và bảo mật đề thi. Trong khi nói chuyện với người trong phủ, có vẻ đề tài gần với đề thi, bị mấy kẻ hoạn thị ở phủ

0