18/06/2018, 16:33

Quan hệ của Xiêm và Malacca từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI

Lê Văn Trường An Xiêm và Malacca là hai quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á. Nếu như Xiêm là quốc gia Phật giáo hùng mạnh, thiết lập được phạm vi ảnh hưởng của mình với các nước láng giềng ở lục địa thì Malacca là một quốc gia Hồi giáo có ưu thế về ...

2000px-Malacca_Sultanate_en.svg.png

                                    Lê Văn Trường An

Xiêm và Malacca là hai quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á. Nếu như Xiêm là quốc gia Phật giáo  hùng mạnh, thiết lập được phạm vi ảnh hưởng của mình  với các nước láng giềng ở lục địa thì Malacca là một quốc gia Hồi giáo có ưu thế về thương mại thống nhất được các tiểu quốc trên bán đảo Malay. Sự tương đồng về sức mạnh, phạm vi ảnh hưởng đối với các nước làng giềng của hai nước khiến chính sách ngoại giao của Xiêm và Malacca có nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên, Xiêm là một quốc gia ra đời  sớm (thế kỉ XIII) hơn Malacca (thế kỉ XV), do vậy chủ nghĩa bành trướng Đại Thái đã sớm thấm sâu vào những người đứng đầu chính quyền của Xiêm. Đồng thời, với việc bị ám ảnh bởi quá khứ bị dồn ép về mặt địa lí trước sự xâm lược của người Mông Cổ, người Thái đã ý thức được rất rõ về lợi thế của việc mở rộng lãnh thổ. Trước những yêu cầu bức thiết của một quốc gia đang trên đà phát triển, sự gia tăng dân số và áp lực từ Thiên triều (Trung Quốc), người Thái đã tiến hành những cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ và Malacca là một trong những nơi người Thái muốn thiết lập ảnh hưởng của mình.

Thời kì Sukhothay-thiết lập quyền lực ảnh hưởng ban đầu

Sau khi thành lập vào thế kỉ XIII, Sukhothai mở rộng bằng cách tạo các liên minh với các vương quốc Thái khác, dùng Phật giáo làm quốc giáo với sự giúp đỡ của các nhà sư Ceylon. Intradit truyền ngôi cho con trai là Pho Khun Ban Muang, và năm 1278 đến lượt em trai là Pho Khun Ramkhamhaeng kế vị. Dưới thời vua Ramkhamhaeng Đại Đế, Sukhothai trải qua một thời kỳ hoàng kim thịnh vượng. Ramkhamhaeng đã có công tạo ra bảng chữ cái Thái (được coi là có niên đại vào năm 1283, dựa trên chứng cứ là văn bia Ramkhamhaeng gây nhiều tranh cãi, văn bia này được cho là lưu giữ dạng cổ nhất của chữ viết Thái. Vào thời đỉnh cao của mình, ảnh hưởng của vương quốc này trải dài từ Martaban (nay thuộc Myanma) đến Luang Prabang (nay thuộc Lào) và xuống tận bán đảo Mã Lai cho đến phía Nam tận Nakhon Si Thammarat, phạm vi ảnh hưởng của vương quốc này rộng hơn nhiều so với lãnh thổ Thái Lan ngày nay, dù mức độ kiểm soát thực tế không như tầm ảnh hưởng.

Sau khi Ramkhamhaeng băng hà, con trai ông là Loethai kế vị. Các vương quốc chư hầu lần lượt giành độc lập, đầu tiên là Uttaradit ở phía Bắc, và ngay sau đó là các vương quốc Lào Luang Prabang và Viêng Chăn. Lan Na giành quyền kiểm soát Tak, một trong những thành thị đầu tiên dưới quyền kiểm soát của Sukhothai. Về phía Nam, thành  Suphanburi giàu có cũng sớm ly khai khỏi triều Loethai. Do đó, vương quốc này đã nhanh chóng suy giảm về lại với tầm vóc của thời kỳ đầu. Trong khi đó, Ayutthaya trở nên hùng mạnh, và cuối cùng, năm 1378, vua Thammaracha II của Sukhothai đã phải chịu thuần phục cường quốc mới này.

Thời kì Ayuthaya-những cuộc đụng độ trong thế kỉ XV

Map-of-southeast-asia_1400_CE.png

Ayuthaya là một vương quốc phong kiến hùng mạnh ở Đông Nam Á. Để khẳng định vị thế và nhằm mở rộng lãnh thổ của vương quốc, các vua của Ayuthaya đã thực hiện chính sách bành trướng xâm lược các nước láng giềng. Một trong những hướng xâm lược được Ayuthaya tiến hành là mở rộng quyền lực của mình xuống bán đảo Malay.

Bán đảo Maylay có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á. Eo biển Malacca là cửa ngỏ ngắn nhất của con đường thông thương từ Tây sang Đông. Đối với Ayuthaya, bán đảo Malay như chiếc cầu nối thông thương giữ lãnh thổ lục địa Ayuathaya với thế giới biển và hải đảo. Nếu chiếm được bán đảo Malay và đặc biệt là eo biển Malacca, Ayuthaya sẽ rất thuận lợi cho việc mở rộng buôn bán với các quóc gia ở Đông Nam Á hải đảo và độc quyền kiểm soát con đường thương mại Đông Tây. Chính vì vậy mà sau khi thành lập vương quốc, các vua Ayuthaya tiến hành xâm chiếm các tiểu quốc để mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Trước đó, thế kỉ VII đến thế kỉ XIV, các tiểu quốc trên bán đảo Malay phụ tuộc vào vương triều Giava và Sumatra. Từ giữa thế kỉ XIV trở đi, bán đảo Malay trở thành địa bàn tranh chấp giữa Ayuthaya và Majapahit ở Giava. Khi đó các tiểu quốc miền đông bắc Malay như Ketalan, Kedah, Trengganu, Pattani, Pahang..thần thuộc Ayuathay. Sử kí Ayuthaya đã khẳng định ngay từ thời vua Ayuathaya đầu tiên-Ramathibodi I, Malacca là 1 trong 16 lãnh địa của Ayuthaya. Đến cuối thế kỉ XIV, Majapahit trở nên suy yếu, mất dần quyền kiểm soát đối với các tiểu quốc ở Sumatra và Malay.

Tình hình trên bán đảo Malay thay đổi khi vương quốc Hồi giáo Malaca được thành lập vào năm 1403. Nhờ vào lợi thế về địa lí, Malaca nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại ở Đông Nam Á. Đồng thời tìm cách thoát khỏi lệ thuộc vào Ayuthaya. Một trong những biện pháp của Malacca nhằm tăng cường sức mạnh để chóng lại Ayuthaya là thiết lập và duy trì chặt chẽ quan hệ ngoại giao với nhà Minh Trung Quốc. Trong năm 1403, nhân dịp sứ giả Trung Quốc đến thăm Malacca, vủa Malacca là Pavamesvara đã yêu cầu hoàng đế nhà Minh công nhận vương quốc của mình và ủng hộ để chống lại Ayuthaya, Hai năm sau, Paramesvara đã cử một đoàn sứ bộ sang Trung Quốc và nhanh chóng được Trung quốc công nhận. Năm 1409, sứ thần Trung Quốc là Trịnh Hòa đã trực tiếp trao một  ấn bạc, một vương miện, một bộ hoàng bào và phong vương cho Paramesvara. Tiếp đó các năm 1411, 1412, 1414, 1419 đích thân Paramesvara hoặc con cháu của ông đã đến thăm Trung Quốc. Từ năm 1424 đến năm 1444, vua Malacca là Sri Mahajaraja thường xuyên phái các đoàn sứ giả sang thăm Trung Quốc.

Mặc dù Malaca thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, thường xuyên gửi đồ cống nạp cho nhà Minh, song vẫn duy trì việc cống nạp cho Ayuthaya. Tuy nhiên, mối quan hệ khăn khít giữa Malaca với Trung Quốc đã có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ của Malacca với Ayuthaya. Năm 1431, vua Ayuthaya là Boroma Rachathirat II đã nhận được một sắc lệnh nghiêm khắc từ Trung quốc rằng “phải giữ quan hệ thân thiết với các nước láng giềng”. Trên thực tế, Trung Quốc cũng không muốn làm xấu đi quan hệ với Ayuthaya, bởi lẽ Ayuthaya vẫn duy trì quan hệ triều cống với Trung quốc trong nhiều thế kỉ trước đó. Hơn nữa, Ayuthaya đang là một quốc gia hùng mạnh ở khu vực. nhờ chính sách thân Trung Quốc của Ayuthaya mà phía Trung quốc không can dự sâu vào vấn đề Malacca của Ayuthaya. Do vậy, Ayuthaya có điều kiện tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Malacca.

Bên cạnh dựa vào Trung quốc để thoát khỏi ảnh hưởng của Ayuthaya, Malacca đã sử dụng biện pháp đoàn kết tôn giáo để chống lại Ayuthaya. Năm 1414, Paramesvara đã quyết định theo Hồi giáo và trở thành Sunltan đầu tiên. Vua Malacca từng bước thống nhất bán đảo Malay và một phần Sumatra. Malacca thiết lập ảnh hưởng của mình đối với các tiểu quốc trên bán đảo Malay và Sumatra cũng đồng thời với việc Hồi gióa thâm nhập vào theo. Trên cơ sở thống nhất các quốc gia Malay theo Hồi giáo, Malacca trở thành một vương quốc hùng mạnh và tỏ ra đủ khả năng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ayuthaya. Họ có thể độc lập tiến hành công cuộc phòng thủ và thậm chí còn có khả năng phản công lại các cuộc tấn công của Ayuthaya, mục đích giành lại quyền tự chủ và cạnh tranh vai trò cường quốc thương mại ở Đông Nam Á với Ayuthaya. Đến triều vua Boroma Trailokanat (1448-1488), lợi dụng việc Ayuthaya phải tập trung hướng lên phía Bắc, với những cuộc chiến tranh liên miên để giải quyết việc thôn tính vương quốc đồng tộc Lan Na, Malacca tuyên bố độc lập, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ayuthaya.

Việc Malacca tuyên bố thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ayuthaya chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh giữa hai nước. Trong thời gian trị vì của vua Malacca là Raja Kasim (1446-1459), quân Ayuthaya đã tấn công Malacca hai lần, lần đầu bằng đường bộ và lần hai bằng đường biển. Cả hai lần tấn công này đều thất bại. Sau đó giữa hai bên đã có những cuộc thương lượng hòa bình và một hòa ước được kí kết, song tình hình đó chỉ duy trì được thời gian ngắn.

Dưới thời vua Malacca là Sunltan Manxuxac (1459-1477), Ayuthaya lại tổ chức tấn công Malacca nhằm khôi phục ảnh hưởng đối với nơi này. Malacca đã không tổ chức phòng thủ tại đất nước mình mà hướng các cuộc chiến đấ về phía Bắc bán đảo thuộc các lãnh thổ chư hầu của Ayuthaya. Trong quá trình chiến tranh, Malacca vừa chống quân Ayuthaya đồng thời vừa tấn công chiếm lại các tiểu quốc phía Bắc bán đảo Malay vốn đang là chư hầu của Ayuthaya. Tình hình đó khiến cho phần lãnh thổ chư hầu phụ thuộc vào Ayuthaya trên bán đảo Malay bị thu hẹp dần. Ảnh hưởng của Ayuthaya trên bán đảo Malay chỉ còn lại công quốc Ligo. Ayuathaya bị mất quyền minh chủ với Malaca cũng đồng nghĩa với việc thất bại trong thương mại ở phía Nam. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nội bộ chính trị Ayuthaya. Năm 1463, thủ đô của Ayuthaya phải tạm thời chuyển đến thành phố Phitsanulok ở miền Bắc, với những quan tâm chủ yếu về vương quốc Lana mà tạm gác lại vấn đề Malacca.

Dưới thời vua Mamud (1488-1511), Malacca đã bác bỏ quyền minh chủ của Ayuthaya mà chỉ công nhận quyền minh chủ đói với Trung Quốc. Điều đó khiến Ayuthaya dưới thời Boroma Rachathirat III (1488-1491) và vua Ramathibodi II (1491-1529) quan tâm trở lại vấn đề Malacca, với mưu tính chiếm và xác lập lại ảnh hưởng của mình ở đây. Ayuthaya nhiều lần tổ chức tấn công Malacca, tuy nhiên, những cuộc tấn công ở đường bộ lẫn đường biển đều bị Malacca đánh bại. Trên đà thắng lợi, Malacca còn giúp tiểu quốc Pahang-lúc này đã là chư hầu của Malacca đánh bại các cuộc tấn công của Ligo-chư hầu của Ayuthaya. Nguyên nhân thắng lợi của Malacca là do Malacca gần như thống nhất được toàn bộ bán đảo Malay, tạo nên sức mạnh của những người dân theo Hồi giáo. Trong khi đó, Ayuthaya đang bị chi phối và tiêu tốn rất nhiều sức lực cho các mối quan hệ với các nước láng giềng khác.

Như vậy, quan hệ Ayuthaya và Malacca diễn ra trong thời gian này chủ yếu là những cuộc tấn công quân sự từ phía Ayuthaya. Phía Ayuthaya với mục đích là muốn xác lập và duy trì quyền minh chủ đối với cộng đồng cư dân nói tiếng Malay trên bán đảo Malay nhằm độc chiếm vị trí thương mại số một Đông Nam Á. Phía Malacca là chiến đấu bảo vệ quyền tự chủ nhằm phát triển vai trò của một quốc gia thương mại hàng đầu trong khu vực. Bằng việc sử dụng sức mạnh quân sự, về cơ bản Ayuthaya giành được quyền kiểm soát đối với một phần phía Bắc bán đảo Malay trong suốt thế kỉ XV. Ayuthaya bị mất quyền lực trên bán đảo Malay khi Bồ Đào Nha chính thức chiếm Malacca và kiểm soát hoạt động thương mại, chính trị ở đây vào năm 1511. Từ thế kỉ XVI trở đi, quan hệ giũa Ayuthaya và Malacca diễn ra một cách hòa bình, chủ yếu chỉ còn thông qua hoạt động thương mại giữa nhà nước và thương nhân hai nước.

Malacca sụp đổ và chính sách mới của Xiêm

Mặc dù bị thất bại trong cuộc tấn công đánh chiếm Malacca, song Ayuthaya không dễ dàng từ bỏ tham vọng đối với vùng đất có vị trí chiến lược này. Quan hệ giữa hai nước tiếp tục được duy trì cho đến khi người Bồ Đào Nha xuất hiện ở Malacca. Sự xuất hiện của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á làm thay đôi chính sách của Xiêm với Malacca

Người Thái thông minh tự liên minh với người Bồ Đào Nha để cuối cùng tiêu diệt Vương quốc Hồi giáo Malacca dưới thời trị vì của Quốc vương cuối cùng của Malacca là Sultan Mahmud Shah.

Sự sụp đổ của Malaca và sự có mặt của người châu Âu ở bán đảo Mã Lai đã giúp Xiêm thoát khỏi sự đe dọa của cuộc chinh phục của Hồi giáo trong các thế kỷ 15 và 16.

Lợi dụng vị trí suy yếu của người Hồi giáo, người Thái tấn công Vương quốc Hồi giáo Pattani và cố gắng để tái chinh phục các vùng lãnh thổ mà họ đã thua những người Sultan Malacca từ năm 1414, khi Parameswara  đã chấp nhận Hồi giáo và người kế nhiệm ông đã chiến đấu không ngừng các chiến dịch chống lại Ayuthaya và Majapahit (sự xâm nhập của Hồi giáo ở Đông Nam Á gặp nhiều thuận lợi bởi sự cạnh tranh và lẩn chiến tranh của ba vương quốc Thái Lan với Srivijaya của Malaysia và Majapahit của Indonesia.)

Sau khi chinh phục xong Malacca, sứ giả Bồ Đào Nha đã đến tiếp kiến triều đình Ayuthaya và thông báo về chiến thắng của họ ở Malacca, đồng thời được quan hệ hữu nghị với Ayuthaya. Ayutthaya nhận thấy không thể gây khó khăn cho việc Bồ Đào Nha chiếm giữ Malacca. Hơn nữa vua Boroma Ramathibodi II cũng hiểu rằng vị trí Malacca ở quá xa, rất khó cho việc kiểm soát Malacca, trong khi đó Ayutthaya đang tập trung giải quyết vấn đề La Na nên đã đồng ý chấp thuận cho sự có mặt của Bồ Đào Nha ở Malacca. Cũng từ đây, Ayutthaya không đem quân tấn công Malacca một lần nào nữa. Tuy nhiên, một số tỉnh thuộc đông bắc như Kelatan, Trengganu, Patani vốn là chư hầu của Ayuthaya .

Kết luận

  1. Quan hệ của Xiêm và Malacca từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XVI có nhiều bước thăng trầm. Xiêm luôn cố gắng thiết lập ảnh hưởng của mình lên quốc gia thương mại này. Trong khi đó, Malacca tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của Xiêm. Những hoạt động chống đối của Malacca giành được một số kết quả khả quan khi Xiêm tạm dừng một số hoạt động quân sự đánh chiếm Malacca vào cuối thế kỉ XV.
  2. Trung Quốc là một nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của hai nước đối với nhau. Malacca tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Xiêm khi có nhiều động thái thần phục Trung Quốc. Sự có mặt của Trịnh Hòa ở Malacca càng làm tăng độ tin cậy về một sự bảo trợ từ Thiên triều. Còn Xiêm cũng thần phục Trung Quốc, luôn tìm cách lấy lòng những hoàng đế nhà Minh để tạo niềm tin về một nước Xiêm biết thần phục và nghe lời. Tuy nhiên, đó chỉ là những vỏ bọc cho những hành động bành trướng mà Xiêm đang ráo riết thực hiện với các nước láng giềng.
  3. Sự xuất hiện của phương Tây mà cụ thể là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ở Đông Nam Á làm thay đổi chính sách ngoại giao của Xiêm với Malacca. Người Xiêm nhận thấy được sức mạnh quân sự của Bồ Đào Nha nên đồng ý liên minh với Bồ Đào Nha bằng cách không can dự trực tiếp vào Malacca. Tuy nhiên, Xiêm vẫn cố gắng duy trì ảnh  ở những vùng vốn thuộc quyền kiểm soát của mình trong thời kì trước đó là một số tỉnh thuộc đông bắc bán đảo Malay như Kelatan, Trengganu, Patani
  4. Tôn giáo là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn trong quan hệ ngoại giao của hai nước. Việc Xiêm đánh chiếm Malacca ngoài mục đích là mở rộng lãnh thổ còn có một lí do khác. Khi Malacca theo Hồi giáo và trở thành một trung tâm truyền giáo quan trọng, những người đứng đầu chính quyền Malacca đã có nhiều nổ lực nhằm truyền bá Hồi giáo khắp vùng Đông Nam Á hải đảo. Malacca trở thành một cường quốc hùng mạnh về Hồi giáo lẫn thương mại. Chính sự lớn mạnh này của Malacca và sự lan truyền mạnh mẽ của Hồi giáo, Xiêm nhận thấy cần phải ngăn chặn sự phát triển của Hồi giáo trước khi nó thâm nhập vào các tỉnh phía Nam của mình cũng như toàn lãnh thổ của Xiêm-vốn đang rất sùng bái Phật giáo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. G.E. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội.
  2. Charnvit Kasetsiri. Ayutthaya: Capital of Siam and Emporium of Southeast Asia. http://www.ayutthayastudies.aru.ac.th/
  3. Trần Thị Nhẫn (2009), Quan hệ giữa Ayuthaya và Malacca trong thế kỉ XV, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2-2009.
  4. History of Ayuthay. http://www.ayutthaya-history.com/
  5. Malaysia–Thailand relations. http://en.wikipedia.org
  6. China–Malaysia relations .http://en.wikipedia.org

 

0