Ứng đối của chính quyền Siam với thực dân Anh dưới thời vua Mongkut (1851-1868)
Vua Mongkut (1851-1868) Nguyễn Tiến Dũng Trong làn sóng xâm thực mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây ở phương Đông nửa cuối thế kỷ XIX, Siam [1] là chính thể duy nhất ở Đông Nam Á đã thoát khỏi thân phận thuộc địa. Một điểm đáng lưu ý đó là, khi luận giải về sự thành ...
Nguyễn Tiến Dũng
Trong làn sóng xâm thực mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây ở phương Đông nửa cuối thế kỷ XIX, Siam[1] là chính thể duy nhất ở Đông Nam Á đã thoát khỏi thân phận thuộc địa. Một điểm đáng lưu ý đó là, khi luận giải về sự thành công của Siam trong tiến trình bảo vệ an ninh và độc lập dân tộc, phần lớn các học giả trong nước và quốc tế cho rằng sở dĩ Siam có thể giữ gìn chủ quyền của mình là do vị trí “vùng đệm” của quốc gia này nằm giữa hai thế lực của Anh và Pháp, cũng như tận dụng tốt sự mâu thuẫn, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nước đế quốc trên bán đảo Trung – Ấn.[2]
Trên cơ sở khai thác nguồn sử biên niên của Thailand[3], các trước tác của một số nhà ngoại giao và trí thức phương Tây có mặt ở Siam nửa cuối thế kỷ XIX[4], cũng như kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, bài viết này nhìn nhận lại ý thức của nhà vua Mongkut (cq: 1851-1868) về vấn đề chủ quyền, lợi ích quốc gia và những ứng đối khôn ngoan, linh hoạt của chính quyền Siam với thế lực phương Tây, mà tiêu biểu nhất là ứng đối của Siam với thực dân Anh, dưới thời trị vì của ông thay vì quan điểm cho rằng vị trí địa lý là nhân tố chính yếu giúp Siam thoát khỏi thân phận thuộc địa thời kỳ này.
- Siam trước áp lực bành trướng của các thế lực phương Tây thế kỷ XIX
Cũng như nhiều quốc gia châu Á, bước sang nửa cuối thế kỷ XIX, Siam chịu áp lực bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây. Tuy nhiên, không phải đến tận thế kỷ XIX, vương quốc này mới có những tiếp xúc lần đầu với con người và văn minh phương Tây. Là một chính thể mạnh ở Đông Nam Á lục địa, ngay từ đầu thế kỷ XVI, vương triều Ayutthaya đã dần từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao rộng mở với nhiều thế lực từ bên ngoài. Ngoài các “đối tác” mang tính truyền thống ở phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, thời kỳ này, Siam còn thiết lập các hoạt động đối ngoại với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Pháp.
Song, mối quan hệ giữa Siam với phương Tây thời kỳ này không chỉ là dòng chảy đơn tuyến với những hoạt động ngoại giao hữu nghị và hòa bình. Sự phức tạp, chồng chéo quyền lực giữa các thực thế chính trị trên bán đảo Trung – Ấn, cũng như sự mâu thuẫn và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước phương Tây trong khu vực, khiến Siam luôn phải xây dựng cho mình những đối sách và chiến lược ngoại giao phù hợp. Trong các thế kỷ XVI-XVII, Siam không chỉ phải đối diện với cuộc chiến tranh kéo dài dai dẳng với Burma (Miến Điện), vương quốc này còn phải ứng đối với tham vọng bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây. Sau những hành động mang tính “phiêu lưu” của Hà Lan và Anh ở Siam, người Thái sớm ý thức với những đe dọa về an ninh và chủ quyền dân tộc và họ cũng sớm xây cho mình chiến lược “cân bằng quyền lực” với các thực thể phương Tây. Thực tế cho thấy, sau những hành động “lũng đoạn” của Constatine Phaulkon,[5] một nhà phiêu lưu người Hy Lạp trong triều đình Siam trong những năm 80 của thế kỷ XVII, thì đến hơn 1 thế kỷ tiếp theo, ngoại trừ giao thương hạn chế với người Hà Lan tại một địa điểm nhất định và chấp nhận cho một số ít nhà truyền giáo người Pháp tiếp tục hoạt động, thì người Thái đã tuyệt giao và “đóng băng” quan hệ với các thế lực phương Tây.[6]
Tuy nhiên, bước sang thập niên 20 của thế kỷ XIX, một bước ngoặt trong quan hệ giữa Siam với các thế lực phương Tây nói chung và Anh nói riêng đã diễn ra. Sau những nỗ lực “mở cửa” Siam bất thành của sứ đoàn John Crawfurd năm 1821,[7] đến năm 1826, sứ đoàn thứ hai của Anh do thuyền trưởng Henry Burney dẫn đầu đã đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Hữu nghị và Thương mại Anh-Siam. Theo Hiệp ước được thỏa thuận thì cả hai phía đã thống nhất được các nội dung liên quan như cách thức giải quyết các tranh chấp nếu có, phối hợp trấn áp tội phạm, phân định phạm vi ảnh hưởng trên bán đảo Malay, và thỏa thuận về tự do thương mại.[8] Hiệp ước này trở thành “khuôn mẫu” để Siam ký kết một thỏa thuận tương tự với phái đoàn của Mỹ do Edmund Roberts dẫn đầu năm 1833.
Mặc dù cả Anh và Mỹ đã “mở cửa” thành công thị trường Siam cũng như được vương quốc này nhượng bộ cho một số quyền lợi, song cũng giống như Mỹ, người Anh không hoàn toàn thỏa mãn với kết quả đàm phán và những điều khoản đã ký kết của Hiệp ước Burney. Nguyên nhân chính yếu xuất phát từ sự độc quyền của Hoàng gia Thái trong một số mặt hàng giao dịch, đặc biệt là buôn bán-xuất khẩu đường, cũng như sự ngăn cấm buôn bán gỗ tếch của chính quyền này đối với người Anh. Mặt khác, người Anh còn vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ phía người Hoa, những người không bị hạn chế bởi bất kỳ điều khoản nào, giống như những mặt hàng mà người Anh bị đánh thuế như quy định trong Hiệp ước năm 1826. Đồng thời, người Hoa còn giành được nhiều ưu đãi từ phía các quan chức chính quyền Siam trong các hoạt động giao thương.[9]
Điều hiển nhiên là, với một thế lực thực dân lớn, luôn có tham vọng thường trực mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Viễn Đông, người Anh rõ ràng sớm không thỏa mãn với những nguồn lợi bị hạn chế ở Siam. Chính vì thế, việc Đại sứ Anh Jame Brooke được cử đến Siam năm 1850 không nằm ngoài mục đích chỉnh sửa các điều khoản của Hiệp ước Burney theo hướng có lợi hơn. Cùng với phái đoàn của Anh, phái đoàn của Mỹ do Ballestier dẫn đầu cũng đến Siam với mục đích tương tự. Song, sau những thất bại cay đắng trong việc cố gắng chỉnh sửa những hiệp ước đã ký kết năm 1826 và năm 1833, điều này khiến “cả Brooke và Ballestier đã đưa ra giải pháp tiêu cực cho chính phủ của mình rằng chỉ có một cuộc huy động quân sự mới hy vọng mở cửa được Siam”.[10] Và điều này cũng có nghĩa là, đến giữa thế kỷ XIX, mong muốn điều chỉnh hiệp ước với Siam của hai phía Anh và Mỹ đã lên đến đỉnh điểm.
Đứng trước áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của các thế lực thực dân phương Tây, đứng đầu là thực dân Anh, với tư cách là người kế vị và đứng đầu đất nước năm 1851, nhà vua Mongkut buộc phải đưa ra những lựa chọn và quyết sách cho dân tộc mình, những quyết sách có thể ảnh hưởng và tác động sâu đậm đến sự tồn vong và đường hướng phát triển của Siam trong tương lai. Thực tế cho thấy, là một trí thức Phật giáo có 27 năm tu hành và thấm đẫm tư tưởng và triết lý của đạo Phật cũng như kế thừa truyền thống ngoại giao và cách thức ứng đối linh hoạt của Siam với các thế lực phương Tây trong suốt hai thế kỷ trước đó; đồng thời, do sớm có điều kiện tiếp xúc và học tập văn minh phương Tây, cho nên điều dễ hiểu là, nhà vua Mongkut sớm có nhãn quan chính trịnh sắc bén, có tầm nhìn, và tư duy trội vượt so với giới chính khách Siam thời kỳ này.[11] Từ bài học của các quốc gia láng giếng mà đặc biệt là sự thất bại của Trung Quốc trước sự công phá của các thế lực thực dân phương Tây trong chiến tranh nha phiến (1840-1842), nhà vua Mongkut nhận thức rất rõ về sức mạnh và kỹ thuật vượt trội của phương Tây cũng như ý thức rất rõ về nguy cơ xâm lược. Chính vì thế, trên cương vị là người đứng đầu đất nước, ngay từ khi mới lên ngôi, nhà vua Mongkut đã đưa ra phương thức ứng đối và kế sách phù hợp cho vương triều mình, đó là đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt cùng với công cuộc cận đại hóa đất nước, đây được coi là hai nhân tố thiết yếu để bảo vệ thành công nền độc lập của Siam.
Ý thức về chủ quyền, lợi ích quốc gia, về sự tồn vong của đất nước và phương thức bảo tồn nền độc lập dân tộc cũng như đường lối đối ngoại xuyên suốt trong thời gian mình trị nhậm đã được chính nhà vua Mongkut thể hiện trong bức thư mà ông gửi cho viên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Siam đến Paris năm 1867: “Tình thế của chúng ta hiện nay đang bị bao bây bởi 2 hay 3 phía bởi các thế lực hùng mạnh, vậy một đất nước nhỏ bé như chúng ta có thể làm được gì? Giả sử như chúng ta tìm thấy một mỏ vàng và nó cho phép chúng ta khai thác được cả hàng triệu catties,[12] nó đủ để chúng ta mua được hàng trăm tàu chiến thì điều này cũng không thể khiến chúng ta có thể đương đầu với họ, vì thực tế là chúng ta vẫn phải mua tàu chiến và các trang bị vũ khí từ họ. Chúng ta không chế tạo được những thứ này, cho nên nếu chúng ta đủ tiền mua chúng thì các quốc gia này có thể dừng bán bất cứ khi nào khi mà họ cảm thấy những thứ mà chúng ta đang trang bị vượt quá khả năng kiểm soát. Nếu chỉ thuần túy có vũ khí thì cũng không thật sự hữu ích cho chúng ta, mà sự khôn ngoan và hữu ích nhất để bảo vệ chúng ta trong tương lai chính là “cái miệng” và trái tim của chúng ta.”[13] Như vậy, từ việc nhận thức rõ về vị thế hiểm nguy của dân tộc trước áp lực bành trướng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây, trên thực tế, nhà vua Mongkut và các triều thần cấp tiến của mình đã lựa chọn và xây dựng đối sách phù hợp cho quốc gia của mình, đó là chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt gắn liền với quá trình Âu hóa và tự cường đất nước. Nổi bật trong đó là ứng đối của Siam với thực dân Anh, thực dân Pháp và một số nước phương Tây khác.
- Ứng đối của Siam với Anh
Trong ứng đối của chính quyền Mongkut với các thế lực thực dân phương Tây thì mối quan hệ Anh và Siam được xem là mối quan hệ then chốt nhất và là trọng tâm trong đường lối đối ngoại của Siam thời kỳ này. Điều dễ dàng nhận thấy rằng, dưới áp lực bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây, mà Anh được xem là đế chế hùng mạnh nhất, thì “có thể sẽ không quá lời nếu nói rằng Siam phải chịu ơn Mongkut hơn bất kỳ ai khác về việc nước này đã duy trì được nền độc lập của mình trong khi vào cuối thế kỷ XIX, tất cả các khu vực khác của Đông Nam Á đều bị đặt dưới sự cai trị của châu Âu. Bởi vì ông hầu như là người Siam duy nhất nhận thấy rõ rằng, nếu Trung Quốc thất bại trong chính sách đóng cửa của mình trước áp lực của châu Âu thì Siam phải thỏa hiệp với các lực lượng bên ngoài đang đe dọa mình và bắt đầu thích nghi với thế giới mới, trong đó chủ nghĩa truyền thống Á châu đã tỏ ra lỗi thời và không hiệu quả.”[14]
Nhìn lại ứng đối của Siam với Anh thời kỳ này thì Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại Anh – Siam năm 1855 hay còn được gọi là Hiệp ước John Bowringđược xem là dấu mốc bước ngoặt và là khởi đầu mới cho chính sách “mở cửa” của Siam với các quốc gia phương Tây. Xung quan hiệp ước John Bowring, cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá trái chiều trong cách nhìn nhận và luận giải của các học giả trong nước và quốc tế.[15] Theo quan điểm của chúng tôi, nếu như đường lối đối ngoại của Siam với Anh được xem là nhân tố trọng tâm trong thế ứng đối của quốc gia này đối với các thế lực phương Tây, thì Hiệp ước John Bowring cũng được xem là mấu chốt quyết định chiều hướng quan hệ ngoại giao hai nước trong suốt nửa cuối thế kỷ XIX. Chính vì thế, khi đánh giá về những tác động khác nhau của Hiệp ước đối với hai phía, chúng ta nên tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc độ, cũng như xem xét kỹ càng bối cảnh lịch sử, diễn trình đàm phán, quan điểm và mục tiêu của cả Anh và Siam, thay vì chỉ thuần túy phân tích các điều khoản và nội dung của bản Hiệp ước.
Nếu như nhìn nhận lại toàn bộ diễn trình đàm phán và ký kết hiệp ước, chúng ta thấy rằng mục tiêu tối thượng của ngài John Bowring đến Bangkok năm 1855 đó chính là hướng đến việc “khai mở” những rào cản về thương mại. Điều này phần nào được ông phản ánh trong tập hồi ký của mình: “Vấn đề khó khăn lớn nhất dễ dàng có thể nhìn thấy được là việc phải giải quyết vấn đề độc quyền từ phía Siam, điều mà đã gây cản trở lớn đối với giao thương, và cần phải phá bỏ các rào cản này để việc buôn bán hàng hóa không gặp bất kì trắc trở gì.”[16]
Thực tế lịch sử cho thấy, ngài John Bowring đã gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành nhiệm vụ đàm phán hiệp ước “mở cửa” thương mại ở Siam. Hiệp ước Thương mại và Hữu nghị giữa Anh và Siam được ký kết ngày 18/4/1855 không đơn thuần được tiếp nhận và dễ dàng đi đến thỏa thuận giữa hai phía, mà nó đã trải qua quá trình đàm phán rất phức tạp và kéo dài. Dù cho, mối quan quan hệ cá nhân giữa nhà vua Mongkut và ngài Đại sứ Anh John Bowring là hết sức tốt đẹp và thân thiện. Nguồn tài liệu sử biên niên của vương triều Chakkri dưới thời vua Mongkut cho biết rằng, trước khi đến Siam vào tháng 3 năm 1855, John Bowring đã viết cho nhà vua Mongkut một bức thư bày tỏ thiện chí của mình. Bức thư có nội dung khái lược như sau: Nhận nhiệm vụ quốc vương của mình, ngài Bowring được cử đến Siam để đàm phán hiệp ước hữu nghị liên quan đến vấn đề thương mại cũng như một số vấn đề khác. John Bowring sẽ thông báo với phía Siam là sẽ có bao nhiêu thuyền và bao nhiêu người được mang theo cùng với ông ta. Bức thư cũng cho biết rằng, hiện tại có một lượng lớn thuyền chiến của Anh đang có mặt ở vùng biển Trung Hoa, nhưng Bowring sẽ đến Siam với một thái độ thân thiện chỉ với một lượng nhỏ tàu thuyền. Bức thư cũng viết rằng, nếu được chào đón một cách hòa bình và hữu hảo, John Bowring sẽ ứng xử với Siam như một quốc gia lớn và trong thâm tâm, ông hoàn toàn không muốn phải thực thi các biện pháp bằng vũ lực.[17]
Đáp lại thiện chí của Bowring, hơn một lần, trong các trước tác của mình, nhà vua Mongkut của Siam đã bày tỏ thái độ mềm mỏng và trọng thị của mình với ông, như trong một bức thư vào đầu năm 1855: “Bạn thân mến! Tôi đã thông báo với tất cả triều thần của tôi về chuyến viếng thăm của ngài. Họ rất lấy làm vinh hạnh và tin tưởng về chuyến viếng thăm hòa bình và hữu nghị của ngài. Vì ngài là một người bạn thân tình của tôi nên họ đang chờ đợi những thương thảo thuận lợi trong việc ký kết hiệp ước.”[18] Hay như trong một bức thư khác: “Người bạn thân mến của tôi, hôm nay tôi hết sức vui mừng được tin ngài đã tới đây. Hãy cho phép tôi được kính chào ngài theo cách của người Siam. Nhà ở của ngài tại đây đã được chuẩn bị. Chúng tôi đã chuẩn bị đón tiếp ngài từ rất lâu rồi.”[19]
Và các nguồn tài liệu từ hai phái Anh cũng như Siam cho biết rằng, chiếc tàu Rattler và Grecian chở phái đoàn đàm phán của Anh, đứng đầu là ngài Đại sức Đặc mệnh toàn quyền John Bowring, đến hàng rào chắn an ninh tại tiền đồn Paknam ở cửa sông Chao Phraya vào ngày 24/3/1855, như chính sử của Siam cho biết: “Vào Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 (theo lịch Siam hay Phật lịch, tức ngày 24/3 – NTD chú), ba người Anh là ngài Đại sứ John Bowring, ông Harry Parkes sứ giả thứ hai và John C. Bowring sứ giả thứ ba[20] đã đến trên hai chiếc tàu là Rattler và Grecian. Hai chiếc tàu này đã đến cửa sông Chao Phraya và neo đậu ở bên ngoài rào chắn kiểm soát… Sau đó, John Bowring, Harry Parkes, John C. Bowring và 24 quý tộc Anh khác ngược thuyền lên đến Bangkok và họ trú ngụ tại khu cư trứ dành cho sứ đoàn ngoại quốc nằm phía trước ngôi đền Prajuurawon”.[21]
Song trải qua một khoảng thời gian chờ đợi khá dài, phải đến ngày 9/4/1855, tức hơn nửa tháng sau, cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên mới được tiến hành. Đứng đầu phái đoàn đàm phán của Anh là ngài John Bowring, Harry Parkes và John C. Bowing. Trong khi đó, về phía Siam, nhà vua Mongkut đã “phê duyệt một hội đồng đàm phán của hoàng gia, hội đồng này gồm có: người em trai của nhà vua (tức Hoàng thân Krom Luang Wongsa – NTD chú), Somdet già[22](tức Somdet Ong Yai, cha của Kralahom và Phraklang – NTD chú), Somdet trẻ (tức Somdet Ong Noi, chú của Kralahom và Phraklang – NTD chú), Kralaham (Bộ trưởng Bộ Chiến tranh – NTD chú)[23] và Phraklang (Bộ trưởng Bộ Tài chính – NTD chú),[24] tổng cộng là 5 người. Do Bộ trưởng Bộ Nội vụ già yếu và không thể đi lại nên không được phê duyệt là thành viên của hội đồng đàm phán”.[25]
Điều đáng lưu ý trong suốt quá trình đàm phán giữa Anh và Siam đó là, sự khó khăn và phức tạp không chỉ vì những khác biệt về quan điểm giữa hai phía, mà ngay trong nội bộ giới quý tộc và quan lại Siam cũng đã có sự “va chạm” về quan điểm, cách thức nhìn nhận vấn đề. Điều này cũng có nghĩa là, đứng trước những khó khăn và thách thức mang tầm thời đại, thì trong nội bộ giới “tinh hoa” Siam đã có cách nhìn nhận và nhận thức khác biệt về quyền lợi, lợi ích của dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích nhóm. Nếu như Kralaham (Bộ trưởng Bộ Chiến tranh) và Phraklang (Bộ trưởng Bộ Tài chính)[26] đương nhiệm được coi là những quan lại cao cấp có tư tưởng cấp tiến trong triều đình Bangkok, thì cha của họ Somdet Ong Yai, vốn là Kralaham và Phraklang của thời kỳ trước, được coi là người bảo thủ, muốn giữ đặc quyền đặc lợi của thể chế cũ. Điều này được bày tỏ khá rõ trong các nguồn tài liệu liên quan: “Mặc dù không còn nắm giữ chức vụ cao cấp và nhiều thế lực nhất trong vương quốc, nhưng Somdet vẫn tuân thủ và áp đặt nhiều nghi lễ cũ, ông ta vẫn giữ sự gắn bó với thể chế cũ hơn là những người con trai có tư tưởng cấp tiến của mình, những người nắm giữ chức vụ quan trọng vốn là của cha mình trong triều đình.”[27] Không những thế, trong suy nghĩ của Somdet thì quyền lực của mình đã bị suy yếu trong kỷ nguyên mới này, và ông đã thật sự lo lắng vì ông được xem là “một trong người bảo vệ cho thời kỳ cũ và là người có nhiều quyền lợi trong hệ thống đặc quyền cũ.”[28] Thực tế cho thấy, trong nhiều thời điểm, cùng với những rào cản khó khăn về phong tục, tập quán và lễ thức giữa Anh và Siam thì chính sự chống đối của phái bảo thủ trong triều đình Bangkok, mà đứng đầu là Somdet Ong Yai và Somdet Ong Noi khiến John Bowring tự cảm thấy không có nhiều niềm tin vào kết quả đàm phán và ông ta nghĩ rằng phái đoàn của mình rời khỏi Siam mà không ký kết được hiệp ước.[29]
Sau một thời gian đàm phán kéo dài liên tục trong 10 ngày (từ ngày mồng 9 đến 18/4/1855), với nhiều nội dung được đem ra bàn thảo và cân nhắc nhiều lần, Hiệp ước chính thức được ký kết vào ngày 18/4/1855, mang tên Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại Anh-Siam, hay còn gọi là Hiệp ước Bowring. Về việc đàm phán và ký kết hiệp ước, nguồn chính sử của Siam cho biết thêm rằng: “Các cuộc hội kiến để đàm phán hiệp ước được tiến hành ở tòa cung điện cũ. Hiệp ước bao gồm 12 điều khoản về mối quan hệ giữa hai quốc gia, 6 điều khoản về các vấn đề dân sự, 3 điều khoản về thuế xuất nhập khẩu, thực hiện tổng cộng 21 điều khoản.[30] Trong ngày ký và đóng dấu vào hiệp ước, 21 phát súng chào mừng được bắn từ Pháo đài Wichajeenprasid. Thuyền Anh cũng bắn 21 loạt đại bác”.[31]
Không giống như Hiệp ước Burney năm 1826, Hiệp ước John Bowring được xem là hiệp ước bất bình đẳng, với tổng cộng 12 điều khoản. Do dung lượng của chuyên luận có hạn nên chúng tôi không trích dẫn đầy đủ toàn bộ 12 điều khoản của hiệp ước ở đây, và nội dung tóm lược của hiệp ước có thể được khái quát như sau: “Thứ nhất, công dân Anh ở Siam được hưởng quyền lãnh sự tài phán. Nếu công dân Anh phạm tội ở Siam sẽ được xử theo pháp luật của Anh, chứ không theo luật pháp bản địa; Thứ hai, công dân Anh được quyền tự do buôn bán tại tất cả các cảng thị và được quyền cư trú lâu dài ở Bangkok. Người Anh cũng có quyền mua bán và sở hữu đất đai trong phạm vi khu vực có bán kính bằng 24 giờ đi thuyền tính từ trung tâm Bangkok; Thứ ba, việc đánh thuế trước đây được bãi bỏ, các loại thuế xuất và nhập khẩu giờ đây được ấn định như sau: 1. Thuế nhập khẩu được ấn định 3% cho tất cả các mặt hàng; 2. Thuế xuất khẩu chỉ được đánh một lần, loại thuế này có thể được gọi là thuế nội địa, thuế vận chuyển hay thuế xuất khẩu; Thứ tư, thương nhân Anh được phép mua và bán trực tiếp với mọi cá nhân người Siam nào mà không bị ngăn trở bởi bất kỳ ai; Thứ năm, chính quyền Siam có quyền ngăn cấm việc xuất khẩu muối, gạo và cá bất cứ khi nào mà họ thấy rằng những mặt hàng này có nguy cơ đe dọa đến chính quyền sở tại; Thứ sáu, một điều khoản về tối huệ quốc được đính kèm.”[32]
Như vậy, có thể thấy rằng, Hiệp ước Bowring là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách đối ngoại cũng như thế ứng đối của Siam đối với các quốc gia phương Tây thời kỳ này.[33] Về hệ quả của Hiệp ước Bowring đối với Siam, một câu hỏi được đặt ra là, đây có thật sự là một một hiệp ước hoàn toàn bất bình đẳng, là một sự “nhún nhường” và là thất bại toàn diện của chính quyền Siam, mà đứng đầu là nhà vua Mongkut, trước áp lực bành trướng của các thế lực phương Tây nói chung và thực dân Anh nói riêng? Đây là một câu hỏi lớn và thật khó để đưa ra một câu trả lời cuối cùng và duy nhất đúng. Thực tế lịch sử cho thấy, đã có nhiều khác biệt khi nhìn nhận và đánh giá về hiệp ước Hữu nghị và Thương mại giữa Anh và Siam năm 1855, khác biệt không chỉ từ quan điểm của hai phía Anh (đứng đầu là John Bowring) và Siam thời bấy giờ, mà còn có những khác biệt trong cách luận giải của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế sau này. Theo chúng tôi, để đánh giá thấu triệt về hệ quả của hiệp ước John Bowring cũng như ứng đối của Siam với Anh dưới thời vua Mongkut nên chăng tránh cách nhìn nhận đơn tuyến mà vấn đề cần được tiếp cận dưới nhiều góc độ, điều này có nghĩa là tránh cách nhìn nhận quá tiêu cực về hệ quả của bản hiệp ước đối với Siam cũng như tránh đi cách nhìn nhận tích cực một cách phiến diện, một chiều.
Điều dễ dàng có thể nhận thấy rằng, dù tiếp cận dưới góc độ nào thì Hiệp ước Anh-Siam năm 1855 là hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên, chấm dứt những cố gắng của Siam trong việc ngăn chặn sự xâm nhập và can thiệp của chủ nghĩa tư bản vào thị trường nước này. Xét trên phương diện chính trị, một trong những sự nhượng bộ chính yếu của Siam với Anh chính là chế độ lãnh sự tài phán, đây được xem là một trong những điều khoản bất bình đẳng nhất trong bản Hiệp ước. Theo cam kết của bản Hiệp ước, Siam không có quyền quản lý những công dân của Anh và khi những người này phạm pháp, tòa án của Siam không có quyền xét xử. Trong khi đó, xét trên phương diện kinh tế, Siam đã nhượng bộ cho Anh hơn bất kỳ cường quốc nước ngoài nào sau này. Việc chỉ giới hạn thuế nhập khẩu cho thương nhân Anh ở mức 3%, cho phép nhập thuốc phiện miễn thuế (dù số lượng bị giới hạn trong một khoảng nhất định), hay đánh thuế xuất khẩu chỉ một lần theo danh sách phê chuẩn của bản Công ước ký kết năm 1856, thì rõ ràng hiệp ước đã khống chế khả năng thu nhập, gián tiếp ảnh hưởng đến ngân khố cũng như nguồn lực quốc gia của Siam.[34]
Bằng việc ký kết Hiệp ước Bowring, xét trên phương diện lợi ích chính trị và kinh tế thì rõ ràng Siam phải gánh chịu những thiệt thòi không nhỏ, tuy nhiên, tiếp cận vấn đề dưới góc độ khác có thể thầy rằng, bản hiệp ước mang lại những thành công lớn cho Siam trong việc bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc. Là người đứng đầu đất nước, hơn ai hết nhà vua Mongkut ý thức rằng, với tiềm năng kinh tế, quân sự của Siam vào thời bấy giờ chắc chắn không đủ sức chống chọi được với sức mạnh vượt trội, hơn hẳn của thực dân phương Tây. Và thông qua việc ký kết hiệp ước, Siam tránh được thế cuộc đối đầu trực diện với Anh về quân sự và vũ lực. Dù dành cho Siam nhiều mối thiện cảm, nhưng hơn một lần trong hồi ký của mình, John Bowring đã thừa nhận việc không loại trừ biện pháp “tiêu cực” đối với Siam giống như những người tiền nhiệm của mình là Jame Brooke cũng như đại sứ Mỹ Ballestier đề xuất trước đó: “Nếu hiệp ước không được ký kết, tôi sẽ không có lý do gì để trì hoãn, và tôi có thể tuyên bố chắc chắn rằng tôi không thể dành thêm thời gian để thực hiện sứ mạng của mình. Tôi sẽ trở lại Siam sau khi bàn bạc với các cộng sự Pháp và Mỹ cũng như ngài đô đốc hải quân Anh.”[35] Điều này có nghĩa là, nếu như hiệp ước không được ký kết thì John Bowring sẽ rời đi và có thể quay lại cùng với thuyền chiến và lực lượng quân đội đồng minh Pháp và Mỹ. Khi đó, Siam khó có thể né tránh một cuộc đối đầu trực diện về vũ trang, trong tương quan lực lượng thời đó, thật không khó để có thể đoán định được kết quả có thể xảy ra.
Không những vậy, khi xem xét lại chế độ lãnh sự tài phán, điều được coi là bất bình đẳng nhất trên phương diện chính trị mà Siam ký kết với Anh, thì có thể thấy rằng, đây cũng không phải là điều hoàn toàn mới lạ trong quan hệ giữa Siam với các cường quốc châu Âu. Tuy lời lẽ không hoàn toàn trùng khớp, nhưng ngay từ thế kỷ XVII, dưới thời nhà vua Narai, chính quyền Ayutthaya đã dành cho người Hà Lan những sự nhượng bộ tương tự.[36] Do đó, điều có thể khẳng định là, dù còn những băn khoăn trong việc kiểm soát được các viên lãnh sự, những người có quyền hành tuyệt đối trong việc quản lý các nhóm ngoại kiều, nhà vua Mongkut đã lựa chọn và thực thi một chủ trương ngoại giao mang tính truyền thống, có chủ ý, sáng suốt, thức thời, chấp nhận hy sinh quyền lợi trước mắt, chịu thiệt thòi, nhượng bộ để đạt được mục đích tối cao là chủ quyền và độc lập dân tộc.[37]
Trên phương diện kinh tế, dù còn nhiều tranh luận về tác động thực sự của biểu thuế quan mới đối với Siam,[38] song chúng tôi cho rằng những điều khoản của Hiệp ước Anh-Siam xét trên phương diện nào đó đã tạo nên một cuộc cách mạng khá toàn diện trong toàn bộ hệ thống tài chính của chính phủ. Những điều khoản này đã đem lại một sự thay đổi lớn trong hệ thống thuế khóa, chúng góp phần xóa bỏ nhiều loại thuế “độc hại”, điều này sẽ khiến người sản xuất yên tâm lao động, và từ đó sẽ tăng thêm sức sản xuất trong toàn bộ đất nước.[39] Bên cạnh đó, Hiệp ước cũng hủy bỏ một số lớn các đặc quyền và độc quyền lâu năm của các quý tộc có ảnh hưởng nhất và các quan lại cao cấp nhất của Siam.[40] Dù vẫn còn đôi chút băn khoăn về sự “tuyệt đối hóa” tính chất tích cực về kinh tế của bản hiệp ước đối với Siam trong quan điểm của John Bowring như trong các trước tác mà ông đã viết: “Có những mức thuế đặc biệt về việc sản xuất đường, hồ tiêu, thuốc lá, cũng như toàn bộ các mặt hàng thiết yếu khác, về tổng thể, các loại mặt hàng này chịu mức thuế rất nặng; điều này khiến việc thu gom chúng trở nên rất khó khăn, vì các đơn vị sản xuất nông nghiệp có khuynh hướng từ bỏ các hoạt động canh tác. Hiệp ước mới đưa ra quy định rằng các mặt hàng chỉ chịu một loại thuế duy nhất, cho nên đã làm an lòng các những người sản xuất, từ đó đẩy mạnh khuynh hướng sản sản theo hướng công nghiệp”.[41] Song, chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm rằng, về phương diện kinh tế, rõ ràng hiệp ước đã thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại và kéo theo đó là sự kích thích và thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một điều đáng chú ý trong ứng đối của Siam với Anh dưới thời vua Mongkut đó là, tuy có những sự nhượng bộ về chính trị, kinh tế và dù cũng đã đem ra đấu tranh trên bàn đàm phán nhiều lần với kết cuộc không đưa được vào trong hiệp ước, nhưng vấn đề về biên giới, vấn đề về lãnh quyền quốc gia chưa bao giờ nằm ngoài tiềm thức của nhà vua Mongkut và những triều thần yêu nước của mình.[42] Thực tế cho thấy, dưới thời trị vì của nhà vua Mongkut, dù theo đuổi đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhưng khi cần thiết, chính quyền Siam vẫn có những biện pháp cứng rắn và sẵn sàng tiến hành đàm phán để phân định một cách rõ ràng lãnh quyền biên giới giữa đất nước này với các phần lãnh thổ thuộc Anh dọc theo biên giới Burma hay bán đảo Malay vào những năm 60 của thế kỷ XIX.[43]
Không những vậy, dù dành cho Anh nói chung và cá nhân John Bowring nói riêng sự trọng thị lớn, nhưng Siam luôn có xu hướng tránh lé sự lệ thuộc hoàn toàn. Như trong chuyên khảo rất đáng chú ý của mình, tác giả Abbot Low Moffat đã chỉ ra rằng: Trong thập niên 60 của thế kỷ XIX, John Bowring được Siam tín nhiệm đến mức ông đã đại diện cho Siam tiến hành đàm phán thương mại với Pháp và các quốc gia phương Tây khác. Nhưng chưa bao giờ, nhà vua Mongkut chỉ định Bowring tham gia đàm phán các vấn đề liên quan đến chính trị, chẳng hạn như mối quan hệ với Pháp xung quanh vấn đề Cambodia, vì ông e sợ Siam sẽ trở nên quá phụ thuộc vào Anh.[44] Điều này có nghĩa là, trong ý thức của nhà vua Mongkut chủ quyền quốc gia là giá trị thiêng liêng và vĩnh hằng, là ưu tiên được ông đặt lên trên hết thảy mọi điều.
- Một số nhận xét
Như vậy, đến giữa thế kỷ XIX, trước áp lực bành trướng mạnh mẽ của các thế lực phương Tây, đứng đầu là thực dân Anh, khi vừa mới lên ngôi, trên cương vị là người đứng đầu đất nước, nhà vua Mongkut buộc phải đưa ra những quyết sách, lựa chọn khó khăn liên quan đến vận mệnh, sự tồn vong của quốc gia mình. Là một trí thức Phật giáo với 27 năm tu hành khổ hạnh, lại sớm có điều kiện tiếp nhận văn minh phương Tây, có thể nhìn nhận rằng, so với các nhà chính trị ở Siam thời kỳ này, nhà vua Mongkut là người có tư duy và tầm nhìn trội vượt. Đồng thời, trên cơ sở vừa kế thừa truyền thống ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo của dân tộc, một dân tộc vốn có tư duy đầy thực tế, quen thích nghi và hội nhập; kết hợp với tầm nhìn, tư duy sâu rộng của bản thân, nhà vua Mongkut đã lựa chọn và xây dựng cho Siam những đối sách và ứng đối sáng suốt, phù hợp.
Điều có thể thấy rằng, trong ứng đối của Siam với các thế lực phương Tây dưới thời Mongkut, vương quốc này đã xây dựng được một đối sách đúng đắn cũng như chiến lược phù hợp đối với từng đối tác. Điều có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong quan hệ đối ngoại với các thế lực phương Tây thời kỳ này, giới lãnh đạo Siam đã có cách nhìn phân lập đầy “tỉnh táo” giữa lợi ích chính yếu và lợi thứ yếu, cũng như cách ứng đối đầy linh hoạt với từng thế lực thực dân, sức ép của quốc gia nào lớn lớn thì Siam nhượng bộ lớn, sức ép ít thì Siam nhượng bộ ít, thậm chí có những “nhượng bộ” chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Và trong số các thế lực phương Tây, Siam chịu áp lực bành trướng sớm và mạnh mẽ nhất từ thực dân Anh. Nổi trội trong ứng đối của chính quyền Mongkut với đế chế này là những nhượng bộ lớn về lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế nhằm tránh nguy cơ đối mặt trực diện về quân sự cũng như là để giữ gìn nền độc lập, chủ quyền của Siam. Hơn bất kỳ thế lực nào khác, Anh là quốc gia nhận được nhiều quyền lợi nhất ở Siam, sự hiện diện đông đảo của đội ngũ các nhà chính trị, đội ngũ chuyên gia, cố vấn, thương nhân và đặc biệt việc người Anh nắm giữ khoảng 90% các hoạt động giao thương xuất nhập-cảnh của Siam đã cho thấy rõ điều đó. Dù dành cho thực dân Anh những sự nhượng bộ lớn, song chưa bao giờ vấn đề chủ quyền nằm ngoài tiềm thức của nhà vua Mongkut và các triều thần yêu nước, có tư tưởng cấp tiến của mình. Thực tế lịch sử cho thấy, khi cần thiết Siam sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và dùng những biện pháp cứng rắn với thực dân Anh về những vấn đề liên quan đến phân định biên giới và lãnh quyền quốc gia. Rõ ràng, dù phải hy sinh một số lợi ích trước mắt, song về căn bản, Siam đã bảo vệ thành công độc lập và chủ quyền quốc gia.
Trong ứng đối của chính quyền Siam với thực dân Anh, nhà vua Mongkut là người giữ vai trò linh hồn và là người hoạch định lên đường hướng chiến lược cho toàn bộ mọi kế sách. Ý thức của Mongkut về chủ quyền và lợi ích quốc gia cũng như sự tồn vong của dân tộc là nhân tố quyết định và chi phối nhất đến phương thức ứng đối của chính quyền Siam với Anh. Trong nhiều trường hợp, Mongkut và các cận thần của mình đã biết hy sinh một số quyền lợi trước mắt, thậm chí là lợi ích kinh tế của dòng tộc, của giai cấp, lợi ích của cá nhân, cũng như dám đương đầu trực diện với tầng lớp quý tộc bảo thủ nhằm hướng tới sứ mệnh thiêng liêng tối cao là bảo tồn chủ quyền và lợi ích quốc gia. Về vai trò quan trọng của nhà vua Mongkut đối với việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Siam, để kết thúc chuyên luận nhỏ này, chúng tôi xin trích dẫn lại một nhận xét về ông của viên sứ giả người Anh Harry Parkes đến Siam năm 1855 và 1856: “Tôi thật là may mắn khi giữ được mối quan hệ hòa hiếu tốt đẹp với nhà vua (the First King, tức Mongkut – NTD chú), ông đã lắng nghe một số lời đề nghị của tôi, điều mà thậm chí ông đã phải đương đầu lại với những vị quan đại thần cao cấp của mình. Ông thật sự là một người khai sáng”.[45]
–Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3/2016, tr.51-65
Chú thích:
[1] Để thống nhất cách dùng từ và thuật ngữ riêng, trong bài viết này, chúng tôi dùng các tên quốc tế thay vì các tên đã phiên âm như Siam thay cho Xiêm hay Thailand thay cho Thái Lan… Đồng thời, thuật ngữ Siam cũng được dùng để chỉ chung cho các triều đại đã từng tồn tại ở Thailand thời trung đại và cận đại như Sukhothai, Ayutthaya, Chakkri…
[2] Về chính sách đối ngoại của Siam với các thế lực thực dân phương Tây nửa cuối thế kỷ XIX nói chung và phân tích về vị trí “vùng đệm” của quốc gia này, xin tham khảo: David Wyatt: Thailand: A Short History, Yale University Press, New Haven, USA, 2003; M. L. Manich Jumsai: History of Anglo – Thai Relations, Published by Chalermnit, Bangkok, Thailand, 1970; Patrick Tuck: The French Wolf and the Siamese Lamb-The French Threat to Siamese Independence 1858-1907, White Lotus Co., Ltd, Bangkok, Thailand, 1995; Walter F. Vella: The Impact of the West on Government in Thailand, University of California Press, Berkeley and Los Angeles, USA, 1955, pp. 317-350; Thongchai Winichakul: Siam Mapped-A History of the Geo-Body of a Nation,University of Haiwaii Press, Honolulu, USA, 1994; Likhit Dhiravegin: Siam and Colonialism (1855-1909)-An Analysis of Diplomatic Relations, Thai Wantana Panich Co., Ltd, Bangkok, Thailand, 1974; Abbob Low Moffat: Mongkut: the King of Siam, Cornell University Press, Ithaca, New York, USA, 1961, pp. 23-95…
[3] Bộ sử biên niên của Siam dưới thời trị vì của Rama IV (tức nhà vua Mongkut, cq: 1851-1868) đã được dịch giả Chadin (Kanjanavanit) Flood kỳ công dịch thuật từ tiếng Thái sang tiếng Anh năm 1964 và được The Centre for East Asian Cultural Studies (Tokyo, Japan) in và ấn hành năm 1965 và 1966. Xin xem cụ thể: The Dynastic Chronicles Bangkok Era: The Fourth Reign (1851-1868), Translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, The Centre for East Asian Cultural Studies, Tokyo, Japan, Vol. 1 (1965) & Vol. 2 (1966). Bản chụp của bộ sử biên niên này, chúng tôi có được từ năm 2011 nhờ sự giúp đỡ của ThS. NCS. Vũ Đức Liêm, khi anh tham dự Chương trình đào tạo Thạc sĩ về Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan. Năm 2013, khi giành được học bổng Empowering Network for International Thai Studies (ENITS) Scholarship của Viện Nghiên cứu Thái (Institute of Thai Studies) thuộc Đại học Chulalongkorn và tham dự hội thảo quốc tế tại Bangkok, nhờ sự giúp đỡ của một số nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh người Thái, tôi có điều kiện tiếp xúc và khai thác trực tiếp bản in của bộ sử biên niên cũng như một số nguồn tài liệu quý khác về cải cách của Thái Lan tại thư viện của đại học. Qua đây, tôi xin gửi lời cám ơn sâu sắc đối với những giúp đỡ quý giá đó.
[4] Trong số các trước tác của người phương Tây viết về Siam thời vua Mongkut, chúng tôi cho rằng tập hồi ký của Đại sứ Anh John Bowring đến Siam năm 1855 và tập hồi ký của nữ gia sư người Anh Anna Harriette Leonowens ở triều đình Bangkok 6 năm là những nguồn tư liệu tham khảo rất có giá trị. Nếu như tập du ký của John Bowring:The Kingdom and People of Siam; with a Narrative of the Mission to that Country in 1855, Oxford University Press, London, UK, Oxford in Asia Historical Reprints, Two vols, 1969, phản ánh về Siam phong phú, tinh tế trên nhiều phương diện như địa lý, lịch sử, dân cư, ngôn ngữ, phong tục tập quán, kinh tế, thương mại, văn học, tôn giáo… đặc biệt là về quan hệ thương mại và ngoại giao của Siam với các nước phương Tây; thì cuốn hồi ký của Anna Harriette Leonowens: The English Governess at the Siamese Court: Being Recollections of Six Years in the Royal Palace at Bangkok, Oxford University Press, UK, 1988, lại phản ánh khá phong phú và sinh động đời sống trong cung đình Bangkok.
[5] Constatine Phaulkon có vai trò như là một cố vấn và thậm chí có vai trò như một Bộ trưởng phụ trách công tác đối ngoại của chính quyền Ayutthaya dưới thời vua Narai, và chính ông ta đã hướng nhà vua Narai hướng về phía người Pháp và “âm mưu” đặt Siam nằm dưới sự quản trị của quốc gia này. Đáng tiếc là mưu đồ của Phaulkon chưa kịp thực hiện và chỉ không lâu sau khi nhà vua Narai qua đời, năm 1688, Phaulkon đã bị người thừa kế của vương quốc là Phra Phetraraja sát hại.
[6] Cũng giống như đối sách “tỏa quốc” mà người Nhật đã thực hiện 50 năm trước đó, “mọi nỗ lực của thuyền buôn phương Tây nhằm mở cửa quan hệ thương mại bị các vị vua nối tiếp nhau của chính quyền Ayutthaya xem là mối đe dọa lớn đến chính thể chuyên chế và là một mối nguy hiểm đối với an ninh và chủ quyền quốc gia của Siam”. Xin xem thêm: Frank C. Darling: Thailand and the United States, Public Affairs Press, Washington DC, USA, 1965, p. 12.
[7] Mặc dù thất bại trong việc đàm phán và ký kết Hiệp ước với chính quyền Siam, nhưng John Crawfurd vẫn dành cho đất nước Siam những lời nhận xét đầy trọng thị: “Siam xứng đáng được xem là một trong những quốc gia quan trọng và văn minh nhất ở xứ sở nhiệt đới, khu vực nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc”. Xin xem cụ thể: H. R. H. Prince Chula Charkrabongse: Lords of Life, Taplinger Publishing Co., Inc., New York, USA, 1960, p. 138.
[8] W. A. Graham: Siam, 2 vols, Alexander Morning Ltd, The De La More Press, London, UK, Vol. I, p. 215, dẫn theo Likhit Dhiravegin: Siam and Colonialism (1855-1909)-An Analysis of Diplomatic Relations, Ibid, p. 10.
[9] Trong một ghi chép rất đáng chú ý của mình, W. A. Graham đã viết về tình trạng bất bình đẳng trong cạnh tranh buôn bán giữa thương nhân Anh và thương nhân Hoa kiều như sau: “Toàn bộ những quy định và hạn định về việc đánh thuế với thương nhân Anh thường được các quan chức chính quyền Siam thực thi một cách cứng nhắc, trái lại những quyền lợi tương tự lại thường bị lờ đi. Trong khi đó, thương nhân Hoa không cần có hiệp ước, không bị quy định bởi bất kỳ điều khoản nào và họ đạt được nhiều mối lợi ở Siam thông qua việc mua bán những mặt hàng mà họ muốn bằng một quy trình hết sức đơn giản với chính quyền Siam. Và trong khi người Anh bị hiệp ước giới hạn trong việc đóng tàu thuyền, mua đất hay mua nhà, không được mua bán – xuất khẩu gạo và không được phép đi lại trong nội đia thì người Hoa dễ dàng thực hiện những điều này mà không vướng phải bắt kỳ ngự ngăn trở nào. Mặt khác, mặc dù chính quyền Siam cam kết không độc quyền, trao cơ hội bình đẳng cho tất cả và không tư lợi cho bất kỳ ai, song họ lại lờ đi những quy định này, với việc cho phép giao dịch thương mại trong hầu hết các điều khoản đối với tầng lớp có thế lực, những người đã nhượng quyền buôn bán cho thương nhân người Hoa. Và chính quyền Siam còn ngăn cản thành công người Anh trong việc thu gom hàng hóa, bằng việc trả những mức giá thấp đến mức gây hại trong việc cạnh tranh giá cả. Về phía Anh, những nỗ lực của Công ty Đông Ấn trong việc chỉnh sửa một phần của bản hiệp ước đã bị thất bại bởi mối lợi ích ràng buộc mà người Hoa thiết lập được với nhà vua của Siam và những quan lại đứng đầu của chính quyền. Về phía Mỹ, nỗ lực chỉnh sửa hiệp ước đã ký kết với Siam của quốc gia này cũng không mang lại nhiều kết quả. Xin xem cụ thể W. A. Graham: Siam, Vol. II, pp. 95-97, dẫn theo Likhit Dhiravegin: Siam and Colonialism (1855-1909)-An Analysis of Diplomatic Relations, Ibid, quotation 22, p. 11.
[10] Likhit Dhiravegin: Siam and Colonialism (1855-1909)-An Analysis of Diplomatic Relations, Ibid, p. 11.
[11] Khi Mongkut mới lên ngôi năm 1851, một tờ báo ở Singapore đã có những nhận định rất đáng chú ý: “Quốc vương mới là một người có tư duy tự do hơn hẳn phần đông dân chúng trong vương quốc của ông ta… Chúng tôi nghĩ rằng chủ quyền hiện nay sẽ được củng cố thêm rất nhiều ở quốc gia này, và sẽ có thêm nhiều tự do đối với người ngoại quốc và các hoạt động thương mại của họ”, H. R. H. Prince Chula Charkrabongse: Lords of Life, Ibid, p. 179.
[12] Catties là đơn vị đo lường khá phổ biến ở Trung Quốc và Đông Nam Á thế kỷ XIX, mỗi catties tương đương với khoảng 500 đến 600 grams (khoảng ½ kg) ngày nay.
[13] Bản dịch bức thư của nhà vua Mongkut gửi đến Phraya Suriyawongse Vayavadhana, Đại sứ Đặc mệnh của Siam đến Paris, ngày 4/3/1867, in trong Pramoj MS, pp. 179-186; quotation p. 186; dẫn theo Abbot Low Moffat: Mongkut, the King of Siam, Cornell University Press, Ithaca, New York, USA, 1961, pp. 24-25.
[14] D. G. E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 1997, tr. 692.
[15] Khi đánh giá về hiệp ước Bowring đã có những khác biệt nhất định giữa quan điểm về chính sách đối ngoại cũng như những vấn đề liên quan đến kinh tế của Siamthời kỳ này. Về quan hệ đối ngoại, một điều rất đáng chú ý là, các nhà sử học đồng ý rằng Siam đã dành sự nhượng bộ lớn với người Anh. Thực tế cho thấy, sau khi bản hiệp ước được ký kết năm 1855, một số người Thái đã bày tỏ quan điểm rằng, họ đã dành sự nhượng bộ cho người Anh hơn là những gì mà người Nhật và người Việt đã phải ký kết trong bối cảnh tương tự, xin tham khảo cụ thể: Nicolas Tarling: “Harry Parkes’ s Negotiations in Bangkok in 1856”, Journal of Siam Society, Bangkok, Thailand, Vol. 53, Part. 2, 1965, p. 168. Trong khi đó, trong một chuyên khảo đáng chú ý của mình, B. J. Terwiel đã nhìn nhận lại hiệp ước Bowring năm 1855 và có những luận giải khác biệt về hệ quả của hiệp ước đối với Siam. Trong đó, tác giả đã làm nổi bật ba vấn đề:Thứ nhất, Terwiel khảo sát lại các hệ quả về kinh tế của hiệp ước, tác giả cho rằng thực tế hiệp ước không tác động nhiều đến đời sống kinh tế của Siam; Thứ hai, tác giả chỉ ra rằng, những nhận xét của Bowring không thể xem là tiêu chí đáng tin cậy, có căn cứ để chỉ ra những nghi ngờ về dự đoán của cá nhân các nhà đàm phán người Anh về hệ quả của hiệp ước, do đó quan điểm kinh tế bản địa đã được trình ra; Thứ ba, từ những nghi vấn còn tồn tại, Terwiel đề xuất nên triển khai đánh giá lại hệ quả của hiệp ước đối với kinh tế Siam, xin tham khảo thêm: B. J. Terwiel: “The Bowring Treaty: Imperialism and the Indigenous Perpective”, Journal of Siam Society, Bangkok, Thailand, Vol. 79, Part. 2, 1991, pp. 40-47. Bên cạnh đấy, Trên cơ sở khảo cứu nhiều nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị, qua một số chuyên khảo của mình, học giả Nicolas Tarling đã có những biện luận khá xác đáng về những hệ quả nhiều mặt của Hiệp ước Bowing đối với Siam. Ông cho rằng, thông qua hệ thống thuế xuất-nhập khẩu mới, hiệp ước này không chỉ phá vỡ những đặc quyền, đặc lợi của giới quý tộc và quan lại Siam, mà nó còn mở cửa cho việc buôn bán gạo cũng như cho phép người Anh lập Lãnh sự quán và có quyền lãnh sự tài phán ở Siam. Hiệp ước cũng ít đề cập đến quan hệ chính trị của Siam với chính quyền Anh ở Myanmar và các tiểu quốc ở phía Bắc bán đảo Malay, xin tham khảo thêm: Nicolas Tarling: “British Policy in the Malay Peninsula and Archipelago, 1824-1871”, in Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society”, XXX, Part. 3 (October 1957), pp. 34-36; 39-41, 43.
[16] John Bowring: The Kingdom and People of Siam; with a Narrative of the Mission to that Country in 1855, Part. II, Ibid, pp. 258-259.
[17] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, Ibid, p. 120.
[18] S. P. P. M. Mongkut, Letters from the King of Siam, No. 38, is in Bowring’ s The Kingdom and the People of Siam; with a Narrative of the Mission to that Country in 1855, Ibid, Vol. II, p. 422.
[19] A facisimiles of the letter is in Bowring’ s The Kingdom and the People of Siam; with a Narrative of the Mission to that Country in 1855, Ibid, Vol. I, attached to p. I.
[20] John C. Bowring là một người con trai của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của vương quốc Anh John Bowring đến Siam năm 1855.
[21] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, Ibid, p. 127.
[22] Khi khảo sát và tìm hiểu tên và danh xưng của quan lại dưới triều đinh phong kiến Siam, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, do mỗi quan lại Siam thường có tên đầy đủ dài tới hàng chục chữ, hầu như tên riêng thường mất đi khi ông ta nhận chức đầu tiên, mỗi lần thăng chức ông ta lại thêm một tên mới. Do đó, trong số 5 thành viên của hội đồng đàm phán Siam, chúng tôi mới chỉ xác định đích xác tên đầy đủ của Somdet già là Somdet Chao Phraya Borom Maha Prayurawongse (tức Dit Bunnag); tên đầy đủ của em trai nhà vua là Hoàng thân Krom Luang Wongsa Dhiraj Snid; và tên đầy đủ của Phraklang là Chao Phraya Tipakornwongse (Kham Bunnag – tức con trai của Somdet già). Tên đầy đủ của Somdet trẻ, tức Somdet Ong Noi, hiện chúng tôi chưa xác định được. Còn riêng trường hợp Kralahom (Bộ trưởng Bộ Chiến tranh), chúng tôi cho rằng dưới thời nhà vua Mongkut thì một quan lại cao cấp bậc nhất của triều đình Siam giữ chức vụ này là Chao Phraya Sri Suriyawongse (tức Chuang Bunnag, con trai của Somdet già và cũng là anh trai của Phraklang).
[23] Một số nguồn tài liệu cho biết Kralahom còn là chức danh của Thủ tướng Siam thời vua Mongkut và Chulalongkorn, để thống nhất về danh xưng, trong chuyên luận này, chúng tôi sử dụng nghĩa dịch thuật thống nhất là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh.
[24] Theo ghi chép nguyên văn của bộ biên niên sử The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868) thành viên thứ 5 của hội đồng đàm phán là Người phụ trách điều hành của Bộ Xuất nhập Cảng (Habor Ministry), song trong bối cảnh của Siam nửa cuối thế kỷ XIX, theo chúng tôi chức danh này trên thực tế nên được hiểu là Bộ Tài chính.
[25] The Dynastic Chronicles Bangkok Era – The Fourth Reign (1851-1868), Vol. 1, translated by Chadin (Kanjanavanit) Flood, Ibid, p. 128.
[26] Trong cuốn hồi ký The Kingdom and the People of Siam; with a Narrative of the Mission to that Country in 1855, John Bowring thường xuyên dùng thuật ngữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (Minister of Diplomatic Affairs) cho ngài Phrakalang, danh xưng này đôi khi cũng dùng để chỉ người phụ trách ngân khố hoàng gia, thu thuế, kiểm soát thu chi của các bộ khác, phụ trách nội, ngoại thương, trong thực tế đứng đầu cả ngoại giao của đất nước…