Trần triều phụ chú: Nguyên Tổ và Thái Tổ
Thiên Thành công chúa- tranh của Phan Thanh Nam Đặng Thanh Bình Trong bài Giả thuyết về thân phụ của Trần Thủ Độ tôi có đặt mối quan hệ giữa Trần Báo và Trần Thủ Độ. Trong bài này xin đưa thêm manh mối khác. Toàn thư chép: “Tân Dậu [1261] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Theo quy ...
Đặng Thanh Bình
Trong bài Giả thuyết về thân phụ của Trần Thủ Độ tôi có đặt mối quan hệ giữa Trần Báo và Trần Thủ Độ. Trong bài này xin đưa thêm manh mối khác.
Toàn thư chép: “Tân Dậu [1261] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Theo quy chế nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ nơi hương ấp của mình, khi chầu hầu thì đến kinh đô, xong việc lại về phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả”.
Cương mục chép: “Tân Dậu [1381] Rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, ở Thái Đường, ở Long Hưng và ở Kiến Xương đưa về An Sinh. Quắc Hương, bây giờ đổi là xã Thành Thị thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định”.
Đại Nam nhất thống chí chép: “Tỉnh Nam Định. Huyện Mĩ Lộc ở cách phủ 28 dặm về phía bắc, phía tây đến địa giới huyện Thượng Nguyên 7 dặm. Huyện Thượng Nguyên ở cách phủ 29 dặm về phía bắc, phía đông đến địa giới huyện Mĩ Lộc 4 dặm, phía tây đến địa giới huyện Thiên Bản 8 dặm. Huyện Thiên Bản ở cách phủ 14 dặm về phía bắc, phía đông đến địa giới huyện Mĩ Lộc 20 dặm, phía tây đến địa giới huyện Ý Yên 12 dặm. Huyện Ý Yên phía đông đến địa giới huyện Thiên Bản 9 dặm, phía tây đến sông giáp địa giới huyện Gia Viễn 12 dặm”.
– Theo Đại Nam nhất thống chí thì huyện Mỹ Lộc và huyện Gia Viễn cách nhau 2 huyện là Thiên Bản và Ý Yên. Mà huyện Ý Yên có đông tây 21 dặm, huyện Thiên Bản có đông tây 32 dặm, vậy tổng là 53 dặm, lấy thông số tương đối thì khoảng cách là 53 x 500m = 26.500m, như thế 2 huyện cũng tương đối gần nhau. Trong khi huyện Mỹ Lộc có phủ đệ của Trần Thủ Độ, còn huyện Gia Viễn có đền thờ An Quốc, nên giả thuyết rằng trước Trần Báo được ban ấp (bao gồm nhưng không giới hạn) 2 huyện Mỹ Lộc và Gia Viễn rồi sau chia cho các con trai (bao gồm nhưng không giới hạn) là An Quốc và Thủ Độ cũng không phải vô lý.
Việt sử lược chép: “Giáp Tuất [1214] Trần Tự Khánh sai bắt người trong gia tộc của thái hậu là bọn Đàm Kinh Bang, tất cả đều bị trói bằng dây thép rồi cầm tù ở Mỹ Lộc (…) Tân Tị [1221] Nhà vua đi thăm, chơi nhà thái úy ở Mỹ Lộc (…) Quí Mùi [1223] Đầu mùa đông, thái úy đánh quân Sơn Lão ở Sách Mông. Tháng chạp, ngày Kỷ Mão, phụ quốc thái úy Trần Tự Khánh lìa trần trong ngôi nhà ở Phù Liệt (…) Giáp Thân [1224] Mùa xuân tháng giêng ngày Đinh Tị, an táng Kiến Quốc vương ở Mỹ Lộc. Mùa xuân năm ấy cho Thái Tổ làm Phụ quốc Thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội thị Phán Thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu là Hiển Thành”.
Toàn thư chép: “Quý Mùi [1223] Tháng 12 thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh. Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương”.
– Theo như Cương mục thì phủ đệ của thái sư Trần Thủ Độ ở Mỹ Lộc, trong khi Việt sử lược cho biết nhà của thái úy Trần Tự Khánh cũng ở Mỹ Lộc, như vậy đất Mỹ Lộc đã được sang tên từ Trần Tự Khánh cho Trần Thủ Độ, mà theo truyền thống thì tài sản đất đai thường được thừa kế từ cha sang con, từ anh sang em ? Lại bàn việc Hiển Đạo vương Trần Hải dâng lễ vật cầu hôn tháng 10/1222 được ghi chép trong Việt sử lược, trong khi theo Toàn thư thì hoàng trưởng nữ Thuận Thiên sinh vào tháng 6/1216, như vậy họ Trần xin cưới công chúa khi nàng khoảng 6 tuổi ? Huệ Tông sinh năm 1194 nên vào thời điểm loạn Quách Bốc năm 1209, vua khoảng 15 tuổi, vì thế không loại trừ khả năng Huệ Tông có người con gái sinh trước công chúa Thuận Thiên. Thế nhưng Thuận Thiên được chép là trưởng nữ thì rõ rằng nàng được hưởng những đặc ân riêng có từ vua cha, do đó mà trong toan tính của thái úy, hẳn là ngài Tự Khánh đã nhắm đến Thuận Thiên. Trường hợp của Trần Cảnh với Chiêu Thánh và Trần Liễu với Thuận Thiên là so sánh đáng kể cho kế hoạch của Tự Khánh và như thế việc Thuận Thiên khoảng 6 tuổi đã được ban hôn sự thì xem ra thái úy có toan tính là không sai.
– Theo như Việt sử lược thì đầu mùa đông (khoảng tháng 10) năm 1223, Trần Tự Khánh đánh giặc Sơn Lão ở Sách Mông, đến tháng 12 cùng năm, thái úy chết tại ngôi nhà ở Phù Liệt. Không thấy sử sách chép Tự Khánh chết vì nguyên nhân gì, mà thông thường khi sử sách không chép nguyên nhân dẫn tới cái chết của đối tượng thì hoặc là sử gia không biết hoặc quên hoặc đối tượng chết tự nhiên hoặc muốn dấu giếm sự thật. Trần Tự Khánh là nhân vật quan trọng giai đoạn cuối thời Lý nên việc không biết nguyên nhân dẫn tới cái chết của thái úy hoặc như sử gia quên là chuyện rất khó hiểu. Chúng ta đã thấy tháng 10/1223 Tự Khánh còn dẫn quân đi đánh Sơn Lão ở Sách Mông, rõ là thái úy còn khỏe mạnh nên trường hợp Tự Khánh chết tự nhiên (do tuổi già sức yếu) xem ra không hợp lý. Toàn thư chép tháng 12/1223 thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh, liệu có phải Tự Khánh sau khi đánh Sơn Lão thì đánh nhau với Nguyễn Nộn nên bị thương mà chết không ? Toàn thư chỉ chép thế quân của Nộn ngày càng mạnh, chứ không chép Tự Khánh có đánh nhau với Nộn và Việt sử lược cũng không chép việc này, lại thêm theo như ghi chép của Toàn thư thì đó chỉ là mô tả sự tiến triển khí thế của đoàn quân Nguyễn Nộn chứ không phải là cụ thể thời điểm tháng 12/1223.
– Điểm thú vị của Việt sử lược là sách ấy chép nhiều điềm báo, chẳng hạn như: tháng 6/1220 có 2 mặt trời cùng xuất hiện, đến tháng 6/1221 thì Huệ Văn vương mất [Nguyên vương do Tự Khánh lập] tháng 8/1222 có sao chổi xuất hiện ở phương tây nam đến tháng 10/1222 thì Trần Hải dâng lễ vật cầu hôn. Tháng 12/1223 Trần Tự Khánh chết, trong cùng tháng có động đất, lại thêm có hổ vào các thôn ấp. Rồi sau khi Trần Thừa được làm phụ chính vào tháng 1/1224 thì cũng có 2 hiện tượng tự nhiên là từ Thượng Nguyên đến kinh sư nước sông đỏ như máu xuất hiện vào tháng 9/1224 và tháng 12/1224 núi Phật Tích ở trại Ngoài nứt lở dài 30 trượng. Việt sử lược được viết vào thời Trần nên rất hiếm khi chúng ta bắt gặp những hành động xấu của thái tổ. Có phải Trần Thừa không có hành động xấu nên sử không chép ? Không phải như vậy, họ Trần muốn thế họ Lý làm chủ nước Việt, việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh chẳng qua là trò diễn của họ Trần, thế mà Việt sử lược chép vua Huệ Tông thấy nhị lang có thể giúp đời nên đem Chiêu Thánh gả cho Cảnh, rồi vua bàn với Phùng Tá Chu thực là muốn Chu chuyển lời cho Thừa, thái tổ lại còn vờ nghe lời của Nguyễn Chính Lại, tính không nhận nhưng do Trần Thủ Độ cố khuyên dọa rằng trời cho mà không nhận ấy sẽ phải tội nên Thừa đành phải thuận theo, rõ rằng Việt sử lược đã phác họa nhân vật thái tổ nhà Trần theo hướng đức cao tài giỏi. Hiếm lắm mới có sự kiện mà Việt sử lược sơ ý để lộ mục đích che dấu bản tính của Trần Thừa, đó là vào khoảng tháng 5/1218, thái tổ và Lại Linh đem quân đánh Nguyễn Nộn ở Bắc Giang. Trần Thừa đã lệnh phá đê để nước tràn vào các hương ấp, Lại Linh theo thế nước mà tiến dánh, quân Nộn tan vỡ. Xung đột quân sự nếu là điều không thể tránh thì vị tướng nhân đức sẽ cố gắng không để cuộc xung đột làm tổn thương đến người dân không liên quan tới cuộc chiến, nhưng hành động phá đê cho nước tràn vào các hương ấp của Trần Thừa cũng giống với hành động phá đê vùng Hồng của Trần Tự Khánh vào tháng 6/1211 thì rõ rằng vị tướng cầm quân hướng tới chiến thắng chứ không phải người nhân đức. Sau sự kiện đánh dẹp Nguyễn Nộn, họ Trần về cơ bản đã kiểm soát được miền bắc, vì thế mối bận tâm tiếp theo là miền bắc trung bộ nên Lại Linh được giao coi việc châu Nghệ An và như trong bài Trần triều nghi án: Cái chết của Trần Tự Khánh thì tôi cho rằng, không chỉ có Lại Linh vào coi việc châu Nghệ An mà Trần Thừa mới là người được cất cử coi đất Thanh Nghệ, Lại Linh chỉ là phụ tá. Chép là coi, chứ thực chất là đi đánh dẹp, vì suốt từ khi Quách Bốc làm loạn, vùng Thanh Nghệ đã gần như đứng ngoài cuộc nội chiến miền bắc bộ, suốt thời gian nội chiến đó, các vùng đất ở Thanh Nghệ hẳn là hình thành các thể lực địa phương nên sau khi kiểm soát miền bắc thì hướng tới vùng Thanh Nghệ cũng là hợp lẽ. Bằng chứng khác cho thấy việc Lại Linh và Trần Thừa đi coi châu Nghệ An vào năm 1218 là đánh dẹp, đó là sự kiện xảy ra vào năm 1225 Trần Thừa được cử đi dẹp châu Nghệ An và hàng được.
– Trở lại với việc Việt sử lược chép không trung thực về Trần Thừa. Nhưng rồi những điềm báo chép trong Việt sử lược có phải là dạng chép khác đi những sự kiện mà vì liên quan tới thái tổ nên Việt sử lược không dám chép trực tiếp ? Hiện tượng động đất xảy ra vào tháng 12/1223, động đất được Việt sử lược chép nhiều, có lẽ tương ứng với mỗi sự kiện, động đất mang ý nghĩa riêng biệt, trong trường hợp này rất có thể là nói sự thay đổi người phụ chính từ Trần Tự Khánh sang Trần Thừa. Hiện tượng hổ vào các thôn ấp, đây là hiện tượng khá hiếm gặp trong Việt sử lược, khi họ Trần mà Tự Khánh là người đứng đầu, kiểm soát miền bắc theo nghĩa rằng có rất nhiều các thể lực địa phương đang tạm quy phục họ Trần, thì cái chết của Tự Khánh vào tháng 12/1223 đã tạo ra động lực cho các thế lực địa phương nổi dậy, trước tình trạng đó Trần Thừa cử các tướng lĩnh đi trấn áp và rất có thể đã xảy ra xung đột trên diện rộng qua hiện tượng nước sông đỏ như máu từ Thượng Nguyên đến kinh sư vào tháng 9/1224.
– Về nơi Trần Tự Khánh chết. Việt sử lược chép Tự Khánh chết tại ngôi nhà ở Phù Liệt. Tây Phù Liệt [Thanh Trì, Hà Nội] lúc này có vị trí giữa kinh thành cũ và Mỹ Lộc, về thế thì đó là hoàng cung tạm do thái úy dựng vào tháng 5/1216 cho Huệ Tông, đất Phù Liệt là đất của Trần Tự Khánh khi mở rộng từ Mỹ Lộc, vị trí này rất gần kinh thành và hiểm yếu trong quân sự nên vào tháng 1/1215 khi Tự Khánh dẫn quân đi đóng tại đồn ở Cứu Liên để phòng ngự Nguyễn Nộn thì Tự Khánh cất cử Lại Linh giữ An Diên và Phù Liệt, Huệ Tông biết tin nhân đó cử quân đánh Lại Linh mà chiếm được. Xem cách đóng quân của Tự Khánh, cho thấy người này cũng thực giỏi, sau khi vua lấy được Phù Liệt, nghe tin thái úy đánh bại Nguyễn Nộn, Nguyễn Đường, vua liền lui về nhà nội kí ban Đỗ An ở ngõ Chỉ Tác tại cầu Tây Dương vào tháng 5/1215, đúng như vua dự tính, Tự Khánh dẫn quân lấy lại Phù Liệt sau đó tấn công kinh thành vào tháng 7/1215, việc không thể kiểm soát được kinh sư buộc vua dựng thảo điện tại nhà Đỗ An, tháng 5/1216 tướng Cảo là Đỗ Nhuế đánh vua, vua chạy thoát ra trại Ngoài, liền sai người xin quân của Tự Khánh, trước đó khi tấn công kinh sư Tự Khánh có lấy đồ đạc của vua, nhưng đến tháng 1/1216 có đem trả lại cái ghế vàng, có lẽ vì động thái này mà vua xin quân của Tự Khánh chăng ? Tuy rằng trước đó vào tháng 2/1215 Bắc Giang hầu Nguyễn Nộn được phong tước vương, song Nộn thì ở xa mà việc thì lại gấp, chi bằng xin quân Tự Khánh cũng tạm hoãn tình hình nguy kịch. Tự Khánh biết tin đem quân cứu giá, Đỗ Nhuế thua liền đưa Đàm thái hậu và các công chúa chạy về Bắc Giang cũng Nguyễn Nộn, việc Nhuế bị đầy làm Khao Giáp là thực hay hư thì sẽ bàn sau. Việc Đàm thái hậu bị bắt buộc hay tự nguyện cùng Đỗ Nhuế chạy về Bắc Giang cũng xin bàn sau. Việt sử lược cho biết Trần thị phu nhân cùng vua ban đêm đi Thuận Lưu theo Tự Khánh, như thế khi Đỗ Nhuế tấn công nhà Đỗ An, không chỉ có vua mà phu nhân Trần thị cũng cùng trốn, chúng ta biết rằng Huệ Tông là người hiếu thuận, nhiều lần không dám trái ý mẫu hậu, vậy mà sự việc gấp gáp lại không đưa Đàm thị đi trốn mà lại là Trần thị, xem ra trong quyết định xin quân của Tự Khánh không phải chỉ là toan tính của vua mà là cả tác động của Trần thị, chúng ta hiện chưa có bằng chứng cho thấy Trần thị biết trước cuộc tấn công của Đỗ Nhuế. Vậy có thể hình dung thời điểm rối loạn và sự việc xảy ra nhanh chóng như sau, Đỗ Nhuế tấn công vua ở 1 đỉnh của tam giác, sự việc gấp gáp Trần thị chủ động đưa Huệ Tông chạy ra trại Ngoài (đỉnh thứ 2 của tam giác) rồi trú tại đó, đồng thời sai người xin quân của Tự Khánh, tại đỉnh còn lại của tam giác, Khánh dẫn quân tấn công Nhuế, đồng thời sai Vương Lê đi đón Huệ Tông. Trần thị cũng chủ động bàn với vua, thay vì ngồi chờ Tự Khánh đến đón thì nên chủ động chạy về Thuận Lưu, vua đồng ý và khi tới nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên thì nghỉ lại theo như Toàn thư chép, lúc này Vương Lê cũng vừa đến, liền đón vua, Huệ Tông lệnh dừng lại ở bãi Cửu Liên, truyền cho Tự Khánh vào chầu. Xem như thế thì huyện Yên Duyên vẫn chưa phải đất an toàn để đỗ lại và chúng ta sẽ bàn về tướng quân Lê Mịch trong bài khác. Sau khi có được Huệ Tông và kinh thành nhưng Tự Khánh lại lui về đóng ở Phù Liệt bởi nếu thua thì có thể rút về Mỹ Lộc nhưng nếu thuận đà thì trong đêm có thể tấn công kinh sư. Kinh sư lúc này bỏ trống, nếu Tự Khánh đem binh về đó đóng, thì sẽ chịu những đợt tấn công của các thế lực từ phía bắc, Tự Khánh bỏ trống kinh thành, khi các thế lực từ phía bắc tràn vào chiếm được kinh thành, hẳn là họ phải lưu lại vài ngày, chỉnh đốn quân sự rồi mới tấn công Phù Liệt, trong thời gian này Tự Khánh có thể thăm dò được mạnh yếu của địch, kinh thành lúc này có thể chỉ gồm vài đám lính canh giữ mang tính chất báo động, nhưng nó lại trở thành bức cản vô hình đối với đối thủ của Tự Khánh.
– Phù Liệt có vai trò quân sự quan trọng với Trần Tự Khánh trong thời gian dài, thế nhưng nó không phải là đích cuối cùng, kinh sư mới là đích cuối cùng và nó càng không phải là điểm bắt đầu, bởi sau khi Tự Khánh chết, vào tháng 1/1224 Kiến Quốc vương được an táng tại Mỹ Lộc. Vậy Phù Liệt chỉ là người dừng tạm mà thôi. Phù Liệt lúc này có thảo điện của vua và như thế Trần Tự Khánh cũng phải ở đây, ngoài ra với chức nội thị phán thủ thì Trần Thừa cũng ở đây, việc Trần Thừa ở đây cũng là hợp lẽ, bởi họ Trần nói chung giai đoạn đầu thường gồm 2 người, người quản chuyện trong cung, người quản chuyện đánh dẹp bên ngoài, vào tháng 1/1213 khi Tự Khánh đóng quân ở bến Đại Thông đã cho mẹ là Tô thị và vợ là Phạm thị ở lại trong cung, cũng chẳng qua là để kiểm soát Huệ Tông. Trần Thừa giữ chức kiểm quản những chuyện trong cung thất, nếu có âm mưu liên quan tới cái chết của Tự Khánh há lại không biết. Lại thêm, theo giúp Trần Tự Khánh có vị thầy thuốc tên là Thạch Chương, hẳn cũng là người giỏi, nên xem ra giả thuyết Khánh bị ốm mà chết cũng gặp khó khăn.
Ngoài ra Việt sử lược chép thêm chi tiết trong đám tang của Trần Tự Khánh, Huệ Tông và Đàm hoàng hậu đến viếng, khóc lóc rất thương xót, có thể đó là giả bộ, có thể là sử viết cho đẹp nhưng cũng có thể đó là lời ai điếu cho chính mình vì chỉ năm sau thôi (năm 1225) Huệ Tông bị phế và cùng Đàm thị bị đầy ra chùa ở Phù Liệt [Toàn thư chép là chùa Chân Giáo] rồi năm sau Huệ Quang thiền sư bị sát hại. Rất có thể bản thân Huệ Tông và những người cùng thời đã nhận ra bản chân của Trần Thừa, vua hiểu rằng tuy bị kiểm soát song Tự Khánh vẫn có sự đảm bảo về tính mệnh, nhưng Trần Thừa thì không như vậy, Khánh là cái cọc mà vua bám vào, cái cọc giờ gãy, không sợ hãi sao được ? Cũng có thể đó là lời thương cảm của chính sử gia dành cho Huệ Tông, nhưng phải chép ẩn chăng ?
– Về sự kiện xảy ra vào tháng 12/1225, vua Huệ Tông sai nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, nội thành khiển tả ti lang trung Trần Trí Hoành đem văn võ bá quan, sửa soạn thuyền xe đến phủ Tinh Cương đón thái tổ. Ngày mùng 1 tháng 12 năm ấy, lên ngôi ở điện Thiên An. Theo như văn bản thì người lên ngôi tại điện Thiên An vào ngày 1/12/1225 phải là Trần Thừa mới đúng, chứ không phải Trần Cảnh, nhưng theo các sự kiện diễn ra trước đó như Huệ Tông có ý những ngôi cho nhị lang thì người lên ngôi phải là Trần Cảnh, có lẽ sử viết tắt thành ra không rõ ý chăng ? Còn vì sao lại đón Trần Thừa, có lẽ vì Trần Cảnh lúc này còn quá nhỏ, không tự đi được nên thái tổ đưa đi nên mới chép là đón thái tổ chăng ? Chính xác chuyện gì đã xảy ra, chúng ta sẽ bàn trong bài khác.