18/06/2018, 16:40

“Phiến cộng” trong dinh Gia Long

Vũ Ngự Chiêu M ột trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những ...

dinh-gia-long2-nddiem.jpg

Vũ Ngự Chiêu

Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1)Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963. Bi thảm cho họ Ngô là những người tin rằng họ Ngô muốn dâng miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt–đặc biệt là Đại sứ Henry Cabot Lodge–lại có quyết định chung cuộc số phận họ Ngô.

Vấn đề ve vãn Cộng Sản này khá phức tạp. Nó không hạn chế trong phạm vi quốc nội mà còn bị chi phối, hoặc ít nữa ảnh hưởng, bởi các trào lưu chính trị và chiến lược thế giới của nhiều hơn một ngoại bang. Ngoài Liên bang Mỹ, Liên Sô Nga và Trung Hoa Cộng Hòa Nhân Dân Quốc [Trung Cộng]–ba quốc gia ảnh hưởng sâu đậm trên nội tình Việt Nam–còn có những quốc gia khác như Pháp, India [Ấn Độ], Poland [Ba Lan] hay vương quốc Ki-tô Vatican.

 Bài viết này–được tu chỉnh lại trong thời gian tác giả soạn thảo tiểu luận Master’s Degree, “The Vietnam War: Lost or Won?,” tại Đại học Wisconsin-Eau Claire năm 1977, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư Richard D. Coy—xin được coi như đóng góp thêm vào vấn nạn trên. Kết luận của chúng tôi là chưa đủ tư liệu để biết rõ mục đích của anh em họ Ngô trong việc ve vãn Cộng Sản giữa lúc áp lực Mỹ ngày một nặng từ năm 1960. Dẫu vậy, có thể tạm thời kết luận rằng họ Ngô, qua thành tích dĩ vãng, khó thể có ý định tìm hòa bình cho tương lai của đất nước và dân tộc. Hành động của họ Ngô có thể là một thứ quyết định, hoặc đe dọa, “ăn không được thì đạp đổ” để cảnh giác người Mỹ—hoặc một cái tát xiếc lãnh tụ Đảng Cộng Hòa mà anh em họ Ngô đoán biết đang có sứ mệnh lật đổ họ. Cũng có thể nó được phóng đại lên để Đại sứ Lodge ép Tổng Giám mục Ngô Đình Thục (1897-1984) cùng vợ chồng Ngô Đình Nhu-Trần Thị Lệ Xuân ra đi, khởi đầu một thí nghiệm mới, hy vọng tìm ra một chính phủ chống Cộng hữu hiệu hơn.

I/ TIẾP XÚC VỚI CỘNG SẢN:

Không ai có thể chối cãi việc anh em họ Ngô tiếp xúc Cộng Sản. Nếu thời điểm họ Ngô bắt đầu ve vãn Cộng Sản còn gây bàn cãi, đầu mối bằng xương, bằng thịt xuất hiện tại ngay chính Dinh Gia Long sáng ngày 2/9/1963 là Mieczylslaw Maneli, Trưởng đoàn Poland trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC, sẽ dẫn UBQT/ KSĐC). Cố vấn Ngô Đình Nhu (1910-1963) cũng tuyên bố với viên chức tình báo Mỹ, và ngay cả các Tướng miền Nam, nhiều lần, rằng ông ta—ngoài Maneli—từng tiếp xúc Việt Cộng.(5) Tình báo Mỹ, Pháp và Việt đều nói về buổi họp mặt bí mật với Phạm Hùng (Phó Thủ tướng Bắc Việt, đặc trách kế hoạch thống nhất hai miền Nam-Bắc từ năm 1958). Một số người, kể cả Trung tá Nguyễn Văn Châu, còn tiết lộ, dù chẳng trưng được bằng cớ có thể kiểm chứng nào, những cuộc tiếp xúc giữa Nhu và cán bộ CSBV ngay tại Sài Gòn vào hạ tuần tháng 10/1963.(6)

Đích thân Tổng thống Diệm, theo Trần Văn Dĩnh—một cựu thông ngôn tại Tòa lãnh sự Nhật ở Huế, có liên hệ với Diệm từ năm 1942, và xử lý thường vụ Tòa Đại sứ Việt Nam tại Oat-shinh-tân từ ngày 22/8/1963, đang trên đường qua India nhận nhiệm sở mới—cũng sai Dĩnh tiếp xúc một cán bộ cao cấp của Hà Nội ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963.(7)

  1. NHỮNG ĐẦU MỐI:

Có nhiều đầu mối Cộng Sản mà Nhu tiếp xúc hay có tin đã tiếp xúc.

  1. Mieczylslaw Maneli:

Từ mùa Xuân 1963, theo Maneli, nhiều nhà ngoại giao đã yêu cầu Maneli gặp Nhu. Trong số này có Đại sứ Pháp Roger Lalouette, Đại sứ India (Ấn Độ) trong UBQT/KSĐC, Ramchundur Goburdhun, Đại sứ Italia (Ý) Giovanni d’Orlandi và tân Đặc sứ Vatican (Tòa thánh La Mã) Salvatore d’Asta. Họ cho biết đã nói với Nhu về Maneli, và Nhu ngỏ ý muốn gặp. Tối Chủ Nhật, 25/8, Maneli được giới thiệu với Nhu trong buổi tiếp tân của Trương Công Cừu, vừa để ra mắt ngoại giao đoàn nhân dịp được cử thay Vũ Văn Mẫu làm Ngoại trưởng, vừa đón tiếp Đại sứ Lodge.(8) Ngay sau lần gặp sơ khởi này, Maneli vội báo cáo về Warsaw, đồng thời thông báo với Đại sứ Liên Sô Suren A. Tovmassian ở Hà Nội và Hà Văn Lâu, Trưởng đoàn VNDCCH tại UBQT/KSĐC. Lâu và Tovmassian, theo Maneli, tán thành. Điều Maneli không nói rõ trong hồi ký là từ cuối tháng 8/1963 tình báo Mỹ đã biết về hành vi “bí mật ai cũng biết” của đại biểu Poland. Qua ngày 2/9, Nhu công khai tiếp Maneli tại Dinh Gia Long. Sau đó, Maneli ra Hà Nội báo cáo. Nhưng Warsaw đột ngột cho lệnh Maneli ngừng gặp Nhu.(9)

Ngay chiều 2/9, Cố vấn Nhu nhìn nhận với Lodge rằng mới gặp Maneli hôm đó. Theo Nhu, Maneli hỏi có thể báo cáo gì với Phạm Văn Đồng về những lời tuyên bố của Charles de Gaulle (ngày 29/8/1963), và Hồ Chí Minh (tháng 8/1963 hoặc ngày 29/5/1963). Nhu trả lời: “Không.”(10)

Ngày 2/9/1963 này, mật báo viên của tình báo Mỹ–người từng tiết lộ tin Maneli gặp Nhu tối 25/8 từ ngày 30/8–nhận xét rằng việc Maneli và nhân viên Pháp (không phải cá nhân Lalouette) làm trung gian cho Nhu và Phạm Văn Đồng là một thứ bí mật chẳng dấu được ai (open secret) trong giới ngoại giao Sài Gòn đã nhiều tháng. Mật báo viên này cũng được Maneli nhờ giới thiệu với Nhu nhưng từ chối.(11)

Bốn ngày sau, chiều 6/9, Nhu lại xác nhận với viên chức CIA là d’Orlandi và Goburdhun đã nhiều lần yêu cầu Nhu gặp Maneli. Ngày 2/9, theo Nhu, Maneli khuyên Nhu nên lợi dụng những lời tuyên bố của Charles de Gaulle và Hồ để thương thuyết với Hà Nội. Maneli nói đã được Phạm Văn Đồng ủy quyền làm trung gian [authorized by Pham Van Dong to act as intermediary]. Nhu trả lời Maneli rằng lời tuyên bố của de Gaulle rất “hấp dẫn” [interesting], nhưng chỉ những người thực sự chiến đấu mới có quyền nói và hành động. Nam Việt Nam liên kết với Mỹ và sẽ là điều vô luân khi đơn phương dò dẫm sau lưng người Mỹ. Vấn đề hiệp thương bất lợi cho tinh thần chiến đấu cũng như sự thông suốt về chính trị của dân chúng miền Nam. Nhu khẳng định không thương thuyết với Hà Nội, chỉ tiếp xúc Việt Cọng miền Nam. Nhu còn nói không có đường dây bí mật nào với miền Bắc, nhưng Maneli và Goburdhun lúc nào cũng sẵn sàng.(12)

Như thế, đích miệng Nhu hai lần thú nhận từng gặp Maneli, người tự nhận là sứ giả của Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Bắc Việt—một hành động phạm pháp cũng như đi ngược lại quốc sách chống Cộng.

Ngày 16/9, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm mật báo với Mỹ rằng các Tướng nóng lòng làm đảo chính hơn khi thấy thêm nhiều chứng cớ về việc Nhu muốn thương thuyết với miền Bắc. [The Generals are .. . becoming increasingly concerned over additional evidence [of] Nhu negotiating for settlement with North]. Theo Khiêm—người từng cứu giá chế độ trong cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960—Nhu tiết lộ với một số Tướng (như Big Minh, Lê Văn Nghiêm) về cuộc tiếp xúc với Maneli. Maneli đã mang tới đề nghị của Đồng về việc hiệp thương giữa Bắc và Nam; và Nhu đang nghiên cứu, sẽ cho các Tướng biết thêm những bước kế tiếp. Nhu tuyên bố Maneli đã hoàn toàn dưới sự sử dụng của Nhu và sẵn sàng bay ra Hà Nội bất cứ lúc nào được chỉ thị. Nhu còn thêm rằng Đại sứ Pháp Roger Lalouette từng đề nghị tương tự.(13)

  1. Cán bộ “Việt Cộng”:

Nhu còn thú nhận đã bí mật tiếp xúc với một số cán bộ Việt Cộng (hiểu theo nghĩa Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam). Mùa Xuân 1963, nhân dịp phát động chiến dịch Chiêu Hồi (tháng 4/1963), Nhu nhiều lần khoe đón tiếp cán bộ Cộng Sản cao cấp ngay tại Dinh Gia Long. Có lần, Nhu chỉ vào chiếc ghế Đại sứ Frederick (Fritz) Nolting đang ngồi, nói một lãnh tụ Việt Cộng vừa mới rời chỗ đó. Rồi giải thích rằng đang gặp lãnh tụ Việt Cộng để thuyết phục họ mang quân về hàng. Nolting báo cáo chi tiết này về Oat-shinh-tân, và xin cho Nhu toàn quyền hành động hầu thành lập một chính phủ “mở rộng.” Nhưng các cố vấn của Kennedy không hài lòng–họ coi đó gần như một hành động bội phản.(14)

Chiều ngày 24/5, Nhu yêu cầu Tướng Paul Harkins (Tư lệnh M.A.C.-V., hậu thân cơ quan quân viện Mỹ, MAAG), Richard G. Weede, (Tham mưu trưởng M.A.C.-V.), John H. Richardson (CIA) và cố vấn chính trị William C. Trueheart vào Dinh Gia Long họp bàn về liên hệ với cán bộ CS. Nhu tiết lộ mới nhận được tin mật là CS vừa tổ chức một Hội nghị cán bộ chính trị và quân sự ngày 19/5/1963 tại đồn điền Memot trên đất Căm Bốt. Mật báo viên của Nhu tham gia hội nghị này. Kết quả, hội nghị trên quyết định rút sáu [6] tiểu đoàn đặc công từ Việt Nam qua Lào làm nghĩa vụ Quốc tế từ ngày 20/5, vì Lào trở thành ưu tiên thứ nhất của Hà Nội và Nam Việt Nam bị đặt xuống hàng thứ hai. Các đơn vị chính qui sẽ rút về mật khu Cambodia, hay ngừng tham chiến, giao trách nhiệm chiến đấu cho các đơn vị địa phương và tự vệ. Nhu tuyên bố nếu báo cáo trên chính xác, VNCH sẽ tổng tấn công, đánh tan các lực lượng địa phương, và ngăn chặn đặc công từ Lào đột nhập Nam Việt Nam. Cầm đầu lực luợng đặc biệt này là Nghệ (?). Tới Lào, Nghệ sẽ là cố vấn của Tướng Trần Sơn [Trần Văn Trà, hay Chu Huy Mân?], Tư lệnh Lực lượng ngoại quốc tại Lào.(15)

Chiều 2/9, Nhu cũng thú nhận với Lodge rằng mình tiếp xúc với Việt Cọng. Những cán bộ VC này đã rất chán nản, muốn ngừng hoạt động. Sáu tháng trước, một Đại tá VC muốn đào ngũ với ba [3] tiểu đoàn, nhưng Nhu khuyên ông ta ở lại biên giới Lào chờ cơ hội thuận tiện. Một Tướng VC ở Cambodia cũng muốn gặp Nhu. Không những VC đang thất vọng mà còn cảm thấy bị Bắc Việt lợi dụng.( 16)

Có người cho rằng đây là lời bịa đặt của Nhu. Nhận định này quá vội vã. Trong hậu trường chính trị Sài Gòn, luôn luôn có những màn đi đêm lạ lùng. Không thiếu người nỗ lực “lôi kéo những phần tử Quốc Gia” trong MTDT/GPMN ra khỏi sự kiềm tỏa của Cộng Sản. Trong số nhân vật được coi là “người quốc gia” có Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Từ năm 1948-1949, Y sĩ Lê Văn Hoạch, một cựu Thủ tướng Nam Kỳ Tự Trị (1946-1947), và Nguyễn Hòa Hiệp đã không ngừng tìm cách đưa phần tử quốc gia về thành. Mùa Thu 1964, Đại tướng Raymond Nguyễn Khánh—cũng qua Quốc Vụ Khanh Lê Văn Hoạch—trao đổi thư từ với Phát, Tổng thư ký MTDT/GPMN, nhưng cũng đồng thời cầm đầu guồng máy tình báo trí vận tại Sài Gòn-Gia Định. Món quà trao đổi là vợ con Phát lấỳ tù binh Mỹ. Hai năm sau, dù đang lưu vong ở Paris, Khánh còn mưu toan móc nối Nguyễn Hữu Thọ, đưa Chủ tịch MTDT/GPMN về hồi chính. Một trong những trung gian là Lê Văn Trường ở Paris, người tự nhận là “thượng cấp” của Thọ. Năm 1966, Lodge cũng lọt vào một màn ảo thuật âm mưu đưa Nguyễn Hữu Thọ bỏ mật khu.(17) Năm 1967, tình báo Mỹ còn mở đường giây liên lạc trực tiếp với MTDT/GPMN bằng cách phóng thích vợ Trần Bửu Kiếm, vợ Trần Bạch Đằng, cùng một cán bộ cao cấp [Trương Như Tảng] qua khuôn khổ trao trả tù binh. Trần Bạch Đằng còn nhận được một máy truyền tin để liên lạc trực tiếp với tình báo Mỹ. Các giới chức cao cấp của VNCH—từ Thiệu, Kỳ, tới Linh Quang Viên, Nguyễn Ngọc Loan—đều được thông báo về kế hoạch “BUTTERCUP” này và quay mặt làm ngơ. Dư luận bào chí Sài Gòn từng một thời loan tin VNCH đã bắt được một cán bộ giao liên của Việt Cộng khi vào Sài Gòn tiếp xúc Tòa Đại sứ Mỹ. Những người giàu tưởng tượng còn suy diễn rằng kế hoạch “BUTTERCUP” trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc Tổng Công Kích và Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân (1968), nên trong những ngày đầu Xuân khói lửa, các đơn vị Mỹ và Đồng Minh đã án binh bất động.

Trong hai năm 1962-1963, chung quanh Nhu có khá nhiều cán bộ tình báo chiến lược CSBV. Phạm Ngọc Thảo, và Vũ Ngọc Nhạ chỉ là hai người được biết nhiều nhất. Lời thú nhận “móc nối Việt Cộng” của Nhu, bởi thế, cần được nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi có một nhận định võ đoán [sweeping remark].Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, chúng ta không thể không tin lời khai của chính Nhu. (Theo hình luật Mỹ, lời tự thú của nghi can là bằng chứng rất đáng tin cậy)

  1. Phái viên khác của Hà Nội:

Theo một nguồn tin, Nhu còn mượn cớ đi săn, để bí mật gặp cán bộ CSBV.

  1. Truờng hợp Phạm Hùng:

Cán bộ CS được William Colby nêu đích danh là Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam, Phó Thủ tướng, từng là Chủ Nhiệm Ủy Ban Thống Nhất. Theo Colby—trưởng lưới tình báo CIA tại Sài Gòn năm 1960-1962, Giám đốc Sở CIA Đông Nam Á, Phụ tá Giám đốc kế hoạch bình định nông thôn ở Việt Nam [CORDS], và rồi Tổng Giám đốc CIA—nhiều năm sau cái chết của anh em Diệm-Nhu, một Tướng cao cấp thuộc nhóm đảo chính 1963 [Trần Văn Đôn?] tuyên bố đã nghe tin Nhu gặp Phạm Hùng vào [tháng 2/1963]. Cuộc gặp mặt này xảy ra trong giai đoạn Diệm-Nhu có nhiều dị biệt lớn lao với Mỹ (hậu quả của bản báo cáo của Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield), và đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự bế tắc giữa hai gọng kìm Mỹ và Cộng Sản.( 18)

Là người thân thiết với Nhu và chống việc thay Diệm, Colby không trích dẫn lời chứng của Tướng [Đôn?] một cách tắc trách. Muốn bác bỏ hay “chỉnh lý”, cần tìm ra tư liệu văn khố Bộ Chính Trị Đảng CSVN, Nga hay Trung Cộng chứng minh không có màn đi đêm, mà không thể chỉ dùng lối nhận định võ đoán là “tin đồn vô căn.” Về chi tiết Phạm Hùng là “người cầm đầu các nỗ lực của Cộng Sản tại miền Nam [the leader of the Communist effort in the South] mà Colby đề cập cũng không nhất thiết phải hiểu thu hẹp như Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam thời gian này [1963]. Năm 1963, Phạm Hùng, với cương vị Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính Trị, có thể được kể như người cầm đầu nỗ lực của CS tại miền Nam. Những Nguyễn Văn Linh, Võ Toàn (Võ Chí Công), Trần Văn Trà, Trần Nam Trung (Trần Lương), Trần Văn Tấn (Lê hay Trịnh Trọng Tấn) chỉ là nhóm 10 cán bộ trung cấp (Ủy viên trung ương Đảng) tại “B”. Câu văn của Colby có thể cũng chỉ nhằm ghi nhận rằng Phạm Hùng là người cầm đầu CS miền Nam khi Colby được mật báo về chuyện gặp gỡ bí mật Nhu-Hùng bốn năm năm trước.(19) Trần Bạch Đằng, một cán bộ CS cao cấp, phụ trách tuyên giáo của Trung Ương Cục Miền Nam–nhân vật chủ chốt trong kế hoạch BUTTERCUP—nói với tác giả năm 2004-2005 là không hề tiếp xúc với họ Ngô. (19b) Nhưng có thể Trần Bạch Đằng hay Thiếu tướng Trần Độ không được thông báo về các gián điệp chiến lược trực tiếp nhận lệnh của Lê Duẩn hay BCT.

Cuộc gặp mặt Hùng-Nhu này, tưởng nên ghi thêm, cũng được tình báo Pháp ghi nhận. Tin tình báo thì thường chỉ ghi “reliably informed.” Lời chứng của các Tướng Đôn, Khiêm, Minh hay Nghiêm có mức khả tín nào sẽ được tài liệu văn khố bạch hóa trong tương lai.

.

  1. Những đầu mối khác:

Vài tác giả còn ghi nhận đại diện CSBV vào gặp Nhu ngay tại Sài Gòn, qua trung gian Đại sứ India trong UBQT/KSĐC “nhiều lần.”(20) Trần Văn Dĩnh tiết lộ ngày 29/10 đích thân Diệm chỉ thị cho Dĩnh chuẩn bị gặp một đại diện Hà Nội (Lê Đức Thọ?) để dò ý. Theo dự trù, Dĩnh sẽ gặp phái viên Hà Nội ngày 15/11/1963 tại New Dehli, nơi Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) giữ chức Tổng Lãnh sự từ ngày 26/7/1956. Nhưng cuộc đảo chính 1/11/1963 khiến âm mưu này phải bỏ dở. Theo Dĩnh, Diệm còn dặn dò phải dấu kín Nhu.(21)

Những âm mưu đi đêm giữa Nhu với Hà Nội, dĩ nhiên, phải nhiều thời gian nữa mới có thể rõ chi tiết, khi tài liệu văn khố Bộ Chính Trị Đảng CSVN, Trung Cộng, Liên Sô Nga hay Vatican mở ra cho các nhà nghiên cứu. Một số tư liệu Pháp và Mỹ hiện cũng chưa giải mật. Người học sử nghiêm túc không thể không thận trọng về mặt trận tình báo dầy phủ sương mờ nghi hoặc này, chẳng nên áp dụng cứng ngắc thứ luật “bằng chứng” [evidence] của luật pháp Mỹ gọi là “hearsay” [nghe lại lời kể của một người khác]. Hơn nữa, có những bằng chứng không thể bài bác, sau khi phối kiểm lại, cho thấy Diệm-Nhu quả thực đã ve vãn Hà Nội, tìm cách gặp đại biểu Hà Nội, khiến Mỹ lo ngại rằng một sự thỏa thuận Bắc-Nam có thể trở thành sự thực vào khoảng cuối năm 1963.

  1. NHỮNG BIỂU HIỆU:

Việc ve vãn Cộng Sản Hà Nội còn có thể tăng bổ [corroborate] bằng những lời tuyên bố và việc làm của họ Ngô trong ba năm 1961-1963 liên quan đến các vấn đề “thống nhất và trung lập,” yêu cầu cắt giảm lính Mỹ và tuyên truyền chống Mỹ.

  1. Thống nhất và trung lập:

Những tài liệu văn khố hiện đã mở ra cho người nghiên cứu chưa tiết lộ rõ ràng chi tiết về phản ứng của họ Ngô với điều kiện “thống nhất và trung lập” mà Hà Nội cũng như MTDT/GPMN tung ra từ năm 1962.

Ngô Đình Diệm, vào tháng 5/1963, tâm sự với Đại sứ Lalouette rằng chiến trận sẽ tự động tàn lụn đi, không cần phải có thương thuyết, vì các lãnh đạo miền Bắc cảm thấy được sự vô ích trong âm mưu đánh chiếm miền Nam.(22) Chỉ từ tháng 8/1963, Diệm mới có vẻ tách khỏi lập trường chống Cộng, nghiêng về “trung lập.” Ngày 30/8, Diệm triệu tập Hội đồng chính phủ để nghiên cứu tuyên ngôn ngày 29/8/1963 của Tổng thống de Gaulle, về giải pháp trung lập, thống nhất, độc lập với mọi ảnh hưởng ngoại bang. Rồi cho lệnh Việt Tấn Xã dịch tuyên ngôn trên, in trên trang nhất bản tin Việt Tấn Xã. Chính phủ Diệm cũng cho lệnh Đại sứ Phạm Khắc Hy ở Paris xin gặp Ngoại trưởng Maurice Couve de Murville, yêu cầu giải thích lập trường Pháp. Một số viên chức thân cận Nhu, như Quyền Ngoại trưởng Trương Công Cừu—được Lodge gọi là “tên xu nịnh không hề biết xấu hổ nhất mà tôi từng được biết”—nói với viên chức Pháp rằng người Việt đã hiểu được những gì de Gaulle muốn nói.(23)

Nhu là người duy nhất trực hoặc gián tiếp đề cập đến trung lập. Gần cuối tháng 8/1963, Trần Thiện Khiêm mật báo với Mỹ rằng Nhu từng tuyên bố với các Tướng (kể cả Dương Văn “Big” Minh, Lê Văn Nghiêm) là nếu Mỹ cắt viện trợ, Nhu có thể liên lạc với Hà Nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn. (24) Nguồn tin tình báo Mỹ ngày 30/8/1963 khẳng quyết rằng ít tháng trước ngày Nhu tiếp Maneli tại Dinh Gia Long, Nhu đã chủ trương trung lập hóa và thống nhất Việt Nam. (25) Nhưng khi gặp Lodge chiều Thứ Hai 2/9/1963, và John H. Richardson (?) chiều Thứ Sáu, 6/9, Nhu minh xác rằng mình cực lực chống trung lập, vì trung lập hoàn toàn đi ngược với quan điểm và chính sách VNCH. (26)

  1. Giảm quân số Mỹ:

Việc đòi hỏi giảm quân số Mỹ được Nhu đề cập từ đầu năm 1963.(27) Ngày Thứ Sáu, 12/4/1963, khi tiếp chuyện một viên chức CIA ở Sài Gòn Nhu tuyên bố cần giảm từ 500 tới 3,000 hay 4,000 lính Mỹ. Nhu nói khi người Mỹ mới tới, người Việt rất kính nể họ vì họ làm việc chăm chỉ, có kỷ luật và không gấu ó lẫn nhau hay với người khác. Tuy nhiên kỷ luật đã bị sa sút, theo thời gian và nhân số. Diệm đã nhận được quá nhiều lời than phiền. Tướng Tôn Thất Đính, chẳng hạn, than phiền rằng có quá nhiều người Mỹ.(28) Tại quân trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, trong mùa Hè 1963 được lưu truyền những việc làm “anh hùng” của một số sĩ quan Việt chống lại thái độ trịch thượng, thực dân của cố vấn Mỹ. Đại tá “Lam Sơn,” chẳng hạn, từng “gõ can [gậy chỉ huy] lên đầu một cố vấn Mỹ,” hay Tướng Đính “rút súng dọa bắn” một nhân viên CIA Mỹ.

  1. Tính đến ngày 9/1/1962, quân Mỹ ở Nam Việt Nam tăng hơn 100%: Từ 948 người vào cuối tháng 11/1961 lên 2,646 người ngày 9/1/1962 và dự trù sẽ lên 5,576 vào cuối tháng 6/1962. Ngày 30/1/1963, Tướng Earle Wheeler báo cáo Mỹ đã có hơn 400 cố vấn cấp Tiểu đoàn và tương đương; trên 100 cố vấn tỉnh; 220 người trong ngành an ninh tại NVN. Gần 300 phi cơ đã hoạt động, gồm 148 trực thăng vận tải, 11 trực thăng võ trang, 81 vận tải có cánh, 13 khu trục (chiến đấu cơ), 9 oanh tạc cơ hạng nhẹ, 4 thám thính chiến đấu, 37 liên lạc. Về quân đội VNCH, có 196,357 Bộ binh, 6,595 Hải quân, 5,817 Không quân, 5,281 TQLC, 75,909 ĐPQ, 95,828 Dân vệ; FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 26.

Ngày 22/4/1963, cơ quan CIA tiên đoán chế độ Diệm sẽ yêu cầu Mỹ giảm quân số tại miền Nam. Diệm và Nhu đều quan tâm đến vấn đề nhân viên Mỹ “xen vào” (infringements) chủ quyền của VN, đặc biệt là cơ quan quân viện [MAAG] và các đơn vị Lực lượng đặc biệt [LLĐB] Mỹ. Phủ Tổng thống đang tra hỏi những viên chức phụ trách phối hợp với Mỹ về các hành vi của nhân sự Mỹ.(29)

Hơn một tháng sau, trong bài phỏng vấn Nhu trên báo Washington Post [Bưu điện Oat-shinh-tân]số ra ngày Chủ Nhật, 12/5/1963, Warren Unna thuật rằng Nhu muốn khoảng 12,000-13,000 quân Mỹ sẽ giảm xuống một nửa. Vì theo Nhu, đa số các cố vấn Mỹ tại địa phương chỉ thu thập tin tức tình báo, và sự hiện diện đông đảo của cố vấn Mỹ tạo cơ sở cho tuyên truyền của VC. Do áp lực của Mỹ, năm ngày sau, 17/5, Diệm mượn tuyên cáo chung [với Nolting] về vấn đề quĩ tài trợ chống nội loạn [CIP] để chính thức cải chính lời tuyên bố của Nhu: Số nhân viên Mỹ tại Nam Việt Nam sẽ tùy thuộc vào nhu cầu an ninh, kinh tế và xã hội. (30) Ngày Thứ Hai, 20/5, Nolting cũng báo cáo là Nhu cải chính rằng đã bị Unna trích dẫn sai lạc. (31) Ba ngày sau nữa, 23/5, Nhu chính thức cải chính rằng chỉ muốn phát động “một cuộc cách mạng thực sự, để tiến dần đến tự túc,” nhưng đã bị hiểu lầm quá nhiều như bài Mỹ hay bài ngoại. (32)

Hạ tuần tháng 5/1963, sau khi chào Diệm để về Pháp nghỉ, Lalouette cũng tiết lộ Diệm và Nhu đã yêu cầu giảm bớt số cố vấn Mỹ.(33)

Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, người được chính phủ Mỹ coi như nhân vật có thể kế vị Diệm trong trường hợp bất trắc, cũng xa gần không muốn Mỹ gửi cố vấn dân sự xuống các tỉnh.

Mạnh miệng nhất là Lệ Xuân. Trong thời gian đi “giải độc” ở châu Âu và Mỹ, “Rồng Cái” ví von quân nhân Mỹ tại Việt Nam như những tên lính đánh thuê nho nhỏ [little soldiers of fortune]. Vợ chồng Nhu còn chê bai cả binh chủng Lực lượng Đặc biệt do Kennedy lập nên; và, nói thẳng rằng quân đội Mỹ không thích hợp với chiến tranh du kích.

Trong bài phỏng vấn trên tờ Espresso của Italia, ra ngày 10/10, Nhu tuyên bố miền Nam có thể sống còn dù Mỹ yểm trợ hay không. Nhu chỉ cần các đơn vị trực thăng và tiền, không muốn lính Mỹ vì binh sĩ Mỹ không có khả năng đánh chiến tranh du kích. Ngay LLĐB do Kennedy thành lập cũng chẳng có giá trị gì. Diệm và Nhu chống lại việc đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam kể cả trong giai đoạn nghiêm trọng nhất trong mùa Đông 1961-1962 [sic]. Cuộc chiến không thể thắng được với người Mỹ, vì người Mỹ cản trở sự chuyển biến cách mạng của xã hội, một điều kiện tiên quyết của chiến thắng.(34)Ước muốn của Nhu là Mỹ chỉ cung cấp quân viện, phi cơ, súng đạn, thiết giáp, thiết vận xa, v.. v… và giao mọi việc khác cho họ Ngô.

  1. Chống Mỹ:

Suốt từ đầu năm 1950, sau khi lội núi vượt sông đi bộ 17 ngày qua Bắc Kinh xin viện trợ, ngày 3/2/1950 Hồ Chí Minh—tức Linov Nguyễn Sinh Côn (1892-1969)—được Phó Chủ tịch Trung Cộng Liu Shaoqi [Lưu Thiếu Kỳ] cho qua Mat-scơ-va gặp Josef Stalin, nối lại tinh thần “quốc tế vô sản.” Mặc dù chẳng trọng vọng gì Hồ, Stalin cho Hồ gặp mặt để giải thích lý do giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dươngngày 11/11/1945, cùng liên hệ với tình báo Mỹ, Bri-tên, và Trung Hoa. Từ ngày này, Hồ ngả hẳn về khối Cộng Sản do Liên sô Nga cầm đầu. Ngoài những chiến dịch suy tôn Stalin, Mao Trạch Đông, tái lập Đảng Cộng Sản dưới bảng hiệu Đảng Lao Động Việt Nam [LĐVN] năm 1951, hay chỉnh phong, chỉnh cán, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, áp dụng những “nghi lễ Mao-ít” trong đời sống thường nhật, Hồ chỉ thị cho thuộc hạ đẩy mạnh phong trào tố cáo “đế quốc Mỹ xâm lược.”(35) Sau năm 1954, cơ quan tuyên truyền Hà Nội cũng ngày đêm ra rả gọi sự trợ giúp của Mỹ cho chế độ chống Cộng ở miền Nam là “đế quốc” hay “tân thực dân”—dù trên thực chất cả hai phe đều là “anh hùng khất thực.”

Từ sau cuộc đảo chính của Nhảy Dù và TQLC ngày 11/11/1960, chế độ Diệm bắt đầu dùng thuật ngữ “thực dân Mỹ.” Ngày 17/11, Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cọng của Trương Công Cừu, Ngô Trọng Hiếu và Nguyễn Văn Châu sử dụng phương tiện của chính phủ và quân đội rải truyền đơn tố cáo “thực dân Mỹ, Anh, Pháp” dính líu vào cuộc đảo chính. Đích thân Diệm tố cáo với Tướng Lionel McGarr, Tư lệnh MAAG, rằng có những phần tử Mỹ nói xấu chế độ. Nhu thì đi thẳng vào vấn đề hơn. Trong cuộc thảo luận với Lalouette, Nhu nghi Mỹ nhúng tay vào cuộc đảo chính. Một trong những chứng cớ là Đại sứ Elbridge Durbrow chỉ đứng ra hòa giải, và còn cho Hoàng Cơ Thụy vào bao tải đựng văn kiện ngoại giao đưa trốn khỏi nước. Nhóm sĩ quan Nhảy Dù thì tuyên bố ở Phnom Penh là được Mỹ yểm trợ.(36)

Báo cáo ngày 18/12/1962 của TNS Mike Mansfield (1903-2001), Chủ tịch Khối đa số Thượng viện Mỹ—người đã nhiều lần cứu nguy chế độ Diệm—khiến vợ chồng Nhu lại xa gần đả kích “thực dân.”(37)Ngày 2/3/1963, Diệm cũng tuyên bố không cần học hỏi gì ở Oat-shinh-tân.(38)

Gần cuối tháng 3/1963, Nhu cho lệnh Tung và Đính mở chiến dịch tuyên truyền “chống Mỹ.“(39) Lệ Xuân mượn ngày Lễ Hai Bà Trưng 1963, và rồi tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới [PTPNLĐ] để chỉ trích Mỹ can thiệp vào nội tình Việt Nam. Theo Lệ Xuân, đừng nên tỏ vẻ biết ơn viện trợ của ngoại quốc; vì nhiều kẻ viện trợ tưởng rằng chúng có quyền phá hủy phong tục, truyền thống và luật pháp lành mạnh của Việt Nam, biến Việt Nam thành bù nhìn, dụ dỗ đàn bà Việt Nam vào đường sa đọa. Vì thế, ngày 13/4/1963, Đại sứ Nolting đã từ chối lời mời lên Đà Lạt nghỉ của Lệ Xuân.(40) Khi được tin Henry Cabot Lodge sẽ thay Nolting ở Sài Gòn, Nhu gọi Lodge là “Toàn quyền,” tước vị của viên chức cầm đầu Đông Dương dưới thời “Bảo hộ” Pháp. [Năm 1961, Diệm cũng từng tuyên bố không muốn biến Việt Nam thành một xứ bị bảo hộ [protectorate].

Từ cuối tháng 8/1963, nữ phát ngôn viên bán chính thức của chế độ—tức Lệ Xuân—ngày càng bộc lộ bản chất và tư cách đích thực của một người ít học vấn, nhưng do “Thiên mệnh Mỹ” và viện trợ Mỹ bỗng dưng lọt vào trung tâm quyền lực của miền Nam. Tổng Giám mục Thục cũng hòa điệu vào vở bi hài kịch mà Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ McGeorge Bundy phải chua chát gọi là “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị chưa hề thấy từ sau [ngày sụp đổ của] Nga hoàng.”( 41)

Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có tài liệu về những đầu mối bản xứ giúp gia đình họ Ngô ve vãn Việt Cộng. Có người cho rằng Mã Tuyên, một lãnh tụ Hoa kiều ở Chợ Lớn, là đầu mối quan trọng. Lại có tin Albert Phạm Ngọc Thuần [sau đổi thành Phạm Ngọc Thảo], cựu Giám đốc Mật vụ của Ủy Ban Hành Chính Kháng chiến Nam Bộ (1947-1949), và lúc đó giữ chức Thanh tra Ấp Chiến lược, với cấp Trung tá, là đầu mối khác. Ngoài ra, phải kể Vũ Ngọc Nhạ của cụm tình báo chiến lược A-22, và các ổ trí vận ở Sài Gòn dưới quyền Trần Bạch Đằng, với những thành viên như em gái Bộ trưởng Trần Lê Quang, v.. v…

  1. NGUYÊN DO:

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc Diệm-Nhu tự biến mình thành “phiến Cộng.”

  1. Giải tỏa áp lực Mỹ:

Mục tiêu tối hậu của người Mỹ là duy trì một miền Nam chống Cộng, để ngăn chặn (containment)sức bành trướng của Trung Cộng và Nga Sô xuống vùng Đông Nam Á (NSC 5405 (16/1/1954), 5429 /2, 5. Paragraph 10-a (22/12/1954, & 27/1/1955), NSAM 111, 22/11/1961). Trên căn bản, người Mỹ chỉ yểm trợ một miền Nam chống Cộng mà không phải cá nhân nào. Nhưng họ Ngô muốn đồng hóa miền Nam với gia đình mình. Kiểu “sau lưng Hiến Pháp còn có tôi.” Bởi thế, những lời cố vấn để cải thiện hành chính, kinh tế, chính trị và quân sự được diễn dịch thành “áp lực” miên viễn.

Trong khi đó, từ năm 1960, người Mỹ muốn “rút ngắn hơn giây cương” con ngựa kéo cỗ xe chống Cộng miền Nam. (NSC 5809 (2/4/1958), 6012 (21/7/1960). Ba vấn đề được nhấn mạnh là đảng Cần Lao, nhân sự, và mở rộng sinh hoạt chính trị. Người Mỹ từng nhiều lần yêu cầu Diệm giới hạn quyền lực của Đảng Cần Lao, cùng vợ chồng cố vấn Nhu, Cẩn và Thục, cũng như mở rộng chính quyền cho những chính khách chống Cộng. Anh em họ Ngô cương quyết không chịu nhượng bộ. Họ muốn độc quyền “thiên mệnh Mỹ” và “phép lạ Mỹ.”

Cuộc tranh đấu của Phật giáo từ ngày 7/5/1963 khiến áp lực Mỹ ngày một gia tăng. Chính phủ John F. Kennedy (1/1961-11/1963) công khai áp lực Diệm phải đáp ứng những nguyện vọng của Phật giáo, thành thực tôn trọng bản Tuyên cáo chung 16/6/1963, và từng đe dọa sẽ tách biệt khỏi chính sách Phật giáo của chế độ Diệm nếu có thêm một vụ tự thiêu. Diệm-Nhu quyết không nhân nhượng, tìm đủ cách phản ứng: Từ bịa đặt ra việc Cộng Sản ném lựu đạn (sau sửa sai thành hai trái mìn từ lực) trước Đài phát thanh Huế, đàn áp, bắt giữ người biểu tình, tới vu cáo cuộc tranh đấu của Phật giáo do Cộng Sản chi phối, nhằm lật đổ chính quyền. Cả Diệm lẫn Nhu đều lên án “đế quốc” [và Cộng Sản] nhúng tay vào cuộc tranh đấu của Phật Giáo.( 42)

  1. Lo ngại bị Mỹ bỏ rơi:

Từ năm 1960, họ Ngô không còn được chính phủ Mỹ chiều chuộng như xưa. Sau cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960, Diệm-Nhu bắt đầu nghi ngờ sự yểm trợ mà Bảo Đại từng cay đắng gọi là “mù lòa” của chính phủ Mỹ, và nhóm “Những người bạn Mỹ của Việt Nam” [American Friends of Vietnam] như cựu Tướng William Donovan, TNS Mike Mansfield, Hồng y Francis Spellman, v.. v… (43)

  1. “Sự áp bức của báo chí Mỹ”:

Điều khiến họ Ngô cực kỳ bất mãn là báo chí Mỹ không ngừng đả kích chế độ Diệm. Từ đầu năm 1957, báo Foreign Affairs [Ngoại giao] đã cảnh giác dư luận Mỹ về tình trạng “cảnh sát trị ở miền Nam.” Nhiều người cho rằng Mỹ đang sa lầy, không thể chiến thắng với họ Ngô.

Vài học giả ít nhiều liên hệ với Đại học Công Lập Tiểu Bang Michigan [MSU], Đại học ký giao kèo cố vấn cho những kế hoạch hành chính và luật pháp với Sài Gòn, cũng công bố những nghiên cứu bất lợi cho chế độ như Milton C. Taylor trên tờ New Republic ngày 14/6/1961, và Frank C. Child trên cùng báo này ngày 4/12/1961. Dưới mắt Diệm, nhóm MSU chịu trách nhiệm về các chỉ trích “không đúng sự thực, không hợp lý, và phá hoại”. Diệm và Nhu cho rằng các giáo sư MSU đã lợi dụng cơ hội để nghiên cứu làm công tác gián điệp và tung tin bêu xấu chính phủ.( 44)

Trong khi đó một nhóm ký giả trẻ như Neil Sheehan, Malcom Browne, David Halberstam, v.. v… được Trung tá Paul Vann, cùng viên chức trong Dinh Gia Long (Trần Kim Tuyến, Nguyễn Đình Thuần), và cán bộ tình báo chiến lược Bắc Việt (như Vũ Ngọc Nhạ, Pham Xuân Ẩn) cung cấp tin tức mật—do những lý do và mục đích khác nhau—tìm cách trình bày chiến cuộc và gia đình họ Ngô dưới những góc cạnh bi quan nhất. Sợi giây xuyên suốt qua những bài tường thuật của họ là trận chiến đang thua và Mỹ không thể thắng trận với họ Ngô. Theo họ, Nam Việt Nam đang trở thành một thứ “bãi lầy” hay “cát lún,” nghĩa địa của uy tín và danh dự của siêu cường Mỹ. (“Chiến thắng” Ấp Bắc ở Mỹ Tho vào đầu năm 1963 chỉ là một thí dụ) Qua những cuộc phỏng vấn Nhu và nhất là Lệ Xuân, họ biến vợ chồng Nhu-Lệ Xuân thành một thứ quái vật đen của chế độ.

Trong một chuyến thăm Mỹ bí mật, ngày 7/9/1960 Lệ Xuân đã nhờ Tướng Edward Lansdale và CIA bí mật can thiệp, công khai thanh minh cho Lệ Xuân về những tin đồn vô căn. Tại sao cơ quan CIA không nói Lệ Xuân là người thứ tư trong danh sách cần tiêu diệt của Cộng Sản (sau Diệm, Nhu và Cẩn). Tại sao những người Mỹ không hành động như Tướng Samuel T. Williams, Tư lệnh MAAG, con người chỉ biết làm bổn phận của mình? Các nhân viên và sĩ quan Mỹ tại Sài Gòn không thân thiện với chính phủ VNCH. Khi VC gia tăng tấn công, Đại sứ Durbrow chẳng những không tích cực giúp đỡ mà chỉ lo can thiệp vào nội tình cai trị của Diệm. Thái độ của Mỹ về việc tranh chấp biên giới với Căm Bốt thật khó hiểu. VC đột nhập qua ngả biên giới trong khi Mỹ cố tình ve vãn Norodom Sihanouk, tảng lờ việc Sihanouk thân thiện với Trung Cộng. Nhưng Lansdale chẳng làm được gì giúp vợ chồng Nhu.(45)

Vì không thích bị chỉ trích, họ Ngô tìm đủ cách phản ứng. Từ áp lực Tòa Đại sứ Mỹ can thiệp, tới sử dụng tờ nhật báo Mỹ ngữ ở Sài Gòn, Times of Vietnam [Việt Nam Thời Báo], hay vài ký giả nổi danh như Margueritte Higgins, v.. v… để trả đũa. Rồi dần dần đến những biện pháp kiểm duyệt, trục xuất, và ngay cả bạo động—tức hành hung và đe dọa trục xuất hay giam giữ.(46)

Cuối năm 1961, sau khi Kennedy không đồng ý gửi quân chiến đấu vào Nam Việt Nam như Taylor đã hứa với Diệm, lại còn ép Diệm phải cải tổ chính phủ, họ Ngô mở chiến dịch chống Mỹ trên báo chí Việt Nam để cảnh giác Kennedy về thứ gọi là “tự do quá trớn” của báo chí Mỹ. Trong buổi nói chuyện với Robert J. Manning ngày 17/7/1963, Nhu nhận định rằng một số ký giả trẻ Mỹ có tham vọng lật đổ chính phủ hiện hữu để lập một chế độ mới, và “chính phủ Việt Nam bị báo chí Mỹ áp bức.” (47)

Ngày 10/7/1962, đích thân Kennedy phải viết thư trấn an Diệm là không thay đổi chính sách từ ngày nhiệm chức, và sẽ tiếp tục giúp VN tự bảo vệ và chiến thắng CS. Riêng tại Lào, nếu không trung lập, sẽ là chiến tranh. Trong buổi họp thượng đỉnh với Khrushchev tại Vienna ngày 3-4/6/1961, điều duy nhất Khrushchev chịu hứa với Kennedy là chỉ bảo đảm duy trì độc lập và trung lập của Lào. Bởi thế Kennedy yêu cầu Diệm đồng ý ký hiệp ước Geneva về Lào (23/7/1962). Sau nhiều giờ thuyết phục Diệm, phải tới lúc từ Dinh Gia Long trở lại Tòa Đại sứ, Nolting mới được thông báo là Diệm đồng ý. (48)

Có lẽ vì mối lo ngại canh cánh bên lòng này, ngày 21/7, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu còn nêu lên vấn đề liệu Nga Sô có kiềm chế Trung Cộng hay CSVN tại Lào. Và, khi TNS Mansfield hoàn tất bản báo cáo vào cuối năm 1962, phản ứng của họ Ngô giận dữ khác thường–khởi đầu một chuỗi những dữ kiện được biết như “cơn điên cuồng [hay mê sảng] của một gia đình cai trị chưa từng thấy từ thời các Ngs hoàng.”

Ngoài ra, cần đề cập đến không khí hòa hoãn đặc biệt giữa Mỹ và Nga vào cuối năm 1962, đầu 1963. Tháng 12/1962, Nikita S. Khrushchev đề nghị hai siêu cường nên hạn chế cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử. Ngày 10/6/1963, Kennedy đáp ứng bằng bài diễn văn tại Đại học American ở Kentucky, kêu gọi tiến về một nền hòa bình thế giới. Khrushchev hết lời ca ngợi, và sau đó, đại diện Mỹ, Bri-tên cùng Nga bắt đầu thương thuyết về hạn chế thí nghiệm bom nguyên tử. Ngày 5/8/1963, Hiệp ước cấm thí nghiệm nguyên tử trên không gian, trong khí quyển và dưới đáy biển [The Treaty Banning Nuclear Weapons Tests in the Atmosphere, in Outer Sapce and Under the Water] tại Mat-scơ-va (14 UST 1313) càng khiến Diệm-Nhu lo sợ hơn về sự thay đổi chính sách chống Cộng của Mỹ tại Nam Việt Nam. Trong buổi nói chuyện với 15 Tướng tại Bộ Tổng Tham Mưu ngày 30/8/1963, Nhu tuyên bố mật vụ Mỹ đang gia tăng nỗ lực lật đổ chính phủ Diệm từ sau ngày ký hiệp ước cấm thử bom nguyên tử. ( 49)

Việc thay thế Đại sứ Nolting bằng Lodge vào giữa năm 1963 càng tăng thêm nỗi hãi sợ bị bỏ rơi của họ Ngô. Nhu dùng tiếng “Toàn quyền” để gọi Lodge, trong khi Diệm hờn oán sai Thuần cho Truheart biết Diệm rất bất mãn việc thay đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. và nghi rằng Mỹ đang thay đổi chính sách, bắt Diệm phải làm theo Mỹ hay sẽ bị loại bỏ [Diem thought a new American policy was involved and an effort to force him to do our bidding or to unseat him]. Diệm cũng tuyên bố dẫu có gửi 10 Lodge tới Sài Gòn, vẫn phải huấn luyện pháo binh bắn vào Dinh Gia Long [“they can send ten Lodges, but I will not permit myself or my country to be humiliated, not if they train their artillery on this Palace”]. (50)  (Ngày 1/11/1963, Thiếu úy Hoàng Nguyên của Pháo binh Sư đoàn 5 là sĩ quan tiền sát điều chỉnh tác xạ vào Thành Cộng Hòa và một số mục tiêu khác)

Phía sau hậu trường chính trị, Nhu tìm cách giảng hòa với Pháp, hy vọng dùng Pháp để giảm bớt áp lực Mỹ. (Kế hoạch này đã khởi xướng từ năm 1961). Có lúc Nhu còn xa gần nhắc đến Trung Cộng. Và, đáng sợ hơn nữa, nuôi ý định ve vãn Cộng Sản.

  1. Lo sợ Mỹ bỏ rơi họ Ngô:

Mối lo ngại này chẳng phải vô bằng chứng. Từ sau cuộc Trưng cầu truất phế Bảo Đại ngày 23/10/1955, các viên chức Mỹ và dư luận thế giới đối diện một sự thực khó thể chối cãi là chế độ Diệm độc tài, gia đình trị, và giáo phiệt. Ngay những người thân cận cũ trong nhóm Bạn Mỹ của Việt Nam không dấu sự hoài nghi khả năng của anh em Diệm.

Ngày 24/1/1962, Giáo sư Wesley R. Fishel của Đại học Tiểu bang Michigan [MSU] tiết lộ rằng chế độ Diệm đã xa rời quần chúng, chống đối ngày một nhiều. Lần đầu tiên sau bảy năm rưỡi thân thiết với họ Ngô, Fishel cảm thấy bi quan về hiện tình VNCH. Trong hai năm rưỡi qua, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tâm lý đã ung hoại sâu xa. Về kinh tế, những tiến bộ ít năm trước bắt đầu xoay chiều, phần vì lũ lụt, phần vì VC gia tăng hoạt động. Năm nay [1962], VNCH không xuất cảng được gạo. Trong khi đó, Đảng Cần Lao của Nhu xen vào các hoạt động kinh tế, tạo nên những hậu quả tai hại. Về quân sự, sự gia tăng lính Mỹ cùng trực thăng khiến tình hình khả quan hơn, nhưng chẳng hiểu ưu thế ấy giữ được bao lâu. VC và Trung Cộng chắc chắn sẽ có phản ứng. Những chuyến thăm vùng Cao nguyên và đồng bằng Cửu Long khiến Fishel lo ngại rằng VC sẽ khởi sự tấn công trong vòng ít tuần nữa. Về chính trị và tâm lý, tình hình VNCH đang ở mức thấp nhất. Hy vọng và sự hứng khởi của những năm 1955-1956 đã lịm tắt. Một cảm giác hận thù phảng phất trong không gian. Trong vòng 4 tuần lễ viếng thăm Việt Nam, Fishel đã nói chuyện với 118 người quen cũ, không ai thuộc thành phần đối lập, và ít nữa hai phần ba còn theo Diệm năm 1959, tất cả đều bày tỏ mối sợ hãi chung là Cộng Sản đang chiến thắng (Viet Cong are coming). Diệm ngày càng bị trói buộc bởi “những vùng ảnh hưởng ác quỉ” (evil influences) chung quanh. Chưa ai buộc tội Diệm làm sai, nhưng Diệm không chịu sửa đổi những lỗi lầm của người chung quanh. Vài ba người can đảm còn ở quanh Diệm không dám nói thẳng với Diệm những điều “chói tai” vì có thể Diệm sẽ cách chức họ, và các “ảnh hưởng ác quỉ” sẽ thay họ bằng tay chân chúng. Ai là những ảnh hưởng ác quỉ này? Theo Fishel, Nhu và vợ [Lệ Xuân] luôn luôn đứng đầu bảng. Lý thuyết của Nhu đã thất bại, nhưng cả Diệm lẫn Nhu chưa chịu nhìn nhận. Lệ Xuân–thông minh, sinh động, dơ dáy và tàn bạo theo kiểu Borgia [as brillant, vivacious, bitchy, and brutal in her Borgia-like fashion as ever]–làm các giai tầng xã hội xa cách chế độ của người anh chồng ở lúc mà Diệm cần sự yểm trợ của họ. Lệ Xuân đã bảo trợ việc biểu quyết một đạo luật “trong sạch hóa xã hội;” cấm khiêu vũ, thuốc ngừa thai, và kiểm soát việc ăn mặc, tỏ tình nơi công cộng, v.. v… Sự áp dụng mù lòa giáo điều Ki-tô này sẽ khiến chia rẽ các tín đồ Ki-tô và những người Lương, tạo nên sự căng thẳng mà trước đó ít khi xảy ra. Ngoài ra, còn có nhân vật tham vọng Nguyễn Đình Thuần, người cũng bị ghét như vợ chồng Nhu. Viện trợ Mỹ, theo Fishel, chỉ giúp những ngón tay và ngón chân của VNCH cử động; nhưng thân mình vẫn bất động. Nếu không có một cú kích xúc tâm lý quan trọng trong vài tháng tới, không còn cách nào cứu vãn miền Nam. Theo Fishel, cần phải loại bỏ vợ chồng Nhu mới hy vọng tạo nên được cú kích xúc tâm lý khả dĩ.(51)

Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield, lãnh tụ khối đa số, người đỡ đầu của chế độ Diệm và từng ba lần cứu nguy cho Diệm trong hai năm 1954-1955, cũng bắt đầu đổi ý. Cuối năm 1962, sau một chuyến thăm Việt Nam, Mansfield kết luận là Mỹ phải duyệt xét lại chính sách, vì sau khi đã trút vào miền Nam nhiều tỉ [hơn hai tỉ] Mỹ kim, tình hình an ninh đã trở lại với giai đoạn Diệm mới lên cầm quyền.

Nguyên văn: “Indeed, it was distressing on this visit to hear the situation described in much the same terms as on my last visit although it is seven years and billions of dollars later. Vietnam, outside the cities, is still insecure place which is run at least at night largely by the Vietcong. The government in Saigon is still seeking acceptance by the ordinary people in large areas of the countryside. Out of fear or indiferrence or hostility the peasants still withhold acquiescence, let alone approval of that government. In short, it would be well to face the fact that we are once again at the beginning of the beginning. . . . The real question which confronts us, therefore, is how much are we ourselves prepared to put into Southeast Asia and for how long in order to serve such interests as we may have in that region? Before we can answer this question, we must reassess our interests, using the words “vital” or “essential” with the greatest realism and restraint in the reassessment. When that has been done, we will be in a better position to estimate what we must, in fact, expend in the way of scarce resources, energy and lives in order to preserve those interests. We may well discover that it is in our interests to do less rather than more than we are now doing. If this is the case, we will do well to concentrate on a vigorous diplomacy which would be designed to lighten our commitments without bringing about sudden and catastrophic upheveals in Southeast Asia.” (52)

Một số viên chức trẻ tung tin họ Ngô phải ra đi [The Ngos must go]. Đại sứ Durbrow đề nghị “thay ngựa” một cách hợp pháp qua cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4/1961. Ngày 22/10/1961, Joseph A. Mendenhall, Cố vấn chính trị Sài Gòn, đặt câu hỏi: “Sự vững chắc của chính phủ Diệm ra sao?” (“How stable is the Diem government?”) rồi tự trả lời: “Chính phủ này ít vững chắc hơn so với sáu hay ba tháng trước, và ít vững chắc ngay cả với tuần trước.” (“It is less stable then it was six or three months ago or even than it was a week ago;”) Những cuộc thất trận trong hai tháng 9-10/1961 và cái chết của Đại tá [Hoàng Thụy] Nam “tạo nên tình trạng gần như hoảng hốt ở Sài Gòn” (“have produced an atmosphere bordering on panic in Saigon). Theo Mendenhall, chỉ có hai cách để thay đổi là cuộc cách mạng tại Dinh Độc Lập hay một cuộc đảo chính bằng quân sự. Việt Cộng không đủ sức mạnh lật đổ Diệm trong tương lai gần. (53)

Từ năm 1962, các viên chức Mỹ lại bắt đầu nghiên cứu một giải-pháp-khác-Diệm. Ngày 16/8/1962, trong phiếu trình về tình hình Việt Nam, Mendenhall ghi nhận: Lực lượng Việt Cộng (VC) đã tăng từ 2,000 vào cuối năm 1959 lên 20,000 trong năm 1962. Chính phủ chỉ còn kiểm soát được thành phố và các tỉnh, quận lị. Tình trạng an ninh ngày một tồi tệ hơn. Tổng thống Diệm và sự yếu kém của ông ta là nguyên nhân chính của tình trạng thoái hóa. Hai nhược điểm của chính phủ Diệm là: (1) Chính quyền tổ chức không hữu hiệu, hậu quả của việc Diệm không có những quyết định dứt khoát, không chịu chia xẻ bớt trách nhiệm, không có hệ thống chỉ huy, không nhìn nhận lỗi lầm và thiếu tin tưởng; và (2) thiếu khả năng lôi kéo quần chúng vì Diệm không có những đặc tính của một nhà chính trị. Để chiến thắng VC, cần một chính quyền hữu hiệu hoặc phải được dân chúng mến mộ, nhưng Diệm thiếu cả hai. Ấp Chiến lược không đạt được những kết quả mong muốn. Dân chúng không được bảo vệ kịp thời và đúng mức; chính sách Ấp chiến lược khiến mất lòng dân hơn lôi kéo họ về phía chính quyền. Chính phủ cũng chẳng quan tâm gì đến các khía cạnh xã hội và kinh tế trong các Ấp Chiến lược. Chẳng có cơ hội nào khiến Diệm và Nhu thay đổi. Diệm đã già (65 tuổi) và không bỏ được lề lối quan lại. Diệm và Nhu đều nghĩ rằng họ biết người Việt hơn ai hết, vì thế ít khi nhận lời khuyên can. Cả hai đều không tin cậy người ngoài gia đình và họ không thể thay đổi nguyên tắc “chia để trị.” Không thể thắng VC với cách làm việc của Diệm-Nhu, và dù áp lực cách nào đi nữa, Diệm-Nhu cũng không chịu thay đổi lề lối làm việc. Đề nghị: Loại bỏ Diệm, vợ chồng Nhu, và tất cả những người trong họ Ngô. (54)

Phó Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông vụ, Edward E. Rice, phê bình: “Có vẻ như một việc rất phức tạp và không dễ giữ bí mật trước khi thi hành.” Ngày 17/8/1962, Bạch Cung quyết định rằng báo cáo tháng 5/1961 của PTT Lyndon B. Johnson là căn bản của chính sách Việt Nam: Chính phủ Kennedy tiếp tục làm việc với Diệm vì chưa tìm được người thay. (55)

Đặc biệt, quyết định thay Đại sứ Nolting bằng Lodge vào tháng 6/1963–giữa cơn khủng hoảng Phật Giáo–càng tăng thêm nỗi hãi sợ bị bỏ rơi của họ Ngô. (56)

  1. Đụng chạm cá nhân với Mỹ:

Sự căng thẳng liên hệ với Mỹ trước hết là do quyền lợi cá nhân của họ Ngô. Anh em họ Ngô không thể hiểu nổi tại sao người Mỹ yểm trợ nhiệt tình miền Nam mà không tiếp tục ủng hộ mọi kế sách do họ đặt ra, và nhất là không thấy được một chân lý: Họ Ngô đồng nhất thể với chế độ chống Cộng Việt Nam Cộng Hòa.

  1. Mặc cảm “vệ tinh”:

Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị do Mỹ lập nên và cần viện trợ Mỹ để tồn tại, vào khoảng 200-400 triệu MK mỗi năm và ngày càng gia tăng. Họ Ngô hiểu rõ điều ấy hơn bất cứ một ai tại Nam Việt Nam. Nói cách khác, bản chất liên hệ giữa Nam Việt Nam và Liên bang Mỹ là liên hệ vệ tinh chiến lược, hay patron-client [ông chủ và đầy tớ].( 57)

Trên căn bản đây là thứ liên hệ bất bình đẳng, giữa người cho và người nhận. Nhưng họ Ngô lại muốn được nhìn ngắm và hành xử như lãnh tụ một quốc gia hoàn toàn độc lập, có khả năng tự túc, tự cường, một “chí sĩ,” “lãnh tụ anh minh” của toàn quốc dân Việt Nam. Trên nóc một doanh trại trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, chẳng hạn, có một khẩu hiệu khổng lồ: “Một lãnh tụ: Ngô Đình Diệm; Một lý tưởng: chống Cộng.” Trong các rạp chiếu bóng, mỗi đầu xuất phim, ai nấy phải đứng lên nghiêm chỉnh chào quốc kỳ và suy tôn Ngô Tổng thống. Những lời “có vấn” của Mỹ, bởi thế, không được đón nhận một cách cởi mở, phục thiện, mà thường tiềm ẩn mặc cảm xin xỏ, nhờ vả. Hệ thống tuyên truyền Cộng Sản–ngày đêm ra rả bêu riếu chế độ Diệm là “bù nhìn,” “ngụy quyền,” “tay sai đế quốc Mỹ,” “buôn dân bán nước”–khoét sâu hơn sự ngăn cách giữa họ Ngô với chính phủ Mỹ. (Thực ra, chế độ VNDCCH cũng chẳng vinh dự gì hơn–nói theo Trường Chinh và Nguyễn Ngọc Minh [Trần Văn Giàu], chỉ là một tiền đồn của Trung Cộng, với nhiệm vụ chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng, đổi lấy vài chục tỉ viện trợ suốt cuộc chiến)

Ngày 12/4/1963, khi tiếp chuyện một viên chức CIA ở Sài Gòn [Richardson?] Nhu tuyên bố gần trọn đời Diệm đã chống lại sự đô hộ của Pháp [sic], thật tế nhị [sensitive] nếu sự trợ giúp của Mỹ hàm chứa bóng tối của tình trạng bị bảo hộ hay “condomunium.” Không thể định chế hóa liên hệ Mỹ Việt. Ngoài vấn đề định chế [institutional] và luật pháp [juridical], Nhu sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ. (58)

Vào trung tuần tháng 9/1963, cơ quan CIA trình lên Kennedy “Vấn đề Nhu” [Problem of Nhu] như sau: Nhu có tinh thần chống Mỹ, cáo buộc Mỹ là thực dân, phong kiến, đang muốn biến Nam Việt Nam thành chư hầu. Nhu tung tin một số viên chức Mỹ nằm trên danh sách sẽ bị thủ tiêu. Nhu nói rằng Mỹ phải giảm áp lực vì đang đe dọa nền độc lập của Nam VN. Nhu

0