PHÍ BÁ HÙNG (1800 1878)
Phí Bá Hùng, tự Tấn Khanh, người Giang Tô, Võ Tiến, nhà ở Mạnh Hà, là y gia nổi tiếng nhất trong số danh y ở Giang Nam, khoảng niên hiệu Đồng Trị, đời Thanh. Ông là con nhà thế y, đến ông là đời thứ bảy. Thuở nhỏ ông học Nho; thiếu thời nổi tiếng văn chương, là cống sinh niên hiệu Đạo Quang ...
Phí Bá Hùng, tự Tấn Khanh, người Giang Tô, Võ Tiến, nhà ở Mạnh Hà, là y gia nổi tiếng nhất trong số danh y ở Giang Nam, khoảng niên hiệu Đồng Trị, đời Thanh. Ông là con nhà thế y, đến ông là đời thứ bảy. Thuở nhỏ ông học Nho; thiếu thời nổi tiếng văn chương, là cống sinh niên hiệu Đạo Quang (1821-1850). Sau ông bỏ Nho theo y, chuyên tâm trí chỉ học các sách ‘Linh Khu, ‘Tố Vấn’ và sách của Trọng Cảnh và của các danh y sau Trọng Cảnh. Khoảng niên hiệu Đồng Trị (1851-1874) danh vang đất Giang Nam, xa gần rất đông nguội đến xin chẩn mạch, người xin học nối gót nhau mà đến khiến cho vùng ông trở nên phồn thịnh. Triều đình cũng nghe tiếng ông, trước sau hai lần triệu ông vào cung chẩn mạch. Lần thứ nhất, trị bệnh ung thư phổi cho Thái hậu Đạo Quang. Sau khi trị khỏi Vua ban cho một tấm biển khen, đề ‘Thị hoạt quốc thử' (Tay cứu sống người của nước nhà). Lần thứ nhì trị Hoàng đế Đạo Quang khỏi bệnh mất tiếng, Vua ban một bức liễn, đề ‘Trước thủ thành xuân, vạn gia sinh Phật; Bà tâm tế thế, nhất lộ phúc tinh’ (Ra tay như đem mùa xuân đến, muôn nhà sinh Phật; Cứu đời như Phật Quan âm, một đường hạnh phúc). Khi luận y, ông chủ trương ‘hòa hoãn’, ‘bình đạm’. Vì thế ông ra đơn dùng thuốc không có xu hướng kỳ lạ, hết sức tránh thiên tạp, tự chế rất nhiều tễ thuốc tính hoãn, bình hòa. Ông lại nhận xét rằng từ Trường Trọng Cảnh về sau, các y gia khác ai có chuyên trường nấy, cũng như ai cũng có chỗ thiên chấp riêng. ‘Cầu kỳ thuần túy dĩ tinh, bất thất hòa hoãn chi ý giả, thiên dư niên lai, bất quá sổ nhân’ (Muốn tinh phải giữ cho thuần túy mà không mất cái ý ‘hoà hoãn’, trên nghìn năm nay, chỉ ít người được như thế); ngành y học gần đây là ‘vu tạp dĩ cục’ (bừa bãi tột độ). Để ngành y học trở về nếp thuần chính, ông dốc tâm huyết mấy mươi năm viết nên bộ ' Y Thuần’ 24 quyển, phân ra các môn mạch, chứng , trị lý, y. Sách in chưa được phân nửa thì gặp chiến loạn cháy tiêu hết. Ông cũng tay không bỏ quê chạy nạn 'đến sống ở Dương Châu. Biết danh ông, nhà quyền quí đến xin chẩn mạch đầy nhà. Ông tự nói: ‘Y thuần’ là quyển sách tâm huyết cả đời mình, muốn khắc bản ấn hành lại để nói lên đường lối hòa hoãn trong luận trị mà nguyên cảo và phó bản của tủ sách gia đình đều bị lửa thiêu sạch......?’ Về sau, chân trái của ông lại bại liệt, suốt ngày nằm ngồi trong nhà, bèn cố nhớ nội dung của ‘Y Thuần’ lấy bút chép ra, nhưng chỉ được vài phần mười của nguyên bản, vì thế mà đổi tên sách là ‘Y Thuần Thặng Nghĩa’, khắc bản ấn hành vào niên hiệu Đồng Trị năm thứ 2 (1863). Tuy không phải trọn bộ, cũng thấy được một phần của sách. Sách ghi ba phần lớn là sát mạch, biện chứng, thi trị. Quyển thủ trực luận phép mạch, kế luận bệnh chứng, rồi tự chế phương, sau phụ lục thành phương. Tác giả trị bệnh giảng cứu thực hiệu, khéo về mặt biến thông hóa tài cổ phương, sáng chế tân phương, đối với bệnh mãn tính, càng có xiển thuật sâu sắc. Ngoài ra, ông còn có viết các sách ‘Y Phương Luận’, ‘Quái Tật Kỳ Phùng’, ‘Phí Phê Y Học Tâm Ngộ’ . Ông chẳng những tinh thông y thuật, lại còn viết hay vẽ giỏi, dụng công nhiều về thi văn, thích uống rượu. Tại lễ mừng thọ 78 tuổi, thân hữu đầy nhà, ông uống một hơi mấy chục ly, sau nâng ly nói với bè bạn: ‘Thạnh hội nan phùng, thu phong dị thệ, hành tương dữ chư quân trang biệt’ (Tiệc vui khó có, gió thu dễ dứt, sẽ vĩnh biệt với các bạn). Cả nhà đều kinh sợ. Quả nhiên, năm ấy ngày 16 tháng 7, ông tắm rửa, đội mũ, mỉm cười rồi mất. Con ông là Phí Ứng Lan, cháu nội là Phí Thằng Phủ, Phí Vinh Tổ, Phí Thiệu Tổ nối nghiệp ông.