18/06/2018, 16:14

Phát hiện khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nguồn : dothi.net Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí Lời mở đầu Cuộc khai quật khảo cổ học từ tháng 12/2002 đến 31/3/2004 do Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, Ba Đình (Hà Nội), đã phát lộ một quần thể bao gồm nhiều ...

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nguồn : dothi.net

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nguồn : dothi.net

Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí

Lời mở đầu

Cuộc khai quật khảo cổ học từ tháng 12/2002 đến 31/3/2004 do Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, Ba Đình (Hà Nội), đã phát lộ một quần thể bao gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất, minh chứng sự hiện hữu lâu dài của Kinh đô Thăng Long, một trong 4 kinh đô nổi tiếng của Việt Nam trong lịch sử.

Quần thể dấu tích kiến trúc và hàng vài triệu di vật được tìm thấy ở đây cho thấy lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài không đứt đoạn của trung tâm quyền lực qua 1300 năm, từ thời Tiền Thăng Long, giai đoạn chịu sự thống trị của Trung Quốc thời thuộc Đường (thế kỷ 7-9), đến thời kỳ Thăng Long, dưới sự trị vì của các vương triều Lý – Trần – Lê (từ năm 1010 đến năm 1789).

Bài viết này sẽ giới thiệu khái quát những phát hiện quan trọng của khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.

1. Hình thái Kinh thành Thăng Long

Sau 41 năm nhà Đinh và Tiền Lê định đô ở Hoa Lư (968-1009), năm 1010, Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập triều Lý, thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng:

“… Thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế nhìn sông dựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”1 Quyết định của nhà vua đã biến một khu vực vốn là thủ phủ – An Nam đô hộ phủ, thuộc triều đình Trung Hoa thời Đường và Đại Cồ Việt thời Đinh – Lê thành trung tâm chính trị – văn hóa của nền văn minh Đại Việt trong suốt một ngàn năm tiếp theo. Ngay từ buổi đầu dựng đô, nhà Lý đã xây dựng thành Thăng Long với cấu trúc gồm 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau:

Vòng kinh thành là vòng ngoài cùng, vòng thành lớn nhất có tên gọi là thành Đại La hay Đại La thành.

Vòng thành thứ hai là Hoàng thành (tên gọi phổ biến dưới thời Lê). Đây là vòng thành quan trọng bao bọc các cung điện, lầu gác, chùa tháp, đền đài của Hoàng gia.

Vòng thành thứ ba là Cấm thành, là vòng thành quan trọng nhất, trong cùng, bao quanh nơi ở và làm việc của nhà vua và Hoàng gia, trong đó toà điện trung tâm là nơi thiết triều.

Nhìn trên bản đồ cổ đối sánh với bản đồ hiện đại, khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực vẫn quen gọi là thành cổ Hà Nội ở đúng trục chính tâm Bắc – Nam và một phần phía Tây liền kề với kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long xưa. Tổng thể cả hai phần di tích này chính là khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

2. Những phát hiện của khảo cổ học dưới lòng đất

Tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, trong diện tích khai quật 19.000m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được từ dưới lòng đất nhiều tầng văn hoá chồng xếp lên nhau qua nhiều triều đại.

Từ trên xuống dưới có thể thấy rõ các lớp đất và các lớp văn hoá như sau:

– Từ mặt đất hiện đại đến độ sâu 0,8m-1,0m là các lớp đất hiện đại.

– Ở độ sâu khoảng trên 1,0m thường có các dấu tích thời cận đại, thời Nguyễn (khoảng thế kỷ 19- đầu thế kỷ 20).

– Từ độ sâu dưới 1.0m đến 1,5m là lớp văn hoá thời Lê (thế kỷ 15-18).

– Từ độ sâu 1,5m đến 2,5m là lớp văn hoá thời Lý – Trần (thế kỷ 11-14). Một số vị trí dưới cùng của lớp này là dấu tích văn hoá thế kỷ 10.

– Từ độ sâu 2,5m đến hơn 3m là lớp văn hoá thời Đại La, niên đại thế kỷ 7-9.

2.1. Thời Đại La (thế kỷ 7-9):

Qua diễn biến địa tầng nêu trên, ở tầng văn hoá sâu nhất, dưới cùng, lần đầu tiên giới khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Đại La, xác nhận những điều ghi trong Chiếu dời đô về thành Đại La của vua Lý Công Uẩn và cho thấy sự trù phú miền đất Giao Châu (tên gọi Bắc Việt Nam lúc đó). Đại La là lị sở của An Nam đô hộ phủ thuộc triều đình Trung Hoa vào thời nhà Đường, được gọi là thời Đại La hay Tiền Thăng Long. Bằng chứng đầu tiên của khảo cổ học về thời kỳ này là phát hiện các dấu tích của những phần nền kiến trúc cùng nhiều hệ thống đường cống nước chạy theo hướng Bắc-Nam hoặc Đông-Tây, được xây xếp bằng loại gạch hình chữ nhật màu xám, có ghi chữ Hán “Giang Tây quân” hay “Giang Tây”, loại gạch đặc trưng của kiến trúc thời Đại La.

Những dấu tích này được phát hiện ở tầng đất bên dưới của kiến trúc thời Lý, Trần.

Một số móng của công trình kiến trúc thời Đại La được tìm thấy ở khu D cùng nhiều loại hình vật liệu như ngói, đầu linh thú trang trí trên mái, cho thấy các công trình kiến trúc thời Đại La là kiến trúc gỗ có mái lợp ngói âm dương.

Trong lịch sử kiến trúc cổ truyền phương Đông, kiến trúc thường được xây dựng theo kiểu khung nhà trên cột. Để chống đỡ sức nặng của bộ khung có mái ngói nặng, việc gia cố cho các móng trụ và chân tảng đỡ trụ được đặc biệt coi trọng. Theo thời gian, bộ khung nhà bằng gỗ bị phá huỷ và tiêu biến thì dấu tích còn lại chủ yếu là móng trụ. Chính vì vậy, trong thời Đại La, móng trụ đã tìm thấy ở các hố D4-D6. Đặc điểm các móng trụ của thời kỳ này là dùng ngói vỡ đầm chặt trong một hố vuông nhỏ. Các móng trụ như vậy có sức chống lún rất bền vững để trên đó người thợ có thể đặt chân tảng đá đỡ toàn bộ khung nhà bằng gỗ. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện làm xuất lộ nguyên vẹn một bình diện mặt bằng kiến trúc và chưa tìm thấy dấu tích chân tảng kê cột, nên chưa thể đưa ra những đánh giá về kết cấu, qui mô của kiến trúc thời kỳ này một cách rõ ràng.

Ngoài phát hiện các dấu tích kiến trúc, tại khu di tích đã tìm thấy 3 giếng nước đều được xây dựng bằng loại gạch màu xám. Trong đó, giếng nước ở vị trí hố B3 là còn hoàn chỉnh nhất. Giếng hình tròn, đường kính miệng trong 0,75m, đường kính miệng ngoài 135m và sâu 5,9m, được xây dựng rất chắc chắn, cứ 3-4 lớp gạch xếp nằm ngang lại xen một hàng gạch xếp đứng. Điều đặc biệt thú vị là trên miệng giếng được xây dựng thêm một hàng gạch màu đỏ xếp nghiêng. Nghiên cứu so sánh có thể khẳng định đó là gạch thời Lý. Bằng chứng này cho thấy một thông tin quan trọng rằng, chiếc giếng đó đã được thời Lý tái sử dụng sau khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La để xây dựng Kinh đô Thăng Long vào mùa thu năm 1010.

Cùng với các phát hiện nêu trên, nhiều loại hình di vật gồm gạch, ngói, đồ gốm sứ của thời Đại La cũng được tìm thấy.

Gạch có các loại gạch xây, gạch lát nền. Gạch xây tiêu biểu là các viên gạch hình chữ nhật có in chữ “Giang Tây quân”, “Giang Tây chuyên” hay “Giang Tây” được sản xuất vào khoảng thế kỷ 9. Gạch lát hình vuông có khá nhiều loại, trong đó nhiều và phổ biến là loại gạch trang trí in nổi hoa sen, nhưng độc đáo và đặc sắc nhất là loại gạch trang trí in nổi hình cá sấu bơi trên sóng nước.

Các loại ngói lợp chủ yếu là ngói âm dương. Trong đó, loại ngói dương hình ống, thuật ngữ chuyên môn gọi là ngói ống, có đầu trang trí hoa sen với nhiều kiểu loại, có loại trang trí hình mặt linh thú khá độc đáo. Một số tượng sư tử lớn, dáng vẻ oai nghiêm, dữ dội cũng được tìm thấy.

Các loại vật liệu kiến trúc của thời kỳ này có đặc điểm quan trọng chủ yếu là được làm bằng loại đất màu xám đen, hoa văn được tạo bằng khuôn in và có độ nung không cao. Các hình mẫu hoa văn và phong cách trang trí cho thấy nó vừa phản ánh những đặc trưng nghệ thuật truyền thống Trung Hoa vừa phản ánh sự tiếp biến văn hoá và mang tính bản địa hoá. Loại ngói ống lợp diềm mái có đầu trang trí mặt linh thú là hình ảnh khá xa lạ với nghệ thuật truyền thống Trung Hoa, là ví dụ phản ánh rõ sự chuyển biến về văn hoá và sự hoà nhập với văn hoá bản địa.

Bên cạnh vật liệu kiến trúc, nhiều loại đồ gốm sinh hoạt được tìm thấy, gồm đồ sứ men xanh, men trắng, chủ yếu được mang sang từ Trung Quốc. Đó là những loại bình, vò có 4 quai hoặc 6 quai trên vai hay đặc sắc hơn là tượng sư tử men xanh với khối hình rất hiện thực.

Đáng lưu ý là lần đầu tiên nhiều loại gốm vẽ màu của lò gốm Trường Sa (vùng Nam Trung Quốc) được tìm thấy cùng với các mảnh vỡ của loại bình gốm xốp men xanh Hồi vùng Tây Á, còn gọi là gốm Islam. Gốm Islam là loại gốm nổi tiếng thế giới, đã từng tham gia vào con đường gốm sứ trên biển ngay từ đầu thế kỷ thứ 9. Trên thế giới người ta đã tìm thấy loại gốm này ở nhiều di tích trên đất liền và dưới đáy đại dương cùng với gốm Trường Sa (Trung Quốc). Nhưng ở Việt Nam, loại gốm này rất hiếm tìm thấy ngoài một số phát hiện ở đảo Cù Lao Chàm và khu vực miền Trung.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử thương mại quốc tế cho rằng, gốm Islam là một trong 5 loại gốm (gốm Định Châu (gốm trắng), gốm Việt Châu (men ngọc), gốm Trường Sa (vẽ màu), gốm men vàng Nam Trung Quốc và gốm Islam (men xanh lam) là loại gốm chỉ định hay là bằng chứng chắc chắn về mối giao thương quốc tế của con đường tơ lụa trên biển vào thế kỷ 9 – 10. Những mảnh gốm Islam tìm được ở Hoàng thành Thăng Long tuy chưa nhiều nhưng nó mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Bởi đây chính là minh chứng về sự giao lưu thương mại giữa Tây Á với vùng đất An Nam đô hộ phủ vào thế kỷ thứ 9 qua con đường tơ lụa trên biển. Cũng chính nhờ những manh mối này cùng với gốm Trường Sa (Trung Quốc) mà các nhà khảo cổ học đã lần tìm và phát hiện ra các dấu tích cư trú của thời kỳ An Nam đô hộ phủ ngay trong khu vực Hoàng thành Thăng Long.2

Tất cả những bằng chứng khảo cổ học nói trên phản ánh một vấn đề lịch sử rất quan trọng thời kỳ Tiền Thăng Long rằng: An Nam đô hộ phủ là một trung tâm phồn thịnh của khu vực Bắc Bộ, lúc đó gọi là Giao Châu, vào thế kỷ 7-9.

2.2. Thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10)

Ở tầng văn hóa bên trên lớp văn hoá Đại La là những dấu tích văn hoá của liên tiếp các thế kỷ 10 đến thế kỷ 14. Lớp văn hoá của thế kỷ 10, thời Đinh – Tiền Lê ở đây là rất khó tách biệt. Tuy nhiên, bên dưới các dấu tích kiến trúc Lý, các nhà khảo cổ học đã nhận ra được có sự khá tập trung của các di vật thế kỷ 10 như các loại vò sành có quai hay trang trí văn sóng nước, văn thừng mang đặc trưng của nghệ thuật thế kỷ 10. Đặc biệt tại đây đã tìm thấy loại gạch hình chữ nhật in chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch xây quân thành của nước Đại Việt) và loại ngói úp nóc mái có gắn hình tượng chim uyên ương với đường nét đơn giản và hình khối thuôn mập.

Những di vật này tương tự với các loại gạch, ngói dùng để xây dựng các cung điện ở Cố đô Hoa Lư (nửa cuối thế kỷ 10 – đầu thế kỷ 11) đã từng được khảo cổ học khai

quật được vào những năm 19983. Rõ ràng trước khi xây dựng Thăng Long, trong thế kỷ 10 đã có các công trình kiến trúc to lớn được xây dựng trên nền đất Đại La mà sau đó thời Lý tiếp nối.

2.3. Thời Lý (thế kỷ 11-12)

Dấu tích kiến trúc thời Lý được tìm thấy dày đặc, phân bố rộng khắp toàn khu di tích, được nhận biết dựa trên các yếu tố sau đây:

– Hệ thống các móng trụ hình vuông, xếp thành hàng ngang, dãy dọc với khoảng cách khá qui chuẩn, kích thước lớn và vị trí mỗi móng trụ là vị trí của một cột gỗ. Tiêu biểu là kiến trúc 13 gian (đã xuất lộ 9 gian) ở phía Bắc khu A hay kiến trúc 13 gian ở giữa khu B, kiến trúc 9 gian ở hố D4-D5.

– Tổ hợp hai kiến trúc nằm theo hướng Đông – Tây, mặt quay về phía Nam ở phía Nam khu A, bao gồm một kiến trúc với hệ thống 3 hàng cột mỗi hàng và một kiến trúc có hệ thống 7 hàng cột mỗi hàng, có qui mô lớn, kèm theo đó là hai sân gạch lát nền bằng loại gạch vuông ở giữa và phía sau rất đặc trưng của kiến trúc thời Lý. Móng trụ thời Lý được xây dựng bằng cách là tại vị trí đặt các cột gỗ, người thợ đào một hố hình vuông, sâu khoảng từ 1m đến 1,5m, sau đó nhồi đầm chặt bằng các loại vật liệu như:

+ Sỏi sông trộn với đất sét;

+ Mảnh vỡ của các loại đồ sành được ghè nhỏ và trộn với đất sét;

+ Mảnh gạch ngói vỡ nhỏ trộn với đất sét;

+ Hay là sự hỗn hợp giữa hai hoặc nhiều loại vật liệu nói trên để tạo thành móng trụ chống lún cột của công trình.

Kỹ thuật xây dựng móng trụ này là nhằm chống lún các kiến trúc cung điện có qui mô to lớn. Đặt lên trên các móng trụ là hệ thống các chân tảng đá kê cột gỗ. Chân tảng đá thời Lý được tạo tác rất công phu, bề mặt chạm nổi các cánh hoa sen. Nền công trình được đắp bằng loại đất sét màu nâu sẫm, rất rắn chắc. Bên trên nền đất này, nhiều loại gạch, gồm gạch vuông, gạch chữ nhật màu đỏ được sử dụng để lát nền hay bó thềm xung quanh công trình. Trong đó, có loại gạch ghi rõ niên đại thời Lý như “Lý Gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (1057), “Lý Gia đệ tứ đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo” (1065).

Dựa trên các yếu tố như vậy, các nhà khảo cổ học đã từng bước nhận diện và nghiên cứu, phân tích làm rõ từng dấu tích của một số loại mặt bằng kiến trúc thời Lý:

– Có mặt bằng kiến trúc nhiều gian nằm theo hướng Bắc- Nam với các vì kèo có 6 hàng cột (kiến trúc A1). Ở một vài vị trí cột quân của kiến trúc vẫn còn chân tảng đá. Quanh kiến trúc này có hệ thống cống thoát nước được xây dựng rất công phu, khoa học.

– Tại phía Nam khu A, có hai kiến trúc thời Lý đều nằm theo hướng Đông – Tây:

+ Kiến trúc nhỏ nằm ở phía Bắc chỉ có 3 hàng cột. Kiến trúc này có đặc tính gạch bó nền rất chắc chắn. Nhiều móng trụ vẫn còn chân tảng đá hoa sen.

+ Kiến trúc lớn hơn nằm ở phía Nam có dấu tích của 7 hàng cột với kích thước lòng nhà lớn vào loại bậc nhất trong toàn bộ các dấu tích kiến trúc Lý đã được phát lộ.

– Kiến trúc nhiều gian khu B là đơn nguyên kiến trúc đã tìm thấy đầy đủ 13 gian với các vì nhà có cấu trúc kiểu 3 hàng cột chạy theo hướng Bắc – Nam.

– Kiến trúc 9 gian ở khu D nằm theo hướng Đông – Tây, song song về hai bên kiến trúc này còn có 6 kiến trúc đăng đối 2 bên. Đặc điểm đáng lưu ý là, trong các công trình kiến trúc nói trên, nhiều kiến trúc có các cột hiên được chôn sâu dưới lòng đất, nhằm gia cố sự bền vững của công trình. Kỹ thuật chôn cột và sự gia cường chống lún là những đặc trưng phản ánh về trình độ xây dựng cao và rất qui chuẩn của thời Lý. Bên cạnh những kiến trúc có mặt bằng chữ nhật, tại khu di tích còn tìm thấy những kiến trúc có mặt bằng đa giác rất độc đáo, cụ thể là những trường hợp nêu dưới đây. Ngay phía Tây của kiến trúc phía Bắc khu A tìm thấy một hệ thống gồm 11 cụm trụ móng sỏi tròn, nằm chạy dọc theo hướng Bắc – Nam dài hơn 82m. Mỗi cụm móng trụ này được tạo bởi 6 trụ sỏi tròn nhỏ xếp lại thành hình bông hoa 6 cánh, ở giữa là một trụ hình vuông. Loại hình kiến trúc này đang được giả thiết có thể là lầu lục giác (lầu 6 cạnh), được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn trong Hoàng cung. Loại kiến trúc lầu lục giác tương tự như vậy cũng được tìm thấy 3 cụm tại khu vực phía Đông của hố D6 (khu D).

Phát hiện có tầm quan trọng đặc biệt hơn là dấu tích nền móng của một công trình kiến trúc bát giác thời Lý ở khu C có qui mô lớn và thể cú nhiều tầng mỏi. Đường kính phần nền của kiến trúc này khoảng 21,40m, có hệ thống 8 móng trụ kép (16 móng trụ, kích thước 1,7m x 1,7m), 01 móng trụ lớn (2,4m x 2,4m) ở giữa trung tâm, xung quanh có sân lát gạch vuông.

Dựa vào bình diện mặt bằng, kích thước, sự kiên cố của hệ thống móng trụ và kết quả nghiên cứu so sánh, chúng tôi đưa ra nhận định rằng: kiến trúc kiểu bát giác này có mặt bằng qui mô to lớn tương đương như mặt bằng kiến trúc Tháp Thích Ca (Trung Quốc) thời Tống và hình dáng của nó có thể thuộc loại kiến trúc có nhiều tầng mái. Rất có thể đây là kiến trúc cung điện và như vậy nó có thể có 2 hoặc 3 tầng mái. Đặc biệt, chính sử Việt Nam còn ghi chép được một trường hợp kiến trúc kiểu bát giác thời Lý, đó là điện Thiên Khánh năm 1030. Cụ thể sử chép như sau: “Làm điện Thiên Khánh ở trước điện Trường Xuân để làm chỗ (vua) nghe chính sự. Điện làm kiểu bát giác, trước sau đều bắc cầu Phượng Hoàng”4. Cũng theo chính sử, điện Trường Xuân được xây dựng vào năm 1029, là điện của vua ở và nằm trong trung tâm Cấm thành. Như vậy, điện Thiên Khánh làm sau điện Trường Xuân 01 năm và ở ngay trước điện Trường Xuân để vua làm việc. Rất có thể mặt bằng kiến trúc bát giác ở khu C thuộc loại kiến trúc như điện Thiên Khánh.

Như vậy, chỉ trong một diện tích rất nhỏ so với tổng thể rộng lớn của Kinh thành Thăng Long, khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích nhiều cung điện, trong đó nhiều nhất là thời Lý. Các công trình kiến trúc này từng được qui hoạch, thiết kế rất hoàn chỉnh, được bố trí thành nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau với các toà ngang, dãy dọc rất bài bản, quy củ trước khi xây dựng. Chỉ riêng ở khu D4-D6, trong khoảng diện tích 2.500m2 đã tìm thấy 21 dấu tích kiến trúc khác nhau, trong đó chủ yếu là các kiến trúc Lý chồng xếp lên nhau, chứng tỏ mật độ xây dựng rất cao trong suốt 200 năm trị vì của nhà Lý. Chẳng những dấu tích móng nền kiên cố, các công trình kiến trúc đó còn được trang trí rất đẹp như các tượng đầu rồng, đầu phượng, uyên ương, hàng chục kiểu ngói lợp có gắn hình lá đề, bên trong lá đề đó trang trí sinh động với vô số các biến thể hoa văn rồng, phượng

biểu trưng cho vương quyền kết hợp chặt chẽ với thần quyền trong thời Lý.

Ngoài dấu tích kiến trúc nói trên, tại khu di tích còn tìm được 02 giếng nước nhằm phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đó là giếng nước được xây xếp bằng gạch đỏ ở giữa khu A và giếng nước ở khu vực hố B16. Bên cạnh đó, hàng nghìn di vật gốm sứ thời Lý, như gốm men ngọc, men trắng, men vàng, men xanh lục, hoa văn phong phú, tinh xảo, dáng vẻ thanh thoát, tinh tế được tìm thấy trong các khu, minh chứng cho tính chất quan trọng của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý.

2.4. Thời Trần (thế kỷ 13-14)

Tiếp nối thời Lý, thời Trần thế kỷ 13-14 đã sử dụng lại một số công trình kiến trúc thời Lý. Nhưng về cơ bản, thời Trần, nhất là giai đoạn cuối Trần (thế kỷ14), đã qui hoạch xây dựng Kinh đô Thăng Long theo một diện mạo mới, phản ánh xu hướng phát triển của xã hội đương thời. Minh chứng cho điều này là những phát hiện về những dấu tích kiến trúc thời Trần chồng xếp lên trên các kiến trúc thời Lý. Quan sát các dấu tích kiến trúc đó có thể thấy rõ truyền thống Lý ở kỹ thuật đắp nền đất sét, xây dựng móng trụ sỏi, bó nền bằng gạch bìa. Nhưng bên cạnh đó kiến trúc Trần cũng thể hiện đặc trưng riêng bởi những đường viền bó vỉa được xếp theo kiểu hoa văn hình cánh hoa chanh khá cầu kỳ, hoa mỹ.

Đồng thời, các loại vật liệu xây dựng thời Trần cũng có đặc trưng riêng, khác thời Lý. Ví dụ cụ thể là gạch, ngói thời Trần có độ nung cao hơn, dáng dấp đa dạng hơn, có nhiều viên có chữ “Vĩnh Ninh trường”, tức là nơi sản xuất loại gạch này thời Trần. Hoa văn trang trí trên loại gạch lát hay trên loại đầu ngói lợp diềm mái hoặc lá đề gắn trên thân… tuy vẫn là rồng, phượng hay hoa sen, hoa cúc nhưng đường nét có phần đơn giản, phóng khoáng và chắc khoẻ hơn thời Lý. Một số giếng nước thời Trần cũng được tìm thấy ở khu A và khu D, tiêu biểu là giếng nước ở khu A. Giếng nước này cũng được xây bằng gạch, nhưng kỹ thuật xây dựng khác hẳn với thời Đại La hay thời Lý là xếp gạch theo hình xương cá, cho thấy một phong cách mới, khác hẳn các thời kỳ trước và sau đó. Có thể nói, kiến trúc thời Trần đã kế thừa xuất sắc khoa học xây dựng thời Lý và tiếp tục sáng tạo ra phong cách riêng của thời đại mình.

Thông qua những nghiên cứu so sánh, chúng tôi bước đầu đã làm rõ được chức năng, nét độc đáo của một số loại hình vật liệu kiến trúc trong Hoàng thành Thăng Long của thời Lý và thời Trần. Ví dụ nhỏ nêu ra đây là những loại ngói và tượng tròn, phù điêu trang trí trên mái các cung điện thời Lý, Trần. Trong đó, đặc sắc nhất là loại ngói ống lợp ở diềm mái, bên trên có gắn lá đề trang trí hình rồng hoặc chim phượng. Đây là loại ngói ống có đầu hình tròn, bên trong trang trí nổi hình rồng uốn lượn hay hình hoa mẫu đơn, hoa cúc, đặc biệt nhiều và phổ biến hơn là các loại hình hoa sen có các cánh nở xoè ra xung quanh, ở giữa có đài sen. Nét độc đáo của loại ngói ống này là phần trên lưng được gắn hình lá đề có kích thước khá lớn (rộng khoảng 25-28cm và cao khoảng 28-30cm) và mặt phía trước trang trí nổi hình hai con rồng hoặc hai chim phượng đối xứng nhau, thể hiện công phu và mang tính nghệ thuật cao. Qua nghiên cứu so sánh với tất cả các loại ngói ống lợp mái cung điện ở các kinh đô cổ trung đại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có thể nói đây là loại ngói độc đáo nhất trong khu vực châu Á, mang bản sắc riêng của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Tại các di tích kinh đô của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc người ta chỉ lợp loại ngói ống có đầu trang trí linh thú hay hoa sen, hoa cúc, chưa có nơi nào có loại ngói ống gắn lá đề trang trí rồng, phượng như Kinh đô Thăng Long.

Trên một số loại ngói có đầu tạo hình cánh hoa sen (thuật ngữ chuyên môn gọi là ngói mũi sen) trên lưng cũng được gắn lá đề trang trí rồng, phượng giống như loại ngói ống nêu trên. Bên cạnh những loại ngói độc đáo này, thời Lý – Trần còn có nhiều loại ngói lợp ở bờ dải hay bờ nóc, gọi chung là ngói úp nóc, trên lưng gắn tượng uyên ương hay hình rồng, phượng nằm trong lá đề lệch. Đây cũng là loại ngói được đánh giá là đặc sắc, mang phong cách truyền thống riêng biệt của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam thời Lý – Trần.

Qua nghiên cứu so sánh với tất cả loại ngói từ thời Đại La (thế kỷ 7-9), thời Đinh – Lê (thế kỷ 10) và sau đó là thời Lê (thế kỷ 15-18) được đề cập ở phần tiếp theo dưới đây, có thể khẳng định những loại ngói có hình lá đề gắn trên lưng ngói chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời Lý và thời Trần.

2.5. Thời Lê (thế kỷ 15-18)

Tiếp nối thời Trần, sau hai mươi năm kháng chiến chống ngoại xâm (1407-1427), nhà Lê đã đổi tên Thăng Long thành Đông Đô rồi Đông Kinh và tiếp tục xây dựng các công trình trên cơ sở Kinh đô Thăng Long thời Lý – Trần. Mặc dù, các công trình kiến trúc thời Lê đã bị phá huỷ hoàn toàn bởi do những biến động của Thăng Long vào cuối thế kỷ 18 và khi nhà Nguyễn tiến hành xây thành Hà Nội vào năm 1803, rồi sau đó người Pháp phá bỏ toà thành này vào năm 1897, nhưng dấu vết những phần còn lại của các công trình kiến trúc thời Lê vẫn được tìm thấy khắp nơi trong khu di tích 18 Hoàng Diệu. Ví dụ như dấu tích sân nền, móng trụ kiến trúc ở phía Đông Khu A. Tại đây đã tìm thấy ít nhất 2 công trình kiến trúc lớn thời Lê đã được nhận biết qua hệ thống móng trụ. Ngoài ra, còn các móng trụ kích thước khá lớn được đầm nên bằng gạch vồ hay là những dấu tích hệ thống đường cống thoát nước (như ở khu A, D2), dấu tích nền gạch kiến trúc và những chân tảng đá xanh nằm chồng xếp lên trên dấu tích đường hoa chanh thời Trần ở khu vực hố D2…

Ngoài dấu tích kiến trúc, hàng vạn viên gạch vồ, đặc trưng loại gạch thời Lê được tìm thấy, phản ảnh về mật độ xây dựng các công trình kiến trúc xưa trong khu vực này là rất lớn. Đặc biệt thời gian này, sử đã ghi chép có một lực lượng quân đội lớn tham gia xây dựng Kinh đô. Khu di tích đã tìm thấy rất nhiều loại gạch ghi rõ phiên hiệu của các đội quân đó như gạch “Võ Kỵ quân”, “Tráng Phong quân”, “Trung Nghĩa quân”, “Huyền Qua quân”, “Thần Hổ”5

Vật liệu lợp và trang trí trên mái kiến trúc cung điện từ thời Lê sơ (thế kỷ 15-16) về sau đã có sự khác biệt rất rõ ràng so với thời Lý, Trần. Các loại ngói truyền thống thời Lý, Trần có gắn hình lá đề hay tượng uyên ương như phân tích ở trên không còn tồn tại nữa, thay vào đó là những loại hình ngói mới. Đó là sự xuất hiện nhiều loại ngói tráng men màu vàng (hoàng lưu ly), màu xanh lục (thanh lưu ly), trong đó đặc sắc là loại ngói ống (ngói dương), ngói trích thuỷ (ngói âm) lợp ở diềm mái có trang trí hình rồng chân có 5 móng biểu hiện quyền lực tối cao của nhà vua.

Tại khu di tích cũng đã tìm thấy những di vật ghi rõ tên một số cung điện ở đây như mảnh ngói ghi chữ “Kim Quang điện”, mảnh gốm men ghi chữ “Trường Lạc cung” xác nhận sự tồn tại các cung điện lớn trong Cấm thành Thăng Long từng được sử cũ ghi lại6.

Các giếng nước thời Lê kèm theo các công trình kiến trúc cũng được tìm thấy, trong đó có loại được xây gạch vồ, có loại được xây bằng đá kết hợp với gạch ngói vỡ. Thời Lê cũng là thời kỳ ao hồ được đào nhiều nhất. Tất cả các khu A, B, C, D đều thấy rõ hiện tượng này. Các ao hồ đó tiếp nối truyền thống đào ao hồ trong cung cấm của thời Lý – Trần, các đường sông làm hào nước và thoát nước tạo nên một đặc trưng khá đặc biệt cho cấu trúc đô thành Thăng Long mà nhiều nhà nghiên cứu quen gọi là “đô thị sông hồ”. Đáng lưu ý là sự xuất hiện dòng sông nhỏ tìm thấy ở giữa khu A-B cho thấy rõ đã có sự thay đổi lớn trong qui hoạch cảnh quan đô thị của thời Lê sơ so với thời Lý, Trần. Dấu tích dòng sông được nhận biết rõ ràng và đáng lưu ý hơn nữa là việc tìm thấy dấu tích con thuyền gỗ, có mái chèo bằng gỗ sơn son thếp đỏ. Tư liệu này là bằng chứng cho thấy phương tiện đi lại trong Hoàng thành và ghi chép của sử cũ về những chuyến du ngoạn bằng thuyền của nhà vua trong Kinh thành. Cũng bên thềm sông còn tìm được những cánh cửa gỗ hay cột gỗ được sơn son thếp màu đỏ tươi, minh chứng rõ rằng các kiến trúc cung điện xưa ở đây từng được sơn màu đỏ.

Cùng những phát hiện quan trọng nói trên, khu di tích tìm được rất nhiều đồ gốm sứ cao cấp thời Lê sơ, trong đó có những đồ ngự dụng dành riêng cho nhà vua, được nhận biết rõ qua những đồ án mang tính vương quyền, bao gồm hình rồng và chim phượng.

Rất nhiều loại gốm hoa lam cao cấp và gốm vẽ nhiều mầu trên men, trong đó có những loại được dát bằng vàng của thời Lê sơ được tìm thấy trong các hố đào ở khu A hay khu vực lòng sông. Trong số đó có nhiều loại giống với đồ gốm cao cấp đã được tìm thấy trên con tàu đắm Cù Lao Chàm thế kỷ 15. Tại nhiều di tích trên đất liền ở những nước tiêu thụ như Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Tây Á, Ai cập người ta đã tìm thấy những đồ gốm hoa lam và vẽ màu cao cấp của Việt Nam giống như đồ gốm đào được ở Thăng Long. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì những đồ gốm cao cấp đó đều là sản phẩm của lò Thăng Long. Bằng chứng này cho thấy vào thế kỷ 15 có một tuyến đường xuất khẩu hàng hóa từ Thăng Long đến nhiều nước trên thế giới.

Chúng ta nhớ lại bối cảnh rằng, vị trí địa lý gần cảng thị cho phép Thăng Long có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa như Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Á và Nhật Bản qua hệ thống đường thuỷ. Và theo đó, thông qua các tuyến đường thương mại xuyên qua đất nước Trung Hoa và đường biển từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, mối giao lưu kinh tế, văn hoá của Thăng Long – Hà Nội vươn đến tận các nền văn minh vùng Trung Cận Đông xa xôi.

Phát hiện về những mảnh bình gốm xốp, có men xanh lam vùng Tây Á như đã giới thiệu từ phần đầu của bài viết này là bằng chứng cho thấy rõ sự giao lưu thương mại giữa Tây Á với vùng đất An Nam đô hộ phủ vào thế kỷ thứ 9, qua con đường tơ lụa trên biển.

Đặc biệt, từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, giao lưu giữa Thăng Long với các nước ngày càng được mở rộng và phát triển. Thuyền buôn nhiều nước đến Thăng Long. Thương cảng Thăng Long – Kẻ Chợ, người phương Tây gọi là Kacho/Chacho, hoạt động tấp nập với sự tham gia của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh. Trong bối cảnh đó, nhiều loại gốm cao cấp của Thăng Long đã được xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Trung Cận Đông7.

Phát hiện mới nhất gần đây về mảnh gạch men trang trí trên tường tại khu di tích giống như những loại gạch của Việt Nam thế kỷ 15 gắn trên tường các nhà thờ Hồi giáo ở miền Đông Java là bằng chứng sinh động về mối quan hệ giữa Thăng Long với các vương quốc Hồi giáo ở Indonesia đương thời.

3. Thay lời kết

Như vậy, phát hiện khảo cổ học tại khu di tích 18 Hoàng Diệu cho chúng ta những minh chứng không thể phủ nhận đây là vị trí quan trọng của Cấm thành Thăng Long. Tại khu di tích này, mặc dù chỉ tìm thấy những phần còn lại của những tòa nhà kiên cố được thể hiện rõ qua dấu tích nền móng các công trình kiến trúc gỗ có qui mô lớn cùng hệ thống cống nước, giếng nước, đường đi lối lại, các hiện vật kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành, vũ khí và đồ trang sức phần nhiều mang dấu ấn của từng triều đại hoặc những ký hiệu biểu trưng cho Hoàng cung. Điều đó khẳng định khu vực này từng là địa điểm của một trung tâm quyền lực chính trị quan trọng.

Mặt khác, những dáng vẻ huy hoàng của các kiến trúc trong Hoàng thành Thăng Long xưa tuy không còn tồn tại đến ngày nay, nhưng phát hiện dưới lòng đất của khảo cổ

học tại khu trung tâm Cấm thành là minh chứng thuyết phục rằng, các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành Thăng Long vốn từng được xây dựng rất công phu, tráng lệ. Một số lượng lớn các loại hình di vật như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng, phượng được tìm thấy ở đây cho thấy kiến trúc Hoàng thành Thăng Long được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, áp đảo bởi những đồ án trang trí mang tính vương quyền nhằm thể hiện sự oai nghiêm, đường bệ của hoàng đế. Đồng thời điều đó cũng phản ánh sinh động rằng, đây vừa là trung tâm hành chính của các vương triều, vừa là cung cấm của các hoàng đế nhà Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau trị vì đất nước8.

Tuy nhiên, quần thể các dấu tích kiến trúc đó chỉ là một phần rất nhỏ trong khu trung tâm rộng lớn của Hoàng thành Thăng Long, thuộc phía Tây của điện Kính Thiên. Tóm lại, giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích này là có nhiều tầng văn hoá của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn gồm: các di tích kiến trúc thời Đại La (thế kỷ 7 – 9), các di tích kiến trúc thời Lý và thời Trần (thế kỷ 11 – 14), các di tích kiến trúc thời Lê (thế kỷ 15 – 18), các dấu tích cảnh quan: sông ngòi, ao, hồ… Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng rất phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long. Bên cạnh đó, khu di tích này còn tìm được hàng triệu di vật khảo cổ, trong số đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng rõ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hoá của Thăng Long trong lịch sử.

Chú thích:

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr. 240-241.

2. Bùi Minh Trí 2006: Gốm Islam – Bằng chứng giao lưu giữa Tây Á và An Nam đô hộ phủ, trong Những phát hiện mới của khảo cổ học.

3. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng 1999: Kết quả thám sát và khai quật di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) 1998, trong Khảo cổ học, số 4.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb. Khoa học xã hôi, Hà Nội, 1983, tr. 259-260.

5. Đỗ Văn Ninh 2002: Những viên gạch kể chuyện mình, trong Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 139-159.

6. Trường Lạc là một cung rất lớn và quan trọng trong Cấm Thành. Đây là cung riêng của Thái Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ vua Lê Thánh Tông (1467-1495).

7. Bùi Minh Trí 2001: Vietnamese Blue and White Ceramics, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội và Bùi Minh Trí 2005: Nét đẹp của đồ gốm sứ trong Hoàng cung Thăng Long, trong Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá Thông Tin, tr. 65-97.

8. Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí 2006: Về một số dấu tích trong Cấm Thành Thăng Long thời Lý – Trấn qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2005 – 2006, Khảo cổ học, số 1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bùi Minh Trí, 2001: “Gốm hoa lam Việt Nam – Vietnamese Blue and White Ceramics”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Bùi Minh Trí, 2006: Nét đẹp đồ gốm Hoàng cung Thăng Long, Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 66-98.

3. China Cultural Heritage, N0.1-4, 2004.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, 1998.

5. Đỗ Văn Ninh, 2006: Những viên gạch kể chuyện mình, Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr. 139-159.

6. Đỗ Văn Ninh, 2006: Trường Lạc cung của Thái hoàng Thái Hậu, Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 51-63.

7. Phạm Hân, 1990: Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, Nxb. KHXH, Hà Nội.

8. Phan Huy Lê, 2006: Vị trí khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trong cấu trúc thành Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Khảo cổ học, số 1, tr. 5-28.

9. The breath of Silla for 1 thousand years – Archaeological Excavation for 32 years, Gyeong-ju National Research Institute of Cultural Heritage, 2005.

10. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng 1999: Kết quả thám sát và khai quật di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) 1998, Khảo cổ học, số 4.

11. Tống Trung Tín, Nguyễn Hồng Kiên, 2006: Những dấu tích cung điện xưa, Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 100-125.

12. Tống Trung Tín, Bùi Tuyết Mai, 2006: Cấm thành – Hoàng thành qua các cuộc khai quật, Hoàng thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 13-29.

13. Tống Trung Tớn – Bựi Minh Trớ, 2006: Về một số dấu tích kiến trúc trong cấm thành thăng long thời Lý – Trần qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2005 – 2006, Khảo cổ học, số 1.

Nguồn: Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008.

vanhoahoc.edu.vn

 

0