18/06/2018, 16:13

Con đường tơ lụa

Trần Yên Thảo & Lâm Hoàng Lân Biên soạn đề tài này, ngoài những sách tham khảo đã liệt kê, chúng tôi có sử dụng số lớn tư liệu, nhờ bạn bè ghi chép qua nhiều năm, tại các thư viện Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương (Trung Quốc). Đó là những tư liệu chủ yếu hình thành đề tài. Rất ...

1Transasia_trade_routes

Trần Yên Thảo & Lâm Hoàng Lân

Biên soạn đề tài này, ngoài những sách tham khảo đã liệt kê, chúng tôi có sử dụng số lớn tư liệu, nhờ bạn bè ghi chép qua nhiều năm, tại các thư viện Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương (Trung Quốc). Đó là những tư liệu chủ yếu hình thành đề tài.

Rất tiếc, những tư liệu gom góp được, chỉ đủ giới thiệu “con đường tơ lụa” đoạn từ kinh đô Trường An qua Hàm Dương theo hành lang Hà Tây đến ngả rẽ Đôn Hoàng ra Dương Quan và Ngọc Môn Quan, xuyên Tây vực (nay là tỉnh Tân Cương) để đến địa cầu vùng Trung Á Tế Á. Lịch sử gọi đó là “đoạn phía đông của con đường tơ lụa” .

Chúng tôi đã cố gắng hệ thống mọi tư liệu ăn khớp với niên đại và triều đại trong lịch sử Trung quốc. Những chú thích trong sách, do người biên soạn tự chú, và cũng chú ngay trong ngoặc đơn chứ không đánh số chú thích.Về thơ “biên tái” trích dẫn, bài nào sử dụng của tác giả khác, chúng tôi đều ghi tên người dịch ngay bên dưới bản dịch. Những bài không ghi tên, do người biên soạn tự dịch.

Nhân đây, chúng tôi có lời xin lỗi và cảm ơn dịch giả Lê Nguyễn Lưu, vì đã trích dẫn một số bài thơ biên tái trong “đường thi tuyển dịch” mà không biết địa chỉ để xin phép trước.

Người biên soạn

 

 NGUYÊN NHÂN LỊCH SỬ CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA
 
Trung Quốc là nước có lai lịch dâu tằm tơ sớm nhất Thế Giới. Truyền thuyết từ hơn 4.000 năm trước, thời Hoàng Đế (lão tổ của người Trung Quốc), các nguyên phi đã tự trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và dạy dân mở mang nghề này. Năm 1958, tại vùng Tiền Sơn thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang, người ta đã đào được những di vật thời Tân Thạch Khí, trong đó phát hiện một khung tre rất đặC biệt. Những phương pháp khảo sát khoa học đã xác định được đây là bộ phận còn sót của một khung cửi dệt tơ lụa thời cổ đại, một di vật cách đây hơn 4.000 năm. Qua đó có thể xác định, trễ nhất là từ thời Hoàng Đế, người Trung Quốc đã có khả năng dệt tơ lụa.
 
Lịch sử qua thời kỳ bán khai, trang phục đã trở thành nhu cầu cấp thiết hàng đầu của toàn xã hội. Do đó mà ngành nghề dâu tằm ngày càng được trọng thị. “Kinh Thi” (tác phẩm thi ca lâu đời của văn học Trung Quốc) cũng có không ít bài mô tả sinh hoạt trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của phụ nữ Trung Quốc thời cổ đại.
 
Khoảng 2.500 năm trước, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (770 – 221 TCN), Trung Quốc đã có lượng tơ lụa bán ra nước ngoài. Tới Tây Hán (206 TCN – CN 8) sản lượng tơ lụa càng cao dư dùng trong nước. Một số lớn được các thương nhân mở đường xuyên Tây Vực, đem bán tận Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì, La Mã, …. Qua việc mở đường buôn bán tơ lụa từ Trung Nguyên đến các nước Trung Tây Á và phương Tây, không biết từ lúc nào, còn đường được mệnh danh là “Con đường tơ lụa”.
 
Tây Vực là địa danh được hình thành từ thời Tây Hán. Bao gồm hàng trăm tiểu vương quốc trải dài từ Tân Cương đến vùng Trung Á Tế Á. Tức khu vực có địa giới từ con đường Nam Bắc Thiên Sơn của Tân Cương, vượt núi Thông Lãnh đổ về phía Đông và từ Đôn Hoàng (Cam Túc) đổ về phía Tây. Tây Vực là vùng đất con đường tơ lụa buộc phải đi qua và cũng là biên cảnh giữa Trung Quốc với các dân tộc phía Bắc và Tây Bắc. Vì an toàn lãnh thổ trước sự xâm nhập bên ngoài và cũng vì muốn độc chiếm huyết mạch giao lưu Đông Tây nên từ đời Hán – Đường, Tây Vực thường xảy ra chiến tranh với những lực lượng quân sự hùng hậu. Thậm chí có những cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ. Trong khi dân tình, cảnh vật và khí hậu nơi đây so với Trung Nguyên, có những bất đồng rất lớn.
 
“Con đường tơ lụa” phát xuất từ Trường An (nay là thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây) hướng về phía Tây, sau khi qua nhiều sông núi và thành trấn, được chia thành ba lộ tuyến: Lộ tuyến Nam từ phía Tây Nam Đôn Hoàng ra Dương Quan đi qua Thạch Thành Trấn, Bá Tiên Trấn, Vu Điền Trấn và tiểu vương quốc Sơ Lặc, sau đó vượt phía Tây núi Thông Lãnh về đến Ba Tư, Thổ Nhĩ Kì và đế quốc La Mã. Lộ tuyến Bắc từ phía Tây Bắc Đôn Hoàng ra Ngọc Môn Quan, men theo phía Nam chân núi Thiên Sơn đi về phía Tây, qua Tây châu, Hán Luân Đài, đến các tiểu vương quốc Khưu Từ và Sơ Lặc, sau đó cũng vượt núi Thông Lãnh. Về sau, vì sự tính toán lợi hại của đường đất, các thương nhân còn mở thêm một lộ tuyến mới phía Bắc, tức cũng ra Ngọc Môn quan, nhưng theo phía Bắc chân núi Thiên Sơn để đi về hướng Tây. Sau khi qua Đình Châu và Y Ninh, tiếp tục về hướng Tây đến Hy Lạp, Đông La Mã và Địa Trung Hải.
 
“Con đường tơ lụa” được khai mở từ Tây Hán, hoàn chỉnh vào đời Đường và được sử dụng suốt 17 thế kỷ. Về sau do sự phát triển đường hàng hải, ít gian nan và nguy hiểm hơn, nên con đường bộ xuyên suốt Đông Tây này ngày càng ít được lưu tâm.
 
Do sự thông thương của “Con đường tơ lụa”, những tinh hoa văn hóa, kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng giao lưu rất rộng rãi. Đầu tiên là mặt hàng tơ lụa, đến thế kỷ thứ 4, khi kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa được truyền bá qua các nước Trung Á và Tây Aù thì từ các mặt hàng mỹ nghệ khác đến những phát minh khoa học như thuật in ấn, làm giấy, thuốc súng, luyện thép, … của Trung Quốc cũng tiếp tục theo “Con đường tơ lụa” truyền bá qua phương Tây. Đồng thời những sản vật vùng Trung Tây Á như Bồ Đào (Nho), Thạch Lựu (quả lựu), Hạch Đào (hạt điều), Chi Ma (gai), Ba Thái, Mục Túc (hai giống rau quả), … cũng theo ngã đường này lục tục đổ vào Trung Quốc. Cả các ngành nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ khúc, … qua đó, cũng ảnh hưởng nhau rất sâu đậm.
 
Thời Tây Hán (khoảng 141 TCN), Trương Khiên đã theo “Con đường tơ lụa) thông sứ Tây Vực, khám phá hàng trăm tiểu vương quốc trải dài suốt mấy ngàn dặm thảo nguyên và sa mạc, mở ra thời kỳ ngoại giao mới cho Trung Quốc.
 
Thời Sơ Đường (Cn 624 – 649), Huyền Trang cũng theo “Con đường tơ lụa” đi qua nhiều nước vùng Tây Vực, hành hương đến xứ Phật Aán Độ. Trong khi nhiều giáo sĩ phương Tây cũng theo đó, đưa giáo lý của nhiều tôn giáo khác nhau đến Trung Nguyên.
 
Đời Đường là thời kỳ phát triển cao độ của thi ca Trung Quốc. Vùng đất Tây Vực là đề tài chính sinh động giàu cảm xúc của nhiều nhà thơ đương thời. Hầu hết các thi nhân đã cọ xác trực tiếp với cảnh sinh hoạt và chiến tranh, những nỗi bi hoan ly hợp và cả cái chết trên những địa danh dọc theo “Con đường tơ lụa” họ đã sáng tác số lượng lớn các bài thơ giá trị được mệnh danh “Thơ biên tái”. Một thành phần trọng yếu làm phong phú nền thi ca đời Đường. Trong văn học sử Trung Quốc, những nhà thơ này cũng được đứng riêng thành một trường phái lớn gọi là “phái Biên Tái”, đại biểu là Sầm Tham, Cao Thích, Vương Xương Linh, Lý Ích, Trần Đào, ….
 
Thời Nguyên Mông (khoảng CN 1218 – 1242), Thành Cát Tư Hãn rồi đến các hậu duệ của ông (con trưởng Thuật Xích và con thứ Oa Khoát Đài) cũng theo con đường tơ lụa chinh phục nhiều nước Châu Aâu và đe dọa cả đế quốc La Mã.
“Con đường tơ lụa” được khai mở từ mối lợi của các thương nhân, nhưng được hoàn chỉnh bằng vai trò lịch sử trọng đại từ kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị bang giao và cả chiến lược. Đó là huyết mạch giao lưu văn hóa văn minh Đông Tây suốt hơn 17 thế kỷ, khi nhân loại chưa có đường hàng hải và hàng không.
 
Chương I.  TRƯỜNG AN – KHỞI ĐIỂM CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA
 
Trường An (nay là thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây), kinh đô thời Hán Đường và cũng là khởi điểm của con đường tơ lụa. Vào thời đó, Trường An là một thành phố lớn nhất nhì Thế giới và cũng là trung tâm giao lưu văn hoá kinh tế Đông Tây.
Vào thời kỳ hưng thịnh của Hán Đường, sự qua lại giữa các tiểu vương quốc Tây Vực và Trường An phải nói là dập dìu. Đồng thời, Trường An là một thành phố có mức sinh hoạt rất cao. Đây cũng là lý do mà các sắc tộc Tây Vực, theo “Con đường tơ lụa”, đổ xô đến ngụ cư. Qua những thời gian dài, hầu hết người Tây Vực ngụ cư Trường An đều lấy họ Hán. Thậm chí rất khó lòng phân biệt phong cách giữa người Trường An và Tây Vực. Người nước Vu Điền nhập cư Trường An đã cải họ Uất Trì.
Danh tướng khai quốc công thần nhà Đường Uất Trì Kính Đức (Uất Trì Cung) tổ phụ là người nước Vu Điền Tây Vực nhập cự Trường An, người nước Sơ Lặc cải họ Bùi, người nước Khưu Từ cải họ Bạch. Chỉ có người nước Khương đa số vẫn giữ họ Khương.
 
Người Tây Vực nhập cư Trường An đương nhiên cũng đem theo cả phong tục và nếp sinh hoạt của dân tộc mình và đã gây ảnh hưởng lớn đến người Trường An, đối với các dân tộc ở ngoại biên phía Đông Bắc, phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc thời cổ đại đều được gọi chung là người Hồ cho nên ngay từ thời Tây Hán, tại Trường An đã có y phục Hồ (Hồ phục), phong màn Hồ (Hồ trướng), thức ăn Hồ (Hồ thực), điệu sáo Hồ (Hồ địch), điệu múa Hồ (Hồ vũ), …
 
Đời Đường Huyền Tông, thiên hạ thái bình lâu dài, tại Trường An có phong trào Hồ hóa rất thịnh, đương thời không phân biệt giàu nghèo sang hèn, người ta thi nhau mặc áo quần người Hồ, một loại trang phục ôm sát thân, eo nhỏ, tay hẹp, trái ngược hẳn với trang phục truyền thống Hán Tộc. Sau loạn An Sử, người Hồi Hột (sau cải danh là Hồi Cốt) nhập cư Trường An càng đông. Nhân đó, lối trang phục bó sát người của người Hồi Cốt cũng lưu hành tại Trường An khá phổ biến.
 
Nhà Đường mất không lâu, bà Hoa Nhị Phu nhân (họ Từ), ái cơ của Tiền Thục chủ Vương Kiến, có viết đề tài “Cung từ” với hơn 100 bài thất tuyệt. Trong đó có một bài mô tả sinh động và sâu sắc những cung nữ đời Đường với trang phục Hồi Cốt.
 
宮 詞 花蕊夫人
明朝腊日官家出
随駕先須點内人
回鶻衣装回鶻馬
就中偏称小腰身
 
Âm:
CUNG TỪ
Minh triêu lạp nhật quan gia xuất
Tùy giá tiên tu điểm nội nhân
Hồi Cốt y trang Hồi Cốt mã
Tựu trúng thiên xưng tiểu yêu thân
Hoa Nhị Phu nhân
 
Dịch:
LỜI TRONG CUNG
Buổi sớm nhà vua đi chủ tế
Dập dìu cung nữ hộ xe loan
Aùo quần Hồi Cốt ngựa Hồi Cốt
Diễm kiều đưa đẩy chiếc eo thon.
 
Bài thơ mô tả buổi sớm của một ngày lễ (theo Nông lịch là mồng 8 tháng 12), nhà vua xuất cung đi chủ tế. Các cung nữ hộ giá xe vua đều cưỡi ngựa và mặc trang phục tộc Hồi, phô bày những chiếc eo thon trông rất đẹp. Thế nhưng trong sâu xa của bài thơ, tác giả nhằm cảnh giác phong trào Hồ hóa của người Trung Nguyên, có thể làm mất phong cách của truyền thống Hán Tộc.
 
Thực phẩm của người Hồ theo “Con đường tơ lụa”, đưa vào Trường An cũng được đón nhận rộng rãi. Theo lịch sử ghi chép thì, từ Đường Huyền Tông trở đi, nhà bếp của các đời vua và của cả quan viên đều có sẳn chất liệu và gia vị để nấu những món ăn người Hồ. Tại phường Phụ Hưng, phía Tây Bắc thành Trường An cũng đã xuất hiện những quán ăn của người Hồ với những món đặc thù nổi tiếng khắp kinh thành thời bấy giờ.
 
Rượu nho (bồ đào) của các sắc tộc Hồ đưa vào Trung Nguyên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Từ Tây Hán, đã có rượu nho của các nước Đại Uyển và Khưu Từ đưa vào Trường An. Đến đời Đường có thêm rượu nho của Ba Tư và Cao Xương càng gây chấn động khắp kinh thành. Đường Thái Tông, sau khi diệt nước Cao Xương, có đem giống nho của Cao Xương về trồng ngay trong vườn thượng uyển. Khi thu hoạch nho, cũng theo phương pháp của Tây Vực để làm rượu. Đó là rượu nho Tây Vực đầu tiên được chưng cất tại Trường An. Tại Khúc Giang, một thắng cảnh du lãm phía đông thành Trường An, từ thời Sơ Đường đã xuất hiện những quán rượu của người Hồ, có những cô gái Hồ trẻ đẹp trông coi quán và có cả những vũ nữ ca múa các giai điệu của sắc tộc Hồ. Tương truyền đây là những nơi hết sức quyến rũ đối với các thi nhân đương thời.
 
Tháng 10 năm 1970, tại Hà Gia Thôn (phía Nam Thành Trường An cũ), trong khi lấy đất làm gạch ngói, người ta đã phát hiện hai kho văn vật chôn cất từ đời Đường. Số văn vật tổng cộng hơn 1.000 món, trong đó đồ vàng bạc chiếm 270 món. Qua nghiên cứu địa điểm khai quật nằm ở phường Hưng Hóa của thành Trường An đời Đường. Vị trí khai quật là nềân xưa của Bân Vương phủ. Do đó có thể khẳng định những bảo vật này là sở hữu của Bân Vương Lý Thủ Lễ, anh ruột của Đường Huyền Tông. Cũng qua nghiên cứu, trong số văn vật này, có không ít món là cổ vật của Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp, La Mã, … Đặc biệt nhất là chiếc chén đầu trâu bằng mã não là cổ vật của Ba Tư. Tất cả đều theo “Con đường tơ lụa” đưa đến Trường An vào đời Đường (khoảng CN 590 – 627).
 
Trở lên tất cả là những tư liệu và sự kiện cho phép chúng ta khẳng định ngay từ thời Tây Hán, Trường An đã là khởi điểm của “Con đường tơ lụa”.

 

Phụ nữ Trung Nguyên đời Đường trong trang phục thuần túy Hán Tộc, tay cầm hoa Mẫu Đơn. Phụ nữ Trung Nguyên đời Đường trong trang phục thuần túy Hán Tộc, tay cầm hoa Mẫu Đơn.
Thiếu nữ Trung Nguyên đời Đường trong trang phục người Hồ, tay cầm chim Anh Vũ. Thiếu nữ Trung Nguyên đời Đường trong trang phục người Hồ, tay cầm chim Anh Vũ.

 Chương II- HÀM DƯƠNG ĐIỂM DỪNG CHÂN ĐẦU TIÊN TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA  

CDTLbangquasamacTaklamakan

Từ thời Hán Đường, những ai khởi hành từ kinh đô Trường An, dẫm lên con đường tơ lụa đi về hướng Tây khoảng 20km là đến Hàm Dương. Một thành phố lớn hàng đầu của Trung Quốc vào thời đó. “Hàm Dương”, cứ theo chiết tự mà giải thì “Hàm” là bao gồm, “Dương” là phía mặt trời, ý nói hướng dương. Từ đó mới nói, trong khu vực này, Cửu Tông Sơn ở phía Nam, sông Vị Hà ở phía Bắc, đều quay về hướng mặt trời, do đó có tên là Hàm Dương.
 
Hàm Dương là kinh đô nước Tần thời Xuân Thu Chiến Quốc, dân số khoảng một triệu, Tần Thủy Hoàng trong cuộc chiến tranh gồm thâu lục quốc (Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Tề, Sở). Mỗi lần tiêu diệt một nước, ông ta ra lệnh lấy mô hình cung điện nước đó xây dựng tại Hàm Dương gọi là “Lục quốc cung điện”. Lục quốc cung điện được xây dựng trên một vùng hoàng thổ phía Bắc thành Hàm Dương, cung thất tổng cộng có tới 145 chỗ. Trong đó tàng trữ những chiến lợi phẩm, những nghệ nhân và cả những cung phi mỹ nữ của mỗi nước. Tương truyền chỉ riêng cung nữ của sáu nước cũng đã tới hàng vạn. Cho thấy “lục quốc cung diện” là một công trình kiến trúc khá vĩ đại.
 
Cho tới đời Đường, nhà thơ Lý Thương Ẩn, khi đi qua Hàm Dương, hồi tưởng một thời xa xưa của lịch sử, có viết bài “Hàm Dương”, một bài thất tuyệt mô tả lại những cung điện nguy nga của một thời.
 
咸陽 李商隱
咸陽宮殿郁嵯峨
六國樓臺艶綺羅
自是當時天帝醉
不關秦地有山河
 
Âm:
HÀM DƯƠNG
Hàm Dương cung điện uất tha nga
Lục quốc lâu dài diễm ỷ la
Tự thị đương thời thiên đế túy
Bất quan Tần địa hữu sơn hà.
Lý Thương Aån
 
Dịch:
HÀM DƯƠNG
Hàm Dương cung điện nguy nga
Lâu đài lục quốc dời qua phương này
Ngọc Hoàng chếnh choáng men say
Phải đâu Tần địa cao dài núi sông.
 
Bài thơ dù mô tả sự nguy nga tráng lệ của cung Hàm Dương và lục quốc cung điện nhưng ý tưởng sâu xa cho rằng, do Ngọc Hoàng say rượu nên mới để cho nhà Tần bạo ngược diệt vong sáu nước chứ đâu phải nhờ sông núi hiểm trở của đất Tần. Ý tưởng hơi buồn cười nhưng cũng rất đáng để suy nghĩ.
 
Tần Thủy Hoàng tuy có rất nhiều cung điện, nhưng dục vọng xây cất của ông ta vẫn chưa giới hạn. Sau khi thống nhất thiên hạ, ông ra lệnh xây dựng cung “A Phòng”, một công trình vĩ đại nhất trong các vương triều kể từ nhà Tần trở về trước. Nghe nói diện tích lên đến 300 km2, 5 bộ một lầu, 10 bộ một gác (mỗi bộ tương đương năm thước ngày nay) trên 2.000 năm trước, phải nói đây là một công trình ngoài sức tưởng tượng, không biết đã tiêu phí biết bao nhiêu nhân tài vật lực. Khi Tần Thủy Hoàng chết, cung A Phòng vẫn chưa hoàn tất. Tần Nhị Thế (Hồ Hợi) tiếp tục xây dựng.
 
Sau này, khi Sở Bá vương Hạng Vũ đem quân vào Hàm Dương, đã phóng hỏa thiêu rụi mọi cung điện. Theo lịch sử ghi chép lại thì ngọn lửa cháy ba tháng mới tắt hẳn. Tất cả những cung thất tráng lệ nhất từ cung Hàm Dương, lục quốc cung điện và cả cung A Phòng đều thành tro bụi cả.
 
Sau ngày giải phóng, những di tích của kinh đô Hàm Dương cũ (cách phía Đông thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây ngày nay 10km) đã được khai quật. Căn cứ những di vật đào được cộng với tư liệu lịch sử ghi chép, người ta đã vẽ lại được đồ hình kiến trúc (phục nguyên đồ) của cung Hàm Dương đời Tần.
 
Kinh đô Hàm Dương, từ thời Tây Hán được cải danh Vị thành. Giữa Trường An và thành Hàm Dương có con sông Vị Thủy chắn ngang, trên sông có một cây cầu cũng gọi Vị kiều. Những ai qua lại giữa Trường An và Hàm Dương đều phải ngang qua cây cầu này. Do đó đương thời cây cầu Vị Kiều này rất nổi tiếng, thường xuất hiện trong tác phẩm của các nhà thơ, nhất là đời Đường. Nhà thơ Đổ Phủ trong bài “Binh xa hành” đã có câu “Gia nhương thê tử tẩu tương tổng. Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều” (Vợ con cha mẹ theo đưa tiễn. Bụi mù che khuất cầu Hàm Dương).
 
Cầu Hàm Dương tức Vị Kiều. Nhà thơ Lý Bạch trong đề tài “Tái hạ khúc” cũng đã nói tới cây cầu này trong một bài ngũ luật mô tả quân đội nhà Hán tây chinh:
 
塞下曲六首(其三) 李白
駿馬似風飆
鳴鞭出渭橋
彎弓辞漢月
揷羽破天驕
陣解星芒盡
營空海雾消
功成画麟閣
獨有霍嫖姚
Âm:
TÁI HẠ KHÚC (bài 3) Lý Bạch
Tuấn mã tự phong tiêu
Minh tiên xuất Vị Kiều
Loan cung từ Hán nguyệt
Sáp vũ phá thiên kiêu
Trận giải tinh mang tận
Doanh không hải vụ tiêu
Công thành họa Lân các
Độc hữu Hoắc phiêu diêu!
 
Dịch:
BÀI HÁT DƯỚI ẢI
Ngựa hay như gió quét
Cầu Vị thét roi rời
Cung gỗ từ trăng Hán
Tên lông phá giặc trời.
Trận tàn, sao sáng tắt
Dinh vắng biển mù vơi
Công lớn ghi Lân các
Phiêu diêu chỉ một người
Lê Nguyễn Lưu dịch
 
Ý của bài thơ: tướng sĩ ra roi, ngựa phi như gió qua cầu sông Vị hướng về biên tái, đem theo cung tên, nhìn vầng trăng Hán từ giả Trường An. Đao kiếm bay múa đánh bại quân xâm lăng Thiên Kiêu (Thiên Kiêu chỉ Thiền Vu, thủ lãnh Hung Nô). Chiến tranh kết thúc, quân sĩ rã rời như khách tinh của chinh binh sợ màu trắng. Quân doanh vắng vẻ như sương biển tiêu tan.
 
Đoàn quân đem chiến thắng trở về, Hoàng đế hạ lệnh vẽ chân dung công thần trên gác Kỳ Lân, nhưng chỉ vẽ một mình tướng Hoắc Khứ Bệnh. Ý hai câu cuối của bài thơ, thắng lợi trên chiến trường là công lao và xương máu của toàn bộ sĩ binh, nhưng công trạng cuối cùng chỉ qui về một mình chủ tướng, ám chỉ sự bất công của các vương triều phong kiến thời bấy giờ.
 
Nhà thơ đời Đường Lệnh Hồ Sở viết đề tài “Thiếu niên hành”, cũng có một bài thất tuyệt mô tả những đoàn quân rời Hàm Dương Tây chinh:
 
少年行 令狐楚
弓背霞明劍照霜
秋風走馬出咸陽
未收天子河湟地
不拟回頭望故鄉
 
Âm:
THIẾU NIÊN HÀNH (Lệnh Hồ Sở)
Cung bối hà minh kiếm chiếu sương
Thu phong tẩu mã xuất Hàm Dương
Vị thu thiên tử Hà Hoàng địa
Bất nghĩ hồi đầu vọng cố hương.
 
Dịch:
BÀI HÀNH TUỔI THIẾU NIÊN
Cung sáng đeo lưng kiếm ánh sương
Gió thu quất ngựa rời Hàm Dương
Nếu chưa thu lại Hà Hoàng địa
Thề chẳng quay đầu ngóng cố hương.
 
Bài thơ mô tả những đoàn quân thúc ngựa rời Hàm Dương về biên tái phía Tây. Chuyến hành quân này nếu chưa thu phục lại những vùng đất trong khu vực Hà Hoàng, do quân Thổ Phồn chiếm đóng (Đông Nam bộ Cam Túc và Hà Tây Tẩu Lang), thề quyết không quay đầu nhìn lại quê hương.
 
Tất cả lữ hành từ Trường An, theo con đường tơ lụa về phía Tây, đều phải dừng chân tại Hàm Dương một thời gian ngắn. Những đoàn thương nhân cũng dừng chân tại đây để chuẩn bị hành lý và súc vật cho cuộc hành trình xa thăm thẳm.
Những quan viên đi công cán Tây Vực cũng được bằng hữu đưa chân tới đây để làm tiệc tiễn hành. Những đoàn quân Tây chinh cũng phải dừng chân ổn định quân lữ trước khi xuất chinh chiến đấu.
 
Ra khỏi Hàm Dương, đi về phía Tây, con đường tơ lụa phân thành hai lộ tuyến, men theo hai bên sườn hành lang Hà Tây.
Lộ tuyến Bắc đi qua Lễ Tuyền, Nguyên Châu, Hội Châu rồi đến Cam Châu. Lộ tuyến Nam đi qua Vũ Công, Lũng Châu, Thiền Châu rồi cũng hội tụ với lộ tuyến Bắc tại Cam Châu. Từ đó, hai lộ tuyến sẽ đi cùng đường cho đến Sa Châu (Đôn Hoàng) mới rẽ đôi trở lại.
 
Chương III – HÀNH LANG HÀ TÂY TRÊN CON ĐƯỜNG TƠ LỤA
  

2CDTLpn3.Kylienson

 
Con đường tơ lụa từ Trường An đến Địa đầu vùng Trung Á có tổng số chiều dài đến 7.000 km thì hành lang Hà Tây chiếm gần hết 3.000 km. Đó là một dãy dài hẹp có màu xanh, trải từ bờ Tây sông Vị đến vùng sa mạc phía Nam cao nguyên Mông Cổ. Nhiều thành thị nằm dọc hành lang này như Thiên Thủy, Cam Châu, Túc Châu, Đôn Hoàng (Sa Châu)… nhờ sự thông thương của con đường tơ lụa mà trở thành những trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa rất phồn thịnh.
 
Dọc hành lang cũng có nhiều vùng khí hậu tương đối tốt, cỏ nước phong phú giúp cho nông nghiệp và chăn nuôi phát triển khá sớm. Những khu vực Âm Sơn, Lũng Sơn, Hà Hoàng… có nhiều địa thế hiểm yếu, là tiền đồn bảo vệ Trung Nguyên từ thời Hán Đường và đã trở thành vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
 
1. KHU VỰC ÂM SƠN TRÊN HÀNH LANG HÀ TÂY
 
Ra khỏi Hàm Dương, theo con đường tơ lụa đi về hướng Tây Bắc khoảng 50km (một km tương đương với hai dặm ngày xưa), sẽ đến Thể Tuyền (ngày nay đổi tên thành Lễ Tuyền). Ở đây có lăng mộ của Đường Thái Tông (Chiêu Lăng). Tiếp tục đi về phía Tây thêm 30km nữa đến Phụng Thiên (nay là huyện Càn tỉnh Thiểm Tây), ở đây có lăng mộ của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên (Càn Lăng). Cả hai nơi đều là những điểm du lịch nổi tiếng ngày nay.
 
Rời Phụng Thiên, đi về hướng Tây Bắc khoảng 120km sẽ đến Châu Trị An Định Đô Kinh Châu. Sau đó có thể vượt ải Tiêu Quan để đi qua Nguyên Châu, Hội Châu rồi đến Lương Châu, một trọng trấn trên con đường tơ lụa. Đó là con đường lớn độc nhất thông giữa Trường An với Tây Vực mà từ thời Tần Hán còn được mệnh danh là “Hồi Trung Đạo”. Kinh Châu là thành phố chủ yếu của “Hồi Trung Đạo”.
 
Khoảng giữa Kinh Châu và Nguyên Châu (nay là Cố Nguyên Ninh Hạ), là tòa quan ải trọng yếu trên con đường giao thông Đông – Tây: Tiêu Quan (tại phía Bắc Nguyên Châu và phía Nam huyện Hồi Nhạc cũng có huyện Tiêu Quan. Hai nơi này chỉ trùng địa danh chứ không cùng địa phương). Tất cả những bài thơ Biên Tái nổi danh có đề cập đến Tiêu Quan là đều nói về tòa quan ải này. Hành nhân khi đến Tiêu Quan, đưa mắt về hướng Tây, một bầu trời cảnh sắc biên tái đập vào mắt. Không chỉ có khí hậu địa vật thay đổi mà cả đến phong tục tập quán cũng trái ngược hẳn Trung Nguyên. Những trận cuồng phong nối tiếp, cát bay mù mịt, cát đập vào mình ngựa. Khí hậu khô kiệt và lạnh giá, thảo mộc không thể sinh sôi, thậm chí những ngôi chùa cũng không có bóng tre trúc. Nhà nhà đều treo cung đao trên vách, sĩ binh không rời áo giáp để kịp thời chiến đấu khi có địch xâm nhập. Ở đây hoàn toàn không thấy hình bóng khách nhàn du. Cảnh tượng như vậy trải dài tận ngoài tầm mắt từ Tiêu Quan vọng hướng Lâm Thao.
 
Tại phía Bắc, lộ tuyến Bắc của con đường tơ lụa là một vị trí chiến lược tối quan trọng mà binh gia của các phe đều muốn làm chủ được tình hình. Đó là khu vực Âm Sơn và Hạ Lan Sơn. Phía Đông Hạ Lang Sơn là thành Diêm Châu, đời Đường còn có tên Ngũ Nguyên, (hiện nay khu tự trị nội Mông Cổ gần Aâm Sơn cũng có tên Ngũ Nguyên nhưng không phải thành Ngũ Nguyên đời Đường). Thành Ngũ Nguyên (Diêm Châu) từ xưa đến nay vốn thuộc huyện Định Biên, nằm về Bắc bộ tỉnh Thiểm Tây. Thành Diêm Châu do Hoàng Đế hạ lệnh xây dựng vào năm Trinh Nguyên thứ nhất Đường Đức Tông, nhằm củng cố biên phòng và đã đem lại hiệu quả rất lớn. Từ ngày hoàn tất thành Diêm Châu cho đến nhiều thập kỷ sau, quân Thổ Phồn không dám dòm ngó Trung Nguyên, ngay cả các sắc dân du mục khi săn bắt hoặc chăn thả súc vật cũng phải cách xa chân thành 100 km.
 
Ngũ Nguyên (tức Diêm Châu) có vị trí địa lý thiên Bắc. Khí hậu khô khan lạnh lẽo, mùa xuân đến rất chậm và tồn tại rất ngắn. Nhà thơ Trương Kính Trung đời Đường có viết bài thất tuyệt “Biên Từ” mô tả hiện tượng này.
 
遍詞張敬忠
五原春色舊來遅
二月垂楊未挂絲
卽今河畔冰開日
正是長安花落時
 
Âm:
BIÊN TỪ (Trương Kính Trung)
Ngũ Nguyên xuân sắc cựu lai trì
Nhị nguyệt thùy dương vị quải ti
Tức kim hà bạn băng khai nhật
Chính thị Trường An hoa lại thì.
 
Dịch:
LỜI BIÊN TÁI
Ngũ Nguyên xuân muộn từ xưa
Tháng hai tơ liễu còn chưa buông mành
Ở đây tuyết bắt đầu tan
Trong khi hoa đất Trường An rụng đầy.
 
Ý thơ: mùa xuân ở Ngũ Nguyên đến rất trễ, đã tháng hai rồi (chỉ âm lịch) mà dương liễu chưa rũ tơ, những dòng sông băng mới bắt đầu tan chậm, nếu là đất Trường An thì hoa xuân đã tàn tạ. Bài thơ ngoài nghệ thuật cao, còn có cả giá trị khoa học tự nhiên, ghi nhận được hiện tượng của “Vật Hậu học”. Những ghi chép này rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu những biến thiên của khí hậu.
 
Nhà thơ Lý Ích (một trong Đại Lịch thập tài tử) là người Lương Châu, sinh năm Thiên Bảo thứ 7 Đường Huyền Tông (CN 748). Năm Quảng Đức thứ 2 Đường Đại Tông (CN 764) ông 17 tuổi. Lúc đó Thổ Phồn công hãm Lương Châu, ông cùng gia đình lánh nạn đến Lạc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Năm Đại Lịch thứ tư Đường Đại Tông (CN 769), họ Lý đậu tiến sĩ. Bấy giờ quân Thổ Phồn tràn xuống Trung Nguyên đánh phá khắp nơi, thậm chí kinh đô Trường An cũng bị chiếm lĩnh. Năm Đại Lịch thứ 9 (CN 774), đại tướng Đường triều Quách Tử Nghi kiến nghị tiến hành đại qui mô quân sự đối phó quân Thổ Phồn. Lý Ích tòng quân gia nhập Mạc phủ Vị Bắc Tiết Độ Sứ Tàng Hy Nhượng. Ông đã đến Trường An theo đoàn quân Bắc tiến đi qua Ngũ Nguyên, Hạ Châu, vượt sa mạc Phá Nột Sa đến ba tòa Đông, Trung, Tây của Thụ Hàng thành. Trên đường hành quân, họ Lý đã viết nhiều bài thơ Biên Tái độc đáo được truyền tụng rất rộng. Như bài “Tống Liêu Dương Sứ Hoàn Quân” được vẽ thành đồ họa, bài “Dạ thướng Thụ Hàng thành văn địch” được soạn thành ca khúc. Những bài này sẽ đề cập sau, khi nói về những địa danh có liên quan đến con đường tơ lụa.
 
Khi Lý Ích đi qua Du Lâm thuộc khu vực Âm Sơn của hành lang Hà Tây, có viết bài thất tuyệt “Thính Hiểu Giác”, mô tả tiếng còi sừng buồn thảm của buổi sớm nơi đây:
 
聴曉角 李益
遍霜昨夜墜關楡
吹角當城漢月孤
無限塞鴻飛不度
秋風卷入小單于
 
Âm:
THÍNH HIỂU GIÁC (Lý Ích)
Biên sương tạc dạ trụy Quan Du
Xuy Giác đương thành Hán Nguyệt cô
Vô hạn tái Hồng phi bất bộ
Thu phong quyển nhập tiểu Thiền Vu.
 
Dịch:
NGHE TIẾNG CÒI SỪNG BUỔI SỚM
Đêm qua sương phủ khắp Du lâm
Còi sừng thành lặng bóng trăng tàn.
Quan tái nhạn hồng bay khó vượt
Vẳng nghe hồ khúc buồn xé gan.
 
Bài thơ diễn đạt những màn sương thu biên tái đã rơi xuống vùng Du Lâm. Mảnh trăng tàn vẫn còn treo lơ lững, tiếng còi sừng trên thành bỗng trỗi lên khúc nhạc Hồ (Hung Nô) buồn thảm, làm cho đàn nhạn từ Nam lên Bắc cũng không dám vượt quan san.
 
Hai chữ “Quan Du” trong câu đầu đã làm cho nhiều người tưởng là cây du bên quan tái, vì nhầm lẫn với bài “Tòng quân hành” cũng của Lý Ích “Quan thành du diệp tảo sơ hoàng. Nhật mộ sa vân cổ chiến trường” (Lá du trở vàng trên quan ải. Chiều hôm mây cát chiến trường xưa”. Còn một cách giải dịch khác, “Quan Du” là “Du quan”, tức Du Lâm Quan (nay là khu Mông Cổ tự trị Chuẩn Cách Nhĩ Kỳ). Cho nên câu đầu của bài “Thính Hiểu Giác” phải dịch là “Sương đêm của miền biên tái đã rơi xuống Du Lâm Quan”.
 
Phía Đông Ngũ Nguyên (phụ cận vùng Du Lâm tỉnh Thiểm Tây) có một con sông tên Vô Định Hà. Sông này phát nguyên từ khu Mông Cổ tự trị Ngạc Nhĩ Đa Tư, chảy về hướng Đông Nam qua Du Lâm, huyện Mễ Chi, huyện Thanh Giản (thuộc tỉnh Thiểm Tây) rồi nhập vào Hoàng Hà. Đây là con sông nước chảy rất siết đem theo nhiều bùn cát, sâu cạn khó dò và thường khi thay đổi dòng chảy nên mới có tên Vô Định Hà. Vô Định Hà là con sông nhỏ không có trong bản đồ, nhưng là khu biên tái quan trọng thời Hán Đường. Thời Hán quân Hung Nô thường theo ngã này xâm nhập và đánh phá Trung Nguyên, cho nên hai bờ sông thường xảy ra những trận chiến khốc liệt. Cho tới đời Đường, nhà thơ Trần Đào khi qua đây, vẫn còn chứng kiến những bãi xương khô phơi trắng hai bờ. Ông cảm xúc hình dung những trận đánh ác liệt trên chiến trường xưa và viết bài thất tuyệt “Lũng Tây Hành”. Nhờ đó mà con sông Vô Định trở nên nổi danh.
 
隴西行陳陶
誓掃匈奴不顧身
五千貂錦喪胡塵
可憐無定河遍骨
猶是春閨夢里人
 
Âm:
LŨNG TÂY HÀNH (Trần Đào)
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ Trần.
Khả liên Vô Định hà biên cốt
Do thị xuân khuê mộng lý nhân.
 
Dịch:
BÀI HÀNH QUA ĐẤT LŨNG TÂY
Liều thân phá giặc biên thùy
Năm ngàn tướng sĩ vùi thây đất Hồ.
Bờ Vô Định bãi xương khô
Mà phòng khuê vẫn mộng chờ chinh nhân.
 
Bài thơ diễn tả lòng quyết tâm tiêu diệt Hung Nô không kể gì mạng sống. Trong trận chiến này, hàng mặc áo Điêu Cừu của Vũ Lâm quân cũng bỏ xác thê thảm đến năm ngàn người. Tội nghiệp cho những bãi xương khô hai bên bờ sông Vô Định, trong khi những thiếu phụ nơi phòng khuê quê nhà vẫn mộng nhớ người thân.
 
Phía Đông Diêm Châu và phía Bắc Hạ Châu là sa mạc Phá Nột Sa, còn gọi là sa mạc Phổ Nột Sa (nay là Khố Bố Tề sa mạc). Phía bắc Phá Nột Sa là Phong Châu, một địa điểm trọng yếu của khu vực Âm Sơn, ngay từ thời cổ đại, đây là nơi tụ cư của một dân tộc du mục phương Bắc. Một vùng thảo nguyên bao la, cỏ nước phong phú, bò dê béo tốt. Cuộc sống con người, dù là du mục, rất sung túc yên vui. Vào thời Bắc Tề (CN 550-577) có một nhà thơ vô danh sáng tác bài “Sắc Lặc ca”, một bài dân ca mô tả xuất sắc phong cảnh và cuộc sống dưới chân núi Âm Sơn.
 
敕勒歌 (北齊)無名氏
敕勒川,陰山下
天似穹廬,籠盖四野.
天蒼蒼,野茫茫,
風吹草低見牛羊.
 
Âm:
SẮC LẶC CA (Bắc Tề) Vô Danh thị
Sắc Lặc xuyên, Âm Sơn hạ
Thiên tự khung lư, lung cái tứ dã.
Thiên thương thương, dã mang mang,
Phong xuy thảo để kiến ngưu dương.
 
Dịch:
BÀI CA CỦA NGƯỜI SẮC LẶC
Dòng sông Sắc Lặc, chảy dưới núi Âm Sơn.
Trời như mái lớn, che khắp thảo nguyên.
Trời xanh xanh, đất bao la
Gió đùa cỏ rạp thấy dê bò.
 
“Sắc Lặc ca” đã trở thành bài thơ trứ danh trong lịch sử thi ca Trung Quốc. “Sắc Lặc” là một dân tộc du mục thời Bắc Tề tụ cư tại Sóc Châu (nay là Bắc bộ tỉnh Sơn Tây). Ý thơ, người Sắc Lặc chúng ta quê hương tại chân núi Âm Sơn. Trời như chiếc màn lớn (Mông Cổ bào) che khắp vùng thảo nguyên rộng lớn. Trời xanh bao la, đất mênh mông không bờ bến. Một trận gió lướt qua đè rạp đồng cỏ, để lộ những đàn bò dê béo tốt.
 
Theo lịch sử ghi chép, “Sắc Lặc ca” vốn là tiếng Tiên Ti. Vì người Tiên Ti lúc đó chưa có văn tự, cho nên tác phẩm được sáng tác bằng xuất khẩu và phổ biến qua truyền khẩu. Mãi tới thời Nam Bắc triều mới được người Bắc Tề ghi thành Hán ngữ, từ đó trở đi bài thơ được lưu truyền bằng chữ Hán, do đó mà những câu thơ dài ngắn không đồng đều.
 
Tộc Tiên Ti vào thời Lưỡng Tấn, Nam Bắc Triều là một dân tộc hùng mạnh phương Bắc, đã từng dựng nên những nước Tiền Yên, Hậu Yên, Bắc Ngụy, Bắc Chu. Ngay cả nước Bắc Tề cũng do người Tiên Ti xây dựng trên cơ sở văn hóa Hán.
 
Theo ghi chép trong sách “Nhạc phủ quảng đề”: Tướng Cao Hoan của Bắc Tề đem quân công thành Ngọc Bích của Bắc Chu. Cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, sĩ binh của Bắc Tề cơ hồ thương vong quá nửa mà vẫn chưa hạ được thành, tướng Cao Hoan lo sợ ngã bệnh. Vua Bắc Chu hạ lệnh: “Cao Hoan chỉ là con chuột già, dám ngang nhiên công thành Ngọc Bích. Ta chỉ cần ra quân đánh một trận nhẹ, bọn chúng sẽ không có đất chôn.” Cao Hoan nghe được, hốt nhiên vùng dậy triệu tập bộ tướng, an ủi sĩ binh và ra lệnh tất cả cùng hát bài “Sắc Lặc ca”, Cao Hoan cũng cất tiếng hát theo. Tiếng hát vang dội cả đồi núi thảo nguyên, sĩ binh phấn chấn tinh thần và công hạ thành Ngọc Bích. Câu chuyện tuy có vẻ giai thoại nhưng tự thân nó nói lên được sức mạnh kinh thiên động địa phát ra từ một bài dân ca giản đơn bình thường.
 
Bài “Sắc Lặc ca” mô tả cảnh sắc cực kỳ chân thật, cho người đọc (và cả người nghe) hình dung được toàn cảnh phong quang miền biên tái, một thảo nguyên rộng lớn dồi dào sức sống. Từ đó bài thơ trở thành (gần như) kinh nhật tụng, và nhất là câu cuối bài, đã trở nên thành ngữ cho bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ của dân tộc Sắc Lặc tụ cư dưới chân núi Âm Sơn (Phong xuy thảo để kiến ngưu dương).
 
Chân núi Âm Sơn hằng năm còn là địa điểm trao đổi ngựa và vàng lụa giữa Hồi Cốt (Hồi Hột) với vương triều Đường. Mỗi năm cứ đến hẹn kỳ, người Hồi Cốt từ phía Tây Bắc lùa ngựa, theo Con đường Tơ lụa, đến chân núi Âm Sơn. Vương triều Đường cũng chuyển tải vàng lụa, theo Con đường Tơ lụa đến đó. Giá mỗi con ngựa qui định 10 tấm lụa (sau này tăng lên 40 tấm), và ngựa què ngựa ốm chết Đường triều cũng phải nhận. Những vùng cỏ nước dồi dào dọc chân núi Âm Sơn hằng năm, đoàn ngựa của Hồi Cốt đi qua, ăn hết cỏ uống cạn nước mà số ngựa què quặt, ốm chết vẫn không giảm. Vì muốn thu vào số lượng ngựa quá lớn nên triều đình không những vắt kiệt công của trong dân chúng mà còn phải trút vàng bạc trong kho lẫm để trợ giá cho khoản tơ lụa thiếu chất lượng và số lượng.
 
Vì quan điểm ngựa là phương tiện tối ưu trong chiến tranh (thời cổ) nên Đường Hiến Tông có ý đồ thu hết nguồn ngựa để bẻ gãy khả năng chiến tranh của Hồi Cốt. Nhưng cuối cùng phải đối diện 3 hậu quả nghiêm trọng không còn thuốc chữa: Thứ nhất, ôm về số ngựa vô dụng quá lớn, đã trở thành gánh nặng không biết trút vào đâu. Thứ hai, tài vật trong dân chúng đã kiệt quệ mà kho lẫm triều đình cũng trống rỗng. Thứ ba, người Hồi Cốt chỉ trao cho Đường triều số ngựa què quặt, ốm chết, trong khi vẫn bảo tồn chiến mã cho chiến tranh. Trong loạn An Sử (đời Đường Huyền Tông), triều đình có mượn quân Hồi Cốt để dẹp loạn. Người Hồi Cốt cậy công nên tỏ ra kiêu ngạo, thái độ bắt ép điều kiện vô lý trong mậu dịch ngựa cũng phát xuất từ lòng kiêu căng đó. Trong khi Đường Hiến Tông cứ tưởng lầm mình có thể tương kế tựu kế trong lòng tham này của đối phương.
 
Vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 11 đến năm thứ 15, Đường Huyền Tông, nhà thơ Vương Xương Linh đã theo quân đến vùng biên tái. họ Vương đã đến Tiêu Quan, Lâm Thao, Ngọc Môn Quan và đến cả Toái Diệp thành của vùng trung Á Tế Á. Thời gian sống trong quân lữ, ông đã thực sự cảm thụ được từ phong quang đến nếp sinh hoạt vùng biên tái. Từ đó, nhà thơ đã viết nhiều bài về biên tái rất nổi danh, mô tả sống động từ cảnh vật đến nếp sống trên những khu vực biên cương dọc theo Con đường Tơ lụa, trong đó, trứ danh nhất là bài thất tuyệt “Xuất Tái”:
 
出塞王昌齡
秦時明月漢時關
萬里長征人未還
但使龍城飛将在
不敎胡馬度蔭山
 
Âm:
XUẤT TÁI (Vương Xương Linh)
Tần thời minh nguyệt Hán thời quan,
Vạn lý trường chinh nhân vị hoàn.
Đản sử Long Thành Phi tướng tại,
Bất giao Hồ mã độ Âm San.
 
Dịch:
RA QUAN ẢI
Trăng Tần ải Hán nhiêu khê,
Chinh nhân vạn dặm ngày về chưa hay.
Cầm bằng Lý trướng còn đây,
Thì Âm San đã vùi thây ngựa Hồ.
 
“Xuất Tái” là một cựu đề trong Nhạc Phủ. Ý thơ, vầng trăng và quan ải hôm nay đ
0