Biến động miền Trung năm 1966
1966, bàn thờ Phật bị mang xuống đường để cản lối di chuyển của quân đội Mỹ và VNCH Lâm Vĩnh Thế Nguyên nhân trực tiếp Ngày 11-3-1966, Hội-đồng các Tướng-lãnh và Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) nhóm họp 5 tiếng đồng hồ tại Bộ Tổng-tham-mưu và quyết định cho Trung-tướng ...
Lâm Vĩnh Thế
Nguyên nhân trực tiếp
Ngày 11-3-1966, Hội-đồng các Tướng-lãnh và Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) nhóm họp 5 tiếng đồng hồ tại Bộ Tổng-tham-mưu và quyết định cho Trung-tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư-lịnh Vùng I Chiến-thuật kiêm Đại-biểu Chánh-phủ tại vùng nầy, được nghĩ phép để đi chữa bịnh mũi.(1) Ngày 13-3-1966, Hội-đồng Tướng-lãnh, gồm cả các chỉ-huy địa-phương nhóm họp tại Bộ Tổng-tham-mưu và biểu quyết với 32 phiếu thuận và 4 phiếu trắng cho Tướng Nguyễn Chánh Thi nghĩ việc. Thiếu-tướng Nguyễn Văn Chuân được cử lên thay làm Tư-lịnh Vùng I kiêm Đại-biểu Chính-phủ. (2 )Việc cách chức Tướng Thi đã là ngòi nổ làm bùng lên cuộc Biến Động Miền Trung năm 1966.
Nguyên nhân sâu xa
Miền Trung, từ sau cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963, dưới ảnh hưởng của Phật Giáo do Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo, đã liên tục là nơi xuất phát các phong trào chính trị đối kháng với chính phủ trung ương tại Sài Gòn, nhứt là sau năm 1965. Việc chống đối nầy có mấy nguyên nhân chánh như sau: 1) Các chính phủ kế tiếp nhau từ sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đỗ đều hứa hẹn sẽ triệu tập Quốc Dân Đại Hội để soạn thảo Hiến Pháp mới nhưng đều không giữ được lời hứa nầy; 2) Các chính phủ nầy đều, không nhiều thì ít, đã sử dụng trở lại một số phần tử Cần Lao của chế độ Ngô Đình Diệm mà Phật Giáo hoàn toàn không thể chấp nhận được; và, 3) Nội Các Chiến Tranh của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã tích cực ủng hộ sự kiện Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân tác chiến vào Miền Nam, mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc, đã làm cho cuộc chiến trở nên khốc liệt gấp bội, và làm đảo lộn hoàn toàn đời sống của nhân dân Miền Nam.
Khẩu hiệu tranh đấu của Phật Giáo có thể thay đổi tùy thời điểm nhưng nói chung đều xoay quanh hai chủ đề chính: 1) Yêu cầu chính quyền tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để soạn thảo Hiếp Pháp mới; và 2) Chống chế độ độc tài quân phiệt.
Tướng Nguyễn Chánh Thi
Về phần Tướng Nguyễn Chánh Thi, ông là một khuôn mặt tướng lãnh rất đặc biệt và quan trọng trong giai đoạn lịch sử nầy của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Khi còn mang cấp bậc Đại Tá, Tư lịnh Lữ Đoàn Nhảy Dù, ông đã lãnh đạo cuộc đảo chánh ngày 11-11-1960 nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chánh thất bại, ông phải sống lưu vong 3 năm tại Cao Miên. Sau khi cuộc đảo chánh 1-11-1963 thành công lật đổ được chế độ Ngô Đình Diệm, ông trở về nước, được phục hồi cấp bậc và được bổ nhiệm làm Tư Lệnh phó Vùng I, dưới quyền Trung Tướng Nguyễn Khánh. Ông tham gia vào cuộc Chỉnh Lý ngày 30-1-1964 của Tướng Khánh. Ông được Tướng Khánh thăng cấp Chuẩn Tướng ngày 29-5-1964, rồi thăng cấp Thiếu Tướng ngày 21-10-1964, và trở thành một thành viên quan trọng của nhóm Tướng trẻû mà báo chí Mỹ thường gọi chung là Young Turks. Cùng với nhóm nầy, ông đã tham gia vào việc chống lại cuộc đảo chánh ngày 13-9-1964 của hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát, và cuộc đảo chánh ngày 19-2-1965 của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, cũng như việc lật đổ Tướng Nguyễn Khánh và buộc Tướng Khánh phải rời khỏi Việt Nam ngày 25-2-1965. Sau các vụ nầy, ông trở thành một trong các tướng lãnh có thế lực nhứt. Sau khi Chính phủ Phan Huy Quát giao lại chính quyền cho Quân Đội, ông đã được các tướng lãnh đề nghị làm Thủ Tướng nhưng ông đã từ chối và các tướng lãnh đã đề cử Tướng Kỳ. 3
Trong vai trò Tư Lệnh Vùng I kiêm Đại Biểu Chính Phủ, ông đã có những bất đồng ý kiến về chính trị với chính quyền trung ương tại Sài Gòn. Ngoài ra, với việc gia tăng ồ ạt quân số Hoa Kỳ tại VNCH, ông cũng không tránh được những đụng chạm với người Mỹ trong cương vị Tư Lệnh vùng của ông. Việc ông từ chối không đi dự Hội Nghị Thượng Đĩnh Mỹ-Việt tại Honolulu vào đầu tháng 2-1966 càng làm cho người Mỹ thiếu thiện cảm với ông hơn.(4) Trên hết, việc ông được hậu thuẩn rất lớn của phe Phật Giáo cũng như đồng bào tại Vùng I làm cho các tướng lãnh rất e ngại thế lực của ông. Ngoài ra, với bản tánh nóng nảy, bộc trực, phê bình thẳng những chuyện sai quấy của người khác, nhất là đối với các tướng lãnh tham nhũng (số nầy lại là đa số), ông dần dần bị cô lập trong hội đồng các tướng lãnh.
Trong hoàn cảnh bị cô lập như vậy, chính Tướng Thi lại tạo thêm những lý do thuận lợi cho phe chống ông thành công dễ dàng trong việc loại ông ra khỏi bộ máy cầm quyền. Trước tiên là vụ từ chối tham dự Hội Nghị Honolulu vào đầu tháng 2-1966. Hội nghị nầy là hội nghị thượng đĩnh đầu tiên giữa Tổng Thống Lyndon B. Johnson của Hoa Kỳ và phái đoàn cao cấp củaVNCH cầm đầu bởi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch UBLĐQG, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Uûy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTƯ). Về phía Hoa Kỳ, nó đánh dấu việc công khai chính thức xác nhận sự cam kết của Hoa Kỳ trong nỗ lực chiến tranh tại Việt Nam. Về phía VNCH, đây là cơ hội để trình bày với công chúng Hoa Kỳ và cả thế giới về mục tiêu và đường lối của Nội Các Chiến Tranh; phần quan trọng nhứt là cam kết của chính phủ VNCH là sẽ tổ chức soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức bầu cử để tiến đến thành lập chính phủ dân cử.5 Việc từ chối không đi dự hội nghị nầy tạo ra thêm một bằng chứng cụ thể cho thấy Tướng Thi không cùng lập trường với UBLĐQG và UBHPTƯ, nghĩa là chống lại chính quyền trung ương tại Sài Gòn. Kế tiếp là chuyến viếng thăm Vùng I của Tướng Kỳ vào đầu tháng 3-1966. Trong buổi lễ tiếp đón phái đoàn của Tướng Kỳ, Tướng Thi đã để cho người của ông công khai chỉ trích chính quyền trung ương làm Tướng Kỳ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.6 Đây là giọt nước làm tràn ly. Tướng Kỳ nhứt quyết phải loại Tướng Thi khỏi chức vụ Tư Lệnh Vùng I.
Việc loại trừ Tướng Thi
Tuy là người trực tính, nóng nảy, nghĩ sao nói vậy, lần nầy Tướng Kỳ chuẩn bị việc loại trừ Tướng Thi rất kỷ lưởng.7 Đầu tiên, vào ngày 9 tháng Ba, Tướng Kỳ họp với các thành viên chánh (tất cả đều là tướng lãnh) của UBLĐQG và được sự đồng ý của tất cả về kế hoạch loại Tướng Thi. Ngay sau buổi họp nầy, ông gặp đại sứ Lodge, trình bày những khó khăn mà Tướng Thi đã gây ra cho chính phủ của ông, và thông báo cho ông đại sứ quyết định của các tướng lãnh tại buổi họp trước đó. Ông nói thêm là ông sẽ không thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ của ông nếu Tướng Thi không bị cách chức. Đại sứ Lodge khuyên ông nên hành động thận trọng và cần phải thiết lập hồ sơ đầy đủ trước khi loại Tướng Thi.8
UBLĐQG cũng hành động rất thận trọng trong vụ nầy. Tướng Thi được mời vào Sài Gòn tham dự một buổi họp đặc biệt và giới hạn, chỉ có sự hiện diện của các Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng), và Nguyễn Hữu Có (Ủy Viên Quốc Phòng). Các tướng lãnh cố gắng thuyết phục Tướng Thi chịu từ chức Tư Lệnh Vùng I, và rời Việt Nam sang Hoa Kỳ một thời gian với lý do chửa bệnh, nhưng Tướng Thi dứt khoát không chịu. Các tướng lãnh không còn cách nào khác, phải buộc Tướng Thi vào tình trạng quản thúc tại gia tại nhà riêng của Tướng Thi ở Sài Gòn, và triệu tập Đại Hội Đồng Quân Lực vào ngày hôm sau, 10 tháng Ba, để thảo luận về trường hợp của Tướng Thi. Sau khi nghe hai Tướng Kỳ và Có trình bày chi tiết về trường hợp của Tướng Thi (chủ yếu là các hành động không tuân lệnh và chống lại chính quyền trung ương tại Sài Gòn), tất cả các tướng lãnh đều bỏ phiếu tán thành việc loại Tướng Thi khỏi chức vụ Tư Lệnh Vùng I; chỉ có Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù, bỏ phiếu trắng.9
Diễn tiến của cuộc biến động
Một tuần lễ sau khi Tướng Thi bị cách chức Tư Lệnh Vùng I, nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ và nhiều cuộc đình công do Phật Giáo xách động đã diễn ra tại Huế và Đà Nẳng. Lực lượng tranh đấu chiếm đài phát thanh Huế. Lời Thương Tọa Thích Trí Quang kêu gọi công chức, quân nhân và sinh viên tham gia vào cuộc đấu tranh chống chính quyền quân phiệt Thiệu-Kỳ được phát thanh hàng ngày. Đoàn Học Sinh Sinh Viên Quyết Tử được tổ chức và họ chiếm các Bộ Chỉ Huy của Cảnh Sát tỉnh Thừa Thiên và Thành phố Huế. Họ phá các kho súng, chiếm lấy tất cả súng và trang bị cho đoàn viên.10 Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, vừa mới được bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh đồn trú tại Huế (thay cho Thiếu Tường Nguyễn Văn Chuân đã được cử làm Tư Lệnh Vùng I thay thế Tướng Thi) ngả theo Phật Giáo trong cuộc đấu tranh chống lại chính quyền trung ương ở Sài Gòn. Một số đông binh sĩ của Sư Đoàn I Bộ Binh cũng tham gia vào phong trào tranh đấu và bắt đầu huấn luyện quân sự cho học sinh sinh viên. Nhiều đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân cũng rời bỏ nơi đồn trú, trở về các thành phố Huế và Đà Nẳng để tham gia vào phong trào tranh đấu chống chính phủ. Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn, Thị Trưởng Đà Nẳng, và Đại Tá Đàm Quang Yêu, Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Quảng Đà cũng công khai ủng hộ phong trào tranh đấu. Phong trào tranh đấu bắt đầu lan rộng ra các tỉnh và thành phố khác ở Miền Trung, như Nha Trang, Ban Mê Thuột và Đà Lạt. Ngay tại Sài Gòn cũng diễn ra nhiều vụ biểu tình chống chính phủ. Trên thực tế, phong trào tranh đấu chống lại chính quyền trung ương Sài Gòn đã trở thành cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhứt kể từ khi Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ được thành lập. UBLĐQG cho phép Tướng Thi được trở ra Miền Trung vào giữa tháng Ba để giải thích nội vụ cho đồng bào Vùng I cũng như để cho đồng bào biết rõ là chính ông cũng đã chấp nhận quyết định của UBLĐQG. Sự can thiệp nầy không làm giảm bớt phong trào tranh đấu vì, thật ra, mục tiêu của phong trào không còn là yêu cầu tái bổ nhiệm Tướng Thi vào chức vụ Tư Lệnh Vùng I nữa; mục tiêu của phong trào tranh đấu bây giờ là đòi hỏi chính phủ phải tổ chức bầu cử, soạn thảo Hiến pháp để thành lập chính phủ dân sự thay thế cho chính quyền quân phiệt Thiệu-Kỳ. Vào cuối tháng Ba năm 1966, chính quyền trung ương Sài Gòn hoàn toàn không còn kiểm soát được Huế và Đà Nẳng nữa. Đồng thời, trong các cuộc biểu tình tại Huế, Đà Nẳng, và ngay cả tại Sài Gòn, đã thấy xuất hiện nhiều khẩu hiệu chống Mỹ.
Dưới áp lực của người Mỹ đòi hỏi chính phủ VNCH phải chấm dứt tình trạng vô chính phủ và bài Mỹ nầy, ngày 4 tháng Tư, với sự giúp đở về phương tiện vận chuyển từ giới quân sự Mỹ, Tướng Kỳ mang hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) có chiến xa yểm trợ ra căn cứ không quân Đà Nẳng. Cùng đi với Tướng Kỳ là Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Ủy Viên Quốc Phòng, Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, và Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội. Tuy nhiên, Tướng Nguyễn Văn Chuân, không đồng ý với việc sử dụng quân đội chống lại phong trào tranh đấu, đã ra lệnh phong tỏa tất cả các ngả đường từ căn cứ không quân vào thị xã Đà Nẳng. Đồng thời, từ Huế, Tướng Phan Xuân Nhuận, cũng tuyên bố ủng hộ phong trào tranh đấu và sẽ chống lại nếu quân chính phủ tiến ra Huế.11 Trước sự chống đối nầy của các lực lượng quân sự tại địa phương có thể đưa đến giao tranh đẫm máu giữa các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), các Tướng Kỳ và Viên quyết định trở về Sài Gòn; Tướng Có ở lại Đà Nẳng để tiếp tục thương thuyết với phe chống chính phủ.
Tướng Kỳ đã nhận ra rằng một giải pháp chính trị, chứ không phải chỉ dùng võ lực, là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ Mỹ, qua Đại sứ Henry Cabot Lodge, đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình thương thuyết giữa chính quyền Thiệu-Kỳ và phe Phật Giáo. Đại sứ Lodge, do mối quan hệ đặc biệt giữa ông và Thượng Tọa Thích Trí Quang hình thành trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963, đã gặp Thượng Tọa rất nhiều lần trong suốt thời gian của cuộc khủng hoảng và báo cáo lại những yêu cầu của Phật Giáo cho chính phủ VNCH qua Tướng Kỳ.
Vào ngày 5 tháng Tư, sau khi ông từ Đà Nẳng trở về Sài Gòn, Tướng Kỳ đã có ngay một buổi họp tại nhà riêng của ông với một phái đoàn Phật Giáo do Thượng Tọa Tâm Châu lãnh đạo (Thượng Tọa Trí Quang vẫn còn ở Huế nên không có tham dự). Đòi hỏi chính yếu của Phật Giáo là chính phủ phải tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (QHLH) trong vòng 6 tháng. Ngày hôm sau Tướng Kỳ họp với Tướng Thiệu và Tướng Viên và tất cả đều đồng ý thỏa mãn đòi hỏi nầy của Phật Giáo. Sau buổi họp nầy, Tướng Kỳ gởi văn thư cho Thượng Tọa Tâm Châu để báo cho Thượng Tọa là chính phủ đã đồng ý thực hiện đòi hỏi nầy của Phật Giáo. Nhưng vào ngày hôm sau, 7 tháng Tư, Tướng Kỳ nhận được một văn thư của Thượng Tọa Tâm Châu đòi hỏi chính phủ phải thực hiện 4 điều sau đây: 1) Không được trừng phạt các công chức và quân nhân đã tham dự phong trào tranh đấu; 2) Trả tự do cho tất cả những người đã bị giam giữ; 3) Rút tất cả các lực lượng của chính phủ ra khỏi Đà Nẳng; và 4) Triệu tập QHLH càng sớm càng tốt. Tướng Kỳ rất tức giận; ông tin rằng các đòi hỏi nầy cho thấy, thật ra, phe Phật Giáo chỉ muốn lật đổ chính phủ của ông mà thôi. Ông quyết định đem ra Đà Nẳng thêm 2 tiểu đoàn TQLC nữa và yêu cầu người Mỹ cung cấp phương tiện vận chuyển. Nhưng lần nầy người Mỹ từ chối. Tướng Kỳ phải sử dụng phi cơ vận tải của Không Lực VNCH để chuyên chở 2 tiểu đoàn TQLC đó ra Đà Nẳng; bộ tham mưu của ông thì đi bằng phi cơ Caravelle của Hàng Không Việt Nam. Khi biết được tin về cuộc hành quân nầy, Tướng Có, vẫn còn đang ở tại Đà Nẳng để thương thuyết với phe tranh đấu, điện thoại ngay cho Tướng Thiệu và yêu cầu Tướng Thiệu ra lệnh rút các lực lượng đó về ngay. Tướng Thiệu, bản thân ông không đồng ý với việc dùng võ lực, đồng ý ngay với yêu cầu của Tướng Có và ký ngay công điện để ra lệnh đó.12
Ngày 12 tháng Tư, UBLĐQG triệu tập Đại Hội Chính Trị Toàn Quốc tại Hội Trường Diên Hồng (khi Đại Hội khai mạc chỉ có 92 đại biểu tham dự trong số 170 được mời ; vào ngày bế mạc, số đại biểu tăng lên đến 115); Bác sĩ Phan Quang Đán được bầu chủ tọa Đại Hội. Ngày hôm sau, Tướng Kỳ gởi văn thư cho Thượng Tọa Tâm Châu thông báo chính phủ đồng ý thực hiện tất cả 4 yêu cầu của Phật Giáo. Ngày 14, Tướng Thiệu đến chủ tọa lễ bế mạc Đại Hội Chính Trị Toàn Quốc và tuyên đọc Sắc Luật số 14/66 thông báo quyết định của chính phủ sẽ tổ chức bầu cử QHLH trong vòng từ 3 đến 5 tháng.13 Cả hai Tướng Thiệu và Tướng Kỳ đều đồng ý sẽ thực hiện các điểm mà Đại Hội Chính Trị đề nghị, trong đó có việc chính phủ quân nhân sẽ từ chức sau cuộc bầu cử QHLH.14
Viện Hóa Đạo ở Sài Gòn ra thông cáo kêu gọi Phật tử chấm dứt tất cả các cuộc biểu tình vì chính phủ đã thỏa mãn tất cả các đòi hỏi của Phật Giáo. Tuy nhiên, các phần tử chống đối tại Đà Nẳng và Huế vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình và đòi hỏi chính quyền quân nhân phải từ chức ngay để cho một chính phủ dân sự thay thế và tổ chức bầu cử. Điều nầy có vẻ xác nhận mối nghi ngờ đã có trước đó trong giới tình báo là phong trào tranh đấu ở Miền Trung đã bị các phần tử Cộng sản xâm nhập, nếu không muốn nói là đã kiểm soát. Vào ngày 19 tháng Tư, Thượng Tọa Trí Quang đã phải ra thông cáo kêu gọi ngưng tranh đấu tại Huế và Đà Nẳng, trong khi chờ đợi chính quyền thực hiện lời hứa.15 Giữa lúc tình hình còn khẩn trương như vậy, Trung Tướng Tôn Thất Đính, vừa được cử làm Tư Lệnh Vùng I thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, lại tuyên bố ủng hộ phong trào tranh đấu chống lại chính quyền trung ương tại Sài Gòn. Lời tuyên bố nầy đem lại thêm lý do cho phong trào tranh đấu tiếp tục. Nhiều cuộc biểu tình do các đơn vị địa phương của phong trào tổ chức tiếp tục khắp nơi ở Miền Trung, nhiều nơi gần như đi đến tình trạng vô chính phủ. Tại Quảng Nam, ngày 17-4, một đơn vị của phong trào đã bắt giam tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Chi và quận trưởng quận Hòa Vang, tố cáo họ theo chính quyền Sài Gòn.16 Tại Đà Lạt, ngày 23-4, một cuộc biểu tình đã biến thành bạo động; nhiều binh sĩ bị đánh đập, và ngay cả vị đại úy quân trấn trưởng cũng bị bắt giam.17
Phản ứng của Hoa Kỳ
Trước cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nầy của chính phủ VNCH, phản ảnh một sự chia rẽ trầm trọng giữa các thành phần tại Miền Nam rất có thể đưa đến một cuộc nội chiến, chính phủ Mỹ nhận thấy họ cần phải duyệt xét lại chính sách của họ tại Việt Nam. Tại buổi họp ngày 9 tháng Tư, các cố vấn cao cấp của Tổng Thống Lyndon B. Johnson (tức là các vị Tổng Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Giám Đốc CIA –Central Intelligence Agency, Cơ Quan Trung Ương Tình Báo của Hoa Kỳ–, và Tham Mưu Trưởng Liên Quân) quyết định giao cho các cá nhân sau đây thực hiện một số báo cáo như sau: 1) Ông George Carver, phân tích gia cao cấp của CIA,-về sau trở thành Phụ Tá Giám Đốc CIA Đặc Trách về Việt Nam, gọi tắt là SAVA (Special Assistant for Vietnam Affairs)-viết một báo cáo cho Giải Pháp A, giữ nguyên hiện trạng; 2) Ông Leonard Unger, Phụ Tá của Ông William Bundy, Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Đông Á và Thái Bình Dương, viết một báo cáo cho Giải Pháp B-O, giữ nguyên hiện trạng nhưng tìm cách thương thuyết với lập trường lạc quan (mẫu tự O là viết tắt cho chữ Optimistic= Lạc quan); 3) Ông John T. McNaughton, Thứ Trưởng Quốc Phòng Đặc Trách An Ninh Quốc Tế, viết một báo cáo cho Giải Pháp B-P, giữ nguyên hiện trạng nhưng tìm cách thương thuyết với lập trường bi quan (mẫu tự P là viết tắt cho chữ Pessimistic = Bi quan); và 4) Ông George Ball, Thứ Trưởng Ngoại Giao, viết một báo cáo cho Giải Pháp C, rút ra khỏi Việt Nam. Cả 4 báo cáo đều phải dựa trên tiền đề là chính phủ Hoa Kỳ chỉ tiếp tục ủng hộ VNCH với điều kiện là các phe phái tại Miền Nam phải đoàn kết lại và hoạt động có hiệu năng cao. Một Nhóm Công Tác được thiết lập dưới sự chủ trì của ông George Ball để thảo luận về giá trị của các báo cáo nầy. Sau hai tuần thảo luận, 4 bản báo cáo đó được ông William Bundy đúc kết lại thành một báo cáo mang tên Basic Choices in Vietnam = Những Lựa Chọn Căn Bản Tại Việt Nam và được đệ trình để thảo luận tại buổi họp ngày 25-4 giữa Tổng Thống Johnson và các vị cố vấn cao cấp của ông.
Báo cáo đúc kết nầy cứu xét và đánh giá 3 giải pháp: 1) Giải Pháp A: tiếp tục chính sách đang thực hiện, với hy vọng là khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời; 2) Giải Pháp B: tiếp tục gần giống như hiện trạng, có lẻ giảm bớt đi phần nào mức độ mang quân Mỹ vào Việt Nam, nhưng tích cực hơn trong việc thúc đẩy chính phủ VNCH mở những cuộc tiếp xúc với các thành phần trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam; các cuộc tiếp xúc nầy có thể bắt đầu bằng việc chính phủ VNCH công khai kêu gọi thương thuyết hoặc là những thăm dò trong bí mật; sau khi đã nắm được những điểm then chốt trong lập trường của Mặt Trận, chính phủ Hoa Kỳ sẽ quyết định hoặc thúc đẩy chính phủ VNCH tiếp tục việc thương thuyết hay ủng hộ chính phủ VNCH trong việc gạt bỏ những đòi hỏi quá đáng của phe Cộng sản; 3) Giải Pháp C: quyết định rằng bây giờ những cơ may để giúp mang lại một chính quyền không Cộng sản tại Miền Nam đã giảm bớt đến mức độ mà, trên toàn bộ, nổ lực của Hoa Kỳ không còn đáng duy trì nữa; điều nầy có nghĩa là phải chuẩn bị, để khi đến thời điểm thích hợp, có thể tiến hành việc rút quân.18 Báo cáo nầy được đệ trình với một văn thư mở đầu của Ngoại Trưởng Dean Rusk, trong đó ông khuyến cáo nên chọn Giải Pháp A. Tổng Thống Johnson đồng ý với khuyến cáo nầy.19 Vào đầu tháng Năm, Đại sứ Lodge được triệu hồi về Hoa Thịnh Đốn để tham khảo. Ngày 2 tháng 5, ông Leonard Unger soạn thảo một văn thư liệt kê những vấn đề cần được thảo luận giữa Thứ Trưởng Ngoại Giao William Bundy và Đại sứ Lodge. Về vấn đề cuộc bầu cử QHLH, văn thư ghi rõ là Tổng Thống Johnson muốn là Đại sứ Lodge phải nói cho các nhà lãnh đạo VNCH rõ là họ phải thực hiện cho bằng được lời cam kết nầy, nếu không việc viện trợ của Hoa Kỳ cho VNCH sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Về vấn đề chính phủ hiện nay của VNCH (tức Nội Các Chiến Tranh của Tướng Kỳ), cách giải quyết tốt nhứt là chính phủ nầy nên từ chức và giao lại quyền hành cho QHLH khi cơ cấu nầy đã được dân chúng bầu ra xong. QHLH sẽ có toàn quyền hoặc bỏ phiếu tín nhiệm và giữ lại chính phủ hiện nay hay là chọn ra một chính phủ mới.20 Lập trường nầy hoàn toàn phù hợp với việc chính quyền hiện nay đã đồng ý thực hiện các khuyến cáo khi Đại Hội Chính Trị Toàn Quốc kết thúc hồi giữa tháng Tư.
Giải quyết cuộc khủng hoảng
Ngày 22 tháng Tư, để thi hành Sắc Luật 14/66 mà Tướng Thiệu đã công bố khi ông đến chủ tọa lễ bế mạc Đại Hội Chính Trị Toàn Quốc, UBHPTƯ triệu tập một ủy ban gồm 48 người với nhiệm vụ soạn thảo luật bầu cử QHLH.21 Hai ngày sau, ủy ban nầy đề nghị thành lập một hội đồng để soạn thảo hiến pháp và theo dõi các cuộc bầu cử sắp tới.22
Giữa lúc mọi việc đang diển tiến tốt đẹp, ngày 5 tháng Sáu, tại buổi lễ khánh thành căn cứ Không Quân mới tại Bình Thủy, Cần Thơ, Tướng Kỳ tuyên bố là chính phủ của ông sẽ ở lại một năm nữa cho đến khi nào tất cả các cơ cấu của chính quyền do hiến pháp mới quy định được thiết lập xong.23, 24 Chính phủ Hoa kỳ bị bất ngờ với lời tuyên bố nầy vì không được tham khảo trước; họ không thích nhưng quyết định không can thiệp vào việc nầy.25 Ngay lập tức sau lời tuyên bố nầy của Tướng Kỳ, phe Phật Giáo và phong trào tranh đấu tại Miền Trung kêu gọi biểu tình, và tố cáo chính phủ đã nuốt lời hứa.
Không giống như các lần trước, lần nầy cả Tướng Kỳ và UBLĐQG đều quyết định không nhượng bộ nữa. Ngày 15-5, Tướng Thiệu, Chủ Tịch UBLĐQG, thông báo là ông đã ra lệnh gởi quân ra Đà Nẳng để lập lại trật tự. 26 Một lần nữa, Tướng Kỳ lại đích thân ra Đà Nẳng với Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan (vừa được bổ kiêm nhiệm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia thay thế Đại Tá Phạm Văn Liễu vào ngày 22-04-1966) để chỉ huy cuộc hành quân tái chiếm Đà Nẳng với 5 tiểu đoàn TQLC. Nhờ yếu tố bất ngờ, các tiểu đoàn TQLC đã nhanh chóng chiềm giữ được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, đài phát thanh, và Chùa Phỗ Đà, nơi đặt bộ chỉ huy của phong trào tranh đấu.27 Đến tối thì các lực lượng của chính phủ đã kiểm soát được thị xã Đà Nẳng và lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng được ban hành.28 Thượng Tọa Trí Quang gởi điện văn yêu cầu Tổng Thống Johnson can thiệp. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gởi công điện trả lời rằng chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm đến tình hình tại Đà Nẳng và hứa rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ cố gắng tối đa để thuyết phục hai phe giải quyết những bất đồng một cách êm đẹp để tránh đổ máu.29 Trung Tướng Tôn Thất Đính, tân Tư Lệnh Quân Đoàn I, phản đối việc sử dụng võ lực của chính quyền trung ương và được thay thế bởi Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, cựu Tư Lệnh Vùng 4 của chế độ Ngô Đình Diệm và cựu đảng viên Cần Lao. Việc chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm Tướng Cao làm Tư Lệnh Vùng I, nơi mà đa số dân chúng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, có ác cảm rất nặng đối với chế độ nhà Ngô và đảng Cần Lao, không khác gì hành động đổ dầu vào lửa. Phong trào đấu tranh của Phật Giáo nổ bùng lên dữ dội. Việc đổ máu không còn có thể tránh được nữa. Ngày 17-5, khi Tướng Cao từ Đà Nẳng ra Huế, ông bị phản đối bằng một cuộc biểu tình rất đông người do phong trào tranh đấu tổ chức. Phải khó khăn lắm ông mới thoát ra khỏi vòng vây của đám đông đó để chạy vào sân bay trực thăng Tây Lộc trong Thành Nội. Khi chiếc trực thăng, do quân đội Mỹ cung cấp để đưa ông trở về Đà Nẳng, vừa cất cánh, một sĩ quan thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Trung Úy Nguyễn Đại Thức, từ trong đám biểu tình, rút súng lục ra bắn ông. May mắn cho Tướng Cao, ông không bị trúng đạn, nhưng người xạ thủ Mỹ trên trực thăng đã bắn trả và Trung Úy Thức chết ngay tại chổ.30 Vài ngày sau, phong trào tranh đấu thành lập một chiến đoàn gồm các quân nhân Phật tử của Sư Đoàn 1 Bộ Binh và gọi là Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức.
Sau vụ nổ súng nầy, Tướng Cao xin tỵ nạn tại Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ dưới quyền Tư Lệnh của Trung Tướng Lewis Walt và xin từ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I. Ngày 20-5, Thiếu Tướng Trần Thanh Phong được cử thay thế ông. Cùng ngày, một cuộc chạm súng dữ dội đã xảy ra giữa các đơn vị TQLC và phe tranh đấu tại Chùa Tỉnh Hội, gây nhiều thương vong cho cả hai bên. Vào ngày 23-5, sau khi phe tranh đấu đầu hàng tại Chùa Tỉnh Hội, TQLC đã tịch thu được hàng ngàn súng và khám phá ra 30 xác chết đã xình thối.31 Hai lãnh tụ của phong trào tranh đấu tại Đà Nẳng, Bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn, thị Trưởng Đà Nẳng, và Đại Tá Đàm Quang Yêu, Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Quảng Đà, bị bắt và giải vào Sài Gòn. Hàng trăm sĩ quan và binh sĩ đã bỏ súng ra đầu hàng và tất cả đều được chính quyền ân xá.
Thượng Tọa Trí Quang lại kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp,32 nhưng lần nầy chính phủ Hoa Kỳ lờ đi, không trả lời trực tiếp cho Thượng Tọa nữa. Tuy nhiên, trong một công điện của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gởi cho Tòa Đại sứ tại Sài Gòn, Đại sứ Lodge (vừa trở lại Sài Gòn) được chỉ thị phải báo cho Tướng Kỳ biết các điểm sau đây: 1) Chính phủ Hoa Kỳ rất quan tâm về tình hình tại VNCH; 2) Chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo chính phủ VNCH nên tìm cách thỏa hiệp với nhũng người chống đối để chấm dứt các cuộc biểu tình và những cuộc đụng độ đổ máu, và phải thực hiện cho bằng được cuộc bầu cử QHLH; 3) Tướng Kỳ nên có buổi họp với Tướng Thi và các tướng ly khai (Tướng Tôn Thất Đính và và Tướng Phan Xuân Nhuận) để đạt đến thỏa hiệp.33
Ngày 31-5, một phái đoàn 6 người của Viện Hóa Đạo do Thượng Tọa Tâm Châu cầm đầu đã họp với 6 thành viên của UBLĐQG tại Dinh Gia Long. Ngày hôm sau, UBLĐQG thông báo sẽ nới rộng thành phần bằng cách mời thêm 10 nhân vật dân sự tham gia, đồng thời sẽ thành lập một Hội Đồng Quân Dân để cố vấn cho UBHPTƯ.34 Phe cứng rắn trong phong trào tranh đấu, dưới ảnh hưởng của Thượng Tọa Trí Quang, lập tức phản đối lập trường ôn hòa của Thượng Tọa Tâm Châu. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự chia rẽ trong khối Phật Giáo mà sau nầy sẽ đưa đến việc phân chia Phật Giáo thành hai phe: phe Ấn Quang (do Thượng Tọa Trí Quang lãnh đạo) va phe Việt Nam Quốc Tự (do Thượng Tọa Tâm Châu lãnh đạo). Một số Phật tử đã bị phe cứng rắn trong phong trào tranh đấu xúi dục thực hiện một loạt những vụ tự thiêu để làm áp lực với chính phủ: ngày 3-6, một ni cô trẻ tên Bảo Luân tại Sài Gòn; ngày 4-6, một tăng sinh 15 tuổi ở Quảng Trị; ngày 17-6, một nữ Phật tử tên Đỗ Thị Ngọc tại Viện Hóa Đạo; ngày 18-6, một nữ Phật tử tên Đào Thị Tuyết cũng tại Viện Hóa Đạo. Tuy nhiên, những vụ tự thiêu nầy hoàn toàn không gây được ảnh hưởng gì cả đối với chính sách cứng rắn của chính phủ đối với phong trào tranh đấu tại Miền Trung.
Trong thời gian nầy, Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, thay đổi lập trường, quay lại cộng tác với các lực lượng của chính phủ, và rút Bộ Chỉ Huy của ông ra khỏi Huế vào ngày 30-5. Ngày 31-5, Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, được bổ nhiệm Tư Lệnh Vùng I thay cho Thiếu Tướng Trần Thanh Phong. Lực lượng của chính phủ, sau khi đã kiểm soát xong hoàn toàn Đà Nẳng, bắt đầu tiến ra Huế. Ngày 5-6, một lực lượng khoảng 3.000 quân của chính phủ đã đến Huế. Ngày 7-6, 3 tiểu đoàn TQLC và Nhảy Dù được không vận bằng trực thăng đến phi trường Phú Bài và chiếm giữ các vị trí cách Huế độ 8 km. Huế bây giờ đã trở thành một thành phố bỏ ngỏ, không có lực lượng nào của phe tranh đấu bảo vệ nữa cả. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng nầy, để ngăn chận quân chính phủ, vào ngày 6-6, Thượng Tọa Trí Quang ra lệnh cho Phật tử mang tất cả các bàn thờ Phật từ trong các chùa và tư gia ra đặt ngoài đường. Lệnh nầy được các đoàn viên của Đoàn Sinh Viên Học Sinh Quyết Tử thi hành triệt để. Họ đến từng nhà dân và ép buộc dân phải mang bàn thờ Phật ra đường. Kết quả của cái lệnh cực đoan nầy của Thượng Tọa Trí Quang, là tất cả đường phố trong các quận của thành phố Huế cũng như trên các ngả đường tiến vào thành phố Huế đều bị cản trở lưu thông bằng những bàn thờ Phật.35 Ngày 8-6, Thượng Tọa Trí Quang quyết định tuyệt thực vô hạn định.
Vì các binh sĩ trong các lực lượng chính phủ từ chối không đụng vào các bàn thờ Phật nầy, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan phải sử dụng Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến, được không vận từ Sài Gòn ra Huế, để dẹp các bàn thờ trên các con đường của thành phố Huế. Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận ra trình diện và được đưa vào Sài Gòn để chờ ra xét xử truớc Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt của QLVNCH. Đại Tá Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm thay ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Ngày 20-6, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi cũng bị bắt tại tư gia ở Huế và cũng được dưa vào Sài Gòn chờ xét xử như Chuẩn Tướng Nhuận. Ngày 21-6, Thượng Tọa Trí Quang cũng được quân chính phủ đưa vào Sài Gòn, với lý do là để giúp Thượng Tọa phục hồi sức khoẻ sau khi tuyệt thực nhiều ngày. Thương Tọa được đưa vào bệnh viện tư của Bác sĩ Nguyễn Duy Tài trên đường Duy Tân, bên ngoài có binh sĩ canh gát. Trong những ngày kế tiếp, trên 1.000 binh sĩ đủ các cấp, trước kia đã theo phong trào tranh đấu, ra trình diện với các lực lượng chính phủ; một số được chở bằng phi cơ vào Sài Gòn để giam giữ tại Nha An Ninh Quân Đội; số còn lại được đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Hơn 2.000 người thuộc thành phần dân sự bị giam giữ để điều tra; một số được trả tự do, số còn lại bị đưa ra toà xử về tội phá rối trị an theo bộ Hình Luật.36 Một số lãnh tụ của phong trào tranh đấu, phần lớn là giáo sư và sinh viên, được Mật Trận Giải Phóng Miền Nam tiếp xúc, và giúp đở cho trốn khỏi Huế để gia nhập Mặt Trận (người địa phương gọi chung hành động nầy của họ bằng danh từ nhảy núi); chính những người nầy đã trở lại Huế cùng với quân của Mặt Trận trong vụ Tết Mậu Thân 1968
Kết Luận
Vào đầu tháng 7-1966, Hội Đồng Kỷ Luật Đặc Biệt của QLVNCH đã nhóm họp hai ngày liên tiếp (8 và 9 tháng 7) để xét các trường hợp của các vị tướng dính líu vào vụ Biến Động Miền Trung. Các vị tướng nầy là: Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, và Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Vào cuối ngày thứ nhì bản án được tuyên bố như sau cho tất cả: phạt 60 ngày trọng cấm và cho ra khỏi quân đội bằng giải ngũ hoặc về hưu. Riêng Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận còn bị lột lon tướng và giáng xuống cấp Đại Tá.37 Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi được lệnh phải rời khỏi Việt Nam. Ông và hai người con trai rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào ngày 31-7-1966.38
Cuộc Biến Động Miền Trung vào mùa Hè năm 1966 chấm dứt với hai hậu quả rất quan trọng: 1) Chấm dứt thời kỳ chế ngự chính trường VNCH của Phật Giáo sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ; 2) Mở đầu cho thời kỳ dẫn đến sự thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Lâm Vĩnh Thế
(cựu SV ĐHSPSG, ban Sử Địa, 1960-1963)
____________________
Ghi Chú:
1. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày (Los Alamitos, Calif. : Xuân Thu, 1989), tr. 42.
2. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 43.
3. Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam : một trời tâm sự (Los Alamitos, Calif. : Anh Thư, 1987), tr. 311. Tác giả ghi như sau: Nay chỉ còn cùng nhau bầu một vị Thủ tướng để thay ông Phan Huy Quát và thành lập chính phủ mới. Đột nhiên tôi nghe tên tôi được đề nghị và toàn thể hội nghị vỗ tay rất lâu. Tác giả đã từ chối đề nghị nầy, viện cớ là ông không thích làm chính trị, ông viết như sau: Như quý vị đã thừa biết, tính tôi rất bộc trực và thẳng thắn, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi phải làm chính trị. Thiên hạ từ xưa đến nay cứ thường bảo làm chính trị thì phải thủ đoạn, và tôi thấy thủ đoạn ở họ, tiếc thay lại đồng nghĩa với xảo trá, gian manh. Tôi vốn lại không biết thủ đoạn, lại rất khinh bỉ thủ đoạn từ lúc còn thiếu thời. Tôi xin cám ơn tất cả anh em đã đặt lòng tin vào tôi, tiếc thay tôi không thể nào chấp nhận được, và xin nhường cho người khác. Sự thật, lời từ chối nầy của Tướng Thi có thể đã có tính toán trước như được trình bày như sau đây trong quyền hồi ký của Đại Tá Phạm Văn Liễu, một người rất thân cận với Tướng Thi: Ông Thi vì thời gian quá gấp gáp, về chính sách, đường lối và nhân sự không chuẩn bị kịp, chưa tiện nắm chức Chủ tịch UBHPTU. Trong vài buổi họp giới hạn, anh Như Phong khuyên ông Thi không ứng cử hầu có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn. Tôi cũng tán thành. Ông Thi suôi theo. Đây là một ước tính rất sai lạc. (Phạm Văn Liễu, Trả ta sông núi : hồi ký. Tập II : 1963-1975. Houston : Văn Hóa, 2003, tr. 301). Chính Tướng Thi cũng có viết như sau, ở tr. 312, trong cuốn hồi ký của ông: Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi tôi nói vừa chấm đứt thì được nghĩ mấy phút giải lao, tự nhiên Nguyễn Văn Thiệu đi ngang, ghé tai tôi nói nhỏ: Để cho thằng Kỳ làm đi. Tướng Kỳ cũng biết rõ những khó khăn khi nhận lời đề nghị làm Chủ Tịch UBHPTƯ; ông viết như sau trong quyển hồi ký: Of course everyone who refused the job knew perfectly well that we were going through an extremely difficult phase in which the chances of failing loomed larger than any slim hopes of success. (Nguyễn Cao Kỳ, Twenty years and twenty day. New York : Stein and Day, 1976, tr. 67).
4. Nguyễn Chánh Thi, sđd, tr. 335. Tác giả viết như sau: Một hôm anh trùm CIA tên là Rib Robinson đến gặp tôi ở văn phòng. Anh ta than phiền rằng CIA được báo cáo là tôi đã hiểu sai lầm về vai trò của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Anh ta nói thẳng những ghi nhận của Hoa Kỳ về tôi: – Tinh thần chống Mỹ mỗi ngày mỗi rõ rệt; – Cụ thể là phản đối Hội nghị Honolulu; – Khuyến khích dân chúng miền Trung không hợp tác với chính phủ trung ương Saigon; – Nhiều lần không tuân lệnh Saigon một cách bướng bỉnh.
5. Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử (Paris : Phạm Quang Khai, 2000), tr. 270-271. Tác giả viết như sau về việc soạn thảo bản thông cáo chung của Hội Nghị Thượng Đĩnh Honolulu: phái đoàn Hoa Kỳ còn đề nghị ghi rõ một số cam kết của chính phủ Việt Nam nhằm tiến tới việc thành lập trong tương lai một chính phủ dân chủ hợp hiến Những cam kết nầy có tính cách cụ thể và gồm việc soạn bản dự thảo hiến pháp, đưa ra trưng cầu dân ý, rồi sau đó tổ chức một chính phủ dân cử.
6. Sự kiện nầy được cả 2 Tướng Kỳ và Thi cùng ghi lại trong hồi ký của hai ông. Trong cuốn Buddha’s child (Nguyễn Cao Kỳ và Marvin J. Wolf. Buddha’s child : my fight to save Vietnam. New York : St. Martin’s Press, 2002, tr. 197), ông Kỳ thuật lại như sau: I went to Hue with General Huu Co, the minister of defense, for a routine and previously scheduled visit. It began with a meeting at the Hue city hall with top I Corps military and civil officials. Throughout the country, on every such previous occasion, the corps commander personally conducted the briefing. This time, however, Thi gave this task to the deputy governor. Most of what this civilian said was critical of the Saigon government-my government. It caught me by surprise. As I sat listening, I began to wonder, How is it that this third-rank civilian dares to challenge me ? Why does the rat come to play with the tiger ? Something is wrong.. Trong hồi ký của ông, Tướng Thi kể lại như sau: Ngày 2 tháng 3 năm 1966, Cao Kỳ ra Huế tiếp xúc với thân hào nhân sĩ và các đoàn thể nhân dân tại Tòa Đại Biểu Chánh Phủ. Một nhân sĩ của Huế, ông Hồng Dũ Châu được mời đứng ra phát biểu. Ông nói: Chính phủ của dân nghèo ra đời tại Saigon đã 8 tháng nay. Suốt thời gian ấy chưa thấy làm được gì cho dân nhờ, chỉ thấy nay lệnh nầy mai lệnh khác trái ngược nhau, khiến chúng tôi bối rối, không biết lệnh nào đúng mà thi hành. Gạo cơm tiếp tế cứ bị thiếu hụt mãi, hỏi thì trung ương Saigon cú bảo chờ lệnh. Dân đói, lại bị bảo lụt đói thêm, thử hỏi sẽ phải chờ đến bao giờ ? Đến bây giờ, có mặt ông Thủ tướng của cái Chính phủ của dân nghèo ở đây, tôi xin thưa thật với ông rằng ông thật xứng đáng, bởi vì sau 8 tháng ông cầm quyền, dân đã nghèo lại nghèo thêm, có lẽ không thể nghèo hơn được nữa ! Nguyễn Cao Kỳ không nén nổi tức giận, quên cả cương vị Thủ tướng của mình, xông ra ngắt lời ông Hồng Dũ Châu, sừng sỏ như sắp đi đánh lộn ở một tiệm nhảy đầm nào đó: – Ông là cái thớ gì mà dám nói với một vị Thủ tướng Chánh phủ như thế ? Đồ vô phép ! Câm mồm ! Nguyễn Cao Kỳ về lại Saigon, có lẽ mang mối hận không nguôi vì bị người dân miền Trung cho một bài học đích đáng. Vì thế y quyết định triệt hạ tôi từ sau chuyến đi Huế ấy. (tr. 335). Chúng ta khó có thể tin 100% vào những lời tường thuật của Tướng Thi nhưng sự thật lịch sử có thể ghi nhận là rõ ràng Tướng Kỳ đã bị mất mặt rất nhiều tại buổi họp nầy.
7. Tướng Kỳ đã ghi lại không đúng sự thật trong hồi ký Buddha’s child của ông khi ông nói là ngay sau khi phi cơ của ông vừa cất cánh lên tại sân bay Phú Bài (Huế) thì ông ra lệnh cho Tướng Có gởi công điện cách chức Tướng Thi ngay lập tức. Ông viết như sau: I turned back to Co and said, As soon as we are airborne, use the aircraft radio and send a cable to Thi, relieving him of his command. Co, stunned, asked: What did you say? I repeated myself, and a few minutes later he sent the cable. Sự thật không phải như thế, như ta sẽ thấy trong ghi chú số 8 kế tiếp.
8. Gibbons, William Conrad, The U.S. Government and the Vietnam War : executive and legislative roles and relationships. Part IV : July 1965 – January 1968 (Princeton, N.J. : Princeton University Press, 1995), tr. 268-269. On March 9, Ambassador Lodge received a telephone call from Ky’s office asking him to come immediately to a meeting with the Premier. Ky asked Lodge for advice about removing Thi, saying that at a meeting earlier that day other members of the junta had favored removal. He added that he could not continue as Premier unless this was done. Lodge replied that, as U.S. Ambassador, he could not comment, but speaking unofficially and as a friend he thought Ky should plan his moves carefully and should document his case against Thi before acting.
9. Phạm Bá Hoa, Đôi dòng ghi nhớ : hồi ký chính trị, 1963-1975. Ấn bản lần 4. (Houston : 2007), tr. 192-203. Lời kể lại câu chuyện nầy của tác giả rất đáng tin vì, vào thời điểm đó, tác giả mang cấp bậc Trung Tá và là Chánh Văn Phòng của Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng. Tác giả được lệnh của Tướng Viên tổ chức và cung cấp mọi phương tiện cho buổi họp tại Bộ Tổng Tham Mưu khi Tướng Thi bị các tướng lãnh loại ra khỏi chức vụ Tư Lệnh Vùng I.
10. Liên Thành, Biến động Miền Trung : những bí mật chưa tiết lộ : giai đoạn 1966 – 1968 – 1972 (Westminster, Calif. : Tổng Hội Biệt Động Quân QLVNCH, 2008), tr. 24.
11. Gibbons, Part IV, sđd., tr. 281-282. General Nguyen Van Chuan, who had replaced Thi as Commander of South Vietnamese Forces in I Corps, was opposed to using troops against the dissidents, however, and blocked exits to Danang from the air base to prevent the marines from moving toward the city. At the same time, the commander of the 1st ARVN Division stationed in Hue, General Phan Xuan Nhuan, together with other officers from the division, announced his support for the Struggle Movement and vowed to resist efforts by the government to use force against Hue.
12. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 212.
13. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd., tr. 66-67.
14. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 294. [Generals Thieu and Ky also] agreed to take certain actions stipulated by the Congress, among which were that the military government would resign as soon as elections for the Assembly were held,
15. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 70.
16. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 69.
17. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 72.
18. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 299. Three options were assessed: Option A: To continue roughly along the present lines, in the hope that the setback is temporary. Option B: To continue roughly along the present lines, perhaps with a decrease in the rate of entry of US troops, but moving more actively to stimulate contact between the Saigon government and elements in the Viet Cong. Such contact could either begin with a public call for negotiations by the GVN or with covert tentative feelers. After the rough outlines of the VC position had been determined, the US would then decide on whether to press the GVN to continue negotiations or to support the GVN in its reluctance to accept difficult terms. Option C: To decide now that the chances of brigning about an independent and non-Communist South Vietnam have shrunk to the point where, on an over-all basis, the US effort is no longer warranted. This would mean setting the stage where, at the proper moment, steps can be taken that would probably lead to a disengagement and withdrawal.
19. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 300.
20. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 301. it may be more realistic and advisable to favor the ceding of authority to the constitutional assembly once elected. That body could either confirm the continuation of the present government as a caretaker until there will be new elections under the constitution, broaden the present government or, a less satisfactory alternative, install an entirely new government.
21. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 72.
22. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 73.
23. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 81.
24. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 301. On May 6, Ky, apparently without consultation with the U.S., announced that his government would remain in power until the election in 1967 of a new government under the constitution.
25. Vietnam : the definitive dosumentation of human decisions / Gareth Porter, soạn giả. (Stanfordville, N.Y. : E.M. Coleman Enterprises, 1979), tr. 424. Trong tài liệu mang tên Briefing paper for the President’s talks with Lodge (on the duration of the Ky Government), May 12, 1966, có ghi như sau về lập trường của chính phủ Hoa Kỳ: Without regard to the political realities, the U.S. preference would clearly be for the continuation of the Directorate and the Ky Government in power until replaced by a permanent government chosen under a constitution. In light of political realities, however, the U.S. should avoid committing itself to seek the continuation in office by the Ky Government in the interim period after elections. The resolution of this issue is likely to be a product of the political process itself. We could defeat our objective of continuity by entering into the dabate. We should, therefore, continue to monitor the situation closely, and periodically renew the question of our intervention.
26. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 86.
27. Report regarding the situation in Danang as South Vietnamese Marines move into the area, Declassified Documents Reference System (Stamford, Conn. : Thomas Gale; sau đây sẽ viết tắt là DDRS), công điện của CIA, đề ngày 15-05-1966, giải mật ngày 21-05-1998, 7 tr. Ở tr. 1, At 0630 seven tanks under marine command took over I Corps Headquarters in Danang, disarming Vietnamese army troops there. One or two platoons occupied the Struggle Headquarters at Pho Da Pagoda.
28. South Vietnam attempts to reassert government control in Danang, DDRS, công điện của CIA, đề ngày 15-05-1966, giải mật ngày 21-05-1998, 4 tr. Ở tr. 1, On the evening of 15 May 1966 Danang city to be held by Government of Vietnam (GVN) forces. The curfew, which is from 0800 hours to 0500, was being effectively enforced in Danang by marines, and the city was quiet.
29. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 316-317. At 5:39 a.m. (Washington time) that day (Sunday, May 15), the State Department revceived a cable from Saigon containing a message from Tri Quang to President Johnson as follows: Buddhists and people of I Corps have shown their good will by stopping all activities. But morning May 15 the Thieu-Ky group once again brought Marines and Air Force troops to Danang to attack the soldiers and civilians of I Corps, encircling and preparing to attack the main Buddhist places of worship. Arms have been fired, and the people are being oppressed. I urgently appeal to your responsibility to intervene. Respectful thanks. Later that day, the State Department sent this message to Tri Quang: We are aware of your concern over the recent events in Danang. The efforts and influence of the U.S. Government will be used to persuade all elements and groups in South Vietnam to find a resolution to their difficulties and to establish the unity required if South Vietnam is to maintain its freedom and independence.
30. Liên Thành, sđd, tr. 28. Sách 1966 : việc từng ngày của tác giả Đoàn Thêm, ở tr. 89, thì ghi cấp bậc của vị sĩ quan này là Thiếu Úy.
31. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 93.
32. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 321, On May 21, after clashes between government troops and dissidents in Danang, and an attack on a pagoda in which monks and nuns were killed, wounded or arrested, Tri Quang gave the American consulate in Hue a message for President Johnson requesting the end of U.S. assistance to Ky and Thieu and a ban on the use against the Buddhists of tanks and aircraft given to South Vietnam to fight the Communists.
33. Gibbons, Part IV, sđd, tr. 322. There is no acceptable course, the cable said, except for GVN leadership and dissidents to find some compromise modus vivendi which will stop fighting and demonstrations and permit all efforts to be turned to fighting VC, preparing for elections and bringing inflation under control. Further, Lodge should stress the need for Ky to meet with Thi, as well as other dissident generals (Nhuan and Dinh), to seek a modus vivendi.
34. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 101 and 103.
35. Liên Thành, sđd, tr. 51.
36. Liên Thành, sđd, tr. 56.
37. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 229.
38. Đoàn Thêm, 1966 : việc từng ngày, sđd, tr. 156.
(Trích từ sách: Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967 : những năm xáo trộn. Hamilton, Ont. : Hoài Việt, 2010. Muốn đặt mua sách xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua điện thoại 905-544-9418 hay qua điện thư lam.vinhthe@yahoo.com <mailto: lam.vinhthe@yahoo.com>).
Nguồn bài đăng