25/05/2017, 00:25

Phân tích Thu hứng của Đỗ Phủ.

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ để thấy được cảm hứng chủ đạo bao trùm lên bài thơ. Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực nổi tiếng bậc nhất của nền văn học Trung Hoa. Hiện thực xã hội Trung Quốc thông qua từng trang thơ của Đỗ Phủ được phản ánh rõ nét đến từng chi tiết, hay nói ...

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ để thấy được cảm hứng chủ đạo bao trùm lên bài thơ. Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực nổi tiếng bậc nhất của nền văn học Trung Hoa. Hiện thực xã hội Trung Quốc thông qua từng trang thơ của Đỗ Phủ được phản ánh rõ nét đến từng chi tiết, hay nói cách khác, thông qua các tác phẩm của Đỗ Phủ thì độc giả có thể thấy được toàn cảnh bức tranh của xã hội Trung Quốc đương thời. Không chỉ phản ánh hiện thực, phản ánh lịch sử mà Đỗ ...

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ để thấy được cảm hứng chủ đạo bao trùm lên bài thơ.

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực nổi tiếng bậc nhất của nền văn học Trung Hoa. Hiện thực xã hội Trung Quốc thông qua từng trang thơ của Đỗ Phủ được phản ánh rõ nét đến từng chi tiết, hay nói cách khác, thông qua các tác phẩm của Đỗ Phủ thì độc giả có thể thấy được toàn cảnh bức tranh của xã hội Trung Quốc đương thời. Không chỉ phản ánh hiện thực, phản ánh lịch sử mà Đỗ Phủ còn thể hiện được nỗi đồng cảm sâu sắc với nhân dân khổ nạn, chứa chan tình yêu nước và tinh thần nhân đạo. Trong số các tác phẩm của ông, bài thơ “Cảm xúc mùa thu” (Thu hứng) là một bài thơ tiêu biểu, tiêu biểu cho cảm hứng thơ ca trầm uất, nghẹn ngào.

Viết về hiện thực, viết về cuộc sống của người dân nhưng văn thơ của Đỗ Phủ không thể hiện một cách lí tính, khách quan như những tác phẩm thường thấy, ông viết thơ với một tâm hồn dạt dào cảm xúc, với sự gắn bó tha thiết và đồng cảm sâu sắc với cuộc sống người dân. Cũng có lẽ vì lí đó mà người ta gọi tài năng thơ ca của Đỗ Phủ với cái danh hiệu đầy cao quý “Thi thánh”, điều đặc biệt nhất đặc trưng cho phong cách thơ ca của Đỗ Phủ chính là giọng thơ trầm uất, nghẹn ngào, nên trong rất nhiều tác phẩm ta bắt gặp một giọng thơ trầm buồn, đôi khi là u uẩn, không lối thoát. Bài thơ “Cảm xúc mùa thu” là bài thơ thể hiện được tâm tư của nhà thơ cũng như tình cảm sâu nặng dành cho quê hương, đất nước.

“Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm”
Dịch:
(Lác đác rừng phong hạt mưa sa
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa)

Mở đầu bài thơ, nhà thơ Đỗ Phủ đã vẽ ra một khung cảnh rộng lớn, mênh mông nhưng lại hoang vắng, điêu tàn. Hình ảnh rừng phong thường xuất hiện với một sắc đỏ rực, gợi cho người ta liên tưởng đến sự sống nồng nhiệt, mang đến cảm xúc dạt dào. Nhưng cũng là hình ảnh rừng phong ấy, trong bài thơ này của Đỗ Phủ lại xuất hiện, mang đến những cảm giác khác hẳn. Sự khác biệt ấy có lẽ không nằm ở bản thân rừng phong mà do những yếu tố bên ngoài tác động, chi phối làm thay đổi cảm giác của con người. Đó chính là những làn sương trắng bao phủ lên rừng phong, làm cho sắc đỏ vốn có trở thành sắc trắng đầy bi thương. Và trong cảm nhận của nhà thơ thì chính những làn sương trắng vô tình ấy đã làm “điêu tàn” cả rừng phong, làm cho rừng phong mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.

Vu Sơn và Vu Giáp vốn là hai địa danh thuộc vùng thượng lưu sông Trường Giang, vốn rất hùng vĩ hiểm trở, về thu khí trời càng mù mịt. Vốn dĩ hai ngọn núi này đã mang nét hùng vĩ, tịch mịch nhưng khi tiết trời vào thu thì không gian tịch mịch ở hai địa danh này được đẩy lên cao độ “Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm”, chúng được xuất hiện với vẻ tiêu điều, hoang vắng, và trong cách diễn đạt của nhà thơ thì “khí sơn”, tức linh khí của vùng núi này mang đến cho con người cảm giác xa lạ, lạc long. Như vậy, hai câu thơ đầu nhà thơ Đỗ Phủ vừa gợi ra được cái điêu tàn của rừng phong lại vừa gợi ra nét hoang tàn, tịch mịch của núi rừng. Bức tranh mùa thu tràn ngập sắc buồn và cảm xúc bâng khuâng, nghẹn ngào.

“Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm”
Dịch:
( Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây ùn cửa ải xa)

Nếu như hai câu thơ đầu tiên, nhà thơ phác họa bằng những nét tả tĩnh đến tuyệt đối, thì hai câu thơ sau lại là sự chuyển động, di dời của những hiện tượng mây trời, sóng nước. Nhưng dù có tả tĩnh thì bức tranh thơ cũng không bớt u ám, trầm uất mà ngược lại, làm cho những tính chất buồn, u uất ấy được đẩy lên đỉnh điểm. “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng”, ở khoảng giữa của dòng sông, những con sóng chuyển động dữ dội, vọt lên đến tận lưng trời, đang trong vẻ tịch mịch của khung cảnh núi rừng thì hình ảnh sinh động của những con sóng đã mở ra cho người đọc một trường cảm xúc mới cùng với những liên tưởng độc đáo.

Nhưng cái dạt dào, sôi động của dòng sông cũng không làm cho bức tranh mùa thu thêm tươi sáng mà làm đậm đặc thêm phần u tối, bởi chỉ ngay trong câu thơ sau đó, nhà thơ cũng thể hiện sự nghẹn ngào “tái thượng phong vân tiếp địa âm”, từ trên núi cao, mưa gió bắt đầu bứt xuống làm sa sầm cả mặt đất, không gian như bị thu hẹp hơn khi mưa gió từ trên núi cao bắt đầu đổ xuống, nó không những không rửa trôi được nét hoang tàn của cảnh vật mà ngược lại càng làm cho không gian thêm sa sầm, u tối. Từ bức tranh của cảnh vật, ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ Đỗ Phủ lại vẽ ra một bức tranh đầy tâm trạng:

“Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm”
Dịch:
(Khóm trúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà).

Ta có thể dễ dàng nhận thấy, đến những câu thơ này, nhà thơ không đi phác thảo, chấm phá cảnh sắc của cảnh vật mà vẽ ra bức tranh nội tâm của chính mình. “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ”, khóm trúc hai lần nở hoa và lần nở này vẫn làm tuôn rơi nước mắt như năm ngoái. “Tùng”, “cúc” là những loài thực vật tiêu biểu đại diện cho sức sống mãnh liệt của con người, nhưng ở đây những loài cây tưởng chừng như cứng cỏi ấy cũng phải rơi nước mắt, mà những giọt lệ này cũng không phải lần đầu tuôn chảy. Câu thơ gợi cho ta liên tưởng về tâm trạng đau khổ của nhà thơ khi sống trong thời đại xã hội nhiều đổi thay, biến loạn.

Hình ảnh con thuyền cô đơn làm thắt chặt thêm nỗi nhớ nhà của Đỗ Phủ “Cô chu nhất hệ cố viên tâm”, đó chính là nỗi nhớ hướng về quê hương của người con xa sứ, qua đây ta cũng có thể thấy được những tình cảm yêu thương, gắn bó của nhà thơ với quê hương của mình, vì dù tha phương nơi nào thì tấm lòng yêu thương ấy vẫn luôn hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Nếu đọc thơ Đỗ Phủ ta cũng có thể thấy đây là một tình cảm thường trực, chi phối ngòi bút của nhà thơ. Và nỗi nhớ ấy vẫn không thôi thao thức, da diết trong tâm hồn của nhà thơ, vì từ nỗi nhớ nhà, Đỗ Phủ đã hướng đến cuộc sống đơn sơ, bình dị nhưng đầy gắn bó:

“Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch đế thành cao cấp mộ châm”
Dịch:
(Lạnh lùng giục kẻ tay dao tay thước
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà)

Câu thơ cuối đã thể hiện được cuộc sống sinh hoạt bình dị của người dân, trong cuộc sống sinh hoạt của người dân Trung Quốc, âm thanh tiếng chày đạp vải rất quen thuộc, bởi vải để may áo rét rất dày và cứng, nên người ta phỉa ngâm nước rồi đặt lên đá,dùng chày để đập mềm ra mới được. “Hàn y xứ xứ thôi đao xích” thể hiện được một thói quen của con người Trung Quốc xưa, vì vào mùa thu thì người ta thường đập vải để may áo chống rét, đặc biệt là dùng để gửi cho những người lính trấn thủ nơi biên cương. Bởi vậy mà âm thanh tiếng chày đập vải trong bóng hoàng hôn cũng là đặc trưng của mùa thu và gợi nỗi buồn da diết “Bạch đế thành cao cấp mộ châm”.

Bài thơ “Cảm xúc mùa thu” đã thể hiện được những cảm xúc đầy nghẹn ngào, u uất của nhà thơ Đỗ Phủ trước khung cảnh của mùa thu. Và trong dòng cảm nhận ấy, mùa thu mang nét hoang tàn, điêu thương vì nó gợi ra cảm giác mất mát, tiếc nuối, chia li. Và từ bức tranh mùa thu, nhà thơ Đỗ Phủ đã khéo léo lồng vào ấy một bức tranh khác, đó chính là bức tranh của nội tâm, bức tranh của cảm xúc, thể hiện nỗi nhớ da diết cùng những tình cảm gắn bó dành cho quê nhà của mình.

0