13/01/2018, 16:45

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Văn hay lớp 11

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Văn hay lớp 11 Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Nghệ An Nhắc đến Vũ Trọng Phụng không ai không biết rằng ông là “ông vua phóng sự ...

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Văn hay lớp 11

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Nghệ An

Nhắc đến Vũ Trọng Phụng không ai không biết rằng ông là “ông vua phóng sự của đất Bắc Kì”. Đến với ông người đọc sẽ được chiêm ngưỡng một công trình đồ sộ về thể loại phóng sự và tiểu thuyết. Ông để lại cho đời nhiều kiệt tác bất hủ như: Cạm bẫy người( năm 1933), Giông tố ( năm 1936), Vỡ đê( năm 1936)….nhưng có lẽ đặc sắc hơn cả là tiểu thuyết “Số đỏ”, tiểu thuyết đã phơi bày được hiện thực lúc bấy giờ. Nổi bật hơn cả là tác phẩm” hạnh phúc của một tang gia” trích từ chương XV. Trong tác phẩm, tác giả đã nêu cao được nghệ thuật trào phúng  đặc sắc của ngòi bút riêng mình.  

Trước hết nghệ thuật trào phúng đặc sắc được thể hiện ở tên tác phẩm ”Hạnh phúc của một tang gia”. Ngay ở tên tác phẩm đã là một điều không bình thường, tang gia và hạnh phúc là hai cặp từ đối nhau. Nếu như hạnh phúc là niềm vui sướng, sự thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người. Thì tang gia là nỗi buồn của một gia đình có người thân mất. Trong giây phút sinh ly từ biệt ấy thì bao chùm lên phải là không khí khổ đau sầu thương não nề. Vậy mà trong đám tang của một gia đình đại tư sản danh giá nhất đất Hà Thành những đứa con đứa cháu, không một đứa nào thương tiếc sầu não. Mà ngược lại cái chết của cụ tổ đã đem lại cho con cháu của cụ một niềm hạnh phúc vô bờ. Vậy tại sao tang gia lại hạnh phúc, nghe qua tưởng rằng nghịch lí của cuộc đời. Nhưng đó lại là sự thật diễn ra trong gia đình đại tư sản kia. Người mất là ông cụ tổ của một đại gia đình có gia tài kếch xù. Nhưng oái oăm thay di trúc mà cụ viết chỉ được chia cho con cháu khi cụ đã qua đời. Vì vậy đàn con cháu rất muốn cụ chết để được chia tài sản. Chúng đã cho cụ dùng thuốc thánh mà không chết. Mà cụ chỉ chết khi tên Xuân Tóc Đỏ nói ông phán cháu rể của cụ là một người chồng “mọc sừng”. Sau ba hôm cụ chết thật, nay cụ đã chết ước mơ chia gia tài đã trở thành hiện thực. Vì vậy cái chết của cụ đã khiến cho nhiều người sung sướng lắm. Thành thử ra tang gia ai cũng vui vẻ cả.  

Thật vậy khi xây dựng mâu thuẫn trào phúng Vũ Trọng Phụng đã dựng lên một chân dung trào phúng vô cùng đặc sắc. Không phải những nhân vật này giờ mới xuất hiện mà ngay trong các chương khác, các nhân vật ấy vốn dĩ đã rất đốn mạc. Nay trong hoàn cảnh tang gia bản chất lừa lọc, thất đức, bốc biết càng có dịp bộc lộ rõ nét. Ta hãy xem những khuôn mặt nhăn nhó đau đớn như thế nào khi trong gia đình và ngoài gia đình đã mất đi một người thân?

Trước hết bản chất chó đểu ấy phải bắt đầu từ chân dung cụ cố Hồng- con trai cụ tổ. Trong lúc tang gia đang bối rối lo đủ thứ thì ông ta lại lên tầng trên tận hưởng những giây phút thư giãn. Mơ màng trong làn khói hút của nàng tiên nâu, ung dung hút thuốc phiện. Trong hoàn cảnh gia đình nhốn nháo, thằng bòi tiêm đã đếm được 1872 câu gắt “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng. Có lẽ tâm địa bất lương của cụ cố Hồng được thể hiện rõ nhất trong sự mong chờ cụ tổ chết để được mặc đồ xô gai và để người ta khen già:” cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừ ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: úi kìa, con giai lớn đã già đến kia kìa”. Vì chỉ có gia đình đại phúc mới có người sống thọ, chỉ nghĩ đến thể thôi đã làm cụ sung sướng lắm rồi. Còn bà cụ cố Hồng chẳng lo nghĩ gì đến đám tang mà lại lo cho đám cưới của Tuyết. Cụ cho người đi tìm đâu cũng không thấy Xuân Tóc Đỏ. Cụ không phải chăn chở cho người đã mất mà cho người đang sống.  

Đến những đứa con cụ tổ dứt ruột đẻ ra nuôi trưởng thành mà còn như thế huống chi đám cháu chắt kia. Vẻ mặt đăm đăm chiêu chiêu của Văn Minh không phải buồn vì người đã mất mà  không biết xử lí Xuân Tóc Đỏ ra sao cho hợp lí. Trước “ hai tội nhỏ và một ơn lớn”. Hai tội nhỏ là yêu Tuyết và đã chỉ được tội của Hoàng Hôn. Cả hai đều là em của Văn Minh. Còn cái ơn lớn kia là đã làm cho cụ già kia chết chỉ vì một câu nói. Hơn thế Văn Minh còn sung sướng vì “cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”. Đó chính là niềm vui niềm hạnh phúc bấy lâu nay của Văn Minh mong chờ. Còn bà Văn Minh thì sao? Bà “sốt cả ruột  vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ vân trắng viền đen dernires creations” và bà cũng rất sung sướng có dịp để “ lăng xê” những bộ mốt nhất của tiệm may Âu hóa trong đám tang. Việc lăng xê và trưng diện đồ mốt ấy theo bà nghĩ rằng ban cho ai có tang rất đau đớn vì kẻ đã chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Đó chính là niềm vui niềm hạnh phúc bà đang mong chờ. Trong hoàn cảnh ấy Tuyết buồn, khuôn mặt buồn đến lãng mạn trông nom giống cái buồn của một gia đình có người mất. Đó không phải nỗi buồn khi ông mất mà  buồn vì chưa thấy bạn trai đâu cả. Tuyết ngơ ngác đặt ra từng câu hỏi dồn dập “tại sao Xuân lại không đến phúng viếng gì cả? Tại sao Xuân lại không đi đưa? Hay là Xuân khinh mình?” Tuyết cứ tìm kiếm mà không thấy đâu, Tuyết như bị kim châm vào lòng. Bên cạnh nỗi buồn vì không thấy bạn trai đâu thì còn niềm vui sướng vì Tuyết được mặc “ bộ y phục ngây thơ”. Đó là cơ hội để Tuyết chứng minh được “ mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Đọc lên người đọc thấy lực cười và buồn thay cho Tuyết, bản thân từ “cả” đã khẳng định rằng  nó chưa mất hẳn nhưng đâu còn nguyên vẹn nữa. Còn đối với cậu Tú Tân điên người lên “vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu chưa được dùng đến”.

Cậu sung sướng vì đây là dịp thể hiệ  tài đạo diễn đội quân chụp ảnh của mình. Cậu bắt bẻ, uốn éo từng người trong đám tang. Trong cái đám tang ấy ai cũng có vẻ mặt buồn nhưng không một tiếng khóc nào bật lên. Chỉ duy nhất có tiếng khóc lớn “hứt, hứt, hứt…” của đứa cháu rể Phán mọc sừng  vang lên. Tiếng khốc ấy rất lớn nhưng đằng sau là niềm vui sướng vô bờ vì “ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy”. Ông ta bán danh dự của mình khi cho mọi người biết vợ mình đi ngoại tình để được hưởng lợi về tiền bạc. Phải chăng ông Phán mọc sừng ấy chỉ là một thằng đàn ông hèn hạ? Trong lúc đoàn đám tang đang đi thì Xuân ở đâu bỗng xuất hiện cùng với “hai vòng hoa đồ sộ, một của báo gõ mõ, một của Xuân, cũng len vào đầu hàng”. Vẻ mặt hắn vênh váo vì nhờ hắn mà cụ tổ lăn đùng ra chết.

Không chỉ có những người trong gia đình cụ tổ được hưởng niềm vui sướng mà những người ngoài gia đình tang chủ cũng được thừa hưởng niềm vui sướng ấy. Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang không có ai đáng phạt mà phạt, lại còn thất nghiệp “buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ”. Trong hoàn cảnh ấy anh ta sung sướng cực điểm khi được thuê giữ trật tự cho đám ma, nên đã trông nom hết mình. Đó đúng là cảnh nghịch lí mà buồn cười, đám tang người mất ai cũng buồn rầu, tôn trọng lẫn nhau thì làm sao có mất trật tự mà giữ. Những ông bạn thân của cụ cố Hồng  ngực đầy huy chương “Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Men bội tinh, Vạn Tượng bội tinh,… trên mép và cằm đều có đủ loại râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen đen hoặc hung hung, hoặc lúc phún hay rầm rậm, lăn quăn những ông tai to mặt tướng  thì đi sát ngay với linh cữu”. Bản chất khoe khoang, thể hiện bản lĩnh danh giá của người đàn ông. Hơn thế họ đến đám tang chỉ để ngắm “làn da trắng thập thò trong nàn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng khèn Xuân nữ ai oán, não nùng”, điều đó thể hiện sự thỏa mãn dâm dục của chúng.

Bạn cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà phó Đoan “thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”. Những hình ảnh, hành động này không phù hợp với hoàn cảnh đám tang. Đúng chỉ có những con người vô học, mất hết tính người, còn người hàng phố thì được chứng kiến một đám ma to. Đặc biệt khi miêu tả những bức chân dung này nhà văn Vũ Trọng Phụng không đi sâu và miêu tả những bộ râu, huân chương và những tiếng thì thầm nhưng qua đó tác giả đã gợi cho người đọc thấy cả một xã hội háo danh khoe mẽ, trụy lạc, lẳng lơ. Một xã hội nhố nhăng “khốn nạn chó đểu” nhưng bề ngoài thì có vẻ sang trọng “âu hóa”,”văn minh”,”tiến bộ”. Đó chính là bộ mặt của cả một xã hội thượng lưu.

Mâu thuẫn trào phúng không chỉ được thể hiện những bức chân dung của mọi người trong gia đình, ngoài gia đình và mọi người xung quanh mà còn được thể hiện ở nghệ thuật dựng cảnh-khung cảnh đám tang. Trước hết người đọc phải nhìn nhận được cảnh chuẩn bị tang lễ. Cảnh cười đau xót được toát lên trong tình tiết bất ngờ, chì hoãn việc chuẩn bị tang lễ. Nhà văn nén chốt lại để tiếng cười bung ra mạnh hơn. Tất cả mọi người trong gia đình đều lo lắng vì chưa được phát phục, vì chuyện của Tuyết. Phái trẻ “bọn dâu con đã bắt đầu la ó lên rằng phái già chậm chạp”. Cậu Tú Tân thì điên lên, bà Văn Minh thì sốt ruột, TYPN thì bực mình. Nhưng khốn nỗi ở đây người ta bực bội không phải vì thương xót một ông cụ già đã chết phải đem đi chôn mà người ta mong chôn cái xác ý đi để được hưởng hạnh phúc, đó là chia tài sản và mỗi người sẽ được hưởng một hạnh phúc riêng. Vũ Trọng Phụng viết người ta tưng bừng đi báo mọi người, nếu như không có từ cáo phó thì người ta sẽ nhầm rằng đây là đám cưới mất. Mà thậm chí có những từ gợi nỗi đau buồn ấy thì cũng không lấn áp đi hết được sự tươi vui, rộn dã tưng bừng của ngày hội.

Nếu như cảnh chuẩn bị tang lễ đã đông vui náo nhiệt mà nhố nhăng thì đến với cảnh đưa tang bản chất ấy càng được thể hiện rõ nét hơn. Bao chùm lên cảnh đưa tang là không khí tưng bừng, náo nhiệt, dộn dàng. Những âm thanh thường thấy ở đám tang  là những thứ âm thanh buồn tẻ, nghe mà não lòng người càng tiếc nuối cho người đã khuất. Nhưng ở đây lại là thứ âm thanh hỗn tạp của tất cả những thứ khèn pha chộn “có cả lối ta, tàu, tây có kiểu bát cống, lợn quay đi lọng cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến 300 câu đối, vài trăm người đi đưa”. Tất cả đều muốn thể hiên sự giàu sang, khoe khoang của gia đình và bản thân mình. Nhưng họ không nhận ra được rằng nó càng thể hiện họ là con người thiếu thẩm mỹ. Âm thanh dầu dĩ của đám ma có buồn đến đâu hay những thứ âm thanh Tây, Tàu kia có vang vọng lớn tới mấy cũng không lấn áp được tiếng mọi người. Tiếng thì thầm to nhỏ quanh linh cữu của người đã mất. Nó càng thể hiện sự vô tâm, bất nhẫn, vô học của những con người đã mất đi tính người. Câu khẳng định của Vũ Trọng Phụng “thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…” lại càng tố cáo mạnh mẽ cái bộ mặt ngoài thì sang trọng nhưng trong thì mất hết tình người. Trong lúc TYPN và bà vợ, bà phó Đoan và ông Joseph Thiết và mấy người nữa đang lào xào phê bình thái độ của Xuân thì Xuân bỗng xuất hiện làm đám tang đang đi phải ngừng lại. Cùng với Xuân là hai vòng hoa đồ sộ, ta cứ tưởng với thái độ bất kính vênh váo của một kẻ vô học như hắn, cùng với hành động như vậy thì sẽ bị mọi người lên án trách mắng. Nhưng hành động ấy không những không bị tảy chay mà ngược lại còn làm cho bà cố Hồng  “hớt hải chạy lên, rồi cảm động hết sức nói”,” ấy giá mà không có món ấy thì thiếu to may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi”. Không một lời trách mắng không có một  tiếng phê phán mà còn cảm động trước hành động đó. Đúng chỉ có mất hết tình người vô học mới có thể sống trong  cuộc sống dơ bẩn ấy. Cùng với sự xuất hiện của Xuân thì “sư cụ Tăng Phú thì sung sướng và vênh váo ngồi trên một chiếc xe” rồi kể lể chắc ai cũng biết rằng sự cụ đã đánh đổ được hội phật giáo. Vậy mà đám tang cứ đi, hình ảnh ấy xuất hiện hai lần. Nó càng cho ta thấy rõ được sự mâu thuẫn giữa bản chất và hình thức. Tưởng đám tang bình thường kia nhưng ẩn sau nó là sự nhối nhăng đồi bại mất tính người của người sống với người đá mất. Đám tang thì to tát, tiếng khóc thảm thiết ở cạnh hạ huyệt nhưng lòng người thì rỗng tuếch. Vũ Trọng Phụng không quên kể lại và thêm vào những lời bình “thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng hải mỉm cười sung sướng, nếu không cũng phải gật gù cái đầu”. Đây là cách nói mỉa mai. Nếu như người chết biết, hẳn cụ đau lòng lắm vì không ai để ý đến cụ cả. Có người vui, có người buồn đến lãng mạn, có người đăm chiêu cảm động. Nhưng tất cả lại chẳng phải cho người chết. Nó chỉ là cái vỏ che đậy cho bản chất thờ ơ, cặn bã của mọi người trong đám tang này.   

Đám tang đã có sự chuẩn bị, đã có khung cảnh giả tạo đi đưa. Giờ đến cảnh hạ huyệt sau cùng. Đây có lẽ là cảnh mà để cậu Tú Tân thể hiện cái tài của mình. Mặc trên người mình mặc gì, mọi người nghĩ sao cậu vẫn lao vào chụp “ lúc hạ quan tài, cậu Tú Tân luộm thuộm trong chiếc áo thụng trắng đã bắt bẻ từng người một hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng hoặc lau nước mắt như thế này như thế nọ”. Chẳng lúc nào buồn hơn đau lòng hơn khi người thân của mình bắt đầu chôn cất. Cái giây phút ấy nào ai còn nghĩ được gì khác mà chỉ biết đau xót cho người đã khuất. Vậy mà cậu Tú Tân còn chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyệt. Người ta nó hổ dữ không ăn thịt con vậy mà cùng là con người  lại là người thân trong gia đình mà có thái độ như vậy. Trong lúc cụ Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi thì ông Phán mọc sừng lại khóc to “hứt….hứt….hứt” tiếng khóc ấy không phải thể hiện nỗi buồn đau lòng khi mất đi một người thân mà khoe khoang cho bàn dân thiên hạ biết. Khi Xuân muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán mọc sừng dúi vào tay nó một giấy bạc năm đồng gấp tư. Ông mua cái hình thức ấy bằng tiền, tiền ngự trị cả con người và xã hội ấy. Mong cụ tổ chết cũng vì gia tài tiền bạc, thuê người hại cụ chết cũng vì tiền bạc, vì tiền bạc mà bán danh dự của một người đàn ông một người chồng  

Bằng ngôn ngữ châm biếm đả kích sâu sắc Vũ Trọng Phụng đã làm nổi bật được nghệ thuật trào phúng. Tác giả đã lột tả được bản chất của từng nhân vật trong từng tình huống rồi gây ra tiếng cười cùng một lúc bởi hình ảnh giọng điệu diễn tả quá đạt. Truyện ngắn “hạnh phúc của một tang gia” đa chửi thẳng vào xã hội thượng lưu thối nát xưa. Xã hội sống với nhau bằng sự lừa lọc, giả dối với những ngón đòn sảo trá bất nhẫn. Tác giả không khỏi xót xa khi tạo nên nhưng tiếng cười dài và chỉ có những tiếng cười ấy mới phanh phui được hết những xấu xa của hiện thực. Cái bi của người chết và cái hài của xã hội, cái vô phúc của con người giàu sang nhưng thiếu mất tình người đạo lí. Cốt lõi của tinh thần phê phán và những tiếng cười trào phúng có lẽ cũng vì điều đó.

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Bài làm số 2

Năm 1939, Vũ Trọng Phụng bước sang tuổi 24. Ông vua phóng sự đất Bắc liền cho ra đời năm tác phẩm lừng danh: "Giông tố", "Số đỏ". "Làm đĩ", “ Vỡ đê”. “Hạnh phúc của một tang gia” là đoạn trích nằm trong tác phẩm “Số đỏ”.

Tang gia là gia đình đau thương buồn thảm. Ấy vậy mà lại hạnh phúc. Khi cụ Tổ hơn 80 tuổi phải chết đã “sướng lắm".

Tác giả đã xây dựng thành công một tình huống điển hình để phơi bày sự đồi bại trong cái gia đình trưởng giả này, vạch trần những quái thai của cái xã hội dở Ta dở Tây buổi ấy. Bố chết, ông chết "bọn con cháu vô tâm cũng sung sướng thỏa thích". Đây là dịp hiếm có để khoe của, kheo giàu, phô cái sang ra cho thiên hạ biết. "Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma, vân vân… Niềm vui tràn ngập:” tang gia ai cũng vui vẻ cả”.

Người con trai cả – cụ cố Hồng – hút liền một chập 60 điếu thuốc phiện, hả hê lim dim đôi mắt. Bữa nay, cha chết, cụ vui vẻ lắm, nhưng thằng bồi tiêm vẫn còn đếm được 1872 cậu gắt: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.  Trong cái dư vị êm ái của thuốc phiện, cụ "nhắm nghiền mắt lại để mơ màng " đến cái giờ phút hạnh

phúc "hạnh phúc nhất: mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu” để cho thiên hạ phải trầm trồ::" một cái đám ma như thế một cái gậy như thế”, rồi ngạc nhiên chỉ trỏ: úi giời, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa.,.". Con trai đã "báo hiếu" cha như vậy! Đó là một nét biếm họa thần tình. Tâm hồn sa đọa, đạo lí suy đồi đến cùng cực, từ cha đến con.

Hai đứa cháu nội của cụ Tổ xuất hiện giữa đám tang với bao nét kệch cỡm lố lăng, Văn Minh đi Tây du học 6-7 năm mà chẳng có môt "mảnh bằng nào cả" về nước hắn mở hiệu may để cổ vũ cho cái trò "Âu hóa" nhằm "phô ra những bộ phận kín đáo của phái đẹp". Ông nội chết, đứa cháu quý hóa này nhăm nhăm nghĩ tới chuyện chia gia tài, thích thú ra mặt vì "cái chúc thư kia đã vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuvết viển vông nữa". Cậu Tú Tân thì mở cờ trong bụng, được dịp trổ tài bấm lách tách "mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến". Lúc đưa tang, cậu lăng xăng chạy lên chạy xuống, cậu dàn cảnh, cậu đạo diễn lúc hạ huyệt bắt bẻ từng người cách "chống gậy", "gục đầu", "cong lưng”, "lau mắt", như thế này, thế nọ để cậu bấm máy. Y "luộm thuộm trong chiếc áo thụng trắng" như một tên hề!

Vũ Trọng Phụng đã tả đám ma cụ Tổ bằng nhiều nét hoạt kê, châm biếm sâu cay cái rởm đời của bọn thượng lưu tha hóa. Một đám ma to tát "một đám ma gương mẫu" nhưng chẳng qua là một đám rước xách. Có kiệu bát cống lợn quay đi lọng. Có lốc bốc xoẻng và bu dích. Có nhiều vòng hoa, 300 câu đối, vài ba trăm người đi đưa. Đúng là một đám ma tạp pí-lù "theo cái lối Ta Tàu, Tây”. Bởi thế nên bầy con cháu thì hạnh phúc, còn "người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật cái đầu…". Lấy cái phi lí để vạch trần cái lố lăng, đồi bại là một nét vẽ cực kì sắc sảo, độc đáo trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng.

"Có bao đám quan khách" quý phái và “ sang trọng" đến đưa ma cụ cố Tổ. Phụ nữ chiếm một nửa, là '"giai thanh gái lịch", là bạn của Tuyết và bà Phó Đoan… Họ đến đưa ma là để "cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, hẹn hò nhau…". Bọn mày râu, bạn của cụ cố Hồng đến đưa tang để khoe mẽ "ngực đầy những huy chương" của "nước mẹ" hay của bọn bù nhìn ban phát cho. Khi tả bộ râu của đám quan khách này, tác giả "Số đỏ" đã sáng tạo nên những chi tiết, những ngôn từ và giọng điệu trào phúng chua cay. Một lối nói nhạo, chế giễu thần tình. Trên mép và cằm các ông trưởng giả khoe tài khoe đức ấy "đếm đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung hoặc lún phún hay rầm rạp, loăn quăn,…". Người đọc phải ôm bụng mà cười khi đọc đoạn văn tả những bộ râu ấy. Đằng sau bộ râu kia là những mặt người tha hóa vô luân!

Vũ Trọng Phụng đã dùng thủ pháp "phục bút" khi tả sự xuất hiện của Xuân Tóc Đỏ. Tuyết mặc bộ “ ngây thơ” để đi mời trầu và thuốc lá quan khách với "vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám". Cô vô cùng sung sướng khi thấy "anh Xuân" đã đến bèn "liếc mắt đưa tình… để tỏ ý cảm ơn” Xuân Tóc Đỏ đã đến đưa đám một cách sang trọng cực kì, với 6 chiếc xe, với sư chùa Bà Banh, với sư cụ Tăng Phú, hai vòng hoa lớn… đã làm cho cụ bà sung sướng kêu lên: "Ấy, gía mà không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi!". Xuân chẳng giận lại còn đến phúng viếng rất to, làm cho đám ma cụ cố Tổ trở nên "danh giá nhất tất cả”.

Xuân Tóc Đỏ xuất hiện, ông Phán "mọc sừng" vốn đã nhờ "đôi sừng hươu" ấy mà được bố vợ chia cho thêm vài nghìn đồng bạc, trong lúc khóc thật to: "Hứt!… Hứt!.. Hứtỉ…" để báo hiếu vẫn không quên giữ chứ "tín" với ân nhân. Ông ta đã "dúi vào tay" Xuân “ một cái giấy bạc 5 đồng gấp tư". Cuộc mua bán hay trả nghĩa diễn ra song phẳng và kín đáo quá! Xuân và ông Phán "mọc sừng" như một cặp bài trùng, hai diễn viên hài siêu hạng. Chính cảnh này là tột đỉnh của sự trào lộng trong màn hài kịch "đám ma gương mẫu". Chính ở cảnh này, sự bịp bợm, giả dối và thô bỉ của bọn "thượng lưu", đã lên tới độ vô liêm sỉ quá ghê tởm. Những con người ‘ chó đểu" trong cái xã hội “chó đểu" là như thế đó!

Tóm lại. qua chương "Hạnh phúc của một tang gia", Vũ Trọng Phụng thể hiện xuất sắc tài kể chuyện và nghệ thuật hoạt kê trong miêu tả. Cái tài của tác giả "Số đỏ" là đã phóng đại những bức chân dung biếm họa, những cảnh đời lố lăng theo thủ pháp của nghệ thuật trào phúng làm cho người ta cười mà thấy được bao sự thật chứa đựng ở trong đó. Chuyện kể đầy kịch tính với bao sự phi lí đến ghê người đã lật tung cái mặt nạ của bọn đạo đức giả!

Tiếng cười trong "Số đỏ" là tiếng cười châm biếm có giá trị tố cáo và mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đám ma cụ cố Tổ đích thực là một màn hài kịch, diễn viên là bầy con cháu và lũ quan khách, đã phơi bày tất cả cái bản chất lố lăng và đồi bại của xã hội nhuốm màu sắc "Âu hóa” kệch cỡm.

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Bài làm số 3

Hạnh phúc một tang gia là một đoạn trích nằm trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, là tác phẩm mang giá trị cả về nội dung và nghệ thuật trong kho tàng văn học Việt Nam. Tác phẩm đã tái hiện lại một cách chân thực xã hội nửa Tây nửa ta, làm tha hóa nhân cách của con người, xã hội vì đồng tiền mà dẫm đạp lên cả tình thân.

Nếu coi Số đỏ là một vở đại hài kịch nhằm phủ nhận triệt để cái xã hội thượng lưu giả dối, lố lăng trước Cách mạng tháng Tám, thì mỗi chương trong tác phẩm như một màn hài kịch sắc sảo. Trong chương XV này, tài năng của Vũ Trọng Phụng thể hiện ở cách xây dựng mâu thuẫn trào phúng và những tính cách trào phúng mang ý nghĩa xã hội, nhân sinh sâu sắc. Tiếng cười Vũ Trọng Phụng là tiếng cười ra nước mắt, sau chuỗi cười hả hê sảng khoái, người đọc lắng vào một nỗi xót xa trước tình trạng phi nhân tính đang hủy hoại cuộc sống.

Hạnh phúc một tang gia thể hiện sự trào phúng ở ngay trong tiêu để của đoạn trích. Mâu thuẫn của văn chương trào phúng là một kiểu tình huống tạo cười thông qua sự phóng đại những cái ngược đời, trái lẽ tự nhiên, phạm chuẩn mực đời sống. Mâu thuẫn trào phúng thích khía vào những hoàn cảnh trớ trêu, nực cười để lật ngửa ra cái hài hước của tính cách trào phúng. Hạnh phúc vốn là khái niệm của niềm vui sướng, sự mãn nguyện của con người vì được đáp ứng một nhu cầu, ước muốn nào đó. Tang gia nghĩa là gia đình có tang, gợi không khí buồn đau ảm đạm trước cái chết của người thân yêu, ruột thịt. Điều bất ngờ là tác giả đặt hạnh phúc cạnh tang gia, biến chuyện buồn đau thành niềm vui, tạo ra một mệnh đề trái ngược, làm đảo lộn cả luân thường đạo lí trong cái gia đình tư sản giàu có và đại bất hiếu này.

Người chết vốn là cụ cố Tổ có một gia tài kếch xù. Nhưng ông già quái ác này lại ghi trong di chúc: chỉ chia gia tài cho con cháu khi cụ đã qua đời. Thật là sốt ruột, vì viết xong di chúc mà cụ không chịu chết ngay. Thế là cả nhà đều mong ngóng chờ đợi cái chết của cụ như chờ đợi… hạnh phúc (!). Và hạnh phúc đã đến. Cái chết không gây nỗi buồn đau thường thấy mà ngược lại “đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Người ta “tưng bừng vui vẻ” đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma…

Qua cách miêu tả khung cảnh bên trọng của đám rước, Vũ Trọng Phụng đã lột ra động lực bên trong của sự kiện đám ma – đám rước lạ đời này: con người quay cuồng bởi dục vọng, bởi mối lợi. Mối lợi đè chết tình nghĩa, đồng tiền khuynh đảo cả đạo lí ở đời. Đây là tình huống trào phúng sắc sảo, góp phần bộc lộ sâu sắc những tính cách trào phúng.

Xây dựng được một tình huống trào phúng chắc chắn như trên, Vũ Trọng Phụng vững vàng triển khai thể truyện, dựng lên hình ảnh đám ma và những tính cách trào phúng bằng thủ pháp của điện ảnh: vừa quay toàn cảnh, vừa quay cận cảnh hình ảnh của một tang gia, tạo những bức tranh biếm họa hết sức đặc sắc. Đám ma khoác một cái vỏ ngoài thật “trang trọng”, “to tát”: Có đủ mọi điều kiện vật chất tối ưu, đúng phong tục (có kiệu, lọng, kèn, thanh la, quần áo tang, chụp ảnh, có vài ba trăm câu đối, vòng hoa và vài trăm người đi đưa…). Có một điệp khúc tấu lên từ cảnh đưa đám ấy: “Đám cứ đi”, nghe trang nghiêm, “tận trung tận hiếu” như đoàn người đáng chuyển động để đưa người đã khuất đến tận huyệt. Nhưng cái vỏ ngoài trang trọng bỗng thành mỉa mai, hài hước khi tác giả cố để lộ ra cối thực chất bát nháo bên trong. Té ra đây.đâu còn là đám ma, mà là một đám rước, đám hội hổ lốn. Cái chi tiết lợn quay… đi lọng mới đầy thâm ý làm sao. Lọng là dụng cụ che, giống như ô, dù nhưng cỡ lớn và sang trọng hơn nhiều, chỉ để che thân cho các đấng bậc quyền quý hoặc đón rước thánh thần, ở đây, cái thiêng liêng được đánh tráo bằng… lợn quay. Thật thú vị! Hệ thống bát âm của đám ma còn “phong phú”, “độc đáo” hơn cả về số lượng lẫn loại hình: có kèn ta pha trộn với kèn Tây, kèn Tàu, và mùi vị hổ lốn càng đậm đặc với “lốc bốc xoảng và bú dích”. Ngoài ra, vợ chồng Văn Minh lăng xê các loại quần áo tang như đặc sản của đám ma, cậu tú Tân biến việc chụp ảnh thành trò chơi ngày hội… Thật là một đám ma đầy cảm hứng, khiến hàng phố “nhốn nháo cả lên khen đám ma to”, cụ Phán bà ngây ngất hãnh diện vì có được một đám ma “danh giá nhất tất cả”. Đặc biệt độc đáo là chi tiết người chết cảm động đến mức “nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu  không gật gù cái đầu”. Chao ôi là cái “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” ở cả trong nhà ngoài phố, ở cả cõi dương đến cõi âm. Thật mỉa mai, đau xót!

Với cách miêu tả từng chi tiết đến tỉ mỉ của Vũ Trọng Phụng, đám ma thành đám rước lòe loẹt, hợm hĩnh, om sòm đến nhếch nhác, vô văn hóa. Thực chất, đây là sự phô trương giả dối, lộ liễu đến nhố nhăng, chà đạp lên cả đạo lí của gia đình đại bất hiếu này. Hạnh phúc chung của cả tang gia đến niềm vui riêng len lỏi vào tận từng người hay từng nhóm người rất sinh động. Đó là cụ cố Hồng háo danh đến quái gở, chỉ mong cha chết để được “mặc áo xô gai, chống gậy lụ khụ vừa ho khạc vừa khóc mếu” để thiên hạ khen “úi kìa, con giai nhớn mà đã già đến thế kia ư ” Đó là cô Tuyết lấy dám tang làm cơ hội khoe bộ y phục hở hang cùng bộ mặt buồn “lãng mạn rất đúng mốt”. Vợ chồng Văn Minh xăng xái, hăm hở mở một cuộc “trình diễn thời trang” biến nỗi đau thương thành dịp may quảng cáo cho tiệm may Âu hóa. Những người ngoài gia đình cụ cố Hồng cũng sung sướng làm sao: cảnh sát Min Đơ, Min Toa bỗng có việc làm, các quan khách sang trọng có dịp phô các loại huân chương và râu ria đủ kiểu, đặc biệt sự “cảm động” của các vị không phải vì niềm xót đau người chết mà vì “trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết”. Còn đám giai thanh gái lịch Hà thành thì mãi trình diễn phong cách “Âu hóa” trong dám tang bằng cách đú đởn chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, hẹn hò nhau… Rồi những tiếng thì thầm của đám người đưa ma, chỉ hau háu xỉa vào những chuyện đại loại như con bé ấy kháu thế, con bé kia đẹp hơn, thằng ấy bạc tình bỏ mẹ, mỏ vàng hay mỏ chì, gớm cái ngực đầm quá đi mất, vợ béo thế chồng gầy thế thì mọc sừng mất… tóm lại là toàn những chuyện nhảm nhí, đồi bại hàng ngày, những kẻ đi đưa ma hoàn toàn dửng dưng với người chết. Cái đám ma gương mẫu ấy đúng là có đủ mọi thứ mà vẫn thiếu một thứ: lòng xót thương người nằm xuống. Thiếu lòng thương tức là thiếu tất cả. Sự băng giá của lòng người khiến mọi thứ còn lại hóa ra vờ vĩnh, giả dối một cách tàn nhẫn, độc ác. Cái điệp khúc “đám cứ đi” hóa ra đầy mỉa mai. Đám ma hóa trò hề không hơn không kém.

Cảnh hạ huyệt, báo hiệu cụ già thật sự biến mất khỏi cõi đời mới chua xót. Thằng cháu quý tử Tú Tân, lúc hạ huyệt, bắt bẻ từng người chống gậy, gục đầu thế nọ, cong lưng hoặc lau nước mắt thế kia… để cậu chụp ảnh, còn lũ bạn thì “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau”. Rõ là kịch, đại hài kịch, mỗi con người mải mê với kĩ thuật diễn xuất, do nhà đạo diễn Tú Tân chỉ huy. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã tạc nên từ đống người bất hiếu ấy một diễn viên kì tài của màn kịch tang gia: Đó là ông Phán mọc sừng. Kể ra ông ta rất giỏi diễn một vẻ ngoài quá ư bi thảm: lả oặt di, khóc rống lên: “Hứt!… Hứt!… Hứt!”, khiến “ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy”. Cái âm thanh “hứt hứt” mà họ Vũ chọn đặt vào miệng ông Phán mới kì quái làm sao. Nhất là khi nó được lặp lại, nhai lại, nghe cứ rống lên một âm điệu đầy giả tạo đến trơ trẽn. Để rồi đột ngột, tác giả lật ngửa bản chất nhân vật ra bằng chi tiết “độc”: ông Phán dúi vội vào tay thằng Xuân “một cái giấy bạc năm đồng gấp tư” để trả công cho Xuân Tóc Đỏ đã… làm cụ cố Tổ chết (!). Chi tiết nàyđã đẩy tấn đại hài kịch đến điểm đỉnh, đẩy sự giả dối bịp bợm đến trình độ vô liêm sỉ một cách quá ghê tởm.

Hạnh phúc một tang gia đã cho người đọc một cái nhìn chân thực về xã hội lúc bấy giờ, cái xã hội ấy toàn bọn người hợm hĩnh háo danh háo lợi, bóp chết những tình cảm ruột thịt thiêng liêng nhất của con người. Một xã hội học đòi đáng phê phán, một xã hội đểu cáng khiến con người không thể nhận ra đâu là thật đâu là giả.

Phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng) – Bài làm số 4

Mỗi khi nhắc tới Vũ Trọng Phụng người ta đều nhớ tới ông là “ông vua phóng sự của đất Bắc Kì”. Đúng vậy, ông có một công trình đồ sộ về phóng sự và tiểu thuyết, với các tác phẩm bất hủ như: Cạm Bẫy Người (1993), Giông tố(1936)…Nhưng có lẽ bạn đọc nhớ nhất đến tiểu thuyết “Số Đỏ” của ông. Với những sự thật xã hội bấy giờ được tác giả thêu dệt lại qua lăng kính của mình. Đặc biệt đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” đã nêu lên được những nét chủ đạo của câu chuyện và thấy được bút pháp trào phúng đặc sắc của Vũ Trọng Phụng.

Trong đoạn trích này chủ yếu nói về cái chết và đám tang Cụ tổ được tái hiện lên như một màn hài kịch. Có rất nhiều tình tiết và các bộ mặt khác nhau trong đám ma điều này dẫn đến một đám ma đau thương trở thành một đám ma đáng cười xót xa. Chính cái chết của cụ tổ cho thấy đây là một cái chết vừa đáng cười vừa đáng khóc. Vì sao lại vậy? Khóc vì đạo đức của một bộ phận con người suy đồi đến cực độ, cha chết, ông chết mà “bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thỏa thích”. “Cái chết của ông già hơn 80 tuổi” đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Ai cũng nghĩ đến cái lợi cho mình, như vậy, đúng với cái nhan đề của đoạn trích tưởng như lố bịch của cuộc sống đời thường, nhưng không “Hạnh phúc của một tang gia” lại đúng khi cụ tổ mất. Những tiếng khóc, sự “báo hiếu” của con cháu thực chất là sự khoe giàu sang với thiên hạ. Bằng ngòi bút trào phúc, châm biếm, đả kích của tác giả, làm cho đoạn trích các nhân vật được hiện lên rất đáng cười, những tiếng cười ra nước mắt.

Để thấy được hạnh phúc của gia đình khi cụ tổ mất tác giả đã đi vào từng nhân vật để thấy được họ đang xót thương đau buồn hay biến đám ma của cụ cố tổ vào mục đích của bản thân?

Cụ cố Hồng – con trai cả của cụ tổ thì rất sung sướng vì cái chết của cha mình và cho đây là một cơ hội để tỏ ra già yếu khi lo cho cái chết của cha mình. Nhân vật này đã làm nổi bật được những sự lố lăng mà ngu dốt ham danh trong xã hội phong kiến.

Bên cạnh cụ cố Hồng là Văn Minh và ông TYPN lại tỏ ra vui mừng khôn xiết trước cái chết của ông nội và đây cũng là một cơ hội để ông đưa nền văn minh Á-Âu vào quảng cáo ở đám tang. Thật đau lòng thay, một đám ma hay là mọt phiên chợ để con cái mang ra quảng cáo, kinh doanh. Hay chính bà văn Minh thì lại vui mừng vì đây là dịp để chưng diện đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng, viền đen. Đúng là sự vô ơn bạc nghĩa của những kẻ vô học thức.

Trong đoạn trích tác giả còn nói về cô Tuyết, đến đám ma nhưng lại mặc bộ y phục gây thơ “Cái áo voan mỏng trong cooc-sê, hở cả nách cả vú” tưởng như tác giả tả hơi quá, nhưng không chỉ ở cách ăn mặc mà cô Tuyết này còn thể hiện ở cả tính cách, sự lẳng lơ, tưởng như vẻ mặt buồn vì đám tang, nhưng đây là nỗi buồn nhớ người tình.

Hết đến cô Tuyết lại đến cậu Tú Tấn, vui mừng vì cái máy ảnh đã được đem ra sử dụng vì Cậu mua đã lâu mà không dùng, thật ngỗ nghịch khi đám ma mà lại giẫm lên các ngôi mộ để chụp ảnh, tạo kiểu như một nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Hay chính ông Phán Mọc Sừng vui mừng vì cái sừng trên đầu mình được hưởng thêm tiền sau khi đám ma xong. Trong khi đó Xuân Tóc Đỏ thì danh tiếng lại càng nhiều hơn và càng được nhiều người tôn trọng vì đã có công trong cái chết của cụ Tổ.

Không chỉ có những người nhà của cụ cố tổ sung sướng ra mặt mà còn những người ở ngoài cũng góp một phần vào niềm hạnh phúc của gia đình khi đang có tang. Là đám ma nhưng lại có kiệu bát cống, có lợn quay che lọng như thế khác nào một đám rước? Hay có cả kèn ta, kèn tây sự lố lăng của sự “âu hóa”. Hay tại chính đám ma này cũng là cơ hội cho những “nam thanh nữ tú” “chim cò” nhau. Thật đáng lên án thay.

Qua việc thêu dệt lại các nhân vật bằng lăng kích của tác giả đã thể hiện rõ được sự lố bịch, tây-ta lẫn lộn của những học giả đòi làm sang. Bằng ngòi bút châm biếm trào phúng cay độc. Lúc thì phóng đại lúc thì biếm họa. Lúc tưởng như đáng đau buồn đau thương nhất nhưng lại là những niềm hạnh phúc được vỡ ào của những con cháu bất nhân, bất hiếu. Hay đáng lẽ là sự đau thương, đau buồn, thì lại là sự phô của, sự tình tứ nhau…Từ trang chủ, bọn con cháu, hay chính những người quan khách đến viếng đều là những vai hề. Không phải tự nhiên mà Vũ Trọng Phụng lại viết “Người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu.” Đây là một chi tiết nhỏ nhưng cũng để cho người đọc thấy được giọng điệu mỉa mai của tác giả.

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • nghị luận hạnh phúc của một tang gia mb
  • phân tích cảnh ma gương mẫu trong đoạn trích hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trong Phùng/
  • cảnh đám tang gương mẫu theo cả lối Ta Tàu Tây trong đoạn trích hạnh phúc của một tang gia
  • Cảnh đám ma gương mẫu
  • dàn ý cảnh đám ma gương mẫu trong hạnh phúc của một tang gia

Bài viết liên quan

  • Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương – Văn hay lớp 12
  • Phân tích tác phẩm Hịch tướng sĩ – Văn hay lớp 8
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) – Văn hay lớp 7
  • Kể về tâm tình của cây lúa – Văn hay lớp 7
  • Phân tích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa – Văn hay lớp 9
  • Phân tích tác phẩm Mây và sóng – Văn hay lớp 9
  • Nghị luận xã hội về hình ảnh: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn,cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp – Văn hay lớp 12
0