Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Văn hay lớp 11
Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Văn hay lớp 11 Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hà Giang Nguyễn Công Trứ, cái tên thật sự quen thuộc và gần gũi mà từ xưa đến nay vẫn được bao người ...
Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Văn hay lớp 11
Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hà Giang
Nguyễn Công Trứ, cái tên thật sự quen thuộc và gần gũi mà từ xưa đến nay vẫn được bao người dân Việt Nam nhắc đến như một sự biết ơn trân trọng về công lao khai phá ra hai vùng đất trù phú: Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Song không vì thế mà ta có thể quên đi một Nguyễn Công Trứ, nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách đã khẳng định được cái bản ngã của chính mình, để từ đó định hình nên một tính cách, một bản lĩnh trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật. Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Cõng Trứ sẽ cho ta thấy rõ cái bản lĩnh riêng không thể trộn lẫn ấy của ông.
Theo Từ điển Tiếng Việt, ngất ngưởng được hiểu là ở thế không vững lắc lư, nghiêng ngả như chực ngã. Tuy nhiên hai chữ ngất ngưởng trong bài thơ này của Nguyễn Công Trứ cần được hiểu theo một cách khác, ở đây ngất ngưởng cần hiểu gắn với một cách sống, một thái độ sống. Có như vậy ta mới có thể hiểu được về con người Nguyễn Công Trứ – một con người có lối sống khác người, bất chấp mọi thế lực ở đời, một lối sống được khắng định bằng chính tài năng và bản ngã.
Toàn bộ bài thơ không chỉ là sự cắt nghĩa lí giải về cái sự ngất ngưởng của chính mình, mà nó còn được xem như là một lời tự thuật về cuộc đời, là niềm tự hào về tài năng, công danh, đồng thời cho ta thấy một phong cách lối sống tài tử phóng khoáng của Nguyễn Công Trứ.
Mở đầu bài thơ là lời khẳng định về quan niệm sống của một đấng làm trai:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự.
(Mọi việc trong vũ trụ chẳng có việc nào không là phận sự của ta).
Câu thơ vang lên chắc nịch, khẳng định một cách mạnh mẽ và tự hào về quan niệm làm trai của Nguyễn Công Trứ. Đây là một quan niệm cho thấy Nguyễn Công Trứ luôn luôn ý thức được về bản thân mình, đồng thời luôn xác định được vị trí của mình trong cuộc đời. Điều này có được từ một kẻ sĩ có tài năng. Tuyên ngôn này của Nguyễn Công Trứ đã được khẳng định như một chân lí và trở đi trở lại như một mệnh đề quen thuộc trong thơ ông.
Vũ trụ giai ngô phận sự
(Những việc trong vũ trụ đều thuộc phận sự của ta – Nợ tang bồng).
Hay trong bài Gánh trung hiếu, Nguyễn Công trứ cũng đã khẳng định:
Vũ trụ chức phận nộ
(Việc trong vũ trụ là chức phận của ta)
Nói như vặy để ta khẳng định rằng Nguvền Công Trứ luôn luôn xác định cho mình một quan niệm sống tích cực, đồng thời càng cho thấy rõ sự tự ý thức về bản thân của chính tác giả.
Chính vì luôn luôn có ý thức về vị trí của chính mình trong trời đất mà Nguyễn Công Trứ không ngại ngùng khẳng định tài năng về chí làm trai, tác giả lần lượt chứng minh cho người đọc thấy được tài năng và bản ngã của chính mình:
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Nguyễn Công Trứ đã tự xưng danh, đồng thời khẳng định tài bộ (tài năng lớn, nhiều mặt) của mình. Và trên thực tế với những thực danh: Thủ khoa, tham tán, Tổng đốc Đông đã chứng minh cho tài năng lớn của Nguyễn Công Trứ. Câu thơ được ngắt nhịp ngắn đều, chậm rãi cùng với việc sử dụng điệp từ khi tạo nên một lối nói khẳng định đầy sự tự hào.
Tuy nhiên hiện lên trong bài thơ không chỉ là một Nguyễn Công Trứ tài năng, mà còn là một Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế:
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Như vậy đến đây chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định một con người có tài năng thực sự và luôn luôn ý thức được về tài năng của chính bản thân mình. Đây cũng chính là sự khẳng định bản ngã của Nguyễn Công Trứ, là một phần trong phẩm chất mà ông tự hào gọi là tay ngất ngưởng. Để từ đó ta có thể hiểu ngất ngưởng theo một nghĩa tích cực, trong đó có sự khẳng định bản ngã của chính mình.
Một Nguyễn Công Trứ có tài, có thực danh như vậy, ấy mà khi trờ về đời thường lại là một tay ngạo nghễ giễu đời:
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Cho nên ông không ngại ngùng bày tỏ một cách sống thật khác người, khác đời:
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đinh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Là một nhà nho, từng là một danh tướng, từng xông pha trận mạc ấy vậy mà lại sống cuộc sống bình dị nên dạng từ bi. Tuy nhiên cái lối sống ấy của Nguyễn Công Trứ lại chẳng bình thường một chút nào: đi vãng cảnh chùa mà: gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì phải chăng ông đang bất chấp cuộc sống, đang giễu cợt sự đời, có lẽ hiểu biết như vậy còn phiến diện. Bởi sinh thời Nguyễn Công Trứ là một người biết chơi theo quan niệm sống hết mình và chơi cũng hết mình. Trong trần hoàn mấy mặt làng chơi… Biết mùi chơi chưa dễ mấy người hay ông từng tuyên bố Nếu không chơi thiệt ấy ai bù… Vậy cũng có thể hiểu đây là một lối sống phóng túng, không chịu gò bó. Câu thơ được Nguyễn Công Trứ miêu tả bằng nụ cười hóm hỉnh, nhiều tự hào của tác giả, phải chăng là cười cho sự khen chê cùa thiên hạ, có lẽ là cả hai điều đó, bởi một điều thật đơn giản.
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Với Nguyễn Công Trứ một khi đã thoát khỏi vòng danh lợi thì những chuyện được mất, khen chê ở đời xin bỏ ngoài tai, như ngọn gió đông thổi qua mà thôi. Điều này chỉ có được khi người ta có bản lĩnh tự tin về tài năng của mình. Đó cũng chính là cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ trong đó chứa đựng hạt nhân của phong cách sống phóng túng, hiếm thấy của ông. Chính vì vậy mà ông có được cuộc sống thanh cao vui vẻ:
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Câu thơ được ngắt nhịp hai, kết hợp với lối diễn đạt trùng điệp tạo cho câu thơ chậm rãi, qua đó lột tả được phong thái ung dung yêu đời, thanh cao của nhà nho Nguyễn Công Trứ.
Thái độ sống như vậy của ông có được từ con người luôn tự tin vào bản thân mình, luôn ý thức được bản ngã của chính mình.
Sự phô bày bản ngã được bộc lộ rõ nét một cách cực độ ở khổ thơ cuối:
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo xơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Nguyễn Công Trứ đã tự khẳng định mình là con người trung thần, làm tròn đạo vua tôi, điều này góp phần khẳng định thêm quan niệm về chí làm trai của tác giả ở đầu bài thơ. Bằng lối so sánh với những bậc anh hùng như Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật… của đời Hán, Tống bên Trung Quốc. Tác giả đã khẳng định tài năng và công lao của mình một cách đĩnh đạc hào hùng. Cùng có thể xem đó là những lời nói đầy tự hào về bản thân của chính tác giả. Để từ đó Nguyễn Công Trứ ngạo nghễ tuyên bố:
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Như vậy đến đây hẳn chúng ta đã hiểu cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ. Đó chẳng phải là cái gì khác mà chính là thái độ, cách sống của một nhà nho tài tử. Nguyễn Công Trứ có được điều đó xuất phát từ tài năng, thực danh, từ sự làm tròn bổn phận. Vậy cái ngất ngưởng của ông không phải tiêu cực mà sự khẳng định bản ngã của mình, là bản lĩnh dám sống ở đời, và một phong cách sống tài hoa tài tử.
Cùng với những bài thơ khác như Đi thi tự vịnh, Chí làm trai, Nợ tang bồng, Gánh trung hiếu… Bài thơ Bài ca ngất ngưởng đã một lần nữa vẽ rõ nét chân dung của nhà thơ. Đây chính là phong cách sống, phong cách nghệ thuật của con người và của thơ Nguyễn Công Trứ.
Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Bài làm số 2
Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất, hiệu là Hi Văn, sinh năm 1778, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Nguyễn Công Tấn, đậu hương cống, từng làm tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình), sau đó do hưởng ứng phong trào phò Lê chống lại Tây Sơn, nên được triều Lê phong tước Đức Nghi Hầu.
Nguyễn Công Trứ là một người tài năng hiếm có về nhiều mặt, đã sớm xác định con đường tiến thân bằng khoa bảng công danh. Thời trẻ, Nguyền Công Trứ học hành cần mẫn, nhưng thi cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi mới đỗ giải nguyên. Cuộc đời làm quan của ông lên xuống bất thường, vậy mà lúc nào ông cũng ôm ấp chí lớn và giữ đạo tôi trung Nguyễn Công Trứ hăng hái thi hành chức trách, phận sự, kể cả việc nhiều lần đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, nhưng không thể mất yếu tố tiến bộ của nhà nho chân chính. Khi làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Trong việc khai khẩn đất hoang, đắp đê lấn biển. Nguyễn Công Trứ đã Đem lại lợi ích cho nhân dân ở nhiều nơi, đáng kể là vùng Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, mặc dù đã 80 tuổi. Nguyễn Công Trứ vẫn dâng sớ xin cầm quân đánh giặc. Cũng năm đó, ông qua đời.
Nguyễn Công Trứ là hiện tượng đặc biệt về một kẻ sĩ mà lại có cuộc sống phóng túng và cá tính tự do, độc đáo.
Thơ ca còn lại của Nguyền Công Trứ gồm khoảng 50 bài thơ, trên 60 bài ca trù, một bài phúng, đều viết bằng chữ Nôm. Ngoài ra còn có một số bài thơ chữ Mán, một số câu đối Nôm.
Bài ca ngất ngưởng là tác phẩm được viết vào sau năm 1848, lúc Nguyễn Công Trứ cáo quan về hưu. Đây là tiếng nói của Hi Văn sau quãng đời hoạn lộ gập ghềnh. Thời kì suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam được đánh dấu bằng sự xuất hiện của con người khát vọng tự do (như Chim trong lồng của Nguvền Hữu Cầu), người anh hùng “phản nghịch” (như Từ Hải trong Truyện Kiều), người phụ nữ “nổi loạn" (trong thơ Hồ Xuân Hương)… Cũng là sự phản ứng với hoàn cảnh, nhưng ở Nguyễn Công Trứ, sự biểu hiện chủ yếu trên phương diện quan niệm và lối sống bằng hình thức phóng to hình ảnh con người cá nhân đến mức khôi hài. Dưới con mắt của người đời và sự tôn xưng của Hi Văn thì đó là sự ngất ngưởng.
Bài thơ được viết theo thể ca trù hay còn gọi là hát nói, một lối thơ tự do về nhịp điệu, câu chữ. Ở đây, thể tài phù hợp với nội dung cảm xúc của bài thơ.
Kết cấu bài thơ gần như kết câu một bài thơ hát nói, chia làm nhiều đoạn gọi là khổ). Mỗi đoạn được kết bằng câu có từ “ngất ngưởng”, soi sáng những góc độ khác nhau của hình tượng nhân vật trữ tình, trên cơ sở cảm hứng chủ đạo mang tính nhân văn và ý nghĩa chống phong kiến.
Con người ngất ngưởng của Nguyền Công Trứ trước hết là con người tài năng, danh vọng.
Câu thơ chữ Hán mở đầu cô đúc quan niệm lập thân của Nguyễn Công Trứ: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”.
Đây là quan niệm mà ông đã nói nhiều bài thơ, cho rằng con người sinh ra do “ý của trời đất” (“Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý” – Trời đất sinh ra ta là có ý), nên phải có trách nhiệm, phải gánh vác việc đời (Vũ trụ giai ngô phận sự” – Những việc trong vũ trụ đều thuộc trong phận sự của ta). Trong Nguyễn Công Trứ, quan niệm ấy gắn liền với ý tưởng “tu, tề, trị, bình”, với chí làm trai và chủ nghĩa anh hùng mà ông đeo đuổi với tất cả lòng tin tưởng, lạc quan trong suốt cuộc đời.
Sau quan niệm ấy là sự hiện diện một con người tài năng xuất chúng và danh vọng vẻ vang:
“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng…
… có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”
Tính tự thuật qua các nhân vật từ nhân xưng về tên hiệu, quan chức, tài năng đã khắc họa con người cá nhân tự ý thức về mình, mức độ lộ ra ngoài bộ dạng: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng". Câu thơ còn có ý vị trào phúng: một con người tầm cỡ thế mà lại chịu đặt mình vào chiếc lồng hạn hẹp. Nhưng chút cười đùa này thực ra là để khẳng định lòng tự tin của Nguyễn Công Trứ.
Ông không phải không biết chốn quan trường đầy rẫy những dây nhợ nào buộc trói được.
Trong hình thức biểu hiện có sự kết hợp hệ thống từ Hán – Việt và từ Nôm: những từ Hán Việt về quan chức, danh vị thể hiện một tài năng thành đạt gắn liền với xã hội phong kiến; còn từ Nôm là những từ thông dụng được sử dụng linh hoạt trong các câu thơ dài ngắn xen nhau, nhịp điệu nhịp nhàng, đến dàn trải thế hiện con người cá nhân tự do, đồng thời ghi rõ các gốc sự ngất ngưởng ở con người đó là gì: “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Như vậy con người ngất ngưởng ở đây là con người cũng là cơ sở để cá nhân vượt lên khỏi mọi ràng buộc.
Cái ngất ngưởng trong thơ Nguyền Công Trứ là sự ngất ngưởng trước cuộc đời được mất.
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ được ghi nhận bằng những chiến tích, những lần thăng quan tiến chức.
“Lúc bình Tây, cờ đại tưởng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.
Nhưng cũng có những bước thụt lùi, cay đắng. Theo sử sách ghi thì Nguyễn Công Trứ làm đại tướng, khi bị cách tuột làm lính thú, thăng quan hẳn là do tài năng hơn người của ông. Nhưng còn những lần bị giáng chức? Và còn đó những lời thẩm bình của dư luận. Nguyễn Công Trứ thấy rõ đằng sau sự bất công mà ông phải chịu là mặt trái của xã hội phong kiến. Khi cần ông tố cáo gay gắt:
“Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.
(Vịnh nhân tinh thế thái)
Tuy vậy, cách biểu hiện thái độ mà Nguyễn Cõng Trứ đặc biệt lựa chọn là đem đối lập con người mình với thói tục bằng một tư thái ngông nghênh và tiếng cười đắc ý. Sách vở chép rằng lúc về hưu Nguyễn Công Trứ thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa, còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò, nói là để che miệng thế gian. Và ông cho việc làm đó là sự ngất ngưởng:
“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.
Bên trong tiếng cười và điệu bộ ấy là triết lí tự nhiên về sự được mất: “Được mất dương dương người tái thượng”. Nguyền Công Trứ đã thông qua điển tích “Tái ông thất mã” để phơi bày bản chất xã hội và đưa ra cách nhìn nhận của mình. Xã hội đầy biến động thời Nguyễn Cóng Trứ thiếu gì cảnh “lên voi xuống chó” và đó là mảnh đất sản sinh quan niệm về sự rủi may. Có điều là ở con người bản lĩnh cứng cỏi và niềm tin ở bản thản như Nguyễn Công Trứ thì quan niệm ấy không thể biến thành tư tưởng hoài nghi làm con người nhụt chí hay bị xô đẩy đến chủ nghĩa “vô vi” của Lão Trang. Trái lại, nó đem đến lí lẽ để ông không phải bận tâm với chuyện đời “nóng lạnh” và thêm vẻ “dương dương”.
Tuy nhiên, đối mặt với sự “được mất” cũng có nghĩa đối mặt với sự giàu nghèo, vinh nhục vốn là những giá trị vật chất tinh thần truyền thống. Hiểu như thế chúng ta sẽ thấy con người “dương dương”, “ngất ngưởng” thực sự là con người có tài năng, phẩm chất vượt lên trên những thế lực xưa nay ngự trị trong cuộc sống con người.
Ngất ngưởng còn biểu hiện trong phong cách, lối sống.
Ở Nguyễn Còng Trứ có con người lí tưởng của chí làm trai thời phong kiến. Nhưng cũng có con người cá nhân sống hết mình; có con người hành động hăm hở, lạc quan và con người vui chơi bám đuổi theo sở thích: “Tay kiếm cung… một đôi dì” Nguyễn Công Trứ đã đem hết tài nàng và cảm hứng để vẽ bức tranh về cuộc sống riêng của mình: những từ láy đặc tả màu sắc, đường nét {“phau phau”, “đủng đinh”, “phơi phới”), những điệp từ kết hợp với nhịp thơ phóng khoáng (“Khi ca, khi tửu… không Phật, không Tiên…”) Khả năng biểu cảm dồi dào của tiếng Việt đã thể hiện đặc sắc cái phóng túng, đam mê của con người Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên đây không đơn thuần là một nhu cầu hưởng lạc được thi vị hóa. Nguyễn Công Trứ đã nâng được những gì được mô tả thành một phong cách, thành lối sống, và dụng ý nghệ thuật của nhà thơ là đã biến nó thành hình ảnh trái ngược với những tính giáo điều phong kiến. Hệ tư tưởng Nho giáo đòi hỏi ở mỗi con người trách nhiệm đổi với cộng đồng, nhưng lại phủ nhận “cái tôi”, áp đặt lên con người một cuộc sống khắc nghiệt, phi nhân tính. Còn đạo Phật, đạo Giáo thì hướng con người đến con đường thoát tục và giải thích việc đáp ứng những nhu cầu cuộc sống con người là nguyên nhân của sự đau khổ. Từ cuộc sống mà mình làm chủ Nguyễn Công Trứ tìm đến “non tiên’’, “cảnh phật” vì thấy ở đó một thế giới thiên nhiên tươi đẹp gắn với những tư tưởng phong kiến siêu hình vươn lên một cuộc sống đích thực của con người.
Phần kết của bài thơ Nguyễn Công Trứ khái quát về con người mình với đặc điểm: một tài năng, hoài bão lớn, sống trong xầ hội phong kiến không thể không thấy con đường, lí tưởng của xã hội để thi thố tài năng, làm nên sự nghiệp; một nhân cách và ý thức cá nhân mạnh mẽ, tự tin có đủ điều kiện chủ quan và tiền đề xã hội để đối lập với hoàn cảnh và giải phóng cá tính. Tổng hòa các mặt đó ở một con người, tạo nên phong cách sông ngất ngưởng. Từ “tay ngất ngưởng”, “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” đến “trong triều ai ngất ngưởng như ông” bài thơ đã nâng lên sự khẳng định, đúng hơn là tự khẳng định một con người tiêu biểu cho một kiểu người có tính chất phi chính thống mang đậm sắc “cái tôi” hiện đại ngang nhiên tồn tại trong lòng xã hội phong kiến.
Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Bài làm số 3
Bài ca ngất ngưởng” được Nguyễn Công Trứ sáng tác sau 1848 là năm ông cáo quan về hưu. Bài thơ có giá trị tổng kết cuộc đời của Nguyễn Công Trứ, cả trí tuệ, tài năng, cả cốt cách, cá tính và triết lí. Khúc ca trác tuyệt viết bằng thể Hát nói này là tài hoa và khí phách của “Ông Hi Văn”.
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên.
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng.
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người tái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
Khác với những bài hát nói khác, Nguyễn Công Trứ không mở đầu bằng hai câu chữ Hán mà bằng một câu Hán: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” và một câu Việt: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Câu thơ chữ Hán có nghĩa là trong vũ trụ này không có việc gì là không phải phận sự của ta. Đây là quan niệm thiêng liêng của nhà Nho mà Nguyễn Công Trứ đã nhận thức sâu sắc và hạnh động nhất quán từ trẻ cho đến già. Vì nhiễm quan điểm chính thống đó mà “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Câu thơ hay tuyệt! Nội lực phải dữ dội lắm mới có cái điệu tự hào như vậy. Tưởng chừng như Nguyễn Công Trứ cười một “ông Hi Văn” nào đó, không ngờ “ông Hi Văn” chính lại là Nguyễn Công Trứ! Con người suốt đời say mê công danh nhưng lại coi cái vòng công danh ấy là một cái lồng”. Tại sao lại có thái độ khinh bạc ấy? Cũng dễ hiểu, Nguyễn Công Trứ là người có tài đã đem hết tài năng, trí tuệ giúp đời, cứu nước, cứu dân. Nhưng xã hội phong kiến mà ông cúc cung tận tụy lại quá bé nhỏ, thảm hại, ông Hi Văn luôn luôn cảm thấy bị ràng buộc, mất tự do, khác chi một con chim trong lồng!
Thành ra những hành động chọc trời khuấy nước, tài thao lược của vị đại tướng để trả “nợ tang bồng” cũng chẳng qua là hành vi bay nhảy của con chim trong lồng.
“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.
Kể như thế cũng đã oanh liệt! Văn võ song toàn ở đỉnh cao. Ấy là tác giả chưa kể đến những công trạng khác mà ông đã sáng tạo và đóng góp cho dân cho nước. Nhưng như thế thì Nguyễn Công Trứ có gì khác với giới quan trường vào luồn ra cúi bấy giờ? Đây, “ông Hi Văn” đây rồi!
“Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”
“Ngất ngưởng” ngay trong những hoạt động chính thống! “Ngất ngưởng” ngay trên đỉnh cao danh vọng! Thật là hiếm thấy. Đấy không phải là bộ dạng, hành vi bên ngoài mà ngất ngưởng đã trở thành bản chất của Nguyễn Công Trứ. Là thái độ sống, cũng là cốt cách, là cá tính của “ông Hi Văn”. Làm quan cho một triều đại suy tàn của chế độ pk, giữa đám quan lại, mua bán tước, bên cạnh những “tiến sĩ giấy” oái oăm thay lại cùng trong một lồng”, nên Nguyễn Công Trứ “ngất ngưởng” cao ngạo là phải. Xét về mặt nhân cách thì thái độ “ngất ngưởng” là “công trạng” lớn nhất của Nguyễn Công Trứ. Thái độ “ngất ngưởng” xuyên suốt của cuộc đời. Nguyễn Công Trứ, nhưng xét đến cùng thì “ngất ngưởng” giữa triều, “ngất ngưởng” trên đỉnh cao danh vọng là thái độ đáng kính nhất của “ông Hi Văn”.
Ngông đã trở thành cốt tủy của Nguyễn Công Trứ. Trong tiểu triều “ngất ngưởng”, cáo quan về “ngất ngưởng”:
“Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng…”
Năm cởi áo mũ, cáo quan về hưu, không thèm cưỡi ngựa mà cưỡi bò vàng có đeo lục lạc, “ông Hi Văn” thật là “ngất ngưởng”. Chưa hết, ông còn cột mo cau sau đuôi bò, nói với thiên hạ là để che miệng thế gian. Rồi bỗng xuất hiện dãy núi quen thuộc của quê nhà: “Kìa núi nọ phau phau mây trắng”. Núi Đại Nại trên quê hương của thi nhân đẹp một cách hư ảo.
Người anh hùng chọc trời khuấy nước nay trở về lân la nơi cõi Phật. “Tay kiếm cung” ấy chỉ có làm đổ đình đổ chùa chứ sao “mà nên dạng từ bi”!
“Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”
Vào chùa mà dắt theo cả ả đào thì chỉ có Nguyễn Công Trứ, hay nói đúng hơn chỉ có Nguyễn Công Trứ là thành thật. Sự thành thật đã làm cho câu thơ trở nên xôn xao, có lẽ còn ở tài hoa nữa. Từ “đủng đỉnh” hay quá, đây là nhịp đi của các nàng ả đào vào chùa, cái nhịp “đủng đỉnh” của tiếng chuông mõ tịch diệt, chứ không phải là nhịp “tùng”, “cắc” dưới “xóm”. Nhưng không phải “đủng đỉnh” chốc lát trước sân chùa mà ả đào thành ni cô. Thì cũng như Nguyễn Công Trứ vào cửa từ bi mà đâu có diệt được lòng ham muốn.
“Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”
Trong một xã hội mà cá nhân bị thủ tiêu, cá tính bị vo tròn, Nguyễn Công Trứ lại lồ lộ ra một cá nhân, hồn nhiên một cá tính. Với tinh thần nhân văn “ngất ngưởng”, nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã đi trước thời đại hàng thế kỉ!
Theo dõi bài ca từ đầu, ta thấy đã diễn ra ba giai điệu “ngất ngưởng”. “Gồm thao lược đã nên ngất ngưởng” là “ông Hi Văn” “ngất ngưởng” ở trong lồng”. Đây là giai điệu kỳ tuyệt, thể hiện khí phách của Nguyễn Công Trứ. Nói một cách khác đây là chiến thắng oanh liệt của sự tự diệt (khi lên đỉnh cao danh vọng người ta không còn là mình nữa). “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” là giai điệu Nguyễn Công Trứ cáo quan về hưu “ngất ngưởng”. “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” là giai điệu tự hào của Nguyễn Công Trứ muốn “ngất ngưởng” thoát tục.
Và đây là giai điệu cuối có giá trị tổng kết cuộc đời của một nhà nho trung nghĩa mà không đánh mất mình:
“Được mất dương dương người tái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú.
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
Đối với Nguyễn Công Trứ, “được mất dương dương người tái thượng”. Tác giả dùng điển tích “Tái ông thất mã”. Được chưa chắc là may, mất chưa hẳn là rùi. Trong cuộc sống bon chen đó, “được mất” một chút là người ta có thể làm thịt nhau, mà Nguyễn Công Trứ lại có thái độ bất biến trước sự được mất thì phải nói “ông Hi Văn” có bản lĩnh cao cường. Lại còn “khen chê” nữa, “khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Khen thì vui “phơi phới” đã đành, chứ sao chê mà cũng “phơi phới ngọn đông phong” nghĩa là cũng vui như ngọn gió xuân? Là vì cái gọi là chuẩn mực chính thống không trùng khít với chuẩn mực của nhà thơ. Thì mới oai phong đại tướng “Nguyễn Công Trứ đó đã bị cách tuột xuống làm lính thú, có hề chi, vẫn “phơi phới ngọn đông phong”. Có thể mất chức đại tướng nhưng miễn còn Nguyễn Công Trứ! Những âm thanh này mới làm bận lòng con người yêu đời, ham sống đó:
“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không tiên, không vướng tục”
Các giác quan của nhà thơ mở về phía cuộc sống tự do, về phía cái đẹp, về phía hưởng lạc. Thơ, rượu, ca trù, hát ả đào mới là đam mê của Nguyễn Công Trứ. Câu thơ nhịp 2/2 réo rắt thật hay (khi ca/ khi tửu/ khi cắc/ khi tùng) làm sôi động cả khúc ca. Tác giả cũng không quên đánh giá lại công trạng của “ông Hi Văn” với triều đại mà ông phụng sự:
“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”
Nguyễn Công Trứ tự liệt vào hàng danh tướng, công thần đời Hán, đời Tống của Trung Quốc như Trái (Trái Tuân), Nhạc (Nhạc Phi), Hàn (Hàn Kì), Phú (Phú Bật). Ông tự hào như vậy là chính đáng, vì lý tưởng anh hùng của ông cũng không ngoài lí tưởng trung quân ái quốc của đạo Nho và ông đã sống thủy chung trọn đạo vua tôi.
Kể ra tìm một bậc danh sĩ văn võ song toàn như Nguyễn Công Trứ trong thời đại nào cũng hiếm, nhưng không phải là không có. Chứ còn “ông ngất ngưởng” thì tìm đâu ra?
“Trong triều ai ngất ngưởng như ông?”
Đây cũng là giai điệu cuối cùng của “Bài ca ngất ngưởng”. Tác giả đã chọn giai điệu “ngất ngưởng” đích đáng để kết thúc bài ca. “Ngất ngưởng” ngay trong triều, “ngất ngưởng” trên đỉnh núi cao danh vọng, đó là nhân cách, là khí phách của Nguyễn Công Trứ.
Nếu được chọn một tác phẩm tiêu biểu cho toàn bộ trước tác của Nguyễn Công Trứ thì đó là “Bài ca ngất ngưởng”. Con người, tài năng, khí phách, tinh hoa của Nguyễn Công Trứ thể hiện sinh động trong tác phẩm trác tuyệt này. Thể hát nói đã thành thơ, thơ hay, vừa triết lí, vừa trữ tình, vừa trào lộng. Có một Nguyễn Công Trứ ngoài lồng” cười một “ông Hi Văn” trong lồng”, có một Nguyễn Công Trứ ngoại đạo cười một “ông Hi Văn” trong chung. Bốn giai điệu “ngất ngưởng” đã ghi lại cả cuộc đời hoạt động phong phú của một danh sĩ tài tình, trung nghĩa mà không đánh mất mình. Trong một xã hội mà cá nhân không được coi trọng, cá tính bị thủ tiêu thì thái độ “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ chẳng những là khí phách của ông mà còn là một giá trị nhân văn vượt thời đại.
Phân tích tác phẩm Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) – Bài làm số 4
Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) tên tục là Củng, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn (nay là xóm Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyễn Công Trứ là nhân vật “công thành”, “thân thoái” khá muộn trong lịch sử danh nhân Việt Nam. Ngoài bốn mươi tuổi mới đỗ đạt và làm quan, và lần thứ hai ở tuổi “thất thập” ông xin cáo quan về hưu mới được nhà vua chấp nhận. Có thể hình dung cuộc đời của ông Hy Văn là là đầy ắp những trang đời về sự kiện: giữ chức hành tẩu ở Quốc sử quán, giữ các chức tri huyện Đường Hào ở Hải Dương, Tư nghiệp quốc tử giám, Tham tán quân vụ, Thị lang Bộ hình, Hữu tham tri bộ hình, Dinh điền sứ, Bố chánh sứ Hải Dương, Tham tri Bộ binh, Tổng Đốc Hải An, Tuần phủ tỉnh An Giang, làm lính thú ở biên thùy, làm chủ sự Bộ hình, quyền Án sát Quảng Ngãi, làm ở Phủ thừa phủ Thừa Thiên v.v.v…và đến năm 1847 ông được thăng làm Phủ Doãn. Năm 1848, ông cáo quan về hưu.Từ thủa “bạch diện thư sinh” cho đến “thượng quan”, “trí sĩ” gắn liền hàng loạt chuỗi sự kiện mang nhiều biến cố trong cuộc đời ông Hy Văn mà chính Nguyễn Công Trứ đã dệt nên mẫu hình tay ngất ngưởng.
Trong sự nghiệp thơ văn của mình, Nguyễn Công Trứ dành cho mảng thơ “Tự thuật ” một vị trí quan trọng: thuật về chuyện đi thi, chuyện làm quan, chuyện thăng, giáng chức, chuyện cầm-kì-thi-tửu, chuyện “trong phận sự ” và chuyện “ngoài vòng cương tỏa” v.v.v…Ở cương vị và hoàn cảnh nào, vẫn lừng lững một Hy Văn “tài bộ” và một “tay ngất ngưởng” Nguyễn Công Trứ.
Trong Tiếng Việt, ngất ngưởng là từ dùng để chỉ, hiểu theo các nghĩa sau: Thứ nhất, ngất ngưởng để chỉ một tư thế tồn tại ở vị trí chênh vênh trên cao, lắc lư, dễ ngã, dễ đổ. Thứ hai, nghĩa của từ ngất ngưởng còn để biểu thị một cách sống, lối sống, thái độ sống, thậm chí khinh bạc, thách thức với các chuẩn mực thông thường.
Từ ngất ngưởng nếu hiểu, dùng ở nghĩa thứ nhất thì nét nghĩa từ vựng lại nhằm khắc họa một tư thế, hoạt động còn hiểu theo nghĩa thứ hai lại là sự biểu thị một tích cách, quan niệm sống (tuy nhiên giữa tư thế, hoạt động và tính cách một con người nhiều khi lại đồ chiếu lên nhau, khó lòng tách bạch, cái này là sự biểu hiện cái kia và ngược lại ). Ở Hy Văn, từ ngất ngưởng với đích dùng nghĩa thứ hai. Ngất ngưởng trong quan niệm của con người là những điều khác với lẽ đời, khác với chuẩn mực sống của thời đại.Ông Hy Văn là người ngất ngưởng – khác đời, nhưng với Nguyễn Công Trứ, những trang đời của Hy Văn còn khẳng định ông là một tay ngất ngưởng- hơn đời. Cái khác đời của ông được minh chứng bằng những trang đời ngất ngưởng: khi “ vinh hoa, phú quý” lúc thì “trảm giam hậu”, lúc “thăng”, lúc “giáng” cũng có khi cái “khác đời” đang chênh vênh, chực ngã thì cái “hơn đời” lại nâng đỡ Hy Văn. Ông Hy Văn hành đạo cũng giống như nghệ sĩ xiếc trên sợi dây thăng bằng, có lúc lắc lư, chao đảo tưởng chừng như chực đổ trong rạp xiếc quan trường nhưng bằng tài năng của người nghệ sĩ và lớn hơn là bản lĩnh hơn đời, Nguyễn Công Trứ luôn trụ vững và để lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho đời trong những khắc thời gian nghiêng ngả. Chỗ đứng ấy không những không làm ông “lắc lư, dễ đổ, dễ ngã” mà trái lại, nó trở thành điểm tựa, điểm nhấn cho mẫu hình ông Hy Văn càng thêm vững chãi và còn cao hơn chuẩn mực thông thường. Với Hy Văn, “thăng” có cái vinh của “thăng”, “giáng” có cái quang của “giáng”, “hành đạo” có cái nghĩa của con người xã hội, “hành lạc” có cái lí của con người cá nhân. Vì vậy, với ông cái gì cũng là “phận sự”: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” (trong trời đất, không có cái gì là không liên quan đến ta) và hành đạo hay hành lạc đều mang cốt cách của con người ngất ngưởng.
Một trong những lời tuyên ngôn về quan niệm và lí tưởng sống – bản tổng kết về cuộc đời của ông chính là Bài ca ngất ngưởng. Bài thơ được sáng tác khi ông cáo quan về quê. Cáo quan về hưu là lúc ông thoát ra “vòng cương tỏa” và dịp để ông bước vào “thế giới tự do”, khép lại chặng đường của con người phận vị để mở ra hành trình cho con người cá nhân, giã từ vị trí một “Thượng quan” để tận hưởng thời gian của một “Trí sĩ ”. Bao trùm lên bài thơ là giọng điệu khẳng định, thách thức của nhân vật trữ tình trong tâm thế ngất ngưởng: ngất ngưởng trong tư thế của một thượng quan, ngất ngưởng khi làm một trí sĩ cưỡi bò vàng, ngất ngưởng lúc đến thăm cửa phật và ngất ngưởng khi làm xong “đạo sơ – chung”. Tay ngất ngưởng ấy càng trở nên sinh động và thành thực hơn khi được cộng hưởng bởi hình thức thể loại hát nói-một điệu thức của ca trù “thể thơ của con người cá nhân và tự do” [1], “một thể thơ thông dụng trong ca trù thể hiện một con người tài tử thoát khỏi vòng cương tỏa, thoát sáo, thoát tụy lục, danh lợi, nắm lấy phút vui hiện tại” [2]. Ở bài thơ này, yếu tố nhạc và thơ xoắn xuýt vào nhau, chất thơ và chất văn xuôi có dịp tự tình trong nhịp phách réo rắt, cắc, tùng mà người cầm chầu là Tướng công Uy viễn. Như được dịp cởi bỏ cái chật chội của khuôn phép nhà Nho hành đạo, lồ lộ hiện ra một nhà Nho tài tử dập dìu trong tiếng nhạc, cung đàn:
“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên không vướng tục.”
Qủa thật, “trong nghệ thuật chơi này, không có sự phân biệt quá rõ giữa người hát và người nghe, tất cả cảm thấy đều là nghệ sĩ. Tất cả cảm thấy mình đang sống trong một không gian khác, tạm thời siêu thoát khỏi không gian xã hội chật hẹp câu thúc, gò bó đầy lễ nghi phiền toái, giả tạo.”[3]. Lời tuyên ngôn, bản tổng kết về cuộc đời của Nguyễn Công Trứ là hành trình ngất ngưởng từ những trang đời của Hy Văn.Với Nguyễn Công Trứ, cái gọi là chuẩn mực của cuộc sống đương thời không trùng khít với quan niệm sống và cao hơn nữa là lí tưởng của ông, nên suốt một đời Hy Văn đành làm một con người “lệch chuẩn”. Nói cách khác, ở ông là sự tồn tại kiểu con người “khổng lồ” về tư tưởng mà chiếc áo chuẩn mực cũn cỡn của xã hội bấy giờ không che nổi người lực sĩ tính cách Nguyễn Công Trứ. Ngất ngưởng – khác đời nhưng không phải là cách sống của kiểu người lập dị, ngổ ngáo, ngạo ngược mà ngất ngưởng ở Hy Văn là ngất ngưởng của một con người có tài và nhân cách sống cao đẹp. Vẻ đẹp của một nhà Nho dám sống “vì đời” và “vì mình”, luôn “ tận hiến” và biết “ tận hưởng”, một lí tưởng sống đứng cao hơn cách sống của thói đời. Như một sở nguyện, Nguyễn Công Trứ đến với thơ văn là đến với cuộc đời thứ hai của mình để thỏa mãn “Chí nam nhi ” và hát lên “Bài ca ngất ngưởng” về con người, “khác biệt với dòng tư tưởng Phải có danh gì với núi sông, Nguyễn Công Trứ còn bộc lộ cả những tiếng nói trữ tình, đa tình và đa tài. Nguyễn Công Trứ quả đã tạo lập và hoàn thiện mẫu hình ông ngất ngưởng”. [4]. Vì thế, qua những trang đời của mình, ông càng khẳng định và thủy chung với quan niệm, lí tưởng sống mà bản thân hướng tới. Mặt khác, Hy Văn còn ngang nhiên thách thức với đời:
“Chẳng Trái, Nhạc, cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
Hy Văn ngất ngưởng với đời không chỉ vì ông là người khác đời và hơn đời ở chức danh, phận vị cao, thấp, nếm trải cảnh thăng, giáng thất thường và cách vượt lên thói đời để:
“ Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.”
Mà với Hy Văn, ngất ngưởng còn là sự thủy chung trong lối hành xử của kẻ sĩ “hoàn danh”, “vẹn đạo”- “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”. Thói đời khác ông và ông đứng trên thói đời – sự tỏa sáng trong phương châm xử thế của một nhà Nho nhân cách. Cho nên, ông là người dám sống tận cực và chấp nhận cách sống hết mình “vì đời” và “vì mình”. Cội rễ ngất ngưởng ở Hy Văn là sự thức tỉnh con người cá nhân trong mọi phận vị “dường như ông đã tạo được cho mình một sự thoải mái tận độ trong mọi trạng thái tâm lí, tinh thần và vươn đến cái tự do có thể. Con người cá nhân và nhu cầu trần thế có thể có trong văn học Việt Nam trung đại đến Nguyễn Công Trứ là một bước phát triển đột xuất. Thơ văn của ông là sự khẳng định con người cá nhân trên mọi phương diện của lí tưởng kẻ sĩ và lí tưởng nhân sinh” [5]. Trong quan niệm của Hy Văn thì không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ đối với con người. Vì vậy, cuộc đời của Hy Văn là hành trình của con người ngất ngưởng đi tìm những giá trị về lí tưởng của kẻ sĩ và lí tưởng nhân sinh. Trên con đường đi tìm lí tưởng ấy, “con người hành đạo” và “con người hành lạc” được thức tỉnh triệt để về ý thức cá nhân. Chính vì thế, ở chốn quan trường hay khi là một hưu quan thì với Hy Văn vẫn là một con người nhất quán – thống nhất trong các thế cực.
Nguyễn Công Trứ là hiện tượng “Tiền-hậu bất kiến”, một nhà văn độc đáo trong văn học dân tộc Việt Nam, một danh nhân đặc sử, một sự tích tụ giá trị văn hóa nhân loại và kết tinh của một trào lưu nhân đạo mới mẻ trong văn học trung đại. Điều đó cũng không ngoại trừ “quá trình diễn tiến tư tưởng của Nguyễn Công Trứ từ quan niệm chí nam nhi đến triết lí hành lạc là quá trình sụp đổ hoàn toàn của lí tưởng xã hội ở nhà thơ này.”[6]. Nếu thế, Hy Văn là người xác lập ra một lí tưởng mới – lí tưởng nhân sinh? Và như vậy, ngất ngưởng là tuyên ngôn sống, thái độ sống và lí tưởng sống của con người, một định ngữ cho nhân sinh mà cả cuộc đời Nguyễn Công đã “phổ” vào cây đàn độc điệu để hát lên “Bài ca ngất ngưởng” vì con người. Và mẫu hình “tay ngất ngưởng” được dệt từ trang đời của Hy Văn, và nó chính là hình mẫu cho Nguyễn Công Trứ và con người trần thế hướng đến. Một hình mẫu con người xã hội và con người cá nhân, một mẫu hình mà chủ nghĩa nhân văn từng vươn tới. Về điểm này, Nguyễn Công Trứ vượt xa thời đại ông và gần gũi hơn với thời đại chúng ta.
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- phân tích bài ca ngất ngưởng
- phân tích bài ca ngất ngưởng lớp 11
- phân tích lối sống Ngất Ngưởng của nhân vật trữ tình trong bài ca Ngất Ngưởng của Nguyễn Công Trứ
- cảm nghĩ về bài ca ngất ngưởng
- viết văn bài Bài ca ngất ngưỡng
Bài viết liên quan
- Cảm nghĩ về bài Trong đầm gì đẹp bằng sen … – Văn hay lớp 7
- Bình luận câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” – Văn hay lớp 9
- 1 Phân tích tác phẩm Bài thơ số 28 (Ta-go) – Văn hay lớp 11
- 2 Phân tích tác phẩm Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan) – Văn hay lớp 11
- 3 Phân tích tác phẩm Chí Phèo – Văn hay lớp 11
- 4 Phân tích tác phẩm Cha con nghĩa nặng (Hồ Biểu Chánh) – Văn hay lớp 11
- 5 Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Văn hay lớp 11
- 6 Phân tích tác phẩm Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh) – Văn hay lớp 11
- 7 Phân tích tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng) – Văn hay lớp 11
- 8 Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) – Văn hay lớp 11
- 9 Phân tích tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát) – Văn hay lớp 11
- 10 Phân tích tác phẩm Tình yêu và thù hận (Uy-li-am Sếch-xpia) – Văn hay lớp 11