13/01/2018, 16:44

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Văn hay lớp 11

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Văn hay lớp 11 Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi tỉnh Trà Vinh Tác giả Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh ra bên núi Tản sông Đà, huyện Bất Bạt, Sơn Tây (nay là Ba Vì, ...

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Văn hay lớp 11

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi tỉnh Trà Vinh

Tác giả Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh ra bên núi Tản sông Đà, huyện Bất Bạt, Sơn Tây (nay là Ba Vì, Hà Tây) nên lấy bút danh là Tản Đà. Tản Đà sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống khoa bảng và văn học nghệ thuật.

Là con trai của quan án sát tỉnh Ninh Bình Nguyễn Danh Kế và một đào nương tên là Nhữ Thị Nghiêm, vì vậy Tản Đà không chỉ say mê ca trù mà còn rất am hiểu về nhạc dân gian. Ông thành thạo xẩm, chèo và cải lương đồng thời thông tỏ về từ khúc (nhạc cung đình Trung Quốc). Tản Đà là đại diện tiêu biểu của kiểu nhà nho tài tử buổi giao thời, là người đầu tiên “mang văn chương ra bán phố phường”. Sáng tác của Tản Đà thể hiện một cá tính nghệ sĩ tài hoa, tài tử.

Tản Đà viết cả văn và làm thơ nhưng ông nổi tiếng với tư cách nhà thơ hơn. Thơ Tản Đà mang màu sắc cổ điển về hình thức và mới mẻ về nội dung, ông được gọi là cầu nối giữa hai thời đại văn học trung đại và hiện đại. Là thi sĩ tài hoa và đa tình, ông viết nhiều về tình yêu. Đồng thời thơ Tản Đà còn thể hiện tính dân tộc rõ nét từ hình thức đến nội dung. Trong thơ ông, lòng yêu nước, yêu quê hương được biểu hiện rất phong phú và đa dạng, khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp.

Tác phẩm chính: Về thơ có Khối tình con I, II, III, Còn chơi, Thơ Tản Đà… Về văn xuôi có Giấc mộng lớn, Giấc mộng con I, II, Tản Đà văn tập…

Hầu trời được xếp trong tập Còn chơi (1921) là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tản Đà. Bài thơ được viết dưới dạng tự sự, kể một tình huống tưởng tượng cảnh nhà thơ lên gặp trời để ngâm thơ cho trời nghe. Qua đó thể hiện ý thức cá nhân và thái độ của nhà thơ về nghề văn, về cuộc đời.

Tản Đà được coi là “người nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, là gạch nối giữa thơ mới và thơ cũ, là người đặt nền móng cho thơ mới. Những đánh giá ấy đã xác nhận vị trí quan trọng của Tản Đà đối với văn học Việt Nam giai đoạn giao thời. Ông là đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn này, giai đoạn văn học dân tộc có những bước chuyển mình, bắt đầu cho giai đoạn hiện đại hoá mau lẹ. Hầu trời là một bài thơ có rất nhiều điểm mới. Bài thơ thể hiện đậm nét cá tính sáng tác của Tản Đà. Mạch thơ được triển khai theo lôgíc một câu chuyện với các chi tiết cụ thể, rành mạch, khiến cho bài thơ hấp dẫn và có sức thuyết phục: nằm một mình, buồn nên dậy đun nước uống rồi ngâm văn, động đến Trời, tiên xuống hỏi rồi đưa lên gặp Trời, Trời cùng chư tiên đón tiếp long trọng, mời đọc thơ, giới thiệu về mình rồi đọc thơ và giãi bày cảnh ngộ cùng Trời, Trời giải thích, khen ngợi rồi cho đưa về trần giới. Nhà thơ đã chọn một cách rất độc đáo để thể hiện tâm sự của mình.

Chuyện hầu Trời bằng tưởng tượng đã giúp nhà thơ khẳng định tài năng của bản thân và bộc lộ quan niệm mới mẻ của ông về nghề văn, đồng thời thể hiện ý thức của cái Tôi cá nhân đầy cá tính của mình. Nhà thơ đã mở đầu câu chuyện của mình bằng một giọng điệu rất hấp dẫn, bịa mà rất tự nhiên, hóm hỉnh:

Đêm qua chẳng biết có hay không,

Thật được lên tiên  sướng lạ lùng.

Lí do được Trời mời lên hầu cũng thật đời thường và dễ tin: Nằm buồn dậy đun nước uống, rồi ngâm thơ, chơi trăng. Và “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” đã làm Trời mất ngủ. Thế là được lên Trời.

Cuộc hội kiến với Trời và chư tiên được kể lại chi tiết, hồn nhiên, nghe tự nhiên như thật. Tác giả đã chọn lối kể chuyện nôm na của dân gian để tái hiện câu chuyện hầu Trời.

Nhà thơ tưởng tượng tình huống gặp Trời để giới thiệu về mình. Giới thiệu rõ, chính xác tên tuổi, quê hương, đất nước, nghề nghiệp, kể tên các tác phẩm của mình. Nhà thơ đã chọn tình huống độc đáo: gặp Trời, ngâm thơ cho Trời cùng chư tiên nghe, qua đó khẳng định tài năng của mình. Khẳng định một cách rất tự nhiên:

Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi.
Văn dài, hơi tốt ran cung mây!…

Tự khen tài của mình nhưng lại chọn hình thức để Trời cùng chư tiên khen ngợi. Đây là một kiểu ngông đáng yêu.

Sau khi giới thiệu các tác phẩm, có phân chia rõ ràng thành từng loại theo quan điểm của bản thân (văn thuyết lí, văn chơi, văn tiểu thuyết, văn vị đời và lối văn dịch) thì đưa ra nhận xét, cùng với những nhận xét của Trời “Văn đã giàu thay, lại lắm lối” (đa dạng về thể loại, giọng điệu). Nhà thơ lại còn mượn lời của Trời để khẳng định tài năng của bản thân:

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt
Văn trần được thế chắc có ít!…
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”

Nhà thơ đã hiên ngang khẳng định cái Tôi của mình, gắn liền với tên tuổi thật của mình. Đó là thái độ ngông của người có tài và biết trân trọng, khẳng định tài năng của mình. Trong thời đại của Tản Đà, đất nước đang mất chủ quyền, tự giới thiệu như còn là biểu hiện của sự tự hào, tự tôn dân tộc. Hóm hỉnh hơn, nhà thơ còn khẳng định cả phong cách ngông của mình:

 “Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông.”

Qua cuộc đối thoại tưởng tượng với Trời, nhà thơ còn khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả của mình nói riêng và của người nghệ sĩ nói chung là lo việc “thiên lương” của nhân loại:

Trời rằng: “Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay.”

Tạo tình huống tưởng tượng này để an ủi mình, đồng thời cũng là để nói lên ý nghĩa cao quý của văn chương, của nhà văn.

Cũng nhân đây, nhà thơ giãi bày tâm sự của mình về nghề văn. Tản Đà được coi là người đặt nền móng cho thơ Mới, không chỉ bởi thơ ông mang hơi thở hiện đại của thời đại với cái Tôi cá nhân sừng sững giữa trang văn mà còn vì ông là nhà thơ đầu tiên “mang văn chương ra bán phố phường”, coi nghề văn là nghề kiếm sống. Khi giãi bày cảnh ngộ với Trời, nhà thơ đã kể lể rất chi tiết về nghề làm văn kiếm sống này. Tản Đà cũng đã dùng lời Trời để tự an ủi mình.

Với Hầu Trời, Tản Đà đã mang đến cho văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX một không khí mới. Dưới hình thức một bài thơ  câu chuyện tưởng tượng vui và đầy hào hứng, nhà thơ đã khẳng định cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ. Nhà thơ vừa tự tin khẳng định tài năng của mình vừa nói lên quan điểm làm văn chương, đó là viết văn để phục vụ thiên lương. Viết văn hay làm cho đời đẹp hơn là nhiệm vụ trời đã trao cho người nghệ sĩ.

Sáng tạo độc đáo về mặt nghệ thuật của Tản Đà là đã đưa ngôn ngữ đời thường nôm na, dễ hiểu, dung dị mà vẫn rất gợi cảm vào thơ ca. Ngôn ngữ thơ ở Hầu Trời đã có sự xâm nhập của giọng điệu văn xuôi và ngôn ngữ bình dân. Không quá câu nệ vào vần luật nên mạch cảm xúc được phát triển rất tự nhiên và cái Tôi cá nhân đã thoả sức bộc lộ và thể hiện mình. Điểm độc đáo và thành công của bài thơ còn thể hiện ở chỗ tạo ra cái cớ là tình huống hầu Trời để tự khẳng định tài năng và quan niệm của mình. Đó là một kiểu ngông rất nghệ sĩ, vui vẻ và đáng yêu. Bài thơ cũng đã phác hoạ một chân dung thi sĩ Tản Đà với phong cách ngông độc đáo, đó là cái ngông của một nhà nho tài tử ở thời kì mà ý thức cá nhân bắt đầu được trân trọng và khẳng định.

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Bài làm số 2

Tản Đà là một nhà thờ đặc biệt khi cả học vấn, lối sống và sự nghiệp văn chương của ông đều mang dấu ấn “người của hai thế kỉ” (Hoài Thanh). Thơ văn của ông chinh phục khan giả bởi một điệu tâm hồn mới mẻ, với sự hiện diện của “cái tôi” lãng mạn bay bổng, vừa ngông nghênh phới đời, vừa cảm thương ưu ái. Giữa lúc thơ phú nhà Nho tàn cuộc, Tản Đà có lối đi riêng, vừa tìm về ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tạo độc đáo và tài hoa. Thơ văn của ông có thể xem như một cái gạch nối giữa hai thời đại văn học dân tộc: Trung đại và hiện đại. Bài thơ “Hầu trời” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho điều ấy.

Bài thơ mở đầu bằng bốn câu thơ đầy ấn tượng:

“Đêm qua chẳng biết có hay không

Chẳng phải hoảng hốt không mơ mòng

Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

Thật được lên tiên – sướng lạ lùng”

Bốn câu thơ đã gây ấn tượng với người đọc khi tạo ra một mối nghi ngờ để khơi gợi trí tò mò. Chuyện có vẻ như mộng mơ, như bịa đặt “chẳng biết có hay không”, nhưng dường như lại là thật, thật hoàn toàn, bởi tác giả đã bồi đắp sau đó ba câu thơ như những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột, nhắc đi nhắc lại như để củng cổ lòng tin (hai lần phủ định “chẳng phải”, “không”, bốn lần khẳng định “thật…”, lại còn có vẻ như rất chân thành khi diễn tả cảm giác “sướng lạ lùng”). Cảm giác đó làm cho câu chuyện mà tác giả sẽ kể trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt, không ai có thể bỏ qua.

Những câu thơ tiếp theo tác giả kể chuyện được mời lên thiên đình để đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe. Cảnh đọc thơ cho Trời nghe được kể lại một cách tuần tự, rõ ràng và rất sinh động. Lên thiên đình, thi sĩ được Trời cho ngồi “ghế bành như tuyết vân”, cho uống nước nhấp giọng và truyền “Văn sĩ đọc văn nghe”. Thi sĩ cao hứng:

“Đọc hết văn vần sang văn xuôi

Hết văn thuyết lý lại văn chơi

Đương cơn đắc ý đọc đã thích

Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi”

 Vừa đọc, nhà thơ vừa tự đắc:

“Văn dài hơi tốt ran cung mây

Trời nghe trời cũng lấy làm  hay

…..

Văn đã giàu thay lại lắm lối…”

Chư tiên nghe xong rất xúc động hâm mộ:

“Tâm như mở dạ, Cơ lè lưỡi

Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày

Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng

Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay

….

Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:

Anh gánh lên đây bán chợ “

Trời cũng đánh giá cao và không ngớt lời tán dương:

“Trời lại phê cho “Văn thật tuyệt”!

Văn trần được thế c hắc có ít

Nhời văn chuốt đẹp như sao bang

Khí văn hùng mạnh như mây chuyển

Êm như gió thoảng! Tỉnh như sương

Đầm như mưa sa lạnh như tuyết!”

Hết tự khen mình lại mượn lời các chư tiên, rồi mượn lời của Trời để tự khen thơ mình, nhà thơ Tản Đà quả thật rất tự tin và có khí phách. Qua giọng thơ có vẻ hài hước, dí dỏm mà cao ngạo, có thể thấy được tâm hồn của thi sĩ Tản Đà. Ông rất ý thức về tài năng của mình và cũng là người táo bạo, dám đường hoàng bộc lộ bản ngã “cái tôi” cá nhân. Ông cũng rất ngông cuồng khi tìm đến tận trời để khẳng định tài năng của mìn trước Ngọc Hoàng thượng đế và chư tiên. Đó là niềm khao khát chân thành trong t âm hồn thi sĩ. Giữa chốn văn chương hạ giới rẻ như bèo, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, ông không tìm được kẻ tri kỉ, tri âm, phải lên tận cõi tiên này mới có thể thỏa nguyện.

Tản Đà cũng đã vẽ lên một bức tranh rất chân thực và cảm động về chính cuộc đời mình  và nhiều nhà văn khác – cuộc đời cơ cực, tủi hổ của người nghệ sĩ tài hoa trong xã hội thực dân phong kiến lúc ấy”

“Bẩm trời, cảnh con thực nghèo khó

Trần gian thước đất cũng không có

Nhờ trời năm xưa học ít nhiều

Vốn liếng còn một bụng văn đó

Giấy người, mực người, thuê người in

Mướn cửa hàng người bán đường phố

Văn chương hạ giớ rẻ như bèo

Kiếm được đồng lãi thực rất khó

Kiếm được thời ít, tiêu thời nhiều

Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu….”

Bao nhiêu là chuyện cơ cực: nghèo khó, không tấc đất cắm dùi, thân phận bị rẻ rúng, làm chẳng đủ ăn, bị o ép nhiều chiều,…. Bức tranh hiện thực đó giúp người đọc hiểu sao Tản Dầ thấy “đời đáng chán”, “trần thế em nay chán nửa rồi”, vì sao ông phải tìm cõi tri âm tận trời cao, phải tìm đến  Hằng Nga, Ngọc Hoàng, chư tiên để thỏa mãn niềm khao khát.

Qua bài thơ “Hầu trời”, Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện bản ngã cái tôi, cái cá nhân, phóng túng, ngông nghênh, tự ý thức đầy đủ về tài năng và giá trị đích thực của mình và niềm khao khát được khẳng định mình giữa cuộc đời. Hình thức nghệ thuật có nhiều sáng tạo. tài hoa: thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái, tự nhiên, ngôn ngữ, giản dị hóm hỉnh.

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Bài làm số 3

Tản Đà (1889 – 1939) là người có lối sống và sự nghiệp văn chương mang dấu ấn “người của hai thế kỉ”. Vào những năm 20 của thế kỉ XX, Tản Đà nổi được ví như một ngôi sao sáng trên thi đàn thơ văn Việt Nam,ông có những tác phẩm tiêu biểu như: “Thơ Tản Đà” (1925); “Giấc mộng lớn” (tự truyện – 1928); “Còn chơi” (thơ và văn xuôi – 1921)…hồn thơ Tản Đà thể hiện “cái tôi” lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng lại vừa cảm thương. Hầu trời là một trong số bài thơ tiêu biểu trong tập “còn chơi” thể hiện rõ nét nhất tâm hồn phóng khoáng, đôi khi là nét ngông, và cũng góp phần khẳng định giá trị bản thân trước cuộc đời của Tản Đà.

Cách vào đề của “ Hầu trời” cũng rất độc đáo, gây ấn tượng người đọc với cách vào đề, dẫn dắt độc giả vào thế giới thơ một cách cuốn hút. Bằng những câu thơ, thủ thỉ tâm tình như đang kể cho độc giả một câu chuyện như vừa mới xảy ra vậy, câu chuyện đó bắt đầu từ một giấc mơ, nhưng tác giả lại không thể biết được đó là thật hay mộng, thực hay ảo. Sự đối lập được nêu ra khi bốn từ “ thật được sử dụng trong 2 câu, chứng tả tác giả không hề mơ mộng mà nó thực chất là một giấc mơ, thế tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy. Nhưng dẫu sao thì nó vẫn mang lại cảm xúc thích thú vui sướng cho chính tác giả

“Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên – sướng lạ lung”

Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả kể về lí do được lên “hầu trời” của mình, với những câu thơ đầy tính thuyết phục, với ngòi bút của mình, Tản Đà vẽ ra một câu chuyện như vừa mới xảy ra đây thôi:

“Nguyên lúc canh ba nằm một mình
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh
Nằm buồn, ngồi dậy đun ấm nước
Uống xong ấm nước, ngồi ngâm văn.
….
….
Vào trông thấy Trời, sụp xuống lạy
Trời sai tiên nữ dắt lôi dậy
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy”.

Không gian thời gian của câu chuyện mặc dù là của một giấc mơ nhưng lại rất rõ ràng, tác giả giải thích lí do của buổi “hầu trời” là do “tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời mất ngủ. Trời bèn sai tiên nữ xuống gọi thi sĩ lên đọc văn cho Trời nghe. Lí do của buổi “hầu trời” mà tác giả đưa ra như một khẳng định rằng: Cái may mắn được lên hầu trời do những phút cao hứng trong thơ văn của nhà thơ.

Câu chuyện của buổi “hầu trời” diễn ra rất tự nhiên và hợp lí, như chính tác giả vừa mới trở về từ chốn đó vậy:”Theo lệnh của Trời, thi sĩ đọc văn và ngâm văn của mình cho Trời và các chư tiên nghe.

“Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe
Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”.

 Với niềm phấn khích và đầy hứng khởi của mình, sự say sưa trong giọng đọc thơ, cũng ẩn ý cho niềm say mê trong văn chương đã khiến cho tác giả rất tự tin, thể hienj niềm khát khao và đam mê của chính bản thân mình. Và qua những câu thơ, người ta cũng thấy được tài năng của ông khi biết được nhiều thể loại:

“Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi”.

Mọi người sau khi được Tản Đà đọc thơ,lây làm rất thích thú, ai cũng bộc lộ sự hân hoan tán thưởng, kể cả ông trời cũng phải buông ra những lời tán dương mà mới nghe cũng thấy sung sướng hạnh phúc.

Thái độ của người nghe được thể hiện ở nét mặt, cử chỉ, điệu bộ: “Tâm như nở dạ”; “Cơ lè lưỡi”; “Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày”; “Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng” và khi hết mỗi bài thì tất cả cùng đồng loạt vỗ tay. Thi sĩ còn kể ra hàng loạt các tập thơ của mình như: “Khối tình”, “Đài gương”, “Lên sáu”…Nhận được sự ngưỡng mộ, thi sĩ được các chư tiên dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ trời”.

Đoạn thơ tiếp theo thể hiện rõ ý thức về “cái tôi” cá nhân của tác giả rất cao:

“Trời lại phê cho: “văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chau chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”

Những câu thơ góp phần thể hiện “Cái tôi” phóng khoáng,tác giả đã cố ý mượn lời của Trời để ca ngợi thơ văn của mình. Nó không những chứng tỏ Tản Đà rất có ý thức về tài năng văn chương vượt trội của bản thân mà còn như khẳng định chính Tản Đà là người khơi nguồn cho một cuộc cách mạng về thơ ca, đúng với cái tên “người của hai thế kỉ” mà Hoài Thanh đã gọi. Cái hay, cái đẹp trong thơ ca của Tản Đà được tác giả đem so sánh với vẻ đẹp tuyệt vời của các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ như: sao băng, mây, gió, sương, tuyết…, qua đây cũng thấy được thái độ của tác giả tỏ ra rất tự hào, kiêu hãnh về tài năng văn chương của mình. Theo yêu cầu của Trời, thi sĩ tự xưng tên tuổi và thân thế:

“ – Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”

Trời ngờ ngợ một lúc lâu rồi sai Thiên tào kiểm tra lại. Thiên tào tra sổ rồi bẩm báo:

“ – Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông”.

 “- Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có

Trời lại sai con việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo”

Khi được trời hỏi, sau một hồi đối đáp thì cũng lộ ra một điều rằng, vốn dĩ Tản Đà ở hạ giưới chỉ vì tội ngông. Đoạn thơ tái hiện bức tranh hiện thực được vẽ bằng bút pháp tả chân thực, tỉ mỉ và rất cụ thể, phản ánhđời sống cùng cực của tầng lớp văn nghệ sĩ một cách chính xác và tình hình lộn xộn của thị trường văn chương thời ấy. Cảm xúc ở đoạn thơ khi thi sĩ đọc thơ cho Trời nghe hứng khởi bao nhiêu thì đoạn này lại càng thể hiện tâm trạng ngậm ngùi, chua xót bấy nhiêu. Giấc mơ “hầu trời” như sự biểu hiện khát khao được thể hiện tài năng của thi sĩ. Dường như Trời cũng thấu hiểu được tình cảnh của thi sĩ nên khuyên nhủ:

“Rằng: Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết”

Những lời khuyên của trời dù ngắn ngủi nhưng lại vô cùng có giá trị, cuộc chia tay tiễn biệt giữa trời các chư tiên và tác giả cứ quyến luyến

 “Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi
Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống
Theo đường không khí về trần ai”

Mặc dù đã tỉnh khỏi giấc mộng nhưng vẫn lấy làm hối tiếc khi một năm có bao nhiêu ngày nhưng may mắn chỉ có 1 đêm để hầu trời. Điều này càng chứng tỏ, lòng khát khao muốn dùng thơ văn và niềm đam mê của mình để ai ai cũng biết tới, và những ai trân trọng nó

 “Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đếm lên hầu Trời”.

Từ một câu chuyện dường như không có thật, “hầu trời” đã phản ánh khá rõ tính cách của Tản Đà, ông đã mạnh dạn tự biểu hiện “cái tôi” cá nhân, một “cái tôi” ngông, phóng túng. qua đó tác giả cũng ý thức rất rõ về tài năng, dám công khai cái tài văn chương hơn người của mình. Bài thơ “Hầu trời” là một bài thơ hay và độc đáo, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cả hồn thơ Tản Đà và cả phong trào thơ mới.

Phân tích tác phẩm Hầu trời (Tản Đà) – Bài làm số 4

Tản Đà (1889 – 1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Quê hương ông nằm bên bờ sông Đà, gần chân núi Tản Viên. Nhà thờ đã lấy tên núi, tên sông ghép thành bút danh của mình. Tản Đà sinh ra trong một gia đình có dòng dõi khoa bảng đời Lê. Là người sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời, lúc Hán học đã tàn mà Tây học lại mới bắt đầu, nên Tản Đà mang dấu ấn là con người của hai thế kỉ kề cả về học vấn, lối sống và sự nghiệp văn chương..Ông theo học chữ Hán từ nhỏ, từng theo đòi con đường cử nghiệp nhung thi Hương hai lần không đỗ. Ông chuyển sang viết báo, viết văn, làm thơ bằng chữ quốc ngữ và ham học hỏi để tiến kịp thời đại. Ông là nhà nho tài tử, nhà nho ít chịu khép mình trong khuôn phép Nho gia. Tản Đà thuộc lớp nhà nho vứt bút lông đi nắm bút chì, đổi lông ra sắt và là một trong những người Việt Nam đầu tiên sinh sống bằng nghề viết văn, xuất bản sách, sông theo phương thức của lớp tiểu tư sản thành thị đem văn chương đi bán phố phường: Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu.

Tản Đà nổi tiếng là một người rất ngông. Sống giữa cảnh đất nước lầm than và nhốn nháo thời đó, Tản Đà không chịu nhập cuộc, ông đã lánh đục theo trong, tự mình tìm kế sinh nhai, sẵn sàng đánh đổi cái nghèo vật chất có lấy cái giàu tinh thần. Giữa cái ác, Tản Đà tách ra để đi tìm cái thiện, giữa cái xấu, Tản Đà có ý thức vươn lên cái đẹp.. Đằng sau cái ngông của Tản Đà là một cá tính độc đáo, một nhân cách thanh cao: Người ta hơn tớ cái phong lưu – Tớ lại hơn ai cái sự nghèo. Tản Đà lấy cái nghèo, cái ngông để đối chọi lại với cái phong lưu, rác rưởi, cái thứ ô trọc giữa cuộc đời.

Trong lịch sử văn học, Tản Đà là một gương mặt, một nhân cách đặt biệt. Ông là một người giữ một vị trí rất quan trọng trong lịch sử văn học cận – hiện đại Việt Nam. Tản Đà là người đi tiên phong ở nhiều lĩnh vực văn hóa, là một cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời đóng góp nhiều thành tựu trên nhiều thể loại nhưng thực sự xuất chúng với thơ. Tản Đà là một nhà thơ dân tộc. Vinh dự đó đến với ông không giống như với Phan Bội Châu bằng con đường yêu nước, viết văn thơ yêu nước và cách mạng, mà bằng con đường phát huy vốn sống dân tộc, trau dồi ngôn ngữ văn học và phát triển thơ ca dân tộc. Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam kiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi (Xuân Diệu).

Nổi lên trong văn chương của Tản Đà là một cái tôi lãng mạn, với tất cả sự hồn nhiên, thoải mái, bất chấp kỉ cương, khuôn phép thông thường; một cái tôi với nguồn cảm hứng dạt dào về nổi sầu, nỗi cô đơn. Trong các trang viết của mình, Tản Đà vừa tỏ được cốt cách uyên thâm, mực thước của một nhà Nho, lại vừa thể hiện được sự phóng túng, linh hoạt, phong độ của một nhà văn, một nhà thơ hiện đại. Chính vì vậy ông đã đặt được dấu gạch nối giữa văn học truyền thông và văn học hiện đại, là người dạo bản đàn mở dầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì sắp sửa (Hoài Thanh), người báo tin xuân cho phong trào Thơ mới 1932 – 1945.

Điệu tâm hồn mới mẻ, cái tôi lãng mạn bay bổng vừa cảm thương, ưu ái vừa phóng khoáng, ngông nghênh trong thơ văn Tản Đà đã chinh phục được một thế hệ độc giả mới. Vào những năm đầu thế kỉ XX, tên tuổi Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng chói trên thi đàn với các tác phẩm chính như: Khối tình con I, II, III (thơ); Giấc mộng con I, II (truyện); Khối tình bản chính. Khối tình bản phụ (luận thuyết); Còn chơi (thơ và văn xuôi), Thơ Tản Đà, Giấc mộng lớn (Tự truyện).

Hầu Trời là bài thơ trữ tình trên dòng cảm xúc tự sự. Câu truyện hầu Trời được kể theo trình tự thời gian trước sau với 4 phần:

Phần 1: Từ câu 1 đến câu 20: Lời vào chuyện, kể lí do cùng thời điểm nhân vật được lên hầu Trời.

Phần 2: Từ câu 21 đến câu 68: Kể về cuộc đọc thơ đầy đắc ý cho Trời và chư tiên nghe của nhân vật trữ tình Tản Đà.

Phần 3: Từ câu 69 đến câu 98: Kể nội dung lời trần tình với Trời về tình cảnh khôn khó của kẻ theo đuổi nghề văn và thực hành thiên lương ở hạ giới.

Phần 4: Phần còn lại: Kể về phút chia tay đầy xúc động giữa nhân vật trữ tình với Trời và chư tiên.

Câu chuyện hầu Trời được tác giả kể lại bắt đầu từ một tình huống đột ngột khi văn nhân ngồi ngâm thơ một mình trong đêm trăng. Tiếng ngâm thơ vang cả sông Ngân Hà khiến Trời mất ngủ bèn sai các tiên nữ mời thi sĩ lên đọc văn, ngâm thơ cho Trời nghe. Cái duyên được hầu Trời của Tản Đà gắn liền với câu chuyện văn thơ, gắn liền với những phút cao hứng của nhà thơ và gắn liền với ý thức cao về giọng ngâm văn tốt của mình và khát khao vồ một thời tri âm, tri kỉ. Câu chuyện bịa nhưng lại rất tự nhiên bởi những lời khẳng định chắc chắn được nhắc đi nhắc lại: Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mộng – Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể! Thật được lèn tiên – sướng lạ thường. Cách vào chuyện độc đáo, có duyên, gợi cho người nghe sự tò mò và tạo ra một sức hấp dẫn đặc biệt.

Câu chuyện hầu Trời được tác giả kể rất tự nhiên. Quang cảnh tiên giới đẹp: cửa son đỏ chói, ghế bành như tuyết, văn như mây, với không khí trang nghiêm: sụp xuống lạy, chư tiên ngồi quanh đã tĩnh túc,… rất phù hợp với việc đọc văn. Không khí ấy càng làm cho thi sĩ cao hứng và có phần tự đắc: Đươngn đắc ý dọc đã thích. Khi thi sĩ cất tiếng đọc thì từ Ngọc Hoàng đến các vị tiên ai nấy đều nức nở: lè lưỡi và chau mày, cùng vỗ tay Tất cả đều xúc động, tán thưởng và hâm mộ. Thậm chí Ngọc Hoàng còn khen rất nhiệt thành, khen hết mình: Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt! – Văn trần được thế chắc có ít!

Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!. – Khí văn hùng mạnh như máy chuyển! – Êm như gió thoảng, tinh như sương! – Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết.

Đoạn thơ tiêu biểu cho trí tưởng tượng phong phú và tài dựng chuyện của thi sĩ Tản Đà. Việc thể hiện sự sốt sắng, niềm đắc ý của nhân vật trữ tình cùng thái độ của Ngọc Hoàng và chư tiên đã khẳng định rõ Tản Đà là người rất có ý thức về tài năng của mình. Mặt khác, ông còn là người rất táo bạo khi dám đường hoàng bộc lộ cái tôi và cái ngông của mình. Tản Đà rất ngông khi tìm đến Trời để khẳng định tài năng và cái độc đáo trong thơ văn của minh. Càng ngông hơn nữa khi Tản Đà mượn lời Ngọc Hoàng để khen văn thơ mình hết lời! Trước Tản Đà chưa ai nói trắng ra một cách đầy đủ cái hay, cái tuyệt của văn mình như vậy. Điều này còn khẳng định một thực tế: ở hạ giới khi văn chương rẻ như bèo, khi thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, Tản Đà đã không tìm được ai là người tri ki và ông phải tìm đến cõi tri âm, tri kỉ tận trời cao.

Bằng giọng thơ hóm hỉnh, khôi hài, cách công khai lí lịch rất hiện đại Tản Đà đã bộc lộ con người cá nhân một cách thành thục tự nhiên: Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn – Quê ở Á châu về địa cầu – Sông Đà núi Tản nước Nam Việt. Bản sắc và dâu ấn Tản Đà thể hiện rõ trong cách xưng danh, tính cách – nói rõ bản quán, quốc tịch, châu lục, tên của hành tinh, … Việc xưng danh một cách trịnh trọng tên thật của mình, kiêu hãnh khai mình là đứa con đích thực của Sông Đà núi Tản nước Nam Việt một lần nữa thế hiện ý thức cá nhân, ý thức dân tộc của nhà thơ.

Trong cách nói ngông, nói vui khi tự cho mình là người của cõi tiên được Trời sai xuống trần để thuật cùng đời hay việc thiên lương của nhân loại, Tản Đà đã thể hiện rõ điều tâm huyết của mình: ông tự nhận mình là người có sứ mệnh truyền bá thuyết thiên lương với mong muốn khơi dậy cái thiện của con người, để cứu vớt xã hội. An đằng sau sự lãng mạn của cuộc trò chuyện trong buổi hầu Trời là hiện thực về cuộc đời và sô’ phận cùa những người nghệ sĩ tài hoa. Trong mắt Tản Đà, văn chương lúc này là một nghề kiếm sống mới, có người bán, kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường cũng đã hết sức phức tạp. vẫn giọng khôi hài, hóm hỉnh nhưng trong giọng thơ đã ẩn chứa bi kịch của sự mâu thuẫn giữa lí tưởng và thực tại. Tản Đà bày tỏ cảnh ngộ chua xót, bi hài của người nghệ sĩ bằng bức tranh chân thực đầy cảm động bằng chính cuộc đời mình và nhiều nhà văn, nhà thơ khác: thực nghèo khó, thước đất không có – Văn chương hạ giới rẻ như bèo,… Thực tế cuộc sống cơ cực và tủi hổ như vậy nhưng Tản Đà vẫn rất ý thức được sự cần thiết phải chuyên tâm với nghề văn và phải đa dạng hóa về thể loại.

Tản Đà là một nhà thơ lãng mạn mang nặng cái sầu, mộng và ngông. Người thi sĩ lãng mạn thấy bất hòa với hiện thực, cái hiện thực mà họ thấy tù túng, ngột ngạt khiến họ thấy u uất bất đắc dĩ. Tâm hồn tài hoa, thanh cao u uất đó khao khát thoát li khỏi thực tại bằng mộng tưởng. Bất hòa với xã hội càng sâu sắc, khao khát thoát li càng mãnh liệt thì giấc mộng thoát li càng đắm say, càng ngông. Đây cũng chính là sự bất lực, là bi kịch của nhà thơ Tản Đà ở cõi thực.

Đặt bài thơ Hầu Trời vào mảng thơ tiên – thơ mộng trong thế giới thơ Tản Đà, người đọc càng hiểu đúng hơn tâm trạng nhà thơ. Trong cõi mộng, Tản Đà gặp được người tri kỉ để dốc bầu tâm sự song vẫn đau đáu câu chuyện thiến lương. Nhưng tan mộng, bị ném về thực tại, Tản Đà chỉ còn ôm một niềm tiếc nuối. Giọng thơ hóm hỉnh, khôi hài, hào hứng, phấn chấn bỗng chuyển thành nỗi ngậm ngùi ở 4 câu thơ cuối: Tiếng gà xao xác tiếng người dậy – Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi – Một năm ba trăm sáu mươi đêm – Sao được mỗi đêm lên hầu trời.

Đây cũng chính là nội dung của điệu buồn man mác cái bi kịch mà Tản Đà đã phổ trong thế giới thơ minh nói chung cũng như trong bài thơ Hầu Trời nói riêng.

  • Giá trị nghệ thuật

Hầu Trời là bài thơ độc đáo, tiêu biểu cho phong cách thơ Tản Đà. Bút pháp thơ dung dị mà ý vị, nhuần nhị, duyên dáng. Thể thơ trường thiên và hình thức tự sự xen trữ tình rất linh hoạt. Sức tưởng tượng dồi dào, táo bạo. Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm. Lời thơ giản dị, trong sáng, rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, không có sự cách điệu, ước lệ. Nguồn cảm xúc được bộc lộ tự nhiên, phóng khoáng. Cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn người đọc.

Hầu Trời đã mở ra một không gian nghệ thuật mới: không gian tiên – mộng. Tản Đà đã chứng tỏ khả năng dựng bối cảnh, tạo dựng không gian bằng những chi tiết cụ thể và sống động. Đan cài các lời đối thoại, phản ứng tâm lí của các nhân vật một cách khéo léo, linh hoạt bằng ngôn ngữ mang tính khẩungữ đời thường, nhà thơ đã đưa người đọc tham gia vào câu chuyện một cách tự nhiên, dân chủ mang màu sắc hiện đại.

Hầu Trời cho thấy Tản Đà là nhà thơ đại diện cho sự chuyển biến đổi thay của thi pháp thơ ca dân tộc trong giai đoạn giao thời từ trung đại sang hiện đại. Bài thơ không còn là loại thơ tỏ chí một cách nghiêm trang, ước lệ như thơ trữ tinh truyền thống trung đại mà mà thực sự là tiếng lòng của một cái tôi hiện đại. Bằng ngôn ngữ điệu nói với việc lấy mình làm đề tài đố giãi bày cảm xúc, bộc bạch chính cuộc đời mình Tản Đà là sự xuất hiện đầy đủ cùa cái tôi lãng mạn. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong sự đổi mới thi pháp thơ ca dân tộc.

Hồng Loan tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm:

  • sự lãng mạn trong tác phẩm hầu trời

Bài viết liên quan

  • Viết một đoạn văn ngắn nói về gia đình em – Văn hay lớp 2
  • Viết một bức thư gửi anh trai yêu quý của em – Văn hay lớp 5
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia – Văn hay lớp 12
  • Viết một đoạn văn tả về một người thân yêu của em – Văn hay lớp 2
  • Thuyết minh về quần thể di tích cố đô Huế – Văn hay lớp 12
  • Kể lại chuyến đi thăm di tích lịch sử – Văn hay lớp 6
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc – Văn hay lớp 12
  • Kể chuyện về một gia đình hạnh phúc – Văn hay lớp 5
0