31/05/2017, 12:26

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài thơ có tựa đề Mùa xuân nho nhỏ, nhưng lại chứa đựng một tình cảm lớn, một xúc động lớn, cả tình yêu đời trong sáng, thanh cao, cả niềm tin và sự lạc quan mạnh mẽ của chính tác giả mà cũng là của cả một thời đại! Mùa xuân là mùa mở đầu cho một năm mới, tượng trưng cho khoảng thời gian ...

Bài thơ có tựa đề Mùa xuân nho nhỏ, nhưng lại chứa đựng một tình cảm lớn, một xúc động lớn, cả tình yêu đời trong sáng, thanh cao, cả niềm tin và sự lạc quan mạnh mẽ của chính tác giả mà cũng là của cả một thời đại!

Mùa xuân là mùa mở đầu cho một năm mới, tượng trưng cho khoảng thời gian đẹp nhất, tràn trề sức sống của thiên nhiên trong chu kì ba trăm sáu mươi lăm ngày của trái đất. Khí trời ấm áp, cây cỏ non tơ, nảy mầm, đâm lộc, ra hoa... Cũng vì đó mà xưa nay, mùa xuân là đề tài quen thuộc, gợi nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân thi sĩ. Ngay cả nhà thơ Thanh Hải, trong khi nằm trên giường bệnh sắp trở về với cát bụi, hìnhảnh mùa xuân cũng làm ông xao xuyến viết nên bài thơ dịu ngọt, nhỏ nhẹ, chân tình, có nhiều đoạn gợi cảm sâu lắng:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời!

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng...

... Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc...

Bài thơ ấy có nhan đề là “Mùa xuân nho nhỏ”, thể hiện sự gắn bó thiết tha, sâu nặng của tác giả với cuộc đời, đặc biệt là các khổ thơ trích trên.

Đọc kĩ đoạn thơ, ta thấy khổ thơ đầu mở ra khung cảnh mùa xuân. Với nhịp điệu ngắn gọn, lời thơ hàm súc, chấm phá được cảnh sắc thiên nhiên:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chimchiền chiện

Hót chi mà vang trời!

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng...

Mọc giữa dòng sông xanh. Tại sao là dòng sông xanh mà không phải là dòng sông trong mát của Hoài Vũ hay dòng sông đỏ nặng phù sa của Nguyễn Đình Thi? Phải chăng màu xanh của dòng sông ở đây và sắc tím của bông hoa hòa hợp làm nên một cảm giác dịu mát lạ thường và đặc biệt rất Huế. Chỉ với đôi nét điển hình đặc sắc đó của đất kinh đô thơ mộng đã đủ để nhà thơ dựng lên một không gian mùa xuân. Không gian ấy phóng khoáng, bay bổng nhưng đằm thắm dịu mát và đầy chất thơ. Tiếng hót vang tròi của con chim chiền chiện-một loài chim quen thuộc thường xuất hiện vào mùa xuân - càng làm cho không gian ấy thêm nao nức lạ thường. Tấm lòng của nhà thơ trước khung cảnh mùa xuân tưởng như hiện rõ mồn một:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng...

Tiếng chim náo nức được nhà thơ hình tượng hóa thật đẹp và thật gợi cảm. Giọt gì mà rơi và đặc biệt hơn nữa là tiếp xúc được: Tôi đưa tay tôi hứng. Hứng là động tác thể hiện sự trân trọng, nâng niu của nhà thơ đối với từng giọt mùa xuân, từng giọt hạnh phúc lắng đọng kết tinh của trời và sông, của chim và hoa. Qua đoạn thơ mở đầu này, ta hình dung được tâm trạng say mê, hào hứng của nhà thơ khi mùa xuân đến.

Từ xúc cảm dạt dào ấy, tác giả đã tâm niệm về mình:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Ta ở đây là nhà thơ mà cũng có thể là mọi người. Bốn câu thơ phải chăng là lời ước nguyện: Ta làm con chim, ta làm cành hoa, làm một nốt nhạc trầm vào bản hòa ca, mang niềm vui đến cho cuộc đời. Ước nguyện ấy sao mà nhỏ bé và khiêm tốn! Trong cái lớn lao của cả một mùa xuân đẹp, nhà thơ chỉ nguyện làm một tiếng chim hòa trong giọng hát của muôn loài chim, một loài hoa lẫn trong hương sắc của muôn hoa, một nốt trầm mang lại niềm vui cho đời. Chỉ là một nốt trầm thôi nhưng là một bày tỏ khát vọng muôn sông hữu ích cho đời.

Nốt trầm xao xuyến ấy cũng là tiếng hát lí tưởng cao cả của một con người muốn cống hiến sức mình cho nhân dân đất nước.

Khổ thơ tiếp theo giúp ta hiểu rõ tựa đề bài thơ:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc...

Nhà thơ muốn mình là một Mùa xuân nho nhỏ bé bỏng hòa vào mùa xuân bao la vô hạn, vô biên của cuộc đời, của mọi người, dù tuổi đang xuân hay khi đầu đã chớm bạc. Điệp từ dù là như một lời khẳng định, hay tự nhủ lòng mình kiên định dù phải đối mặt với tuổi già hay bệnh tật. Nghĩa là dù trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào cũng phải nghĩ về cuộc đời, làm việc có ích cho xã hội. Lặng lẽ dâng cho đời là như vậy.

Cao quý xiết bao tấm lòng của nhà thơ!

Thật vậy, Thanh Hải đã để lại cho đời một tấm lòng xiết bao cao quý!

 

Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Mùa xuân thường gợi cảm hứng cho thơ ca, những vần thơ xuân thường đẹp và đáng yêu. Với mùa xuân, mỗi nhà thơ có cảm xúc và suy tưởng khác nhau, Thanh Hải với bài “Mùa xuân nho nhỏ” đã góp một tiếng thơ xuân rất riêng.

Nhà thơ cảm nhận mùa xuân trước hết bằng màu sắc quen thuộc của quê hương:

Mọc giữa giòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Màu xanh của dòng sông, màu tím của hoa thật hài hòa gợi cảm giác dịu mát, hiền hòa. Màu tím, màu đặc trưng của Huế, dòng sông tuy nhà thơ không nói rõ nhưng chắc chắn là dòng Hương trong xanh, thơ mộng cũng rất Huế.

Nhịp sống của mùa xuân âm vang tiếng chim hót trên trời cao. Chim chiền chiên, con chim của đồng quê say sưa hót chào đón mùa xuân:

Hót chi mà vang trời

Một giọng “trách yêu” rất Hưế: ơi chim hót làm chi làm cho lòng ta xao xuyến quá! Những âm hưởng vô hình đó không chỉ cảm nhận bằng thính giác mà dường như đã kết đọng lại thành “từng giọt long lanh” rồi rơi xuống từ không trung và nhà thơ say sưa:

Tôi đưa tay tôi hứng

Lòng thiết tha yêu đời yêu cuộc sống đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của nhà thơ. Không gian của mùa xuân thật khoáng đạt được mở ra hai chiều: chiều dài của sông xanh, chiều cao của trời rộng.

Mùa xuân về sự sống trỗi dậy, cây cối nảy lộc, đâm chồi, con người đón nhận mùa xuân với niềm vui náo nức:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

Hình ảnh thơ giản dị mà rất đẹp, người lính trên thao trường, trên đường hành quân giắt những cành lá ngụy trang non biếc như mang theo cả mùa xuân. Mùa xuân đến với người nông dân là những nương mạ trải dải xanhnon mơn mởn. Mùa xuân của đất trời đã đem lộc cho con người, những người lính cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, người lao động làm ra của cải cho xã hội. Nhịp sống của mùa xuân thật gấp gáp, hối hả, thiên nhiên đang sinh sôi nảy nở, con người khẩn trương dựng xây đất nước. Đúng vậy:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Trong những năm 1980, sau những năm dài của chiến tranh tàn khốc, đất nước đang hồi sinh, cả dân tộc ra sức xây dựng cuộc sống mới. Và từ mùa xuân của hôm nay dòng suy tưởng của nhà thơ trở về với những trang lịch sử của dân tộc:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Một sự so sánh tràn đầy lạc quan tin tưởng: ánh sáng của những vì sao vẫn lấp lánh, đất nước ta trải qua biết bao “gian lao” và “vất vả” để giữ nước và dựng nước nhưng vẫn ngời sáng một niềm tin chiến thắng.

Trong những năm kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường miền Nam, thơ Thanh Hải trở thành khúc hát hào hùng ngợi ca tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng của đồng bào chiến sĩ: “Những đồng chí trung kiên”, “Mồ anh hoa nở”... Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” sáng tác cuối năm 1980, thời gian mà bệnh tật hiểm nghèo sắp cướp đi sự sống, nhà thơ trở về với “cái là” để suy ngẫm và từ trong sâu xa trào dâng lên một niềm khao khát được hiến dâng cho đời:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Nhà thơ cũng chỉ ao ước làm con chim, cành hoa để góp một tiếng hát, một chút hương sắc cho đời. Âm vang của cuộc sống mới như một bản đại hợp xướng, nhà thơ khiêm tốn xin làm một “nốt trầm”.

Thanh Hải đã cống hiến tuổi thanh xuân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, những tháng ngày còn lại rất ngắn ngủi, niềm mong ước được dâng hiến càng trở nên tha thiết:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời.

“Ta” chỉ là “mùa xuân nho nhỏ” hòa vào mùa xuân rộng lớn của đất nước và cất tiếng hát ngợi ca mùa xuân:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam Ai, Nam Bình

Nam Ai, Nam Bình điệu ca da diết của xứ Huế làm xao xuyến lòng người. “Nước non ngàn dặm”, hai câu thơ láy lại lời ca tạo nên âm hưởng ngân nga, sâu lắng. Kết thúc bài thơ là tiếng hát của một tâm hồn tha thiết yêu đời yêu cuộc sống.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” có giọng điệu nhỏ nhẹ, thì thầm rất Huế, góp phần tạo nên tính đa dạng của phong cách thơ Thanh Hải. Thơ và cuộc đời ở Thanh Hải kết hợp làm một, ông đã sống và sáng tạo nghệ thuật với trách nhiệm của người chiến sĩ.

Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải

Mùa xuân nho nhỏ là một bài thơ xinh xắn về tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống và khát vọng hiến dâng sức mình làm cho cuộc đời thêm phong phú. Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980. Nếu biết đấy là thời điểm nhà thơ đang ốm nặng, chỉ mấy tuần lễ sau đó, ngày 15 tháng 12 năm 1980, nhà thơ qua đời, thì bài thơ còn đáng quý biết bao. Trước khi đi xa, nhà thơ đã để lại cho đời những lời thơ thật nhân hậu, thiết tha, thanh thản, không hề gợn một nét buồn u ám của cuộc đời sắp tắt, Giữa mùa thu của đời mình, nhà thơ vẫn nghĩ đến một mùa xuân bất tuyệt.

Bài thơ có sáu khổ, được chia làm hai phần đều đặn. Ba khổ đầu là mùa xuân của đất trời và đất nước.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ gợi lên một hình ảnh mùa xuân rất Huế:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Dòng sông xanh và bông hoa tím biếc rất dễ gợi người ta nghĩ đến Huế với dòng sông Hương trong xanh và màu tím Huế rất đẹp. Một tiếng chim vui hót vang trời, long lanh như hạt ngọc:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Bài thơ viết vào tháng 11 dương lịch, đúng là tháng 10 âm lịch, ở Trị Thiên, vụ tám, tháng Tám âm lịch, vừa thu hoạch, trên cả nước nhiều nơi là vụ mùa đang gặt hái, chim hót vang khắp cánh đồng. Nhưng bài thơ không hề giản đơn thông báo về sự vật, mà thể hiện niềm cảm xúc yêu đời, niềm vui trước mùa gặt. Nhà thơ như thả hồn theo tiếng chim, lắng nghe từng tiếng hót trong và sáng tới mức long lanh như từng âm thanh đang rơi xuống, cụ thể, hữu hình như có thể đưa tay ra hứng lấy được. Và phải là một tình yêu tha thiết lắm mới đưa tay hứng âm thanh một cách rất thi sĩ!

Cảm giác mùa xuân ngập tràn tâm hồn tác giả:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Nhà thơ đã nhìn thấy lộc non trên cành lá ngụy trang giắt quanh lưng người chiến sĩ. Ông cũng thấy mùa xuân trên nương mạ trải dài của người nông dân lao động:

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Cảm giác mùa xuân đến sớm ấy làm nhà thơ thấy được sự giục giã của đất trời, mà thực ra là sự hối hả của lòng mình:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Cũng trong cảm giác ấy, nhà thơ thấy Tổ quốc mình càng thêm đẹp đẽ và mạnh mẽ trong gian lao, thử thách:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Những cầu thơ năm tiếng gióng giả, giục giã như tiếng ngũ liên lại càng tăng thêm cảm giác hối hả, xôn xao của cuộc đời.

Phần thứ hai viết về mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ, trước sự gợi hứng của mùa xuân cuộc đời. Từ tiếng chim hót và cành hoa của đất trời ởphần trên, tác giả muốn tiếp nối:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Lời thơ như đang ngân lên thành lời ca. Đoạn đầu bài thơ, tác giả tự xưng “tôi” kín đáo, lặng lẽ. Đến đoạn này, ông chuyển giọng xưng “ta" - “ta” bao giờ cũng là cái “tôi” ca hát, vang vọng. Nhưng ông nhận ra tiếng mình trong bản hòa ca chung:

Một nốt trầm xao xuyến

Một nốt trầm, không cao giọng, không ồn ào, không to tát, nhưng xao xuyến, rung động cả tâm hồn.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Nhưng lời thơ chuyển sang giọng tổng kết cuộc đời: dù là tuổi hai mươi, khi nhà thơ mới tham gia cách mạng, bắt đầu công bốnhững bài thơ đầu: dù là khi tóc bạc, trong thời điểm hiện thời, vẫn lặng lẽ hiến dâng cho đời. Bài thơ này có thể là quà tặng cuối cùng của tác giả.

Khổ thơ cuối cùng, nghe như một lời từ biệt:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam Ai, Nam Bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

Câu ca Nam Bình có câu:

Nước non ngàn dặm

Ra đi

Cái tình chi...

Đó là lời ca từ biệt của người xa quê, mối tình sâu thẳm chẳng nói nên lời. Nhà thơ Thanh Hải xin hát câu Nam Ai, Nam Bình, nhưng khác lời ca buồn ngày xưa, lời ca của ông thật thân tình, ấm áp: “Nước non ngàn dặm mình” - chữ “mình” mới ấm áp làm sao! Là ngàn dặm vẫn là “mình”, vẫn là “tình”, đi đâu vẫn không ra ngoài hai chữ “mình” và “tình” ấy. Nhịp phách tiền đất Huế có gắn thêm cọc tiền đồng nghe càng thêm giòn giã, vang xa.Có thể nói nhà thơ hát khúc ca để đi vào cõi vĩnh viễn.

Bài thơ thật vui và thật giản dị. Từ cảm nhận được mùa xuân đất nước, tác giả muốn hiến dâng mùa xuân nho nhỏ của mình cho mùa xuân vô tận. Một bài thơ yêu đời, trong trẻo rất mực mà cũng da diết rất mực.

Bài thơ hay không chỉ hay về ý và tứ mà còn hay về nhạc điệu. Câu thơ năm tiếng ngắt nhịp 3/2 xen với 2/3 linh hoạt. Nó không đều đều 3/2 như hát giặm, cũng không đều đặn 2/3 như thơ năm tiếng cổ điển, mà tạo một nhịp tung tẩy, nhí nhảnh. Chẳng hạn:

Mọc giữa/dòng sông xanh

Một bông hoa/tím biếc

Ơi con chim / chiền chiện

Hót chi /mà vang trời

Từng giọt /long lanh rời

Tôi đưa tay /tôi hứng

Không chỉ ngắt nhịp đa dạng, nhà thơ còn chú ý dùng vần trắc cuối năm khổ thơ, tạo một âm vang giòn giã, như thể nhịp phách tiền. Đó là các câu cuối các khổ thứ nhất, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu:

-     Tôi đưa tay tôi hứng

-     Cứ đi lên phía trước

-     Một nốt trầm xao xuyến

-     Dù là khi tóc bạc

-     Nhịp phách tiền đất Huế

Để thử hiệu quả của vần trắc cuối khổ thơ, ta hãy thử sắp xếp lại khổ thơ thứ nhất cho vần bằng ở cuốikhổ thơ, thì tuy ý tứ không thay đổi lắm, song nhạc điệu gióng giả đã mất hết:

Một bông hoa tím biếc

Mọc giữa dòng sông xanh

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Tôi đưa tay tôi hứng

Từng giọt long lanh rơi

Thử như vậy để thấy thơ đã có sự lựa chọn, sắp xếp công phu nhằm tạo nhạc điệu độc đáo cho bài thơ.

 

Bài thơ có nhịp đi hành khúc. Mùa xuân nho nhỏ đúng là hành khúc mùa xuân, đặc biệt là hành khúc mùa xuân ở cuối mùa thu của một đời người muốn hòa nhập vào mùa xuân bất tận  của Tổ quốc.

Phân tích hai khổ thơ sau:

Ta làm con chim hót

Ta là một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

(Thanh Hải - Mùa xuân nho nhỏ)

BÀI LÀM

Công cuộc xây dựng đòi hỏi những con người mới biết cống hiến bất hi sinh. Nhà thơ Thanh Hải - một nhà thơ cách mạng đã thấm nhuần quan điểm trên. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã thay ông nói lên niềm tâm sự, khát vọng được cống hiến cho mùa xuân của đất nước. Chỉ với hai đoạn thơ, tác giả cũng đã nêu bật được niềm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của mình:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Trong sức xuân mạnh mẽ của đất trời, trong khí thế bừng bừng sức sống của đất nước vào xuân, tác giả đã cảm nhận được một mùa xuân trỗi dậy tự đáy tâm hồn mình. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của cống hiến và hi sinh.

Tác giả không mơ một giấc mơ vĩ đại, chẳng tưởng một viễn cảnh lạ kì, mà tâm hồn tác giả nguyện những ước mơ đơn sơ, bình dị:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Tác giả mơ được hi sinh, được cống hiến. Ước mơ cháy bỏng của tác giả sôi tràn nhiệt huyết, căng tràn nhựa hi sinh, thổi phồng lên một niềm tin bất diệt. Tác giả mơ ước nhưng lại nguyện “làm” - làm một cành hoa, làm một con chim hót. Tác giả như nguyện rằng mình sẽ làm, vâng, sẽ làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương, muôn sắc, rộn rã tiếng chim. Một cành hoa, một tiếng chim để tô điểm cho phong cảnh mùa xuân tươi đẹp. Đó là ước nguyện đẹp lạ thường, không phải nó cao siêu vĩ đại mà tại nó gần gũi quá, đáng yêu quá. Ước được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước.

Tác giả nguyện sẽ cống hiến, cống hiến những gì đơn sơ, giản dị, nhưng lại có ích cho đời:

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Tác giả không mơ ước được làm một cánh đại bàng lướt gió giữa trời xuân, không mơ được làm một nốt nhạc vút cao trong dàn hòa ca bay bổng. Tác giả chỉ nguyện làm một tiếng chim hót, một nốt trầm nhưng xao xuyến lòng người. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình.

Tâm hồn của tác giả hòa vào mùa xuân đất nước, thôi thúc từng hồi, mạnh mẽ nhưng âm thầm, lặng lẽ:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Đầu đề của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là như vậy. Mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là ước nguyện của tác giả, nguyện sẽ mãi mãi được là

Nguồn: Nhungbaivanhay.net

0