24/06/2018, 17:23

Ôn tập lịch sử Việt Nam từ 1945-1954 (Phần 3) -Lịch sử 12

Câu 15: Chiến dịch Điện Biên Phủ được chuẩn bị và giành thắng lợi như thế nào? * Hoàn cảnh của chiến dịch – Do kế hoạch Na-va không thực hiện dược theo dự kiến, Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16200 quân, ...

Câu 15: Chiến dịch Điện Biên Phủ được chuẩn bị và giành thắng lợi như thế nào?

* Hoàn cảnh của chiến dịch

– Do kế hoạch Na-va không thực hiện dược theo dự kiến, Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm. Cả Pháp và Mĩ đều coi Điện Biên Phủ là pháo đài “bất khả xâm phạm”. Như vậy, từ chỗ không có trong kế hoạch, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Na-va.

* Chủ trương của Đảng:

– Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào; giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao để kết thúc chiến tranh.

* Diễn biến chiến dịch: chia làm 3 đợt:

– Đợt I (từ 13/3 đến 17/3/1954): tiến công địch ở phân khu Bắc, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, Độc Lập, buộc địch ở Bản Kéo phải ra hàng.

– Đợt II (từ 30/3/ đến 26/4/1954): liên tiếp mở nhiều đợt tiến công đánh vào các vị trí phòng thủ phía đông phân khu Trung tâm, gồm hệ thống phòng thủ trên các dãy đồi A1, D1, C1, E1. Mĩ phải tăng cường viện trợ khẩn cấp cho Pháp ở Đông Dương.

– Đợt III (từ 1/5 đến 7/5/1954): đồng loạt tiến công tiêu diệt các điểm đề kháng của địch. Chiều 7/5/1954, quân ta đánh vào sở chỉ huy của địch, 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 tướng Đờ Cátxtơri cùng toàn bộ Ban Tham mưu của địch bị bắt.

* Kết quả, ý nghĩa:

– Trong đông – xuân 1953 – 1954, loại khỏi vòng chiến đấu 128.200 quân địch, thu 19.000 súng, bắn rơi và phá huỷ 162 máy bay, giải phóng nhiều vùng rộng lớn trong cả nước. Riêng tại mặt trận Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí và đồ dùng quân sự.

– Thắng lợi của cuộc tiến công Đông – Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ, kết thúc cuộc kháng chiến.

Câu 16: Hãy chứng minh: Điện Biên Phủ là thắng lợi quân sự lớn nhất của ta trong kháng chiến chống Pháp và là thắng lợi quyết định buộc thực dân Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương

1) Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua 9 năm (1945-1954). Trong 9 năm chống Pháp, chúng ta đã có nhiều thắng lợi trên mặt trận quân sự như: Chiến thắng Việt Bắc thu-đông (1947), chiến thắng Biên giới thu-đông (1950), các chiến dịch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951 (chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung), chiến dịch Hòa Bình đông-xuân 1951-1952, những thắng lợi trong cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954,….và có cả những chiến dịch phối hợp với quân dân Lào (chiến dịch Thượng Lào xuân hè 1953, Trung Lào tháng 12-1953, Thượng Lào tháng 1-1954). Mỗi chiến dịch ta giành thắng lợi nêu trên đều có ý nghĩa quan trọng, làm cho quân độ Pháp lâm vào tình trạng khó khăn, buộc phải dựa vào sự viện trợ của Mĩ (từ năm 1950). Song thắng lợi của các chiến dịch này chưa đủ để buộc Pháp phải kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược.

2) Thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava của Pháp có Mĩ giúp sức. Kế hoạch Nava được coi là quân bài cuối cùng của Pháp và Mĩ trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Cả Pháp và Mĩ đều hi vọng sẽ kết thúc chiến tranh trong danh dự trong vòng 18 tháng (kế hoạch này được đưa ra vào tháng 5-1953). Nhưng tất cả ý đồ của Pháp và Mĩ đều bị chúng ta làm phá sản, trong đó nếu các cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 bước đầu ta làm phá sản kế hoạch Nava, thì chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch ấy. Như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi trên bàn đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ.

3) Hi vọng sớm kết thúc chiến tranh có lợi cho mình, Pháp và Mĩ đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tập đoàn này gồm 49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu (phân khu Bắc, phân khu Trung tâm và phân khu Nam), quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí vào loại hiện đại, tối tân nhất. Chúng tuyên bố, đây sẽ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, nếu quân ta động đến sẽ bị nghiền nát. Về phía ta, Đảng và Chính phủ thể hiện quyết tâm phải làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava bằng việc tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, chưa có chiến dịch nào ta lại chuẩn bị chu đáo, đầy đủ như vậy. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đều chung một ý chí: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thăng.

Kết quả, qua 3 đợt tấn công (từ 13-3 đến 7-5-1954), toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ là 16200 tên đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống.

Nước Pháp coi đây là thất bại nhục nhã nhất, cả nước treo cờ rủ trong 1 tuần lễ.

4) Trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ ban đầu Đảng và Chính phủ ta không hề muốn chiến tranh, muốn hòa bình và độc lập dân tộc. Chúng ta đã nhiều lần thể hiện thiện chí này: kí với Pháp Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, nhưng chúng không nghiêm chỉnh chấp hành, ngược lại vẫn thể hiện dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Vì vậy, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ (19-12-1946).

Trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng và Chính phủ ta vẫn sẵn sàng thương lượng với Pháp để có một nền hòa bình, tránh chiến tranh đổ máu, nhưng Pháp không chấp nhận. Điều này chứng tỏ, nếu ta không có thắng lợi quyết định về mặt quân sự thì không thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán. Nhận thức rõ yếu tố quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là chiến thắng về mặt quân sự, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc thắng lợi đã buộc Pháp và Mĩ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ. Kết quả của Hội nghị sau đó đã giúp cho miền bắc nước ta (từ vĩ tuyến 17) được giải phóng. Từ năm 1954, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mĩ sau này.

Câu 17: Nêu điểm khác nhau cơ bản giữa hiệp định Sơ bộ và hiệp định Giơ ne vơ để thấy bước tiến của ta trong đấu tranh ngoại giao

Những điểm khác nhau cơ bản giữa Hiệp định Sơ bộ với Hiệp định Giơnevơ

  • Với Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận nước ta là một quốc gia tự do và là thành viên của Liên bang Đông Dương, nằ
  • m trong khối Liên hiệp Pháp. Còn trong Hiệp đinh Giơnevơ, Pháp và các nước tham dự hội nghị đã cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước VN, L, CPC.
  • Trong lúc kí Hiệp định Sơ bộ, do thực lực ta còn yếu hơn Pháp nên ta phải chấp nhận điều khoản đó. Đây là sách lược mềm dẻo đểta phân hóa kẻ thù, tạo thời gian hòa hoãn nhằm chuẩn bị lực lượng. Đến năm 1954, khi kí Hiệp định Giơnevơ, ta đã giành được thắng lợi quyết định ở Điện Biên Phủ, đập tan kế hoạch quân sự Nava, quyết định sự thất bại của Pháp ở Đông Dương.

So với Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) là một bước tiến vượt bậc trong đấu tranh ngoại giao của Việt Nam.

Câu 18: Những thắng lợi có tính chất quyết định của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) là gì? Trình bày tóm tắt về những chiến thắng đó

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm với nhiều hi sinh gian khổ nhưng thắng lợi cuối cùng đã thuộc về dân tộc ta. Để đi tới thắng lợi toàn vẹn, quân và dân ta trong 9 năm đó đã giành nhiều thắng lợi có tính chất quyết định từng bước đánh bại kẻ thù, đó là: chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, chiến thắng Biên giới thu đông 1950 và đỉnh cao đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947:

Sau thất bại ở các đô thị, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp bước đầu bị thất bại.

Sang năm 1947, thực dân Pháp âm mưu tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta, tiêu diệt đầu não của kháng chiến, phá tan căn cứ địa Biệt Bắc, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.  

Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp huy động 12000 quân tấn công lên Việt Bắc

Trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp, chủ trương của ta là “phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”.

Thực hiện chủ trương đó, quân ta chặn địch trên mọi hướng tiến quân của chúng , bẻ gãy các gọng kìm Chợ Mới, Chợ Đồn, hướng Đông, hướng Tây.

Kết quả, sau hơn 2 tháng chiến đấu, ta loại 6000 địch, bắn rơi 16 máy bay, 11 tàu chiến ca nô các loại. Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo toàn, căn cứ địa Việt bắc được giữ vững, bộ đội chủ lực của ta ngày càng trưởng thành.

Chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947 đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, mở ra giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.

Chiến thắng Biên giới thu đông 1950:

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển và gặp nhiều thuận lợi mới:

Tháng 10/1949, CM Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời. Ngày 18/1/1950, chính phủ CHND Trung Hoa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta, Đến 30/1/1950 chính phủ LX và 1 tháng sau các nước trong phe XHCN lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm chiến tranh, thực dân Pháp đã không thể thực hiện được các ý đồ xâm lược mà còn buộc phải chuyển sang đánh lâu dài. Điều đó đẩy thực dân Pháp vào hoàn cảnh khó khăn. Pháp đã buộc phải xin viện trợ của Mĩ để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến.

Ngày 13/5/1949, với sự đồng ý của Mĩ. Pháp đề ra kế hoạch Rơve âm mưutn công lên Việt Bắc lần thứ 2 để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

-Trước âm mơu mới của Pháp- Mĩ, tháng 6/1950, Đảng và Chính Phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt 1 bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông đườngbiên giới Việt trung, mở rộng củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Ngày 16/9/1950, chiến dịch bắt đầu, quân ta tấn công Đông Khê, uy hiếp Thất Khê, cô lập Cao Bằng .

Đến 22/10/1950 quân địch đã phải rút cạy khỏi hàng loạt các cứ điểm dọc tuyến biên giới từ Cao bằng đến Lạng Sơn, đường số 4 được giải phóng

Kết quả, sau hơn 1 tháng chiến đấu. ta loại 8000 địch, giải phóng 750 km đường biên giới Việt –Trung với 35 vạn dân, chọc thủng hành lang Đông-Tây,làm phá sản kế hoạch Rơve.

Chiến thắng Biên giới thu đông 1950 đã khai thông con đường liên lạc của ta với các nước XHCN, quân đội ta giành thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954:

Sau 8 năm chiến tranh, thực dân Pháp đã bị thiệt hại nghiêm trọng: 39 vạn quân thiệt mạng, chiến phí tiêu tốn 2000 tỉ phrăng, vùng chiếm đóng bị thu hẹp…Trước tình thế bị sa lầy, với sự can thiệp của Mĩ, Pháp đã cử Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương và tiến hành kế hoạch Nava nhằm tìm kiếm chiến thắng “kết thúc chiến tranh trong danh dự”

Tuy nhiên, trong Đông Xuân 1953- 1954, quân dân ta đã tổ chức các chiến dịch tiến công lớn: Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào làm phá sản bước đầu kế hoạch Nava. Đặc biệt, từ ngày 30/3 đến ngày 7/5/1954 ta tổ chức tấn công quân địch ở Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, qua 3 đợt tấn công lớn, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch ở Điện Biên Phủ gồm 16.200 tên, hạ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí và cơ sở vật chất kĩ thuật của chúng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở ĐD.Tạo đk thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ.

Bằng những chiến thắng nêu trên, quân ta đã đi từ thế phòng ngự sang thế tiến công và tổng tiến công để đi tới thắng lợi cuối cùng.

Câu 19: Quá trình hình thành và nội dung đường lối kháng chiến chống Pháp (1946-1954)

– Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính (1946-1950)
25-11-1945, chỉ thị Kháng chiến kiến quốc đã chỉ rõ kẻ thù chính là Pháp.
19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc được triệu tập xác định rõ chủ trương phải đánh Pháp.
20-12-1945, TW ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.
22-12-1946 HCM ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
9-1947, tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh được xuất bản.

Đường lối kháng chiến thể hiện rõ trong các văn kiện nêu trên với nội dung cơ bản:
+ Mục đích của cuộc kháng chiến: Đánh thực dân Pháp, giành độc lập thống nhất.
+ Tính chất của cuộc kháng chiến: trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
+ Chính sách kháng chiến: Đoàn kết với Miên, Lào và các dân tộc yêu chuộng tự do, hòa bình. Liên hiệp với dân tộc Pháp chống phản động thực dân Pháp. Đoàn kết toàn dân. Thực hiện toàn dân kháng chiến… phải tự cấp, tự túc về mọi mặt.

+ Chương trình và nhiệm vụ kháng chiến: Đoàn kết toàn dân thực hiện quân, chính, dân nhất trí… Động viên nhân lực, vật lực, tài lực, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến. Giành quyền độc lập, bảo toàn lãnh thổ, thống nhất Trung, Nam, Bắc. Củng cố chế độ dân chủ cộng hòa… Tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc.
+ Phương châm tiến hành kháng chiến: tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân, toàn diên, lâu dài, dựa vào sức mình là chính.
+ Về triển vọng của kháng chiến: mặc dù lâu dài và gian khổ nhưng thắng lợi nhất định sẽ về ta.

– Phát triển đường lối theo phương châm hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội (1951-1954)
+ 1947 ta giành thắng lợi Việt Bắc.
+ 1950 ta giành thắng lợi trong chiến dịch Biên Giới.
+ 1951, tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương có những chuyển biến tích cực.
+ 2- 1951, Đại hội II của Đảng được triệu tập.

Đại hội quyết định tách đảng và thông qua một số văn kiện quan trọng. Đại hội thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Trường Chinh soạn thảo với nội dung cơ bản:

– Tính chất xã hội: dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến.

– Mâu thuẫn: giữa tính chất dân chủ nhân dân với tính chất thuộc địa.

– Đối tượng của cách mạng: đối tượng chính là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; đối tượng phụ là địa chủ phong kiến, cụ thể lúc này là phong kiến phản động.

Nhiệm vụ của cách mạng: đánh đuổi thực dan Pháp xâm lược, xoá bỏ các di tích phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân.

Ba nhiệm vụ có quan hệ khăng khít với nhau, song nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Động lực của kháng chiến: công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức và tư sản dân tộc, ngoài ra là những địa chủ yêu nước và tiến bộ. Tất cảc các bộ phận đó họp lại thành nhân dân mà nòng cốt là công nhân, nông dân và lao động trí thức.

– Đặc điểm của cách mạng: là cuộc cách mạng tư sản dân quyền lối mới tiến triển thành cách mạng XHCN.

– Triển vọng của cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới XHCN.

Con đường đi lên CNXH: qua 3 giai đoạn:

  • Gđ thứ nhất: hoàn thành giải phóng dân tộc.
  • Gđ thứ hai: xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân.
  • Gđ thứ ba: xây dựng cơ sở cho CNXH, tiến lên thực hiện CNXH.

Ba giai đoạn không tách rời nhau mà mật thiết liên hệ, xen kẽ với nhau.

Giai cấp lãnh đạo và mục tiêu của cách mạng: người lãnh đạo là giai cấp công nhân; mục đích là phất triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ XHCN.
Chính sách của Đảng: có 15 chính sách nhằm phát triển chế độ dân chủ nhân dân và đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi.
Quan hệ quốc tế: Việt Nam đứng về phe hoà bình và dân chủ, thực hiên đoàn kết Việt- Trung- Xô, Việt- Miên- Lào…
Đường lối tiếp tục được bổ sung:

Câu 20: Trình bày  nội dung và ý nghĩa của Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng

– Trong bối cảnh trong nước và thế giới có những biến chuyển thuận lợi, tháng 2 – 1951, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Chiêm Hoá – Tuyên Quang;

– Nội dung:

+ Tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng riêng để đề ra đường lối chính trị phù hợp với tình hình mỗi nước. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam;

+ Thông qua Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng;

+ Thông qua Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của Tổng Bí thư Trường Chinh, nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là: Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc; xoá bỏ những tàn tích phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”; phát triển chế độ dân chủ nhân dân để từng bước tiến tới chủ nghĩa xã hội;

+ Thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam. Bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

– Ý nghĩa Đại hội:

+ Đại hội lần thứ II của Đảng là một sự kiên quan trọng về chính trị của cuộc kháng chiến, đánh dấu bước phát triển mới, bước trưởng thành của Đảng;

+ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến. Đây là “Đại hội kháng chiến thắng lợi” và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam.

Câu 21: Nội dung của kế hoạch Nava được được triển khai theo mấy bước? Nội dung của mỗi bước

+ Bước 1: từ thu đông 1953 – xuân 1954: giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tiến công chiến lược để bình định Trung Bộ và Nam Đông Dương, đồng thời tăng cường xây dựng quân đội tay sai, tập trung binh lực xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh.

+ Bước 2: từ thu – đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định buộc Việt Minh phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp, nhằm kết thúc chiến tranh.

– Thực hiện kế hoạch: Từ thu đông 1953, Nava tập trung lực lượng quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ là 44 tiểu đoàn (trong tổng số 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược trên toàn Đông Dương), mở rộng hoạt động thổ phỉ, biệt kích ở vùng rừng núi, biên giới, mở cuộc tiến công lớn vào vùng giáp giới Ninh Bình, Thanh Hoá.

Câu 22: Trình bày nội dung của hiệp định Giơ ne vơ

+ Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ .

+ Thực hiện ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

+ Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Ở Việt Nam: Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân Pháp tập kết ở hai miền Bắc, Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Ở Lào, lực lượng kháng chiến tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxali. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ, không có vùng tập kết.

+ Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự và vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia bất cứ liên minh quân sự nào và không được để nước ngoài đóng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

+ Việt Nam sẽ tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước, được tổ chức vào tháng 7/1956.

+ Thành lập Uỷ ban quốc tế kiểm tra, giám sát việc thi hành Hiệp định, gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canađa, do Ấn Độ làm Chủ tịch.

+ Trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơnevơ thuộc về những người kí kết và những người kế nhiệm.

Phần tiếp theo:

Phần 1:Ôn tập lịch sử Việt Nam từ năm 1945- 1954 (Phần 1) – Lịch sử 12

Phần 2: Ôn tập lịch sử Việt Nam từ 1945-1954 (Phần 2) -Lịch sử 12

Những chuyên mục hay của Lịch sử lớp 12:

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 12
  • Đáp án môn Lịch sử lớp 12
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12
0