24/06/2018, 17:22

Ôn tập Lịch sử Việt Nam từ năm 1954-1975 (Phần 3) – Lịch sử 12

Câu 15: Trình bày hoàn cảnh và nội dung của hiệp định Pari 1. Hoàn cảnh. Ngày 31/3/1968, sau đòn tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân 1968, Giôn-xơn đã ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và tuyên bố sẽ thương lượng với ta. Ngày 13/5/1968, cuộc thương lượng chính thức giữa hai bên ...

Câu 15: Trình bày hoàn cảnh và nội dung của hiệp định Pari

1. Hoàn cảnh.
Ngày 31/3/1968, sau đòn tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân 1968, Giôn-xơn đã ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và tuyên bố sẽ thương lượng với ta.
Ngày 13/5/1968, cuộc thương lượng chính thức giữa hai bên (Việt Nam và Hoa Kì) đã họp phiên đầu tiên tại Paris. Phía Việt Nam đã khẳng định lập trường không thay đổi của mình: Trước hết, Mỹ phải chấm dứt không điều kiện hoạt động ném bom và mọi hành động chiến tranh khác trên tòan miền Bắc, sau đó mới bàn đến các vấn đề khác.

– Từ 25/1/1969, gồm 4 bên là Việt Nam dân chủ cộng hòa + Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.
– Sau nhiều cuộc tiếp xúc, lập trường hai bên rất khác nhau, mâu thuẫn nhau: Việt Nam đòi Mỹ và đồng minh rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, đòi tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Ngược lại, Mỹ đòi miền Bắc rút quân và từ chối ký dự thảo Hiệp định dù đã thỏa thuận (10.1972).

– Tháng 12/1972, Mỹ mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm. Ta đã đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, làm nên trận ”Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải trở lại ký Hiệp định Paris.
– Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết giữa 4 Bộ trưởng đại diện các Chính phủ tham dự hội nghị

2. Nội dung của Hiệp định Paris.
– Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
– Hai bên ngừng bắn ở miền Nam lúc 24 giờ ngày 27/01/1973 và Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi hoạt động chống phá miền Bắc Việt Nam.
– Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam.

– Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do.
Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị.
Hai bên ngừng bắn, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.
– Hoa Kỳ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, thiết lập quan hệ bình thường cùng có lợi với Việt Nam.
Ngày 02/3/1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam (gồm 12 nước) đã kí định ước ghi nhận và đảm bảo việc thi hành Hiệp định Paris.

3. Ý nghĩa lịch sử:
Là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân ta trên cả 2 miền đất nước.
Mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam, tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Câu 16: Thế nào là chiến tranh đặc biệt?

*     Khái niệm về “Chiến tranh đặc biệt”: Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là một hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới, được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của hệ thống “cố vân” Mĩ, dựa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ, nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta.

Câu 17: Những điểm giống và khác nhau giữa chiến lược Chiến tranh đặc biệt và chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mĩ ở Việt Nam

*  Giống nhau:

Đều là chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và phương tiện chiến tranh của Mĩ.

*      Khác nhau:

Về quy mô chiến tranh: “Chiến tranh đặc biệt” diễn ra ở miền Nam, còn “Chiến tranh cục bộ” mở rộng cả hai miền Nam – Bắc.

Về tính chất ác liệt: “Chiến tranh cục bộ” ác liệt hơn, thể hiện ở mục tiêu, lực lượng tham chiến, vũ khí, hoả lực và phương tiện chiến tranh.

‘”Chiến tranh đặc biệt” được tiến hành bằng quân đội tay sai dưới sự chỉ huy của cố vấn Mĩ, dựa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ nhằm thực hiện mưu đồ cơ bản là “Dùng người Việt đánh người Việt”, “Thay màu da cho xác chết”. Tiến hành “Chiến tranh đặc biệt”, Mĩ – ngụy mở rộng nhiều cuộc hành quân càn quét, mục tiêu là chống phá cách mạng và bình định miền Nam. Chúng coi “Ấp chiến lược” là quốc sách nhằm tách cách mạng ra khỏi dân để thực hiện cái gọi là “Tát nước bắt cá”.

“Chiến tranh cục bộ” với mục tiêu là vừa tiêu diệt quân chủ lực vừa bình định miền Nam, phá hoại miền Bắc. Lực lượng tham chiến đông, gồm cả Mĩ, chư hầu, ngụy, trong đó quân Mĩ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị. Chúng sử dụng vũ khí hiện đại, hoả lực mạnh cả trên bộ, trên không, trên biển, tốc độ nhanh và mở liên tục nhiều chiến dịch nhằm “tìm diệt” và “bình định” vào “Đất thánh Việt cộng”.

Câu 18: Trình bày ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước

1. Nguyên nhân thắng lợi

– Có sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo; với tư tưởng chiến lược tiến công, phương pháp đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh quân sự – chính trị – ngoại giao.

– Nhân dân giàu lòng yêu nước, đoàn kết nhất trí, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất.

– Có hậu phương miền Bắc, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.

– Có sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của ba dân tộc ở Đông Dương; sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mĩ.

2. Ý nghĩa lịch sử

– Kết thúc thắng lợi 21 năm chiến đấu chống Mĩ, cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất Tổ quốc.

– Mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc – kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

– Tác động mạnh đến tình hình nước Mĩ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc thế giới.

– “Mãi mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Câu 19: Trình bày những thắng lợi về chính trị, ngoại giao trong cuộc đấu tranh chống lại chiến lược Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mĩ

* Thắng lợi về chính trị, ngoại giao:

– Ngày 6/6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.

– Hội nghị cấp cao 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia (tháng 4/1970), biểu thị quyết tâm của nhân dân 3 nước đoàn kết chiến đấu chống Mĩ.

– Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí kết, nội dung cơ bản như sau:

+ Hoa Kì và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

+ Hai bên ngừng bắn ở miền Nam, Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam.

+ Hoa Kì rút hết quân đội của mình và quân các nước đồng minh, cam kết không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

+ Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ, thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.

+ Hai miền Nam – Bắc Việt Nam sẽ thương lượng về việc thống nhất đất nước không có sự can thiệp của nước ngoài.

+ Hai bên trao trả tù binh và dân thường bị bắt.

+ Các bên công nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

+ Hoa Kì cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.

+ Ý nghĩa:

Là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc.

Nhân dân Việt Nam căn bản hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mĩ cút, làm so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi cho cách mạng, tạo ra điều kiện thuận lợi để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Câu 20: Trình bày những thắng lợi về mặt quân sự trong cuộc Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mĩ

* Thắng lợi quân sự:

– Từ tháng 4 đến tháng 6/1970, quân đội Việt Nam phối hợp với quân dân Campuchia, đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.

– Từ tháng 2 đến tháng 3/1971, bộ đội Việt Nam phối hợp với quân dân Lào, đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn – 719”, loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 quân địch, giữ vững đường hành lang chiến lược của cách mạng Đông Dương.

– Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972

+ Từ ngày 30/3/1972, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược, lấy Quảng Trị làm hướng chủ yếu, cùng với các hướng tiến công ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, rồi phát triển rộng khắp miền Nam.

+ Kết quả: chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và đông dân.

+ Ý nghĩa: giáng đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược (thừa nhận thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”).

– Ngày 16/4/1972, Tổng thống Nich-xơn phát động trở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặc biệt là mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Quân và dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Cùng với cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mĩ, miền Bắc làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong ba năm (1969 – 1971), hàng chục vạn thanh niên nhập ngũ vào chiến trường. Khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường tăng lên 1,6 lần.

Câu 21: Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh”

a. Âm mưu và thủ đoạn của Mĩ

– Âm mưu:

+ Sau thất bại của “Chiến tranh cục bộ”, Mĩ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thực hiện chiến lược “Đông Dương hóa chiến tranh”. “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng là một hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ, được tiến hành bằng quân đội tay sai là chủ yếu, có sự phối hợp về hỏa lực, không quân, hậu cần của Mĩ, do cố vấn Mĩ chỉ huy.

+ Âm mưu: chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ.

– Thủ đoạn:

+ Tăng cường xây dựng quân đội Sài Gòn làm lực lượng chiến đấu chủ yếu trên chiến trường, thay cho quân Mĩ rút dần về nước, thực hiện “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”.

+ Sử dụng quân đội Sài Gòn mở rộng chiến tranh xâm lược Campuchia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971), thực hiện “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.

+ Tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc, hòa hoãn với Liên Xô, nhằm hạn chế sự giúp đỡ của các nước này đối với nhân dân Việt Nam.

+ Sẵn sàng Mĩ hoá trở lại cuộc chiến tranh khi cần thiết.

Câu 22: Tìm hai sự kiện được đánh giá là bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam

Phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960) ở miền Nam góp phần quyết định trong việc đánh bại chiến lược chiến tranh một phía của Mĩ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 góp phần quyết định trong việc đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ.

* Nguyên nhân:

–  Phong trào “Đồng khởi” (1959 -1960):

Lực lượng cách mạng ở miền Nam được giữ gìn và phát triển qua thực tiên đâu tranh chính trị, hoà bình, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, tiến lên dùng bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị cho sự bùng nổ phong trào cách mạng mới.

Chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân (1957 – 1959), làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam với đế quốc Mĩ xâm lược và tay sai phát triển gay gắt, đòi hỏi phải có một biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách.

Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1 – 1959) khẳng định con đường cách mạng bạo lực, xác định phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng con đường đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp với đấu tranh vũ trang, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên.

–  Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968:

Qua hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, quân dân ta liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” của Mĩ – ngụy, giành ưu thế trên chiến trường miền Nam.

Năm 1968 là năm bầu cử Tổng thông ả Mĩ, nội bộ mâu thuẫn gay gắt, ta lợi dụng cơ hội đó để mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy

Phần tiếp theo:

Phần 1:Ôn tập lịch sử Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 (Phần 1) – Lịch sử 12

Phần 2: Ôn tập Lịch sử Việt Nam từ năm 1954-1975 (Phần 2) – Lịch sử 12

Những chuyên mục hay của Lịch sử lớp 12:

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 12
  • Đáp án môn Lịch sử lớp 12
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12
0