“Từ con người nhỏ bé đến cuộc cách mạng vĩ đại của loài người “
Cùng với những cái tên Stalin (thép), Molotov (búa)... lừng lẫy của thời kỳ công nghiệp hoá XHCN và chiến tranh Vệ quốc ở Liên Xô, trong lòng nhiều người Việt Nam chúng ta hẳn vẫn chưa nhòa phai cái tên Pavel Korchagin, nhân vật chính của “Thép đã tôi thế đấy” để rồi tìm đến N. Ostrovsky, tác giả cuốn sách đồng thời là nguyên mẫu của Pavel.
Nikolai Alexeevich Ostrovsky (tiếng Nga: Николай Алексеевич Островский; 29 tháng 9 năm 1904 – 22 tháng 12năm 1936) là một nhà văn xã hội chủ nghĩa, người đã cho xuất bản phần lớn tác phẩm của mình trong thời kỳ Stalin. Ông đã được trao tặng Huân chương Lênin vào năm 1935. Cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy được biết đến và có ảnh hưởng rộng khắp thế giới các nước theo chủ nghĩa cộng sản. Ông đã từng tham gia nội chiến và bị thương nhiều lần, chịu đau đớn từ bệnh tật, bị khiếm thị, bị liệt...phải qua nhiều cuộc phẫu thuật và điều trị. Nhưng những nỗi đau thể xác đó không hề làm nản ý chí phấn đấu, cái “tinh thần thép” của một người chiến sĩ cộng sản chân chính: "Suốt ba năm nay tôi luôn đấu tranh giành giật lấy sự sống, mỗi lần bị quật ngã tôi lại cảm thấy nản chí. Nếu trong con người tôi chưa hình thành một qui tắc bất di bất dịch là phải đấu tranh dến hơi thở cuối cùng thì có lẽ tôi đã cho mình một viên đạn từ lâu"". Trong hai năm cuối cùng 1935–1936 Ostrovsky đã bị tê liệt hoàn toàn, hai mắt bị mù nhưng sức làm việc vẫn không thua kém nhà văn khỏe mạnh nào. Ông mất vào cuối năm 1936, khi mới 32 tuổi đời. Bản thảo Ra đời trong bão táp đã hoàn thành trước khi ông mất 1 tuần.
Ông được xem là biểu tượng sống của niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới và trong đó có cả thanh niên Việt Nam thập niên 1960, 1970 và 1980.
Và mỗi khi nhắc đến cái tên Nikolai Alexeevich Ostrovsky, người ta nghĩ ngay đến "Thép đã tôi thế đấy" - cuốn tiểu thuyết từng được gối đầu giường của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Cuốn tiểu thuyết được ông viết trong thời kỳ Stalin, đến nay đã được dịch ra 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam.
Nhà thơ N. Tikhonov, từng là phóng viên mặt trận trong Chiến tranh vệ quốc, cũng cho rằng cuốn sách này “là Kinh thánh” (своего рода Евангелием) của các chiến sĩ trẻ.
Những cận vệ trẻ (молодогвардейцы) trên nhiều mặt trận của thế kỷ 20 cũng đã đọc đi đọc lại cuốn sách, để rèn giũa ý chí và quyết tâm.
Tác giả cuốn sách, Ostrovsky, đã sống một cuộc đời như huyền thoại. Và đời thực của nguyên mẫu Pavel đã khiến cho cuốn sách trở nên thuyết phục hơn, lôi cuốn hơn, trong từng lời, từng chữ. Nhưng nhà văn Ostrovsky đã khẳng định “Thép đã tôi ...” là tiểu thuyết , chứ không phải là tự truyện của chàng Komsomol Ostrovsky. Bởi vì các trải nghiệm, thậm chí sự dằn vặt của nguyên mẫu và các sự kiện đời thực đã được khái quát, đã thăng hoa về văn học, thành những triết lý, phục vụ cho việc khai thông một nền móng mới cho xúc cảm và trải nghiệm. “Thép đã tôi ...” đã thành công trong việc xây dựng “con người mới” của chiến tranh bảo vệ tổ quốc và sự nghiệp phát triển kinh tế theo chiều rộng.
Cuốn tiểu thuyết được xem như là một khúc ca tươi đẹp của đời sống. Mỗi trang sách như cuốn thêm máu chảy trong người đọc, nâng cao thêm nhiệt tình cách mạng, thúc giục chiến đấu, thúc giục công tác.Thép Đã Tôi Thế Đấy đã một thời được coi là nguồn sinh lực của bao thế hệ thanh niên cộng sản trên toàn thế giới. Nhân vật Pa -ven là một hình ảnh điển hình sâu sắc và là sự thể hiện trong sáng bằng nghệ thuật lịch sử của người thanh niên Xô Viết, sự thể hiện những phẩm chất chính trị, tinh thần cao quý, lòng trung thành sâu xa của người thanh niên Xô Viết đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Sức mạnh và tính hấp dẫn của hình ảnh Pa -ven chính là ở chỗ trong con người Pa -ven đã tổng hợp được những phẩm chất tốt đẹp nhất và điển hình nhất của thanh niên Xô Viết thời ấy.
“Thép đã tôi ...” xứng danh là một thiên anh hùng ca về “Thạch Sanh của thế kỷ 20” . Và sự thật ấy được thừa nhận cho đến tận ngày hôm nay, những gì là cốt lõi nhất của tinh thần "Thép đã tôi" vẫn còn nguyên giá trị với những người trẻ muốn hiến dâng những gì tốt đẹp nhất của mình cho nhân loại.
Đúng như nhận xét của Yury Belychenko - nhà văn Nga từng viết : "... Ngày nay, đọc lại "Thép đã tôi thế đấy", tôi càng thấy rõ hơn bao giờ hết: đó là một cuốn sách độc nhất vô nhị và đầy sức thuyết phục. Trong tất cả những điều mà ngày hôm nay một số người thì đe dọa chúng ta, còn số khác thì tỏ ra khâm phục cuộc đấu tranh giai cấp, nội chiến và đặc biệt là khâm phục sự lao động vô cùng cực nhọc nhưng tự nguyện của tác giả. Bị vôi hóa cột sống, bị bại liệt cả hai chân, bị mù hẳn vì vết thương, cuộc sống vật chất quá thiếu thốn sau nội chiến, thế mà ông vẫn đêm ngày làm việc bằng hết cả phần cuộc đời còn lại của mình...".