Heinrich Böll được trao giải vì những tác phẩm kết hợp tầm bao quát hiện thực rộng lớn với nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình, đã trở thành đóng góp to lớn vào sự phục hồi nền văn học Đức. Văn phong của H. Böll giản dị và sáng rõ, nhắm đến sự khôi phục ngôn ngữ Đức sau lối khoa trương thời Quốc xã. Tác phẩm và quan điểm chính trị của H. Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn.
I. Cuộc đời và sự nghiệp
Heinrich Theodor Böll (21 tháng 12 năm 1917 – 16 tháng 7 năm 1985) là nhà văn Đức đoạt giải Nobel Văn học năm 1972.
Ông là con thứ tám của một thợ cả nghề mộc theo Công giáo, và bắt đầu làm thơ và viết truyện ngắn từ rất sớm.
Năm 1937, sau khi tốt nghiệp trung học, H. Böll theo học nghề kinh doanh sách ở Cologne.
Nhưng đến năm 1938, ông bị huy động vào quân đội dự bị của Đệ Tam Đế chế Đức; trước khi nhập ngũ ông học một học kì ngành Đức ngữ và Ngữ văn cổ điển tại thành phố quê hương; mấy lần bị thương và năm 1945 bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh và giam mấy tháng ở miền Nam nước Pháp. Trở về quê, H. Böll tiếp tục đi học và kiếm sống bằng những công việc không thường xuyên.
Năm 1943, ông kết hôn với cô giáo Anne Maria Sech; hai người có bốn đứa con.
Năm 1949 cuốn truyện đầu tiên Chuyến tàu đến đúng giờ củaH. Böll chính thức được trình làng trong khi trước đó ông đã có gần 60 truyện ngắn đăng báo. Đây là cuốn truyện đi vào phản ánh cuộc sống đời thường sau chiến tranh với văn phong được đơn giản hóa một cách chủ ý. Tính vô nghĩa của cuộc chiến tranh đúc rút từ những trải nghiệm cá nhân nhân vật là chủ đề trung tâm trong những tác phẩm này và cũng là đề tài chủ đạo xuyên suốt toàn bộ sáng tác về sau của H. Böll, thường được gọi là dòng "văn học hoang tàn".
Năm 1951 với truyện ngắn Con cừu đen, H. Böll được trao giải thưởng “Nhóm 47” của Hội Nhà văn Đức hậu chiến. Nhưng tác phẩm có thểcoi là hoành tráng đầu tiên của H. Böll là Ván bi-a lúc chín rưỡi (1959) được viết với văn phong và cấu trúc phức tạp hơn; tiếp đó là Qua con mắt của chú hề (1963) nói về tự do cá nhân giữa những sức ép mang tính xã hội và chính trị.
Năm 1971 ra đời tiểu thuyết lớn nhất của H. Böll là Bức chân dung tập thể với một quý bà mô tả các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian 1899-1970 với đối tượng chỉ trích là nhà thờ và "xã hội thành đạt".
Mãi cho đến năm 1972,khi H. Böll được trao giải Nobel, cuốn tiểu thuyết này được đặc biệt đánh giá cao.
Năm 1974, khi năm giữ vị trí Chủ tịch Hội Vănbút Quốc tế, H. Böll nhiệt tình giúp đỡ những nhà văn gặp khó khăn, đóng góp đáng kể cho tổ chức này. Chính H. Böll đã đón nhà văn Nga lưu vong A. Solzhenisyn về sống chung một thời gian, và ông ngày càng tích cực tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị.
Những năm 80, H. Böll trở thành một trong những nhà lãnh đạo phong trào hòa bình và chống sử dụng vũ khí hạt nhân.Ngoài sự nghiệp sáng tác, H. Böll còn là một dịch giả; ông đã cùng với vợ dịch hàng loạt tác phẩm văn học Mỹ.
Năm 1985 nhà văn mất tại nhà riêng của con trai ông ở ngoại ô Bonn, thọ 68 tuổi.