18/06/2018, 16:37

Nhìn lại chiến thắng xuân 1789 [kỷ Dậu]

Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) và nhà Tây Sơn (1778-1802) là một thí dụ tiêu biều của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này, chẳng hạn, như “sử mệnh cách mạng của ...

cac tran danh (5).jpg

Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ

Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) và nhà Tây Sơn (1778-1802) là một thí dụ tiêu biều của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này, chẳng hạn, như “sử mệnh cách mạng của thợ thuyền đồng ruộng hay nông dân,” từng được Karl Marx thời trẻ gọi là”bị khoai của cách mạng vô sản [bag of potatoes].” Những người đứng về phe nhà Thanh (Qing, 1644-1912) thường “hiếu đại”coi đây là một trong 10 võ công của Hoằng Lịch (niên hiệu Càn Long [Qian long], 1735-1796, TTH 1796-1799), vì cuối cùng, “Nguyễn Quang Bình”—Quang Trung thực hay giả—cũng phải đích thân sang Nhiệt Hà [Johol] và Bắc Kinh [Beijing] làm lễ “bảo tất” [ôm đầu gối] Hoằng Lịch vào ngày thọ 80 tuổi—Một tiền lệ trong lịch sử bang giao hơn 7 thế kỷ giữa hai nước, mà chính Hoằng Lịch hai lần viết thành thơ, hay khắc vào mộ bia giả Quang Trung bên Hồ Tây Hà Nội năm 1792 (có lẽ đã mất tích, hay bị vua quan Nguyễn san bằng, theo luật được làm vua, thua làm giặc).

Đầu năm 1771 [tháng Chạp Canh Dần [16/1-14/2/1771], anh em Nguyễn Văn Nhạc nổi lên ở Tây Sơn, Bình Khê, Qui Nhơn. Sử Nguyễn chép là mùa Thu Quí Tị (23/1/1773-10/2/1774), tức khi xảy ra biến cố Nguyễn Nhạc chiếm Kiên Thành, khởi đầu cuộc sụp đổ của chế độ vua Lê, chúa Trịnh và Nguyễn—cuộc nội chiến thứ hai trong lịch sử Việt Nam, kéo dài gần 150 năm giữa Đường Ngoài và Đường Trong, với sông Gianh hay Linh Giang (Nhật Lệ, Quảng Bình làm ranh giới). Mặc dù đầu năm 1775, chúa Trịnh Sâm (1741- 10/10/1782) thống nhất vương quốc An Nam cũ, nhưng trên thực tế lại khởi đầu cuộc nội chiến thứ ba, từ 1778 tới 1802, tức cuộc tranh hùng giữa Tây Sơn và Nguyễn Chủng (8/2/1762 3/2/1820), một hậu duệ chúa Nguyễn, hay vua Gia Long (1/6/1802-3/2/1820), người khai nghiệp nhà Nguyễn (1/6/1802-25/8/1945 [8/3/1949-23/10/1955]). (1)

5/2/1771: Tết Tân Mão [3/2/1772]

Anh em Tây Sơn có ba người là Nhạc, Lữ và Huệ. Tổ tiên gốc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Khoảng năm 1653-1657, ông tổ 4 đời bị chúa Nguyễn bắt vào Nam—nhân dịp vượt sông Gianh, đánh phá bắc Bố Chính—định cư ở ấp Nhất (tức thôn An Khê) vùng Tây Sơn, phủ Qui Ninh (sau đổi làm An Tây, Hoài Nhơn), phía tây huyện Tuy Viễn, gần nguồn sông Côn [sông Ba]. Trước là thủ sở nguồn Phương Kiệu, cách Tuy Viễn 63.75 km [150 lí TH]. Có trường giao dịch, bảy [7] đồn Trà Đình, Xuân Viên, Tam Giang, Hương Thủy, Trúc Lâm, Vụ Bản, Đài Tiền. Đất đai bằng phẳng và màu mỡ, ở phía trên sông Ba mấy dặm đã có “sách man.” Cha là Phúc,  dời nhà từ Ấp Nhứt về ấp Kiên Thành (thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn. (2)

Ba anh em đều là học trò Giáo Hiến, nguyên là môn khách của Ngoại hữu Trương Văn Hạnh. Sau khi Hạnh bị Trương Phúc Loan giết, Hiến chạy vào Qui Ninh, mở trường dạy học cả văn lẫn võ ở ấp An Thái. [Chợ An Thái ở huyện Tuy Viễn. An Khê cũng có chợ]. (ĐNNTC, q. IX: Bình Định; (1997), 3:44]) Hiến rất quí trọng tài năng Nhạc.

Nhạc thoạt tiên làm nghề bán trầu (đổi Thượng)—không phải nông dân thuần túy. Sau làm biện lại ở tuần Vân đồn. Có lần đi ngang núi An Dương, bắt được một cây kiếm cổ, cho là kiếm thần. Sau vì đánh bạc, thiếu tiền thuế, bị Đốc trưng Đằng truy nã. Tháng 5-6/1771, Nhạc lên núi làm giặc. Nhân dịp Trương Phúc Loan chuyên quyền, dân sự đói khổ, Nhạc phất cờ khởi nghĩa. Lấy tiền người giàu chia cho người nghèo. Có phú hộ Huyền Khê bỏ tiền giúp đỡ. Lại có thổ hào Nguyễn Thung tham gia. Thanh thế ngày một lớn.

Thời gian này, tại Phú Xuân đang có tranh chấp quyền lực. Hoàng tử thứ chín của Võ vương là Hiệu [hay Hạo, tức  Phước Thăng, (hay Đức Mụ) được lập làm Thế tử, nhưng chết sớm [năm 1760]. Con là Hoàng tôn Nguyễn Phước Dương còn nhỏ.

Một phe ủng hộ Phước Luân,  tức Chưởng Vụ [Chưởng Vũ], con thứ  hai Võ vương. Luân được di chúc lên ngôi, với sự phò tá của Ý Đức hầu. Mẹ Luân là ả hát. Theo tác giả Sử Ký Đại Nam Việt [SKĐVN] Chưởng Vụ tính rất giống cha, lấy nhiều vợ. Một trong những vợ của Chưởng Vụ là ả hát, . sinh ra Chủng và hai người con trai khác. (3)

Một phe khác nữa ủng hộ Hoàng Thượng (Nguyễn Phước Thuần, 1754-1777). Thuần, còn có tên Hân, mẹ là Nguyễn thị Ngọc Châu, con Trương Phúc Phan. (Sau này Ngọc Châu đi tu, tức Tuệ Tĩnh). Vì rất yêu quí con thứ 16 Hoàng Thượng này, năm 1765, Võ Vương trối cho hai đại thần phò Hoàng Thượng lên ngôi chúa. Trương Phúc Loan (con Phúc Phan) cùng Thái giám Trử Đức hầu và chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông làm di chúc giả, lập Phước Thuần, lúc ấy mới 12 tuổi, tức Định Vương (1765-1777). (4)

Định Vương phong Loan làm Quốc phó. Hai con Loan đều lấy công chúa. Nắm hết quyền hành, thuế má nên vô cùng giàu có—một hiện tượng quen thuộc, tiêu biểu của bất cứ xã hội, chuyên chính nào, từ cổ chí kim, Đông qua Tây, quân chủ chuyên chế, hay “dân chủ tập trung, “định hướng xã hội chủ nghĩa.”Chiến dịch “đả hổ, đập ruôi” tại Trung Hoa từ cuối năm 2012 của Tập Cận Bình [Xin Ji-ping], hay “cải cách ruộng đất” trong thập niên 1950 của Mao Nhuận Chi, Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai tại Trung Hoa, hay Linov Nguyễn Sinh Côn (1892-1969) và Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] từ 1952 tới 1956 là những thí dụ tiêu biểu và điển hình của truyền thống độc tài, nhũng lạm quyền thế bất nhân. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:232; Đại Nam Liệt Truyện  Tiền Biên [ĐNLTTB], q. VI: Nghịch thần, gian thần, (bản dịch Huế: 1993), 1:202-3; Cao Tự Thanh dịch và chú thích (Hà Nội: KHXH, 1995), tr 272).

Nguyễn Phước Luân [cha Chủng] bị Phúc Loan đầy vào lãnh thất, tới tháng 10-11/1765 được phóng thích để chết ở phủ đệ, hưởng dương 33 tuổi. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:230-31 [230-49]) Hai em ruột Luân là Chưởng Văn và Chưởng Hiền được nhiều người chống Phúc Loan ủng hộ. Nguyễn Văn Nhạc, chẳng hạn, ủng hộ Chưởng Văn. Trong khi đó, Nguyễn Chủng, con Luân, còn quá nhỏ (3 tuổi).

Tháng 7-8/1773, Loan giết Nguyễn Văn. Nguyên một số tôn thất ghét Loan sai Hàn lâm Ngô Đình Thứ và tri phủ Trần Giai làm giả ấn của Loan, và giả mạo thư Loan gửi Nguyễn Nhạc, rải ngoài đường. Tham mưu Tá bắt được, trình lên Chưởng cơ Văn. Văn yêu cầu chúa Thuần trừng phạt Loan. Loan cãi là bị vu cáo. Chúa Thuần bỏ qua. Loan nghi Tá là tác giả, bắt giết đi. Lại làm thư tố cáo Văn thông đồng với giặc làm phản. Nguyễn Văn sợ trốn đến một ngôi chùa. (SKĐNV, 1974:4-5) ; bị Nguyễn Hương bắt, dìm chết ở phá Tam Giang. Năm 1806, Gia Long cấp cho 50 mậu ruộng để đáp ơn nuôi dưỡng hồi nhỏ. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:242-43 [230-49]);

Tháng 8-9/1773, Nguyễn Nhạc dùng chiêu bài phò Hoàng tôn Dương làm Minh chủ, mang quân đi đánh khắp nơi. Người đương thời có câu: “Binh triều, binh Quốc phó  [Loan]; binh ó, binh Hoàng tôn.” Binh “ó” tức “la ó.” Tháng 11-12/1773, Nhạc chiếm Kiên thành. Tự xưng là Đệ nhất trại chủ, cai trị hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn. Nguyễn Thung làm Đệ nhị trại chủ, cai quản huyện Tuy Viễn. Huyền Khê làm Đệ tam, trại chủ, coi việc binh lương. (5)

Nhạc còn mật ứng với Nữ chúa Chiêm thành là Thị Hỏa ở Thanh Thành làm thế nương tựa nhau. [sau thuộc huyện Hòa Đa, Bình Thuận, 8 tổng thuộc phủ Hàm Thuận]. (ĐNNTC, q. IX: Bình Định, (1997), 3:127-28)

Nhưng Huy, Tứ Linh cùng Nguyễn Thung dẫn quân xuống chiếm phủ thành Qui Ninh [Chà Bàn, huyện Tuy Viễn]. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ chạy. [Có thuyết khác cho rằng Nhạc tự ngồi vào cũi, cho người giải tới thành giao nạp. Tuần phủ mở cửa thành, nhận lấy Nhạc, giam vào cũi. Đêm đó, trong khi quân Nhạc âm thầm tiến đến vây thành, Nhạc phá cũi, mở cửa thành cho quân tràn vào]. (ĐNCBLT, XXX: Ngụy Tây, 2B-3A  (1970), tr. 12-5; CMCB, XLIV:22-23; (Hà Nội: 1998), 2:720.

Sau đó đánh chiếm Càn Dương và Đạm Thủy, đoạt lấy kho lương tạm thời. Giết chết Khâm sai Lượng và toàn gia Đốc trưng Đằng. Mở rộng vùng kiểm soát tới ranh giới Quảng Nam. Giết chết hai tướng Nguyễn gửi tới cứu viện ở Thạch Tân (Bến Đá). [ranh giới hai huyện Hà Đông, Quảng Nam, và Bình Dơn, Quảng Ngãi; (CMCB XLIV:24; (Hà Nội: 1998), 2:731)

Có sự ủng hộ của bọn “Khách buôn” (người Hoa) là Tập Đình (Trung Nghĩa Quân) và Lý Tài (Hòa Nghĩa Quân). Quân Tây Sơn còn có người thiểu số. “Chúng người cao lớn, cạo trọc đầu, ở mình trần, khi lâm trận thì cho uống rượu, cổ đeo giấy vàng bạc [bùa chú] để tỏ ý quyết tử. Quan binh không địch nổi.” (ĐNCBLT, XXX: Ngụy Tây, 4A (1970), tr 18-9). [KĐVSTGCM không nhắc đến quân thiểu số, cho đó là người Quảng Đông; CMCB,  XLIV:23; (Hà Nội: 1998), 2:720-21)]

Tháng 1-2/1774, Tập Đình và Lý Tài giết chết Tiết chế Nguyễn Hương ở núi Bích Kê (phía bắc huyện Phù Mỹ). Nguyễn Nhạc nhân thế chiếm Quảng Ngãi, Bình Thuận. Rồi tiến đánh Quảng Nam. Tháng 2-3/1774, Tây Sơn lại phá tan quân Nguyễn Thăng ở Quảng Nam, nửa đêm Thăng phải chạy về. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:244; ĐNCBLT, XXX: Ngụy Tây, 4A (1970), tr. 18-21; ĐNNTC, q. IX, Bình Định, (1997), 3:24-5)

Thời gian này, chúa Nguyễn đang giữ một lực lượng quân sự quan trọng ở miền nam để giúp Mạc Thiên Tứ chống cự lại sự xâm lấn Hà Tiên của vua Xiêm La Taksin [Trịnh Quốc Anh hay Trịnh Tân]. Tháng 11/1771, Taksin sai Trần Liên đưa 20,000 quân qua vây hãm Hà Tiên, đòi dẫn độ Phra Naret [Chiêu Thùy], con vua cũ Boromoraja [Phong Vương] đã bị Taksin cướp ngôi. Có giặc Tiều Châu ở  núi Bạch Mã là Trần Thái dẫn đường. Năm 1769 Thái đã âm mưu cùng bọn Mạc Sùng, Mạc Khoan làm nội ứng chiếm Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ khám phá ra, bắt bọn Sùng Khoan. Trần Thái chạy qua Xiêm La. Nay theo người Xiêm về. Thiên Tứ phải bỏ chạy. Quân họ Mạc ở Châu Đốc cũng phải rút về Kiên Giang, rồi Trấn Giang. Lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phước Hợp [Hạp, Hiệp] mang binh thuyền tới cứu. Trần Liên rút về giữ Hà Tiên. Taksin cũng đích thân mang quân qua đánh Chân Lạp. Nặc Tôn bỏ chạy. Taksin lập Nặc Nộn làm vua. Xiêm có ý nhòm ngó Phiên Trấn. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962:240)

4/2/1772: Tết Nhâm Thìn [22/1/1773]

Núi Thạch Bi (Đèo Cả, nơi sử sách Trung Hoa—kể cả từ điển Từ Hải, Zizhi tongjian [ Tư Trị Thông Giám] của Tư Mã Quang [Sima Guang], Cựu và Tân Đường thư của Lưu Hú và Âu Dương Tu-Tống Kỳ, bịa đặt ra việc Mã Viện [Ma Yuan] thời Lưu Tú (Hán Quang Vũ, 5/8/25-29/2/57) đã dựng hai hoặc năm trụ đồng ở đây—bị sét đánh đổi thành màu trắng. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:241 [230-49]);

Tháng 7/1772, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Khoa Thiêm, Tống Phước Hợp mang quân ba [3] đạo phản công quân Xiêm. Nguyễn Khoa Thiêm tiến quân theo đường Tiền Giang, cai bạ dinh Long Hồ Nguyễn Khoa Thuyên lĩnh quan quân huyện Đông Khẩu tiến theo đường Tiền Giang, Lưu thủ Tống Phước Hợp tiến theo đường Hậu Giang, đến đóng ở Châu Đốc, định phản công quân Xiêm trên đất Chân Lạp..

Nguyễn Khoa Thiêm không tiến được, phải lùi giữ Kiên Giang, rồi sai người Khmer là Tốt làm tiên phong, tiến đến Nam Vang, phá được quân Xiêm. Taksin phải chạy qua Hà Tiên. Nặc Nộn chạy đến Cần Vọt. Quân Nguyễn chiếm được Nam Vang và La Bích. Nặc Tôn lại về làm vua Chân Lạp. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:241-42 [230-49]); ĐNLTTB, (1995), tr 177)

Nhưng Taksin bắt được Chiêu Thúy [Phra Naret], con Boromoraja [Phong Vương] (vua Xiêm cũ) giết đi. Rồi bắt con Mạc Thiên Tứ mang theo về Xiêm. Giao cho Trần Liên giữ Hà Tiên.

Tháng 2-3/1773, Mạc Thiên Tứ cầu hòa với Xiêm. Taksin đồng ý triệt binh, trả tự do cho con Mạc Thiên Tứ. Từ Trấn Giang, Tứ sai con là Hoàng về lại Hà Tiên sửa sang lại. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962, 1:242 [230-49]);

Mãi đến mùa Xuân 1774, Tống Phước Hiệp, lưu thủ Dinh Long Hồ, và cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên mới thống lĩnh quân lính 5 dinh (Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ) thủy lục Bắc phạt. Chiếm được Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang, rồi đóng quân ở Hòn Khói (Khánh Hòa). (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962: 244-45 [230-49]);

Trong khi đó, tại Quảng Nam, Nguyễn Cửu Dật cầm cự với quân Tây Sơn, thắng nhiều trận. ĐNCBLT, XXX: Ngụy Tây, 5, (Sài Gòn: 1970), tr  22-25) 

B. Lê-Trịnh Chiếm Đàng Trong (1774-1786)

Trịnh Sâm và quan tướng miền bắc khoan khoái theo dõi những khó khăn ở Đường Trong.

Tháng 5 Giáp Ngọ [9/6-8/7/1774], từ  Nghệ An, Hoàng Ngũ Phúc cùng Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt mang quân Nam chinh. (6)

Thái Giám Phúc đã về hưu nhưng được Trịnh Sâm gọi ra cầm quân. Thời gian này tinh thần binh sĩ của Trịnh Sâm lên cao nhờ hai chiến thắng dư đảng Hoàng Công Chất ở động Mãnh Thiên, Hưng Hóa vào tháng 2-3/năm 1769, và Lê Duy Mật ở Trấn Ninh tháng 1-2/năm 1770. Mật giữ thành Thinh [Trinh] Quang trên gò cao. Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan mang quân Thanh Nghệ hai đạo tấn công. Phúc mua chuộc được mẹ của con rể Duy Mật là Lại Thế Thiều, nên Thiều nhận lời làm nội ứng, mở cửa thành cho quân Trịnh tiến vào. (CMCB, XLIII:27-29, (Hà Nội: 1998), II:691-92. LTHCLC của Phan Huy Chú ghi chếtvào tháng 1/1770.

Tháng 8-9/1774, Phước Thuần giao cho Nguyễn Vệ coi việc nước, đích thân cầm quân chống Trịnh. Soái thuyền đóng ở cửa Tư Dung. Tháng 10/1774, quân Trịnh tới châu Bắc Bố Chính—nơi thế kỷ trước quân Trịnh và Nguyễn hơn mưới lần giao tranh lớn nhỏ, nhưng bất phân thắng bại. Trấn thủ Trần Giai hàng Trịnh. Phước Thuần rút về Phú Xuân, giao binh quyền cho Nguyễn Cửu Dật kháng Trịnh. Tháng 11-12/1774, quân Trịnh vượt qua sông Gianh giữa lúc Thuận Hóa bị đói to, ngoài đường có xác người. (ĐNTLTB, XI: Duệ Tông thượng, 1962:246 [bỏ thành chạy]; PBTL (1972), tr. 126)

Phước Thuần sai sứ giả đến hành dinh Hoàng Ngũ Phúc, nói “giặc cỏ Tây Sơn” tự nhiên phải tiêu diệt, không cần khiến quân Trịnh nhọc mệt. Một sứ giả tâu riêng với Phúc, “Đường không đi không đến, chuông không gõ, không kêu.” Phúc hiểu ý, cho quân tiến vào Bố Chính. Nguyễn Tiệp giữ lũy Đồng Hới. Hoàng Đình Thể tiến gần đến lũy Trấn Ninh, quân sĩ mở cửa đầu hàng. Quân Trịnh chiếm gọn dinh Quảng Bình. (ĐNTLTB, XI, Duệ Tông thượng,  1962:246-47)

Tháng 12/1774, Trịnh Sâm mang thủy quân vào dinh Hà Trung để yểm trợ Hoàng Ngũ Phúc. Phúc tiến đến đạo Lưu đồn [phủ Vĩnh Linh, Quảng Trị]. Truyền hịch chỉ muốn loại Trương Phúc Loan, không có ý xâm lấn. Chưởng dinh Nguyễn Huống (hay Cuống, con Phước Khoát) và Nguyễn Cửu Pháp bắt Loan nộp bằng đường thủy. Dâng thêm 800 lạng vàng lên chúa Trịnh, và tặng Phúc 200 lạng. Đồng thời nộp sổ sách xin cống hiến lên Lê Hiển Tông (1740-1786). Dân chúng cũng nổi lên đập phá nhà Loan, giết chết anh của Loan là Sinh Đức hầu. (PBTL, (1972), tr  122-27; ĐNLTTB, (1995), tr 271-72)

Sau đó, Ngũ Phúc đòi họp quân ở Phú Xuân đánh Tây Sơn. Định Vương cử binh chống giữ, bị thua. Ngày 8/1/1775, quân Trịnh đả bại quân Nguyễn ở Độc Giang. Phước Thuần sai Tống Phước Đạm giữ mặt bắc, tập trung thủy quân ở phía nam. Cho lệnh Phước Dương di tản trước vào Quảng Nam. (PBTL (1972), tr 122-26, 128; ĐNTLTB, XI, Duệ Tông thượng, 1962: 248-49)

Ngày 29/1/1775 [28/12 Giáp Ngọ], quân Trịnh tiến đến gần Phú Xuân [Huế]. Hôm sau, 30/1 [29/12 Giáp Ngọ], Phước Thuần bỏ chạy vào cửa Tư Dung, cùng 100 tùy tùng. Nguyễn Chủng cũng rời Huế cùng nhiều người trong tôn thất. Ngày này quân Trịnh chiếm Huế. (ĐNTLTB,  XII: Duệ Tông, 1962, 1:249)

Mồng ba Tết Ất Mùi [2/2/1775], đại quân Trịnh vào Phú Xuân. Hoàng Ngũ Phúc sai người truy kích Định vương Thuần. Thuần trèo gấp qua núi Hải Vân, vào trú trong một ngôi chùa ba [3] ngày. Sau đó [5/2/1775] bỏ vào cửa biển Câu Đê, Quảng Nam. Quân Trịnh mải cướp vàng bạc, không truy kích theo. (PBTL (1972), tr. 130) Liệt truyện ghi là Bến Giá [Giá Tôn]; ĐNTLTB, XII, 1962:250-51, ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:28-9)

Trịnh Sâm phong Phúc làm Trấn thủ Thuận Hóa. Phúc cho lệnh san bằng các lũy Bố chính và Khang lộc. Lấy người Thuận Hóa làm huyện lịnh.

Tai Quảng Nam, Phước Thuần ngừng chân ở Giá Tân [bến Giá]. Tả quân Nguyễn Cửu Dật xin lập Phước Dương làm Thế tử [Đông cung] hầu cùng Nguyễn Đĩnh, Chí và Đạm trấn giữ Quảng Nam. Dương, đẹp như tranh vẽ, là con độc nhất của con thứ 9 Võ Vương Khoát.

Vài ngày sau, quân Tây Sơn chia 2 đường thủy bộ tiến đánh. Cửu Dật chạy qua Trà Sơn, rồi Liên Chử thu thập chiến thuyền vào nam tìm viện binh. (ĐNTLTB, XII, 1962, 1:250-51). Ngày 13/3/1775 chạy khỏi Đà Nẵng. Bị bão to, bọn Nguyễn Kính và Nguyễn Cửu Dật đắm thuyền, mất tích. Chỉ có thuyền Định vương Thuần thoát nạn. Trên thuyền có Chủng, 13 [14] tuổi, và anh em. Tới Bình Khang gặp bọn Tống Phước Hạp, Nguyễn Khoa Thuyên từ Hòn Khói [Yên Cương] đón rước. Giao cho Hạp chỉ huy lực lượng Cần vương ở Bình Khang, rồi cùng Nguyễn Khoa Thuyên, Chưởng Cơ Trương Phúc Thân vào Gia Định. Chủng được ở sát bên Phước Thuần, coi lính hầu cận. (7)

Ngày 25/3/1775 thuyền Phước Thuần (Duệ Tông) tới Bến Nghé, Gia Định. Cha con Mạc Thiên Tứ tới lạy chào. Thuần phong Tứ làm đô đốc quận công; con Tứ là Hoàng làm Chưởng cơ, Thăng làm Cai cơ Thắng thủy, Diên làm tham tướng cai cơ; về giữ đạo Trấn Giang, hầu lo việc “Cần Vương.” (ĐNTLTB, XII, 1962:251-52)

Tháng 3/1775, Nguyễn Nhạc chiếm Quảng Nam. Trịnh Sâm cho lệnh Đại Trấn thủ Phúc đánh Quảng Nam. Rồi rút binh về Thăng Long. (CMCB, XLIV:22-24, (Hà Nội: 1998), II:719-21; ĐNNTC, VII: Quảng Nam, (1997), 2:335 [331-400]

Tháng 4/1775, Ngũ Phúc giao cho Bùi Thế Đạt giữ Huế, chia binh hai đạo đánh Quảng Nam. Phá được đồn Cầu Đê, bắt sống mẹ và vợ Thuần. (PBTL (1972), tr. 131) Rồi phá được đồn Trung Sơn.

Ngũ Phúc vượt núi Hải Vân, từ đồn Trung Sơn và xã Câu Đê (huyện Hòa Vinh) tiến quân. Nhạc sai Lý Tài và Tập Đình chặn đánh ở Cẩm Sa (huyện Hòa Vinh). Theo Lê Quí Đôn, quân Tây Sơn đánh chém hỗn loạn; nhưng kị binh của Trịnh thế liên tục yểm trợ nhau, trận không vỡ. Tập Đình thua chạy. Nhạc và Lý Tài lui giữ Bến Ván (Bản Tân, ranh giới Hà Đông, Quảng Nam, và Bình Sơn, Quảng Ngãi). (CMCB XLIV:22-24, (Hà Nội: 1998), II:719-21. ĐNNTC, q. VII: Quảng Nam, (1997),  2:336, 341 (Hà Đông, nay là Tam Kỳ) [331-400], q. VIII: Quảng Ngãi, (1997),  2:403, 430).

Phúc vào đóng ở Quảng Nam. (ĐNTLTB, XII, 1962:253)

Tháng 5/1775, Tập Đình và Lý Tài bắt được Phước Dương, mang về Hội An. Tập Đình muốn giết, nhưng Lý Tài cản lại. Nhạc đưa Đông cung Dương vào Qui Nhơn, gả con gái là Thọ Hương cho Dương, muốn lập Dương làm chúa. Dương không đồng ý. (ĐNTLTB, XII, 1962:253-54) Nhạc cũng tìm cách giảng hòa với Tống Phúc Hạp [Hiệp]. Nêu lên danh nghĩa “cần vương”: phò Đông cung Dương chống Trịnh. (ĐNCBLT, q.XXX:Ngụy Tây, 7a-b; (1970), tr 32-33)

Tháng 6/1775, Nhạc xin hàng Ngũ Phúc để đối phó với quân Nguyễn: Nộp đất ba phủ Quảng Nghĩa, Qui Ninh và Phú Yên, đồng thời tình nguyện làm tiên phong đi đánh Gia Định. Phúc đồng ý, sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc, cờ phong Nhạc làm Tây sơn Hiệu trưởng Tráng tiết Tướng quân. (ĐNCBLT, q.XXX: Ngụy Tây, 6b-7a; (1970), tr. 31; PBTL (1972), tr. 132)

Tháng sau, Hiệp rút về giữ Hòn Khói; Tống Phước Hòa giữ đất Ô Cam. Nhưng quân Tây Sơn đánh bại Hiệp [Hạp]. Nguyễn Huệ giết cai đội Nguyễn Văn Hiền, bắt được cai cơ Nguyễn Khoa Kiên (con Nguyễn Khoa Thuyên). Cho Lý Tài trấn thủ Phú Yên. (ĐNTLTB, XII, 1962:254; ĐNLTTB (1852), (1995), tr133, 134 [1777: Tống Phước Hòa tự tử; (1995):135].

Uy danh viên tướng trẻ Tây Sơn vang dội. Hai ngọn đoản đao và tài điều binh khiển tướng của Nguyễn Huệ khiến Hoàng Ngũ Phúc đã tiến đến Châu Ổ, thuộc địa phận Bình Sơn [Quảng Ngãi], phong Nguyễn Văn Bình [Huệ] tước Tây sơn hiệu Tiền phong Tướng quân. (PBTL (1972), tr. 132; ĐNCBLT, q.XXX, ghi rằng Nhạc được phong tước này]

Tháng 10 11/1775, vì binh lính bị bệnh, Ngũ Phúc rút về Phú Xuân. Trịnh Sâm cử Bùi Thế Đạt giữ Huế, Nguyễn Đình Đống giữ châu Ổ. Nguyễn Nghiễm xin đừng bỏ Quảng Nam, triều đình không nghe, nên bỏ hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn, kéo về Phú Xuân. (PBTL (1972), tr. 133)

Tháng 11-12/1775. lực lượng phò Nguyễn nổi lên ở hai phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Nam. Cầm đầu là Nguyễn Quyền (con thứ 14 Phước Khoát), Nguyễn Xuân (con thứ 17), với Trương Phúc Tá làm Mưu chủ. Có khách buôn là Tất bỏ tiền giúp đỡ. Nhạc đánh gần hai tháng mới thắng. Quyền chết ở Quảng Nam. Xuân chạy vào Gia Định, (ĐNCBLT,, q. XXX:8b; (1970), tr. 36-7;ĐNLTTB, (1993), 62-3; (1995):115-16. PBTL không ghi chi tiết này)

Dân đói to. (ĐNTLCB, XII, 1962:254-55) [

Tại Phú Yên, Lý Tài phản Tây Sơn,  ngả theo nhà Nguyễn. Doãn Ngạnh hay Chu Văn Tiếp cùng Huỳnh Châu [Nguyễn Huỳnh Đức] dẫn 1,000 quân từ núi Trà Lang về đầu phục. (ĐNTLTB, XII, 1962:255; ĐNCBLT, q. 6, (Huế: 1993), II:108-9 [107-12]

Tháng 12 1775-1/1776, Trịnh Sâm triệu Ngũ Phúc về bắc. Bùi Thế Đạt lên thay. Quảng Ngãi (Châu Ổ bị dịch tả). Nhờ vậy, anh em Tây Sơn lại chiếm Quảng Nam. (CMCB, XLIV:28, (Hà Nội: 1998), II:725.

Tháng 3-4/1776, Trịnh Sâm phong Lê Quí Đônlàm tham thị Thuận Hóa. (8)

Tại Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc tự xưng làm Tây sơn [Thiên] vương. Phong Lữ làm Thiếu phó, Huệ làm Phụ chính. Xây thêm thành Đồ Bàn. Đưa Đông cung Dương về Thập Tháp. Nhưng Dương tìm cách trốn được vào Gia Định. (ĐNCBLT, q. XXX:9A; (1970), tr. 39; ĐNTLTB, XII, 1962:256)

C. Tây Sơn Diệt Nguyễn:

Đêm 14 hay 15/11/1776, Nguyễn Phước Dương trốn vào tới Sài Gòn. Dụ được Lý Tài trở lại. (TB, I, XII, Duệ Tông, hạ,  1962:258-59; ĐNLTTB, số 27, (1995):110 [108-14] Cao Tự Thanh ghi là 24/11/1776 [14/10 Bính Thân], tr. 113, n11]. Có lẽ không đúng. Ngày 24/11/1776  hay 14/10 Bính Thân là ngày Nhâm Tí]

Ngày 14/12/1776  Phước Thuần nhường ngôi cho Phước Dương tại chùa Kim Chương (ngoài thành Gia Định) để lên làm Thái Thượng vương. (ĐNTLTB,  XII, hạ, 1962:259)  Phước Dương phong Nguyễn Chí làm thiếu phó; Nguyễn Xuân làm Chưởng cơ, Lý Tài làm Bảo giá Đại tướng quân Phạm Công Lý làm Ngoại hữu. Sai Tống Phước Hòa và Thiêm Lộc giữ Long Hồ. (ĐNTLTB, XII, 1962:263)

Nguyễn Chủng (1672-1820) (còn có tên khác là Noãn, sau đổi thành Ánh) cũng không ưa Lý Tài, xin về Ba Giồng, chiêu tập binh mã Đông Sơn. Lý Tài bèn ép Phước Dương đi Dầu Mít. Nhưng hôm sau, 15/12/1776, Trương Phước Dĩnh đưa trở lại Sài Gòn. (ĐNTLCB, I, 2:1788-1801, 1963:29). (ĐNTLTB, XII, 1962:264)

 [TS 3] Tháng Ba Đinh Dậu [8/4-6/5/1777], Nguyễn Huệ mang binh thuyền vào nam truy diệt quân Nguyễn. Tân chính vương Phước Dương cử Lý Tài giữ Sài Gòn, riêng mình tới giữ Trấn Biên. Bộ binh Tây Sơn dùng thượng đạo phá quân Phó tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn, và chưởng trường đà Nguyễn Đại Lữ. Lý Tài chống lại thủy quân Tây Sơn ở Sài Gòn cũng bị bất lợi. Phước Dương từ Trấn Biên trở lại Sài Gòn.

Vài ngày sau, Tây Sơn đến đánh. Lý Tài dùng Nghĩa Hòa quân, thắng vài trận ở Hóc Môn. Sau rút về Sài Gòn vì tưởng lầm viện quân là quân Đông Sơn. Tây Sơn đuổi theo. Lý Tài thua chạy về Ba Giồng, bị quân Đông Sơn giết. Tân chính vương chạy về giữ Tranh Giang (sông Chanh, Gia Định). Tháng 9/1777, Tân Chính Vương Dương về hàng tại Ba Việt [Vát], thôn Phúc Hạnh, lị sở huyện Tân Minh. Tống Phước Hòa bị giết [tự tử] ở đây. Ngày 19/9/1777 [Tân Hợi, 18/8 Đinh Dậu], hay 18/9/1777 [Canh Tuất, 17/8 Đinh Dậu]. Tân Chính Vương Dương bị xử tử. Năm 1806, Gia Long chỉ truy phong làm Mục Vương..(9)

Phước Thuần được Nguyễn Chủng  mang binh tới cứu, đưa qua Cần Thơ (An Giang), rồi Long Xuyên (Hà Tiên). Quân Tây Sơn truy kích đến Long Xuyên. Tháng 10/1777, Phước Thuần bị bắt đưa về Gia Định rồi xử tử ngày 17/10/1777 [17/9 Đinh Dậu]. Hưởng dương 24 tuổi. Năm 1806, Gia Long truy phong Duệ tông tước Hiếu định Hoàng đế. (10)

D. “Chín đời báo thù mới là đại nghĩa.

1.  Thời gian này, thế lực anh em Tây Sơn ngày một thăng tiến. Hài lòng với việc giết được hai chúa Nguyễn cuối cùng tại xứ Đồng Nai, tháng 1-2/1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, hiệu là Thái Đức. Gọi thành Đồ Bàn [Vijaya] là Hoàng đế thành. Phong Lữ làm Thiếu phó [Tiết chế]; Huệ làm Phụ chính [Long tương Tướng quân]. (ĐNLTCB, q.XXX: Ngụy Tây, 9B-10A (Sài Gòn: 1970), tr. 40-3)

2.  Vào thời điểm này, chúa Nguyễn đã trở thành một thế lực đáng kể ở Đông Nam Á. Cửa sổ mở ra cho việc toàn cầu hoá của Đại Việt là những cuộc nam tiến không ngừng từ thế kỷ XVII. Chiêm Thành [tức Champa] bị xoá tên trên bản đồ khu vực. Rồi đến Thủy Chân Lạp [Shui Chenla]—vùng đất rừng hoang bạt ngàn và sình lầy nước đọng mà vua Angkor tự nhận chủ quyền từ năm 1623, tương đương với phần lãnh thổ Nam bộ hiện nay. Ngoài ra, từ năm 1708, chúa Nguyễn còn thừa nhận trấn Hà Tiên tự trị của Mạc Cửu và con cháu, điểm “nóng” thứ hai trong liên hệ với Xiêm La.

Một thế kỷ ngưng bắn giữa nam và bắc từ khoảng 1674 tới 1774 giúp Đường Trong trở thành “Quảng Nam quốc,” biệt lập dần với Đường Ngoài của Chúa Trịnh, gọi là “An Nam quốc,” dưới quyền cai trị nặng phần nghi thức của các vua Lê “Trung Hưng” (1543-1789). Từ năm 1646-1647, trong khi trôi giạt theo những cuộc truy sát của quân Thanh, triều đình mạt Minh (1644-1664)  ở Lâm An/Phúc Kiến trả lại Đại Việt vị thế chư hầu [guo, hay vassal state]. Sứ Minh sang tận Hà Nội phong Lê Thần Tông làm An Nam Quốc Vương, dù Thần Tông đã nhường ngôi cho ấu vương Chân Tông, đang giữ chức Thái Thượng Hoàng. Năm 1651, Quế Vương (1647-1662) nhà mạt Minh còn phong Trịnh Tráng làm Phó Quốc vương, để trao đổi lấy tiếp vận và quân lương. (ĐVSK, BKTT, XVIII:41b-42b, Lâu et Long (2009), 3:284)

Sau khi diệt nhà Minh, năm 1667, Huyền Hoa (niên hiệu Kangxi [Khang Hy], 1662-1722) cũng thừa nhận vai trò hầu quốc và chế độ vua Lê-chúa Trịnh của An Nam—phong Huyền Tông tước An Nam Quốc Vương. Nhà Thanh còn bỏ tục cống người vàng [kimren] mà Chu Hậu Tổng [Minh Thế Tông] đã áp đặt năm 1427, với “sính lễ” năng nề, lên tới khoảng 5,000-10,000 lạng vàng/bạc mỗi năm. Không kém quan trọng, năm 1677, Huyền Hoa quay mặt làm ngơ cho chúa Trịnh diệt khu tự trị của họ Mạc ở Thái Nguyên (Cao Bằng hiện nay), vì họ Mạc đã hàng phục Ngô Tam Quế [Wu Sangui] khi Tam Quế phản phúc nhà Thanh. Năm 1705, Huyền Hoa từ chối yêu cầu phong vương của Nguyễn Phước Chu ở Đàng Trong—dù con buôn Thanh tấp nập tới buôn bán ở Quảng Nam, Hà Tiên và Đông Phố.

Năm 1728, Dẫn Chân (Ung Chính, 1723-1736) còn cho định lại biên giới tây bắc của An Nam, lấy sông Đỗ Chú làm ranh giới. Phải tới đời Hoằng Lịch (Càn Long [Qianlong] (1735-1796, TTH, 1796-1799)—vua Mãn Châu được Hán hóa đầu tiên—tham vọng mở rộng biên cương và ảo vọng thôn tính thiên hạ mới tái sinh, dẫn giắt Hán tộc vào “một thế kỷ nhục nhã” [a century of humiliation] trong văn sử TH và thế giới. (11)

3.  Tuy nhiên, họ Nguyễn từng mở mang và cai trị Đường Trong hơn hai trăm năm. Chiến thắng của Tây Sơn năm 1777 chưa là chiến thắng cuối cùng. Thành viên họ Nguyễn rất đông, rải rác từ Thuận Hóa ra Thanh Hóa (Nguyễn Hựu), và còn ngược lên Cao Bằng (Nguyễn Hựu và Bế). Trong số dòng giõi họ Nguyễn, hàng chục người tiếp tục cuộc tranh hùng. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Chủng (8/2/1762-3/2/1820), [Chủng: bên trái chữ Nhật [Thái], bên phải chữ Trọng [ThC 706]; có nghĩa là mặt trời khi giữa trưa],  tức Noãn, [Noãn : bên trái chữ Nhật, bên phải chữ Viện],  hay Ánh [bên trái chữ Nhật, bên phải chữ Anh]. Dù mới hơn 15 tuổi [16 tuổi ta], Chủng từng nắm cấm quân bảo vệ Phước Thuần từ ngày lưu lạc vào Sài Gòn. (12)

Theo tài liệu Ki-tô—chưa hẳn trung thực và khả tín—từ cuối năm 1777 giáo mục Paul Hồ Văn Nghị đã phát hiện ra tông tích Nguyễn Chủng trên đường đào tẩu tại Cà Mau bùn lầy, nước đọng như Chà Là, Giá Ngựa [hay Ngự], (13) cùng các hoang đảo, giang sơn của hải tặc đủ chủng tộc.

Đồng thời các quan tướng nhà Nguyễn cũng mòn trán, lỏng gót mưu cầu danh vọng mới. Họ đã dùng đám tang chú cháu Nguyễn Phước Thuần, Nguyễn Phước Dương để làm lễ thề phục thù, tôn Nguyễn Chủng làm đại nguyên súy. Hai nhân vật được nhắc nhiều nhất là Đỗ Thanh Nhân, thủ lĩnh 3,000 quân Đông Sơn, và Tống Phước Khuông, người sẽ trở thành cha vợ Chủng. Ngoài ra còn một số người họ Nguyễn qui tụ và tìm về Sài Gòn (Phiên Trấn), theo tinh thần “chín đời báo thù mới là đại nghĩa.” Một số đã ký vào giấy ủy quyền năm 1782, như Hội đồng Hoàng tộc, phó thác cho Nguyễn Chủng toàn quyền đi cầu ngoại viện—tức Xiêm La và Đại Tây (Pháp). Văn khố Bộ Ngoại Giao Pháp còn lưu trữ các tư liệu như giấy ủy quyền của Hoàng tộc, thư “Nguyễn Ánh” gửi triều đình Pháp do đặc sứ toàn quyền Pierre Joseph Georges Pigneau, Giám mục d’Adran [sách cũ thường ghi là Pigneau “de” Behaine, với hàm ý xuất thân quí tộc;nhưng thực tế cha Georges Pigneau chỉ là quản gia của một quí tộc đất Aisne]. Pigneau dịch qua tiếng Pháp các tài liệu viết bằng chữ Nho, mang thep vật và nhân chứng làm tin sang Paris như ấn tín, và nhất là Hoàng trưởng tử Nguyễn Cảnh (6/4/1780-20/3/1801), (14)

4.  Ngày 28/2/1780, Chủng  “lên ngôi” lần thứ hai, xưng Chúa (An Nam Quốc Vương?) ở Gia Định thành (Sài Gòn). Dùng ấn “Đại Việt quốc, Nguyễn Chúa, Vĩnh trấn chi bảo” do Nguyễn Phước Chu (1692-1725) chế ra, làm vật báu truyền ngôi. Phong Đỗ Thanh Nhân làm Ngoại Hữu Phụ Chánh Thượng tướng công. (15)

Theo một thông tin Ki-tô, lúc này Chủng còn yếu nên sợ Thanh Nhân vô cùng. Thanh Nhân nắm trọn quyền hành, không chỉ chống Tây Sơn mà còn mang quân qua Chân Lạp, hay đánh dẹp lực lượng Khmer ở Trà Vinh..

Ngày 14/4/1781 [23/3 Tân Sửu],do sự xúi bẩy của Chưởng cơ Tống Phước Thiêm. Chủng vờ đau bụng, cho gọi Ngoại hữu Phụ chính Thượng tước công Nhân vào gặp. Rồi dùng vệ sĩ giết đi. Tội: “Ỷ công mà sanh kiêu từ.” (16)

Riêng Huỳnh Châu tức Nguyễn Huỳnh Đức, quê Kiến Hưng, Định Tường, tướng giỏi của Đỗ Thanh Nhân,  được trọng dụng, cho quốc tính. Nhiều quân Đông Sơn bỏ đi làm giặc cướp. Chủng bèn chia quân Đông Sơn vào 4 quân: Lê Văn Quân giữ Tiền quân; Vũ Doãn Chiêm, giữ Hữu quân; Tống Phước Lương giữ Tả quân; Trương Văn Bắc, Hữu quân. Tháng 5 -6/1781, định đưa quân ra đánh Qui Nhơn. Binh sĩ Đông Sơn bỏ trốn. Chủng sai Nguyễn Đình Thuyên và Tống Phúc Lương tới đánh giết những tướng kiệt liệt nhất. (17)

Năm 1835, Minh Mạng tuyên bố với Phan Huy Thực, người soạn Thực Lục, rằng Đỗ Thanh Nhân phạm những lỗi sau: đốt sống người, bắn chết đàn bà có thai; tiền lương giữ cả; thậm chí ngày giỗ cha Nguyễn Chủng cũng không cho tiền, khiến Chủng phải cầm áo lấy tiền cúng lễ; hay ở trong núi, có ý làm phản, móc nối với Tây Sơn. Chủng diệt đi, bằng không biết đâu không thành Trịnh Kiểm thứ hai. (18)

Vì Minh Mạng chỉ chào đơi 10 năm sau vụ ám sát này (sinh năm 1791), thật khó cả tin vào thông tin trên.

[C 1]. Tháng 5 Tân Sửu [23/5-21/6/1781]: Khánh Hòa: Nguyễn Vương phái quân ra đánh Tây Sơn. Thời gian này, Chủng có tới hơn 30,000 quân, 80 thuyền đi biển, ba [3] tàu lớn, hai [2] tàu Tây. Tây Sơn dùng voi trận, lại vì vụ giết Đỗ Thanh Nhân, quân Đông Sơn bỏ đi, phải rút về. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:37)

Tháng 5 nhuận Tân Sửu [22/6-20/7/1781] Võ Nhân và Đỗ Bảng thuộc quân Đông Sơn nổi dậy. Giữ đất Ba Giồng [ở hai tổng Kiến Hưng và Kiến Đăng, huyện Định Tường]; gồm giồng Cái Én, giồng Kỳ Lân và giồng Qua Qua; tiếp giáp Đồng Tháp Mười. Đánh tan quân Nguyễn của Nguyễn Đình Thuyên và Tống Phước Lương. Nhưng sau bị quân Chủng giết chết. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:37) 

Tháng 10 Tân Sửu [16/11-14/12/1781]: Vua Xiêm Taksin (Trịnh Quốc Anh, hay Phi nhã Tân) sai hai anh em Chakri [Chất Tri] và Mahakasatsuk (Sô Si) đánh Chân Lạp. Ang Eng (Nặc Ấn) cầu cứu Chủng. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:37) 

5.  Pierre J G Pigneau (1741-1799),  một thời được cung văn thành vua thực sự Đàng Trong hay “Ô Nam,” liên hệ với Nguyễn Chủng từ cuối năm 1777, sau khi Nguyễn Huệ giết hai chúa Nguyễn cuối cùng, Phước Dương và Phước Thuần. Môi giới là Trùm Nam.

Tháng 12/1771-1/1772, Pigneau rời Pondichéry qua Xiêm La thành lập chủng viện ở Virampatuam. Rồi thay Piguel làm Giám mục Đàng Trong. Ngày 27/2/1774 được chính thức thụ phong. Năm 1775, vì chiến tranh Xiêm-Miến Điện, rời chủng viện vào Cochin-chine.(?) Ngày 12/3/1775, đến Hà Tiên, thành lập chủng viện Cầu Quao. Tháp tùng có 4 giáo sĩ, 8 chủng sinh và 4 giáo mục Việt. Morvan Jacques Nicolas điều khiển trường này cho tới khi chết ngày 15/1/1776. Le Clerc Tite lên thay. (BAVH, 16)

Tháng 5-6/1780, Pigneau [Bá Đa Lộc] trở thành một cố vấn người Pháp đầu tiên của Nguyễn Chủng. (19)

6.  Tháng 7/1780, Nguyễn Chủng sai sứ qua Xiêm La (cai cơ Sâm và Tĩnh). Sứ đang ở Xiêm, có tàu Xiêm từ Quảng Đông về báo tin bị Lưu thủ Hà Tiên là Thăng đánh cướp, giết người. Taksin (Phi Nhã Tân) tức giận tống giam cả sứ đoàn Nguyễn. [Kế ly gián của Tây Sơn?] Sau đó, Đồ [Bò] Ông Giao của Chân Lạp mật tấu với vua Xiêm là Nguyễn Xuân và Mạc Thiên Tứ mưu làm nội ứng đánh thành Bangkok.

17. Ngày 1/11/1780, Taksin đánh chết con Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Duyên. Tứ tự tử. Nguyễn Xuân, cùng Sâm, Tĩnh và gia đình họ Mạc 55 người bị giết. Người Việt ở Bangkok bị đầy đi xa. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:34-5 [ghi là tháng 6]; Lịch triều tạp kỷ, II, 1975:200) [Kế ly gián của Tây Sơn] Lịch triều tạp kỷ, II, 1975:199-200; Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên [ĐNLTTB], q. 6, bản dịch Cao Tự Thanh (Hà Nội: NXB KHXHNV, 1995), II:116 (con thứ 17 Thế Tông), VI:247-48 [242-51, Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, v.. v..])

Tháng 2-3/1782, Chủng sai Giám quân trung dinh Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thụy [Văn Thoại] cùng Hồ Văn Lân đem binh thuyền đi cứu viện Chân Lạp. Vì đang có biến loạn ở Xiêm (Phi nhã Oan Sản làm đảo chính, bắt giữ Taksin, rồi cho người mời Chakri về nước. Thoại và Chaophraya Mahakasatsuk [Sô-si], emg Chất Tri giải hòa. Anh em Chakri mang binh về Thonburi, bí mật giết Taksin rồi đổ tội cho Oan Sản. Tháng 4/1782:: Chakri lên làm vua, tức Rama I (1782-1809)  Em là Chaophraya Mahakasatsuk (Sô Si) làm Phó vương, cháu là Ma Lặc làm Thủ tướng (Phó vương thứ hai). Rama I phóng thích những Việt kiều bị lưu đầy; nhưng lại sai That-si-đa chiếm Hà Tiên. (20)

7.   [TS 5]: Tháng 4-5/1782,  Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mang quân vào đánh cửa Cần Giờ. Phá tan thủy binh Chủng tại sông Thất Kỳ. Giết chết Emmanuel (Mạn Hoè), một thủy thủ Pháp ở Macao, sau qua Xiêm theo Pigneau, được Pigneau dâng lên Chủng. Chủng cho làm quan, lo việc đóng chiến thuyền. Lúc lâm trận, tàu bị mắc cạn. Lính Việt bỏ chạy. Chủng mang quân đến cứu, bị thua trên sông Tam Kỳ, rút chạy về Ba Giồng. Quân Tây Sơn giết Emmanuel. (SKĐNV:23-4; ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801,1963:39) Thừa thắng, kéo thẳng lên chiếm lại Sài Gòn. (21)

Tháng 5-6/1782], được bọn Trần Công Chương và Hoà Nghĩa quân (gốc Hoa) tăng viện. Giết Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Nhạc cho lệnh giết hơn 10,000 người Hoa ở Gia Định để báo thù, xác quăng xuống sông. Trọn một tháng sau, không ai dám uống nước sông hay ăn tôm cá. Chủng phải tẩu thoát xuống Định Tường. Bị Nguyễn Huệ đánh đuổi sang Hà Tiên, rồi đi thuyền nhỏ ra Phú Quốc. (22)

8.   [TS 6]. Tháng 3-4/1783, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lại vào đánh Gia Định. Chủng chạy xuống Định Tường. Tùy tùng chỉ có bọn Nguyễn Kim Phẩm 5, 6 người. Phải cưỡi trâu mà vượt sông qua Mỹ Tho. Đưa mẹ và gia quyến chạy ra Phú Quốc. (23)

Pigneau theo Chủng ra Phú Quốc. Sai hai cố đạo Espania là Giacôbê và Maneo qua Philippines để cầu viện. Bị Tây Sơn bắt giữ mang về Qui Nhơn tra khảo. Sau Chủng lại thuyết phục Pigneau qua Xiêm xin cầu viện. Pigneau thoạt tiên không chịu, nhưng cuối cùng đồng ý. Riêng Doãn Ngạnh [Chu Văn Tiếp] an toàn chạy qua Xiêm, được Rama đồng ý cứu giúp. (24)

9.   Tháng 7-8/1783, Nguyễn Huệ sai binh thuyền ra vây đánh Côn Lôn. Bị bão lớn, thiệt hại nhiều. Chủng bỏ chạy về Cù lao Cổ-cốt. Sau chạy về Phú Quốc. Trốn tránh trên các hoang đảo. Chủng cho người qua Chantabun (Chantabunri, Chân bôn), mời Pigneau tới gặp. Nhờ Pigneau qua Xiêm cầu viện. (25)

Thực Lục ghi là Chủng sai người sang Chantabun mời Pigneau. Ủy thác Pigneau qua Đại Tây xin viện trợ. Gửi Hoàng tử Cảnh làm tin. Sai Phạm Văn Nhân (1735-1815) và cai cơ thị vệ Nguyễn Văn Liêm hộ tống Hoàng tử Cảnh. (26)

Theo SKĐNV, Pigneau và Chủng lạc nhau khi định ghé cửa Gò Công, bị quân cướp Chà-và đuổi. Pigneau qua lại Chantabun [Chân-bôn], cách Bangkok 150 dặm. Sau đó lên Bangkok, được vua Xiêm tiếp. Mặt khác, cử người đi tìm Chủng. Một giáo dân ở Chantabun là Trùm Nam nhân đi tìm lim trầm bán, khám phá ra Chủng ở đảo Hòn Dừa. Phụ tá của Pigneau là Li-ô [Jacques Liot (1751-1811)] bèn đưa thuyền tiếp tế cho Chủng. Sau đó, Pigneau cũng rời Bangkok về Chantabun, và tới đoàn tụ với Chủng.(SKĐNV, 1974:28-29).

Pigneau ở lại khu này hai tháng. Chủng yêu cầu Pigneau về Pháp cầu viện. Thoạt tiên, Pigneau từ chối. Sau vì thương tình Chủng, và hy vọng Chủng sẽ đối xử tốt với Ki-tô giáo nên nhận lời (SKĐNV, 1974:30).

Ngày 25/11/1784, Pigneau, mang Đông Cung Thái tử Cảnh (6/4/1780-20/3/1801), lúc ấy mới 4 [5] tuổi, giấy ủy quyền của Hội đồng Hoàng tộc đề ngày 18/8/1782  và ấn tín họ Nguyễn, đi cầu viện Pháp. Trước khi Pigneau lên đường, luôn nhắc nhủ Chủng đừng nên tin hay cầu viện Xiêm. (27)

Vì Bri-tên chiếm Pondichéry tới 1785, và các thống đốc Pondichéry chống đối, mãi tới tháng 9/1786, Pigneau và Cảnh mới xuống tàu qua Pháp. Ngày 5/5/1787, được Louis XVI tiếp kiến tại Versailles. Hơn 6 tháng sau, ngày 21 và 28/11/1787, Pigneau ký với Ngoại trưởng Armand-Marc de Montmorin-St-Hérem (2/1787-7/1789) một Hoà ước, cắt cho Pháp bán đảo Tourane và Poulau Condore [Côn Sơn]; cho Pháp thiết lập trạm buôn và căn cứ Hải quân dài theo bờ biển; đổi lại, Pháp sẽ giúp 1,650 quân [1200 bộ binh, 200 pháo thủ, 250 da đen], chiến hạm, đại bác, khí giới đánh nhau với Tây Sơn. 

10.   Pigneau đi rồi, Nguyễn Chủng bị hơn 20 thuyền Tây Sơn truy đuổi, lênh đênh ngoài bể Đông suốt 7 ngày, 7 đêm. Chủng phải trôi giạt tới cửa Ma Ly (Bình Thuận?). Sau thoát về Phú Quốc. Về đến cửa Đốc Công (sông Ông Đốc), giết được Tướng Tây Sơn là Quản Nguyệt. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:50-51)

Tháng 8 9/1783, Chủng ra đảo hòn Chung, rồi hòn Dừa [Thổ Châu, Pulau Panjang] Long Xuyên. Theo ĐNNTC, hòn Thổ Châu thuộc huyện Hà Tiên, cách bờ biển 2 ngày rưỡi đường. Trên cù lao có dân cư; ĐNNTC (1997), 5:19.

Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ kéo quân về Qui Nhơn. Để phò mã Trương Văn Đa giữ Sài Gòn.

11. Đi Xiêm Cầu viện:

Một trong những việc làm bí mật chưa được nghiên cứu kỹ là chuyến sang Xiêm La cầu viện vào tháng 3-4/1784, sau khi Nguyễn Huệ hai lần nam chinh, đánh đuổi Nguyễn Chủng khỏi Gia Định thành, lang thang trên các hoang đảo, dưới sự che chở của các cộng đồng Ki-tô dưới quyền Pigneau. Vì việc Chủng phản quân Đông Sơn, quanh Chủng chỉ còn lại vài chục thủ hạ của nhóm Nguyễn Kim Phẩm. Nguyễn Chủng lại sai bọn Phúc Điển sang Xiêm cầu viện. (28)

Giữa thời gian này, Chủng nhận được thư Doãn Ngạnh [Chu Văn Tiếp], đã qua Xiêm cầu viện ít năm trước. Phật vương [Rama] I sai Ngạnh đi đường bộ về nước, và Tướng Thát-si-đa mang chiến thuyền qua Hà Tiên thăm thú tình hình. Ngạnh yêu cầu Chủng tới gặp quân Xiêm để cùng qua Krung-thêp cầu viện. Chủng chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là cho gia quyến tới ở đảo Thổ Châu, rồi sang Xiêm. Trong đoàn tùy tùng có Cai Đội Nguyễn Văn Tồn, người Khmer gốc Trà Vinh. (29)

12. Tháng 4-5/1784, “Chiêu Nam cốc” Chủng tới Vọng Các. Gặp lại  bọn Doãn Ngạnh và con cháu Mạc Thiên Tứ là Mạc Tử Sinh, v.. v… Rama I đồng ý giúp đỡ. “Chiêu Nam cốc” phong Sanh làm Chánh cơ. (30)

Ba tháng sau, Chủng dẫn quân Xiêm về nước, Tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương cầm đầu 20,000 thủy binh và 300 chiến thuyền. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:55-6) Bọn Doãn Ngạnh, và con cháu Mạc Thiên Tứ hăng hái tiếp tay. Quân Xiêm rất tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, dân chúng ta thán, phẫn hận. Chủng tâm sự với các cận thần: “Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ bách tính.” (31)

Tháng 8-9/1784, giặc Xiêm lấy được đạo Kiến Giang, phá quân Tây Sơn của Nguyễn Hoá tại Trấn Giang, kéo thẳng đến Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít [thiết], Sa Đéc. Chủng phong Mạc Tử Sinh làm Tham tướng trấn Hà Tiên.

Ngày 18/10 Giáp Thìn [30/11/1784, theo lịch VN, hoặc 28/11/1784, theo Cadière], thủy chiến ở sông Mân Thít An Giang, Doãn Ngạnh tử trận. Trương Văn Đa phải chạy về Long Hồ. (32)

Tháng 12/1784-1/1785, cho Lê Văn Quân làm Khâm sai tổng nhung chưởng cơ, chỉ huy mặt trận Ba Lai, Trà Tân. Chưởng cơ Đặng Văn Lượng tử trận. Thái giám Lê Văn Duyệt cùng bọn đội trưởng Nguyễn Văn Khiêm đến bái yết ở hành tại. Duyệt và Khiêm bị Tây Sơn bắt ở Đồng Tuyên. Nay trốn về. (33)

[TS 7]. Tháng 1/1785, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mang quân vào đánh Xiêm. Nhạc phục binh ở Mỹ Tho. Huệ mang binh thuyền đánh Sài Gòn. Có hàng tướng Lê Xuân Giác giúp sức, Rồi Nguyễn Huệ phục binh ở Rạch Gầm và sông Xoài Mút (Định Tường), dụ thuyền Xiêm lại đánh. Chiêu Tăng và Chiêu Sương ỷ thế thắng được vài trận nhỏ, kéo binh thuyền tới Trà Suốt (Mỹ Tho). Ngày 18/1/1785, Nguyễn Huệ đánh tan chiến thuyền Xiêm do Nguyễn Chủng rước về ở Trà Suốt. Chiêu Tăng và Chiêu Sương thua to, gom góp được vài ngàn quân theo đường Chân Lạp mà về nước. Quân Nguyễn cũng tan vỡ. Tướng của Chủng là “ông Thê(?)” (Nguyễn Văn Oai) tử trận. (34)

Về trận đánh quân Xiêm năm 1785 và hậu quả của nó sử quan Nguyễn không dấu được sự nể phục Nguyễn Huệ và anh em Tây Sơn. Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), họ ghi:

 “Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn [1785], miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp, cho nên đối với vua [Nguyễn Chủng] dẫu tình lễ có trung hậu hơn, nhưng sự thực giữ lại đó [nước Xiêm] mà thôi.” (35)

Chủng lại chạy về Trấn Giang. Chỉ có ít người theo hầu, kể cả Lê Văn Duyệt. Hết lương. Viết thư xin Linh mục Jacques Liot cầu viện. Trong khi đó, Mạc Tử Sinh mang thuyền tới. Sai Tử Sinh và cai cơ Trung qua Xiêm báo tin. Sau Chủng ra hòn Dừa [Thổ Châu, Poulo Panjang]. (36)

Ngày 9/4/1785, Chủng lại chạy sang Xiêm cầu viện lần thứ hai. Hành động này có vẻ trái ngược với những gì  Chủng—hoặc sử quan Nguyễn ghi chép—là Chủng đã  tâm sự với các cận thần, kể cả Pigneau: “Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm. Thà hãy lui quân để đừng làm khổ bách tính.” (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:57)  Cũng có thể bị dồn đẩy vào đường cùng, Chủng chợt nhận thức được rằng mục đích báo thù mới là trọng, viễn ảnh quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc, giết chóc chỉ là cái giá phải trả—một trong những thiệt hại bên lề [collateral damages]  khó  tránh.

Nguyễn Chủng tới kinh đô Xiêm [vào cuối tháng 5/1785]. Rama I chẳng còn hùng tâm giúp đỡ “Chiêu Nam Cốc.” Không những sợ oai Nguyễn Huệ, Xiêm La lại đang hiềm khích với Miến Điện [Myanmar]. [Tháng 2 Bính Ngọ [1786], Miến Điện tung ba [3] đạo quân sang đánh Xiêm. Rama I  phải nhờ Nguyễn Chủng mang thủ hạ đi chống cự. Tùy tướng có bọn Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành, v.. v… Tháng sau, Rama I còn sai Lê Văn Quân đi đánh giặc Chà Và. (37)

Mãi tới năm 1787—sau khi anh em Tây Sơn bất hòa, Nguyễn Huệ đưa quân vây hãm Hoàng đế thành, rồi phù Lê diệt Trịnh—ngày 13/8/1787, Chủng mới trốn khỏi Xiêm về nước. 

A. NHÀ  THANH [QING, 1644-1912]:

 [Một bộ phận của dân tộc Nữ Chân, ở Đông Bắc TH, không theo Kim đánh Tống. 1616: Đặt tên nước là Đại Kim.

Thái tổ (1616-1626) đặt kinh đô ở Thẩm Dương);

1636: Thái Tông (1627-1643) đổi tên nước là Thanh [Qing].

1. Thuận Trị (Thế Tổ, 1644-1661) chiếm được Yên kinh.

2. Huyền Hoa (Thánh Tổ, 1662-1722) [niên hiệu Khang Hy [Kangxi]

3. Dẫn Chân (Thế Tông, 1723-1735) [Ung Chính]

4. Hoàng Lịch (Cao Tông, 1735-1796 [Càn Long], TTH, 1796-1799)

5. Ngung Diễm (Nhân Tông, 1796-1820 [Gia Khánh])

1799: Giết Hòa Khôn

6. Mán Ninh (Tuyên Tông, 1821-1850 [Đạo Quang])

7. Dịch Trữ (Văn Tông, 1851-1861 [Hàm Phong])

8. Tái Thuần (Mục Tông, 1862-1872) [Đồng Trị]

9. Tái Điềm (Đức Tông, 1874-1908 [Quang Tự]; Từ Hy Thái Hậu cầm quyền) Cung thân vương nhiếp chính. 1908: Thuần Thân vương nhiếp chính.

10. Phổ Nghi (Tuyên Tông, 1908-1911) (Tuyên Thống đế, 1908-1911 [Tuyên Thống], Thuần Thân Vương Tài Thuần nhiếp chính)

10/10/1911: Khởi nghĩa ở Vũ Xương. Chính phủ lâm thời ở Nam Kinh. 

 

LÊ DUY KỲ HAY (CHIÊU THỐNG, 8/1786-2/2/1789)

Tháng 8 Bính Ngọ [24/8-21/9/1786] [thiếu]

Tháng 7 nhuận Bính Ngọ, lịch Thanh [thiếu] [24/8-21/9/1786]

Nguyễn Huệ lập Lê Tư Khiêm (1765-1793, sau đổi thành Duy Kỳ) lên ngôi, niên hiệu là Chiêu Thống (1786-1789). (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:63) Sinh năm Ất Dậu (1765).Con trưởng của thái tử Lê Duy Vỹ, tức là cháu đích tôn của Lê Hiển Tông (1740-1986). Thái tử Lê Duy Vỹ vì trước đó phạm tội, bị phế làm thứ dân nên không được truyền ngôi. Thân mẫu của Lê Chiêu Thống không rõ tên—dù từng qua Nam Ninh khóc lóc van xin vua quan Thanh xuất binh hung Lê,

Ngày 28/11/1782 loạn kiêu binh tại Hà Nội. Lính Tam phủ giết chết anh em Huy Quận công Hoàng Đình Bảo; phế Trịnh Cán, lập Trịnh Đống (Khải) (28/11/1782-1786). Cán sau đó chết bệnh. Tháng 2/1783, quân Tam Phủ ép Thái tử Lê Duy Cận nhường chức cho Duy Khiêm, cháu nội Hiển Tông, con thái tử Duy Vĩ đã chết CMCB, XLVI:34-35; (Hà Nội: 1998),  2:767-68; Lịch triều tạp kỷ, II, 1975:25?-).

Ngày 10/8/1786 [17/7 Bính Ngọ], Lê Hiển Tông mất. Thọ 70 tuổi. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:63)Nguyễn Huệ đồng ý cho Kỳ lên ngôi vào tháng 8/1786 [tháng 8 năm Bính Ngọ, 24/8-21/9/1786]. [Phải xảy ra trước ngày 30/8/1786 [7/8 Bính Ngọ], khi Nguyễn Nhạc bất thần ra Hà Nội, rồi nửa đêm 9/9/1786 [17/8 Bính Ngọ] dẫn Nguyễn Huệ về Nam. (CMCB, XLVII : 27-29, (Hà Nội: 1998), 2:794 [792-95]. Thực Lục nhà Nguyễn ghi vào tháng 6 Bính Ngọ (26/6-24/7/1786), trước ngày Hiển Tông chết; ĐNTLCB, I, 2: 1778-1801, 1963:62-3: Có lẽ không không đúng)

Ở ngôi 2 năm, sau chết khi đang sống lưu vong tại Trung Hoa vào tháng 10 năm Quý Sửu (1793), thọ 28 tuổi. Trong thời gian ở ngôi, đặt niên hiệu là Chiêu Thống (1786-1789). 

0