Người Dao ở Sa Pa xây dựng di sản Văn hóa thành sản phẩm du lịch
(ĐHVH)- Ở vùng núi cao, người Dao Sa Pa tỉnh Lào Cai Việt Nam biết phát huy lợi thế di sản văn hoá phong phú, giàu bản sắc trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tìm hiểu quá trình “xây dựng di sản văn hoá trở thành sản phẩm du lịch” của người Dao Sa Pa nhằm mục đích tìm hiểu kinh ...
(ĐHVH)- Ở vùng núi cao, người Dao Sa Pa tỉnh Lào Cai Việt Nam biết phát huy lợi thế di sản văn hoá phong phú, giàu bản sắc trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tìm hiểu quá trình “xây dựng di sản văn hoá trở thành sản phẩm du lịch” của người Dao Sa Pa nhằm mục đích tìm hiểu kinh nghiệm phát huy lợi thế bản sắc văn hoá dân tộc nhằm phát triển sản phẩm du lịch. Đồng thời cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa vấn đề khai thác tài nguyên du lịch với bảo vệ văn hoá truyền thống, xây dựng phương thức phát triển du lịch bền vững.
1. Trước khi giải quyết các luận điểm cụ thể cần thống nhất một số khái niệm cơ bản như “di sản văn hoá”, “sản phẩm du lịch”.
- Di sản văn hoá là toàn bộ sản phẩm tinh thần, vật chất, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của người Dao bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miêng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác[1]. Di sản văn hoá gồm có các di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Di sản văn hoá vật thể bao gồm di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và các hiện vật vật chất trong cộng đồng người Dao có nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học như kiến trúc ngôi nhà, rừng thiêng thờ thần, ruộng bậc thang. Di sản văn hoá vật thể của người Dao gồm tiếng nói, chữ viết Nôm Dao, tác phẩm văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, tri thức dân gian, bí quyết về nghề thủ công...
- Sản phẩm du lịch là toàn bộ các dịch vụ, hàng hoá cung cấp cho du khách nhằm thoả mãn như cầu đi du lịch. Sản phẩm du lịch ở các làng người Dao Sa Pa là các nhà nghỉ cộng đồng, phương tiện đi lại, văn hoá ẩm thực cung ứng cho du khách, các điểm tham quan (kiến trúc, ruộng bậc thang, rừng thiêng, rừng thảo quả...), các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, đồ thủ công, dịch vụ tắm thuốc...
2. Người Dao ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai Việt Nam là ngành Dao đỏ (Đại Bản) thuộc phương ngữ “Kiềm Miền”, có hơn 1 vạn người cư trú tại 41 làng thuộc các xã Bản Khoang, Tả Phìn, Trung Chải, Tả Van, Thanh Kim, Bản Phùng, Bản Hồ, Thanh Phú, Nậm Sài, Nậm Cang, Suối Thầu, Sử Pán. Huyện Sa Pa là một trọng điểm du lịch lớn nhất ở miền núi của Việt Nam. Mỗi năm Sa Pa đón gần 50 vạn lượt du khách, trong đó có gần 25 vạn là du khách quốc tế bao gồm 85 quốc tịch và vùng lãnh thổ khác nhau. Người Dao ở Sa Pa cư trú tập trung ở 4 tuyến du lịch của huyện là Sa Pa - Tả Phìn, Sa Pa - Tả Van - Bản Dền - Suối Thầu và Sa Pa - Nậm Sài - Nậm Cang, Sa Pa - Bản Khoang - Tả Giàng Phình. Người Dao cư trú ở một trọng điểm du lịch, nhiều làng người Dao trở thành điểm du lịch hấp dẫn đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người Dao ở Sa Pa phát huy lợi thế tài nguyên du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Vùng người Dao cư trú nằm trên độ cao từ 1000 – 1.600m ven rừng quốc gia Hoàng Liên. Địa bàn cư trú của người Dao là vùng đa dạng sinh học có hàng trăm loài động vật, loài thực vật. Trong đó có nhiều loài đặc hữu. Các làng người Dao ở Sa Pa đều có phong cảnh đẹp. Làng ở ven suối, thác nước. Quanh làng có hệ thống rừng già, hang động và ruộng bậc thang kỳ vĩ. Tất cả phong cảnh, môi trường đã tạo nên tài nguyên du lịch tự nhiên của miền núi hấp dẫn. Càng hấp dẫn du khách hơn khi mà tài nguyên du lịch tự nhiên lại hoà quyện với tài nguyên du lịch nhân văn. Đó là hệ thống tín ngưỡng giàu bản sắc với các phong tục, nghi lễ độc đáo như lễ “pút tồng”, lễ cấp sắc, lễ Bàn Vương, lễ cưới, lễ làm nhà mới. Đó là hệ thống nghệ thuật diễn xướng với di sản dân ca, dân vũ phong phú. Đặc biệt người Dao ở Sa Pa còn bảo tồn được các nghề thủ công nổi tiếng như nghề chạm khắc bạc, thêu dệt thổ cẩm, nghề mộc...
Trong khi đó nhu cầu du khách đến thăm bản làng người Dao và các dân tộc anh em trong vùng rất cao. Năm 2004, khi phỏng vấn 500 du khách châu Âu đến Sa Pa, đoàn khảo sát của trường Đại học Boóc – Đô của Pháp cho biết kết quả có 72 – 80% du khách muốn đến thăm các bản làng. Năm 2007, tỷ lệ số du khách đến thăm bản làng các dân tộc tại tăng cao chiếm 87% du khách quốc tế. Nhiều làng của người Dao trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Xã Bản Hồ (có làng Nậm Tống người Dao) năm 2007 đón 1vạn 2000 du khách quốc tế. Xã Tả Phìn có đông người Dao năm đông nhất (2008) cũng đón gần 1 vạn 5 ngàn lượt du khách. Các điểm du lịch ở Tả Van, Nậm Cang, Suối Thầu cũng đón từ 2000 – 4000 du khách trong 1 năm. Như vậy, tỉ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2 – 3 lần so với các nơi khác. Thu nhập từ du lịch của người Dao cũng chiếm từ 10% - 40% đồng thu nhập gia đình. Có được kết quả như vậy là nhờ người Dao ở Sa Pa xây dựng được chương trình “biến di sản thành sản phẩm du lịch”.
3. Chương trình biến di sản thành sản phẩm du lịch của người Dao:
3.1 Nghiên cứu nhu cầu của du khách
Người Dao ở Sa Pa có điều kiện thuận lợi là nằm trong vùng trọng điểm du lịch quốc gia, lượng du khách đến với các bản làng hàng năm rất đông. Nhưng muốn khai thác phát huy các di sản văn hoá của người Dao sản xuất thành sản phẩm du lịch đòi hỏi người Dao phải tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với người dân ở các điểm du lịch tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách quốc tế. Qua nghiên cứu (bằng phương pháp phát phiếu phỏng vấn và phỏng vấn sâu) đã thu được kết quả cụ thể như sau:
- 90% du khách thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người Dao, người HMông bản địa. 71% du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người Dao. Đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10 – 20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản.
- 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...
- 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình.
3.2 Từ nghiên cứu nhu cầu du khách, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai và chính quyền huyện Sa Pa đã phối hợp với các nhà tư vấn nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Mô hình này lần đầu tiên xây dựng thí điểm tại thôn bản Dền xã Bản Hồ ở Sa Pa (từ năm 2001 – 2005). Những năm gần đây mô hình du lịch cộng đồng được nghiên cứu xây dựng tại thôn Sả Xéng xã Tả Phìn, thôn Nậm Tống xã Bản Hồ, thôn Tả Van và thôn Giàng Tà Chải xã Tả Van, thôn Nậm Cang xã Nậm Cang, huyện Sa Pa...Trong mô hình du lịch cộng đồng luôn đề cao vai trò của người Dao bản địa. Người Dao phải thực sự là chủ nhân có quyền tham gia các hoạt động du lịch và phải được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp nhà nước chia xẻ quyền lợi cho cộng đồng người Dao thông qua hệ thống các dịch vụ thuộc cộng đồng như nhà nghỉ của người dân (homestay), bán sản phẩm đồ thủ công, cung cấp dịch vụ ăn uống, đi lại...Du lịch cộng đồng là sự kết hợp của 4 nhóm nhân tố: du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân bản địa (người Dao), chính quyền cơ sở.
Bốn yếu tố này quan hệ khăng khít với nhau. Du khách muốn thỏa mãn các nhu cầu du lịch thì phải có các doanh nghiệp cung cấp, có người dân bản địa (người Dao) tham gia, và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, định hướng. Người dân muốn thu được nhiều lợi nhuận qua hệ thống dịch vụ đều thành lập ban đại diện của những gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Ban đại diện là đầu mối nhằm quản lý các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, sinh hoạt...Đặc biệt, ban đại diện có quyền thống nhất về giá cả nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bắt chẹt từng hộ gia đình, ép các hộ gia đình giảm giá để thu lợi ích riêng của doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp chỉ đưa du khách đến các làng người Dao tham quan mà không phải trả tiền cho người dân, thậm chí không mua hàng của người dân. Người Dao bản địa là chủ nhân của các tài nguyên du lịch thì lại không được hưởng lợi. Các doanh nghiệp từ Hà Nội, thị trấn Sa Pa, ở xa các bản làng người Dao lại đứng ra thu lợi lớn trên địa bàn người Dao. Sự bất bình đẳng này đã dẫn đến mâu thuẫn giữa người dân bản địa với các doanh nghiệp và khách du lịch. Người dân không cho chụp ảnh hoặc du khách muốn chụp ảnh thì phải trả tiền trực tiếp cho người dân, người dân chèo kéo ép du khách phải mua hàng gây phiền hà cho du khách. Nhưng từ khi chính quyền huyện Sa Pa và ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đề cao vai trò người dân thì các tệ nạn này đã giảm nhanh chóng, nhất là ở vùng Nậm Cang và Bản Hồ. Mặt khác, chính quyền tạo điều kiện cho cộng đồng (thông qua các ban đại diện, ban chủ nhiệm câu lạc bộ, đoàn thể) được vay vốn ưu đãi tại ngân hàng hoặc vay vốn ưu đãi của quỹ khuyến công đầu tư cho người Dao kinh doanh các sản phẩm du lịch.
3.3 Từ những quan điểm, cách xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trên, người Dao ở Sa Pa đã phát huy được lợi thế về di sản văn hoá dân tộc nhằm sản xuất các sản phẩm du lịch.
3.3.1 Người Dao khơi dậy nghề thủ công truyền thống.
Người Dao ở Sa Pa có nhiều nghề thủ công truyền thống có giá trị văn hoá cao như nghề chạm khắc bạc, nghề thêu dệt thổ cẩm làm trang phục, nghề rèn đúc, nghề làm đồ mộc...Tuy nhiên, các nghề này chỉ là nghề phụ mang tính chất hỗ trợ cho trồng trọt là chính. Sản phẩm của các nghề thủ công này chưa trở thành sản xuất hàng hoá mà chỉ mang nặng tính tự cung tự cấp, đáp ứng riêng cho nhu cầu của từng gia đình. Nhưng từ khi du lịch phát triển, người Dao ở Sa Pa đã lựa chọn một số nghề để đầu tư tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm cho du lịch. Điền hình là nghề thêu dệt thổ cẩm. Hội phụ nữ các xã Tả Phìn, Suối Thầu, Nậm Cang đã tổ chức các câu lạc bộ sản xuất thổ cẩm. Câu lạc bộ của hội phụ nữ xã Tả Phìn có đến 300 hội viên tham gia. Câu lạc bộ sản xuất thổ cẩm của phụ nữ xã Nậm Cang có gần 100 hội viên tham gia...Các câu lạc bộ này được các tổ chức phi chính phủ tư vấn về mẫu mã sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm bước đầu. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, tổ chức lớp dạy nghề miễn phí cho người dân. Nhờ vậy mỗi người tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch đều có thu nhập cao. Bình quân mỗi người thu nhập từ 300.000 – 500.000đ/tháng. Có một số hội viên như các chị Lý Mẩy Chạn, Lý Tả Dùng, Lý Mẩy Pham, Chảo Mẩy Cói...của xã Tả Phìn thu nhập mỗi năm từ 4 – 7 triệu đồng nhờ bán các sản phẩm cho du khách. Một số hội viên vừa sản xuất vừa trực tiếp bán sản phẩm mỗi tháng cũng thu nhập từ 1 – 2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao của một lao động người Dao ở Sa Pa.
Nguyên tắc sản xuất nghề thủ công cũng như thêu dệt sản phẩm du lịch phải đảm bảo các yếu tố như kế thừa di sản văn hoá truyền thống. Trong nghề thêu dệt thổ cẩm phụ nữ người Dao đều giữ gìn một số hoa văn cổ độc đáo có dấu ấn riêng của văn hoá tộc người. Các hoạ tiết hoa văn phổ biến là thêu hình cây thông, thêu hình thầy cúng, hình cây đèn trong lễ cấp sắc hoặc dấu ấn về Bàn vương, hình tượng dấu chân của con chó...Người Dao cũng giữ gìn bảng màu truyền thống gồm có 4 màu chủ đạo là vàng, đen, đỏ, trắng. Trong đó, đề cao cách phối màu đối chọi của hoa văn truyền thống như màu đỏ đi liền với màu trắng, màu vàng thêu liền kề với màu trắng, màu trắng trên nền vải chàm đen...Phương pháp sử dụng màu đối chọi như vậy càng làm nổi bật hoạ tiết hoa văn tạo ra chất rực rỡ và hấp dẫn của hoa văn người Dao. Tuy nhiên, sản phẩm nghề thêu dệt thổ cẩm thì lại sản xuất đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách như các sản phẩm làm đệm, gối, túi đeo điện thoại di động, ví, mũ, túi xách tay, ba lô du lịch...
Trong nghề chạm khắc bạc cũng vậy, người Dao sản xuất đa dạng hoá các sản phẩm như nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc, các hình kỷ niệm bằng bạc...Nhưng mô típ hoa văn chạm khắc trên bạc vẫn là các mô típ hoa văn cổ truyền. Đồng thời một số cơ sở chạm khắc bạc chỉ sản xuất sản phẩm bằng bạc nguyên chất nhằm giữ uy tín của bạc trắng chứ không sản xuất các loại sản phẩm bằng nhôm, hợp kim.
Người Dao ở Tả Phìn, Nậm Cang Sa Pa trước đây có nghề làm trống, nghề đóng đồ mộc ghép các thùng gỗ đựng nước...Nhưng sản phẩm của đồ mộc chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngày nay, qua tìm hiểu nhu cầu của du khách thấy nghề làm mộc có thể sản xuất ra nhiều đồ lưu niệm giá trị nên ông Lý Phủ Kinh ở Tả Phìn đã tập hợp một số nghệ nhân thành lập câu lạc bộ sản xuất các loại trống và đồ lưu niệm. Hiện nay, câu lạc bộ sản xuất của ông đã làm ra rất nhiều loại trống khác nhau theo nhu cầu của du khách như các loại trống nhỏ làm đồ lưu niệm, các loại trống trung bình đến các loại trống lớn làm vật trang trí trong các nhà hàng, khách sạn...Sản phẩm của câu lạc bộ đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường, được bày bán ở nhiều cửa hàng ở thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa và các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Hà Nội, thành phố Hạ Long. Trung bình mỗi một tháng câu lạc bộ sản xuất trống của ông Lý Phủ Kinh sản xuất được từ 20 – 40 chiếc trống trung bình và trống đại và nhiều trống nhỏ làm đồ lưu niệm. Mỗi tháng các nghệ nhân của câu lạc bộ đều có thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng một người.
Nhìn chung, các nghề thủ công phục vụ khách du lịch của người Dao Sa Pa đã được khôi phục và phát triển. Nhờ có du lịch nên nghề thủ công truyền thống của người Dao đã trở thành hàng hoá, sản phẩm du lịch chứ không chỉ là những sản phẩm tự cung tự cấp cho gia đình. Tuy nhiên, các sản phẩm nghề thủ công phục vụ du lịch của người Dao dù có đa dạng, phong phú nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc cụ thể:
- Các sản phẩm thủ công đều kế thừa kỹ thuật, hoạ tiết, thẩm mĩ truyền thống. Đặc biệt, nhiều sản phẩm của nghề thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc đều nhằm chuyển tải bản sắc văn hoá người Dao thông qua các hoạ tiết, các biểu tượng giàu tính thẩm mĩ.
- Các sản phẩm thủ công này đều đảm bảo nguyên tắc sản phẩm bằng thủ công, không sử dụng máy móc, không sử dụng đồ sản xuất công nghiệp làm nguyên vật liệu. Các sản phẩm thêu dệt thổ cẩm đều thêu bằng tay và dùng vải thô với các khung dệt cổ truyền chứ không dùng sản phẩm dệt của máy móc hiện đại.
- Các sản phẩm thủ công đều đa dạng hoá về mẫu mã, chủng loại đáp ứng với nhu cầu hiện tại của du khách.
- Các sản phẩm thủ công đều gọn nhẹ, dễ chuyên chở và giá thành không quá đắt mục đích nhằm bán được nhiều sản phẩm.
3.3.2 Khơi dậy dịch vụ tắm lá thuốc:
Trước đây người Dao là dân tộc rất giỏi về y học cổ truyền, sử dụng dược liệu chữa bệnh nổi tiếng trong cộng đồng các dân tộc ở Sa Pa. Phụ nữ người Dao đều có kho tàng tri thức về dược học, nhiều người trở thành những người thầy thuốc nổi tiếng. Trong cuộc sống thường ngày của xã hội người Dao cổ truyền, người Dao đã sử dụng tắm lá thuốc để đảm bảo sức khoẻ của các thành viên gia đình. Nhưng hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, người Dao đã phát huy việc lấy lá chế biến thuốc tắm trở thành hàng hoá phục vụ du lịch. Riêng ở thôn Sả Xéng xã Tả Phìn huyện Sa Pa có 11 hộ kinh doanh nghề tắm lá thuốc. Các thôn Nậm Tống, Nậm Cang, Giàng Tà Chải...đều có các hộ kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc. Bình quân mỗi gia đình mỗi tháng cũng thu nhập được từ 500.000 – 2 triệu đồng từ dịch vụ lấy và chế biến thuốc lá cho du khách tắm.
3.3.3 Khai thác nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng:
Nhà người Dao truyền thống thường chật hẹp và ít có công trình vệ sinh. Nhưng hiện nay, trước nhu cầu du khách thích nghỉ tại bản làng nên nhiều hộ gia đình người Dao đã tu sửa ngôi nhà trở thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách (homestay). Năm 2005, ở xã Tả Phìn huyện Sa Pa chỉ có 2 gia đình tu sửa ngôi nhà của mình thành nhà nghỉ cộng đồng thì đến nay đã có 11 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Ở Nậm Cang, Bản Hồ, Nậm Sài cũng có nhiều hộ xây dựng ngôi nhà mới hoặc tu sửa nhà cũ trở thành nhà nghỉ cộng đồng. Các ngôi nhà này đều giữ kiến trúc, khuôn viên, mặt bằng, kết cấu bên trong giống như ngôi nhà cổ truyền. Nhưng làm thêm 1, 2 gian ở phía trước cửa nhà làm nhà nghỉ cho du khách vì quan niệm các du khách không làm ảnh hưởng đến bàn thờ tổ tiên và sinh hoạt của các thành viên gia đình truyền thống. Các phòng nghỉ đều bố trí như kiểu nhà nghỉ bình dân, có đồ dùng mới, tủ, bàn ghế, ti vi và có công trình vệ sinh khép kín. Tuy nhiên, vật liệu xây dựng đều là những vật liệu truyền thống gỗ, tre, không sử dụng các vật liệu hiện đại như xi măng, gạch, ngói. Như vậy, người Dao vẫn giữ được kiến trúc và nếp sống truyền thống trong ngôi nhà đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sử dụng các dịch vụ của kiểu nhà nghỉ (có ti vi, có hệ thống vệ sinh đảm bảo). Nhờ vậy, số du khách nghỉ tại các nhà nghỉ truyền thống của người Dao tăng rất nhanh. Năm 2005 mới có 200 du khách nghỉ tại các nhà nghỉ cộng đồng ở Tả Phìn thì đến năm 2008 đã tăng lên 514 du khách, và năm 2009 là 1.187 du khách đã nghỉ tại 11 nhà nghỉ của người Dao ở thôn Sả Séng. Ở Nậm Cang, Bản Hồ, Giàng Tà Chải có vị trí xa trung tâm huyện lỵ nên số du khách nghỉ tại các nhà nghỉ cộng đồng đều tăng nhanh. Bình quân mỗi nhà nghỉ ở các vùng này mỗi năm cũng đón từ 300 – 500 lượt du khách.
Bên cạnh các dịch vụ phục vụ du lịch trên, người Dao ở Sa Pa còn biết phát huy di sản văn hoá truyền thống tạo thành nhiều sản phẩm và các yếu tố của sản phẩm du lịch. Các thôn bản người Dao được chọn làm điểm du lịch đều xây dựng các đội văn nghệ dân gian, khai thác các di sản dân ca dân vũ truyền thống của người Dao xây dựng thành các tiết mục, chương trình văn nghệ. Đội văn nghệ xã Tả Phìn huyện Sa pa đã khai thác các điệu múa chuông, múa kiếm, múa đèn, các điệu nhảy trong lễ “pút tồng”, các điệu nhảy “bát quái” để xây dựng các chương trình văn nghệ phục vụ du khách. Đội văn nghệ ở thôn Nậm Cang xã Nậm Cang lại trích đoạn một số nghi thức độc đáo trong lễ “chải miến”, lễ cấp sắc hoặc sử dụng các làn điệu kèn pí lè xây dựng các chương trình văn nghệ. Đội nhạc kèn pí lè đóng vai trò rất quan trọng trong lễ cưới của người Dao truyền thống. Từ nghi thức đi đón dâu, chào đoàn nhà gái, mời thống gia, răn dạy cô dâu, lễ báo tổ tiên...cho đến lễ mời ăn tiệc cưới, mời hát trong đám cưới...đều sử dụng nhạc kèn pí lè. Các đội văn nghệ của người Dao đã phát huy các làn điệu kèn truyền thống trở thành các điệu kèn đón chào du khách, mời tiệc du khách, tặng quà du khách...Nhờ khai thác các chất liệu dân gian truyền thống nên các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách đều giàu bản sắc và hấp dẫn. Ở các điểm du lịch của người Dao ở Sa pa đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức quảng bá các ngày lễ, các ngày hội, các ngày sinh hoạt cộng đồng cho du khách. Các sinh hoạt này đã được các hãng lữ hành xây dựng thành các sản phẩm du lịch chào bán cho khách quốc tế. Đặc biệt du khách rất thích xem các cảnh hát giao duyên, các lễ cưới, lễ “pút tồng”...của người Dao.
3.4 Nguyên tắc khai thác di sản văn hoá trở thành sản phẩm du lịch
Từ thực tiễn xây dựng du lịch cộng đồng, khai thác các di sản văn hoá tạo thành các sản phẩm du lịch ở vùng người Dao Sa Pa đã đúc kết trở thành một số nguyên tắc và phương châm cụ thể:
- Đề cao vai trò của cộng đồng: cộng đồng người Dao ở các điểm du lịch phải được xây dựng trở thành chủ nhân của điểm du lịch đó. Các doanh nghiệp muốn chào bán các sản phẩm du lịch ở vùng người Dao thì phải quan tâm chia xẻ lợi ích cho cộng đồng. Đây là vấn đề rất quan trọng quyết định thành công hay thất bại của mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa. Chỉ khi nào cộng đồng người Dao, người dân có thu nhập bình đẳng, có lợi ích thoả đáng từ các nguồn thu du lịch thì lúc đó mới phát triển được dịch vụ du lịch ở vùng người Dao. Nhiều trường hợp xảy ra khi lợi ích người dân ở các làng bản bị coi nhẹ đã dẫn đến việc suy tàn các điểm du lịch ở vùng người Dao. Ngược lại, lợi ích của người dân càng được đề cao, quan tâm thì điểm du lịch đó càng hấp dẫn, thu hút được đông du khách đến thăm. Nguyên tắc này đòi hòi có sự quản lý của chính quyền địa phương bằng các chế tài yêu cầu các doanh nghiệp phải chia lợi nhuận bình đẳng với người dân.
- Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng người Dao phải theo định hướng phát triển du lịch bền vững. Không chỉ nhìn lợi ích trước mắt mà còn nhìn lợi ích lâu dài cho thế hệ mai sau của người Dao làm du lịch. Vấn đề này liên quan đến cả việc quy hoạch du lịch, chính sách phát triển du lịch, gắn vấn đề phát triển du lịch với bảo vệ môi trường...Đặc biệt trong vấn đề phát huy giá trị văn hoá truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch đòi hỏi phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc cụ thể như sau:
+ Các sản phẩm du lịch đều phải thấm đậm các yếu tố văn hoá truyền thống của cộng đồng người Dao. Nhờ các yếu tố văn hoá truyền thống này mới đảm bảo tính độc đáo và hấp dẫn, sức hút đối với du khách của điểm du lịch cộng đồng người Dao. Kinh nghiệm này được đúc kết qua quá trình phát triển nghề thủ công thêu dệt thổ cẩm của người Dao ở Sa Pa. Cuối những năm 90 của thế kỷ XX người Dao ở Sa Pa sản xuất đồ lưu niệm, thổ cẩm bằng các mẫu mã của các hãng lữ hàng áp đặt. Nhiều sản phẩm của người Dao ở Sa Pa cũng giống như sản phẩm ở Côn Minh hoặc của người Lào, người Thái ở Thái Lan. Không có bản sắc riêng nên nhiều sản phẩm thổ cẩm không bán được, du khách quay lưng với sản phẩm thổ cẩm người Dao. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, nhờ các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tư vấn người Dao đã kế thừa các giá trị thẩm mĩ trong việc sản xuất đồ lưu niệm và thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm người Dao ở Sa Pa có nét độc đáo riêng, bản sắc riêng. Do đó mặt hàng thổ cẩm đã phát triển mạnh mẽ. Thổ cẩm người Dao Sa Pa không chỉ bán cho du khách đến Sa Pa mà hàng tháng xuất khẩu sang các thị trường Mĩ, Châu Âu và các trung tâm du lịch ở Việt Nam như Hà Nội, Hạ Long, Huế, thành phố Hồ Chí Minh.
+ Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hoá của người Dao phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc người Dao. Đồng thời tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hoá truyền thống nhằm mục đích thu hút khách. Ở nhiều vùng du lịch khác người ta tổ chức các đám cưới giả, các ngày hội giả, thậm chí đóng giả cả các nghi lễ xa man cầu cúng thần linh để thu hút khách. Thời kỳ đầu các màn trình diễn giả này đã thu hút một khối lượng lớn khách du lịch tham quan. Nhưng dần dần khi du khách phát hiện các trò diễn này là đồ giả, đồ mô phỏng và không có môi trường sống thực tại thì du khách không xem các trò trình diễn này nữa. Vì vậy, ở Sa Pa không tổ chức các đám cưới giả, không tổ chức các lễ “pút tồng” giả, không tổ chức các lễ cúng thần giả mang tính chất câu khách. Nhưng muốn thu hút được đông khách, một số điểm du lịch của người Dao đã khảo sát, thống kê lịch trình các ngày lễ, ngày tết, các sinh hoạt cộng đồng trong một năm thông báo cho du khách, đồng thời quảng bá, giới thiệu cho du khách để du khách đến tham quan trong khung cảnh thật.
+ Các điểm du lịch cộng đồng của người Dao ở Sa Pa không nhằm mục đích thu hút quá nhiều khách, dẫn đến tình trạng quá tải. Các ban quản lý du lịch cộng đồng phối hợp với các hãng lữ hành tổ chức cho du khách đến tham quan, bình quân mỗi năm mỗi điểm đón từ 1 – 3 vạn khách. Các điểm du lịch không đón nhiều du khách nhằm đảm bảo môi trường, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.
Như vậy, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc người Dao với việc phát triển du lịch có mối quan hệ khăng khít với nhau:
- Muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi cộng đồng người Dao ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hoá dân tộc. Vì bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ lụi tàn không còn sức hấp dẫn du khách. Nhưng muốn giữ gìn phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ như chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, chính sách tôn vinh các nghệ nhân và các di sản văn hoá độc đáo, chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm du lịch phát triển, chính sách đào tạo trao truyền di sản văn hoá dân tộc qua các thế hệ (đặc biệt đưa việc thực hành vốn dân ca dân vũ, trò chơi trở thành môn học ngoại khoá ở các trường học).
- Du lịch phát triển tạo thêm thu nhập cho người dân, giúp cho người dân càng nhận thức rõ về vai trò của di sản văn hoá truyền thống với vấn đề sản xuất các sản phẩm du lịch. Vì vậy, du lịch phát triển tạo thêm nguồn thu cho người dân có điều kiện để giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Người dân ( nhất là lớp trẻ) rất tự hào về bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Do đó, họ đã khơi dậy các nghề thủ công, nghề làm thuốc, các nghi lễ tín ngưỡng đã có thời gian bị mai một. Thậm chí lớp trẻ khi tiếp xúc với du khách, khi bán hàng thổ cẩm đều tự giác mặc trang phục dân tộc.
Kết luận
Các làng người Dao ở Sa Pa đang xây dựng trở thành những điểm sáng về du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng đã hình thành và phát triển, mỗi năm đều đón nhiều du khách, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Có được những thành quả như vậy là nhờ người Dao ở Sa Pa đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”. Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng. Các gia đình người dân tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Các nhà doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan. Các nhà tư vấn (nhất là tổ chức phi chính phủ SNV) đã góp phần tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời các điểm du lịch cộng đồng người Dao ở Sa Pa không chỉ coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch, mà quan trong hơn là thực hành các di sản văn hoá ngay tại cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững. Bản sắc văn hoá dân tộc trở thành nguồn lực cho du lịch cộng đồng người Dao phát triển. Ngược lại, du lịch càng phát triển thì càng khuyến khích người dân bảo tồn được di sản văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Danh mục tài liệu tham khảo:
I. Tài liệu tiếng Việt:
1. Phạm Trung Lương (Chủ biên) – Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam – Nhà xuất bản Giáo dục – năm 2000
2. Trần Hữu Sơn (Chủ biên)– Sách cổ người Dao, tập I – Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc Hà Nội – năm 2009
3. Trần Đức Thanh - Nhập môn khoa học du lịch – Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội – năm 1999
4. Bùi Thị Hải Yến – Quy hoạch du lịch – Nhà xuất bản Giáo dục – năm 2006
5. Các bản tin du lịch của Tổng cục Du lịch – năm 2008, 2009.
II. Tài liệu tiếng nước ngoài:
1. Dong Zhiyong (Chủ biên) - Du lịch rừng của Trung Quốc - Cồ Hải Công nghiệp xuất bản xã – năm 2001
2. Cao Lộ Gia (Chủ biên) - Đề cương nhân loại học du lịch Trung Quốc – Nhà xuất bản Du lịch Quảng Tây – Tháng 11/2004
3. Từ Tổ Tường – Văn hoá sử tộc Dao – Nhà xuất bản Dân tộc Vân Nam – năm 2001.
4. Ngọc Thời Giai - Biến thiên văn hoá dân tộc Dao – Nhà xuất bản Dân tộc Bắc Kinh – năm 2005.
TS. Trần Hữu Sơn
Sở VHTT&DL Lào Cai
Admin 5
[1] Luật di sản văn hoá và văn bản hướng dẫn thi hành (2003) – Nhà xuất bản chính trị quốc gia