18/06/2018, 15:23

Nhà Trần khởi nghiệp – Kỳ 5

Trần Việt Bắc (Bản đồ được sao lại từ kỳ 4 để độc giả dễ tham khảo) Phần 3: Những cuộc binh biến giữa các “sứ quân”. (Tiếp theo) Âm mưu của Trần Tự Khánh là mang quân về kinh thành để thao túng ...

Trần Việt Bắc

                                               

(Bản đồ được sao lại từ kỳ 4 để độc giả dễ tham khảo)

Phần 3: Những cuộc binh biến giữa các “sứ quân”. (Tiếp theo)

Âm mưu của Trần Tự Khánh  là mang quân về kinh thành để thao túng triều đình nhà Lý. Niềm mong muốn của Tự Khánh đã đạt được như ước nguyện sau hai lần không thành công. Đóng quân tại Thăng Long, uy hiếp vua Huệ Tông, dùng hiệu lệnh của nhà vua để tỏ ra có chính nghĩa là một điều mà những lực lượng khác cũng đang muốn làm.  Dù họ Trần có binh lực mạnh, nhưng nỗi lo của Trần Tự Khánh là nếu Bắc Giang, vùng Hồng và những lực lượng khác hợp lại để cùng tấn công thì ông ta sẽ khó chống nổi. Hơn nữa, Nguyễn Tự đang hùng cứ ở Quốc Oai (phía tây thành  Thăng Long). Nếu Nguyễn Tự cùng với họ Nguyễn ở Bắc Giang, họ Đoàn ở vùng Hồng, ba mặt giáp công, Trần Tự Khánh chắc chắn sẽ bị nguy khốn. Để giải toả nỗi lo trong gan ruột, Trần Tự Khánh đã đi một nước cờ khá cao: lập liên minh với Nguyễn Tự để tạo thêm sức mạnh và cùng nhau đi tấn công các “sứ quân” khác theo sách lược “tiên hạ thủ vi cường”.

ĐVSL viết: (năm 1212) “Quan Minh Tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh cùng với Nguyễn Tự hội họp nhau ở bến Triều Đông thề là đến chết vẫn kết giao với nhau mà hết lòng giúp nước, cùng chung dẹp yên cho dân cái họa nhiễu loạn. Rồi chia theo hai bờ con sông lớn, mỗi người tự quản lãnh mọi việc một bên. Từ Thượng Khối đến Na Ngạn, con đường ven theo Bắc Giang và làng ấp ở Lục Lộ thì thuộc về Trần Tự Khánh. Từ Kinh Ngạn đến Ô Diên thì thuộc về Nguyễn Tự. Hẹn nhau đến tháng 3 họp binh đánh người vùng Hồng“.

Thế là “mũi giáo” kề bên hông Tự Khánh đã được quay sang hướng khác. Tại kinh đô, Trần Tự Khánh “ép” (1) vua Huệ Tông phong cho mình tước hầu cho có danh vọng. ĐVSL “Ngày Canh Tuất nhà vua phong Trần Tự Khánh lên tước Hầu với danh hiệu là Chương Thành“. Để mở mang thêm vùng ảnh hưởng, Tự Khánh sai bộ tướng của mình là ” Đinh Khôi đánh Lạng Châu, làm hàng phục được Lạng Châu và cướp các tài vật trong nhà Công chúa Thiên Cực rồi kéo đi” (2) .

Sau đó, “Trần Tự Khánh trở về bến Tế Giang”( ĐVSL). Bến Tế Giang nằm tại huyện Văn Giang, góc tây bắc của tỉnh Hưng Yên trên bờ sông Hồng, phía nam thành Thăng Long. Tự Khánh kéo quân về đây để cản đường tiến về kinh đô của đám Khoái Châu và vùng Hồng. Hơn nữa, Tự Khánh đã có lần mang quân về kinh đô cướp bóc, nhưng đã bị dân chúng tại kinh thành đánh bại phải bỏ chạy. Vì thế Tự Khánh đã cảm thấy là ông ta bị cả triều đình nhà Lý và dân chúng oán ghét, nên kéo đóng quân ở bên ngoài kinh đô, tuy nhiên không quá xa để có thể mang quân vào trong kinh đô bất cứ lúc nào.

Lúc này nhóm liên minh của Trần Tự Khánh là “Nguyễn Tự  đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Võ Cao, bị tên bắn trúng bèn trở về ở ngõ Tây Dương. Hơn một tuần …. khí độc lại phát lên mà chết”(3) (ĐVSL).Nguyễn Tự chết, viên phó tướng là Nguyễn Cuộc lên nắm quyền.

Để dò xét phản ứng của Nguyễn Cuộc, với hy vọng là dùng đám quân kề bên phía tây kinh đô này để chống lại Trần Tự Khánh ở phía nam, “Nhà vua sai người đến vỗ về dân chúng ở đấy” (ĐVSL).  Tuy nhiên Nguyễn Cuộc biết mình không đủ mạnh, sợ Trần Tự Khánh tấn công, nên phải giữ “minh ước” với Trần Tự Khánh. Nguyễn Cuộc giết sứ giả của nhà vua để chứng tỏ Quốc Oai vẫn còn là liên minh với Thuận Lưu, dù Nguyễn Tự đã chết.  Thấy sứ giả mình sai đi bị giết, “nhà vua giận lắm, mới tự làm tướng dẫn quân đi đánh Nguyễn Cuộc ở ngoài thành Tây Dương. Lúc tiến đến ngõ Phổ Hỷ, quan quân nhà vua thua to. Cây bảo kiếm nhà vua dùng cũng mất. Vua phải ra roi giục ngựa mà chạy về đến ngõ Diêu Tắc mới thoát được”. Giận quá mất khôn, vua Huệ Tông đã làm một việc hết sức dại dột và nguy hiểm. Triều đình không còn ai để can ngăn nhà vua hay sao? Hoặc là cử một viên tướng nào thay mình đi đánh đám giặc cỏ này.

Lời bàn của người viết: có lẽ không phải vua Huệ Tông thoát chết, mà nhà vua được Nguyễn Cuộc tha không giết. Vì nếu Nguyễn Cuộc giết vua, Trần Tự Khánh sẽ lợi dụng cơ hội phất cờ chính nghĩa, mang quân sang đánh kẻ thí vua là Nguyễn Cuộc. Dẹp xong Nguyễn Cuộc, với triều đình không vua, Tự Khánh mang quân vào thành và xưng vương, ai dám chống! Hoặc sẽ làm như Tào Tháo thời Tam Quốc bên Trung Hoa, dựng nên một ông vua bù nhìn rồi Tự Khánh sẽ làm tướng quốc, dùng nhà vua để sai khiến mọi người. Nguyễn Cuộc là một người biết tính toán, vì nếu giết vua thì mang tiếng là kẻ thí vua, nếu ông ta không bị Trần Tự Khánh giết thì sẽ cũng sẽ bị mọi người truy lùng và Nguyễn Cuộc sẽ không còn đất dung thân. Trần Tự Khánh cũng đi một nước cờ khá  cao, không giúp nhà vua để đánh Nguyễn Cuộc, vì như thế trái với lời thề của “minh ước Quốc Oai – Thuận Lưu”. Trần Tự Khánh đang chờ “nước đục thả câu”.

Muốn tránh bị Trần Tự Khánh kềm chế, nhà vua tìm cách rời khỏi kinh thành. Tìm lý do để Tự Khánh không nghi ngờ, ” Nhà vua cùng Thái hậu đi thăm chơi nhà viên quan trong hàng Đại Liêu ban ở Đông Ngạn là Đỗ Thưởng” (4) (ĐVSL). Vừa tới nhà ông quan này, “nhà vua lại sắp muốn đi Lạng Châu“.  Đâu có thể để cho “con mồi ” chạy trốn dễ dàng,  “Trần Tự Khánh …dẫn quân đến kinh sư và sai các viên tướng của y là bọn Lại Linh, Phan Lân đem binh đến nhà của Thưởng để đón xa giá nhà vua về kinh. Nhà vua vừa sợ vừa nghi ngờ, đêm đó nhà vua đi Lạng Châu. Bọn Lại Linh và Phan Lân nắm cương ngựa, cúi đầu xin nhà vua ở lại, vua mới thôi. Ngày hôm sau Chương Thành hầu là Trần Tự Khánh đóng quân ở bến Đông Ngạn đón vua” (ĐVSL). Thế là cả thái hậu và nhà vua lại nằm trong tay Tự Khánh. Kéo quân về kinh thành, đóng ở Hạc Kiều, Trần Tự Khánh ép nhà vua “ra lệnh cho trăm quan văn võ đều phải nghe mệnh ở Chương Thành hầu (Trần Tự Khánh – NV)” (ĐVSL). Tại kinh thành, vẫn có những quan lại nhà Lý như Doãn Tín Dực tìm chống lạì Trần Tự Khánh, việc bại lộ, Doãn Tín Dực bị đã bị bắt. Để tìm cách bắt Doãn Tín Dực, Trần Tự Khánh không ra tay trực tiếp, mà  “ném đá dấu tay”, ông ta được em của thái hậu (5) là “Đàm Kinh Bang đem những tội trạng của quan Nội minh tự là Doãn Tín Dực trình bày với Trần Tự Khánh” (ĐVSL). Trần Tự Khánh tức khắc  ngấm ngầm thi hành mưu mô, ” sai quan Điện tiền Chỉ huy sứ là Nguyễn Ngạnh đem các quan chức đô (quan võ) vào trong cung cấm hô to lên rằng: “Doãn Tín Dực a dua nịnh hót theo ý của chúa thượng, làm rối loạn việc cai trị quốc gia, ra vào nơi cung cấm không rõ danh phận. Tôi xin trừ bỏ đi, chớ để những lời khen chê bàn tán” . Tự Khánh bắt Doãn Tín Dực, mang về Mỹ Lộc, Nam Định là căn cứ địa của họ Trần để giam ông này.

Thái hậu, mẹ vua Huệ Tông cũng tìm cách để triệt hạ Trần Tự Khánh, ” Thái hậu ngầm sai tên Tiểu thị vệ Hỏa đầu là Vương Thường đi mời viên tướng đạo Phù Liệt (6) và (7) Phan Thế về. Bọn Ngô Nãi ở đạo Bắc Giang ước hẹn với nhau đến ngày Giáp dần tháng ấy thì cùng phát binh đánh lén Trần Tự Khánh. Ngày Giáp dần bọn Vương Thường và Phan Thế tiến đánh úp quân của Trần Tự Khánh ở ngoài cửa Đại Hưng(8)và muốn nhân đó vào hậu cung bắt người mẹ là Tô thị (9). Phạm Thị (10)biết được cái mưu ấy bèn ngầm đem Tô thị leo qua thành rồi lên ghe mà đi trốn. Lúc bấy giò trong quân không có phòng bị nên vừa thấy quân của Vương Thường và Phạn Thế mới đến là đều thua chạy. Trần Tự Khánh ở tại bến Đại Thông không hay biết gì cả”.

Vậy là quân Phan Thế thắng được một đám quân của Trần Tự Khánh, tuy nhiên chưa trực chiến với Tự Khánh. Không thấy ĐVSL nói về tình trạng của đạo Bắc Giang dù đạo quân này đã ước hẹn để cùng đánh Tự Khánh. “Giận cá chém thớt”, “Trần Tự Khánh dẫn quân vào cung cấm đốt cầu Ngoạn Thiềm rồi kéo về bến Đại Thông” (ĐVSL).  Trần Tự Khánh nghi ngờ Nguyễn Nộn (lúc này đang ở Bắc Giang) có liên quan đến việc này, bèn tìm cách lừa để bắt Nộn, “Trần Tự Khánh sai người sang Bắc Giang mời viên tướng của y là Nguyễn Nộn về. Nguyễn Nộn về đến nơi, Trần Tự Khánh dùng dây thép trói lại năm vòng” (ĐVSL) (11) và giam Nguyễn Nộn từ tháng giêng tới tháng 9. Sau đó Tự Khánh thấy Nguyễn Nộn có tài nên dùng ông này làm tướng dưới quyền.

Không chịu được sự áp bức của Trần Tự Khánh, vua Huệ Tông ngầm sai Đàm Dĩ Mông, Đoàn Thượng và “nhà vua tự làm tướng đi đánh Trần Tự Khánh ở Mễ Sở” (12) (ĐVSL).Tuy nhiên không thấy ĐVSL nói về kết quả sự kiện này, có lẽ Trần Tự Khánh đã biết được sự việc, nên đề phòng và chuyện tấn công phải huỷ bỏ. Sau đó “Trần Tự Khánh đánh châu Quốc Oai, châu này phải hàng” (ĐVSL). Thấy nhà vua và thái hậu luôn tìm cách để triệt hạ mình, Trần Tự Khánh thả Doãn Tín Dực là người mà Tự Khánh đang cầm tù ở Mỹ Lộc,  đồng thời hối lộ nhiều tiền của cho ông này để ông này tâu với nhà vua là ông ta vẫn trung thành với nhà vua. Doãn Tín Dực tâu với nhà vua ngược lại với điều Tự Khánh nhờ vả: Trần Tự Khánh muốn cướp ngôi vua (13). Sau việc này, nhà vua phong chức Thái phó và tước Hầu cho Đoàn Tín Dực, rồi sai Đàm Dĩ Mông đốc xuất quân đánh Trần Tự Khánh.

Từ lúc thái hậu và nhà vua nghe lời tâu của Đoàn Tín Dực thì càng oán ghét Tự Khánh hơn. Ghét anh thì ghét luôn cả em, em gái của Trần Tự Khánh là Thuận Trinh phu nhân, vợ vua Huệ Tông. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) viết như  sau: “Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lạiThái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nửa và không lúc nào cho rời bên cạnh.”

Kịch chiến tại thành Thăng Long

Trần Tự Khánh biết nhà vua và thái hậu nhất định tìm cách triệt hạ mình, và biết em gái mình đang bị thái hậu tìm cách giết hại, ông ta tính chuyện đánh kinh sư. Lúc này triều đình có được đám quân của Đàm Dĩ Mông, và quân ở Bắc Giang cùng với vùng Hồng kéo về trợ lực, nên đã có một lực lượng tương đối mạnh. Nếu Trần Tự Khánh muốn đánh kinh thành, ông ta phải có một lực lượng tương đương hay mạnh hơn quân triều đình. Lúc kéo quân về Thăng Long, Tự Khánh có ba tướng dưới quyền là Đinh Khôi,  Lại Linh, Phan Lân và sau đó nhận thêm Nguyễn Nộn làm tướng. Tuy nhiên Đinh Khôi  bị đạo quân ở Nam Sách tấn công và đánh bại, sau đó có lẽ sợ Trần Tự Khánh trừng phạt nên Đinh Khôi phản lại ông này. Tự Khánh bắt được và giết chết Đinh Khôi.

Muốn tấn công kinh thành, nhưng thấy mình không đủ quân cũng như tướng, Trần Tự Khánh mang gần như toàn bộ lực lượng của họ Trần ở Thiên Trường về kinh thành để chuẩn bị t ấn công. “Trần Tự Khánh chia quân ra làm hai đạo là thủy quân và lục quân.. Sai Phan Lân và Nguyễn Nộn đem binh ở Quốc Oai theo con đường Bình Nhạc tiến đánh theo Lục Lộ. Trần Tự Khánh tự lãnh binh thuyền đóng ở sông Tha Mạc (14)(còn đọc là Đà Mạc- ND). Thái Tổ (Trần Thừa –NV) ta và Trần Tự Khánh đánh mặt hữu ngạn sông Lô (15). Trần Thủ Độ (16), Trần Hiến Sâm và Nguyễn Ngạnh đánh mặt tả ngạn sông Lô. Vương Lê, Nguyễn Cải đánh cầu Nổi thuộc bến Triều Đông” (ĐVSL). Vậy là Thăng Long bị  bộ binh của Phan Lân và Nguyễn Nộn tấn công phía tây. Đạo thủy quân thứ nhất do Trần Tự Khánh và Trần Thừa (anh của Tự Khánh) tiến đánh phía nam. Đạo thủy quân thứ hai do Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm và Nguyễn Ngạnh đánh phía đông kinh thành. Đạo thủy quân thứ ba do Vương Lê và Nguyễn Cải đánh phía tây bắc. Gần như tứ phía của thành Thăng Long bị quân họ Trần giáp công,

Phía tây bắc Thăng Long, ” Nhà vua tự làm tướng đi đánh Trần Tự Khánh. Gặp lúc có sương mù lớn, trời đất đen tối, người ở trong thuyền không phân biệt được nhau. Nhà vua tiến quân đến Mễ Sở thì gặp quân của Vương Lê và Nguyễn Cải đánh trống reo hò để làm núng lòng quan quân của nhà vua. Rồi quân nhà vua tự nhiên tan vỡ. Quân sĩ đều phải bỏ thuyền, lên bộ mà chạy” (ĐVSL). Đạo thủy binh do chính nhà vua làm chủ tướng không đánh mà tan. Vua Huệ Tông thoát được, nhưng thuyền rồng của nhà vua bị Vương Lê và Nguyễn Cải bắt giữ.

Phía nam Trần Thừa kéo quân đến bến An Duyên, ” thì gặp (tướng quân phía nhà vua) Đàm Dĩ Mông và An Nhân Vương (17) lãnh đạo Bắc Giang. Các đạo quân kéo lại, đều đem hết những lính tinh nhuệ ra nghinh chiến. Quân hai bên đều tổn hại” (ĐVSL). Theo như ĐVSL viết thì trận chiến giữa Trần Thừa và đạo quân Bắc Giang là trận lớn nhất, trận này Đàm Dĩ Mông và đạo Bắc Giang bị họ Trần đánh bại.

Phía đông kinh thành, quân họ Trần thắng rất nhanh, ” Bọn Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm (đánh mặt tả ngạn sông Lô- ND) nhân vì thắng trận mới tiến đến đánh bến Từ Đông, lại thắng nữa” (ĐVSL). Trần Thủ Độ là người mà sau này đã ép nhà Lý nhường ngôi cho họ Trần là Trần Cảnh, ông này nổi tiếng trong sử sách là người có nhiều thủ đoạn. Lúc này Thủ  Độ mới được 20 tuổi và đã tỏ ra là một vị tướng xuất sắc.

Phía tây của Thăng Long là trận chiến giữa tướng của Tự Khánh là Phan Lân với người ở vùng Hồng, ” Bọn Phan Lân nhân khi đến chợ Dừa, gặp tướng vùng Hồng là Đoàn Cẩm, Võ Hốt đều bị thua phải chạy, vượt sông qua Phù Kiều  thuộc bến (Triều) Đông mà về” (ĐVSL). Theo như đoạn văn trên trong ĐVSL thì người viết nghĩ là Phan Lân đã bị thua trận và bỏ chạy về lại với Trần tự Khánh. Không thấy ĐVSL nói về Nguyễn Nộn, tuy nhiên vì Nguyễn Nộn mới được Trần Tự Khánh nhận làm tướng nên có lẽ ông ta bị đặt dưới quyền của Phan Lân trong trận đánh này.

Thế là bao nhiêu hy vọng và cố gắng của vua Huệ Tông để diệt Trần Tự Khánh đều xuôi theo dòng nước. ” Lúc bấy giờ, nhà vua ở trại Trà Đình nghe các đại quân đều thua to mới sợ mà sai đưa xa giá vào trong cung cấm để đón Thái hậu lên thuyền muốn chạy sang Lạng Châu”(ĐVSL) . Tuy thắng trận nhưng Trần Tự Khánh vẫn chưa bắt được thái hậu và vua Huệ Tông, ông ta vẫn còn lo lắng cho sinh mạng của cô em gái. Nhà vua cùng Đàm thái hậu bôn đào qua Thiên Đức Bắc Ninh. Thấy vua muốn đi Lạng châu, Đàm Dĩ Mông can ngăn và muốn dùng lực lượng vùng Hồng của họ Đoàn để chống lại Trần Tự Khánh. “Đàm Dĩ Mông triệu người vùng Hồng. Người vùng Hồng không đến” (ĐVSL). Nhà vua và thái hậu lên đường đi Lạng châu.

Thăng Long lúc này hoàn toàn nằm trong tay họ Trần. Để đề phòng các đạo Bắc Giang và vùng Hồng tấn công, Trần Tự Khánh “Sai tướng soái đi vỗ về các đạo để tập hợp nên các đội binh mới“( ĐVSL), bổ sung những thất thoát vì thương vong trong trận chiến vừa qua, và chia các tướng của ông ta trấn giữ các nơi như sau:

Lại Linh giữ Nghĩa Trụ, Phan Lân giữ Siêu Loại (Bắc Ninh- NV), Nguyễn Nộn giữ Bắc Giang, Trần Thủ Độ giữ Lạng Ải. Trên đường đi Lạng Ải, “Trần Thủ Độ gặp binh của người Hồng là Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi và Đoàn Khả Như mới cùng nhau giao chiến. Người ở vùng Hồng thua chạy về Bắc” (ĐVSL). Trần Thủ Độ đã giao chiến với những thủ lãnh vùng Hồng nhiều kinh nghiệm về trận mạc là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi và Trần Thủ Độ đã chiến thắng, chứng tỏ Trần Thủ Độ là một vị tướng có tài.

Nhà vua nghe Nguyễn Nộn giữ Bắc Giang bèn sai An Thiết tướng là Thân Trường, Thân Cải v.v… đem quân chống cự lại ở cánh đồng Nhuế Duệ. Nhưng tất cả đều bị Nguyễn Nộn giết chết. Nhà vua mới cùng với Thái hậu chạy đi ngụ tại nhà Quan nội hầu là Vương Thượng (18) ở Châu Lạng” (ĐVSL).

(Còn tiếp)

1. Người viết đã dùng chữ ” ép” dù ĐVSL không viết thế. Lý do là Đàm thái hậu vì việc Tự Khánh kéo quân về kinh thành mà giết ba người em của vua Huệ Tông, nếu vậy thì làm sao  mà nhà vua  có thể phong tước cho Tự Khánh nếu không bị bắt buộc!

2. Có lẽ Trần Tự Khánh muốn trả mối thù về việc ông cậu của mình là Tô Trung Từ  bị chết về tay vợ chồng công chúa Thiên Cực và Vương Thượng (đã trình bày trong phần trước)

3. Theo dịch giả thì ” Tây Dương là khu Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay“.

4. Theo dịch giả “ Đông Ngạn nay thuộc Bắc Giang”

5. Người đã được Tự Khánh  ra làm con cờ từ trước ” Cho người em (trai) của Thái hậu là Đàm Kinh Bang tham dự vào triều” (ĐVSL).

6. Theo như  ghi chú số 9, trang 25 trong ĐVSL, thì Phù Liệt là huyện Thanh Trì, Hà Đông (Nv: phía nam Hà Nội ngày nay)

7. Người viết nghĩ đây là chữ  “là” chứ không phải chữ  “”. Phù Liệt là tên vùng, Phan Thế là tên người

8. Theo như  ghi chú số 1, trang 66 trong ĐVSL, thì cửa Đại Hưng là cửa Nam của Hà Nội.

9. Dịch giả viết chú thích như sau: “ Tô thị phải chăng đây là Tô thị, con gái Tô Trung từ và là vợ của Nguyễn Ma La. Nguyên trước kia Ma La bị Nguyễn Trinh giết để cướp Tô thị. Trinh lại bị Tô thị mưu giết”. Người viết không nghĩ như thế, mà nghĩ rằng bà họ Tô được nói đến ở đây là mẹ cuả Trần Tự Khánh, chị ruột của Tô Trung Từ.

10. Người viết chưa tra cứu được “Phạm Thị” là ai.

11. Theo như ghi chú của người dịch: “Sách “Việt sử tiêu án” chép, Nguyễn Nộn nguyên là cư sĩ ở chùa Phù Đổng, bắt được vàng và ngọc bích không dâng vua nên có chiếu bắt. Tự Khánh lấy cớ Nộn đương mạnh muốn dùng lực lượng của y, tâu xin tha cho Nộn, cho tòng quân đánh giặc chuộc tội”.

12. Theo như  ghi chú số 3, trang 97 trong ĐVSL, thì Mễ Sở thuộc huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây ngày nay, phía tây Thăng Long

13. Lời tâu của Doãn Tín Dực về Trần Tự Khánh không oan

14. Theo như  ghi chú số 4, trang 91 trong ĐVSL: Đà Mạc hay Tha Mạc, nay là vùng Khoái Châu Hưng Yên

15. Sông Lô là tên gọi  sông Hồng từ trước thời Hậu Lê

16. Nhân vật  này bắt đầu xuất hiện , Trần Thủ Độ lúc này (1213) 20 tuổi (chết năm 1264, thọ 71 tuổi). Vậy Trần Thủ Độ sinh năm 1193.

17. Người viết chưa tra cứu được An Nhân Vương là ai, họ hàng như thế nào với vua Huệ Tông. ĐVSKTT ghi lại tên hai người con trai của vua Cao Tông là thái tử  Sảm và hoàng tử Thầm, con trai vua Anh Tông thì chỉ có tên của hai người được ghi lại là Long Xưởng và Long Trát (Cao Tông). Tuy nhiên ĐVSL đưa ra khá nhiều tên các vị Vương nhà Lý như  Hiển Tín Vương Lý Bát (ĐVSL gọi là Nguyễn  Bát), Huệ Văn Vương (con vua Anh Tông, chú vua Huệ Tông), Nghĩa Tín Vương, Nhân Quốc Vương (Nhân Quốc Vươ ng cùng với hai người con trai thứ sáu và thứ bảy của vua Cao Tông  bị Đàm thái hậu giết).

18. Vương Thượng là chồng của công chúa Thiên Cực. Ông này đã giết Tô Trung Từ là cậu của Trần Tự Khánh.

0