18/06/2018, 16:56

Nguyễn Phi Khanh- Nhà Nho khoáng dật, sầu muộn và lỡ thời

Lê Tư Nguyễn Phi Khanh (1355 – 1428?) quê thôn Chi Ngại (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương nay), trú làng Nhị Khê (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội nay). Dưới triều Trần, Phi Khanh tên Ứng Long. Thời trẻ, Ứng Long là lại viên thuộc Tam quán Kiều tài, đồng thời dạy kèm con gái tướng ...

nguyen-phi-khanh.jpg

Lê Tư

Nguyễn Phi Khanh (1355 – 1428?) quê thôn Chi Ngại (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương nay), trú làng Nhị Khê (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội nay). Dưới triều Trần, Phi Khanh tên Ứng Long. Thời trẻ, Ứng Long là lại viên thuộc Tam quán Kiều tài, đồng thời dạy kèm con gái tướng quốc Trần Nguyên Đán tên Trần Thị Thái. Bà Thái sau trở thành vợ Ông.

Ông sinh hoạt tài tử từ thuở thanh niên, vụng về khiến học trò có bầu rồi bỏ trốn, phiền nhạc phụ tương lai phải chấp nhận cuộc tình sôi nổi. Theo sử cũ, vì xuất thân bình dân lấy vợ quý tộc nên dù đậu Tiến sĩ, Ứng Long bị Thượng hoàng Nghệ Tông ghét bỏ, không dùng. Thực tế, Ông bị từ chối bổ nhiệm tương xứng trình độ Tiến sĩ nhưng vẫn làm việc cho triều đình. Các bài “Tự Thiên Trường phủ phiêu quá hải khẩu ngộ phong”, Từ phủ Thiên Trường đi qua cửa biển gặp gió, “Tạ Băng Hồ tướng công tứ mã”, Cảm ơn tướng công Băng Hồ cho ngựa, đều hãnh diện nói đến việc chầu vua. Rõ nhất là bài thơ của Trần Nguyên Đán tựa đề “Ký tặng Nhị Khê Kiểm chính (a) Nguyễn Ứng Long”, Viết tặng quan Kiểm chính người Nhị Khê Nguyễn Ứng Long, gọi Ông là Tử Vi lang, tức thuộc liêu tòa Trung Thư. Xét nghĩa, “Kiểm chính” gần giống “Thanh tra” ngày nay, có nhiệm vụ thông báo, hướng dẫn và nắm tình hình thực hiện mệnh lệnh triều đình. Tuy chức chưa cao, Ứng Long vẫn có dịp trực tiếp gặp vua, tức địa vị không kém cỏi lắm.

(a) Chúng ta biết rõ một công việc của Kiểm chính tòa Trung Thư qua câu văn miêu tả nghi thức hội thề năm 1227 như sau: “…Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: ‘làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết’. Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền….” (Toàn Thư II, 10)

Nguyên văn: 各具隊仗騶從出城西門至銅皷山神祠會盟歃血中書檢正宣誓書云為

臣盡忠居官清白有渝此盟神明殛之宣訖宰相點閘(音鴨)閉門也百官欠者罰錢五鏹 (Toàn Thư IV, 169)

Các cụ toại trượng sô tụng xuất thành tây môn chí đồng cổ sơn thần từ hội minh sáp huyết trung thư kiểm chính tuyên thệ thư vân vi thần tận trung cư quan thanh bạch hữu du thử minh thần minh cức chi tuyên ngật tể tướng điểm hạp (âm áp) bế môn dã bách quan khiếm giả phạt tiền ngũ cưỡng.

Khoa Tiến sĩ năm Long Khánh thứ II (1374), Ông không dành ngôi vị Bảng nhãn như tương truyền, chỉ đỗ Tiến sĩ bình thường. Theo Toàn Thư, Bảng nhãn khoa này là Lê Hiến Phủ.

Như vậy, do Thượng hoàng không phân nhiệm Ứng Long theo học vị, Tướng quốc đã đưa Ông vào làm việc dưới quyền trực tiếp của mình. Nguyên Đán từng nhiều lần đề bạt con rể vào chức vụ cao hơn nhưng thất bại. Ứng Long trải nhiều thất vọng, phải xin cha vợ để Ông an phận “quan lang bạc đầu”. Bất bình với Nghệ tông về vấn đề này còn dấu vết trong bài thơ Nguyên Đán thù tạc với con rể nhân một dịp tết Trùng cửu.

Do trường hợp quá đặc biệt, Ứng Long trở nên khó thích nghi với hoàn cảnh. Qua sáng tác của chính Ông, ngoài nguyên nhân bệnh tật phải “thôn cư” để điều dưỡng, chúng ta thấy vị Tiến sĩ lạc thời tạm rời hay ngừng chức vụ do từ nhiệm hay bị bãi truất không phải chỉ một lần.

Trong những dịp về quê sinh sống, hay bị buộc phải về quê, Ứng Long chỉ dạy con hoặc tiểu đồng, Ông hoàn toàn chẳng đề cập việc mở trường.

Hoạn lộ của Ứng Long rất trúc trắc. Ông có chuỗi tác phẩm mô tả chuyến công cán đến Trường An (Ninh Bình nay), trong đó thể hiện tâm lý người bị lãnh đạm được gọi ra làm việc. Lần khác, Ứng Long chán nản thị phi muốn bỏ cuộc, cha vợ phải gửi thơ khích lệ. Khoảng thời gian quan Tư đồ lui nghỉ (1385), Ứng Long có một số tác phẩm tả cảnh thung dung nhàn hạ nơi thôn dã. Nhiều khả năng, Ông xin tạm hưu trong thời điểm này.

Mọi việc hanh thông hơn khi ảnh hưởng Hồ Quý Ly tăng tiến trong triều đình. Ứng Long từng dùng thơ tiễn sứ giả sang Đại Minh 3 lần: lần đầu có thể sau thi đỗ ít lâu, lần kế khó xác định thời điểm, lần thứ 3 đặc biệt để lại ghi nhận chính xác trong Minh Thực lục. Quyển sử này chép Thái trung Đại phu Lê Tông Triệt đại diện vua An Nam dâng voi vào ngày 8/6/1395. Hầu như chắc chắn nhân vật họ Lê là đối tượng của bài “Tống Thái trung Đại phu Lê Dung Trai bắc hành”, Tiễn Thái trung Đại phu Lê Dung Trai đi sứ phương Bắc. Có vẻ Ông tham gia tích cực vào việc giao dịch giữa An Nam và Đại Minh trong thời điểm khó khăn nhất. Đỉnh điểm là chính Ông, với chức Thiếu trung Đại phu, xuất hiện tại triều đình Nam Kinh ngày 19/3/1396 dâng sản vật địa phương. Mục đích chuyến đi dường như để báo tin Nghệ tông qua đời vì sau đó 4 ngày, Minh Thực lục chép việc vua Minh từ chối phúng điếu do Nghệ tông từng giết vua hợp pháp là Nhật Lễ. Nhà Minh cấm An Nam triều cống từ ngày 1/6/1393 với lý do Phế đế Trần Hiện bị sát hại vô cớ. Đế Hiện mất từ 1388, có thể vua Minh chỉ quyết định cấm triều cống sau khi thẩm tra đầy đủ thông tin về sự kiện. Từ thời điểm đó, dĩ nhiên sứ thần Đại Việt không còn được đưa đón đúng nghi thức, dù chỉ nghi thức ngoại giao Thiên triều – Chư hầu. Vua Minh duy trì việc bang giao ở mức tối thiểu. Phái bộ Đại Việt có lần phải lẻn qua ngõ Quảng Đông đến Kim Lăng vì Quảng Tây được lệnh từ chối tiếp sứ thần.

Triều cống trong hoàn cảnh vô vọng là lý do giải thích vì sao Ứng Long không làm được tập thơ “hoàng hoa” như nhiều danh nho khác. Đối xử lạnh nhạt từ thượng quốc hằn dấu ấn trên vài thi phẩm mà chúng ta sẽ cố gắng nhận dạng, phân tích trong phần thơ đi sứ.

Sau chuyến đi, Ứng Long chỉ giữ chức quan nhàn cho đến khi thay đổi triều đại.

Năm 1400, họ Hồ tiếm ngôi. Năm 1401, Ứng Long nhận chức Hàn lâm Học sĩ với tên mới Phi Khanh. Ông đầu hàng Trương Phụ năm 1407 khi đương nhiệm Đại Lý Tự khanh, được đưa về Tàu. Thời gian tiếp theo, tông tích Ông mờ ảo, có thuyết cho rằng Ông qua đời bên Trung quốc, có thuyết nói Ông trở về rồi mất ở quê nhà.

Tiểu sử Nguyễn Phi Khanh trước nay được viết đơn giản, phảng phất vẻ bi tráng. Thực ra, chỉ cần đọc kỹ thơ Ông, thơ cha vợ Ông cùng các sách lịch sử phổ biến từ lâu, chúng ta sẽ phát hiện nhiều điều rất khác. Cuộc đời Phi Khanh phức tạp hơn những gì được hình dung bởi thế kỷ XX. Ông kinh qua cuộc sống gần như triền miên trầm cảm, vinh ít nhục nhiều. Phi Khanh được “may mắn” riêng do người Việt Nam hiện đại, cuồng nhiệt khái niệm quốc gia – dân tộc mới mẻ, đã kiến tạo cuộc đời khác cho Ông.

QUAN LANG NGUYỄN ỨNG LONG

Theo Toàn Thư, vào năm Giáp Dần (1374): “[Tổ chức] thi Đình cho các Tiến sĩ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ thám hoa, bọn La Tu đỗ hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Tất cả đều được ban yến và áo xếp, cho quan chức theo thứ bậc khác nhau. Dẫn ba vị đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày. Theo lệ cũ: thái học sinh 7 năm thi một lần, chỉ lấy 30 người thôi. Thi trạng nguyên thì không có lệ định sẵn. Nhưng thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và người có tước phẩm đều được vào thi cả.” (Toàn thư II, 168) (a)

Xét bổ nhiệm tân khoa, Thượng hoàng kết luận trường hợp Ứng Long và người em cọc chèo Hán Anh như sau:

“Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng, bỏ không dùng”. (Toàn thư II, 183) (b)

(a) Nguyên văn: 廷試進士賜状元陶師錫榜眼黎献甫探花陳廷琛黄甲及第同及第

羅修等並賜宴袞衣出身有差引三魁遊街三日故事太學生七年一試取三十人而以状元試無定例然三舘属官太學生侍臣學生相府學生及有爵者皆得入試 (Toàn Thư IV, 244-245)

Đình thí tiến sĩ tứ Trạng nguyên Đào Sư Tích Bảng nhãn Lê Hiến Phủ Thám hoa Trần Đình Thám Hoàng giáp cập đệ đồng cập đệ La Tu đẳng tịnh tứ yến cổn y xuất thân hữu sai dẫn tam khôi du nhai tam nhật cố sự Thái học sinh thất niên nhất thí thủ tam thập nhân nhi dĩ Trạng nguyên thí vô định lệ nhiên Tam quán thuộc quan Thái học sinh Thị thần học sinh Tướng phủ học sinh cập hữu tước giả giai đắc nhập thí.

(b) Nguyên văn: 他有富貴之妻以下犯上廢不用 (Toàn Thư IV, 251)
Tha hữu phú quý chi thê dĩ hạ phạm thượng phế bất dụng.

Qua bài “Thu trung bệnh”, Lâm bệnh vào mùa thu, Ứng Long diễn tả thất vọng ê chề trước quyết định của Nghệ tông:

秋中病

蕭蕭風動轉凄清,
天地初秋客子情。
隆慶二年新進士,
翹才三館舊書生。
少年敢負韓中獻,
多病還憐馬長卿。
萬事背人霄漸永,
貯愁攲臥數殘更。

Thu trung bệnh

Tiêu tiêu phong động chuyển thê thanh,
Thiên địa sơ thu khách tử tình.
Long khánh nhị niên tân tiến sĩ,
Kiều tài tam quán cựu thư sinh.
Thiếu niên cảm phụ Hàn Trung Hiến (a),
Đa bệnh hoàn liên Mã Trưởng Khanh (b).
Vạn sự bội nhân tiêu tiệm vĩnh,
Trữ sầu khi ngọa sổ tàn canh.

(a) Hàn Kỳ (960 – 1127), tể tướng nhà Bắc Tống, hay làm việc thiện và khuyến khích mọi người hướng thiện. Ở đây chỉ Trần Nguyên Đán.

(b) Mã Trưởng Khanh (179 TCN – 117 TCN), tức Tư Mã Tương Như, người tài hoa nhờ ngón đàn điêu luyện nên gạ được nàng Trác Văn Quân bỏ nhà đi theo. Về sau, mối tình được bên vợ công nhận và giúp đỡ. Ông bị bệnh tiêu khát, tức tiểu đường.

Lâm bệnh vào mùa thu

Gió bắt đầu vi vu chuyển hơi mát lạnh,
Trời đất chớm thu gợi tình nơi đất khách.
Người Tiến sĩ mới đỗ năm Long Khánh thứ hai,
Vốn là học trò cũ nơi Tam quán Kiều Tài.
Thân trẻ trung đâu dám phụ lòng Hàn Trung Hiến,
Nhiều bệnh thêm thương Mã Trưởng Khanh.
Mọi chuyện đều trái ý, đêm dài thêm mãi,
Mối buồn chất chứa, trằn trọc đếm mấy canh tàn.

Ông tiết lộ thân phận thuộc lại Tam quán lúc thi đỗ. Như vậy, Ứng Long tham gia hệ thống vương quyền từ trước khi dự thi.

Đây là khoa thi Thái Học sinh lần đầu tiên chuyển danh xưng thành Tiến sĩ, do Thượng Hoàng Nghệ Tông tổ chức tại cung Thiên Trường (nay thuộc Nam Định). Triều đình thực hiện khảo thí đồng bộ với hàng loạt công việc qui mô khác như quyên thóc, thi lại viên, tu sửa thuyền chiến, tuyển đinh, đào kênh ở Thanh Nghệ, chọn võ quan…. Tất cả đều hướng về chiến dịch trừng phạt Chiêm Thành.

Bị từ chối bổ dụng, Ứng Long đã phụ lòng mong mỏi của nhạc phụ dù tai vạ xảy ra ngoài cả ý muốn lẫn khả năng vượt qua của Ông. Lúc này, nhà thơ mới 19 tuổi. Hành động của Thượng hoàng vô tình biến Ứng Long thành một người bi quan, thiếu tự tin: cá tính khiến Ông gặp nhiều trở ngại trên đường đời.

Thất vọng dần biến thành uất ức lẫn so bì não nuột:

秋日曉起有感

殘夢疏疏醒曉鍾,
日含秋影射窗櫳。
客懷擁枕欹眠後,
心事焚香兀坐中。
庭外掃愁看落葉,
天邊灑淚數征鴻。
嗚呼世道何如我?
三撫遺編賦大東。

thu nhật hiểu khởi hữu cảm

Tàn mộng sơ sơ tỉnh hiểu chung,
Nhật hàm thu ảnh xạ song lung.
Khách hoài ủng chẩm y miên hậu,
Tâm sự phần hương ngột tọa trung.
Đình ngoại tảo sầu khan lạc diệp,
Thiên biên sái lệ sổ chinh hồng.
Ô hô thế đạo hà như ngã?
Tam phủ di biên phú Đại Đông.

Cảm xúc khi dậy sớm ngày thu

Tiếng chuông sớm rời rạc lay tỉnh mơ tàn,
Mặt trời mùa thu chiếu vào song cửa sổ.
Ôm gối ngủ, khi thức dậy chỉ còn nỗi lòng đất khách dằng dặc,
Thắp nén hương, ngồi lơ mơ với bầu tâm sự.
Muốn quét sầu, xem lá rụng ngoài sân,
Rơi lệ, đếm hồng hộc bay đến cuối trời.
Ô hô! Đường đời như vậy, ta biết làm sao?
Ba lần vuốt sách cũ ngâm thơ Đại Đông!

Ông ngâm Đại Đông làm gì? Thường thi gia dùng điển này than thở đời loạn. Ứng Long uể oải dậy trễ, đốt trầm, ngâm thơ… xem ra cảnh nhàn hạ thái bình. Dạ sầu, lá rụng, chim bay mỏi… vắng hẳn tiếng động chiến tranh. Đại Đông đúng là nói về cuộc chiến giữa nước Chu với các vương quốc phương Đông, tuy nhiên, có lẽ đoạn thơ sau đây mới là quan tâm chính, nó chia sẻ nỗi niềm với kẻ sinh nghịch thời.

東人之子,職勞不來。
西人之子,粲粲衣服。
舟人之子,熊羆是裘。
私人之子,百僚是試。
Đông nhân chi tử, chức lao bất lại.

Tây nhân chi tử, xán xán y phục.

Chu nhân chi tử, hùng bi thị cầu.

Tư nhân chi tử, bách liêu thị thí.

Con nhà phía đông, việc nặng không ai an ủi.
Con nhà phía tây, trang phục rực rỡ.
Con nhà chèo thuyền, mặc áo cừu bằng da gấu lớn gấu nhỏ.
Con nhà gia thần, được dùng làm bách quan.

(Trích Đại Đông, Tiểu Mân chi thập, Tiểu Nhã)

Ông nhập thân vào con nhà phía đông. Nỗi buồn đạo mạo nho gia đến câu 8 chuyển thành tính hờn dỗi của cậu bé chưa hoàn toàn trưởng thành. Nhấn mạnh thiệt thòi bản thân, Ứng Long cung cấp thêm nguyên nhân giả định khác làm cơ sở cho thái độ Thượng hoàng: Ông thuộc trường phái nho học vùng Hải đông quá “Bắc hướng”.

Số phận Hán Anh không khá hơn. Ứng Long tiễn Thái học sinh Hán Anh đi Hồng châu, nghĩa là, vị Tiến sĩ mới chưa có chức vụ gì, phải về quê chờ thời:

送太學生阮漢英歸洪州

燈前昨夜話匆匆,
馬首今朝跨曉風。
望眼但懸天闕北,
歸心寧住水溪東。
槐庭月白憐棲鵲,
蘆岸秋高惜別鴻。
稻雪橙香村釀熟,
塵埃嗟我絆孤蹤。

Tống Thái học sinh Nguyễn Hán Anh

quy Hồng Châu

Đăng tiền tạc dạ thoại thông thông,
Mã thủ kim triêu khoá hiểu phong.
Vọng nhãn đãn huyền thiên khuyết bắc,
Qui tâm ninh trú thuỷ khê đông.
Hoè đình nguyệt bạch lân thê thước,
Lô ngạn thu cao tích biệt hồng.
Đạo tuyết tranh hương thôn nhưỡng thục,
Trần ai ta ngã bạn cô tung.

Tiễn Thái học sinh Nguyễn Hán Anh về Hồng Châu

Đêm qua còn lật đật chuyện trò dưới ánh đèn,
Sáng nay đã lên ngựa vượt gió sớm.
Mắt trông ngóng chỉ canh cánh nhìn lên cửa khuyết phía bắc.
Lòng muốn về thà gửi nơi khe nước miền đông.
Trăng sáng sân hòe, tội nghiệp chim thước còn đậu,
Trời thu cao trên bờ lau, nhớ cánh hồng biệt dạng.
Nếp trắng tinh, chanh thơm ngát, rượu quê vừa tới,
Thương tôi dấu chân cô độc lấm bụi trần.

Câu 3 thể hiện lòng trông ngóng phân bổ nhiệm vụ từ nhà vua. Nguyên Đán có thể đã giữ Ứng Long lại vì đang tìm cơ hội cho chàng. Thân phận Ứng Long dù sao vẫn dễ chịu hơn tình cảnh người em đồng hao. Tuy vậy, Ông khốn khổ chờ đợi mệnh vua đến nỗi thấy về quê vẫn thích hơn. Câu 5 tội nghiệp chính mình, câu 6 nhớ bạn, nhưng Ông thương thân nhiều hơn thương tri kỷ. Không biết nếp, chanh, rượu có làm dịu lòng Hán Anh? Riêng Ứng Long ca ngợi thú quê mùa nhưng thừa nhận vẫn mong danh vọng.

Cuộc chiến gia nhập quan trường tạo cảm giác như xông trận, Ứng Long tự so mình với chim hồng bay trên quan ải khi nằm chờ việc tại nhà vợ như sau:

秋日遣興

客枕槐亭又塞鴻,
如霜吟鬢欲成蓬。
閉門萬里連朝雨,
過眼三秋落葉風。
世態任他紈扇薄,
閑愁勸我酒杯空。
西窗一枕清眠足,
更詠新詩課小童。

Thu nhật khiển hứng

Khách chẩm hoè đình hựu tái hồng,
Như sương ngâm mấn dục thành bồng.
Bế môn vạn lý liên triêu vũ,
Quá nhãn tam thu lạc diệp phong.
Thế thái nhiệm tha hoàn phiến bạc,
Nhàn sầu khuyến ngã tửu bôi không.
Tây song nhất chẩm thanh miên túc,
Cánh vịnh tân thi khoá tiểu đồng.

Ngày thu gợi cảm hứng

Gối khách nơi đình hòe, lại làm thân chim hồng biên ải,
Tóc mai nhà thơ như sương, muốn rối như cỏ bồng,
Ngoài cửa khép, mưa suốt ngày kéo dài vạn dặm,
Gió thu đưa lá rụng bay qua trước mắt.
Thây kệ người với tình đời mỏng như quạt lụa,
Nỗi buồn không tên xui ta luôn cạn chén.
Nằm bên cửa sổ phía tây, vừa trọn giấc ngủ đầy,
Lại ngâm nga thơ mới dạy chú tiểu đồng.

Bài thơ có gần đủ các yếu tố buồn như “vạn lý”, “lạc diệp”, “thu”, “khách”… trong bài “Đăng cao 登高” của Đỗ Phủ. Khác một điều là Ứng Long luôn cạn chén còn cụ Đỗ không dám đụng đến rượu do bệnh tật.

Ba chữ “phế bất dụng” gãy gọn dẫn người đời sau lầm lạc. Nghệ tông bác bỏ chức vụ xứng đáng cho Ứng Long, nhưng Nguyên Đán vẫn đưa vị Tiến sĩ trẻ vào Trung Thư sảnh, cơ quan đầu não do quan Tư Đồ điều khiển. Theo định chế Hoa Hạ, từ đời Tùy, Nội Sử (tức Trung Thư) chịu trách nhiệm trù hoạch chính sách, soạn thảo văn thư cho hoàng đế; đến đời Nguyên thêm chức năng điều phối quan lại, quản lý hành chánh. Nơi Ứng Long làm việc nhiều khả năng cũng bao gồm các chức năng trên. Mỹ danh như Tử Vi, Ao Phượng Hoàng đều hàm chỉ tòa Trung Thư.

Dĩ nhiên, sử dụng Tiến sĩ phải có chuẩn thuận của vua hay Thượng hoàng. Việc bố trí Ứng Long không dễ dàng. Dường như nhiệm vụ đầu tiên Ông thực hiện sau thời gian chờ đợi là công bố chiếu chỉ hoàng đế đến địa phương. Chàng thanh niên nhà quê, lần đầu đi xa chừng 100km cách kinh đô, lần đầu làm công việc của vị quan nhỏ, rất xúc động vì không bị lãng quên. Dẫu sao, Ông chỉ như cánh chim tập bay. Mới đến rìa đồng bằng sông Hồng đã thấy Ông rơi lệ và gắng gỏi nhiều lắm. Bất kỳ nơi nào ngoài Nhị Khê, chàng trai “hùng tâm tráng chí” đều xem là đất khách. Trích dẫn dưới đây gồm ba bài thơ trình bày diễn tiến chuyến đi đến địa điểm nay thuộc Ninh Bình. Theo nội dung, Ông đang góp phần vào cuộc chiến tranh dằng dai với Chiêm Thành bằng cách thừa mệnh vua đi huy động quân lương.

客路

生世那堪賤丈夫,
離襟忍帶淚痕枯。
日沉建嶺冥投館,
雪霽長州曙戒途。
天地未容斯道捨,
江山肯外此身孤。
明時倘效毫分補,
萬里寧辭我僕痡。

khách lộ

Sinh thế na kham tiện trượng phu,
Ly khâm nhẫn đới lệ ngân khô.
Nhật trầm Kiến Lĩnh minh đầu quán,
Tuyết tễ Trường Châu thự giới đồ.
Thiên địa vị dung tư đạo xả,
Giang sơn khẳng ngoại thử thân cô.
Minh thời thảng hiệu hào phân bổ,
Vạn lý ninh từ ngã bộc phu.

Trên đường nơi xứ khách

Ở đời không kham được tiếng trượng phu hèn,
Đành mang ngấn lệ biệt ly khô trên ngực áo.
Mặt trời chìm sau Kiến Lĩnh, ghé vào quán dịch khi chạng vạng.
Tuyết ngừng rơi trên Trường Châu, chuẩn bị lên đường lúc bình minh.
Trời đất chưa đành vất bỏ đạo này,
Núi sông không nỡ phụ thân cô độc.
Ví dầu chỉ đền đáp đời thịnh bằng công việc nhỏ nhặt,
(Cũng) không dám từ chối hành trình muôn dặm với lý do gã nô bộc đã mệt nhoài.

Địa danh Kiến Lĩnh có lẽ do nghe và chép lầm. Hiện nay, vùng Ninh Bình chỉ có núi Cắm gươm, tức “Kiếm Lĩnh 剑嶺” với sự tích liên quan đến Đinh Tiên hoàng thời trẻ. Quả núi nằm cạnh tuyến đường cổ nối liền Trường Yên và Thăng Long.

Khác với nhà Nho thế hệ trước, như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh hay Lê Quát, nghĩ nhiều về công việc triều đình, Nguyễn Ứng Long quan tâm hơn đến cá nhân. Trong bối cảnh toàn xã hội căng sức đối phó Chiêm Thành, thơ văn Ông phản ánh nỗi lo chung rất chừng mực. Nổi bật là cái tôi bị ruồng rẫy đầy mặc cảm. Khi ngậm ngùi cảm thấy trời đất chưa bỏ “đạo” (a), núi sông không phụ “thân cô”, Ông đã tự ví với Khổng tử và nghiễm nhiên xem mình là người thừa kế “tư văn” của vua Chu. Có thể xem Phi Khanh là cái mốc đầu tiên đánh dấu sự chuyển biến của các văn gia từ con người xã hội thời trung cổ thành con người cá nhân thời cận đại. Nói cách khác, biết chữ và sáng tác không còn là đặc quyền của giai tầng thống trị với cảm hứng cá nhân gắn liền với việc quản trị xã hội hay suy tư tôn giáo, cảm hứng cá nhân của người xuất thân tầng lớp thấp gắn liền với thân phận nổi trôi và ý thức tranh đấu để tồn tại.

(a) 天之未丧斯文也 匡人其如予何 (1)

(Trích Chương 9: Tử Hãn, Quyển 5, Luận Ngữ)

Thiên chi vị táng tư văn dã Khuông nhân kỳ như dư hà?

Nếu trời chưa muốn mất “văn” này, người Khuông làm gì được ta?

Công việc “giao liên hoàng gia” khiến Ứng Long cảm thấy ấm ức. Ông khéo léo diễn đạt tình cảnh “dao mổ trâu giết gà” trong tác phẩm sau:

奉詔長安道中作

武林一帶碧迢迢,
王事寧辭跋涉遙。
山館宿晴煙樹合,
郡庭薄暖雪花消。
武夫感泣觀唐詔,
父老扶藜聽漢朝。
自愧微勞何補報,
願揚皇化憺天驕。

phụng chiếu trường an đạo trung tác

Vũ Lâm nhất đới bích thiều thiều,
Vương sự ninh từ bạt thiệp diêu.
Sơn quán túc tình yên thụ hợp,
Quận đình bạc noãn tuyết hoa tiêu.
Vũ phu cảm khấp quan Đường chiếu,
Phụ lão phù lê thính Hán triều,
Tự quí vi lao hà bổ báo,
Nguyện dương hoàng hóa đảm thiên kiêu.

Thơ làm trên đường đi Trường An theo mệnh vua

Một dải đất Vũ Lâm màu biếc dài thăm thẳm,
Vâng mệnh vua, sao dám từ chối trèo đèo lội suối nơi xa xôi.
Quán dịch trên núi, trời trong sáng, khói tụ nơi vòm lá,
Sân quận lỵ, không khí ấm áp, tuyết tan trên cành hoa.
Binh lính khóc mừng khi thấy chiếu nhà Đường,
Phụ lão chống gậy lê lắng nghe lệnh triều Hán
Tự thẹn vì việc mọn, làm sao báo đáp ơn trên!
Nguyện dương cao giáo hoá của hoàng đế để vỗ yên giặc trời.

Qua hai bài thơ, hai lần Ứng Long than rằng công việc đang làm là bé nhỏ. Sự khiêm cung của Phi Khanh ẩn tàng mặc cảm tự cao dễ nhìn thấy. Ông vẫn ngầm mong nhận nhiệm vụ quan trọng hơn để báo đáp được nhiều hơn.

Vũ Lâm (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là địa điểm từng được các vua Trần sử dụng làm căn cứ chống quân Nguyên xâm lăng lần thứ hai. Tại đây có hành cung, bãi tập trận thủy bộ và kho chứa quân nhu. Hoạt động của Ứng Long cho thấy Vũ Lâm vẫn là kho lương của nhà nước vào thời ông. Hiện nay, một khu vực trong cụm di tích vẫn còn mang tên “vườn Kho”.

Ứng Long nhắc đến chiếu nhà Đường, lệnh nhà Hán. Hai điển tích liên quan đến việc vua Đường Đức Tông (780 – 805) trở lại nắm quyền sau loạn Diêu Lệnh Ngôn và vua Quang Vũ (25 – 57) bình định trung nguyên lập nên nhà Đông Hán. Hoàn cảnh gợi ý thời điểm sau biến loạn Nhật Lễ và không cách xa khóa thi Tiến sĩ 1374, có thể khoảng năm 1375 – 1376.

Chuyến đi khiến chàng Nguyễn rơi lệ lúc lên đường biến thành chuyến đi sứ kỳ thú. Cái nhìn bó hẹp sau lũy tre dễ phát kiến sự vĩ đại của lần phiêu bạt đầu đời: thằng mõ cấp vương quốc được đồng hóa thành sứ thần trên bước hoàng hoa. Có lẽ người đại diện triều đình dù cấp thấp vẫn được tiếp đón chu đáo tại địa phương.

宣詔罷別運副阮炎

長安自昔帝王州,
偶賦皇華作勝遊。
俗雜獠夷民太古,
地宜粳稻歲常秋。
山中過我無苛虎,
境上煩君畜木牛。
王事有程軍政急,
胸懷莫向酒杯休。

tuyên chiếu bãi biệt vận phó nguyễn viêm

Trường Yên tự tích đế vương châu,
Ngẫu phú Hoàng hoa (a) tác thắng du.
Tục tạp liêu di dân thái cổ,
Địa nghi canh đạo tuế thường thu.
Sơn trung quá ngã vô hà hổ (b),
Cảnh thượng phiền quân súc mộc ngưu (c).
Vương sự hữu trình quân chính cấp,
Hung hoài mạc hướng tửu bôi hưu.

(a) Hoàng hoa: bài ca Hoàng hoàng giả hoa 皇皇者華, Lộc Minh chi thập, Tiểu Nhã, Kinh Thi diễn tả hành trạng, tâm tình của người đi sứ. “Hoàng hoa” trong văn chương chỉ những gì liên quan đến công việc một sứ thần.

(b) Hà hổ: Khổng tử nói “Hà chính mãnh ư hổ”, chính trị hà khắc tàn bạo hơn cọp dữ. Câu 5 ý nói địa phương có chính trị khoan hòa.

(c) Mộc ngưu: nhắc chuyện Khổng Minh dùng trâu gỗ chuyển lương, ở đây tác giả truyền mệnh vua yêu cầu Trường Yên dự trữ lương thực để cung cấp cho quân viễn chinh.

Tạm biệt Vận phó Nguyễn Viêm sau khi tuyên chiếu.

Từ xưa, Trường Yên vốn là đất của bậc đế vương,
Ngẫu nhiên làm bài thơ Hoàng Hoa để tả cuộc hành trình thú vị.
Phong hóa xen lẫn tục Liêu, tục Di, dân sống như đời thái cổ,
Đất thích hợp cả lúa Tẻ, lúa Nếp, hàng năm thường được mùa.
Trên núi tôi không bắt gặp con “hùm bạo ngược”,
Trong quận xin phiền ông tích sẵn “xe trâu gỗ”.
Việc vua có khuôn phép, quân đội đang cần gấp,
Bụng dạ thôi chớ hướng về chén rượu nữa!

Chuyển vận sứ (Nguyễn Viêm mang chức Phó Chuyển vận sứ) là chức quan trông coi tài vật của cải ở cấp châu, quận. Chuyến du hành qua ba thi phẩm cho thấy Phi Khanh mang chiếu chỉ đến địa phương để truyền lệnh huy động vật lực cho cuộc đối đầu với Chiêm Thành. Chữ “thiên kiêu”, giặc trời, cho thấy bài thơ sáng tác nhân đi công cán phục vụ chiến tranh chống đất nước có văn hóa khác biệt, không phải chống quân Minh. Nhà nho thời đó không gọi giặc Tàu bằng danh từ miệt thị mà người Tàu thường dùng để chỉ quân du mục. Hẳn Ông chỉ là một trong nhiều sứ giả tỏa đi khắp vương quốc làm công việc tương tự. Bài thơ cuối cho thấy lúa thóc Trường châu có dư và vị quan phụ trách vật tư địa phương rất hay uống rượu. Nhà thơ thường say mà phải khuyên can Nguyễn Viêm bớt uống rượu đủ biết quản lý vật tư đời Trần mạt có thu nhập khá hơn lương bổng quan lại bình thường.

Ứng Long nhận thấy sinh hoạt của dân cố đô lẫn lộn tục Liêu Di chứng tỏ Ông và cộng đồng nơi Ông sinh sống thuộc thành phần văn hóa khác. Người Hoa Lư bán sơn địa không thay đổi nhiều theo thời gian nên khác biệt này hẳn do chuyển đổi văn hóa nhanh chóng nơi vùng đồng bằng và ven biển. Toàn Thư chép chuyện Lý Thái tông đánh dẹp Khai Quốc vương Bồ (1028), quản lĩnh phủ Trường Yên, có thuật cảnh người địa phương chào đón quân vua một cách rất bình thường. Trước đó mười tám năm, Lý Công Uẩn sau khi dời đô đã lập ngay hai phủ quan trọng nhất, văn vật nhất, là phủ Thiên Đức và phủ Trường Yên. Một nơi quê vua, từng tập trung thành phần tinh hoa thời bắc thuộc; một nơi cựu đô, từng tập trung các gia tộc quyền quý thời đầu tự chủ. Con mắt Thăng Long đầu thế kỷ XI chưa nhìn dân Trường châu như bọn Liêu Di. Cũng có thể nhãn quan nho sĩ bị lệch lạc bởi ảnh hưởng lý thuyết cao ngạo từ trung nguyên, vì chính vị chủ tể vương quốc Nghệ tông gọi người khiêng kiệu cho mình bằng hai chữ “sơn đồng”, nô bộc người miền núi, chứ không định danh họ là man mọi.

Kiến thức của nho sĩ trung châu có bước cải thiện đáng kể khi làn sóng tị nạn từ đất Tống đổ vào khu vực duyên hải lan đến Thăng Long. Thế hệ môn đồ Tống Nho thành danh trước đó như Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát….. còn mang chất cứng cỏi, khai phá nhưng đến đời Ứng Long ta thấy đã mềm mại hơn nhiều. Khí hùng tráng Sư Mạnh đã chuyển sang tính hoa mỹ Ứng Long. Tuy nhiên, lòng kiêu hãnh phát sinh từ kiến thức vượt trội không thay đổi. Nho sĩ dễ phát biểu huênh hoang kèm theo ước vọng cao xa. Nhưng đó chỉ thuần túy là chữ, lời và giấc “kê vàng”. Nhà nho thường nghèo túng vì không tham gia trồng trọt hay buôn bán. Nội dung Nho thuật cũng không đủ để giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phát triển phức tạp hơn.

Ứng Long trở lại bình tĩnh khi được vào làm ở Sảnh dưới sự đỡ đầu của nhạc gia. Ông lui tới Thiên Trường thường xuyên, có thể nhiệm vụ của Ông gồm cả việc duy trì thông tin liên tục giữa hai trung tâm chính trị. Giai đoạn Ứng Long làm quan, Nghệ tông vẫn là lãnh đạo cao nhất của vương quốc.

自天長府漂過海口遇風

怒蛟噓霧簸船窗,
四月奔波駃似瀧
岸樹東西旗拂掠,
灘聲上下玉舂撞
煙波萬里舟心寸,
風兩孤蓬綠鬢雙
不是一官天上去,
那堪此日臥滄江。

Tự Thiên Trường phủ

phiêu quá hải khẩu ngộ phong

Nộ giao hư vụ bá thuyền song,
Tứ nguyệt bôn ba khoái tự lang.
Ngạn thụ đông tây kỳ phất lược,
Than thanh thượng hạ ngọc thung chàng.
Yên ba vạn lý đan tâm thốn,
Phong vũ cô bồng lục mấn song.
Bất thị nhất quan thiên thượng khứ,
Na kham thử nhật ngoạ thương giang.

Từ phủ Thiên Trường đi qua cửa biển gặp gió

Thuồng luồng cuồng nộ phả mù, lắc lư cửa thuyền.
Sóng tháng tư đuổi nhau đổ nhanh tựa dòng xiết.
Cây bờ đông bờ tây tung tẩy giống cờ phất,
Tiếng bãi trên bãi dưới gầm gào như giã gạo.
Muôn dặm vượt khói sóng, đỏ rực tấm lòng son,

Thuyền côi xuyên gió mưa, tóc mai còn đen mượt.
Nếu không phải là chức quan đi chầu trời,
(Thì) hôm nay đâu phải nằm trên dòng sông xanh biếc này.

Trải cảnh hiểm nghèo, trong sự bình thản Ứng Long bộc lộ tự hào về chức quan được phép trực tiếp hầu vua hay thượng hoàng. Lòng thương thân thoáng qua cho biết tác giả thuộc dạng hay mủi lòng. Tuy vậy, giúp đỡ từ nhạc phụ đã hiệu quả, đưa Ông khỏi cơn trầm uất ban đầu. Cuộc đời còn dài, nếu Nghệ tông đổi ý cũng chẳng lạ.

Ông nói rõ chỗ làm việc của mình qua bài thơ trao đổi với đồng khóa họ Trương:

薇月芹風今異調,
硯旗殿袞舊同年。
慇懃別後須鞭策,
聖主方今正急賢。

(與漳江同年張太學)

Vi nguyệt cần phong kim dị điệu,
Nghiễn kỳ điện cổn cựu đồng niên.
Ân cần biệt hậu tu tiên sách,
Thánh chúa phương kim chính cấp hiền.

(Dữ Chương Giang đồng niên Trương thái học)

Tòa Tử vi, nhà Quốc học, nay được bổ nhiệm khác nhau,
Cờ trong nghiên, áo cổn trên điện, xưa cùng khoa thi.
Sau từ biệt, ân cần dặn dò nhau cố gắng,
Thánh chúa hiện rất gấp cầu hiền.

(Gửi bạn cùng khoa thi Thái học sinh họ Trương ở Chương Giang)

Thái học sinh họ Trương làm việc trong Quốc tử giám, Ứng Long phục vụ tại sảnh Trung Thư. Cả hai đều tâm nguyện nỗ lực phục vụ triều đình. Chắc địa vị này chưa phải là ước mơ, nhưng Nguyễn đã bình tâm vượt qua nghịch cảnh.

Vai trò quan trọng khác của Nho sĩ là đảm trách giao dịch giữa An Nam và Trung nguyên. Tùng Chu, người bạn đồng khoa vừa thành danh nhanh chóng được triều đình liên tục cử tháp tùng đoàn sứ sang phương Bắc. Ứng Long đưa bạn bằng bài thơ sau:

送行人杜從周

芹水春風桂殿秋,
科場歷歷憶同遊。
君今又作行人去,
我獨胡為省屬留。
嶺驛雲開豪跨馬,
湖潮雪淨穩登舟。
丈夫送別何須淚,
一笑相看撫蒯緱。

Tống hành nhân Đỗ Tùng Chu

Cần thuỷ xuân phong quế điện thu,
Khoa trường lịch lịch ức đồng du.
Quân kim hựu tác hành nhân khứ,
Ngã độc hồ vi sảnh thuộc lưu.
Lĩnh dịch vân khai hào khoá mã,
Hồ triều tuyết tịnh ổn đăng châu.
Trượng phu tống biệt hà tu lệ,
Nhất tiếu tương khan phủ khoái câu.

Tiễn hành nhân Đỗ Tùng Chu

Gió xuân sông Cần, mùa thu điện quế,
Còn nhớ rành rành thuở cùng kết giao nơi khoa trường.
Nay ông lại lên đường, nhận chức hành nhân,
Mình tôi còn lưu, tạm làm thuộc viên ở sảnh.
Mây tan trên trạm Ngũ Lĩnh, ruổi ngựa hào hùng,
Tuyết rửa sạch sóng Động Đình, lên thuyền vững chãi.
Trượng phu khi tống biệt việc chi phải khóc?
(Chỉ cần) Vỗ chuôi kiếm, nhìn nhau mà cười.

Hành nhân chỉ là nhân viên tòng sự trong phái bộ có chánh, phó sứ hoặc đứng đầu phái bộ không quan trọng. Quan hệ với cấp thấp cùng kỹ niệm thi cử chứng tỏ bài thơ được sáng tác khi Ứng Long rất trẻ.

Sông Cần chỉ Quốc tử giám, điện quế chỉ kỳ thi. Vậy Tùng Chu cùng học, cùng thi với họ Nguyễn. Bạn Ông “hựu tác hành nhân”, lại làm thành viên sứ đoàn, tức từng đi sứ trước đó nay hưởng vinh dự lần nữa. Mừng bạn nhưng loáng thoáng buồn mình. Tùng Chu hơn một lần đi sứ, Ứng Long chưa được lần nào.

Tuy vậy, dù quan nhỏ ở Sảnh không xứng tài năng Tiến sĩ, Ứng Long có vẻ hài lòng địa vị chuyển tiếp này. Ông nêu rõ thân phận không mặc cảm, chỉ nhấn mạnh “hồ vi sảnh thuộc”, tạm thời là thuộc viên ở sảnh. Ông đang mong trách nhiệm vẻ vang hơn. Bài thơ thông báo Tùng Chu đi sứ, chỉ mình tác giả ở lại, chứng tỏ vẫn có Tiến sĩ chưa nhận chức vụ cao ngay sau đăng khoa. Nếu nhà thơ quá tự bi phẫn, thực khó xem là hợp lý.

Mọi việc tạm ổn thì đại họa đến. Mùa xuân năm 1377, quân Đại Việt tan rã trước kinh đô Đồ Bàn, Duệ tông tử trận; mùa thu cùng năm, Chế Bồng Nga thiêu rụi Thăng Long. Quân Chiêm chỉ lưu lại một ngày. Sau khi giặc rút, Ứng Long có bài thơ đánh dấu sự kiện như sau:

昌符元年冬,余自橤溪寓于 城南客舍,感今念昔,因成 八句,奉簡司刑大夫杜公, 兼簡諸同志

客途風雪歲更深,
長向丹霄掛寸心。
亂後交遊非復昔,
城中旅泊到如今!
新愁滾滾憑誰送?
往事悠悠付夢尋。
早晚迴朝將好問,
鬼章何日賀生擒?

xương phù nguyên niên đông, dư tự nhị khê ngụ vu thành nam khách xá, cảm kim niệm tích, nhân thành bát cú, phụng giản tư hình đại phu đỗ công, kiêm giản chư đồng chí

Khách đồ phong tuyết tuế canh thâm,
Trường hướng đan tiêu quải thốn tâm.
Loạn hậu giao du phi phục tích,
Thành trung lữ bạc đáo như câm!
Tân sầu cổn cổn bằng thuỳ tống?
Vãng sự du du phó mộng tầm.
Tảo vãn hồi triều tương hảo vấn,
Quỉ Chương (a) hà nhật hạ sinh cầm?

(a) Quỉ, Chương: theo chú thích của Thơ văn Lý Trần tập III, Quỉ Chương là các tướng giặc chống triều đình nhà Tống. Chúng tôi chưa tìm được thông tin chi tiết hơn.

Mùa đông năm Xương Phù I (1377), tôi từ Nhị Khê đến ngụ tại nhà khách phía nam thành, cảm nay nhớ xưa, nhân làm tám câu thơ gửi Tư hình Đại phu

Đỗ Công và các đồng chí

Gần hết năm, đường xứ khách đầy gió tuyết,
Lòng tưởng nhớ luôn hướng về phía trời hồng.
Sau loạn, bằng hữu chẳng còn như trước,
Trong thành, dừng chân quán khách đến hôm nay!
Ai giải nổi sầu mới đang cuồn cuộn?
Việc cũ dằng dặc đành tìm qua giấc chiêm bao.
Sẽ sớm vào triều hỏi tin lành,
Khi nào được mừng việc bắt sống Quỉ, Chương?

Ứng Long lui về Nhị Khê tránh giặc. Ông phải lưu trú quán khách khi quay lại kinh đô thay vì ở nhà vợ. Điểm này cho thấy người Chiêm không chỉ hủy diệt cung thành mà còn đốt phá dinh phủ các quan. Hậu quả hẳn rất ghê gớm vì đã gần sáu tháng từ khi giặc bỏ đi, kinh đô vẫn chưa hoạt động bình thường.

Đế Hiện tái tổ chức bộ máy triều đình, dĩ nhiên dưới giám sát từ Nghệ tông. Toàn Thư ghi chép khá rõ điều động nhân sự cấm quân, không đề cập bố trí văn chức. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng nhà vua phải thực hiện việc này. Cuộc đổi thay gây nhiều thất vọng cho Ứng Long, thể hiện trong bài thơ dưới đây:

客舍

淺把鵝兒獨自斟,
羈縻動了鶴猿心。

花邊茅屋春長好,
柳外柴門客易尋。

半榻蕉風和午夢,
一簾梅雨助清吟。
是非不到閒窗椅,
睡起焚香撫素禁。

khách xá

Thiển bả nga nhi độc tự châm,
Ky mi động liễu hạc viên tâm.

Hoa biên mao ốc xuân trường hảo,
Liễu ngoại sài môn khách dị tầm.

Bán tháp tiêu phong hoà ngọ mộng,
Nhất liêm mai vũ trợ thanh ngâm.
Thị phi bất đáo nhàn song kỷ,
Thuỵ khởi phần hương phủ tố cầm.

Nơi nhà khách

Nâng khẽ be rượu hình chim ngỗng rót uống một mình,
Vừa muốn chấm dứt cảnh ràng buộc đã nổi tấm lòng vượn hạc.
Mùa xuân tươi mãi trong gian nhà tranh bên khóm hoa,
Cửa sài mở ngoài cội liễu nên khách dễ tìm.
Gió từ bụi chuối hiu hiu nửa bên giường ru giấc ngủ trưa,
Mưa hoa mơ đầy rèm giúp vần thơ thêm cao khiết.
Nơi chiếc ghế nhàn bên song cửa, thị phi không đến được!
Ngủ dậy, thắp hương, ôm lại chiếc đàn xưa…..

Tác phẩm bộc lộ hai điểm, một rõ ràng, một cần tìm hiểu thêm. Thứ nhất, người Chiêm tàn phá dữ dội, đến nỗi nhà khách dành cho quan viên phải dựng lại tạm thời bằng tranh lá. Thứ hai, Ứng Long bị tiếng thị phi nào đó nên rất buồn phiền, muốn tách khỏi hệ thống để tự do nhàn dật. Sẽ hiểu phần nào việc xảy ra với chàng Nguyễn khi đọc nhắn nhủ dưới đây của Trần Nguyên Đán:

寄贈蕊溪檢正阮應龍

朔風細雨轉淒涼,
客舍蕭蕭客思長。
籬下幽姿好晚節,
溪邊素艷試新粧。
胡兒未款花門塞,
裴老思歸綠野堂。
釣月耕雲何太早,
千鍾萬宇紫微郎。

Ký tặng Nhị Khê Kiểm chính

Nguyễn Ứng Long

Sóc phong tế vũ chuyển thê lương,
Khách xá tiêu tiêu khách tứ trường.
Ly hạ u tư tồn vãn tiết,
Khê biên tố diễm thí tân trang.
Hồ nhi (a) vị khoản Hoa Môn (b) tái,
Bùi lão (c) tư qui Lục Dã (d) đường.
Điếu nguyệt canh vân hà thái tảo?
Thiên chung vạn vũ Tử vi lang.

(a) Hồ nhi: giặc Hồ, ở đây chỉ giặc Chiêm.

(b) Hoa Môn: tên tòa thành phòng thủ rợ Hồ phía Bắc trung nguyên.

(c) Bùi lão: Bùi Độ (765 – 839), danh thần đời Đường, có công dẹp nạn cát cứ vùng Hoài Tây.

(d) Lục Dã: tên dinh thự nơi Bùi Độ nghỉ hưu.

0