Nguyên nhân xung đột ở Nagorno-Karabakh là gì?
Nguồn: “The conflict in Nagorno-Karabakh“, The Economist , 15/04/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Chỉ ít người chú ý tới cuộc giao tranh dữ dội nổ ra vào đầu tháng Tư ở Nagorno-Karabakh, một vùng đất bị tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. ...
Nguồn: “The conflict in Nagorno-Karabakh“, The Economist, 15/04/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Chỉ ít người chú ý tới cuộc giao tranh dữ dội nổ ra vào đầu tháng Tư ở Nagorno-Karabakh, một vùng đất bị tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Khoảng 50 người đã thiệt mạng trong bốn ngày khi xe tăng, máy bay trực thăng và đạn pháo thắp sáng một mặt trận đã bị lãng quên từ lâu. Sự hồi sinh của cuộc xung đột đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi tất cả các quan chức của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga đều kêu gọi các bên bình tĩnh nhằm ngăn chặn sự bùng phát của một cuộc chiến tranh trên diện rộng. Sau khi Moskva giúp làm cầu nối cho một thỏa thuận ngừng bắn, chiến sự đã chậm lại; tuy nhiên, hoà bình lâu dài vẫn là một ảo tưởng. Vậy mục đích của cuộc xung đột Nagorno-Karabakh là gì?
Nằm giữa các đế quốc Nga, Ottoman và Ba Tư, Armenia và Azerbaijan có một lịch sử căng thẳng lâu dài. Sau một cuộc đụng độ ngắn để giành độc lập sau Thế chiến I, Armenia và Azerbaijan nằm dưới quyền kiểm soát của phe Bolshevik; các chính ủy Xô-viết tuyên bố Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan, mặc dù phần lớn người dân Armenia vẫn ở đó. Năm 1988, Nagorno-Karabakh bỏ phiếu chọn ly khai khỏi Azerbaijan khi đó đang thuộc Liên Xô và gia nhập Armenia.
Khi Liên Xô tan rã, một cuộc chiến đẫm máu nổ ra trên lãnh thổ này. Khoảng 30.000 người đã bị thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải di tản trước khi thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 giúp tạm dừng cuộc chiến. Các lực lượng Armenia chiếm đóng Nagorno-Karabakh và một số khu vực xung quanh, để lại cho Azerbaijan vùng đất nhỏ hơn khoảng 15%. Nhưng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, những cuộc giao tranh quy mô nhỏ vẫn tiếp tục dọc theo ranh giới. Kế hoạch hòa bình không bao gồm các lực lượng gìn giữ hòa bình mà chỉ có một số ít các đơn vị giám sát phi vũ trang. Áp lực từ các lực lượng trung gian bên ngoài – chủ yếu là Nga, Mỹ và Pháp, tức các quốc gia chủ trì nhóm đàm phán – chưa bao giờ vượt qua được sự chống cự nội bộ đối với thỏa hiệp.
Thời gian trôi qua, sự bất bình ngày càng sâu sắc thêm. Các nhà lãnh đạo của Azerbaijan và Armenia đã làm dấy lên các luận điệu dân tộc chủ nghĩa để củng cố quyền lực. Nguồn dầu mỏ dồi dào của Azerbaijan đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí; Chi tiêu quốc phòng của Baku [thủ đô Azerbaijan] cuối cùng đã vượt quá tổng ngân sách của chính phủ Yerevan [thủ đô Armenia].
Bởi các cuộc đàm phán hòa bình vẫn bị đình trệ, và cộng đồng quốc tế không mấy hứng thú với việc khôi phục chúng, việc sử dụng vũ lực ngày càng trở nên phổ biến tại mặt trận này. Trong những cuộc đụng độ mới nhất (mà cả hai bên đổ lỗi cho phía còn lại là đã khơi mào), các lực lượng Azerbaijan lần đầu tiên đã nỗ lực không chỉ tấn công các kẻ thù người Armenia mà còn nhằm chiếm giữ lãnh thổ mới. Về phía Azerbaijan, thời cơ sắp xếp lại các quân bài ngoại giao dường như đã chín muồi. Giá dầu sụt giảm đã làm tổn thương nền kinh tế nước này vốn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, những ngành mang lại gần 95% kim ngạch xuất khẩu. Tình trạng này cũng buộc Azerbaijan phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống 40% trong năm nay, theo IHS Jane, một công ty tư vấn. Đặc biệt đối với Azerbaijan, việc sử dụng vũ lực là nhằm khôi phục các cuộc đàm phán và chứng minh rằng “cuộc xung đột này vẫn chưa được giải quyết”, Anar Valiyev, một nhà phân tích tại Baku nói.
Thất bại trong việc thực hiện những bước tiến có ý nghĩa hướng tới hòa bình sẽ chỉ mang lại một sự trượt dài sâu hơn về phía chiến tranh. Laurence Broers của Chatham House [Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia], một viện nghiên cứu chính sách của Anh, lập luận rằng các cuộc đụng độ mới nhất “minh họa cho các nguy cơ về leo thang bạo lực”. Một sự bùng nổ bạo lực mới có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Nếu bị để nằm ngoài tầm kiểm soát, Nagorno-Karabakh có thể biến thành một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn, một cuộc chiến mà có thể khiến Nga (vốn có một căn cứ quân sự tại Armenia và nghĩa vụ hiệp ước phải bảo vệ Armenia chống lại các cuộc tấn công bên ngoài) và Thổ Nhĩ Kỳ (vốn ủng hộ cộng đồng người Thổ ở Azerbaijan) chống lại nhau. Nagorno-Karabakh thường được gọi là một cuộc xung đột “bị đóng băng”; nhưng các mâu thuẫn cần được giải quyết, chứ không phải được đóng băng.