Khái niệm ‘cộng hòa chuối’ đến từ đâu?
Nguồn: “Where did banana republics get their name?”, The Economist , 21/11/2013. Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp Bạo lực, nghèo túng và lộn xộn về chính trị, Honduras đạt tiêu chuẩn của một “cộng hòa chuối” (banana republic) theo định ...
Nguồn: “Where did banana republics get their name?”, The Economist, 21/11/2013.
Biên dịch: Phạm Phan Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bạo lực, nghèo túng và lộn xộn về chính trị, Honduras đạt tiêu chuẩn của một “cộng hòa chuối” (banana republic) theo định nghĩa của đa số mọi người. Vào Chủ nhật tới, nước này sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống với sự cạnh tranh sát sao bốn năm sau cuộc đảo chính mà trong đó vị tổng thống lúc bấy giờ bị trói gô ra khỏi dinh tổng thống trong bộ đồ ngủ và bị đưa lên máy bay quân sự tới Costa Rica. Tỉ lệ giết người ở đây nằm ở mức cao nhất thế giới; nền kinh tế thì lung lay. Vấn đề của quốc gia này không mới: quốc gia hỗn loạn này có một vinh dự không ai muốn là nơi truyền cảm hứng đầu tiên cho cụm từ “cộng hòa chuối” hơn một thế kỷ trước. Tuy nhiên cụm từ này đến từ đâu, và nó thực sự nghĩa là gì?
Khái niệm này được đặt ra lần đầu trong một cuốn sách viễn tưởng xuất bản năm 1904 của O. Henry, một nhà văn người Mỹ. Henry (tên thật là William Sydney Porter) đang chạy trốn nhà chức trách ở Texas do bị buộc tội biển thủ công quỹ. Đầu tiên ông trốn tới New Orleans và sau đó tới Honduras nơi ông sáng tác “Những cây bắp cải và những ông vua” (Cabbages and Kings), một tuyển tập truyện ngắn, khi đang nghỉ tại một khách sạn rẻ tiền. Một trong số các truyện ngắn, “Vị đô đốc” (“The Admiral”) lấy bối cảnh tại một vùng đất viễn tưởng tên là Anchuria, một “cộng hòa chuối nhỏ bé trên biển”. Rõ ràng nước cộng hòa Latin ẩm ướt, rối loạn mà ông ta miêu tả được dựa trên Honduras, nơi trú ẩn xa xôi của ông. Henry cuối cùng cũng trở lại Mỹ, nơi ông phải ngồi tù trước khi xuất bản các mẩu truyện ngắn rồi trở nên nghiện rượu, dẫn tới cái chết lúc còn trẻ.
Cụm từ ông đặt ra gợi lên một cách gọn ghẽ hình ảnh một quốc gia nông nghiệp nhiệt đới. Nhưng ý nghĩa của nó sâu sắc hơn: nó gây liên tưởng tới những công ty hoa quả tới từ Mỹ vốn đến và gây ảnh hưởng rất lớn tới nền chính trị của Honduras và các nước láng giềng. Tới cuối thế kỷ 19, người Mỹ đã chán nản với việc cố gắng trồng hoa quả trên mảnh đất lạnh lẽo của họ. Thay vào đó, hoa quả sẽ ngọt và rẻ hơn nếu nhập khẩu từ các vùng khí hậu ấm hơn ở Trung Mỹ, nơi chuối và các loại hoa quả khác sinh trưởng nhanh hơn.
Những công ty lớn như Công ty United Fruit Company – tiền thân của công ty Chiquita – đến đây và xây dựng đường sá, bến cảng và đường sắt để đổi lấy đất. Năm 1911, Công ty Hoa quả Cuyamel, một công ty khác của Mỹ (sau này được United mua lại), đã cung cấp vũ khí cho một cuộc đảo chính chống lại chính phủ Honduras và làm ăn phát đạt dưới chế độ của vị tổng thống mới. Năm 1954, Cục Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ đã đứng sau một cuộc đảo chính chống lại chính phủ Guatemala, vốn đe dọa quyền lợi của United. (Các nhà sử học vẫn tranh cãi liệu mục tiêu của CIA có phải là bảo vệ United hay, như nhiều người hiện nay vẫn tin, là nhằm bóp chết chủ nghĩa Cộng sản từ trong trứng nước). Vì vậy ý nghĩa thực sự của “cộng hòa chuối” là: một quốc gia nơi mà các công ty nước ngoài chi phối chính phủ trong nước.
Ở Honduras tình hình vẫn như vậy – nhưng sản phẩm được xét tới không còn là hoa quả nữa. Chuối vẫn là một phần quan trọng trong nền kinh tế, và người lao động vẫn còn than phiền về các ông chủ lao động nước ngoài. Nhưng ngày nay các ông chủ hay thúc ép nhất là những người buôn bán một sản phẩm nông nghiệp khác nhắm tới người tiêu dùng Mỹ, đó là cocaine. Vị trí của Honduras trên tuyến đường buôn lậu từ Nam Mỹ tới Bắc Mỹ có nghĩa là đa số cocaine trên đường tới thị trường Mỹ sẽ phải đi qua biên giới của nước này. Đi kèm với ngành kinh doanh này là bạo lực và tham nhũng, những đề tài quan trọng trong cuộc bầu cử vào hôm Chủ nhật. Honduras có lẽ không còn là một “cộng hòa chuối” cổ điển nhưng nó có nguy cơ trở thành một thứ còn tệ hại hơn.