22/06/2018, 09:16

Tại sao nước Anh lại hoài nghi Châu Âu?

Nguồn: “Why Britain is so Eurosceptic“, The Economist , 03/03/2014 Biên dịch : Lê Thị Hồng Loan | Biên tập : Lê Hồng Hiệp Hầu hết 28 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã gia nhập câu lạc bộ này vì một lý do rõ ràng và lâu dài. Đối với Pháp và Đức, hợp tác với ...

Nguồn: “Why Britain is so Eurosceptic“, The Economist, 03/03/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hầu hết 28 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã gia nhập câu lạc bộ này vì một lý do rõ ràng và lâu dài. Đối với Pháp và Đức, hợp tác với châu Âu là một biện pháp để chữa lành những vết thương chiến tranh. Nước Bỉ nhỏ bé thấy đây là một cơ hội để đạt được tính hiệu quả của quy mô thông qua ngoại giao; còn đối với những nước mới gia nhập gần đây ở Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Hungary và Estonia, câu lạc bộ này là một sự bảo đảm để chống lại sự bắt nạt của nước Nga. Nước Anh thì ngược lại, gia nhập câu lạc bộ vào năm 1973 một cách do dự, không hề nhiệt tình và trong một thời khắc của sự lo lắng kinh tế thoáng qua.

Đây là nền tảng cho chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu đang lan tràn khắp Đảng Bảo thủ và một bộ phận lớn người dân Anh, từ đó có thể dẫn đến việc Anh bỏ phiếu để ra khỏi EU trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 (giờ chuyển thành 2016 – NBT). Nước Anh chưa bao giờ thực sự muốn trở thành một thành viên của câu lạc bộ này ngay từ những ngày đầu tiên. Trong chừng mực mà đất nước này muốn, thì động lực được tạo ra là bởi một triển vọng kinh tế hạn hẹp: nhằm tiếp cận những lợi ích của thương mại tự do tại châu Âu. Nhưng Anh chưa bao giờ có ấn tượng (tốt) với các chính sách trợ cấp được thiết kế cho nông dân Pháp và các quyền lợi đặc biệt khác; nước Anh là quốc gia đóng góp ròng cho ngân sách châu Âu trong ba thập kỷ đầu tiên kể từ khi Anh trở thành thành viên của tổ chức này.

Điều này thử thách lý do ban đầu của Anh trong việc gia nhập câu lạc bộ. Sự mở rộng dần dần nhưng vững chắc của quyền lực và các quy định điều tiết của EU vào hệ thống tư pháp, nơi làm việc và các lĩnh vực khác, đã gây ra những bất bình lớn hơn, điều càng trở nên trầm trọng do những rắc rối đang diễn ra trong khu vực đồng euro. Nhiều người Anh cảm thấy họ rốt cuộc đã tham gia vào một thỏa thuận siêu chính phủ luôn khát khao mở rộng quyền lực và đang hấp hối về mặt kinh tế, một điều mà họ chưa bao giờ bỏ phiếu để chọn tham gia, và sẽ không bao giờ làm như thế. Rõ ràng, họ có một lý do chính đáng.

Nước nào cũng như vậy, tại sao Anh lại cảm thấy phiền lòng? Dù EU có nhiều điểm đáng thất vọng, nhưng những lợi ích của việc tham gia nhóm thương mại tự do lớn nhất thế giới này có lẽ lớn hơn chi phí gia nhập. Đó là lý do tại sao người dân ở các nước Bắc Âu khác, bao gồm cả Thụy Điển, Hà Lan và thậm chí Đức, những người chia sẻ ít nhiều hoặc tất cả những lời chỉ trích của người Anh, lại không kích động việc rời bỏ [câu lạc bộ này].

Một phần câu trả lời nằm ở lịch sử nước Anh. Hầu như trong toàn bộ châu Âu, chỉ riêng mình Anh hồi tưởng lại Thế chiến II với niềm tự hào hơn là sự sợ hãi. Hơn nữa, Anh làm điều đó theo một cách nhằm cường điệu hóa những lợi ích của việc cách ly – của việc là một đảo quốc can trường ngoài biển. Điều này khiến cho nước Anh miễn cưỡng nhìn nhận mình như một nước châu Âu, gắn bó với vận mệnh của các nước châu Âu khác, vốn là thực tế đang diễn ra. Những kỷ niệm về Đế chế (Anh xưa kia) cũng đóng một vai trò trong sự huyễn hoặc này: một số người hoài nghi Châu Âu trong Đảng Bảo thủ thậm chí còn mơ đến việc tái lập Đế chế như một sự thay thế cho EU, dưới hình thức của một khối thương mại nói tiếng Anh hoặc Khối thương mại Thịnh vượng chung.

Do hiển nhiên là sẽ không có bất kỳ quốc gia nào khác mong muốn một thỏa thuận như vậy, điều này cho thấy họ [những người hoài nghi Châu Âu – NBT] đã bị lừa dối như thế nào. Và đây là một đặc tính khác của chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu của Anh: tác động từ tư tưởng thiên hữu của Đảng Bảo thủ. Nó chủ yếu là để nhằm xoa dịu các nhà vận động hành lang mà Thủ tướng của Đảng Bảo thủ David Cameron đã hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 nếu như Đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới (2015). Một cuộc nổi loạn tại quốc hội vào tháng 01 năm 2014 bởi gần 100 nghị sĩ Đảng Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu cho thấy canh bạc của ông David Cameron đã thất bại thảm hại đến thế nào: những người hoài nghi Châu Âu không hề được xoa dịu. Nó cũng cho thấy ông Cameron sẽ gặp khó khăn đến mức nào để có thể vận động cho việc giữ nước Anh ở lại trong EU, điều mà chính bản thân ngài thủ tướng tha thiết mong muốn.

Xem thêm: Loạt bài về khả năng Anh rời EU (Brexit)

0