Mục đích các cuộc tranh luận bầu cử ở Mỹ là gì?
Nguồn: “The point of America’s election debate?”, The Economist , 09/03/2016. Biên dịch : Lê Thị Hồng Loan | Biên tập : Lê Hồng Hiệp Mục đích bề ngoài của một cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử là nhằm mang lại cho các ứng cử viên một cơ hội để chia ...
Nguồn: “The point of America’s election debate?”, The Economist, 09/03/2016.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Mục đích bề ngoài của một cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử là nhằm mang lại cho các ứng cử viên một cơ hội để chia sẻ quan điểm của họ và thu hút các cử tri tiềm năng. Các cuộc tranh luận chính trị có một truyền thống lâu đời: năm 1858, một luật sư tên là Abraham Lincoln đã thách thức Thượng nghị sĩ Stephen Douglas để giành ghế của ông [tại Quốc hội] trong một loạt bảy cuộc tranh luận ở Illinois. Mỗi ứng viên sẽ bắt đầu với một bài phát biểu 60 phút, và người còn lại sẽ đưa ra phản hồi trong vòng 90 phút. Ứng viên đầu tiên sau đó sẽ kết thúc cuộc tranh luận với một bài phát biểu 30 phút. Mặc dù Lincoln liên tục thua trong cuộc đua vào Thượng viện, các cuộc tranh luận này đã nâng cao vị thế của ông ở tầm quốc gia và chuẩn bị cho ông có một cuộc chạy đua thành công vào ghế tổng thống khi cạnh tranh với Douglas hai năm sau đó.
Tuy nhiên, hầu hết các cuộc tranh luận có ít tác động hơn vậy rất nhiều. Nghiên cứu khoa học cho thấy rằng mặc dù các cuộc tranh luận tổng thống có thể cung cấp thông tin cho quan điểm của cử tri, chúng có xu hướng không làm thay đổi quan điểm đó. Trong cuốn sách The Timeline of Presidential Elections [Diễn biến thời gian của các cuộc bầu cử Tổng thống], các nhà khoa học chính trị Robert Erikson và Christopher Wlezien đã xem xét từng cuộc bầu cử tại Mỹ có tranh luận trên truyền hình từ năm 1960 đến năm 2008 và thấy rằng số phiếu thăm dò của các ứng cử viên tổng thống trước các cuộc tranh luận gần như hoàn toàn giống với số phiếu của họ ngay sau đó.
Nhưng phần lớn nghiên cứu lại xem xét các giai đoạn sau của cuộc bầu cử, khi ứng cử viên tổng thống của các đảng đã được chọn. Các cuộc tranh luận gần như chắc chắn là có ý nghĩa hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ vì hai lý do: thứ nhất, các cử tri hầu như không biết gì về các ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ, có nghĩa là có nhiều cơ hội hơn cho việc định hình nhận thức của họ. Thứ hai, nhiều cử tri là những người ủng hộ trung thành của một đảng nào đó; nghĩa là sẽ dễ dàng hơn nếu thuyết phục họ lựa chọn một ứng cử viên khác từ chính đảng của họ (trong bầu cử sơ bộ) hơn là thuyết phục họ quay sang bỏ phiếu cho đảng khác (như trong tổng tuyển cử bầu tổng thống).
Dường như các cuộc tranh luận đã có một tác động lớn trong việc định hình kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ. Trong cuộc chạy đua bầu cử sơ bộ Đảng Cộng hòa năm 2011, Rick Perry tuyên bố rằng ông sẽ đóng cửa ba cơ quan chính phủ lãng phí nếu được bầu, nhưng lại không thể kể tên của cả ba cơ quan mà ông dự trù trong đầu. Perry không bao giờ khôi phục lại được uy tín từ sai lầm này, và đã phải kết thúc chiến dịch của mình hai tháng sau đó.
Đầu năm nay, trong một cuộc tranh luận chỉ ba ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, Chris Christie đã tấn công đối thủ của mình là Marco Rubio vì đã lặp đi lặp lại những lời tương tự. Rubio bị tấn công bất ngờ không kịp phòng bị và đã phản ứng bằng cách lặp lại một cách máy móc những lời của mình – thêm một lần nữa. Hậu quả được nhìn thấy ngay lập tức: Rubio không chỉ phải đối mặt với những người chất vấn trong trang phục robot, mà ông còn thất bại hoàn toàn tại cuộc bỏ phiếu, về đích ở vị trí thứ năm tại New Hampshire sau khi được kỳ vọng là sẽ về nhì.
Hơn 157 năm sau các cuộc tranh luận của Lincoln-Douglas, trình độ tranh luận chính trị dường như đã trượt dài. Mặc dù các cuộc tranh luận của Đảng Dân chủ vẫn được duy trì tương đối bình thường trong kỳ bầu cử này, các cuộc tranh luận của Đảng Cộng hòa đã thoái hóa thành các trận đấu ầm ĩ kiểu học sinh tại sân trường. Trong một cuộc tranh luận vào ngày 25/02, các phụ đề trên truyền hình miêu tả một đoạn [tranh luận] đặc biệt “sôi nổi” là “tiếng la hét không thể hiểu được”. Còn trong cuộc tranh luận gần đây nhất của Đảng Cộng hòa, người dẫn đầu Donald Trump đã “đặt tên thánh” cho hai đối thủ chính của mình là “Marco Bé nhỏ” (Little Marco) và “Ted Nói phét” (Lyin’ Ted) và đảm bảo với người xem rằng “không có vấn đề” gì về “bản lĩnh đàn ông” của ông. Những cuộc tranh luận như vậy không rõ mang lại giá trị thông tin gì cho các cử tri, nhưng ít nhất thì chúng cũng tạo ra những chương trình truyền hình mang tính giải trí.