Nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh Ba mươi năm là gì?
Nguồn: “What happened in the Thirty Years War?”, The Economist , 13/01/2016. Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân Căng thẳng ở Trung Đông giữa Saudi Arabia (do nhà Saud dòng Sunni cai trị) và Iran (lãnh đạo phe Shia) đã khiến nhiều nhà bình luận so sánh tình trạng này với ...
Nguồn: “What happened in the Thirty Years War?”, The Economist, 13/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Căng thẳng ở Trung Đông giữa Saudi Arabia (do nhà Saud dòng Sunni cai trị) và Iran (lãnh đạo phe Shia) đã khiến nhiều nhà bình luận so sánh tình trạng này với cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (1618-1648) ở châu Âu. Đó là một cuộc xung đột gây ra hậu quả tàn phá cho Trung Âu, với khoảng 20% dân số của Đức bị giết. Cuộc chiến tranh này có nguồn gốc tôn giáo khi các Hoàng đế của Đế chế La Mã Thần thánh (ban đầu là Ferdinand II của triều Habsburg) đã cố gắng áp đặt sự thống trị của Công giáo lên các khu vực của người Tin Lành thuộc đế quốc. Cuộc Cải cách Kháng cách (Reformation) đã bắt đầu ở Đức năm 1517 với các luận đề của Martin Luther và nhiều quân vương thuộc đế quốc (vốn có một cấu trúc gần như một liên bang) đã cải đạo sang Tin Lành.
Một cuộc nổi dậy ban đầu của người Tin Lành Bohemia, những người đã ném đại diện của Đế quốc ra ngoài cửa sổ tòa nhà hội đồng thành phố (gọi là sự kiện “Defenestration of Prague” trong tiếng Anh – NBT), đã dễ dàng bị nghiền nát. Nhưng sự thành công của Hoàng đế La Mã Thần thánh, cùng những nỗ lực tịch thu lãnh thổ, đã làm các cường quốc Tin Lành khác lo sợ. Đầu tiên Đan Mạch can thiệp (nhưng không thành công) và sau đó vua Gustavus Adolphus của Thụy Điển đã giành được một chuỗi các chiến thắng quân sự cho phe Tin lành, trước khi ông bị giết trong một trận chiến năm 1632.
Các chiến tuyến không hoàn toàn dựa trên cơ sở tôn giáo. Pháp, một cường quốc Công giáo, đã tài trợ cho các cuộc xâm lược của Thụy Điển và sau đó trực tiếp tham chiến; còn một số nhà lãnh đạo Tin lành ban đầu đã chiến đấu ủng hộ Hoàng đế (bản thân phe Tin Lành cũng bị chia rẽ thành hai dòng là Luther và Calvin).
Nhiều quốc gia tham chiến đã có những động cơ lãnh thổ: Thụy Điển muốn kiểm soát vùng Baltic trong khi Pháp đã lợi dụng cuộc chiến để giành được Alsace và Lorraine, hai khu vực sau này đã gây ra căng thẳng lặp đi lặp lại trong các thế kỷ 19 và 20. Cuộc xung đột cũng là một phần của cuộc chiến kéo dài lâu hơn, tới 80 năm, giữa Tây Ban Nha và tỉnh thuộc địa trước đó là Hà Lan.
Vậy thì sự tương đồng là gì? Đầu tiên, các sự kiện đều gây nên những tác động lâu dài, cho dù đó là cuộc Cải cách Kháng cách, cuộc Cách mạng Iran năm 1979, hay cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003. Những thay đổi trong cán cân quyền lực khiến những quốc gia khác phải phản ứng.
Thứ hai, các cuộc xung đột tôn giáo, một khi đã bắt đầu, rất khó có thể dừng lại vì những tình cảm mà chúng khơi dậy. Hồi thế kỷ 17, các cường quốc cuối cùng bị kiệt sức đã đồng ý không tìm cách áp đặt đức tin của họ lên các quốc gia khác.
Thứ ba, người chiến thắng ban đầu có thể không phải là người giành được chiến thắng cuối cùng: Sức mạnh quân sự của Mỹ ít áp đảo hơn so với sau năm 2003. Trong khi đó, sau khi Chiến tranh Ba mươi năm kết thúc vào năm 1648, ảnh hưởng của triều đại Habsburg đối với phần lớn các tiểu quốc Đức đã suy giảm và triều đại này cuối cùng chuyển thành Đế chế Áo-Hung.
Xem thêm : Hòa ước Westphalia (chấm dứt Chiến tranh Ba mươi năm)
Hòa ước Westphalia (The Peace of Westphalia)