Lớp Văn hóa học khóa I tốt nghiệp: Trồng cây đã tới ngày hái quả
(ĐHVH)- “Không chỉ riêng tôi mà tập thể cán bộ giảng viên trong Khoa đều rất vui trước sự tự tin cũng như sự trưởng thành trong kỹ năng nghiên cứu của sinh viên. Và còn bất ngờ hơn nữa về chất lượng khóa luận của sinh viên khóa đầu tiên”, TS. Đặng Hoài Thu chia sẻ. Được chính ...
Được chính thức thành lập từ năm 2008, đến nay, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội học đã có những sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp. Và trong hai ngày 5,6 tháng 6 vừa qua, hòa chung trong không khí sôi động của các khoa chuyên ngành tổ chức lễ bảo vệ khóa luận, 25 sinh viên của Khoa Văn hóa học đã hoàn thành xuất sắc nội dung bảo vệ khóa luận của mình. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng TS. Đặng Hoài Thu, Trưởng khoa Văn hóa học để tìm hiểu chi tiết hơn.
Tiến sĩ Đặng Hoài Thu - Trưởng khoa Văn hóa học
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp trong hai ngày vừa qua của khoa Văn hóa học, Tiến sĩ có thể chia sẻ đôi điều về lễ bảo vệ khoa luận của sinh viên khóa đầu tiên?
TS. Đặng Hoài Thu: Đây là lễ bảo vệ khóa
luận tốt nghiệp đầu tiên của sinh viên Khoa Văn hóa học. Tuy nhiên, Khoa đã có
sự chuẩn bị kỹ và có rất nhiều hỗ trợ cho sinh viên. Các thành viên trong hội
đồng chủ yếu là giảng viên giảng dạy từ khi các em học năm thứ nhất và đã theo
sát cả quá trình học tập của sinh viên nên cơ bản đã nắm được khả năng của
sinh viên từ đó có sự hỗ trợ, chỉ dẫn và định hướng cụ thể trong quá trình các
em học tập cũng như lựa chọn đề tài và làm khóa luận tốt nghiệp có hiệu quả
nhất. Chính vì vậy mà lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đã diễn ra trong không khí
nghiêm túc nhưng không thiếu đi sự gần gũi giữa thầy và trò. Có thể thấy sự
trưởng thành rõ nét trong nghiên cứu khoa học, từ cách tiếp cận vấn đề, lựa
chọn đề tài tới phương pháp tiến hành nghiên cứu. Đặc biệt là sự tự tin, không
khí trao đổi, tranh luận sôi nổi giữa sinh viên với các thành viên trong Hội
đồng một cách cởi mở, tích cực, thậm chí có những lúc có thể gọi là “quyết liệt” đã khiến
buổi lễ thành công hơn cả sự mong đợi của Hội đồng.
Lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của SV K1- Khoa Văn hóa học
diễn ra trong không khí sôi nổi, thân thiện tại Văn phòng khoa
Văn hóa học là một ngành khoa học có tính liên ngành cao, điều này có lẽ là tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khi lựa chọn đề tài?TS. Đặng Hoài Thu: Đúng vậy, với mã ngành Văn hóa học, thì đây là một khoa học liên ngành khá rộng và liên quan tới nhiều lĩnh vực, từ văn học nghệ thuật, đến những vấn đề của tôn giáo, tín ngưỡng, kinh tế, xã hội, truyền thông…v.v nên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên lựa chọn đề tài. Điều này thấy rõ ở thấy ở sự đa dạng của 25 khóa luận năm nay. Có rất nhiều góc nhìn văn hóa được nói tới đơn giản như “Biểu tượng hoa ban trong đời sống văn hóa Tây Bắc”, “Fastfood – văn hóa ẩm thực thời kì hội nhập”, Bữa trưa công sở - nét mới trong văn hóa ẩm thức của người Hà Nội thời kì CNH – HĐH”, “VOV giao thông – FM91 MHZ – phương pháp truyền tải thông tin kiểu mới” hay “Biến đổi văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng làng nghề giày da Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội”… v.v. Bên cạnh đó có nhiều đề tài mới như đề tài “Tu thiền cửa phật, một loại hình sinh hoạt văn hóa mới của giới trẻ (khảo sát tại TT dưỡng sinh Côn Sơn.)”, tôi đánh giá là rất hay và hoàn toàn mới.
Các đề tài nhìn chung có tính thực tiễn cao, hướng tới các vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm. Hơn nữa, gắn liền với định hướng đào tạo của Khoa, chúng tôi cũng mong muốn các em có sự trải nghiệm thực tế, không chỉ đơn thuần là khảo cứu. Và thực tế là các đề tài mà sinh viên lựa chọn hầu hết phải sử dụng phương pháp điều tra xã hội học (ít nhất 400 phiếu/ đề tài) và có phỏng vấn sâu.
Vậy theo Tiến sĩ, mảng đề tài nào gây hứng thú với sinh viên và được lựa chọn nhiều hơn?
TS. Đặng Hoài Thu: Một điều đáng mừng là sinh viên khá chủ động trong việc lựa chọn đề tài và dám thử sức với những đề tài mới mặc dù các em gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, với năm 2013, Bộ VHTTDL hướng tới là năm Gia đình Việt Nam, nên chúng tôi đã khuyến khích sinh viên làm các đề tài liên quan đến văn hóa gia đình ở nhiều khía cạnh khác nhau như đề tài về “Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình dưới tác động của quá trình đô thị hóa (nghiên cứu trường hợp xã Cổ Nhuế - Tử Liêm – Hà Nội)”, “Hoạt động truyền thông phòng chống bạo lực gia đình tại trung tâm Phụ nữ và phát triển từ năm 2007 đến nay” hay đề tài “Hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tái hòa nhập cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa (tại ngôi nhà bình yên, trung tâm Phụ nữ và pháp triển)”…v.v. Đây là những đề tại rất có ý nghĩa thực tiễn.
Tiến sĩ tâm đắc với đề tài nào nhất?
TS. Đặng Hoài Thu: Tôi chỉ có thể nói là mỗi đề tài đều có cái hay riêng của nó. Và chúng tôi đánh giá mức độ chất lượng của khóa luận thực chất là thông qua việc các em trình bày, bảo vệ trước hội đồng cũng như cách mà các em trả lời chất vấn có khoa học, logic và thể hiện được chính kiến của mình hay không.
Vây nếu chỉ dùng một từ để đánh giá về khóa học đầu tiên, đặc biệt là chất lượng khóa luận tốt nghiệp của sinh viên khóa 1, Tiến sĩ muốn nói điều gì?
TS. Đặng Hoài Thu: Tôi thực sự thấy hài lòng. Các khóa luận có chất lượng khoa học cao. Các em đã không phụ lòng mong mỏi của tập thể cán bộ giảng viên trong khoa nói riêng và nhà trường nói chung. Bốn năm học tập, chúng tôi đã thấy sự trưởng thành rõ nét của sinh viên và sự tự tin về chuyên môn để bắt đầu sự nghiệp của riêng mình. Điều này khiến chúng tôi rất vui mừng, giống như trồng cây tới ngày hái quả vậy. Vui hơn nữa là chúng tôi đã nhìn thấy kết quả ngay trong kỳ thực tập của sinh viên vừa qua tại các cơ quan, doanh nghiệp…, các em đã để lại ấn tượng tốt và khẳng định năng lực của bản thân. Nhiều cơ quan còn có lời mời hợp tác, dành cơ hội cho các em thử sức sau khi ra trường. Và để có được thành công ngày hôm nay, phải nói tới sự cố gắng rất nhiều của cán bộ giảng viên trong khoa và sự hỗ trợ tích cực của cán bộ giảng viên nhà trường.
Với tư cách là Trưởng khoa Văn hóa học, Tiến sĩ có thể chia sẻ về định hướng đào tạo của Khoa trong giai đoạn tới?TS. Đặng Hoài Thu: Quan điểm của Khoa Văn hóa học là luôn luôn có sự kết nối với sinh viên ra trường để có sự điều chỉnh phù hợp trong chương trình đào tạo với sự thay đổi của xã hội. Khóa 1 là khóa mà chúng tôi dành nhiều tâm sức và cũng vất vả hơn cả vì vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, điều chỉnh để rút ra những hướng đi phù hợp nhất trong đào tạo. Và định hướng của chúng tôi không phải chỉ dạy đơn thuần những kiến thức về văn hóa, mà đòi hỏi tính ứng dụng cao gắn với thực tế. Chính vì vậy, chúng tôi đã có một khung chương trình đào tạo rất chi tiết, cân đối và linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành, thực tế. Điều này đã đem đến những thuận lợi giúp cho các sinh viên có kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn khi ra trường. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra những nhân lực có thể làm tốt công tác đưa văn hóa hòa trộn và lại gần với cuộc sống hơn.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Đặng Hoài Thu!
Một số hình ảnh về lễ bảo vệ Khóa luận
tốt nghiệp của Khoa Văn hóa học:
Sinh viên lắng nghe ý kiến phản biện của
Hội đồng sau phần thuyết trình
ThS. Nguyễn Thanh Mai nhận xét về đề tài của sinh viên
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên hướng dẫn
Để có được sự thành công trong lễ bảo vệ tốt nghiệp
cô và trò đã có nhiều buổi trao đổi, định hướng và góp ý về đề tài
Hạnh phúc cùng mẹ trong ngày
bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thành công
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng
chấm khóa luận tốt nghiệp
Bài và ảnh: Hà Tuyên
Admin 5