04/06/2017, 00:32

Nét đặc sắc trong nghệ thuật phóng sự của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Cơm thầy cơm cô.

Nói đến phóng sự trong giai đoạn 1930-1945 trước hết phải đặt tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên hàng đầu. Ông từng được mệnh danh là "vua phóng sự đất Bắc”. Điều đó đã được chứng minh qua những tác phẩm tiêu biểu như: Cạm bẫy người(1933), Kĩ thuật lấy Tây (1943) và đặc biệt là Cơm thầy cơm cô ...

Nói đến phóng sự trong giai đoạn 1930-1945 trước hết phải đặt tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên hàng đầu. Ông từng được mệnh danh là "vua phóng sự đất Bắc”. Điều đó đã được chứng minh qua những tác phẩm tiêu biểu như: Cạm bẫy người(1933), Kĩ thuật lấy Tây (1943) và đặc biệt là Cơm thầy cơm cô (1936). Với tác phẩm Cơm thầy cơm cô, tác giả đã thể hiện một tài năng nghệ thuật phóng sự bậc thầy.

Cả thiên phóng sự gồm mươi chương, đoạn trích chương ba và chương bốn là hai chương tiêu biểu của phóng sự nổi tiếng này. Qua đoạn trích chúng ta sẽ thấu hiểu được cảnh cơ cực, cùng quẫn của những người lâm vào cuộc sống cơ hàn trong xã hội cũ. Nhà văn trong vai nhân vật "tôi" đi xin việc, đà tái hiện lại một xã hội đầy bất công mà ông gọi là "chó đểu".
 
Trong văn học nói chung và thể phóng sự nói riêng đế tạo ra cho tác phẩm một sức sống lâu bền với thời gian, nhà văn không chi xây dựng cốt truyện với những chi tiết, tình huống truyện độc đáo giàu giá trị nội dung mà qua đó còn quan tâm đến tính nghệ thuật của tác phẩm. Thật vậy, trong phóng sự Cơm thầy cơm cô, tác giả Vũ Trọng Phụng đã thành công trong việc thể hiện tài năng nghệ thuật của mình. Với lối văn sắc sảo, cay độc mang tính chất châm biếm, đoạn trích ở hai chương phóng sự này giàu tính giá trị nghệ thuật đặc sắc tạo cho người đọc cuốn vào những diễn biến của tác phẩm.
 
Mở đầu chương ba, chúng ta đã bắp gặp ngay một hiện trạng, đó là những người lao động thất nghiệp đi kiếm việc làm bằng cách tụ tập ra những chợ "bán người", chỉ mong có được một "thầy kí", "cô đầm" nào đây rước về làm việc vặt. Tình cảnh của họ mới thật éo le, thật thương tâm và tội nghiệp. Trong số đó gồm tất cả mọi lứa tuổi và đủ cả hai giới nam và nữ. Ta cứ xem cái chương của phóng sự "Muốn bán mười sáu người" là đủ hiểu sự thảm hại của hiện trạng thất nghiệp thời bấy giờ. Cái tên chương như một cái biển quảng cáo rao hàng, cứ như mục rao vặt trên mặt báo. Nhưng ở báo chí thường người ta chỉ rao bán đồ vật, tài sản, còn đây lại rao bán người. Không những thế, lại bày ngay trên mặt phố vừa bày vừa rao. Sự thật thì có chuyện bán người, mà lại bán với cái giá rẻ mạt, thậm chí còn rất ế ẩm.
 
Trong cái chợ giời bán người đó tất xuất hiện những loại người buôn bán "Tôi thấy mụ trùm ế hàng mà lo cho bọn khốn nạn kia, còn chính mụ lại ra ý sung sướng, tôi chưa hiểu vì lẽ gì".
 
Nhân vật "tôi" đóng vai người điều tra phỏng vấn đã được mắt thấy tai nghe ở cái "ngã tư đường", nơi tụ họp của những người thất nghiệp, ở đó có sự bất công đến lạ lùng, mụ "đưa người" thì thừa cơ dùng những thủ đoạn, những món nghề ra mà tác oai trước mặt bao kẻ cùng quân, tội nghiệp. Hiện lên trước mặt chúng ta là đám người "ngồi dơ mặt cho ruồi bâu” và số phận của họ trên con đường kiếm kế sinh nhai. Phải cho rằng tình cảnh của những người lao động thất nghiệp ấy đã rơi vào tình thế bi đát nhất. Cứ xem cảnh sinh hoạt của họ, ta sẽ phải chua xót thay cho những thân phận cơ hàn ấy. Người ta nói chuyện rầm rì huyên thuyên lên, cái đó đã cố nhiên. Người ta lại chửi nhau, "vui vẻ bắt chấy cho nhau, cắn cho đỡ đói". Quả là một bi kịch thảm khốc của người lao động thất nghiệp. Dường như ở họ, cái lối thoát chật chội chỉ còn biết dựa vào sự may rủi của cách xin việc khốn khó đó. Ấy thế mà giá cả thuê mướn lại còn bị kẻ môi giới ăn bớt, ăn xén. Những sự việc đó đều được nhân vật "tôi" chứng kiến qua quá trình điều tra phỏng vấn của mình.
Trong chương thứ ba của phóng sự, tác giả đặc biệt chú ý đến những nỗi thống khổ của tầng lớp lao động đủ mọi lứa tuổi, và dường như cái giá của họ là do mụ "đưa người” toàn quyền quyết định. Qua cuộc phỏng vấn ngắn, nhân vật "tôi" đã được mụ môi giới cho biết giá của từng loại người. Nhưng mặc dù đã có những cái giá "rẻ như bèo” ấy, hàng vẫn cứ ế. Phải nói rằng cuộc vật lộn vói "cơm thầy cơm cô" của họ là vô cùng gian khổ. Tuy thế cứ theo cách bình luận của nhân vật "tôi" ở cuối chương ba, ta mới thấy hết sự bất công và sự khốn cùng nó hiện ra như thế nào. Theo lời bình của nhân vật "tôi", "Hà Thành không có sự tổ chức, đám dân hạ lưu chia nhau ra khắp các phố, thành thử những người lịch sự tưởng Hà Thành lịch sự, mà các nhà xã hội học cũng tưởng Hà Thành không có chuyện gì bi thương".. Lời bình luận đó của nhân vật "tôi" chen vào những chi tiết hiện thực đậm nét đe tố  cáo cái xã hội "chó đểu". Với cách nói trái ngược mang màu sắc châm biếm, tác giả đã lột cái mặt nạ "Hà Thành lịch sự", "Hà Thành không có chuyện gì bi thương".
 
Khi đóng vai người đi xin việc, tác giả đã nhận ra rất nhiều chuyện trớ trêu từ đám người khốn khổ ấy. Nhân vật "tôi", người đóng vai điều tra viên lại bình luận tiếp về cái xã hội lắm điều oan trái. "Nó đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo đến đây để lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó làm cho cái giá con người phải ngang hàng giá loài vật, nó làm cho một bọn trẻ đực vào nhà Hoả Lò và một bọn trẻ cái làm nghề mại dâm".
 
Thật là thảm hại và thương tâm. Cuộc sống của họ đã bị tụt xuống đáy sâu của sự khốn khổ và lời bình luận ấy cũng đau đáu một nỗi thương cảm đến mức khiến cho người đọc phải chua xót, nghẹn ngào. Thì ra, trong cảnh khốn cùng cái giá của con người chỉ còn được so sánh ngang hàng với giá loài vật, thậm chí còn không bằng con vật. "con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn", còn con người muốn ăn thì con trai phải vào nhà Hoả Lò, con gái phải làm điếm. Ẩn đằng sau là dụng ý tác giả muốn phê phán xã hội đã bóp nghẹt sự sống của con người.
 
Bước sang chương bốn là nhân vật tôi phỏng vấn mụ môi giới và lắng nghe cuộc đối thoại, cuộc mặc cả, làm giá của mụ ta với kẻ đi thuê mướn người.
 
Nếu ở chương ba là việc phát giá, thì sang chương bốn là việc ngã giá. Qua một vài lời phỏng vấn của nhân vật tôi, ta sẽ thấy có rất nhiều mức giá được đặt ra cho từng thứ hạng người.
 
Kết thúc chương bốn là những lời bình luận của nhân vật tôi. Theo đó sự việc và nội dung câu chuyện như  càng được hiện lên đầy đủ. Họ chia tay nhau ..... mụ đưa người đã thành công trong cái việc "bóp cổ" người.
 
 Cái giá trị làm người chỉ là để đổi lấy chút "cơm thầy cơm cô" mà cũng thật khó khăn! Người đọc dễ dàng hình dung về một xã hội hội đầy bất công và lắm điều oan trái.
 
Nghệ thuật phóng sự của cơm thầy cơm cô trước hết là những ghi chép chân thực, đầy giá trị hiện thực và hiện thực ấy được tác giả tái hiện hết sức sinh động. Bên cạnh đó, cách quan sát và tái hiện lại thay đổi thường xuyên khiến người đọc bị thu hút một cách đặc biệt.  Có thể không ở đâu hơn là thể phóng sự, nhà văn mới có thể thoả sức tung hoành trong khi miêu tả và phản ánh hiện thực. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào tài năng của nhà văn. Một thực tế dễ thấy là tác giả đã sử dụng những cách nói đầy nghịch lí khiến người đọc dễ nhận ra bản chất của vấn đề. Nói đúng hơn, đó chính là tài quan sát và khám phá, cái sâu sắc trong những suy ngẫm, trăn trở về số kiếp con người đã giúp cho từng câu văn trở nên sắc nét và đầy ấn tượng.
 
Bên cạnh đó, thiên phóng sự này còn nổi bật ở nghệ thuật trào phúng. Đây là những trang văn châm biếm sắc xảo cái xã hội mà ông gọi là "chó đểu". Sở dĩ có được những tiếng cười "nhếch miệng" mà chua chát về thân phận con người như vậy là bởi nhà văn đã dày dạn vốn sống, có một chiều sâu suy tư và kinh nghiệm cuộc đời.
 
Chỉ cần đọc những trang văn trích phóng sự cơm thầy cơm cô, ta thấy Vũ Trọng Phụng xứng đáng là một thiên phóng sự bậc thầy trong văn học Việt Nam đương đại.

0