04/06/2017, 00:32

Bình giảng bài Tương tư của Nguyễn Bính.

Trong làng Thơ Mới, Nguyễn Bính được mệnh danh là nhà thơ của "hồn quê” Việt Nam. Tiếng thơ ông toát lên những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc và gần gũi đối với chúng ta. Nhà thơ Nguyễn Bính đã phát huy một cách xuất sắc truyền thống văn học dân gian trong sáng tạo thơ mới. Sáng tác của Nguyễn Bính ...

Trong làng Thơ Mới, Nguyễn Bính được mệnh danh là nhà thơ của "hồn quê” Việt Nam. Tiếng thơ ông toát lên những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc và gần gũi đối với chúng ta. Nhà thơ Nguyễn Bính đã phát huy một cách xuất sắc truyền thống văn học dân gian trong sáng tạo thơ mới. Sáng tác của Nguyễn Bính thường hướng về đồng quê, với những chủ đề quen thuộc như những cuộc tình duyên dang dở, nỗi niềm tương tư... Bài thơ Tương tư với thể thơ lục bát truyền thống, như khúc dao duyên đằm thắm, ...

Cảm hứng sáng tác thường phải được bắt nguồn từ một tình cảm nào đó rất sâu đậm và chân thật, ở Nguyễn Bính, sự mộc mạc của tâm hồn đã được nuôi dưỡng trong tình cảm quê hương mặn mà, chân thật và rất đỗi thân thương.
 
Mở đầu bài thơ, tác giả đưa ra hình ảnh làng quê như để nói lên nỗi niềm riêng tư thầm kín về một mối tình nảy nở:
 
"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
 
 ở khổ thơ đầu này, tác giả nói len tâm trạng "nhớ" của một người đối với một người khác ở một thôn khác. Nỗi nhớ ấy có cái gì thiết tha, trìu mến mà cũng thật sâu nặng: "Một người chín nhớ mười mong một người"
 
Như vậy là nhớ lắm, nỗi nhớ da diết của một trái tim phải lòng một người cách biệt.
 
Hai câu cuối của khổ thơ đầu như một lời minh bạch cho nỗi nhớ nhung của mình.
 
"Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng."
 
Thực chất đây là lời khẳng định dứt khoát một tình yêu. Tương tư là bằng chứng của một tình yêu nồng nàn và say đắm nhưng còn kín đáo và xa xôi. Nhưng tương tư trong bài thơ này xem ra chỉ dành cho một người, nghĩa là tương tư đơn phương và như vậy nỗi nhớ mong lại càng đau đáu khôn nguôi. Điều đó cho thấy bên trong sự tương tư là niềm khao khát gần kề, chung tình, khao khát nhân duyên. Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính thường gắn với hôn nhân, sum họp, đoàn tụ, đó là đặc điểm của một hồn thơ đậm chất truyền thống, chất chân quê này.
 
Sang khổ thứ hai, nhà thơ bày tỏ nỗi niềm riêng tư với những câu hỏi ẩn chứa sự day dứt khôn nguôi, và qua đó thể hiện một tình yêu nồng cháy, mặn mà:
 
" Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"
 
Với việc nhà thơ sử dụng câu hỏi tu từ ở giữa khổ thơ cho thấy nỗi nhớ đang dần chuyển sang mối hoài nghi về tình cảm của đối tượng được mong nhớ. Hay nói cho đúng hơn đây là câu hỏi đặt ra cho người "bên ấy " để người bên này được giãi bày tâm sự. Nhưng mà:
 
" Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"
 
Vậy là hi vọng ngày càng mong manh và sự xa cách ngày càng hiện hình rõ nét. Dù thời gian "ngày lại qua ngày" rồi nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu của tình yêu nơi người "bên ấy" của thôn Đông. Vì vậy như càng khắc sâu vào cõi lòng người mong nhớ một khoảng thời gian dài lê thê. ở câu thơ cuối của khổ thơ là một minh chứng rõ ràng về sự rộng dài đằng đẵng của thời gian: "Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng."
Từ "nhuộm" nói lên một sự đã rồi. Cái cảm giác gợi ra thật tinh tế. Nếu đem so sánh từ "nhuộm" trong bài thơ này với từ "nhuộm" trong câu thơ của Nguyễn Du ta sẽ thấy rõ điều vừa nói trên:
 
"Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san"
 
"Nhuốm" nghĩa là chưa phải là đã hoàn toàn biến đổi sắc thái của "rừng phong” mà chỉ là sự thay đổi chưa hoàn thành mà thôi. Còn từ "nhuộm" của Nguyễn Bính trong câu thơ này tỏ ra đã hoàn thành một sự việc. Cho nên, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính như càng xót xa hơn, tội nghiệp hơn vì nỗi mong nhớ của mình.
 
Nếu tâm trạng nhớ mong luôn hối thúc thời gian trôi nhanh thì ngược lại ngày tháng càng dài lê thê và chậm chạp. Do đó trong thâm tâm nhân vật của bài thơ mọi nhớ mong càng đằng đẵng theo chiều dài của thời gian. Nên tất cả đều trở nên xa vời và cách trở.
 
"Bảo rằng cách trở đò giang
 Khôny sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi..."
 
Trong tình yêu luôn có những lời trách móc có duyên. Chàng trai thường là người chủ động trong việc tỏ tình với cô gái nên thường đưa ra những lời oán trách thầm kín nhẹ nhàng:
 
"Có xa xôi mấy mà tình xa xôi... "
 
Nhưng kì thực, xem ra giữa hai con người đó vẫn còn có sự cách trở, cô gái đã chẳng sang dẫu từ "bên ấy" sang bên này chỉ "cách một đầu đình". Vậy là chàng trai, nhân vật trữ tình của bài thơ luôn chìm trong mong nhớ vời vợi:
 
"Tương tư đã mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?"
 
Từ sự mong nhớ có thể nói là ”bất thành" ở trên, đến đây, chàng trai mới thấm thía cái mênh mông xa vời của tình duyên, vì vậy, từ "tương tư" bây giờ đã bật ra thành những câu hỏi đầy ẩn ý :
 
" Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?"
 
Dường như đến giờ phút này buộc lòng ngưòi trai trẻ phải thốt ra câu hỏi vừa như để trách thầm người "bên ấy" vừa như thể hỏi chính mình vậy. Nhưng tất cả đều "bặt vô âm tín". Do vậy tâm trạng của nhân vật trữ tình như càng não nề trong sự mong nhớ mênh mông. Và rồi tâm trạng ấy tự trong lòng mình chàng trai đành ngậm ngùi mơ tưởng đến một vài hình tượng quen thuộc.
"Nhà em có một giàn giầu
 Nhà anh có một hang cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
 
Hình ảnh trầu, cau bao giờ cũng gắn với những câu chuyện tình duyên, ở đây, nhân vật trữ tình đã từ tâm trạng mong nhớ chuyển sang việc tưởng tượng ra một cuộc tình đẹp, nên thơ. Vì vậy xen lẫn với tâm trạng ấy là niềm khát khao được nên nhân duyên, gắn kết như dây trầu quấn lấy thân cau. Tuy thế mọi giấc mơ cháy bỏng chỉ được đáp lại bằng những gì trông xa xăm của không gian và thời gian, vì vậy ở cuối bài thơ vẫn chỉ là một câu hỏi tu từ đầy ẩn ý. Điều đó chứng tỏ niềm khát khao nhân duyên của nhân vật trữ tình chưa dừng lại, vẫn còn nung nấu một nỗi nhớ mong, một sự chờ đợi ngọt ngào của tình yêu ở phía trước.
 
Có thể khẳng định lại rằng, hồn thơ Nguyễn Bính không chỉ đậm chất quê mà còn tinh tế, ý nhị đến tuyệt vời. Từng lời thơ chan chứa tâm tình của tác giả lồng với tâm trạng của nhân vật tạo nên dấu ấn riêng của thơ Nguyễn Bính. Với giọng điệu thơ nhẹ nhàng và sâu lắng tác giả đã gửi gắm vào bài thơ cái thần của một khúc ca dao duyên ngọt ngào và đằm thắm. Vì vậy đọc thơ Nguyễn Bính ta luôn được chìm trong âm điệu của một bản nhạc đồng quê quen thuộc.
 
Bài thơ thuộc thể loại thơ lục bát, với nhịp thơ đều đều tạo cho thi phẩm một âm hưởng vừa như bản tình ca vừa chứa đựng chất văn lãng mạn. Với việc nhà thơ tạo dựng một loạt câu hỏi tu từ xen lẫn giữa các khổ thơ làm cho bài thơ đạt hiệu quả diễn đạt cảm xúc của nhân vật trữ tình. Các hình ảnh được sử đụng trong bài thơ cũng rất gần gũi và thân thương dễ làm cho người đọc liên tưởng đến một cảnh thôn xóm ở làng quê nào đó của Việt Nam.
 
Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi tu từ cho thấy nỗi niềm riêng tư của nhân vật trữ tình luôn mang nặng tâm thế của một người luôn đi tìm tình nhân duyên. Tác phẩm của Nguyễn Bính luôn khơi dậy nơi người đọc hồn quê bình dị và nên thơ.
 
Bài thơ này cho thấy nhà thơ Nguyễn Bính là một hồn thơ "thân quen" đối với chúng ta. Tác phẩm thể hiện một tài năng nghệ thuật đáng kính nể của nhà thơ trong việc diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tiếng thơ Nguyễn Bính luôn vang mãi trong lòng người đọc và toả ngát hương thơm trong vườn văn học Việt Nam đương đại.

0