Một cơ hội bị bỏ lỡ ở Việt Nam năm 1945?
Tháng 8/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với đơn vị OSS- Nguồn ảnh Tác giả: Lê Minh Khải Người dịch: Hoa Quốc Văn Có một ý tưởng đã từng được đưa ra nhiều lần là Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội năm 1945 khi Truman đã không trả lời bất ...
Tác giả: Lê Minh Khải
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Có một ý tưởng đã từng được đưa ra nhiều lần là Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội năm 1945 khi Truman đã không trả lời bất cứ lá thư nào của Hồ Chí Minh trong đó tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ cho nền độc lập của Việt Nam.
Ý tưởng đó là nếu chính phủ Mỹ đơn giản hiểu được rằng Hồ Chí Minh là một nhà dân tộc chủ nghĩa hơn là một người cộng sản và ủng hộ nỗ lực thiết lập nền độc lập cho Việt Nam của ông, thì có lẽ mọi thứ sau thời điểm đó đã khác.
Một người đặc biệt gắn với ý tưởng này là Archimedes Patti, một nhân viên OSS ở Việt Nam năm 1945, người đã xuất bản một cuốn sách năm 1980 trong đó ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này (Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu cho cánh chim hải âu của Hoa Kì).
Đây cũng là một phần của một diễn ngôn ở Việt Nam. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy nó được thể hiện bởi nhà sử học và cách mạng quá cố Trần Văn Giàu trong clip dưới đây, từ một bộ phim tài liệu “Thế kỉ Thái Bình Dương: Từ nòng một khẩu súng” nơi ông nói như sau (phút 4:00):
“Niềm tin vào sự giúp đỡ của Mỹ của Hồ Chí Minh là có lí của nó. Vấn đề không phải là Hồ Chí Minh muốn thiết lập của quốc gia cộng sản. Vấn đề chính là độc lập, tự do và nền cộng hoà, không phải là một Việt Nam cộng sản. Sau đó, chúng tôi mới tìm kiếm chủ nghĩa cộng sản”.
Hơn 15 năm trước hoặc đại loại như vậy, các học giả đã nghi ngờ ý tưởng này. Chẳng hạn, trong cuốn Hình dung về Việt Nam và Mĩ: Sự cấu thành Việt Nam hậu thuộc địa, 1919-1945, sử gia Mark Philip Bradley chỉ ra rằng có một sự khá khác biệt giữa điều Patti nhớ năm 1980 và điều ông ta viết năm 1945.
Chẳng hạn, năm 1980, Patti viết về cuộc gặp ngày 27 tháng 8 năm 1945 giữa Jean Sainteny và Võ Nguyên Giáp như sau:
“Mặc dù có những nỗ lực của ông ta nhằm ra vẻ dân sự, ông ta [Sainteny] đã lên tiếng cắt lời Giáp bằng một bài lên lớp của bề trên… Giáp, bằng tiếng Pháp hoàn hảo và sự bình tĩnh tuyệt đối, đáp ông không đến để bị lên lớp… Lần đầu tiên trong đời, Sainteny đang đối diện với một người Việt dám đương đầu với một người Pháp. Sainteny đã bị vượt mặt và bực bội trông thấy” (134).
Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1945, Patti thực tế đã viết như sau:
“… rõ ràng ngày từ đầu người Pháp đã ở trên cơ và suốt quá trình thương lượng những người An Nam đã đánh mất chỗ đứng đáng kể chủ yếu vì phức cảm tự ti của mình khi phải đối mặt với một người châu Âu” (135).
Tương tự, các học giả khác đã chỉ ra rằng, ngược với tuyên bố của Trần Văn Giàu, không có nhiều thời gian được dùng để tìm kiếm chủ nghĩa cộng sản.
Dù sao, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi thấy rằng kí ức của một số người không phù hợp với thực tế lịch sử. Nhưng thế thì thực tế lịch sử là gì? Liệu có một cơ hội cho Hoa Kì ở Việt Nam năm 1945?
Chắc chắn có những người đã tuyên bố muốn dành cho Hoa Kì một cơ hội. Chẳng hạn, ngày 22 tháng 8 năm 1945, người đứng đầu OSS William Donovan gửi chuyển tiếp tới Bộ ngoại giao thông tin mà một nhân viên OSS ở Côn Minh đã đệ trình. Nhân viên này trích lời “lãnh đạo của Quốc Dân Đảng An Nam tại Trung Quốc và một đại diện trực tiếp của Uỷ ban Giải phóng trung ương tại Hà Nội” đã nói như sau:
“Uỷ ban trung ương mong muốn báo cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng người dân Đông Dương trước hết khát khát nền độc lập cho Đông Dương, và đang hi vọng rằng Hoa Kì, với tư cách là một quán quân của nền dân chủ, sẽ giúp Đông Dương bảo vệ nền dân chủ nàng bằng cách hành động sau:
“(1) Ngăn chặn, hoặc không giúp đỡ người Pháp vào Đông Dương; (2) kiềm chế người Trung Quốc, nhằm giảm thiểu sự cướp phá; (3) gửi các cố vấn kĩ thuật đến giúp người Đông Dương khai thác các nguồn lực của vùng đất này; và (4) phát triển các ngành công nghiệp mà Đông Dương có thể ủng hộ.
“Tóm lại, người Đông Dương muốn có được vị trí tương tự như Philipines trong một giai đoạn chưa xác định”.
Rồi có một trường hợp thú vị là Huynh Van Khoa (Huỳnh Văn Khoa?), một người Việt Nam sống ở Berlin vào tháng 7 năm 1945 đã viết 2 tài liệu bằng tiếng Đức: “Vorschläge für eine Zusammenarbeit zwischen Amerika und Indochina” (Proposals for Cooperation Between America and Indochina – Kế hoạch hợp tác giữa Mỹ và Đông Dương) and “Die Wirtschaft Indochinas” (The Economy of Indochina – Nền kinh tế Đông Dương).
Sau đó ngày 29 tháng 10 năm 1945, Huynh Van Khoa hoàn thành phiên bản tiếng Anh của các tài liệu này. Chúng không có vẻ là những bản dịch chính xác. Các tài liệu bằng tiếng Anh kém hoàn thiện hơn, nhưng có lẽ tràn trề hi vọng hơn, bởi một thực tế là tiêu đề của tài liệu thứ nhất đã biến thành “Vận mệnh của Đông Dương”.
Vận mệnh của của Đông Dương chính xác là gì, theo Huynh Van Khoa? Vâng, với ông ta đó là đến Hoa Kì, nhận một hộ chiếu Hoa Kì, và rồi với sự giúp đỡ của một ngân hàng có ảnh hưởng ở Hoa Kì, sẽ đặt một ngân hàng Mỹ đầu tiên tại Đông Dương và sẽ tiếp quản “đại diện của công ty Xuất nhập khẩu Mỹ tại Đông Dương”.
Huynh Van Khoa cũng đề nghị đưa một số sinh viên Đông Dương đang ở Berlin lúc bấy giờ, “những sinh viên Đông Dương tốt nhất tại Châu Âu”, những người theo ông “sẽ được bảo vệ khỏi xu hướng chuyển thành những người cộng sản”.
Thêm nữa, Huynh Van Khoa hứa hẹn rằng sau đó những sinh viên này sẽ đảm nhiện nhiệm vụ “tuyên truyền cho Hợp chủng quốc Hoa Kì tại Đông Dương”.
Như tôi đã viết trước đây, có một người đàn ông Việt ở Pháp tham gia quân đội Mỹ trong chiến tranh cũng viết một lá thư tương tự.
Vì vậy, năm 1945 đã có một vài người Việt viết thư cho chính phủ Hoa Kỳ và gợi ý cho Hoa Kì một “cơ hội”.
Tuy nhiên, những người này và khát vọng tương lai của họ là khác nhau. Hơn nữa, những người tôi đề cập ở đây chỉ thể hiện một hình mẫu nhỏ về tính đa dạng đã tồn tại ở Việt Nam lúc bấy giờ liên quan đến viễn kiến tương lai của người dân.
Do đó đây là chỗ mà tôi nghĩ rằng ý tưởng về “cơ hội bị bỏ lỡ” tan rã. Năm 1945, có quá nhiều mối quan tâm/lợi ích và các nghị trình, về tất cả các mặt, để hình thành một cơ hội. Đây là môi trường mà chủ nghĩa cơ hội có thể mọc lên như nấm, nhưng lại là nơi khó có thể hình thành một cơ hội.
Trong khi đó, kí ức có xu hướng quên đi những tiếng nói và mối quan tâm đa dạng trong quá khứ. Sau tất cả, nó cũng mang tính cơ hội chủ nghĩa.
Nguồn bài đăng