Mối lo tư liệu gốc
Trần Trọng Dương “Bia Đường Lâm”, niên đại ghi trên bia là năm Quang Thái thứ 3 (1390), nhưng đã được giám định là khắc vào đầu thế kỷ XIX, bản dịch hiện đang trưng bày tại Bảo Lịch sử Quốc Gia. Có một việc vô cùng nguy hiểm đang diễn ra bấy lâu nay trong ...
Trần Trọng Dương |
“Bia Đường Lâm”, niên đại ghi trên bia là năm
Quang Thái thứ 3 (1390), nhưng đã được
giám định là khắc vào đầu thế kỷ XIX, bản dịch
hiện đang trưng bày tại Bảo Lịch sử Quốc Gia.
Tại một hội thảo khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ ở Viện Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), anh Quang Hà (công tác tại Trung tâm Hoàng Thành) đề cập việc nghiên cứu lịch sử thời Lý Trần rất khó khăn bởi tư liệu hiện nay còn lại quá ít. Ngay lập tức một vị tiến sĩ tại Viện phản biện rằng: nói như vậy là không xác đáng, bởi tính cho đến thời điểm này đã có không biết bao nhiêu sách vở, công trình nghiên cứu về thời đại Lý Trần được xuất bản. Nghe lời giải thích ấy, chúng tôi giật mình hiểu ra rằng có một việc vô cùng nguy hiểm đang diễn ra bấy lâu nay trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Đó là có một bộ phận không nhỏ các nghiên cứu viên không phân biệt được tư liệu gốc (original text) với tư liệu thứ cấp và tài liệu tham khảo; hay nói cách khác, họ không thấy cần thiết phải tiếp cận hoặc sử dụng các tư liệu gốc cho nghiên cứu của mình. Có thể kiểm chứng thực trạng đó qua không ít bài viết được gọi là nghiên cứu đăng trên các tạp chí nhưng hóa ra chỉ là sản phẩm của việc người này trích dẫn lại người nọ. Đọc những bài viết ấy, người ta không thấy tư liệu mới, kết luận mới, nhận thức mới, mà chỉ thấy những lời văn mới được biên tập lại từ những bài văn cũ.
Tư liệu gốc là loại tư liệu được biên soạn, và định bản ngay trong chính thời đại đó, do chính chủ thể văn hóa, chủ thể lịch sử đó tạo tác. Ví dụ, những tư liệu gốc về thời đại Lý Trần phải là những tư liệu được định bản ngay trong chính thời đại Lý Trần. Và như chúng ta biết, không một cuốn sách nào được chép, in vào thời Lý Trần còn lại cho đến ngày nay! Bởi trải qua gần ngàn năm lịch sử, trải qua bao cuộc chiến tranh, thiên tai, nhân họa, các tư liệu văn hiến đó bị thất tán hết cả. Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn từng thốt lên, sách vở xưa có mười mà nay không còn đến một.
Dĩ nhiên, sách vở (thường được định bản bằng giấy) không phải là loại hình văn bản duy nhất trong hệ thống tư liệu để nghiên cứu về xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, các tư liệu văn hiến còn được định bản trên các vật liệu khác như đá, gỗ, đồng, vàng, sứ, đất nung…, những vật liệu có tính bền vững cao hơn, khả dĩ vượt qua thử thách của thời tiết khắc nghiệt trong quãng ngàn năm. Kiểm lại các tư liệu gốc như vậy của thời đại Lý Trần còn lại cho đến nay phần lớn là các văn bia (quãng ba bốn chục văn bia) được khắc lên đá, thường được gọi là “những trang sử đá” của dân tộc. Văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (được Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn, và được một vị Thượng thư khác viết chữ và khắc vào đời vua Lý Nhân Tông) ở chùa Long Đọi, Hà Nam, là một tư liệu như vậy. Được soạn và khắc với niên đại xác tín tuyệt đối, là vào năm 1121, đây là sử liệu gốc duy nhất còn lại do chính vua Lý Nhân Tông cho soạn. Văn bia này cũng là một tuyệt phẩm nghệ thuật ở các lĩnh vực: văn chương, điêu khắc cổ và thư pháp cổ điển.
Loại tư liệu gốc thứ hai là loại tư liệu có khả năng được biên soạn vào thời đại đó, nhưng hiện chỉ còn văn bản được chép - in lại vào thời đại sau. Điển hình cho loại này là các sách Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông, Lĩnh Nam trích quái, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh… Tức là những sách được sáng tác vào đời Trần, nhưng hiện còn lại phần lớn là văn bản từ thế kỷ XVII trở về sau. Những văn bản đó không ai dám chắc đã mang đúng những thông tin vào thời Trần, mà có khả năng trong mấy trăm năm lưu truyền, sao đi chép lại, văn bản đã được bổ sung/thêm bớt nhiều lần, khiến cho chúng ta không thể nào biết được diện mạo của văn bản gốc1.
Đến như văn bản Đại Việt sử ký toàn thư - một văn bản quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, ghi chép những sự kiện từ sơ sử đến nhà Lê, cũng chỉ là những tập hợp qua nhiều đời và bản in hiện còn được khắc in vào cuối thế kỷ XVII. Từ những ngổn ngang tư liệu như thế, người ta đã cho tiến hành những bản dịch sang tiếng Việt hiện đại. Nhiều người chỉ biết trích dẫn lại những bản dịch của những tư liệu chưa được kiểm định. Không mấy ai quan tâm và biết tư liệu gốc vốn được ghi chép như thế nào? Ghi chép ấy có gì chưa chuẩn xác? Bản dịch của những tư liệu ấy khả tín đến đâu? Các tạp chí chuyên ngành cũng không có quy định nào cụ thể liên quan đến việc trích dẫn tư liệu gốc và tài liệu tham khảo. Trong khi đó, ở nước ngoài những quy định như vậy là bắt buộc và là điều đương nhiên ai cũng biết2.
Nhiều người không thể tưởng tượng có những chuyện tày trời trong kho thư tịch cổ. Này là Gia huấn ca của đại danh hào Nguyễn Trãi, Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Cưu Đài thi tập của Nguyễn Húc, “tấm bia Đường Lâm” để xác định quê quán của hai vua Phùng Hưng - Ngô Quyền,… lại đều là đồ giả (ngụy thư)3. Tư liệu giả cũng có muôn hình vạn trạng khác nhau, tùy từng động cơ và mục đích. Ví như, vì yêu quý danh nhân, thương xót cổ thư mà người ta sáng tác lại Gia huấn ca, hay Binh thư yếu lược. Có khi chỉ vì tiền, mà người ta chép sách của người này gán vào người khác, như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim biến thành Việt sử diễn âm của Hoàng Cao Khải. Có khi vì muốn kéo dài lịch sử, mà người ta cho làm giả niên đại của một cuốn sách, như thần phả Hùng Vương - chủ yếu là các văn bản của thế kỷ XVIII- XIX, nhưng đã được “khai khống” niên đại lên đến tận đời Lê Hoàn (thế kỷ X) hay Lê Thánh Tông (thế kỷ XV).
Từ tác phong khoa học, những mối hại dần dần chuyển nhịp sang cả đời sống đương đại. Người ta sẵn sàng dựng lên một nhân vật lịch sử nào đó với những mục đích riêng tây khác nhau. Một vị thành hoàng làng vô danh bỗng chốc trở thành thủy tổ của một dòng họ nổi tiếng, mà hậu sinh giờ đây là một doanh nghiệp giàu có. Một tín ngưỡng ở tầm địa phương vốn vay mượn từ truyện truyền kỳ Trung Hoa được “nhân vật hóa - lịch sử hóa” để trở thành một triều đại có thật trong lịch sử và trở thành niềm tự hào của hơn tám mươi triệu con người. Những mảnh ghép của nhiều nhân vật lịch sử khác nhau được nhào nặn để từ đó một danh tướng - anh hùng lịch sử xuất hiện. Người ta dùng cả những con ấn giả để buôn bán niềm tin tâm linh.
Từ năm 1945, khi chữ Hán, chữ Nôm chính thức được/bị thay thế bằng hệ thống chữ cái Latin (chữ Quốc ngữ)4. Những tư liệu gốc đã bị phá hủy không biết bao nhiêu mà kể, bởi quan niệm một thời: chữ viết thể hiện ý thức hệ phong kiến cổ hủ và lạc hậu. Cho đến nay, tình trạng ấy chưa phải đã hết. Một số cơ quan chuyên ngành mặc dù đã cố gắng, song việc sưu tầm, xử lý và vi tính hóa tư liệu ấy đến nay vẫn còn đang dang dở. Khá nhiều tư liệu vẫn còn đang nằm trong dân gian, và ngày ngày bị đe dọa biến mất. Một số lớn các tư liệu khác nằm ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan, Italy, Nhật Bản,…) vẫn chưa có dự án nào đưa về nước để khai thác. Còn quá nhiều việc phải làm cho nghiên cứu cơ bản. Cụ thể ra sao chúng tôi xin được đề cập đến trong một dịp khác.
-------
1 Ví dụ như cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, theo nghiên cứu văn bản học gần đây của một nhà Hán học Nga thì có những căn cứ rõ nét cho thấy cuốn sách này được sử quan nhà Mạc biên tập, thêm bớt, cắn xét với những mục đích khác nhau. [A. L. Fedolin. Những cứ liệu mới về việc chép sử Việt Nam. Lương Tự Cường dịch. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội. 2011].
2 Gần đây tôi có một người bạn học ở nước ngoài về. Anh rất quyết liệt trong việc đi học chữ Hán cổ, bởi lẽ, một số bài nghiên cứu của anh không được đăng do các cứ liệu, trích dẫn đều lấy từ các bản dịch. Mà bản dịch thì không phải là tư liệu gốc.
3 Xin xem các bài Hoàng Văn Lâu. Ai viết Gia huấn ca. Tạp chí Hán Nôm. số 01- 1984.
Ngô Đức Thọ. Khảo cứu về Binh thư yếu lược. Tạp chí Hán Nôm, số 01- 1989.
Phạm Văn Ánh. Về Nguyễn Húc và bộ Cưu đài thi tập hiện còn. Nghiên cứu Văn học, số 02 – 2006.
Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương. Đường Lâm là Đường Lâm nào? (Tìm về quê hương Đại Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu). Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Huế. Số 02- 2011.
4 Vũ Thế Khôi. Ai bức tử chữ Hán Nôm? http://vanhoanghean.vn