Đối thoại về tương lai văn hóa Việt Nam
Nếu như những năm cuối của thế kỷ XX, các nhà Việt Nam học từ nước ngoài cố gắng nghiên cứu và đưa ra những lý giải về nguyên nhân Việt Nam đã giành được chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Nói cách khác là họ quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị, kinh tế và ...
Nếu như những năm cuối của thế kỷ XX, các nhà Việt Nam học từ nước ngoài cố gắng nghiên cứu và đưa ra những lý giải về nguyên nhân Việt Nam đã giành được chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Nói cách khác là họ quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị, kinh tế và quá trình đổi mới ở Việt Nam.
Gs Phạm Đức Dương và gs Jack Dash Harris
Bước sang thập niên đầu của thế kỷ XXI, với những thay đổi to lớn ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học nước ngoài đã và đang quan tâm đến một vấn đề rất quan trọng là tương lai văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là sự thay đổi về hệ thống giá trị đang diễn ra ở Việt Nam. Phải chăng, khi chúng ta đang quá đề cao và quan trọng hóa sự phát triển của kinh tế, sự thay đổi của chính trị thì đồng thời đang bẵng quên đi những biến động không nhỏ trong những dòng chảy thầm lặng của nền văn hóa mà ở đó, nó thể hiện được những dáng dấp của một nền văn hóa mới đang chuyển mình và hình thành dù chưa thể khẳng định nó đi đến đâu?
1. Một cuộc đối thoại về tương lai văn hóa Việt Nam
Nhân ngày giải phỏng Thủ đô (10/10/2012), tôi vinh dự được cùng với GS.TS Phạm Đức Dương đón tiếp ông Jack Dash Harris, Giáo sư Xã hội học của Trường Đại học Hobart và Wiliam Smith, New York, Mỹ. GS Jack Dash Harris là một nhà xã hội học văn hóa và ông đang quan tâm đến vấn đề tương lai văn hóa Việt Nam. Mục đích của ông khi thực hiện chuyến nghiên cứu thực địa Việt Nam là để gặp và đối thoại với các nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề ông đang nghiên cứu. Tôi xin được lược trích cuộc đối thoại giữa hai nhà khoa học:
GS Jack Dash Harris: Văn hóa Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào khi đối diện với với kinh tế thị trường hiện đại và quá trình toàn cầu hóa?
GS Phạm Đức Dương: Việt Nam có một quá trình lịch sử luôn phải đối diện với những nền văn hóa lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Mỹ… Sau bao nhiêu thăng trầm, dân tộc tôi vẫn giữ được những bản sắc văn hóa của mình. Và hôm nay, chúng tôi mở cửa với tinh thần sẵn sàng làm bạn với tất cả những ai có thiện ý cùng phát triển. Tôi tin đất nước này vẫn có những sức đề kháng để gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của nền văn hóa dân tộc.
GS Jack Dash Harris: Các giá trị văn hóa ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Trước đây, người Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình để phục vụ lợi ích dân tộc. Có thể nói, đó là một nguyên nhân làm cho Việt Nam vững mạnh và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng hiện nay, các giá trị lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình và lợi ích nhóm đang được đề cao trong khi các giá trị cộng đồng, giá trị dân tộc đang bị bỏ ngỏ. Tính tư lợi đang phát triển nhanh chóng. Đây là một sự thay đổi lớn ở Việt Nam theo hướng thị trường TBCN. Vậy, điều gì sẽ xẩy ra với văn hóa Việt Nam?
GS Phạm Đức Dương: Tôi nghĩ điều đó dễ hiểu. Đất nước tôi sau hơn ba mươi năm chiến tranh, người ta đã hy sinh mọi thứ cho đất nước. Và bây giờ họ làm mọi thứ vì gia đình, cá nhân để cân bằng lại cuộc sống sau bao mất mát, hy sinh. Điều này dẫn đến việc Việt Nam phát triển không bình thường khi từ thái cực này chuyển đổi sang thái cực kia. Vậy nên cần phải cân bằng lại thì mới phát triển được.
GS Jack Dash Harris: Nhưng ai sẽ lãnh trách nhiệm đứng ra chỉ đạo, thu xếp sự cân bằng đó?
GS Phạm Đức Dương: Mỗi dân tộc đều có một tầng lớp tinh hoa đứng ra gánh trách nhiệm kiến thiết đất nước. Việt Nam cũng vậy, có một tầng lớp trí thức tâm huyết với nước nhà. Họ sẽ lãnh đạo đất nước cân bằng lại cuộc sống. Nhưng vấn đề là họ làm như thế nào và hiệu quả đến đâu. Chắc chắn phải trả giá nhưng cái giá phải trả sao phù hợp.
GS Jack Dash Harris: Những tầng lớp ông nói đến có các nhà lãnh đạo đất nước. Nhưng hiện tại, khi mà các nhà lãnh đạo đang vun vén cho cuộc sống cá nhân và gia đình họ nhiều hơn là phục vụ lợi ích quốc gia, thì làm sao họ có thể kiến tạo được sự cân bằng cho sự phát triển của đất nước?
GS Phạm Đức Dương: Tôi nghĩ mỗi dẫn tộc đều có một chiều sâu văn hóa như một sức đề kháng. Nó sẽ là nguồn nội lực để tự cân bằng được sự phát triển của nó.
GS Jack Dash Harris: Tôi có cảm giác Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc đổi mới khác. Đó có thể là cuộc đổi mới thứ hai của Việt Nam. Chúng ta sẽ hình dung như thế nào về nền văn hóa Việt Nam sau khi cuộc đổi mới thứ hai này kết thúc?
GS Phạm Đức Dương: Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đổi mới liên tục. Chúng tôi không muốn làm một cuộc cách mạng để hy sinh thêm xương máu nữa. Đất nước muốn phát triển thì phải đổi mới liên tục thôi.
GS Jack Dash Harris: Nhưng nếu đổi mới mà không muốn gây ra mâu thuẫn thì mất rất nhiều thời gian.
GS Phạm Đức Dương: Tôi thấy người dân Việt Nam có thể chờ thêm thời gian chứ họ không muốn một cuộc cách mạng bằng xương máu.
GS Jack Dash Harris: Tham gia vào thị trường thực ra là một cuộc cách mạng ở Việt Nam. Con người từ giá trị tập thể chuyển sang giá trị cá nhân với khát vọng nhanh chóng làm giàu. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng TBCN ở Việt Nam.
GS Phạm Đức Dương: Người Việt Nam đang nóng ruột, muốn làm giàu nhanh chóng, đổi mới nhanh chóng. Cách nghĩ này sẽ gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm về lâu dài. Đổi mới cần từ từ, chậm và chắc, từng bước giải quyết các vấn đề cơ bản.
GS Jack Dash Harris: Có lẽ đó chỉ là tạm thời thôi? Việt Nam không thể đi con đường khác nhân loại được. Con người phải được giải phóng và việc chú trọng đến lợi ích cá nhân cũng là xu hướng tất yếu. Nhưng với một nền văn hóa của một đất nước, đó sẽ là những thay đổi to lớn và khó hình dung.
GS Phạm Đức Dương: Người Mỹ, người Pháp và người Nga luôn nghĩ rằng người Việt Nam chỉ giỏi đánh giặc. Nay thấy người Việt Nam lao vào làm ăn kinh tế, vun vén cho gia đình thì họ rất ngạc nhiên. Đối với họ, đó là một cuộc cách mạng trong nhận thức về con người Việt Nam.
GS Jack Dash Harris: Việt Nam đang thay đổi và muốn phát triển nhanh như Hồng Kông, Singapore… Có thể một ngày nào đó người ta không còn nhận ra Việt Nam nữa khi các giá trị cốt lõi bị thay đổi. Vậy ai sẽ vẽ ra con đường gìn giữ những giá trị của Việt Nam?
GS Phạm Đức Dương: Dân tộc nào cũng có một hệ thống các giá trị cốt lõi được thử thách qua nhiều thời đại lịch sử. Người Việt Nam tôn trọng giá trị yêu nước, yêu quê, đề cao nhân nghĩa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vượt qua bao nhiêu thử thách, những giá trị đó vẫn còn tồn tại với dân tộc. Hiện nay cũng đang đứng trước những thử thách gay cấn, chỉ là không đổ máu chứ nguy hiểm không thua bất cứ giai đoạn nào của lịch sử. Có thể tôi đã già rồi nên không nhìn thấy được những sự biến đổi rộng lớn đang diễn ra trên đất nước tôi. Người già thường hay nhìn về phía sau! Nhưng tôi tin, Việt Nam vẫn có những tri thức với lòng yêu nước, sự dũng cảm và trí tuệ sẽ gìn giữ được những tinh hoa của văn hóa dân tộc.
GS Jack Dash Harris: Đội ngũ tinh hoa mà ông nói, khi tham gia vào thị trường, với quyền lực và trí tuệ, họ sẽ thay đổi và chăm lo cho gia đình, cá nhân chứ không phục vụ lợi ích đất nước. Hay họ trở thành những người của toàn cầu chứ không phải là người chỉ phục vụ đất nước. Như vậy, phải chăng phải thông qua gia đình, qua đời sống tâm linh, thờ cúng tổ tiên để nhận diện, để giữ gìn giá trị văn hóa Việt Nam. Thế hệ đi trước có trách nhiệm phải nhắc nhở lớp trẻ đang mơ màng về những giá trị của văn hóa dân tộc.
GS Phạm Đức Dương: Việt Nam đang trước những thử thách rất lớn. Tình hình nguy hiểm vô cùng về văn hóa. Nhưng tôi tin trong mọi tình huống người Việt Nam đều vượt qua và luôn là chính họ. Lớp trẻ Việt Nam đang bị choáng ngợp bởi sự thay đổi hệ thống giá trị. Nhưng một khi bình tĩnh lại, họ sẽ biết cách tiếp nhận và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc. Đó là sức sống của nền văn hóa Việt Nam.
Cuộc đối thoại của hai nhà khoa học này diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã đề cập đến nhiều vấn đề lớn của nền văn hóa Việt Nam đang chuyển mình. Dù chỉ mang tính chất bao quát, gợi mở nhưng cuộc đối thoại cũng đặt ra được nhiều điều suy nghĩ cho những người quan tâm. Đó cũng là cơ sở để chúng ta nhìn nhận lại thực trạng và hình dung về một tương lai văn hóa Việt Nam dù chỉ là sự định đoán.
2. Những cuộc khủng hoảng và sự thay đổi hệ thống giá trị ở Việt Nam hiện nay
Sau Đổi mới 1986, nền kinh tế đang có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng nhìn ở một gốc độ khác, kinh tế Việt Nam đang khủng hoảng. Nó không phải là cuộc khủng hoảng thiếu hay khủng hoảng thừa, mà là cuộc khủng hoảng về đường lối phát triển và chính sách quản lý kinh tế. Cuộc khủng hoảng này thể hiện trên một số phương diện:
Sự độc quyền của các tập đoàn nhà nước hay sự dung dưỡng của nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước khiến cho các tập đoàn này làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả và làm thất thu của ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Sự canh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế không được đảm bảo gây ra sự đứt gãy các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lao đao để tồn tại.
Các ngành công nghiệp đang nhập sản phẩm tinh và xuất nguyên liệu thô, đó là tình trạng bán ăn dần tương lai của đất nước. Nông nghiệp vẫn phát triển, vẫn xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, nhưng nông thôn không giàu lên, nông dân không sướng hơn, mà ngược lại, cuộc sống của họ thêm phần khó khăn và bấp bênh mỗi khi có thiên tai hay lạm phát.
Tại sao kinh tế đất nước vẫn phát triển, nhưng ở các ngành, các vùng, các địa phương vẫn không giàu lên, hiệu quả kinh tế vẫn không cao, và đặc biệt, con người vẫn không được đảm bảo và phát triển hơn?
Xã hội Việt Nam đang ổn định. Và độ ổn định ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhưng đâu đó, sự bất ổn vẫn còn xuất hiện và lan tỏa. Sự bất ổn chưa dẫn đến các cuộc bạo động nhưng cũng đủ sức tạo thành những dòng chảy ngầm mạnh mẽ, khi có thời cơ nó sẽ tạo nên những thay đổi lớn. Xin được phân tích một vài ví dụ:
Ở đô thị, bên cạnh tầng lớp “tư sản đỏ” đã định hình vững vàng về quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế từ vài thập kỷ nay thì đang có sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu mới nổi. Đó là các doanh nhân là chủ các doanh nghiệp tư nhân xuất hiện từ sau thời kỳ đổi mới và phát triển khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Tầng lớp này đang vươn lên mạnh mẽ và mang khát vọng tìm một vị trí quan trọng hơn và xứng tầm hơn trong xã hội.
Ở nông thôn, dù đời sống nông dân được cải thiện khá nhiều nhưng đồng thời cũng đang phân hóa rõ rệt. Nhiều nông dân đang bị nghèo hóa do thiếu tiềm lực để làm ăn. Quá trình đô thị hóa nông thôn đã tách một bộ phận nông dân ra khỏi đất đai khiến cuộc sống của họ biến đổi nhanh chóng. Một lực lượng lao động nông thôn đang sư thừa và phải chống chọi khó khăn với cuộc sống. Đây là một quả bom nổ chậm ở nông thôn mà nếu nhà nước giải quyết không thỏa đáng và hợp lý để nó phát nổ thì ảnh hưởng sẽ là vô cùng to lớn đến sự phát triển chung của đất nước.
Những điều đó chưa phải là tất cả. Chúng ta đang đối diện với một cuộc khủng hoảng toàn diện hơn, sâu sắc hơn và đáng sợ hơn. Đó là một cuộc khủng hoảng niềm tin. Thật khó để đo mức độ của cuộc khủng hoảng này, nhưng chúng ta có thể xem xét qua một số biểu hiện: Trước hết, các thế hệ lãnh đạo nhà nước hiện nay đang đặt dấu chấm hỏi về định hướng xây dựng đất nước của các lãnh đạo thế hệ trước. Lòng tin của dân vào Đảng và nhà nước đang có những biểu hiện mới và đang có nguy cơ bị lung lay. Đường lối chính sách có thể không sai nhưng việc thực hiện không hợp lý là một nguyên nhân tạo nên sự thất tín với nhân dân. Một bộ phận không nhỏ đang không đặt niềm tin vào sự chính thống từ cả con người chính thống đến phát ngôn chính thống. Và quan trọng nhất, biểu hiện cao nhất của khủng hoảng niềm tin là lòng tin giữa con người với nhau đang giảm sút nhanh chóng.
Nhân loại đang nằm giữa quá trình chuyển giao của hiện đại và hậu hiện đại như triết gia người Pháp-J.F Lyotard phân tích trong tác phẩm nổi tiếng “Hoàn cảnh hậu hiện đại” thì: ““Hiện đại” đi liền với sự dị biệt hóa những lĩnh vực hiện thực hết sức khác nhau và với sự khùng hoảng lòng tin về một hiện thực duy nhất. “Hiện đại” cho phép ta khám phá hiện thực thực ra ít có tính hiện thực đến như thế nào” (J.F Lyotard, 2008, tr19). Như vậy, bản chất của hiện đại là sự phát triển tính dị biệt hóa và sự khai thác hiện thực để phát triển. “Sự đơn điệu” thường được ngụy trang bằng “tính thống nhất” sẽ là lực cản đối với sự phát triển. Điều đó cho ta hình dung khác hơn về tình hình Việt Nam hiện nay, bởi chúng ta đang bước vào “hiện đại” hơn là chuyển mình vào “hậu hiện đại”. Vậy, cần đi thêm tìm hiểu về hệ quả từ các cuộc khủng hoảng nói trên và mối quan hệ của khủng hoảng và sự phát triển.
Có thể nhận tháy rõ rằng: sự phát triển và sự khủng hoảng đã tạo nên một sự thay đổi to lớn trong hệ thống giá trị ở Việt Nam hiện nay. Sự thay đổi hệ thống giá trị là một biểu hiện quan trọng cho những thay đổi trong nền văn hóa của một dân tộc. Sự thay đổi hệ thống giá trị thể hiện trên nhiều cấp độ:
Trước hết, đó là sự thay đổi vị trí của giá trị lợi ích dân tộc sang giá trị lợi ích gia đình, lợi ích nhóm và sự lên ngôi của giá trị lợi ích cá nhân. Mọi quốc gia trên thế giới đều đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc mình lên cao nhất trong tất cả các mối quan hệ. Đó là nguyên tắc thượng tôn về lợi ích dân tộc. Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển đều dựa vào nguyên tắc đó. Nhưng hiện nay, như hai nhà khoa học trên trao đổi, lợi ích quốc gia đang bị đặt xuống dưới lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình và lợi ích nhóm. Đây là một sự thay đổi to lớn đối với lịch sử đất nước và đặc biệt, nó rất ít được đề cập đến vì nhiều lý do khác nhau. Sự thay đổi này, một mặt nó phù hợp với xu hướng giải phóng con người và nâng cao giá trị con người cá nhân. Nhưng ở một đất nước mà cá tôi đã bị kìm hãm trong hơn một nửa thế kỷ để cái ta (hay chúng tôi) phát triển, nay được bung ra thi dễ chuyển từ cực này sang cực kia và sự đề cao lợi ích cá nhân (và gia đình, nhóm) một cách thái quá sẽ gây hại vô cùng lớn đến lợi ích dân tộc. Làm sao để hòa hợp lợi ích dân tộc, lợi ích nhóm, lợi ích gia đình và lợi ích cá nhân là bài toán khó cho mọi đất nước và Việt Nam lại càng thêm khó khi chúng ta chưa chấp nhận hiện thực này.
Thư hai, là sự thay đổi từ giá trị con người sang giá trị ngoài con người và sự tuyệt đối hóa giá trị cơ học. Con người là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển, và điều đó được nhà nước ghi nhận. Nguyễn Trần Bạt cho rằng: “Phát triển, suy cho cùng chính là sự tăng trưởng những giá trị của con người chứ không phải là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế” (Nguyễn Trần Bạt, 2005, tr 37). Nhưng thực tế xã hội đang chứng minh một điều ngược lại khi các giá trị cơ giới (hay giá trị ngoài con người, giá trị công nghệ-kỹ thuật) đang được tôn sùng. Một trong những biểu hiện của sự thay đổi này là sự coi nhẹ, bỏ rơi các ngành khoa học nhân văn và đề cao các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Nhiều giá trị nhân bản của con người đang bị đánh giá thấp. Hệ lụy của nó là sự sa sút y đức trong y tế, sự chênh lệch về khoa học công nghệ và khoa học xã hội trong giáo dục, sự thiếu quan tâm đến giá trị tự do, sáng tạo của con người. Nhìn sang Nhật Bản, một cường quốc khoa học công nghệ đang phải đối đầu với quốc nạn “cơ giới hóa con người, robot hóa con người” để chúng ta hình dung về mặt trái của việt đề cao phát triển khoa học công nghệ. Vài thập kỷ nữa đất nước ta sẽ ra sao khi mà giới trẻ hiện nay đang đua nhau thi vào các ngành nghề khoa học kỹ thuật và bỏ rơi các ngành khoa học xã hội nhân văn?
Thư ba, là sự chuyển đổi từ các giá trị lâu dài, bền vững sang giá trị tạm thời, không bền vững. Giới trẻ Việt Nam đang sống gấp, sống nhanh mà như Nguyễn Thái Hợp (2000) gọi là “nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ”. Tiếp nhận lối sống thực dụng của xã hội phương Tây, giới trẻ đang xem tiền như là một chìa khóa vạn năng và sẵn sàng giải quyết mọi việc bằng tiền. Xem các mối quan hệ, các vấn đề cuộc sống như là những cuộc bán mua. Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng nền kinh tế chúng ta đang được “trẻ hóa” khi số lượng doanh nghiệp do các doanh nhân trẻ tuổi thành lập và lãnh đạo làm ăn phát đạt. Cùng với nó là việc thu ngân sách từ các doanh nghiệp trẻ tăng lên. Điều đó có thể không sai, nhưng ở góc độ khác, đó là một cái bẫy của “nền kinh tế trẻ”. Doanh thu chưa phải là tiêu chỉ duy nhất để đánh giá một doanh nghiệp. Quang trọng là giá trị của doanh nghiệp tạo ra. Khi doanh nghiệp tạo ra giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và giá trị con người thì mới gọi là sự đóng góp cho đất nước. Còn những doanh nghiệp tạo ra được một doanh thu nhất định do tiếp nhận được một phương pháp hay “ăn chặn” được một giá trị nào đó thì sự bền vững thật khó mà đoán định. Đó là một lý do mà sự thành lập cũng như giải thể của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Đó là sự nhầm lẫn của nền kinh tế trẻ và nền kinh tế nổi. Hậu quả của sự thay đổi này không dễ gì đo lường được nhưng chắc chán nó sẽ là một tác nhân gây nên sự thay đổi lớn trong nền văn hóa trong thời gian tới.
3. Tương lai văn hóa Việt Nam?
Một điều tất yếu rằng: tương lai văn hóa Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài hay đi ngược lại dòng chảy của nền văn minh nhân loại. Vậy tương lai của nền văn minh nhân loại? Trong tác phẩm nối tiếng của mình, J.F Lyotard phân tích sự khác biệt của hiện đại với hậu hiện đại về mặt tâm thức ở chỗ: “Trong khi tâm thức hiện đại “khóc than” thì tâm thức hậu hiện đại “reo mừng” trước sự giải thể của một hiện thực duy nhất và sự trỗi dậy của vô vàn khả thể cho việc “tìm tòi những luật chơi mới, những phương thức nghệ thuật mới mang tình thử nghiệm””. Như vậy, việc tìm ra những luật chơi mới sẽ là yếu tố mang tình quyết định cho việc kiến tạo tương lai văn hóa của các quốc gia. Và nội dung trọng tâm của luật chơi này là “con người”.
Việt Nam đang ổn định và phát triển, nhưng cũng đang chứa đựng những cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Những cuộc khủng hoảng ngầm này tác động nhiều đến niềm tin, tinh thần của các bộ phận trong xã hội. Hệ thống giá trị văn hóa đang thay đổi và mang nhiều biểu hiện phức tạp. Đó là những nguyên nhân và cũng là điều kiện cần cho sự biến đổi của nền văn hóa Việt Nam. Vậy, tương lai văn hóa Việt Nam sẽ như thế nào?
Có lẽ không có câu trả lời nào ngoài việc chờ đợi và cảm nhận. Nhưng chúng ta có thể nghĩ về một vài điều kiện cho sự hình thành một nền văn hóa Việt Nam trong tương lai.
David Marr đã thành công khi đi tìm lời giải thích cho sự thắng lợi của hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước của người Việt Nam bằng cách đi sâu phân tích về văn hóa truyền thống và sự tiếp xức văn hóa Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đó là một cách tiếp cận và lý giải các vấn đề chính trị, xã hội bằng văn hóa. Vậy nên, để có cái nhìn về một tương lai văn hóa Việt Nam sẽ như thế nào, chúng ta cần nhìn về giai đoạn trước và sự biến đổi của đất nước hiện nay.
Trong thế kỷ XX, đất nước chúng ta có quá nhiều biến động lớn mà nền văn hóa chuyển động không kịp. Phát triển đất nước và phát triển con người không được gắn liền với nhau. Chúng ta từng hy sinh tất cả lợi lích cá nhân, triệt tiêu cái tôi để phụng sự dân tộc. Trong điều kiện chiến tranh thì điều đó phát huy tác dụng, nhưng hết chiến tranh thì nó là sự cản trở rất lớn của dân tộc. Khi đưa đất nước hội nhập với kinh tế thế giới, giải phóng cái tôi ra khỏi cái ta thì lại tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân để rồi tôn sùng lợi ích cá nhân. Điều đặc biệt là sự thay đổi này quá nhanh mà nền văn hóa không thay đổi kịp. Hay nói cách khác, nền văn hóa không có điều kiện để định hình các giá trị cơ bản. Vậy nên việc định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa trong thời kỳ tới sẽ là nhiệm vụ quan trọng và cần nhận thức rõ ràng về đúng và sai của đường lối lãnh đạo nhà nước nửa sau thế kỷ XX. Nhận thức này sẽ là nền tảng cho sự thay đổi của đất nước trong thời gian tới.
Nền văn hóa không thể định hướng bằng một sắc lệnh, một quyết định hay một nghị định. Mà nền văn hóa biến đổi theo những quy luật của nó, không ồn ào, náo nhiệt nhưng không dễ gì can thiệp. Can thiệp vào một nền văn hóa để định hướng phát triển nền văn hóa đó phải bắt đầu từ con người. Vậy nên, tương lai văn hóa Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc đào tạo con người Việt Nam từ bây giờ như thế nào?
Phát triển con người phải bắt đầu từ sự mở rộng tự do để con người phát triển lành mạnh và toàn diện. Phải “cởi trói” cho con người và “cởi trói” cho tri thức khoa học để con người “hợp thức hóa cho tri thức khoa học đã biến đổi tận gốc rễ”. Phải chú trọng đến phát triển đời sống tinh thần của con người, tránh tình trạng cơ giới hóa con người, robot hóa con người mà Nhật Bản đang là một ví dụ. Một nền văn hóa mang nhiều giá trị nhân văn là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng con người trong một môi trường nhân văn và trân trọng các giá trị nhân bản.
Bùi Minh Hào
Theo: vanhoanghean.vn
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Trần Bạt (2005): Cải cách và sự phát triển. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
Nguyễn Thái Hợp (2000): Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường. Nhà xuất bản Dấn thân, California, Mỹ.
David Marr: (1971)-Việt Nam chống thực dân, 1885-1925. Nhà xuất bản Đại học California, Mỹ; (1981)-Truyền thống Việt Nam qua thử thách, 1920-1945. Nhà xuất bản Đại học California, Mỹ.
J.F Lyotard (2008): Hoàn cảnh hậu-hiện đại. Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2008): Nông dân, nông thôn, và nông nghiệp: những vấn đề đang đặt ra. Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.