Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ
Những con số khách quan do Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc LHQ) công bố tưởng như vô hồn đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi ...
Hệ thống Đổi mới/Sáng tạo quốc gia - Nguồn gốc tạo nên trí tuệ của đất nước
Khi người cha già yếu vẫn vắt sức làm cửu vạn, còn bà mẹ bệnh tật chạy
bới từng thùng rác kiếm từng đồng lẻ, cắn răng để nuôi con ăn học, chỉ
với một ước nguyện duy nhất là mong con có được trí tuệ để đổi đời,
không còn phải bán thân, bán sức như đời bố mẹ chúng, thì ông bà già tội
nghiệp đó hiểu hơn ai hết sức mạnh và sự cần thiết của trí tuệ đối với
một con người. Một quốc gia muốn “đổi đời” cũng cần có trí tuệ. Nhưng
trí tuệ của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ
từng con người, nó là do cả một hệ thống tạo lập nên. Đó chính là Hệ
thống đổi mới / sáng tạo của quốc gia (national innovation system -NIS),
trong đó trí tuệ của từng con người là một thành tố. NIS được định
nghĩa là hệ thống các chủ thể và các mối tương tác với nhau của các chủ
thể đó, bao gồm tổ chức nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp
công và tư (lớn hoặc nhỏ), các trường đại học và các cơ quan chính phủ,
nhằm mục đích sản sinh các sản phẩm sáng tạo, các sản phẩm khoa học và
công nghệ (S&T) trong khuôn khổ lãnh thổ một quốc gia. Các mối tương
tác giữa các chủ thể này bao gồm các vấn đề thuộc về chính sách, kỹ
thuật, thương mại, pháp lý, xã hội và tài chính của các hoạt động đổi
mới /sáng tạo dưới các dạng thức như sự phát triển, bảo hộ, tài trợ hoặc
quy phạm…
Từ năm 2007, WIPO đã cùng một số đại công ty, tổ chức phi chính phủ cho
ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu - Global Innovation
Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế
giới.
Định nghĩa của sự đổi mới/sáng tạo nay đã mở rộng, nó không còn giới hạn
với các phòng thí nghiệm R&D hoặc với việc xuất bản các bài báo
khoa học, mà còn bao gồm cả những đổi mới/sáng tạo về tổ chức quản lý xã
hội cũng như đổi mới/sáng tạo mô hình kinh doanh. Đổi mới /sáng tạo
được thể hiện ở đầu vào và đầu ra của cả một quốc gia. Đó là một chỉ số
đánh giá về trí tuệ, về hoạt động và thành quả của hoạt động trí tuệ con
người, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, về tài sản thừa kế,
vay mượn, cướp bóc hay những may mắn bất ngờ nào cả [1].
Đổi mới/sáng tạo là động lực quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức
cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển.
Nhiều Chính phủ đang đặt sự đổi mới/sáng tạo thành trung tâm của chiến
lược phát triển.
Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu
Năm 2011 chúng ta vui mừng trên bảng chỉ số Đổi mới/sáng tạo toàn cầu
Việt Nam ngoi lên được trên trung bình đứng thứ 51 trong 125 nước. Niềm
vui ngắn chẳng tầy gang, 2012 ta lại tụt sâu xuống nửa dưới của thế
giới, thứ 76 trên 141 nước! Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự
đánh giá thì tình hình còn bi đát hơn, chẳng những kém cỏi mà xu hướng
là suy giảm liên tục. Sự ngoi lên năm 2011 có thể là ngẫu nhiên, không
phải là thực chất như sẽ phân tích về điểm số ở phần dưới. Thứ bậc đơn
lẻ chưa nói lên điều gì nhiều, cần phải có sự so sánh với bạn bè xung
quanh thì mới biết ta đang ở đâu. Bảng 1, liệt kê thứ bậc và điểm số
đánh giá của Việt Nam và các nước lân bang [2,3].
Bảng 1: Thứ bậc, Điểm đánh giá Chỉ số Đổi mới /Sáng tạo của Việt nam và các nước xung quanh
Năm |
Số nước |
Điểm cao nhất |
Việt Nam |
Malaysia |
Singapore |
Thailand | ||||
Điểm |
Bậc |
Điểm |
Bậc |
Điểm |
Bậc |
Điểm |
Bậc | |||
2008 |
153 |
5.8 |
2.38 |
65 |
3.47 |
26 |
4.1 |
7 |
3.01 |
34 |
2009 |
130 |
5.28 |
2.97 |
64 |
4.06 |
25 |
4.81 |
5 |
3.4 |
44 |
2010 |
132 |
4.86 |
2.95 |
71 |
3.77 |
28 |
4.65 |
7 |
3.06 |
60 |
2011 |
125 |
74.1 |
36.71 |
51 |
44.05 |
31 |
74.11 |
1 |
43.33 |
48 |
2012 |
141 |
68.2 |
33.9 |
76 |
45.9 |
64.8 |
64.8 |
3 |
36.9 |
57 |
Vì tổng số nước được đánh giá hàng năm là khác nhau,cho nên không thể lấy thứ hạng tuyệt đối hàng năm để so sánh sự lên xuống của một nước, mà phải có một thước đo thống nhất. Chúng ta sẽ chia thế giới làm hai nửa bằng nhau, lấy đường phân chia làm gốc số không,thứ hạng được tính là bao nhiêu bậc trên (+) hoặc dưới (-) trung bình (số không). Thế vẫn chưa ổn, vì mỗi nửa hàng năm có tổng số bậc khác nhau, nên ta phải quy ra thành mỗi nửa đều có 100 bậc, và thứ bậc của mỗi nước hàng năm được quy thành số phần trăm trên (+) hoặc dưới (-) trung bình. Nói một cách hình ảnh, nếu thường xuyên ngụp lặn ở dưới mức trung bình thì nguy cơ được xem là một quốc gia thiểu năng trí tuệ chắc khó tránh khỏi.
Trên
hình 1 ta có thể thấy trực tiếp sự kém cỏi của ta so với Malaysia cũng
như Thailand, còn Singapore thì ở mức quá cao, so sánh thứ bậc chẳng có
ích gì nữa.
Thứ hạng chỉ số đổi mới/sáng tạo của các nước có lúc tăng lúc giảm,
nhưng khuynh hướng là tăng và luôn luôn trên trung bình, còn Việt Nam ta
chủ yếu là ở nửa dưới, nhấp nhổm ngoi lên trên trung bình đôi chút, mà
khuynh hướng nói chung là càng ngày càng giảm. Sự tăng đột biến năm 2011
có lẽ là nhờ năm đó chỉ có 125 nước tham gia xếp hạng, thấp nhất trong
các năm.
Thứ hạng cho ta sự so sánh với cộng đồng, và căn cứ để xếp hạng là điểm
số. Chính điểm số đánh giá chất lượng của thứ hạng. Tuy nhiên, việc chấm
điểm hàng năm có thể khác nhau, thang điểm cũng có thể khác nhau, cho
nên không có cách nào định điểm trung bình làm gốc. Chúng ta chỉ có thể
lấy một nước nào đó để làm mốc so sánh chúng ta với nước đó hàng năm.
Singapore là nước luôn nằm trong tốp 10 thế giới và số 1 châu Á. Vì vậy,
hãy so sánh điểm số của Việt Nam với Singapore, ít nhất cũng cho ta cảm
nhận Việt Nam được bao nhiêu phần của Singapore và khoảng cách đó giảm
hay tăng. Nhìn vào hình 2, thấy rõ trí tuệ sáng tạo của ta chỉ bằng trên
dưới một nửa của Singapore, và càng ngày càng lùi xa. Ngay cả năm 2011
mà chúng ta vui mừng, thì qua cách đánh giá bằng điểm số, chất lượng của
thứ hạng vượt lên trung bình năm đó cũng không thực chất, vì khoảng
cách với Singapore về điểm số lại giãn ra chứ không thu hẹp như vị trí
thứ hạng.
Thật
là đáng buồn khi những con số khách quan, tưởng như vô hồn đó lại đã
nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế
giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng,
nếu cứ đà này tiếp diễn thì nguy cơ dẫn đến mức Việt Nam trở thành quốc
gia trí tuệ kém phát triển là nhãn tiền!
Phải chăng trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam thấp?
Như đã biết, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII- Global Innovation Index) được
tính theo hai nhóm chỉ số con, là nhóm các chỉ số đổi mới/sáng tạo đầu
vào và nhóm các chỉ số đầu ra. Có tổng cộng 7 tiêu chí (gốc) cơ bản.
Năm tiêu chí gốc tạo nên nhóm đầu vào (Innovation Input) đều gắn chặt
với các yếu tố quản lý điều hành nhà nước và môi trường hoạt đông kinh
tế quốc dân, tạo tiền đề cho các hoạt động đổi mới/sáng tạo. Đó là: (1)
Các tổ chức nhà nước, (2) Nguồn lực con người, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Độ
chín của thị trường, và (5) Mức hoàn thiện của kinh doanh.
Hai tiêu chí gốc hợp lại thành nhóm Đầu ra của đổi mới/sáng tạo
(Innovation Output) [1] gồm: (6) Kết quả khoa học (Scientific outputs),
(7) Thành quả sáng tạo (Creative outputs) .
Để tìm hiểu xem, nguyên nhân nào làm cho trình độ Đổi mới /Sáng tạo của
Việt Nam kém cỏi như vậy, ta hãy xem xét vài tiêu chí cơ bản có ảnh
hưởng nhiều nhất.
Nhóm đầu ra gồm kết quả khoa học và các thành quả của sáng tạo. Đó là
những tiêu chí phản ảnh trí tuệ cũng như cách vận dụng trí tuệ để tạo ra
kết quả sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp tức trình độ trí tuệ con
người ở đó thấp. Trong các tiêu chí đầu vào, thì hai tiêu chí về Các tổ
chức Nhà nước (Institutions) và Nguồn vốn con người (Human
Capital/Capacity) là rất quan trọng. Chẳng hạn về tổ chức, người ta phải
đánh giá 3 tiêu chí nhánh: Môi trường chính trị, Môi trường điều hành,
Môi trường kinh doanh. Đây đều thuộc về trách nhiệm của tổ chức nhà
nước. Về Nguồn vốn con người thì phải đánh giá đến Giáo dục phổ thông,
Đào tạo Đại học và dạy nghề, Nghiên cứu và triển khai. Việc đầu tư và
chăm lo cho những nhiệm vụ này cũng là trách nhiệm chính của các cơ quan
quản lý nhà nước. Những tiêu chí này tạo tiền đề cho Đổi mới /sáng tạo.
Nếu những tiêu chí này thấp, thì Chỉ số Đổi mới sáng tạo không những
không cao mà còn bị kéo thấp xuống. Có nghĩa làm trí tuệ của đất nước
thụt lùi. Bảng 2 là số liệu của thế giới đánh giá Việt Nam về mặt Tổ
chức, Vốn con người và Đầu ra đổi mới/sáng tạo [2,3].
Bảng 2 : Việt Nam - Điểm và thứ hạng của các tiêu chí Tổ chức, Vốn con người và Đầu ra sáng tạo
Năm |
Số nước xếp hạng |
Tổ chức nhà nước |
Vốn về con người |
Đầu ra sáng tạo | |||
Điểm |
Bậc |
Điểm |
Bậc |
Điểm |
Bậc | ||
2009 |
130 |
3.38 |
99 |
3.82 |
69 |
2.52 |
63 |
2010 |
132 |
3.47 |
113 |
3.27 |
92 |
2.38 |
67 |
2011 |
125 |
54.9 |
84 |
31.7 |
85 |
33.34 |
42 |
2012 |
141 |
40.9 |
112 |
26.1 |
107 |
30.8 |
59 |
Chúng ta cũng sử dụng phương pháp chuẩn hóa số liệu như trình bày ở phần trên, và kết quả có một hình ảnh trực quan về ba yếu tố này như trình bày ở hình 3. Không khó khăn để nhận ra rằng chỉ số về Tổ chức và Nguốn vốn con người của Việt Nam chẳng những dưới trung bình mà có lúc còn nằm gần sát đáy nửa dưới. Trong lúc chỉ số đầu ra, đánh giá năng lực con người Việt Nam thì luôn nằm khá cao ở nửa trên của thế giới. Rõ ràng là trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam không hề thấp.
Nguyên
nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng thụt lùi không
phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản
lý nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người.
Thay lời kết
Cộng đồng quốc tế phải thu thập phân tích hàng vạn số liệu, và chúng ta
phải nghiền ngẫm hàng ngàn trang giấy, xây dựng mô hình tính toán xử lý
hàng ngàn con số vô hồn chỉ để đưa ra một kết luận giản đơn ai cũng biết
cả, về nguyên nhân yếu kém của hệ thống Đổi mới / sáng tạo quốc gia của
Việt Nam. Nhìn lại thấy việc làm này thật là “ngớ ngẩn”, vì chỉ cần
liếc mắt đã có thể dễ dàng thấy hiện tượng này khắp nơi. Chẳng hạn như ở
vùng sâu, tận cuối đồng bằng sông Cửu Long, thầy Hải cùng 3 học trò
trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) mày mò tự bỏ tiền của công
sức sáng tạo nghiên cứu thành công công trình “Thu giữ dầu loang bằng
thảm vỏ tràm”, rất hữu ích và đạt được giải thưởng. Không có tiền làm lộ
phí đi nhận thưởng, thầy trò đăng báo xin tài trợ. Số tiền chắc không
bằng một bữa nhậu của quan chức địa phương .Nhưng thầy trò chẳng những
không nhận được sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cũng như đi lại của chính
quyền, thay vào đó là bị huyện yêu cầu kiểm điểm vì dám công khai xin
tài trợ (làm xấu mặt quan chức) [4].
Đó chỉ là chuyện ở một nơi xa xôi hẻo lánh, dân trí và trình độ cán bộ
còn thấp, bàn đến chuyện Đổi mới/Sáng tạo làm gì. Thế nhưng chuyện một
vị giáo sư, Hiệu trưởng một trường Đại học hàng đầu ở Hà nội đã thở dài
mà than “… Hà Nội vừa mới mua mấy trăm cái iPad thời thượng (hết hơn 3
tỷ!) để phát cho Đại biểu HĐND [5] mỗi người một cái (để làm gì...?).
Trong khi đó cả năm nay, trường Đại học chúng tôi không được kho bạc Hà
Nội giải ngân cho một xu để mua máy tính cho Sinh viên,Thầy giáo sử dụng
cho học tập và nghiên cứu. Lý do họ bảo là phải tiết kiệm đầu tư
công!”, thật đáng để suy ngẫm!
Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng
nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại
được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến
cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không
còn nữa thì sao?
---
Tài liệu tham khảo:
[1] Thứ bậc của Trí tuệ Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=
111&CategoryID=2&News=4227
[2] 2012 Rankings http://www.globalinnovationindex.org/gii/main/2012rankings.html
[3] Previous Editions http://www.globalinnovationindex.org/gii/main/previous/
[4] Nỗi buồn thầy giáo bị kiểm điểm vì ‘làm bẽ mặt’ địa phương
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/583547/
Noi-buon-thay-giao-bi-kiem-diem-vi-lam-be-mat-dia-phuong-tpp.html
[5] Đại biểu HĐND Hà Nội dùng iPad nghìn USD để làm gì?
http://vtc.vn/2-340630/xa-hoi/dai-bieu-hdnd-ha-noi-dung-ipad-nghin-usd-de-lam-gi.htm
Trần Xuân Hoài
Theo TiaSang