25/05/2018, 17:44

Lý luận văn học mác xít trong bối cảnh toàn cầu hóa tri thức

Trần Đình Sử Lý luận văn học mác xít hơn một thế kỷ qua gắn bó với văn học cách mạng nhiều nước, trong ...

  •   Trần Đình Sử

Lý luận văn học mác xít hơn một thế kỷ qua gắn bó với văn học cách mạng nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã hít thở nó như khí trời trong những năm cách mạng đầy khói lửa. Nhưng bước vào thời kỳ phát triển văn học, văn hoá dân tộc trong bối cảnh giao lưu rộng mở như hôm nay, tất cả mọi người làm công tác sáng tạo chúng ta đều cảm thấy gò bó. Có người hoài nghi, có hay không một lý luận văn học mác xít. Có ý kiến lại cho rằng nếu ghép hai chữ “mác xít” vào sau khoa học nào thì sẽ trói buộc, hạn chế sự phát triển của khoa học ấy.

Theo tôi nghĩ, bất cứ triết học nào, một khi đã đạt được một tính khoa học phổ quát nhất định, đều có ảnh hưởng đến việc hình thành những lĩnh vực lý luận cụ thể, và mở ra hướng mới cho sự phát triển lý luận của chuyên ngành ấy. Lý luận văn học mác xít là sản phẩm của quy luật chung và đã ảnh hưởng tới quan niệm văn nghệ không chỉ của các nhà lảnh đạo cộng sản nhiều nước, làm nảy sinh các nhà lý luận văn học cách mạng nhiều nước xã hội chủ nghĩa, mà còn xuất hiện nhiều trường phái, học giả mác xít ở các nước phương Tây trên thế giới. Thực tế đó không cho phép ta phủ nhận được lý luận văn học mác xít như một dòng lý luận trong lý luận văn học thế kỷ XX.

Có điều chúng ta cần nhận thức rõ, Marx, Engels, sinh thời với tư cách là nhà triết học, kinh tế chính trị học, chưa bao giờ viết một công trình mĩ học, lý luận văn học nào, ngoại trừ một số ý kiến riêng lẻ, rải rác trong các công trình khoa học khác. Và tất nhiên, các ý kiến đó chưa bao giờ được bàn bạc thấu đáo, toàn diện, có hệ thống. Lý luận văn học mác xít là sự diễn giải văn học của người sau, trong đó không ít học giả có tên tuổi, dựa trên các nguyên lý của chủ nghĩa Marx. Đó là nguyên lý về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở, văn học là hình thái ý thức xã hội, ý thức là sự phản ánh của thực tại, chức năng nhận thức, giáo dục của văn học nghệ thuật, quan điểm thực tiễn và quan điểm lịch sử trong đánh giá các hiện tượng nghệ thuật, tính khuynh hướng của văn học, vai trò của văn học trong cuộc đấu tranh giai cấp, nội dung quyết định hình thức…Các quan điểm của Marx, Engels về chủ nghĩa hiện thực, về sự nhân hoá tự nhiên, về sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, về các phương thức chiếm lĩnh thế giới, về bi kịch cách mạng, về tác động của nghệ thuật trong việc sáng tạo ra công chúng biết thưởng thức nghệ thuật …cũng đều được vận dụng, phát triển. Phải nói rằng đó là những tư tưởng khoa học sâu sắc, cơ bản, đáng làm nền tảng cho những lý luận văn học cụ thể và thực tế ngày nay trên thế giới nghiên cứu văn học mác xít đã là một trào lưu phong phú đa dạng, bên cạnh nhiều trào lưu lí luận khác.

Tuy nhiên, như mọi lý thuyết đều có phạm vi vấn đề của nó, chủ nghĩa mác cũng vậy. Có những vấn đề quan trọng đối với văn nghệ mà nó chưa đề cập tới. Một là Marx chưa đề cập tới vấn đề đặc trưng khác biệt của văn học so với các hình thái ý thức xã hội khác, mà thiên về bàn đến tính thống nhất của chúng trong thượng tầng kiến trúc. Trong nhiều phát biểu, Marx lại khẳng định cái chung của văn học với khoa học, ví dụ như nói đọc tiểu thuyết của Balzac tìm thấy nhiều chi tiết kinh tế hơn trong toàn bộ tác phẩm kinh tế học đương thời, hay khi nói về chủ nghĩa hiện thực thì Engels chủ trương văn học phản ánh con người theo bản chất giai cấp, một khái niệm xã hội học. Hai là, văn học là sáng tạo, nhưng cả hai ông đều rất ít khi nói đến vấn đề này. Ba là, văn học đòi hỏi cá tính, chủ thể cá thể hoá, nhưng vấn đề này cũng ít thấy hai ông bàn tới. Bốn là, hình thức nghệ thuật rất quan trọng, nhưng hai ông chủ yếu bàn về nội dung, ít bàn về hình thức. Năm là, lý thuyết của hai ông chủ yếu hình thành trong lòng triết học cổ điển, cho nên nhiều mặt chưa tiếp cận với tính hiện đại. Các ông chưa biết đến vô thức, chưa biết đến kí hiệu học, chưa biết tâm lí học hiện đại, chưa biết nghệ thuật hiện đại. Sáu là, do nhấn mạnh tới hạ tầng cơ sở với thượng tầng kiến trúc, hai ông hầu như rất ít nói tới văn hóa, một yếu tố cực kì quan trọng nằm trung giới giữa hạ tầng và thượng tầng. Bảy là các ông chưa biết tiếp nhận văn học, cho nên một thời gian dài lý luận văn học mác xít chỉ nói đến lý thuyết sáng tác mà không nói lý thuyết tiếp nhận. Năm 1971 trên Tạp chí văn học có người nếu vấn đề tiếp nhận thế là gây nên một cuộc “phê phán ồn ào”. Bảy hạn chế đó đã tạo thành cái hạn chế chung của lí luận văn học mác xít từ trước đến nay. Nhiều khái niệm quan trọng đối với lí luận văn học như khái niệm hình thái ý thức xã hội hai ông cũng chưa bàn tới nơi tới chốn.  Trong khi đó chủ nghĩa giáo điều tự trói buộc lý thuyết mác xít, không cho nó được phát triển bình thường như mọi học thuyết khác. Đó là một thiệt thòi mà chỉ có lý thuyết mác xít mới có.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo lý luận văn học mác xít được vận dụng theo một cách riêng. Trên cơ sở các nguyên lý mác xít nhiều nhà lý luận còn phát triển thành các nguyên lý văn học cụ thể như văn học phục vụ chính trị của giai cấp vô sản và đảng của nó, lý luận về tư duy hình tượng, về điển hình hoá, phân biệt chủ nghĩa lãng mạn tích cực và chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, phân biệt các loại chủ nghĩa hiện thực, đề xướng khái niệm phương pháp sáng tác, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, coi đó là phương pháp sáng tác tốt nhất, tiến bộ nhất của toàn nhân loại, chủ trương văn học phản ánh các xu hướng, bản chất của xã hội, như cuộc đấu tranh giữa hai con đường, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hình tượng nhân vật tích cực, nhân vật anh hùng, sáng tạo hình tượng công nông binh của thời đại để giáo dục, cổ vũ nhân dân, khẳng định vai trò quyết định của thế giới quan và vốn sống đối với sáng tác. Đối với sáng tác của chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại cũng như các lý luận “phi mác xít” phương Tây nói chung đều bị bài bác, phủ định, phê phán kịch liệt. Nếu có khẳng định một hiện tượng văn học lớn nào phi mác xít thì đưa nó vào phạm vi chủ nghĩa hiện thực hoặc văn học cách mạng.

Lý luận mác xít trong bối cảnh xã hội phương Tây lại phát triển những vấn đề chuyên sâu khác. G. Lukacs tập trung nghiên cứu lý luận phản ánh hiện thực về mặt thẩm mĩ, phản đối khuynh hướng minh hoạ các tư tưởng chính trị. W. Benjamin nghiên cứu nghệ thuật trong quan hệ sản xuất và tiêu dùng, văn hóa đại chúng; Th. Adorno phát triển phép biện chứng phủ định, khẳng định vai trò của mâu thuẩn, xem tính đồng nhất là giả tạo, do đó nhấn mạnh tới bản chất phủ định hiện thực của văn học trong việc sáng tạo một thế giới chưa từng có đối với hiện thực. Ông khẳng đinh tính phi thực tại, khác thực tại, tính phi mô phỏng, phi phản ánh của văn học, đồng thời khẳng định tính xã hội, tính tự chủ, tính dự báo, tính chủ thể, tính tinh thần, tính phi khái niệm, tính không xác định và tính khó hiểu của văn học. Marcuse cũng khẳng định bản chất phủ định hiện thực của văn học và vai trò sáng tạo tính cảm tính mới, vai trò giải thoát tâm hồn cho con người. Gramsci nghiên cứu quan hệ văn học và xã hội, nêu khẩu hiệu văn học dân tộc và nhân dân, khẳng định sự thống nhất hữu cơ của hình thức và nội dung. Sartre là nhà “mác xít hiện sinh”, ông liên hệ văn học với tự do và tồn tại, khẳng định “viết là phương thức để đòi hỏi tự do”, xem nghệ thuật là sự nhìn nhận lại thế giới một cách tự do. Ông cho rằng trong chủ nghĩa Mác có một khoảng trống về con người và đem bản thể con người lấp đầy vào đó. Ông chủ trương văn học phải nói lên tất cả những gi thuộc về con người, đồng thời  khẳng định tính chất tưởng tượng, hư cấu của văn học. Sartre cho rằng nhà văn là người phát ngôn, cho nên anh ta phải phơi bày xã hội, tham dự vào đời sống xã hội. Ông phủ nhận cái gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật, cho đó là nói bậy. Theo ông, văn học dấn thân vì tự do, phê phán xã hội đen tối, tham gia đấu tranh chính trị, phát huy chức năng phê phán của văn học. Ông chủ trương nghệ thuật chỉ có vì người khác thì mới có được tính nghệ thuật. R. Garaudy khẳng định một chủ nghĩa hiện thực không bờ bến, đưa vào chủ nghĩa hiện thực cả sáng tác hiện đại chủ nghĩa như F. Kafka, S. Jon Perce. Macherey có một quan điểm rất độc đáo. Ông cho rằng văn học viết ra là vì  sự “im lặng”, chúng ta cần khám phá cái chưa hoặc không được biểu đạt trong tác phẩm là gì. Theo ông phân tích văn học không nên giới hạn trong những điều được nói ra, mà nên nhìn vào chỗ nhà văn im lặng, và đó cũng là cách thể hiện tính ý thức hệ của văn học. Về hình thức và cấu trúc ông có quan niệm độc đáo. Ông phản đối  quan niệm phổ biến về cáu trúc và quan niệm về tinh chỉnh thể hữu cơ. Theo ông, trong cấu trúc văn học phải có một sự thiếu vắng nào đó khiến cho người đọc đọc tác phẩm như giải một câu đố. L. Goldmann liên hệ sâu sắc với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đưa ra dịnh nghĩa tác phẩm là một “cấu trúc có ý nghĩa”, ý nghĩa đó , một mặt, gắn với các yếu tố của cấu trúc, mặt khác liên hệ với toàn bộ xã hội. Cấu trúc này do đó có tính mở, liên hệ với các phương diện đồng đại và lịch đại. F. Jameson xem chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại đều là sản phẩm của các giai đoạn phát triển khác nhau của chủ nghĩa tư bản. Ông phân biệt chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại ở chỗ, cái sau xa rời chính trị hơn, khó giải thích hơn, ranh giới phân biệt giữa nghệ thuật cao cấp và nghệ thuật đại chúng ít hơn, tài năng nghệ thuật it được coi trọng hơn…Ông khẳng định đẹp chỉ là hình thức của hình thức, nội dung là hình thức bên trong mang nghĩa ở tầng sâu của tác phẩm. T. Eagleton hiểu “văn học là hình thái ý thức xã hội” theo môt ý nghĩa sâu hơn: đó là một bộ phận của cấu trúc tri giác xã hội rất phức tạp, ý thức hệ không chỉ thể hiện trong lý giải, mà còn thể hiện ở cảm giác, đánh giá, tín ngưỡng, thị hiếu…Từ đó ông phê phán mệnh đề “văn học phản ánh hiện thực” là không xác đáng, vì nó mang tính máy móc, vì không thấy văn học không chỉ phản ánh, mà còn vượt lên hiện thực. Ông hiểu  hình thức văn học bao gồm ba yếu tố: hình thức văn học vốn có được truyền lại; hình thức kết tinh của ý thức hệ; hình thức là một mối quan hệ đặc thù giữa nhà văn và người đọc…

Những trình bày sơ lược trên đây cho thấy lý luận văn học mác xít là một thực tế, một hiện tượng lịch sử có quá trình hình thành, phát triển, có nhiều dòng, có phạm vi vấn đề riêng, có thành tựu và có khuyết điểm cũng như sai lầm như mọi học thuyết khác trên đời. Nội dung của lý luận văn học mác xit phong phú, đa dạng hơn hẳn những ý kiến ban đầu của Marx, Engels, Lenin và tất nhiên nhiều nơi nhiều lúc có không ít dung tục, ấu trĩ. Lý luận mác xít ở các nước do Đảng cộng sản lãnh đạo thường chú trọng nội dung, chức năng xã hội, bản chất ý thức hệ mà ít quan tâm tới hình thức đặc thù, nếu có thì cũng sơ lược. Đó là điều mà chính Engels lúc sinh thời đã từng tự phê bình là “vì nội dung mà coi nhẹ hình thức”. Lý luận này thường coi trọng bản chất xã hội mà coi nhẹ cá tính sáng tạo của nhà văn, nặng về nhận thức luận mà nhẹ về sáng tạo thẩm mỹ, coi trọng chức năng phục vụ chính trị mà coi nhẹ đặc trưng nghệ thuật. Điều đăc biệt là lý luận văn học mác xít ở các nước này được đặt vào vị trí độc tôn, bài xích các lý luận gọi là phi mác xít, tạo thành một vùng biệt lập, cách ly, làm cho nó luôn luôn ở vào tình trạng buộc phải tự vạch rõ ranh giới và đấu tranh với các lý luận khác, kết quả là tự làm cho mình nghèo đi và chậm phát triển. Lý luận văn học mác xít phương Tây trong điều kiện phát triển riêng, có nhiều điều độc đáo, táo bạo, song cũng không tránh khỏi những ngộ nhận, bất cập. Đó là điều bình thường, chứng tỏ nó là một hiện tượng đang vận động, đang sống và tự vượt lên chính mình.

Nhìn trong tổng thể lý luận văn học thế giới của thế kỷ XX lý luận văn học mác xít dù quan trọng, cơ bản như thế nào cũng chỉ là một trường phái, một khuynh hướng trong nhiều trường phái khác. Tự nó không thể trở thành toàn bộ lý luận văn học của nhân loại, không thể giải quyết tất cả các vấn đề của lý luận văn học hiện đại. Các lý luận khác như phân tâm học S. Freud, vô thức tập thể của K. Jung, triết học văn hoá của E. Cassirer, lý thuyết ký hiệu học nghệ thuật của S. Langer, lý thuyết tiếp nhận của H. Jauss, W. Iser, lý thuyết giải thích học của W. Gadamer, lý thuyết tự sự học của R. Barthes. Tz. Todorov, G. Genette…đều góp phần giải quyết từng vấn đề cụ thể, có ý nghĩa để lý giải văn học từ nhiều phương diện. Vì thế vận dụng các lý luận đó để bổ sung, làm giàu cho lý luận văn học mác xít là điều rất cần thiết. Phạm vi lý luận văn học hiện đại rõ ràng là rộng hơn lý luận văn học mác xít, vì thế đóng khung lý luận văn học trong phạm vi lý luận văn học mác xít là làm nghèo lý luận văn học của nước nhà. Đã đến lúc phải thừa nhận có nhiều nguồn lý luận văn học có giá trị khoa học, tránh thái độ kỳ thị trước các lý luận gọi là “phi mác xít”. Lý luận “phi mác xút” không phải cái gì cũng xấu xa cả.

Để phát triển lý luận văn học Việt Nam hiện đại, điều đầu tiên là cần nhìn lại thật rõ những thành tựu và hạn chế của lý luận văn học mác xít trên thế giới và trong nước trong thời gian qua để phát huy và khắc phục. Điều này rất quan trọng, bởi vì nhà nước và đảng cầm quyền Việt Nam đã coi lý luận mác xít là lý luận cơ bản, có vai trò chỉ đạo, nếu những hạn chế, sai lầm của nó không được chỉ ra thì chính những hạn chế, sai lầm kia sẽ phát huy vai trò chỉ đạo và gây khó khăn cho sự nghiệp xây dựng nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo chúng tôi cảm thấy thì hình như không ít người trong chúng ta chưa sẵn sàng làm một cuộc tổng thanh toán các ngộ nhận, sai lầm, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một cách khách quan, khoa học các sự thật. Nếu quả như thế thì sự nghiệp xây dựng nền lý luận văn học phong phú, cởi mở, giàu tính nhân văn của chúng ta chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Điều thứ hai, khuyến khích phiên dịch, giới thiệu các loại lý luận quan trọng hiện có trên thế giới, đặc biệt là lý luận văn học phương Tây, khuyến khích xây dựng và vận dụng nhiều loai lý luận văn học vào thực tiễn phê bình và nghiên cứu văn học của ta. Theo tôi quan sát thì việc giới thiệu, phiên dịch của chúng ta còn rất ít, không bằng một phần nghìn, phần vạn của di sản lý luận mà chúng ta đã quay lưng bỏ qua suốt một thế kỷ. Nhấn mạnh tới lý luận văn học phương Tây bởi vì lý luận cũng như văn hoá phương Tây đối với chúng ta là lí luận khác biệt về chất, là dị chất. Sự khác biệt đó có thể có nhiều kích thích, gợi ý cho sáng tạo và phát triển. Không phải vô cớ mà tất cả các nước phương Đông từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… khi tiếp xúc giao lưu với phương Tây đều có những sáng tạo, đổi mới vượt bậc, làm thành một giai đoạn mới trong lịch sử văn hóa văn học dân tộc của họ. Thế mà ở Việt Nam nhiều người còn mang thái độ cảnh giác thái quá, không muốn gia tăng sự phiên dịch, tiếp xác. Hẵng cứ tiếp xúc đầy đủ đí, còn vận dụng, bước đầu tất nhiên không tránh khỏi thô sơ, đơn giản, song nếu không bước qua cái bước đó chúng ta sẽ không có được một nền lý luận và phê bình văn học sâu sắc mang tính hiện đại. Trong công việc phức tạp và khó khăn này tất nhiên không được cẩu thả, tuỳ tiện, làm liều, nói liều; nhưng cũng nên tránh thái độ cầu toàn, bởi điều kiện nước ta còn lâu mới thoát khỏi những hạn chế khách quan và chủ quan. Các thư viện của chúng ta chắc chắn còn lâu mới phản ánh được các thành tựu lý luận của nhân loại. Thái độ cầu toàn nhiều khi chỉ là biểu hiện của tự ti, bất lực trước các tri thức mới, quay lưng, co cụm, rồi tự bằng lòng với các lý luận cũ. Tôi đã thấy một số nhà lí luận có tên tuổi, song vì không tiêu hóa được lí luận mới, chỗ nào cũng chỉ nói lại các tín điều cũ.  Trong phiên dịch, nếu dịch được chuẩn xác là tốt nhất, song nếu vừa học vừa dịch, có điều chưa thoả đáng cũng nên châm chước, chỉ cần chỉ ra cho bạn đọc biết để khác phục là được, người khác cũng sẽ góp phần điều chỉnh, bổ sung. Sợ nhất là thái độ tự ti, không dám làm gì. Chúng ta ngày nay  đã và đang có nhiều thế hệ được đào tạo chính quy ở trong nước và nước ngoài, có thể làm được công việc phiên dịch.

Điều thứ ba là chúng ta có thể lưu ý học tập lý luận văn học hiện đại từ Trung Quốc, một bộ lọc vĩ đại, một đất nước có đội ngũ lý luận hùng hậu và có truyền thống lý luận thâm thuý lâu đời. Lịch sử văn học Việt nam và văn học Trung Quốc ở con đường đã qua cũng như con đường đi tới có nhiều điểm tương đồng. Nhà văn Việt Nam hiện đang hứng thú với văn học đương đại Trung Quốc, đặc biệt là tiểu thuyêt. Tuy nhiên lý luận văn học Trung Quốc với lý luận văn học hiện đại của ta thuộc dạng lý luận đồng chất, đều là sản phẩm học tập phương Tây mà thành, thiếu  tính nguyên sáng (original). Học nhiều cái không nguyên sáng, tức là cái vận dụng, sáng tạo lại, ít có khả năng làm ra cái độc đáo, mới mẻ thật sự. Vì thế không nên lạm dụng học tập Trung Quốc. Bên cạnh lý luận Trung Quốc, lý luận văn học Nga thời Hậu Xô viết có nhiều khởi sắc và sáng tạo. Là một nền lý luận văn học có căn cốt, các trước tác của Bakhtin, Lotman, Gasparov, Tiupa, Tamarrchenco, Khalizev…rất đáng phiên dịch tham khảo. Đó là lý luận dị chất, có giá trị.

Điều thứ tư, chúng ta cần có thái độ khuyến khích, xây dựng đối với những người làm lý luận. Có lẽ nhà nước cần có một chương trình riêng, dự án riêng để phát triển lý luận. Có kế hoạch, có kinh phí để mời các chuyên gia lý luận hàng đầu của nước ngoài sang Việt Nam giảng bài và trao đổi ý kiến, tổ chức hội thảo lý luận quốc tế tại Viêt Nam. Cho đến hôm nay có lẽ lý luận văn học là ngành chưa hề được nhà nước đầu tư bao giờ, chưa có các hội thaỏ quốc tế lớn. Theo chúng tôi, lý luận văn học là lý luận khoa học, không phải đường lối văn nghệ do các nhà chính trị hoạch định. Đó là lý của các nhà chuyên môn, không nên coi lý luận văn học, triết học là lĩnh vực độc quyền của nhà nước như trước, cả nước chỉ có một thứ lí luận, chỉ có một tác giả, như thế lí luận không thể phong phú, đa dạng như chúng ta hằng mong muốn được.

 Điều thứ năm, cũng cần thay đổi tận gốc thái độ kỳ thị đối với lý luận văn học nước ngoài dưói các chiêu bài “sùng ngoại”, “sính ngoại”, “mất gốc”, “vận dụng sống sít”… làm cho những ai muốn thực sự muốn học ngoại cho tử tế bị dội nước lạnh. Phải nói cho sòng phẳng rằng từ xưa đến nay nước ta chưa sáng tạo được một lý luận triết học hay văn học nào cả. Bất cứ lý luận nào ta có đều là sản phẩm học được từ nước ngoài rồi giản lược đi, sáng tạo chút ít. Ta chưa hề có một lý luận nguyên sáng nào để cho nước ngoài học tập, phiên dịch. Vì thế chớ lấy các thứ lý luận học được nước ngoài của người trước (ta thường gọi là lý luận của cha ông) mà trói buộc việc học tập lý luận văn học nước ngoài của người sau, tức con em ngày nay. Cho đến nay, trong bối cảnh giao lưu mới, nỗi lo sợ ảnh hưởng xấu của tư tưởng phi mác xít vẫn ám ảnh sâu sắc trong không ít người. Họ vẽ ra nhiều điều cần cảnh giác để hạn chế việc giới thiệu lý luận văn học phương Tây. Có lẽ đó là biến tướng của thái độ vừa tự ti, vừa co cụm, tự vệ một cách bất lực trước ảnh hưởng tự nhiên to lớn của lí luận văn học phương Tây đối với lý luận văn học nước nhà. Mà đã cảnh giác như thế thì còn học hỏi, sáng tạo gì được nữa. Thực ra, có sáng tạo gì mới, cũng phải qua sự đói thoại với lý luận của các nước phương Tây mới thật sự có giá trị. Đóng cửa khen nhau trong nhà, trùm chăn tặng nhau các loại giải thưởng chưa phải là bằng chứng của giá trị đích thực. Thiết nghĩ, cảnh giác nhiều khi cũng cần thiết, song trong khoa học ta nên đối thoại. Tôi xin lưu ý là đối thoại, chứ không phải là tiếp thu có phê phán.  Chúng ta từng có khẩu hiệu tiếp thu có phê phán, chọn lấy cái tinh hoa, gạt bỏ các cặn bả, mà trên thực tế thời gian qua, ta đã bỏ đi nhiều tinh hoa, chọn lấy nhiều cặn bả. Đó là do chúng ta nặng về ý chí luận, mà ít nhìn thẳng vào thực tế. Đối thoại đòi hỏi biết tôn trọng và lắng nghe người khác như những đối tác, biết chờ đợi những điều chưa biết. Đối thoại đòi hỏi có ngôn ngữ chung, có mã chung, chí ít phải có tri thức chung về những điều đối thoại. Chỉ một mực lặp lại ý chí của mình, bất chấp ý kiến, luận cứ của người khác, đó không phải là đối thoại. Người khác là một phạm trù văn hoá. Trong lúc ta chỉ có khái niệm kẻ thù. Cái gọi là “phê phán” để tiếp thu thực chất là tự cho ta đã biết hơn người và lấy quan điểm, tiêu chuẩn của mình mà đo người, lấy quan điểm địch- ta mà xem xét vấn đề học thuật. Nếu coi nhẹ đối thoại mà coi trọng phê phán thì có nghĩa là đặt lên hàng đầu quan hệ địch ta mà coi nhẹ quan hệ ta với người khác trong lĩnh vực văn hoá.  Hiển nhiên là cái phi mác xít không đồng nghĩa với cái phi khoa học và cái thù địch, do đó thái độ phê phán kiểu địch-ta đó là hoàn toàn không lợi cho sự tiến bộ. Ta thường phê phán các quan điểm sai – trái. Nhưng mọi người đều biết trái không đồng nghĩa với sai. Thêm nữa, đúng sai phải qua thực tiễn mới biết, chỉ đối chiếu vơi quan điểm giáo điều rồi khẳng định đúng, sai thì sẽ xa thực tế hàng vạn dặm. Tất nhiên trong đời sống chính trị hiện đại cảnh giác là một điều cần thiết. Nhưng tôi cho rằng nỗi lo sợ tràn lan có tên là “cảnh giác” kia đối với các lý luận phương Tây thực chất là mặc cảm tự vệ, tự ti thâm căn cố đế trong tâm lý của các nước nhược tiểu đối với các nước tư bản phương Tây phát triển, một thứ tâm lý của thời còn thuộc địa, tiền hội nhập, rất lạc lỏng với thời đại toàn cầu hoá tri thức như hôm nay, nhưng mặt khác nó còn là sản phẩm của tâm lí tự tôn thái quá, chỉ coi lý luận mác xít là chân lý, các lý luận khác đều là tư sản, duy tâm. Người mang tâm lý đó lại làm ra vẻ mình đứng cao hơn tất cả! Còn nhớ tiến sĩ Hoàng Đức Lương trong bài Tựa sách Trích diễm thi tập cuối thế kỷ XV có nói tới nguyên nhân vì sao thơ Việt Nam không được ghi lại, trong đó ngoài nguyên nhân binh lửa và kỹ thuật, còn có ba nguyên nhân đáng suy nghĩ: một là kén người đọc, hai là phải có chiếu chỉ của vua thì mới được in và ba là hễ thấy ai sưu tập thì chê cười. Ở ta hiện nay tâm lý ngại lý luận còn nặng, lẽ cố nhiên là lý luận kén ngưòi đọc. Mặc cảm tự ti nhược tiểu vẫn còn nặng trong không ít người. Tâm lý muốn cấm đoán cũng vẫn còn nặng nề. Những diều như thế là không thuận lợi cho lý luận phát triển.

Cuối cùng, điều thứ sáu, tôi nghĩ, đã đến lúc cần thành lập một tổ chức nghề nghiệp của những người làm nghề lý luận –  Hội nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn học, đoàn kết những người cùng nghề nghiệp, cổ vũ, khích lệ nhau, cùng phấn đấu cho một nền lý luận văn học phong phú và tiến bộ của nước nhà. Một đề nghị chính đáng như thế đã được nêu ra cách đây đúng 23 năm mà đến nay vẫn chưa được toại nguyện. Người ta chán đến mức không còn ai muốn nhắc đến nữa!

Một nền lý luận trì trệ là nền lý luận không đem lại quan niệm nào mới cho người ta suy nghĩ, không vạch được phương hướng cho tư duy và sáng tạo văn học. Một nền văn học trì trệ thì nó cũng không có nhu cầu lý luận để làm gì. Chúng ta đã từng hàng chục năm không cần đến đa dạng về lí luận. Hiện nay nhiều người đang cần lý luận văn học, đang trao đổi để phát triển lý luận văn học, đó thật là một triệu chứng tốt đẹp, đáng mừng. Nó nói lên rằng văn học ta đang cựa quậy, đang phát triển, đang đòi hỏi được ý thức từ tầm cao của lý luận. Mong sao lý luận được quan tâm để có hy vọng vươn lên đáp ứng được phần nào đòi hỏi tốt đẹp ấy của sự phát triển văn học.

Bài đã đăng báo Văn nghệ năm 2005.

Tác giả có sửa lại và bổ sung 6 -4- 2013

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0