25/05/2018, 17:44

Bảo tồn và phát huy văn hóa thờ Mẫu của người Việt

Nguyễn Thị Yên 1. Nét đẹp trong văn hóa thờ Mẫu của người Việt Với tư cách là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa, tục thờ Mẫu của người Việt gắn bó chặt chẽ với văn hóa Việt Nam, góp phần làm nên nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Trước hết, đó là sự tôn vinh truyền thống ...

Nguyễn Thị Yên

1. Nét đẹp trong văn hóa thờ Mẫu của người Việt

Với tư cách là một tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa, tục thờ Mẫu của người Việt gắn bó chặt chẽ với văn hóa Việt Nam, góp phần làm nên nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Trước hết, đó là sự tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần hướng về nguồn cội. Có thể thấy tinh thần yêu nước thì ở đất nước nào cũng có nhưng ở Việt Nam nó đã trở thành truyền thống chống giặc ngọai xâm được đúc kết lại qua hàng ngàn năm lịch sử. Tục thờ Mẫu với đặc thù của mình đã thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn qua việc tôn vinh những người có công với đất nước. Điều đó được thể hiện sinh động qua hệ thống các nhân vật trong điện thờ Mẫu thuộc hàng quan, hàng chầu, hàng ông hoàng… Họ là đại diện cho các thế hệ người Việt qua các thời kỳ lịch sử đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì một nền độc lập, tự do của dân tộc. Đó là Quan Đệ tam liên quan đến hình tượng người chiến sĩ hy sinh trong trận mạc thân một nơi, đầu một nẻo mà câu chuyện về họ có thể tìm thấy trong dân gian nhiều địa phương từ thời thượng cổ cho đến hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đó là truyền thuyết về Lữ Gia [1] có đền thờ ở khu vực núi Gôi huyện Vụ Bản, Nam Định. Đó là truyền thuyết về Lý Nhật Quang ở khu vực Đô Lương Nghệ An[2]…Gần đây nhất là câu chuyện tìm thủ cấp cho vị tướng tiền cách mạng Phùng Chí Kiên ở Ngân Sơn, Bắc Kạn… Thông qua nghi lễ lên đồng, hình ảnh về họ như được sống mãi với thời gian, hiện hữu một cách sinh động cùng chúng ta, nhắc nhở chúng ta về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt. Và vì vậy, ai đó một lần tham dự một canh hầu sẽ cảm nhận được sâu sắc về biểu tượng người tướng lĩnh chiến đấu cho độc lập tự do dân tộc qua lời văn  Ông Hoàng Mười:

…Chứ nghe nói rằng trong đất Nghệ An có anh hùng hào kiệt

Tiếng ông Hoàng Mười lẫm liệt từ ngàn xưa

Vung gươm lên ngựa phất cờ

Ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam…


Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là một nét đẹp văn hóa tiêu biểu của người Việt Nam, được thể hiện qua nhiều câu ca dao tục ngữ kiểu như “ Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, hay “ Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”…Trong tục thờ Mẫu, nét đẹp đó thể hiện ở sự gắn kết giữa những người cùng hội cùng thuyền – những người được coi là đối tượng “yếu thế” trong xã hội với tư cách là các đồng cô, bóng cậu. Họ là những người có những biểu hiện lệch chuẩn về tâm sinh lý. Họ đến với Mẫu như là một cách để chữa bệnh – giải tỏa về ẩn ức, đồng thời cũng là để có cơ hội được chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Và như vậy, đằng sau nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa thần linh với con người, giữa con người với thần linh còn có sự hòa đồng cảm thông giữa những người cùng cảnh ngộ.  Điều đó làm nên nét riêng của tục thờ Mẫu so với các tôn giáo tín ngưỡng khác. Người nhập đồng trong lúc thăng hoa đã lần lượt nhập đồng các giá khác nhau, mỗi giá đồng là một tính cách khác nhau, thể hiện cách ứng xử, giao tiếp với người trần khác nhau của mỗi vị thánh. Qua đó làm nên đặc trưng trong văn hóa ứng xử của tục thờ Mẫu có thể  vận dụng được vào cuộc sống đời thường.

Thờ Mẫu tức thờ Mẹ - với đúng như tên gọi của nó đã góp phần xây dựng và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống. Trung hậu, đảm đang, chịu thương chịu khó, thương yêu chồng con,… từ lâu vốn đã là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, được ngợi ca không ít qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Còn trong tục thờ Mẫu, hình tượng Mẫu Liễu Hạnh với tư cách vừa là tiên, vừa là người, vừa là thánh đã được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, từ hệ thống điện thờ đến thần tích, thần phả, truyền thuyết góp phần quan trọng hình thành nên trong tâm thức người Việt nói chung hình ảnh về một vị thánh mẫu vừa uy nghiêm vừa nhân từ độ lượng. Hình ảnh đó đã và đang ngày càng phổ biến ở hầu khắp các đền, phủ trong cả nước, quy tụ vào nó những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam mà không phải ở quốc gia nào cũng có.  Đó là hình ảnh về bà mẹ xứ sở: bà mẹ Rừng, mẹ Đất, mẹ Nước mang ý nghĩa vũ trụ, che chở cho những đứa con trần gian. Đó là hình ảnh thực về những người mẹ Việt Nam tảo tần làm lụng, yêu chồng thương con, hiếu thuận cùng cha mẹ. Đặc biệt, đó còn là hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam tài hoa, đắm đuối nhưng không chịu khuất phục cường quyền đứng lên đòi quyền bình đẳng với nam giới…Có thể thấy thông qua hình ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống đã được tái hiện dưới nhiều góc độ tình cảm, tính cách khác nhau làm nên sức quyến rũ riêng cho nhân vật này.

Trong quá trình hình thành và biến đổi, tục thờ Mẫu của người Việt đã tích hợp được những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung

Trước hết, sự có mặt của đạo Tam phủ, Tứ phủ đã góp phần hình thành nên trong đời sống người Việt một hệ thống đền phủ với những đặc điểm về điện thờ, kiến trúc, điêu khắc mang những nét riêng góp phần làm phong phú thêm diện mạo các cơ sở thờ tự của người Việt. Nhìn chung các đền, phủ thờ Mẫu ở Bắc bộ thường có không gian thiêng gắn với môi trường sông nước (như đền thờ Ông Hoàng Mười ở Nghệ An, Hà Tĩnh; đền thờ ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà, Lào Cai) hoặc gắn với ao hồ (phủ Tây Hồ, đền An Thọ, đền Bà Kiệu, đền Liên Hoa,… ở Hà Nội; các phủ chính thờ Mẫu ở Nam Định như Phủ Dày, Phủ Nấp… ở mặt tiền đều có ao hồ). Trong điện thờ Mẫu ngoài hệ thống tượng thờ được bài trí theo thứ bậc trong gia đình người Việt, có cha, mẹ, con cái, cô, cậu…ra thì người ta còn thấy nét nổi bật trong nghệ thuật trang trí ở đây là sự phản ánh đậm nét thế giới quan Tam phủ, Tứ phủ của tục thờ Mẫu. Cụ thể như yếu tố rừng- Nhạc phủ được thể hiện khá sinh động bằng các gam màu xanh trong cung sơn trang, từ trang phục các vị thần đến màu sắc cây cối, hang động, sông nước. Hay nếu như Ngũ hổ là biểu tượng của chúa sơn lâm – con vật trên rừng thì cặp Bạch xà lại là đại diện cho loài vật tiêu biểu ở dưới nước. Tương tự, một quy định mang tính ước lệ thể hiện quan niệm về vũ trụ đã được thể hiện qua màu sắc trang phục của Tam vị Thánh Mẫu: Mẫu đệ nhất (Thiên phủ) áo màu đỏ; Mẫu đệ nhị (Nhạc phủ) áo màu xanh; Mẫu đệ tam (Thoải phủ) áo màu trắng.

Như vậy, bên cạnh các ngôi chùa thờ Phật, đình thờ Thành hoàng thì các ngôi đền thờ Mẫu với những nét đặc trưng riêng của mình đã góp phần xứng đáng làm nên diện mạo riêng cho các cơ sở thờ tự của người Việt, đặc biệt là người Việt ở đồng bằng Bắc bộ.

Lên đồng – nghi thức đặc trưng của thờ Mẫu trong đạo Tam phủ, Tứ phủ có thể coi là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa tâm linh mang đậm tính nguyên hợp đã và đang tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Nói cách khác sự tồn tại của đạo này là gắn với nghi lễ lên đồng và ngược lại. Trong nghi lễ lên đồng đã hội tụ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu khác nhau:

Nghệ thuật trang trí, trang điểm thể hiện qua việc cắm hoa, sắp xếp đồ lễ, may mặc trang phục, trang điểm cho các ông bà đồng trước mỗi giá đồng. Công việc này thoạt nhìn có vẻ đơn giản  nhưng thực ra không phải ai cũng có thể làm tốt được. Thường các con nhang đệ tử đều là những người khéo tay, có con mắt thẩm mỹ. Đặc biệt là đối với các hầu dâng, trong khuôn khổ một vấn hầu, sự nhanh tay nhanh mắt, khéo léo của họ trong việc trang điểm cho ghế đồng  cũng góp phần quan trọng làm nên sự thành công và hấp dẫn của vấn hầu. Trước hết, lễ vật được bài trí lịch sự, tao nhã, màu sắc hấp dẫn; các thanh đồng được hóa trang đẹp đẽ trong các bộ trang phục lộng lẫy… sẽ mang lại niềm tự hào, hân hoan cho bản hội và niềm hứng khởi cho cả những người tham dự.

Nghệ thuật trình diễn của các ông bà đồng với các màn vũ đạo, đối đáp, giao lưu với cộng đồng được coi như là một màn trình diễn sân khấu tâm linh đặc biệt mà ở đó các thanh đồng là nhân vật chính. Tuy các ông bà đồng thực hành nghi thức này theo một mô thức quy định chung nhưng dường như mỗi người lại có những phong cách riêng không ai giống ai. Về đại thể người ta phân thành hai dạng là “đồng tỉnh” (tạm hiểu là đồng biểu diễn – người lên đồng trong trạng thái tỉnh táo) và “đồng mê” (tạm hiểu là trình diễn trong trạng thái bị thôi miên không làm chủ được hành động, lời nói, cử chỉ của mình). Dù ở trạng thái nào thì người lên đồng cũng đều thực hiện đầy đủ các thủ tục nghi lễ  theo quy định của một giá đồng. Tuy nhiên, nếu người nhập đồng trong trạng thái “mê” thì phong cách tự nhiên hơn, cuốn hút người xem hơn. Ngoài ra, sức hút của nghi lễ còn phụ thuộc vào “căn” của từng người. Ví dụ các ông đồng mà có căn cô (đồng cô) thì khi nhập đồng các giá cô, giá chầu rất điệu nghệ, duyên dáng, uyển chuyển, múa hay múa đẹp hơn cả các bà đồng nữ. Ngược lại, có những giá quan, giá ông hoàng, giá cậu do các bà đồng thực hiện  lại tỏ ra bắt mắt, các động tác ra đồng oai phong, dứt khoát hơn so với các ông đồng! 

Chính vì vậy, giống như ngoài sân khấu chuyên nghiệp, trong nghi thức lên đồng cũng có những người hầu hay, người hầu dở, có những giá hầu đẹp, hấp dẫn nhưng cũng có giá hầu dở. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là sự có mặt của nghi lễ lên đồng đã góp phần duy trì tự giác một loại hình diễn xướng dân gian lâu đời của người Việt trong một đời sống xã hội đã có nhiều biến đổi theo xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa hiện nay. Thông qua nghi lễ lên đồng mà văn hóa cổ truyền Việt Nam đã được trình diễn từ phục trang, âm nhạc cho đến tích truyện…

Vì vậy, nói đến lên đồng thì không thể không nói đến hát văn – một loại hình âm nhạc đặc trưng của nghi lễ lên đồng. Sự có mặt của loại hình âm nhạc này đã góp phần làm cho nghi lễ lên đồng trở nên sôi động và hấp dẫn, tác động trực tiếp đến kết quả của vấn hầu. Khi quan sát vấn hầu ta có thể nhận thấy sự phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa thanh đồng và cung văn để các giá hầu diễn ra theo đúng bài bản, trình tự. Ví dụ khi đã kết thúc một giá đồng và chuẩn bị chuyển sang một giá khác, thanh đồng giơ tay ra hiệu theo các quy định, cung văn theo đó mà chuyển giọng hát sang vị thánh tương ứng. Hoặc giả lúc nào cần ngừng hát thì thanh đồng ra hiệu, cung văn biết ý dừng lại. Nội dung các bài hát văn thường gắn với sự tích và công trạng, tính cách của từng vị thánh. Ngoài lời hát ra còn có đàn, trống làm nhạc đệm khiến cho không khí lên đồng vô cùng sôi động, cuốn hút.

Có mặt từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Việt nên hát văn đã trở thành một loại hình âm nhạc cổ truyền tiêu biểu của người Việt. Và vì gắn với nghi lễ lên đồng nên nó đã và đang tồn tại một cách tự giác trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt đương đại.

Vài nét sơ lược cho thấy nét đẹp cơ bản trong  tục thờ Mẫu là nó đã và đang góp phần quan trọng trong việc chuyển tải và lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của người Việt.     

2. Tục thờ Mẫu trong đời sống xã hội hiện nay

Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ mê tín dị đoan thì việc lên đồng và các hoạt động tế lễ liên quan đến tục thờ Mẫu đã vô tình bị các cấp chính quyền địa phương ở nhiều nơi cấm đoán. Theo đó thì nhiều đền, phủ thờ Mẫu đã bị phá bỏ. Cụ thể là hai trong ba trung tâm thờ Mẫu lớn là Phủ Nấp (Yên Đồng, Ý Yên) và Tây Mỗ (Nga Sơn, Thanh Hóa) đã bị dỡ bỏ. Bên cạnh đó hoạt động lên đồng của các thanh đồng bị hạn chế, có nơi còn bị cấm đoán. Tuy nhiên, người dân vẫn ngấm ngầm thờ phụng, các hoạt động lên đồng được “rút vào bí mật”. Chẳng hạn, khi Phủ Mỗ ở Nga Sơn, Thanh Hóa bị dỡ bỏ thì người ta vẫn duy trì việc thờ bát hương ở ngoài trời, các hoạt động nghi lễ như giỗ Mẫu hàng năm được tổ chức tại nhà thờ họ Hoàng, tương truyền là dòng họ của Mẫu ở Tây Mỗ.

Từ sau đổi mới, cùng với chính sách tự do tín ngưỡng thì các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội cũng dần dần được phục hồi. Trong trào lưu chung ấy, tục thờ Mẫu bắt đầu phục hồi và phát triển ở hầu khắp các địa phương gắn với nhiều hoạt động: Xin công nhận di tích, trùng tu hoặc xây dựng lại di tích, tổ chức lễ hội, nghiên cứu, sưu tầm, cải biên,…

- Việc trùng tu, xây dựng lại các di tích thờ Mẫu

Công việc này được tiến hành khá rầm rộ ở nhiều địa phương trong khoảng 20 năm trở lại đây, chủ yếu là do tự phát của người dân. Trong đó có những di tích được xây dựng lại mới hoàn toàn trên nền đất cũ, điển hình là Phủ Nấp và Phủ Mỗ.

Phủ Nấp xưa là một di tích thờ Mẫu nổi tiếng gắn với sự tích giáng sinh lần thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Năm 1973 - toàn bộ khu di tích Phủ Nấp bị phá bỏ, các hiện vật bị mất mát, nền đất được đào làm “Ao cá Bác Hồ”.  Việc xây dựng khu di tích được tiến hành từng bước như sau:

Năm 1993 các phụ lão trong thôn đứng ra xin phép chính quyền địa phương dựng nên ba gian phủ thờ Mẫu nhỏ cạnh hồ nước chỗ cổng phụ ngày nay và giao cho cụ Bùi Xuân Huân thuộc gia đình có nhiều đời làm thủ từ trông coi.

Năm 1996 các cụ quyên tiền công đức lấp được hai sào ao dựng thêm được hai gian nhà khách.

Năm 2002 một tòa phủ nguy nga được thiết kế theo phong cách hiện đại với hai cung Đệ Nhất và Đệ Nhị đã được khánh thành vào ngày 20 tháng 6 năm 2002 là kết quả nỗ lực của bà thủ nhang Trần Thị Vân và các cụ phụ lão trong ban kiến thiết. Sau khi Phủ Nấp được khôi phục, được cấp bằng công nhận di tích cấp tỉnh, lễ hội truyền thống của Phủ Nấp được phục hồi, duy trì đều đặn hàng năm, thu hút các con nhang đệ tử đến hành hương.

Phủ Mỗ tương truyền là nơi tương truyền gắn với lần giáng sinh thứ ba của Mẫu lại bị “hạ giải” vào khoảng năm 1961, toàn bộ đồ thờ tự, tượng bị mất mát. Mấy năm gần đây, một nữ doanh nhân người gốc địa phương làm ăn phát đạt ở Hà Nội đã công đức xây dựng lại gian thờ chính. Hiện di tích Tây Mỗ đang được địa phương lập dự án xây dựng lại thành một quần thể di tích mới hoàn toàn.

Bên cạnh đó còn có việc trùng tu mở rộng các di tích cũ, rõ nhất là ở khu vực thờ Quốc mẫu Tây Thiên ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tại đây cũng trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, bằng sự công đức của thập phương mà nhiều ngôi điện thờ mẫu đã được trùng tu hoặc xây dựng lại với quy mô mở rộng hơn, đặt lại tên gọi mới. Điển hình là di tích đền Mẫu Sinh và đền Mẫu Hóa.

Ngoài ra, nhiều di tích được xây dựng mới dưới sự bảo trợ của nhà nước. Tháng 3/2010 ngôi đền Thượng mới trên đỉnh Tây Thiên đã được khánh thành bên cạnh ngôi đền cũ.

Hiện tượng Tam phủ hóa các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Vĩnh Phúc đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, không chỉ ở hệ thống điện thần mà cả ở nghi lễ. Chẳng hạn trước đây đền Mẫu Sinh là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên theo nghi thức thờ Thành hoàng của người Sán Dìu. Gần đây đền được xây dựng lại theo hệ thống điện thờ Tam phủ, con nhang đệ tử từ các nơi tấp nập kéo về hầu đồng.

Ngay tại Hà Nội nhiều ngôi đền cũng được đầu tư xây dựng mở rộng quy mô. Phủ Tây Hồ cũng được đầu tư xây dựng lại cổng vào, làm lại đường đi, đặc biệt là làm lại cung sơn trang. Bên cạnh đó đền Kim Ngưu  năm 2010 cũng được mở rộng quy mô với việc cung tiến chuông đồng nặng 7650 kg, đôi trâu đồng  và xây thêm ngôi nhà phụ…

Nhìn chung, các di tích được trùng tu hoặc xây dựng lại thường có quy mô lớn và mở rộng hơn, phần lớn dùng vật liệu xi măng, gạch để xây dựng, tạo nên một dạng kiến trúc thờ Mẫu mang phong cách mới.

- Việc bổ sung các vị thần vào hệ thống điện thần

Nhìn đại thể hệ thống điện thần trong các di tích thờ Mẫu hiện nay đều giữ được lối bài trí điện thần cổ truyền gồm hệ thống các pho tượng sắp xếp theo thứ tự: Hậu cung, Tam tòa Thánh Mẫu, hàng quan, hàng chầu, ông hoàng, cô, cậu.

Tuy nhiên ở nhiều nơi, hệ thống điện thờ đã có sự biến đổi theo hướng bổ sung thêm các nhân vật lịch sử mới .

Như chúng ta đã biết, phần lớn các ngôi đền thờ Mẫu đều có phối thờ Đức Thánh Trần, tượng đặt riêng ở bên phải điện thờ. Theo giải thích thì sự có mặt Đức Thánh Trần là để có sự đối ngẫu giữa Cha với Mẹ thể hiện triết lý âm dương của tín ngưỡng nông nghiệp.

Ngày nay ở nhiều nơi trong điện thờ Mẫu còn xuất hiện thêm pho tượng bán thân của chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí thờ Đức Thánh Trần. Đền Mẫu Phố Cò (Phổ Yên, Thái Nguyên) là một ví dụ. Tương truyền ngôi đền này có từ lâu đời, thờ một bà tướng đánh giặc. Ba năm trở lại đây đền được xây dựng lại và nhận bằng di tích lịch sử văn hóa. Trong đền, vị trí thờ Đức Thánh Trần đặt tượng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tương tự, đền Miếu Môn (Chương Mỹ, Hà Nội) trong gian thờ Mẫu cửa rừng có đặt ban thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và ban thờ liệt sĩ.

Một số điện tư nhân ở Thái Nguyên cũng đặt tượng chủ tịch Hồ Chí Minh và anh bộ đội cụ Hồ.    

Ở các di tích thờ Mẫu mới khôi phục lại ở Nam Định như phủ Bóng (Vụ Bản) và Phủ Nấp (Ý Yên) tuy không đặt tượng chủ tịch Hồ Chí Minh trong điện thờ Mẫu nhưng trong phòng khách của mỗi phủ đều có ban thờ Người (Phủ Nấp) hoặc đặt ảnh Người (Phủ Bóng).

Trong công viên Tuổi Trẻ (Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong khoảng 20 năm gần đây người ta có xây dựng một gian thờ theo kiểu mới: ban giữa thờ Phật Bà quan âm, ban bên phải thờ tượng bán thân chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài sân có ban thờ chúa thượng ngàn…

Từ đây ta có thể nhận thấy sự tương đồng trong hình tượng Đức Thánh Trần và chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo các nhà nghiên cứu thì Trần Hưng Đạo, vị chủ soái thời Trần từng chỉ huy quân ta ba lần đánh thắng quân Nguyên, sau khi mất đi được dân chúng tôn làm Cha có lẽ là do có mối liên quan đến truyền thuyết ngài có khả năng trừ tà ma , chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng cứu nước của dân tộc, lúc sinh thời rất chăm lo đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đào tạo thế hệ trẻ với câu nói nổi tiếng “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Trong di chúc Người để lại cũng căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đặc biệt, lúc sinh thời Người rất yêu trẻ nhỏ, quan tâm đến việc dạy dỗ và chăm sóc thiếu niên nhi đồng. Phải chăng, sự có mặt linh tượng của Người trong điện thờ Mẫu là một biểu hiện của sự biến đổi thần vị của điện thờ Mẫu theo xu thế thời đại và dường như trong tâm thức dân gian cũng có sự thay đổi theo xu hướng thời đại? Và điều này cũng là một minh chứng cho nét đẹp của văn hóa thờ Mẫu qua ý thức tìm về nguồn cội. 

Sự xuất hiện trong điện thờ Mẫu hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh bộ đội cụ Hồ là đại diện cho một thế hệ người Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập và tự do của một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cái đẹp qua hình tượng họ là cái đẹp  mang hơi thở của thời đại.

 - Sự biến đổi trong đội ngũ con nhang đệ tử

Các con nhang đệ tử tìm đến cửa thánh từ nhiều lý do khác nhau, về cơ bản có những trường hợp chính sau đây:

Trước hết, những thanh đồng thường được biết đến với tư cách là các “đồng cô bóng cậu” – mà gần đây theo tiết lộ của một số nam thanh đồng (đồng cô) thì họ trở thành đệ tử Mẫu chính là để giải tỏa sự lệch chuẩn trong tâm sinh lý “xác nam nhưng bóng nữ”. Bộ phim tư liệu “Love man love women” (tạm dịch là “ái nam ái nữ”)  là một trong những phim nhân học đầu tiên của Việt Nam do nhà làm phim – nhà nghiên cứu Nguyễn Trinh Thi thực hiện đã đi vào khai thác khía cạnh này. Bộ phim có nhân vật chính là thầy Đức – một thanh đồng  với những câu chuyện chân thực về cuộc sống thường ngày của một người hầu bóng. Qua tự truyện của thầy Đức thì việc tham gia làm đệ tử của Mẫu đã giúp họ giải quyết được những ẩn ức về tâm sinh lý của giới đồng tính nam.

Một bộ phận nữa là những người làm ăn, kinh doanh (gần đây còn có cả những người làm công tác lãnh đạo), do những trục trặc trong công việc hoặc làm ăn mà tìm đến cửa Mẫu để trình đồng mở phủ với hy vọng nhờ đó công việc sẽ suôn sẻ, gia đình, con cái êm ấm. Thường những người này trước đây làm ăn phát đạt, bỗng dưng lụn bại, thất thoát hoặc bị lừa gạt đến cùng kiệt. Ngoài ra còn những người bất hạnh trong tình duyên cũng tìm đến cửa thánh để giải căn giải số. 

Một số người do căn quả phải nối nghiệp gia đình cũng ra trình đồng mở phủ để trở thành các đồng thầy.

Như vậy, đại bộ phận con nhang đệ tử đến với cửa Mẫu là vì mục đích mưu sinh, vì mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc trên trần gian.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trong giới đồng bóng còn xuất hiện thêm những hiện tượng có căn quả đặc biệt, bị cơ đầy bệnh tật tới mức không thể không ra trình đồng. Sau khi trình đồng mở phủ họ trở thành các thầy đồng chuyên xem bói, chữa bệnh âm, có trường hợp tham gia đi tìm mộ. Những trường hợp này đa số là nữ giới, chúng tôi tạm gọi họ là những thanh đồng đặc biệt. Trong đó có nhiều trường hợp là thuộc giới trí thức, là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, là cô giáo đang dạy học. Nhiều trường hợp cho rằng đã giao tiếp được với thần linh (nghe được tiếng nói, nhìn được hình ảnh) và họ hành đạo theo hướng dẫn của thần linh. Trường hợp thanh đồng Trần Ngọc Ánh – người tìm được mộ của cố tổng bí thư Hà Huy Tập năm 2009 là một ví dụ. Cô Ánh có căn ông Hoàng Mười, làm việc theo chỉ dẫn của ông Hoàng Mười, khi ông Hoàng Mười nhập thân thì hoàn toàn trong trạng thái “mê” . Cuộc tìm kiếm mộ cố Tổng bí thư Hà Huy Tập của cô đồng Ánh là một câu chuyện ly kỳ, nhiều tình tiết khó giải thích với sự tham gia của người âm [3].

Đặc điểm của lớp thanh đồng mới là làm việc theo chỉ dẫn của người âm, cứu người không đòi hỏi thù lao, điện thần tự lập tại gia đơn giản chỉ gồm các bát hương, không được đặt tượng nếu thánh chưa cho phép. Họ thực hiện nghi lễ lên đồng khá tự nhiên, nhuần nhuyễn. Các vấn hầu do đối tượng này thực hiện thường lễ vật đơn giản, không khí vui vẻ ấm cúng, diễn xướng tự nhiên, không phân biệt đối tượng khi phát lộc.

Bà đồng T. ở Phú Thọ thuộc trường hợp thanh đồng đặc biệt, bà cho biết bà có hai căn, “căn cô” và “căn cụ Hồ”, khi nhập đồng cụ Hồ nói giọng Nghệ An. Đặc biệt là đi đến đền phủ nào bà cũng bảo người ta phải thờ cụ Hồ, nếu nhìn thấy ảnh cụ đặt nơi không trang trọng thì rất tức giận. 

Từ trường hợp này khiến chúng tôi đặt ra một câu hỏi: Liệu sự bùng phát việc xây dựng lại đền phủ thờ Mẫu với sự có mặt của các nhân vật lịch sử mới, cùng một lúc với sự xuất hiện những thanh đồng có khả năng đặc biệt trong thời gian qua phải chăng là một biểu hiện cho sự thay đổi, bổ sung thêm những giá trị văn hóa mới trong tục thờ Mẫu? 

 -  Những hình thức nghệ thuật cải biên từ  nghi lễ  lên đồng

Gần đây, những hoạt động phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của lên đồng trong tục thờ Mẫu cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Năm 2009 lễ hội hầu đồng đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cùng Ủy ban nhân dân  tỉnh Hà Nam tổ chức tại đền Lảnh Giang, Duy Tiên, Hà Nam. Ngày 26/3/2010 Liên hoan Hát Chầu văn khu vực đồng bằng Sông Hồng lần thứ nhất năm 2010 đã được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Việc sân khấu hóa nghi lễ lên đồng cũng được tiến hành và phổ biến ở trên sân khấu (Nhà hát chèo Việt Nam và của Nhà hát tuổi trẻ) mà còn có ở những trung tâm vui chơi giải trí nhằm phục vụ khách tham quan du lịch, chẳng hạn như ở khu giải trí Thiên đường Bảo Sơn. Về một mặt nào đó nó đã góp phần đưa văn hóa hầu đồng ra khỏi điện thờ để giới thiệu với quảng đại quần chúng.

Gần đây nhất, một chương trình âm nhạc mang tên “Đối thoại hầu văn” với phần nhạc của Đặng Tuệ Nguyên và trình diễn piano của Phó An My đã được diễn ra tại rạp Công Nhân (28/5/2011) là một hình thức âm nhạc hóa nghi lễ lên đồng. Tác phẩm Bóng gồm 5 biến thể gọi là “Nhập” do nghệ sĩ Piano Phó An My trình diễn với vai trò như một ông đồng, bà cốt để thánh nhập vào các nhân vật khác nhau ở mỗi giá đồng. Xen giữa các Nhập là phần hát văn cổ của nghệ nhân hát văn như Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, nghệ nhân Dương Thanh An. Cây đàn piano của Phó An My và hát văn là hai thực thể song song tồn tại, có giao thoa, có bồi đắp nhưng không hòa lẫn vào nhau.[4]

- Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu

Cùng với việc trở lại của sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu thì công tác sưu tầm, nghiên cứu về tục thờ Mẫu trong thời gian qua cũng có được những thành tựu nhất định mà trong đó phải kể tới đóng góp của GS.TS Ngô Đức Thịnh trong việc nghiên cứu và tổ chức các nghiên cứu về Đạo Mẫu trong thời gian qua. Bộ sách Đạo mẫu Việt Nam của ông được tái bản nhiều lần và ngày càng đi đến sự hoàn thiện việc nghiên cứu tục thờ Mẫu trong cái nhìn tổng thể.

Bên cạnh đó, tục thờ Mẫu còn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ở các địa phương: Tác giả Bùi Văn Tam về tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy[5]; tác giả Hồ Đức Thọ và Phạm Văn Giao với công trình khá giới thiệu các nơi thờ tự tiêu biểu trong nước và lễ thức hầu bóng trong tục thờ Mẫu[6]…

Từ năm 2009 đến nay  nhiều hội thảo khoa học về tục thờ Mẫu đã được thực hiện nhằm làm rõ thêm sự tích thờ Mẫu ở các địa phương cụ thể. Đó là hội thảo “Lễ hội đền Cờn và tục thờ tứ vị nương nương” tổ chức ở Quỳnh Lưu Nghệ An vào đầu năm 2009; hội thảo “Phủ Quảng cung Vỉ Nhuế trong tục thờ Mẫu Việt Nam” tại xã Yên Đồng (Ý Yên, Nam Định) vào tháng 11 năm 2009; hội thảo “Quốc Mẫu Tây Thiên trong tục thờ Mẫu Việt Nam” tổ chức vào tháng 3 năm 2010 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc[7],…

Mấy năm gần đây, nhiều khía cạnh khác nhau trong tục thờ Mẫu đã trở thành đề tài của học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc Viện nghiên cứu văn hóa như di tích và lễ hội Phủ Dầy, đồ mã và  múa trong lên đồng, lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường, múa hầu đồng từ tín ngưỡng dân gian đến sân khấu chuyên nghiệp … Đây cũng là mảng đề tài của các học viên cao học văn hóa ở Trường Đại học văn hóa Hà Nội.

Có thể nói hoạt động nghiên cứu về tục thờ Mẫu đang có nhiều khởi sắc góp phần làm rõ hơn nét đẹp của văn hóa thờ Mẫu trong đời sống đương đại.

3. Bảo tồn và phát huy cái đẹp của tục thờ Mẫu trong đời sống đương đại

- Những mặt còn hạn chế trong sinh hoạt văn hóa  thờ Mẫu

Sự trở lại của tục thờ Mẫu hiện nay đã mang lại một diện mạo mới cho đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt, về một mặt nào đó đã góp phần quan trọng bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, như bất kỳ một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tự phát nào, tục thờ Mẫu và sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu vẫn tiềm ẩn trong nó những mặt hạn chế không tránh khỏi. Điều đó thể hiện ở những khía cạnh cơ bản dưới đây:

Lâu nay sinh hoạt của các thanh đồng và con nhang đệ tử thường theo nhóm riêng lẻ mà chưa có sự liên kết giữa các bản hội, bản đền. Tình trạng này nhiều khi dẫn đến thiếu sự đoàn kết, nhất trí giữa các bản đền, các bản hội và giữa các thanh đồng. Thậm chí, dưới sự tác động mang tính chất cạnh tranh của cơ chế thị trường thì hiện tượng này có vẻ bộc lộ rõ hơn ở một số địa phương. Điều đó dẫn đến có hiện tượng bằng mặt không bằng lòng, thậm chí nói xấu, chê bai hoặc ganh đua giữa các bản hội hoặc giữa các thanh đồng làm mất đi thiện cảm của những người ngoài cuộc đối với các ông bà đồng. Điều quan trọng là điều đó khiến họ không đoàn kết được trong những việc cần có tiếng nói chung của những người cùng giới. 

Do nhu cầu hầu đồng ngày một tăng nên đã dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở các đền phủ, đặc biệt là các đền phủ lớn. Người ta có thể hầu đồng ở mọi ban, thậm chí ở cả ngoài sân, loa đài bật hết cỡ khiến nghi lễ hầu đồng kém đi sự tao nhã mà thay vào đó là sự cạnh tranh, lấn lướt nhau. Điều đó đã làm ảnh hưởng không ít tới giá trị văn hóa nghệ thuật của nghi lễ lên đồng.

Việc ban phát lộc trong lễ hầu đồng nhiều nơi còn có sự phân biệt, nặng về vật chất. Theo như vậy thì thần linh cũng nhìn mặt mà phát lộc, làm mất đi sự công bằng cũng như nét đẹp trong văn hóa ứng xử của sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu.

Hiện tượng đốt vàng mã quá nhiều trong các nghi lễ lên đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường cũng là điều khiến dư luận phàn nàn. Tuy nhiên việc đốt vàng mã tồn tại cũng là một cách tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân. Vậy giải quyết vấn đề đốt vàng mã như thế nào cũng đang là một câu hỏi được đặt ra cho những người làm công tác quản lý ở các địa phương có đền, phủ thờ Mẫu.

Trong đội ngũ các ông bà đồng vẫn còn không ít người lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi. Đây đó vẫn có những ông bà đồng phán bừa hoặc phán vô trách nhiệm khiến người nghe vì sợ mà tốn kém mấy cũng cố kiếm tiền để làm lễ giải hạn. Một số đồng thầy ra giá mở phủ quá cao mà không phải ai muốn trình đồng mở phủ cũng đáp ứng được. Bên cạnh đó lại có hiện tượng “đồng đua” - một số con nhang đệ tử vì theo trào lưu mà cũng trình đồng mở phủ, cũng vay mượn làm lễ , bỏ bễ công việc gia đình, gây tốn kém dẫn đến gia đình ly tán. 

Mặt khác, ở một số đền phủ do người dân công đức một cách tùy hứng nên dẫn đến hiện tượng đồ cung tiến thiếu sự chọn lọc, thống nhất về kiểu cách, bài trí lộn xộn.

Nói tóm lại, bên cạnh những cái đẹp thì trong tục thờ Mẫu vẫn còn không ít những hạn chế cần phải xem xét điều chỉnh. 

- Một số ý kiến đề xuất

Từ thực trạng đời sống sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu ngày nay chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến đề xuất như sau:

 - Việc xây dựng lại hoặc trùng tu các di tích thờ Mẫu cần được tiến hành theo một quy hoạch tổng thể tránh tùy tiện xây dựng dẫn đến chắp vá thiếu tính đồng bộ, nhất là ở những di tích tiêu biểu. Không gian di tích nên rộng rãi, thoáng đãng để sau này các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến tục thờ Mẫu có điều kiện phát huy .

 - Hệ thống điện thần cần có sự thống nhất về khuôn mẫu, kiểu dáng và cách bài trí. Sự xuất hiện các nhân vật lịch sử mới trong điện thờ Mẫu là cần thiết, một phần thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, một phần thể hiện sự xu hướng thế tục hóa điện thờ Mẫu cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

- Giữa các thanh đồng, giữa các bản hội cần có sự đòan kết nhất trí để xây dựng mối quan hệ thân thiện giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt thông qua các thanh đồng tuyên truyền làm việc từ thiện – việc công đức, xây dựng các hội nghề nghiệp của các tín chủ để giúp đỡ nhau trong  việc làm ăn, nuôi dạy con cái. 

 - Cần xây dựng một quy ước chung cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật, hàng mã, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc, cách thức ban phát lộc thánh …để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch và lịch sự, tránh phô diễn, khoe của.

 - Bước đầu xây dựng bản quy chế, quy ước chung cho các bản hội giống như luật định, để từ đó làm cơ sở đoàn kết quy tụ các thanh đồng , các con nhang đệ tử để góp phần làm lành mạnh hóa sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu…

 - Công tác sưu tầm, nghiên cứu về tục thờ Mẫu cần tiếp tục triển khai nhằm đi đến làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề cơ bản liên quan đến tục thờ Mẫu như: sự hình thành, biến đổi, sự tích thờ Mẫu ở các địa phương, ...

- Tiếp tục khai thác những nét đẹp trong nghệ thuật lên đồng để ứng dụng phát huy giá trị của nó trong đời sống nghệ thuật phục vụ nhu cầu của các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Tóm lại, bảo tồn phát huy nét đẹp trong tục thờ Mẫu của người Việt là một việc làm thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp công sức của nhiều người mà hơn ai hết các thanh đồng với tư cách là những người trong cuộc cần có nhiều nỗ lực nhất. Sự quan tâm của nhiều đối tượng như nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giới nghệ sĩ…sẽ là một cách để giúp cho tục thờ Mẫu ngày một khẳng định vị trí của mình trong đời sống tinh thần của người dân và đặc biệt là khẳng định giá trị của tục thờ Mẫu trong văn hóa Việt Nam.                                                             

                                        Ngõ An Lạc, ngày 4 tháng 7 âm lịch năm 2011 

                                                                      CHÚ THÍCH

1.Đại thần Lữ Gia: Tể tướng đời vua Triệu Ai Vương năm 113 trước công nguyên.

2. Lý Nhật Quang: Thái tử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của Lý Thái Tổ.

3. Xem Cuộc tìm kiếm hài cốt cố tổng bí thư Hà Huy Tập, Hà Huy Lợi chủ biên, Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh, 2010

4. Xem thêm: daomauvietnam.com

5. Bùi Văn Tam, Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh, Nxb Văn hóa dân tộc, 2007.

6.Hồ Văn Thọ- Phạm Văn Giao, Hầu bóng lễ thức dân gian trong thờ Mẫu- thần Tứ phủ ở miền Bắc, Nxb Thanh niên, 2010.

7.Các cuộc hội thảo này do Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng (thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) phối hợp với các địa phương tổ chức.

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0