18/06/2018, 16:06

Vài nét về tổ chức chính quyền, quân đội và tên chức quan thời Tây Sơn

Nguyễn Công Việt Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu ấn triện và bút tích các nhân vật lịch sử thời Tây Sơn, chúng tôi đã tìm được một số tài liệu gốc thời Tây Sơn. Trong đó cho biết không ít sự kiện và nhân vật lịch sử, cùng tên chức quan giai đoạn này. Từ những tư liệu này và một ...

Nhà_Tây_Sơn,_dấu_ấn

Nguyễn Công Việt

Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu ấn triện và bút tích các nhân vật lịch sử thời Tây Sơn, chúng tôi đã tìm được một số tài liệu gốc thời Tây Sơn. Trong đó cho biết không ít sự kiện và nhân vật lịch sử, cùng tên chức quan giai đoạn này. Từ những tư liệu này và một số sách tạp ký, tài liệu ghi chép về thời Tây Sơn khác đã và chưa công bố, chúng tôi bước đầu phác thảo vài nét về tổ chức chính quyền, quân đội và tên chức quan văn võ của vương triều Tây Sơn mà chủ yếu dưới đời vua Quang Trung.

  1. Chính quyền Trung ương

Năm 1778, 5 năm sau ngày dựng cờ khởi nghĩa thành công, Nguyễn Nhạc xưng là Minh Đức Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, đổi thành Đồ Bàn thành Hoàng đế, phong Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng quan và đặt các chức Tổng đốc, Tư khấu, Hộ giá… Chính thức từ đây lịch sử phong kiến Việt Nam có thêm một triều đại mới. Nhưng phải đến năm 1786 sau khi Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân rồi Bắc tiến thành công tiêu diệt quân Trịnh làm chủ phía Bắc thì tổ chức chính quyền Tây Sơn mới hình thành. Nguyễn Huệ lúc đầu xưmg là An Nam Đại Nguyên súy, đến năm 1787 xưng là Đại Nguyên súy Tổng quốc Chính Bình vương; Ông đặt các chức quan Đại Tư Mã cho Ngô Văn Sở, Quan Nội hầu cho Nguyễn Văn Lân… Cho đến mùa thu năm 1788 Nguyễn Huệ đã thu phục được nhiều văn quan và sĩ phu Bắc hà. Duy trì cơ cấu tổ chức chính quyền thời Lê Trung hưng, trong hai năm 1787 và 1788, họ Nguyễn Tây Sơn cho lập lại hệ thống Lục Bộ, phong Hồ Công Thuyên làm Thượng thư bộ Hình tước Thuyên Quang hầu; Lê Tài làm Thị lang bộ Binh tước Giác lý hầu… Hệ thống Giám sát được phục hồi, Phan Huy ích và Nguyễn Gia Phan được phong làm Thị trung Ngự sử(1)… Viện Hàn lâm hoạt động trở lại trong đó nhiều văn quan nhà Lê cũ được sung vào Hàn lâm viện Trực học sĩ như Ngô Vi Quỹ, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch… (đến đời Quang Trung 5 (1792) Nguyễn Huệ lại lấy Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch sung Hàn lâm viện Trực học sĩ). Anh em Nguyễn Huệ còn chú trọng duy trì hoạt động của Phiên. Phiên cũng như Bộ nhưng ở vương phủ đều do các văn quan đảm nhiệm. Ví dụ chức vụ ở Phiên lúc đó là Binh phiên phó Tri phiên được giao cho Cẩn Tín hầu Lê Quang Đại.

Điều đặc biệt trong tổ chức chính quyền Tây Sơn là Nguyễn Huệ đã mô phỏng theo chế độ Tam sảnh(2), mà chủ yếu là Trung thư sảnh thời Trần và Lê sơ để đặt Trung thư phủ với chức Trung thư lệnh đứng đầu. Cơ quan và chức vụ này đã bị bãi bỏ cuối thời Lê sơ, nó không có trong quan chế thời Lê Trung hưng, thời Mạc và thời Nguyễn sau này. Năm 1789 Nguyễn Huệ lập Trung thư phủ, thăng Trần Văn Kỷ từ chức Từ Lệnh lên giữ chức Trung thư lệnh, với chức năng là Bí thư bên cạnh Hoàng đế(3).

Năm Quang Trung 3 (1790) Nguyễn Huệ củng cố hệ thống Lục bộ, thăng cấp cho người có tài có công như Ngô Thì Nhậm được thăng làm Thượng thư bộ Binh, Vũ Duy Tấn làm Đãi chiếu Thượng thư bộ Công, Nguyễn Thế Lịch làm Thượng thư bộ Lại, Ninh Tốn làm Hữu Thị lang bộ Binh… Tháng 4 năm 1790 Tây Sơn lập đoàn sứ bộ sang Trung Quốc do Phan Huy ích cùng một số văn quan khác làm sứ thần. Trong năm này các tổ chức Viện, Ty được xây dựng và hoàn thiện như việc thành lập Viện Sùng chính mà La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được phong làm Viện trưởng. Đây là điểm mới trong tổ chức Trung ương của triều Quang Trung có liên quan đến văn hóa giáo dục đương thời.

Tổ chức Trung ương lớn thời Quang Trung được đặt ra khác hẳn các vơơng triều trước là Tổ chức Triều đường. Triều đường tức là Triều đình mà đại diện là một số đại thần văn quan, võ tướng số một của triều Quang Trung, chủ yếu là những văn quan tài giỏi. Họ được quyền thay mặt vua giải quyết những vấn đề quan trọng, ra một số văn bản chỉ định và được dùng dấu ấn lớn “Triều đường chi ấn”. Mô hình này không phải là một tổ chức, một cơ quan Trung ương riêng biệt nào ở triều Quang Trung, nó giống như mô hình Đình thần thời Nguyễn Gia Long và Công đồng từ thời Nguyễn Minh Mệnh trở về sau vậy.

  1. Chính quyền địa phương

Song song với việc xây dựng chính quyền Trung ương, nhà Tây Sơn tiến hành xây dựng và củng cố chính quyền địa phương, ở phía Bắc Nguyễn Huệ đổi thành Thăng Long làm Bắc Thành và quản lý theo chế độ quân quản. Các trấn vẫn được duy trì như cũ, riêng trấn Sơn Nam được chia làm Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ. Mỗi trấn đặt chức Trấn thủ đứng đầu, hoặc có trường họp gọi là Lưu thủ quản một Trấn ở giai đoạn đầu Tây Sơn; mỗi trấn có một Hiệp trấn hay Tham hiệp làm phó trấn. Những trấn quan trọng như Nghệ An, Thanh Hoa nhà Tây Sơn đều để các tướng tài tâm phúc kiêm nhiệm trấn giữ. Như trấn Nghệ An năm 1787 được giao cho Lưu thủ Danh Phương hầu Nguyễn Văn Phương trấn nhiệm; Năm 1789 lại giao cho Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận làm Nghệ An trấn thủ quan. Nguyễn Văn Thận vừa là quan khâm sai của triều đình vừa là quan Trấn thủ đứng đầu trấn Nghệ An. Chức phó trấn Nghệ An được giao cho Nguyễn Triêm giữ chức Hiệp trấn Hữu Đồng nghị(4). Chức phó trấn nữa là Tham hiệp; cũng trấn Nghệ An đến đời Cảnh Thịnh, Quang Toản giao cho Đô đốc Tư Trung hầu giữ chức Tham hiệp trấn này. Xây dựng và củng cố chính quyền cấp huyện năm 1788 Nguyễn Huệ mới đặt chức quan ở cấp huyện với hai chức là Tả Quản lý và Hữu Quản lý. Tả Quản lý thì coi việc hình luật kiện tụng, Hữu Quản lý thì coi về quân đội binh lính, và mỗi huyện còn đặt chức Huyện trưởng để đốc suất chung(5).

Cấp cơ sở thấp nhất của chính quyền địa phương là tổng, xã vẫn được nhà Tây Sơn duy trì theo nhà Hậu Lê ở Đàng ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng trong. Tổng có Cai tổng và Phó tổng đứng đầu, xã có Xã trưởng hay Lý trưởng quản lý.

Về mặt kinh tế ngay từ khi thu phục được Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã có ý định xây dựng nền kinh tế độc lập. Chiếu khuyến nông chứng tỏ Quang Trung thấy được vai trò quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp. Việc lập sổ đinh, sổ điền chia ra các hạng, đẳng, ngạch để cân đối với việc thu tô thuế thời Quang Trung là tương đối mạch lạc. Tham khảo luật kinh tế các đời trước, nhà Tây Sơn còn thiết lập mô hình Bản Đường quan với chức năng thu tô thuế, dân đinh, kiểm tra mọi lĩnh vực ở các địa phương. Các chức danh Ký phủ, Ký lục, Cai phủ, Đề lĩnh trong hệ thống Bản Đường quan càng làm phong phú thêm cho tên chức quan thời Tây Sơn.

  1. Tổ chức quân đội

Quân đội Tây Sơn bắt đầu hình thành từ tổ chức 5 Đồn: Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu từ năm 1773. Ngày một lớn mạnh từ một đội quân để trở thành một lực lượng quân đội có quy mô và tổ chức cao. Biên chế quân đội theo nguyên tắc Ngũ chế (Năm quân), gồm có Trung quân, Tiền quân, Tả quân, Hữu quân và Hậu quân. Các quân này đều do các tướng tài đảm nhiệm, như năm 1786 Nguyễn Nhạc đánh Phú Xuân, phong Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu Quân Đô đốc, Võ Văn Nhậm làm Tả Quân Đô đốc…

Quân đội Tây Sơn còn chia các Đạo với tên gọi riêng là Càn Thanh, Thiên Can, Thiên Trường, Thiên Sách, Thiên Hùng, Hổ Bí, Hổ Hầu, Thị Thân, Thị Loan v.v… Người chỉ huy các đạo quân này là những viên Đô đốc, như năm Thái Đức 10 (1787) Nguyễn Nhạc phong Đặng Tiến Đông chức Đô đốc Đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu, sau đó ông thống lĩnh đạo quân Vũ Thắng, Thiên Hùng ở chi Giáp nhất(6). Theo đó thì biên chế quân đội Tây Sơn còn có cấp Chi đặt theo số thứ tự đi liền với hệ thống Thập Can là Giáp Ất…

Dưới các Đạo là đơn vị cấp Cơ, mỗi Cơ lại có nhiều Đội. Điều khác biệt với biên chế quân đội là trước đó và Nguyễn sau này là quân Tây Sơn còn đặt cấp Suất với chức Phân Suất. Sách Lê quý dật sử ghi lại vào tháng 12 năm Kỷ Dậu niên hiệu Quang Trung 2 (1789): “Tây Sơn định lại việc đặt quan chức, hàng quan văn có Phân Tri, hàng quan võ có Phân Suất… Quân sự thì Đạo thống lĩnh Cơ, Cơ thống do lĩnh Đội, đều có viên Phân Suất cai quản huấn luyện”(7). Như vậy cấp Suất đã được đưa vào biên chế quân đội Tây Sơn một cách rộng rãi và thường có tên gọi kèm theo như Suất Trung Lương, Suất Hùng Cự v.v… Suất có khi đứng độc lập, có khi do chức khác kiêm quản. Ví dụ như trong quả ấn “Suất Trung Lương nhị vệ tam hiệu Trung Lang tướng”. Viên Trung Lang tướng ở hiệu quân thứ ba, Vệ thứ hai Suất Trung Lương; hay ở một quả ấn khác là “Suất Hùng Cự khai vệ ngũ hiệu đô ty” Viên tướng Đô ty ở Hiệu quân thứ năm, Vệ Tiên phong Suất Hùng Cự(8).

Ở đây ta thấy rõ dưới cấp Suất còn có cấp Vệ. Cấp Vệ cũng được đặt theo số thứ tự Nhị vệ, Khai vệ như ví dụ trên; hoặc Nhất vệ như quả ấn có tên gọi “Tây kỳ phủ Trung tín Nhất vệ Hộ quốc sứ Vinh Hoa hầu”. Viên tướng Vinh Hoa hầu chức Hộ quân sứ thuộc vệ thứ nhất Suất Trung Tín phủ Tây Kỳ(9).

Hai ấn đồng trên cũng đã cho thấy cấp Hiệu trực thuộc dưới cấp Vệ. Mỗi Vệ có nhiều Hiệu, và cấp Hiệu cũng được đặt theo số thứ tự như Tam Hiệu, Ngũ Hiệu…

Đơn vị quân đội nhỏ nhất thời Tây Sơn là cấp Đội đối với lực lượng bộ binh và tương đương cấp Đội là Thuyền nằm trong lực lượng Hải quân. Đây là những đơn vị cơ sở của quân chính quy.

Cũng như chức quan văn, chức vụ cấp bậc của các tướng lĩnh từ cao cấp trở xuống thời Tây Sơn được ghi, khắc tản mạn. Văn bản chữ Hán chứng tích về Trần Quang Diệu mà chúng tôi chưa công bố ghi rõ chức vụ của ông được giao ở triều Quang Trung là “Đặc sai phụ quốc Đại Tổng quản Thượng tướng quân”: sau này ông được gia phong chức Thiếu phó mà sử thời Nguyễn thường gọi ông cũng như gọi các quan tướng thời Tây Sơn theo chức vụ có kèm thêm chữ “Ngụy”. Một chức vụ cực lớn mà năm 1789 Nguyễn Huệ phong cho con trai Khang công Nguyễn Quang Thùy là “Tiết chế Thủy bộ chư doanh kiêm Tổng binh dân thứ vụ” cho quản lĩnh Bắc Hà cũng đã được giới thiệu trên Thông báo Hán Nôm(10). Chức Đại Tư mã được nhà Tây Sơn giao cho các tướng tài. Đó là Ngô Văn Sở thời Quang Trung và đời Cảnh Thịnh, Quang Toản phong Nguyễn Văn Tứ làm Đại Tư mã giúp Quang Thùy coi Bắc Hà. Đại Tư mã Nguyễn Văn Tứ cuối thời Cảnh Thịnh được phong Tứ Quận công cho kiêm chức Trấn thủ Thanh Hoa.

Chức Đại Đô đốc và Đô đốc gần như là chức võ quan điển hình thời Tây Sơn mà ít thấy ở các triều đại khác. Riêng chức Đô đốc được phong cho rất nhiều tướng lĩnh như Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đô đốc Bảo, Đô đốc Long, Đô đốc Bưu, Đô đốc Tuấn, Đô đốc Đạt, Đô đốc Giám v.v… Chữ Đô đốc còn đi liền với tên chức khác như Đô đốc Đồng tri mà Đặng Tiến Đông được Nguyễn Nhạc phong năm Thái Đức 10 (1787); hoặc trường hợp của Hữu quân Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh và Tả quân Đô đốc Võ Văn Nhậm đã nêu trên(11).

Ngoài chức Đại Tổng quản còn có chức Tổng quản như Tổng quản Siêu, chức Tư lệ như Tư lệ Đinh Công Tuyết. Hai viên tướng này đã cùng Bùi Thị Xuân theo Quang Thùy, Quang Toản với 30.000 quân đánh chiếm lại Phú Xuân đầu năm 1802 nhưng bị thất bại.

Chức vụ quân đội Tây Sơn, tản mạn một số sách tư liệu còn ghi như chức Chỉ huy sứ, Đô ty, Đô úy, Trung úy, Vệ úy… những chức Trung lang tướng và Vệ quân sứ trong những quả ấn nêu trên đã bổ sung thêm cho danh mục võ chức trong quân đội Tây Sơn.

  1. Một vài nhận xét

Quan chế thời Tây Sơn cả văn quan và võ quan không có bộ chính sử nào ghi trọn vẹn, chỉ thấy rải rác trong các sách dã sử và tạp ký. Chỉ có một đoạn ghi trong Liệt truyện Tây SơnĐại Nam chính biên liệt truyện là còn có tính chất thống kê tên chức quan Tây Sơn: “… Tam công, Tam thiếu, Đại Trung tể, Đại Tư mã, Đại Tư không, Đại Tư hội, Đại Tư lệ, Thái úy, Ngự úy, Đại Tổng quản, Đại Tổng lý, Đại Đô hộ, Đại Đô đốc, Đô đốc, Nội hầu, Hộ giá, Kiểm điểm, Chỉ huy sứ, Đô ty, Đô úy, Trung úy, Vệ úy, Quán quân, Tham đốc, Tham lĩnh, Trung thư sảnh, Trung thư lệnh, Phụng chính, Thị trung Đại học sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ, Thị trung Ngự sử, Lục bộ Thượng thư, Tả Hữu Đồng Nghị, Tả hữu Phụng nghị, Thị lang, Tư vụ, Hàn lâm,… các chức danh khác còn nhiều không thể kể hết ra được”(12). Tuy nhiên, ở đây ghi “Trung thư sảnh” vào là chưa hợp lý, vì Trung thư sảnh là tên cơ quan, còn Trung Thư lệnh mới là tên chức quan đứng đầu Trung thư sảnh.

Không thể kể hết ra được tên chức quan thời Tây Sơn, như những tài liệu gốc mà chúng tôi sưu tầm được ở Nam Trung bộ là chức Thống soái (có cả hình dấu) được ghi năm Cảnh Thịnh 8 (1800) của Thiếu Truyền công phong cho Nguyễn Đăng chức Đô ty tước Phú Lộc hầu, hay chức Thị nội Cai bạ Tri Tào vụ () của Lưu Thế Trinh trong văn bản ghi năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) có dấu của Triều đường… Phải nói rằng ghi chép về thời Tây Sơn tuy tản mạn, trên nhiều dạng tư liệu khác nhau nhưng cũng cho ta thấy được tổ chức chính quyền quân đội giai đoạn này khá hoàn chỉnh.

Phác thảo vài nét về tổ chức chính quyền, quân đội và tên chức quan thời Tây Sơn, chúng tôi hy vọng cung cấp thêm chút ít tư liệu cho công tác nghiên cứu lịch sử về một vương triều tuy ngắn ngủi nhưng lại rất hào hùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

N.C.V

CHÚ THÍCH:

(1) Sang đời Cảnh Thịnh có thay đổi bổ sung Đô sát viện. Quang Toản phong Hy Quang hầu Hoàng Thạc Phụ làm Đô sát thự Đô Ngự sử,…

(2) Tam sảnh gồm có Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh và Thượng thư sảnh có nguồn gốc từ thời Tùy Đường trong thể chế phong kiến Trung Quốc. Trung thư sảnh đóng vai trò quyết sách, Môn hạ sảnh giữ vai trò thẩm nghị, Thượng thư sảnh có trách nhiệm chấp hành. Nhà Trần và Lê sơ mô phỏng theo quan chế Trung Quốc.

(3) Xem Nguyễn Công Việt: Giới thiệu bút tích và dấu ấn của Trần Văn Kỷ trên văn bản Hán Nôm thời Tây Sơn trong Thông báo Hán Nôm học năm 2000.

(4) Thời Tây Sơn đặt Tả Đồng nghị và Hữu Đồng nghị, còn được gọi là Tả Đường và Hữu Đường.

(5) Xem Nguyễn Công Việt: Về một quả ấn đồng cấp huyện thời Quang Trung trong Thông báo Khảo cổ học năm 2000.

(6) Xem “Sắc phong Đô đốc Đặng Tiến Đông” trong Đặng gia phả ký. Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 2000.

(7) Lê Quý dật sử. Nxb. KHXH, H. 1978, tr.95.

(8) Xem Nguyễn Công Việt: Góp thêm một số tài liệu về ấn triện thời Tây Sơn. Tạp chí Khảo cổ học số 1-1989.

(9) Tây Kỳ phủ tên địa danh cũ thuộc đất Bình Định, nơi phát tích phong trào Tây Sơn, sang thời Nguyễn Gia Long bị xóa bỏ đổi tên.

(10 Xem Nguyễn Công Việt: Vài nét về Khang Công Nguyễn Quang Thùy qua hình dấu ấn trên một văn bản chữ Hán thời Tây Sơn trongThông báo Hán Nôm học 1999.

(11) Chức Đô đốc đi liền với tên chức khác chúng tôi còn thấy trong ấn dấu của Trần Quang Diệu. Xin được công bố vào dịp khác.

(12) Đại Nam chính biên liệt truyện – Liệt truyện Tây Sơn – Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu D.995.

Nguồn bài đăng

0